Mở cửa các ngày từ Thứ 3 – Chủ Nhật hàng tuần. Buổi sáng từ 7h30 - 12h00. Buổi chiều từ 13h30 - 16h30
Tin trong nghành

Suy nghĩ về Thư viện và Văn hóa đọc ở Việt Nam trong kỷ nguyên số

Ngày 22-07-2019 Lượt xem: 73

I. Nguyên lý cơ bản, sự thay đổi có tính bước ngoặt, quan trọng nhất của hoạt động thư viện trong kỷ nguyên số so với hoạt động thư viện truyền thống.

Thư viện truyền thống ở Việt Nam đã có từ hàng trăm năm trở lại đây: khi mà các thư viện không chỉ là nơi tàng trữ kho tàng tri thức của nhân loại, mà quan trọng hơn, nó còn được tổ chức để phục vụ đông đảo mọi nhu cầu thông tin-tri thức của các tầng lớp nhân dân và tổ chức trong xã hội. Và hầu như trong suốt chiều dài lịch sử của thư viện truyền thống ấy; hoạt động phục vụ người đọc/người dùng thông tin trong xã hội được mặc định theo một nguyên lý “thuận chiều”, đó là: Thư viện và kho tàng tri thức-thông tin thì đứng yên một chỗ; còn bạn đọc/người dùng thông tin thì phải di chuyển đến thư viện để đọc, mượn tài liệu v.v…

Câu chuyện trên đây đã bắt đầu thay đổi theo chiều hướng ngược lại (thâm chí 180 độ), khi mà hoạt động của thư viện truyền thống ở Việt Nam cũng như trên thế giới có sự can thiệp mạnh mẽ của máy vi tính và ứng dụng CNTT trong tác nghiệp thư viện; khi mà các thư viện đã chuyển mạnh sang xây dựng thư viện điện tử-thư viện số-thư viện ảo, nhằm phục vụ tốt hơn, nhanh và hiệu quả hơn người đọc/người dùng tin trong xã hội (với nhiều CSDL thư mục, CSDL toàn văn, bộ sưu tập số …với hàng chục vạn-hàng triệu trang in). Đến lúc này, bên cạnh hoạt động thư viện truyền thống (tức là bạn đọc đến thư viện đọc-mượn tài liệu như thường lệ); đã xuất hiện một phương thức phục vụ mới, linh hoạt hơn, đó là: Bạn đọc/người dùng tin muốn có thông tin-tri thức, có thể không cần đến thư viện, chỉ cần ngồi một chỗ, với vài thao tác “nhấp chuột” máy vi tính, là tức khắc có thể đọc/xem tài liệu ở thư viện nào đó (hoặc tìm kiếm các bộ sưu tập số ở đâu đó); phục vụ và thỏa mãn cho nhu cầu thông tin-tri thức của mình.

Quy trình phục vụ/tự phục vụ bạn đọc trong công tác thư viện này là một quy trình hoàn toàn ngược lại với hoạt động của thư viện truyền thống nói trên; tức là: Người đọc/người sử dụng thông tin thi đứng yên một chỗ, còn thông tin và tri thức thì lại di chuyển (nhanh và rất nhanh) trên mạng Internet. Đó có thể coi là sự thay đổi cơ bản và quan trọng nhất; sự khác biệt lớn nhất trong hoạt động thư viện hiện đại, trong kỷ nguyên số so với hoạt động thư viện truyền thống. Và chính yếu tố này, sự thay đổi bước ngoặt có tính quyết định này; cũng sẽ góp phần làm thay đổi căn bản và toàn diện mọi hoạt động của thư viện hiện đại ở nước ta; khi ứng dụng CNTT trong các khâu tác nghiệp thư viện: từ khi bổ sung sách báo/tài liệu, xử lý kỹ thuật, tổ chức kho tư liệu & bộ máy tra cứu (CSDL thư mục và CSDL toàn văn/các bộ sưu tập số…); đến khi tổ chức hệ thống phục vụ bạn đọc (trong và ngoài thư viện) và tổng hợp, kiểm kê, thống kê…các số liệu và dữ liệu của hoạt động thư viện.

II. Nhận diện những thách thức của thư viện VN trong kỷ nguyên số.

Trong xã hội hiện đại, trong kỷ nguyên số, hoạt động thư viện của chúng ta sẽ có những biến đổi rất khác so với trước, cùng với nhiều thử thách phức tạp, mà nếu chúng ta không lường trước, dễ bị động và lúng túng; ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thư viện hiện tại và tương lai. “Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số và kết nối mạng, ngoài việc cần có không gian cho mọi người tập hợp và giao tiếp trực tiếp với nhau; Thư viện cần tuân theo các xu hướng công nghệ và xã hội để điều chỉnh sản phẩm của mình cho phù hợp. Người sử dụng không muốn chỉ sử dụng 1cách thụ động, mà muốn được sáng tạo, trở nên năng động và thử nghiệm những điều mới mẻ, họ muốn chia sẻ ý tưởng, kiến thức với những người khác thông qua mạng thư viện”(1)

Sau đây là nhận diện những thách thức của thư viện Việt Nam trong kỷ nguyên số:

1) Tổ chức kho tài liệu thư viện như thế nào?

Chúng ta biết rằng: kho tài liệu thư viện là rất quan trọng đối với mỗi thư viện (kể cả truyền thống hay hiện đại); là một trong 4 yếu tố quan trọng nhất cấu thành thư viện.Nếu như trong thư viện truyền thống chủ yếu bao gồm kho sách báo tài liệu in (bằng giấy); thì trong thư viện hiện đại, kho tài liệu chủ yếu dưới dạng số-dạng điện tử- dạng ảo (các CSDL thư mục và toàn văn, các bộ sưu tập số …). Vì thế, tổ chức kho tư liệu điện tử này trong thư viện như thế nào để cán bộ thư viện dễ quản lý/sử dụng và tác nghiệp; đồng thời quan trọng hơn để bạn đọc/người dùng tin thuận tiện tra cứu và sử dụng? (tránh tình trạng thư viện có tài liệu (thậm chí có nhiều tài liệu quý hiếm); mà bạn đọc không thể tra cứu được/mượn được/đọc được, vì công tác tổ chức kho luộm thuộm, bộ máy tra cứu kém hiệu quả ! Mặt khác, thư viện cũng cần cân nhắc, tính toán khi làm “hồi cố” kho tài liệu thư viện (chuyển từ dạng giấy sang dạng điện tử, làm cái gì trước, cái gì sau; cái gì không cần hồi cố v.v…).Thêm vào đó; công tác bảo quản tư liệu điện tử rất quan trọng, bởi nếu hạ tầng công nghệ thông tin kém, máy chủ không đủ dung tích chứa nhiều dữ liệu; vi-rút thường xuyên “tấn công” và phá hoại các dữ liệu-thông tin, thì coi chừng (nếu thư viện bảo quản-bảo trì dữ liệu không tốt); thì chỉ 1 đêm, coi như toàn bộ dữ liệu thư viện bị hỏng và mất mát hết. Đây cũng là cảnh báo và thách thức đầu tiên khi thư viện đầu tư phầm mềm quản trị dữ liệu và đầu tư hạ tầng CNTT cho hoạt động thư viện trong môi trường điện tử.

2) Hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng CNTT trong thư viện.

Chúng ta biết rằng: Hạ tầng CNTT và ứng dụng CNTT trong thư viện điện tử-thư viện số; trong kỷ nguyên số ở nước ta có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động thư viện hiện đại. Bởi lẽ trong thư viện hiện đại, hầu hết các tác nghiệp thư viện đều được thực hiện bằng máy vi tính: từ bổ sung tài liệu, xử lý kỹ thuật, tổ chức kho & các CSDL, đến tổ chức phục vụ bạn đọc và các khâu: thống kê, tổng hợp số liệu  thư viện (do cán bộ thư viện đã lập trình, đưa các dữ liêu, thông số vào máy tính). Cho nên việc thư viện căn cứ vào điều kiện và đặc thù của mình để đầu tư hạ tầng CNTT cho thư viện, cũng như ứng dụng CNTT như thế nào để đem lại hiệu quả tốt nhất? là một bài toán để lãnh đạo đơn vị cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng (cũng bởi vì đầu tư cho công việc này là vô cùng tốn kém; tiền tỷ, thậm chí hàng chục tỷ/1 thư viện). Đây có thể coi là thách thức thứ 2 của công tác thư viện trong kỷ nguyên số.

3) Đội ngũ cán bộ thư viện-nhân tố quyết định mọi hoạt động thư viện trong kỷ nguyên số.

Chúng ta biết rằng: trong mọi hoạt động của thư viện, thì nhân tố con người (cán bộ thư viện) đóng vai trò quan trọng nhất. Nó quyết định thành/ bại của công tác thư viện. Và như trên đã phân tích; trong hoạt động của thư viện hiện đại/trong kỷ nguyên số, vai trò con người (cán bộ thư viện-với tri thức khoa học thư viện hiện đại) lại càng quan trọng và có giá trị hơn, bởi hầu hết các tác nghiệp thư viện hiện đại là do cán bộ thư viện (với tri thức và hiểu biết chuyên môn vững vàng, thông tuệ) sẽ điều hành và tác nghiệp, kết nối thông tin-tri thức giữa thư viện và bạn đọc; để bạn đọc dễ dàng tra cứu/đọc/mượn tài liệu của thư viện thông qua các CSDL, các bộ sưu tập số của thư viện một cách nhanh chóng, hiệu quả, tiện lợi…(đây cũng là cách thư viện Việt Nam chúng ta sẵn sàng tiếp cận và phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong tương lai).

Tuy nhiên, với yêu cầu của công việc thư viện trong kỷ nguyên số; rõ ràng, áp lực và những đòi hỏi về tiêu chí/tiêu chuẩn của người cán bộ thư viện Việt Nam trong bối cảnh hiện đại và tương lai cũng sẽ vô cùng khắt khe, toàn diện: Người cán bộ thư viện không chỉ nhiệt huyết, yêu nghề, có phẩm chất đạo đức tốt, mà còn cần hơn các tố chất: linh hoạt, sáng tạo, năng động trong công việc và không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn (trong đó có chuyên môn ứng dụng CNTT trong môi trường điện tử/kỷ nguyên số). Nếu chúng ta không nhất quán điều này, không chịu khó học hỏi bạn bè, đồng nghiệp, thư viện bạn; để khắc phục yếu kém, nâng cao trình độ lý luận và thực tiễn, thì dễ tụt hậu với thời cuộc. Đây có thể coi như thách thức thứ 3 và quan trọng nhất với mỗi thư viện Việt Nam trong kỷ nguyên số.

III. Vai trò của thư viện trong nguyên số.

Chúng ta biết rằng thư viện luôn có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Với tư cách là cơ quan thông tin, cơ quan giáo dục ngoài nhà trường, thư viện là nơi cung cấp thông tin & tri thức cho mọi cá nhân và tổ chức trong xã hội, phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí, sản xuất, kinh doanh và cả lao động, sáng tạo v.v... Nhiều thông tin, tri thức có trong các thư viện là kho tàng tri thức của nhân loại, được tích lũy qua nhiều thế hệ, đã được trao truyền, được kế thừa cho các đời sau, để mỗi bạn đọc sau khi tiếp cận tri thức và thông tin quý giá ấy, sẽ góp phần làm giàu cho kiến thức bản thân và với sự năng động và sáng tạo của mỗi người, mỗi tổ chức, sẽ chuyển hóa nó thành sản phẩm, thành hàng hóa, thành tiền bạc, thành công cụ/hoặc tư liệu sản xuất, để rồi quy trình này lại tác động vào cuộc sống, vào sản xuất, làm gia tăng giá trị thặng dư (theo quan điểm của Các Mác trong tác phẩm kinh điển, bất hủ của Người: Tư bản luận).

Cán bộ thư viện và bạn đọc đang tra cứu thông tin trên mạng internet (tại Không gian chia sẻ S.hub, Thư viện Quốc gia VN năm 2016)

 

Mặt khác, trong xã hội thông tin hiện đại/trong kỷ nguyên số, ta sẽ thấy vai trò của thư viện sẽ lớn hơn, tuyệt vời hơn so với thư viện truyền thống. Bởi những lý do khách quan sau đây:

1. Việc số hóa tài liệu và xây dựng các bộ sưu tập số sẽ giúp giảm thiểu đáng kể diện tích, không gian lưu giữ tài liệu-dữ liệu trong thư viện;

2. Giúp cho bảo quản, duy trì tuổi thọ của tài liệu truyền thống lâu bền hơn;

3. Dễ dàng mở rộng phạm vi cộng đồng người sử dụng tài nguyên thông tin (có thể nói là không biên giới);

4. Tiện ích trong việc truy xuất tìm kiếm thông tin và đọc chúng ở bất kỳ đâu, vào bất cứ thời điểm nào một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện;

5. Thuận lợi trong việc chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin của thư viện với các thư viện khác, nước này với nước khác…..

6. Giảm thiểu tối đa sức người, sức của và cả chi phí cho việc quản lý nguồn tài nguyên thông tin truyền thống;

7. Góp phần nhanh chóng tái tạo thông tin mới có giá trị gia tăng cao hơn.

Cuối cùng, phát triển văn hóa đọc và thư viện trong kỷ nguyên số là một trong những cách thức quan trọng và cần thiết mà Việt Nam thực hiện để rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực cũng như khoảng cách phát triển giữa các vùng miền trong nước.

IV. Một số giải pháp để phát huy vai trò của thư viện và đẩy mạnh văn hóa đọc trong nguyên số.

Từ những thách thức đối với thư viện trong kỷ nguyên số, để phát huy tốt vai trò của thư viện và đẩy mạnh văn hóa đọc trong tương lai; xin được đề xuất một số giải pháp chủ yếu như sau:

1. Không ngừng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về công tác thư viện, trong đó có Luật Thư viện và các VBPQ quan trọng khác của Chính phủ, Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành Trung ương...(Lưu ý các nội dung, vấn đề liên quan đến đầu tư xây dựng và phát triển thư viện điện tử-thư viện số-thư viện ảo, vấn đề truy cập mở và bản quyền tác giả v.v....); tạo hành lang pháp lý thuận lợi và thông thoáng để phát triển thư viện trong kỷ nguyên số ở nước ta.(đây có thể coi là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất hiện nay).

2. Đổi mới & nâng cao nhận thức, tư duy quản lý; phương thức điều hành hoạt động thư viện (điều khiển từ xa, đi chợ sách trên mạng, thanh toán qua mạng....). Như trên đã nói, phát triển thư viện Việt Nam trong kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra cơ hội mới và cả thách thức to lớn đối với Việt Nam, trong đó có ngành thông tin-thư viện. Vì thế, cán bộ lãnh đạo các thư viện từ Trung ương đến các địa phương (hệ thống TVCC cũng như thư viện chuyên ngành, đa ngành) cần nâng cao nhận thức và đặc biệt cần có tư duy đổi mới, mạnh mẽ, quyết liệt về vấn đề này; để có thể xây dựng/tổ chức điều hành hoạt động thư viện trong kỷ nguyên số. Đây cũng là là xu thế tất yếu của thời đại trong thế kỷ 21 (gắn với điều khiển từ xa; chỉ đạo điều hành từ xa, thông qua công cụ cảm biến, di dộng, kỹ thuật số). Tức là Lãnh đạo thư viện ở xa cơ quan, vẫn có thể chỉ đạo hội họp-giao ban/chỉ đạo điều hành công việc cơ quan qua mạng một cách hữu hiệu; Cán bộ thư viện có thể đi chợ sách qua mạng; kế toán thư viện có thể thanh toán qua mạng v.v... nhờ kết nối các phương tiện chức năng tiện dụng-tiện ích-khả dụng).

3. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin. Chúng ta biết rằng, ngay cả hiện nay, yếu tố CNTT, CSVC, trang thiết bị thư viện đã và đang là yếu tố quan trọng cho sự phát triển thư viện. Cho nên khi thư viện tổ chức các hoạt động trong môi trường điện tử/kỷ nguyên số/cách mạng công nghiệp 4.0 với việc kết nối vạn vật, hệ thống định vị, cảm biến-điều khiển từ xa, thậm chí cả sự trợ giúp của rôbốt, thì rõ ràng công tác thư viện sẽ đòi hỏi đầu tư cao và chất lượng hạ tầng CNTT, về cơ sở vật chất với nhiều trang thiết bị hiện đại/siêu hiện đại; giúp cho  cán bộ thư viện “làm chủ” và điều hành hiệu quả các thiết bị thông tin-thư viện...

4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (đào tạo, tập huấn cán bộ thư viện, đảm bảo đủ số lượng-chất lượng tốt). Đây là nhu cầu tất yếu và quan trọng trong hoạt động thư viện khi bước vào kỷ nguyên số. Điều này bắt buộc tất cả các bộ thư viện: từ người làm công tác quản lý, đến chuyên môn đều phải học tập không ngừng để nâng cao các kỹ năng/kỹ thuật, tham gia điều khiển và vận hành công tác thư viện (trong mọi khâu, mọi quy trình, mọi dây chuyền, mọi tình huống tác nghiệp thư viện), đảm bảo trơn tru, mạch lạc, hiệu quả tốt nhất có thể. Bởi lẽ khi thư viện chúng ta chịu tác động cách mạng công nghiệp 4.0, của kỷ nguyên số (với các thư viện điện tử-thư viện ảo...), thì lao động thủ công và lao động chân tay gần như bị triệt tiêu, thay vào đó là những công việc đòi hỏi kỹ năng, kỹ xảo, với sự liên kết hệ thống, có sự trợ giúp của CNTT, của điều khiển tự động và mạng Internet với cường độ rất cao.

Một thư viện số thực sự phải có một hệ thống nhân lực có thể ra quyết định, phân loại nội dung đối tượng tài liệu, thiết kế và điều chỉnh cơ cấu tổ chức, cung cấp dịch vụ và cải tiến công nghệ. Tóm tại….thư viện số phải cần 5 yếu tố chính, đó là: nội dung, tổ chức, dịch vụ, công nghệ và con người. Không có hội đủ những yếu tố này thì một thư viện số không phải là một thư viện” (2).

5. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng TVĐT-TVS trong thư viện. Đây là một trong những nội dung trọng tâm, khi thư viện hoạt động trong kỷ nguyên số và tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi lẽ thư viện truyền thống chắc chắn sẽ không đáp ứng được cuộc cách mạng này, thay vào đó, thư viện của chúng ta phải chủ động số hóa tài liệu, bổ sung các bộ sưu tập số (trong và ngoài nước), tăng cường xây dựng TVĐT-TVS với chất lượng cao, cường độ lớn, phục vụ bạn đọc,  người dùng tin trên địa bàn và trong cả nước. Đây cũng là thước đo trình độ, hiệu quả của thư viện trong kỷ nguyên số (với nhiều tiện ích: tra cứu tài liệu từ xa, đọc trên mạng; photo tài liệu qua mạng.. và nhiều tiện ích quan trọng khác.)

6. Đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc, người dùng tin. Trong tương lai, các thư viện Việt Nam phải đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc/người dùng tin do những yêu cầu xã hội đặt ra, trong đó sẽ có nhiều hình thức mới, như: Truy cập tài liệu mở; ứng dụng công nghệ RFDI (đặt chỗ đọc tự động, mượn trả sách tự động, (đọc giả tự chọn sách và quẹt thẻ thư viện, cán bộ thư viện chỉ cần giám sát, theo dõi...); đọc đa phương tiện (multimedia), để độc giả tiếp cận với thông tin, tri thức tiện lợi, thoải mái hơn;

7. Đẩy mạnh liên kết vùng miền, liên kết chia sẻ nguồn lực thông tin trong các thư viện. Đây là lĩnh vực thời gian qua các thư viện ở Việt Nam thực hiện còn yếu, do vướng mắc trong các quy định, thủ tục hành chính, hạ tầng công nghệ thông tin & bản quyền tác giả. Bởi lẽ, “Thư viện số chỉ có thể hoạt động hữu hiệu thông qua các mối quan hệ hợp tác nhằm chia sẻ nguồn lực, qua đó tạo nên một môi trường cho phép truy cập liên thông tới thông tin với nhiều đối tác”(3). Vì vậy, sắp tới, công tác này cần tiến hành mạnh, quyết liệt hơn, tránh lãng phí tài nguyên và nguồn lực thông tin trong các hệ thống thư viện VN, đáp ứng nhu cầu người đọc/ người dùng tin.

8. Huy động các nguồn lực để đóng góp xây dựng và phát triển thư viện. Trong kỷ nguyên số, bài học này vẫn không bao giờ cũ, nó sẽ góp phần tạo thêm kinh phí, CSVC cho thư viện, nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Tóm lại: Hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số, trong thời đại công nghệ thông tin là cơ hội và thách thức to lớn đối với ngành thư viện Việt Nam hiện tại và tương lai. Đó cũng là sự vận động của lịch sử, của ngành thư viện Việt Nam trong xu thế đổi mới và phát triển theo quỹ đạo chung của xã hội, của tiến trình lịch sử và văn minh nhân loại, trong đó thư viện nước ta cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, toàn diện hơn, để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, nếu như không muốn tụt hậu với thời cuộc và xã hội./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1TS. Hannelore VogtThư viện trong kỷ nguyên số”: các dịch vụ sáng tạo và sự   chuyển động không gian.//Tạp chí Thư viện Việt Nam.- số 4 năm 2016.-tr. 9-12.

2. Đức PhườngThư viện của kỷ nguyên thông tin// Tạp chí Tia sáng.- Ngày 4 tháng 5 năm 2007.

3ThS. Vũ Thị Nha – VDIC, Worldbank. Vài thách thức đối với thư viện số và những chiến lược đối phó//Học viện tài chính: https://hvtc.edu.vn/thuvien/tabid/558/catid/143/id/28737/, ngày 13 tháng 3 năm 2018.

Ths. Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt

Gọi điện: 0203.6500.163
Facebook Youtube
wiget Chat Zalo