Mở cửa các ngày từ Thứ 3 – Chủ Nhật hàng tuần. Buổi sáng từ 7h30 - 12h00. Buổi chiều từ 13h30 - 16h30
Tin tức nổi bật

VĂN HÓA ĐỌC TRONG XU THẾ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Ngày 05-04-2022 Lượt xem: 127

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Do đó văn hóa đọc của mỗi cá nhân và cộng đồng cũng có những thay đổi rõ rệt trong thời đại công nghiệp 4.0. 

Sinh viên Đại học Hạ Long tìm đọc sách tại thư viện trường. Ảnh TTTT tỉnh

Văn hóa đọc có thể được hiểu là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội, gồm ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Trọng tâm của phát triển văn hóa đọc chính là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh của họ. Đó chính là nền tảng của một xã hội học tập, của việc học suốt đời, một yêu cầu của xã hội hiện đại. Trong xã hội số, thông qua các hình thức truyền tải của công nghệ thông tin, tài liệu đọc đến với người đọc một cách hiệu quả nhất, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt nơi cư trú đều dễ dàng tiếp cận đến những tài liệu đọc giá trị mong muốn, để họ có cơ hội cải thiện chính cuộc sống. Nói đến đọc, một yếu tố quan trọng nhất đó là sách, tuy nhiên trong xu thế cách mạng 4.0 từ người viết, người làm sách tới quá trình hình thành sách đến tay người đọc cũng đã có rất nhiều thay đổi, với các hình thức, biện pháp truyền tải, hướng dẫn đọc phong phú, đa dạng và hiện đại. Trong thời đại bùng nổ thông tin và chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa đọc không chỉ giữ phương thức đọc truyền thống (sách in) mà chuyển sang phương thức hiện đại (đọc trên các thiết bị điện tử máy tính, internet, điện thoại...) đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của độc giả trong đó có giới trẻ. Phương thức đọc hiện đại và phương thức đọc truyền thống gắn kết với nhau tạo nên sự kết nối từ sách in đến sách điện tử; từ văn hóa đọc chuyển dịch sang văn hóa nghe nhìn. Ngày nay tình trạng đọc nhanh, đọc ngắn, đọc sách mỏng là một trong những tiêu chí được người đọc trẻ hướng đến và lựa chọn.  Độc giả trong xã hội số đọc sách và tiếp nhận thông tin chủ yếu qua mạng internet với các phương tiện như điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính...  Lựa chọn loại hình đọc này đã tạo ra những điểm tích cực của nó, đó là nơi trao đổi thông tin, bình luận, phản hồi của độc giả trực tiếp tới người viết, là sự trao đổi giữa người đọc với nhau. Mặt khác, thông qua hình thức đọc này tạo ra sự đa chiều trong cách đọc và tạo điều kiện thuận lợi cho người viết. Nó còn là kênh quảng cáo và giới thiệu sản phẩm sách nhanh nhạy nhất đến với công chúng. Việc hình thành thói quen đọc sách mới, phương thức đọc sách hiện đại của người đọc đó là kết quả của sự phát triển của công nghệ số. Như vậy, xét từ góc độ tích cực, mạng internet và các phương tiện truyền thông giải trí đã mang đến những phương thức đọc mới, hình thành thói quen đọc sách mới cho người đọc. Việc hình thành các chuỗi thư viện điện tử góp phần tích cực trong công tác giáo dục văn hóa đọc cho công chúng. Việc hình thành kiểu đọc mới xuất hiện và giữ vị trí quan trọng trong phương thức đọc hiện đại, đó là kiểu đọc “chủ quan” luôn hành trình cùng tác giả - tác phẩm. Việc kết hợp giữa phương thức đọc truyền thống và phương thức đọc hiện đại sẽ tạo ra cách đọc tiện ích cho người đọc trong việc tiếp nhận tác phẩm văn học. Việc hình thành thư viện điện tử tạo ra bước phát triển mới cho thư viện, phục vụ nhu cầu đọc sách của đông đảo bạn đọc. Các phương thức đọc mới góp phần vào sự phân hóa thị hiếu đọc của công chúng. Độc giả thường đọc sách nhanh hơn, sách mỏng hơn và “đọc lướt” hơn. Như vậy, thời gian dành cho việc đọc của giới trẻ ngày càng có xu hướng giảm, và giảm mạnh theo nhu cầu của bản thân và ảnh hưởng của phương tiện truyền thông đa phương tiện. Trong môi trường số, các nhóm độc giả ngày càng được cá nhân hóa, theo nhu cầu, sở thích và điều kiện của từng người. Cùng với đó thói quen, sở thích và kỹ năng đọc của mỗi người cũng có nhiều thay đổi, yếu tố này tạo ra sự đa dạng, phong phú, giàu màu sắc cho nền văn hóa đọc trong xã hội hiện đại. Kỹ năng đọc của độc giả trong môi trường số được thể hiện qua những thao tác được xác lập thành thói quen ứng xử đọc; lựa chọn có ý thức đề tài hoặc những vấn đề cần đọc cho bản thân, vận dụng thành thạo các cách đọc khác nhau đối với từng loại tài liệu đọc. Biết định hướng nguồn tài liệu cần thiết cho bản thân trong môi trường số (trong các cơ sở dữ liệu, trên internet). Thể hiện được tính hệ thống, tính liên tục trong quá trình lựa chọn tài liệu đọc (đọc từ trình độ thấp lên trình độ cao, từ các vấn đề đơn giản tới phức tạp). Biết vận dụng vào thực tiễn những nội dung đã đọc. Mục đích cuối cùng của phát triển văn hóa đọc là phát triển thói quen, sở thích và kỹ năng đọc cho mọi thành viên trong xã hội, nhưng yếu tố quan trọng và quyết định đi được đích đến cuối cùng đó chính là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của công chúng. Ngày nay các thư viện đang trong giai đoạn tự động hóa, chuyển đổi từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử/thư viện số. Các bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng đã tạo cho hệ thống thư viện công cộng có sự gần gũi, thân thiện với mọi người dân.

Tại Quảng Ninh, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định rõ: “Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp gắn chặt với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh…; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực tạo đột phá của sự phát triển…” do đó việc xây dựng một nền văn hóa đọc tiên tiến, hình thành nên công dân số, xã hội số trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo bước đột phá trong phát triển toàn diện kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã để ra

Nguồn: Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh

Gọi điện: 0203.6500.163
Facebook Youtube
wiget Chat Zalo