Mở cửa các ngày từ Thứ 3 – Chủ Nhật hàng tuần. Buổi sáng từ 7h30 - 12h00. Buổi chiều từ 13h30 - 16h30
Tin tức nổi bật

Luật Biên phòng Việt Nam - Ý nghĩa lịch sử và xã hội trong thời kỳ mới

Ngày 25-05-2022 Lượt xem: 138

Lịch sử dựng nước, giữ nước và đấu tranh bảo vệ bờ cõi, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở nơi phên dậu, tiền tiêu Tổ quốc của dân tộc ta đã để lại nhiều bài học quý báu. Một trong những bài học đó là ở bất kỳ giai đoạn nào cũng cần có những chủ trương, sách lược đúng đắn chỉ đạo công tác Biên phòng của nước nhà. Lịch sử cho thấy, những “hảo phương lược”, những “kế cửu an” đã được ông cha ta thực hiện tốt và truyền lại cho các thế hệ con cháu mai sau.

Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Nhé, BĐBP Điện Biên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh Trường Trung học phổ thông bán trú Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Anh Dũng

Bước sang thời đại Hồ Chí Minh, trên cơ sở kế thừa quan điểm, tư tưởng đánh giặc giữ nước của cha ông và quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ biên giới là “canh cửa cho Tổ quốc”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, thể hiện tư duy mới về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; trong đó, nổi bật nhất là giải pháp “Sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam”. Thực tế cho thấy, sau hơn 2 năm nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, với quyết tâm chính trị và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, trước hết là trách nhiệm của Ban Soạn thảo, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các đại biểu Quốc hội khóa XIV, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 đã được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua, được Chủ tịch nước công bố trong Lệnh số 11/2020/L-CTN ngày 25-11-2020 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2022.

Trong lịch sử lập pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 là văn bản luật đầu tiên quy định một cách tổng thể “chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về Biên phòng”. Sự ra đời của Luật Biên phòng Việt Nam thể hiện sâu sắc nguyện vọng của nhân dân trong việc thể chế quan điểm của Đảng về công tác Biên phòng; đồng thời, tô thắm thêm và “khắc họa” rõ nét nghệ thuật bảo vệ biên giới của cha ông trong một “bản văn pháp lý” về Biên phòng của thời kỳ mới - thời kỳ biên giới, lãnh thổ của các quốc gia chịu tác động mạnh mẽ của những thách thức an ninh phi truyền thống và việc giải quyết những thách thức đó phải trên cơ sở pháp luật.

Trước khi có hiệu lực vào ngày 1-1-2022, “Bản văn pháp lý” ấy đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến toàn thể xã hội. Đã có khoảng 34.300.000 kết quả về “Luật Biên phòng Việt Nam” và khoảng 47.300.000 kết quả về “Law on Vietnam Border Defense” được tìm thấy trên Google. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 286/QĐ-TTg ngày 2-3-2021 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020. Bộ Quốc phòng (trực tiếp tham mưu là Bộ Tư lệnh BĐBP) đã ban hành Thông tư số 163/2021/TT-BQP ngày 14-12-2021 quy định hình thức quản lý, bảo vệ biên giới thường xuyên và quản lý, bảo vệ biên giới tăng cường của BĐBP và tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 106/2021/NĐ-CP ngày 6-12-2021 quy định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam; Nghị định số 02/2021/NĐ-CP ngày 2-12-2021 quy định quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của BĐBP.

Trước hết, phải khẳng định rằng, bằng kỹ thuật lập pháp đương đại, Luật Biên phòng Việt Nam đã thể chế hóa quan điểm chính trị cốt yếu về công tác Biên phòng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là, phải xây dựng được lực lượng chuyên trách “bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến” (Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 19-11-1958 của Bộ Chính trị về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và biên phòng), xây dựng lực lượng BĐBP trong tình hình mới (Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8-8-1995 của Bộ Chính trị về xây dựng BĐBP trong tình hình mới); xây dựng BĐBP trở thành một quân chủng, là lực lượng đầu tiên, bám trụ đến cùng và phối hợp với các lực lượng thực thi nhiệm vụ Biên phòng khác để bảo vệ biên giới; xây dựng nền Biên phòng toàn dân, thế trận lòng dân, thế trận Biên phòng toàn dân và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn thể nhân dân để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia). Sự ra đời và phát huy hiệu lực thực tế của Luật Biên phòng Việt Nam không chỉ thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, mà còn thể hiện sự thống nhất giữa chủ trương, đường lối của Đảng với ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong việc thực thi công tác Biên phòng.

Hòa vào “dòng chảy” chung của hệ thống pháp luật, Luật Biên phòng Việt Nam là cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ Biên phòng của các cơ quan nhà nước và các lực lượng chức năng, là “hành lang”, là “quy tắc xử sự” của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội khi tham gia vào hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Các quy định của Luật Biên phòng Việt Nam vừa điều chỉnh một cách hợp lý các quan hệ xã hội, vừa làm nảy sinh những yếu tố mới, tích cực và tiến bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ Biên phòng của cả Nhà nước và xã hội trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, với tư cách là một văn bản luật “gia nhập” vào cơ chế điều chỉnh pháp luật của hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam trở thành nguồn quan trọng cho các nghiên cứu của cả khoa học quản lý, khoa học pháp lý, khoa học quân sự và khoa học Biên phòng trong thời gian tới, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận quản lý nhà nước về Biên phòng; nghiên cứu, tổng kết thực tiễn tổ chức và hoạt động của các chủ thể thực thi nhiệm vụ Biên phòng; thực tiễn xây dựng và thực hiện pháp luật trong lĩnh vực Biên phòng; rút ra những kết luận khoa học về lý luận cũng như thực tiễn và đề xuất ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về Biên phòng...

Đặc biệt, với những quy định có tính chất “khuôn mẫu” phù hợp với xu thế và sự phát triển của đất nước, của thời đại, Luật Biên phòng Việt Nam là cơ sở để định hình xây dựng và củng cố “thế trận lòng dân”, “nền Biên phòng toàn dân”, “thế trận Biên phòng toàn dân” với những “sinh lực” mới, “sức sống” mới, mạnh mẽ hơn, hào hùng và bền vững hơn. Các “kiến thức cơ bản” về Biên phòng quy định trong Luật Biên phòng Việt Nam cần được các thế hệ người Việt Nam - “con Rồng, cháu Tiên” hôm nay và mai sau nhận thức đầy đủ, thống nhất và thực thi nghiêm túc để góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới

Trên phạm vi cả nước, UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam đến cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân và quần chúng nhân dân. Những chương trình, kế hoạch và hành động đó đã làm cho Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 có sức lan tỏa mạnh mẽ và mang ý nghĩa xã hội sâu sắc trên nhiều khía cạnh.

Xem chi tiết Luật Biên phòng Việt Nam tại đây: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-so-66-2020-QH14-Bien-phong-Viet-Nam-2020-439845.aspx

Nguồn: bienphong.com.vn

Gọi điện: 0203.6500.163
Facebook Youtube
wiget Chat Zalo