Mở cửa các ngày từ Thứ 3 – Chủ Nhật hàng tuần. Buổi sáng từ 7h30 - 12h00. Buổi chiều từ 13h30 - 16h30

(Click vào để xem ảnh lớn)

Hướng về cội nguồn

Lượt xem: 91 Còn hàng

Giá bán:

Liên hệ

Tôi đã được nghe chị bạn nhắc tới một số cuốn sách về chủ đề dân tộc và miền núi mới xuất bản của Nhà xuất bản Giáo dục cách đây vài tháng. Sự đón nhận của tôi lúc đó không mấy hào hứng vì tôi thường mặc định cho mình cái nhìn về thể loại này.

Tôi đã được nghe chị bạn nhắc tới một số cuốn sách về chủ đề dân tộc và miền núi mới xuất bản của Nhà xuất bản Giáo dục cách đây vài tháng. Sự đón nhận của tôi lúc đó không mấy hào hứng vì tôi thường mặc định cho mình cái nhìn về thể loại này là sách làm ra chỉ để đó. Nhưng lần này, khi cầm trên tay bốn cuốn sách thơm mùi giấy mới mang về từ 25 Hàn Thuyên thì tôi đã nhận ra mình thực sự cực đoan và phiến diện. Tôi đã bị thu hút ngay ở phần hình thức của sách bởi những cuốn sách đều in bìa cứng với chất lượng tốt, màu sắc hài hòa, trình bày nền nã. Đó là bốn cuốn sách: “Nhạc cụ các dân tộc Việt Nam”, “Từ điển hiện vật văn hóa các dân tộc”, “Tuyển tập văn học dân tộc và miền núi” tập 1 và 2. Các sách này xuất bản nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giảng dạy của học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, giáo viên phổ thông, giảng viên, cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý giáo dục và đông đảo bạn đọc, góp phần nâng cao chất lượng giác dục, dân trí trong thời kỳ mới, giữ gìn, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập (1957-2007), Nhà xuất bản Giáo dục đã cho ra mắt “Bộ sách kỉ niệm 50 năm Nhà xuất bản Giáo dục” thể hiện sự phong phú, đa dạng về đề tài, về các lĩnh vực khoa học và đời sống, trong đó có một mảng sách không thể không nói tới là các công trình khảo cứu về văn hóa Việt Nam và thế giới, nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa với một số lĩnh vực liên quan, nghiên cứu các hiện tượng văn học dưới góc nhìn văn hóa của các tác giả là những nhà văn hóa, nhà nghiên cứu văn học, sử học quen thuộc. Mỗi cuốn một góc độ nhìn nhận, một cách tiếp cận vấn đề văn hóa, nhưng đều góp phần vào “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX.

Bắt đầu từ cuốn “Nhạc cụ các dân tộc Việt Nam”, cảm nhận đầu tiên của tôi là sự trình bày linh hoạt, đổi mới với bìa sách là màu đỏ chủ đạo. Bức tranh dân gian người phụ nữ đánh đàn tạo thêm sự sinh động và là điểm nhấn cho bìa sách. Cuốn sách của nhóm tác giả Ngọc Phan, Bùi Ngọc Phương đề cập đến sự đa dạng của nền văn hóa người Việt nói chung và nền âm nhạc cùng những nhạc cụ đa sắc tộc của 54 dân tộc sống trên đất nước Việt Nam, giúp cho đông đảo bạn đọc hiểu thêm về sự phong phú, đa dạng của nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Với 320 trang, khổ 16x24, bạn đọc sẽ thực sự thích thú khi được giở từng trang từng trang giấy bóng chứa những hình ảnh chân thực và cuốn hút. Cuốn sách đã giới thiệu đầy đủ các nhạc khí dân tộc (như các nhạc khí họ dây, họ hơi, họ tự thân vang, họ màng rung) và các dàn nhạc dân tộc cổ truyền. Tôi rất ấn tượng với cách trình bày của sách bởi nó đem lại cho người đọc cảm giác rất dễ chịu từ những họa tiết thể hiện đặc trưng của dân tộc đến những hình ảnh về con người đang sử dụng nhạc cụ cũng như những nhạc cụ được chụp đặc tả. Cách thể hiện này sẽ giúp người đọc dễ dàng tiếp cận với những khái niệm, lối mô tả bằng chữ sẽ được hình ảnh minh họa một cách đắc lực nhất. Đây là một cuốn cẩm nang tốt cho những người muốn tìm hiểu về nhạc cụ dân tộc.

Đọc Tuyển tập văn học dân tộc và miền núi, chúng ta lại được bước sang một lĩnh vực hoàn toàn khác. Văn học hiện đại Việt Nam là một nền văn học thống nhất, đa dân tộc. Thể hiện đặc trưng quan trọng này một cách rực rỡ nhất, có lẽ là ở sự có mặt của những tác phẩm văn học viết về miền núi và các dân tộc thiểu số trong thành tựu văn học chung của cả nước. Tuyển tập Văn học dân tộc và miền núi của Nhà xuất bản Giáo dục ra đời không gì khác hơn là sự kế thừa, khẳng định thêm một lần nữa các giá trị vốn có một cách hệ thống ở một môi trường và đối tượng mới: nhà trường phổ thông, giáo viên và học sinh. Trước một khối lượng đồ sộ các tác phẩm văn học viết về dân tộc và miền núi, nhóm tuyển chọn đã dựa trên một tiêu chí có tính chất tổng hòa; vừa tôn trọng những giá trị có tính lịch sử, giai đoạn, vừa chú trọng những giá trị có tính lâu bền; chọn những tác phẩm hay trên cơ sở thẩm mỹ chung nhưng vẫn cố gắng đảm bảo nguyên tắc phù hợp với đối tượng phục vụ và dung lượng bộ sách. Do vậy, hiển nhiên là sẽ có những tác phẩm xuất sắc lại không có mặt ở Tuyển tập này. ở tuyển tập này, với mỗi tác phẩm được chọn còn có phần giới thiệu sơ lược tiểu sử và các tác phẩm của nhà văn đồng thời còn có phần lời bình của các nhà văn, nhà lí luận phê bình, nhà giáo… cung cấp thêm cho bạn đọc - đặc biệt là giáo viên và học sinh các trường miền núi - ít nhiều gợi mở có ích cho công việc thưởng thức và bình phẩm thơ văn. Bộ Tuyển tập này sẽ là một công trình rất bổ ích đối với đông đảo bạn đọc quan tâm đến thành tựu của văn học dân tộc và miền núi từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay.

Tuyển tập thơ do Nông Quốc Chấn chủ biên gồm các bài thơ hay viết về dân tộc và miền núi của các tác giả người dân tộc thiểu số và cả người Kinh, kèm theo đó là những bài bình về những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo, bản sắc của từng bài thơ; về thi pháp và phong cách thể hiện; về sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa hiện thực cuộc sống và chất trữ tình lãng mạn… Ngoài ra Tuyển tập còn giới thiệu sơ lược về tác giả - tác phẩm để bạn đọc tiện theo dõi và tham khảo. Tuyển tập này nói như Trần Đăng Khoa “Đó là một cái túi thổ cẩm với những gam mầu tươi tắn, rực rỡ, muôn hình muôn vẻ, muôn sắc, muôn hương, được thêu dệt bởi những bàn tay điêu luyện của các thi sĩ dân tộc và người Kinh… Nếu ví thơ ca như là một món ăn thì tuyển tập này là bữa tiệc linh đình với rất nhiều loại rượu khác nhau, có không ít rượu quý được các thi sĩ chưng cất từ nhiều vùng rừng, nhiều hẻm núi xa thẳm…”. Trong Tuyển tập này có những bài thơ của Hồ Chí Minh như “Cảnh rừng Việt Bắc”, “Lên núi”, “Tức cảnh Pác Bó”, “Cảnh khuya”… với những lời bình vô cùng sâu sắc. Hay những bài thơ của Hoàng Văn Thụ, Hoàng Đức Hậu, Ngọc Anh, Vương Anh… cũng để lại cho người đọc những ấn tượng khó phai…

Cùng với Tuyển tập thơ, Tuyển tập văn xuôi do nhà văn Ma Văn Kháng chủ biên đã hợp thành bộ Tuyển tập văn học dân tộc và miền núi của Nhà xuất bản Giáo dục. Nói là văn xuôi nhưng Tuyển tập chỉ thu hẹp đối tượng tuyển chọn vào các thể tài ngắn là truyện hoặc kí. Có thể thấy, với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mảng văn xuôi hiện đại dân tộc và miền núi bước vào thời kì phát triển mới, bột phát và mạnh mẽ. Trước năm 1945, số nhà văn dành tâm lực viết về đời sống xã hội và con người miền núi là rất ít ỏi. Sau 1945, theo định hướng của đường lối văn nghệ của Đảng, mảng văn học này được quan tâm phát triển cả về lực lượng sáng tác, cách viết, số lượng và chất lượng tác phẩm. Và cho đến nay, hơn nửa thế kỷ qua, mảng văn học này đã đạt được những thành tựu đáng kể, làm nức lòng người. Mảng văn xuôi này đã thu hút một đội ngũ tác giả nhiều thế hệ, ở khắp miền vùng. Phần đông viết bằng bút pháp của chủ nghĩa hiện thực mới, đứng trên lập trường tư tưởng yêu nước, tiến bộ, cách mạng. Cùng với Hợp tuyển văn thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam (1945 - 1980), Nhà văn các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Tuyển tập văn xuôi dân tộc và miền núi thế kỷ XX… của các Nhà xuất bản khác, Tuyển tập văn học dân tộc và miền núi của Nhà xuất bản Giáo dục đã cố gắng bao quát đội ngũ tác giả chủ yếu với những tác phẩm tiêu biểu của mảng truyện ngắn, kí dân tộc và miền núi từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay. Tác phẩm mở đầu là “Gốc gội xù xì” của Hà Cẩm Anh đã cho chúng ta thấy một lối kể chuyện điềm tĩnh, trong đó sử dụng ngôn ngữ ghi chép khách quan đến lạnh lùng, ẩn chức niềm xót xa phẫn uất. “Lỡ hẹn” của Kim Bình đã thể hiện sự am hiểu về tâm tư, tình cảm của nhân vật với những giận hờn trách móc đáng yêu ở một người phụ nữ giàu tình cảm, giàu lòng vị tha và gây thiện cảm với người đọc bằng chính sự chân thật, hồn nhiên của mình. Rồi “Ché mèn được đi họp” của Nông Minh Châu, “Ảo ảnh sông Bôi” của Bùi Minh Chức, “Đêm nguyệt thực” của Trung Trung Đỉnh, “Ké Nàm” của Hoàng Hạc… đều đem đến cho người đọc những cảm xúc chân thực, giản dị và chứa chan tình người. Tôi thích nhất là truyện “Người săn gấu” của Cao Duy Sơn không chỉ bởi câu chuyện tình cảm động của cô Phón chàng Thim đã gây xúc động cho người đọc, mà còn bị cuốn hút vào những trang tác giả đực tả cảnh săn bắt thú với nhiều chi tiết sống động. Cái tài của Cao Duy Sơn là anh đã mang đến cho độc giả một tình cảm thiết tha, gắn bó với vẻ đẹp hoang dã của núi rừng, muông thú, từ đó thức tỉnh ở mỗi người ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường, bảo vệ mọi giá trị đang tồn tại trong cuộc sống. Thành công của truyện không ở sự cầu kì trong kết cấu, sự hoa mĩ trong ngôn từ mà chính ở sự chân thực toát ra từ hình tượng nhân vật. Cái tôi tâm đắc với sách là sau mỗi truyện ngắn đều có những lời bình của những nhà văn, nhà phê bình có tên tuổi, có lối cảm nhận tác phẩm hết sức trung thực và công bằng. Thành công của tuyển tập Văn học dân tộc và miền núi, đặc biệt là tập văn xuôi là đã có cho mình những tác phẩm hay, tiêu biểu, thể hiện được đặc trưng vùng miền rõ nét, giúp người đọc qua đó dễ dàng hình dung, cảm nhận chính xác hơn về những vùng đất xa xôi với bao câu chuyện đời người cảm động.

Cuốn Từ điển hiện vật văn hóa các dân tộc Việt Nam là một trong những cuốn sách được chọn vào mảng sách tham khảo đặc biệt này. Thông qua các hiện vật tiêu biểu của 54 dân tộc, tập thể tác giả của Bảo tàng dân tộc học Việt Nam muốn giới thiệu với bạn đọc, nhất là các em học sinh phổ thông nền văn hóa phong phú, đa dạng của các dân tộc Việt Nam để từ đó thêm hiểu biết, tôn trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Với quan niệm đây là công trình khởi đầu có tính chất chấm phá, nên các hiện vật lựa chọn chỉ giới hạn trong trong bộ sưu tập của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, những hiện vật đã đang và sẽ được giới thiệu trong các trưng bày của bảo tàng. Khoảng 1.500 hiện vật được giới thiệu trong tổng số khoảng 20.000 hiện vật hiện lưu giữ ở Bảo tàng Dân tộc học. Con số tuy chưa phản ánh đầy đủ và toàn diện diện mạo văn hóa Việt Nam, nhưng nó cũng có thể giúp cho người đọc hiểu được những nét cơ bản về văn hóa của các dân tộc Việt Nam thông qua những hiện vật vẫn đang được sử dụng trong đời thường và hàng ngày, hoặc nhiều hiện vật vẫn còn được sử dụng trong thời gian cây chưa lâu. Diện mạo về văn hóa đương đại là trọng tâm của sự lựa chọn trong cuốn từ điển này. Cuốn sách được biên soạn theo những nguyên tắc phản ánh diện mạo văn hóa của tất cả 54 dân tộc Việt Nam. Đây là một công trình vô cùng phức tạp và phong phú, giúp người đọc nhận định khái quát và rõ nét hơn về văn hóa Việt Nam. Từ điển Hiện vật văn hóa các dân tộc Việt Nam do PGS. TS Nguyễn Văn Huy chủ biên cùng với một tập thể các tác giả, nhà nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu… đóng góp vào đã thể hiện được tinh thần làm việc nghiêm túc và tâm huyết. Cuốn sách với 772 trang dày dặn đã thực sự tạo được niềm tin của độc giả vào lượng tư liệu dồi dào, phong phú đầy giá trị.
Có thể dễ dàng nhận thấy những cuốn sách này có tính chất bề thế, phạm vi bao quát rất dài rộng về thời gian, không gian và đối tượng nghiên cứu. Chúng ta có thể thỏa sức tìm hiểu và bồi đắp kiến thức về văn hóa dân tộc và miền núi. Bộ sách này như một biểu trưng tốt đẹp cho sự phát triển mạnh mẽ, cho sự lớn mạnh không ngừng của Nhà xuất bản Giáo dục và cũng là tín hiệu mừng cho ngành xuất bản Việt Nam khi ngày càng có nhiều sản phẩm chất lượng cao, có ý nghĩa thực tiễn như vậy.

Danh mục sách
Liên hệ

Gọi điện: 0203.6500.163
Facebook Youtube
wiget Chat Zalo