Mở cửa các ngày từ Thứ 3 – Chủ Nhật hàng tuần. Buổi sáng từ 7h30 - 12h00. Buổi chiều từ 13h30 - 16h30
Tin tức nổi bật

Ngày 20 – 11, ngày truyền thống tri ân các thầy cô giáo!

Ngày 18-11-2015 Lượt xem: 104

Hàng năm, cứ đến tháng 11, tất cả các thế hệ học trò trong cả nước đều náo nức tưởng nhớ về công ơn của các thầy cô giáo, những người đã và đang gieo hạt giống tri thức cho những mầm xanh vươn lên từng ngày, từng tháng, cho từng thế hệ đời người.
      Đây là ngày để xã hội tôn vinh địa vị của người thầy, người gieo mầm cho quê hương, đất nước, mang nhiều hoa thơm, trái ngọt cho đời và đó cũng là dịp để các thế hệ học trò tri ân về những người đã dạy dỗ, uốn nắn mình nên người. Làm sao có thể nói hết tình cảm của thầy cô - những người đã từng dạy dỗ, dìu dắt các lớp học trò. Tình cảm ấy giống như “ Lòng sông sâu con sào dài đo được, công ơn thầy ai đếm được sự bao la”.

       

       Như Bác Hồ đã khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”, và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời.”

        Bác Hồ tới thăm các cháu và thầy cô lớp vỡ lòng tại Hàng Than ( Hà Nội)

       Với những ý nghĩa to lớn đó, từ cách đây 61 năm, vào tháng tháng 8-1954 Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (FISE), hội nghị quốc tế các nhà giáo với nòng cốt là công đoàn giáo dục các nước XHCN đã đưa ra sáng kiến và nhất trí thông qua “bản hiến chương các nhà giáo”. Tháng 8-1957, Hội nghị quốc tế các nhà giáo họp tại Vác-xa-va (Ba Lan) đã quyết định lấy ngày 20-11 hằng năm là Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Bản Hiến chương các nhà giáo gồm 15 chương với quan điểm đấu tranh chống các phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học. Đấu tranh bảo vệ những quyền lợi về vật chất, tinh thần chính đáng cho các nhà giáo, chống lại sự bạc đãi, khinh miệt nghề giáo. Đồng thời quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao vị trí nghề dạy học và những người dạy học.
Đến năm 1958 được sự nhất trí của Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là ĐCSVN), Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phổ biến toàn văn bản Hiến chương các nhà giáo đến các trường học, các cơ quan giáo dục miền Bắc, đồng thời thông tin đến đồng bào, học sinh, sinh viên miền Nam và quyết định tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo lần đầu tiên ở nước ta vào ngày 20-11-1958.
        Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20-11-1958, không những được tổ chức tại Hà Nội, mà còn diễn ra từ Vĩnh Linh (giới tuyến quân sự tạm thời giữa ta và địch) đến các vùng biên giới hải đảo. Từ miền núi đến vùng đồng bằng ở miền Bắc đều có những hoạt động phong phú tại các trường học trên địa bàn huyện, quận, thị xã… Và đã tạo nên một làn sóng sôi sục đấu tranh trong mọi tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên, nhà giáo đòi thực hiện một nền giáo dục dân tộc, dùng tiếng Việt dạy trong các trường đại học, đòi tăng ngân sách cho giáo dục để mở trường lớp, bảo đảm việc học tập cho học sinh, bài trừ tệ nạn văn hóa-giáo dục nô dịch trụy lạc của đế quốc Mỹ; đấu tranh chống mọi cuộc đàn áp, bắt bớ, tù đày, sát hại những nhà giáo, học sinh, sinh viên yêu nước tại miền Nam Việt Nam và kiên quyết đấu tranh nhằm đem lại hòa bình, độc lập, thống nhất nước nhà.
        Với ý nghĩa tích cực của Ngày 20-11, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26-9-1982 quyết định hằng năm sẽ lấy ngày 20-11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Quyết định đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với giáo giới nước ta, đồng thời đánh giá cao vị trí, vai trò của đội ngũ giáo viên, những người làm công tác giáo dục trong sự nghiệp đào tạo lớp người lao động mới vừa có đức, vừa có tài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

        Ở thời đại nào cũng vậy, mỗi người sinh ra, lớn lên cũng đều cần đến sự học. Học, học mãi, học đến cả đời, học ở mọi lúc, mọi nơi. Và dù học dưới hình thức nào đi chăng nữa thì người thầy vẫn luôn giữ một vai trò rất quan trọng. Vì thế, địa vị của người thầy trong xã hội luôn được nâng cao. Giáo dục vẫn luôn cần có thầy, thành công của trò có một phần lớn công lao cao quý của thầy cô giáo.
Quả thật vậy, nghề dạy học là một nghề vô cùng cao quý, đào tạo nên nguồn nhân lực quyết định tới sự phát triển của đất nước. Không gì có thể sánh bằng công lao vất vả của những người thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp trồng người. Bao nhiêu lứa học sinh đi qua,mái tóc thầy càng trở nên bạc trắng theo năm tháng, nhưng sự tâm huyết muốn đem đến tri thức và những bài học quý giá cho các học trò của mình thì mãi sẽ không thay đổi trong tâm thức của mỗi người thầy. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, thầy cô như những người lái đò cần mẫn chở những người học trò sang sông, gieo mầm tri thức, nâng cánh ước mơ giúp học trò đến được những bến bờ mới lạ.

        Và từ đó đến nay, Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo 20 – 11 đã trở thành ngày truyền thống tri ân các thầy cô giáo, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của người thầy trong xã hội, trong mọi thế hệ học trò, cũng như phát huy những truyền thống cao đẹp của dân tộc ta, một dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến và có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo từ ngàn đời.

                                                                                                         Nguyễn Quỳnh

Gọi điện: 0203.6500.163
Facebook Youtube
wiget Chat Zalo