Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức”. Ghi nhớ lời dạy của Bác, những năm qua, lớp lớp các nhà giáo của Quảng Ninh đã không ngừng chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức, thường xuyên đổi mới phương pháp dạy và học, ứng dụng CNTT vào hỗ trợ bài giảng, đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0.
Học sinh lớp 12A3, Trường THPT Hòn Gai, TP Hạ Long tặng hoa cô giáo Nguyễn Thị Thử, giáo vien nhà trường nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam
Ứng dụng CNTT để hỗ trợ bài giảng
Một trong những địa phương ứng dụng CNTT rất tích cực trong những năm qua, chắc chắn phải kể đến TX Đông Triều. Nhờ được tiếp cận với các trang thiết bị hiện đại từ lâu, đến nay các thầy cô tại đây đã sử dụng thành thạo máy tính, bảng thông minh, hệ thống loa đài... Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, phường Hồng Phong, TX Đông Triều, chia sẻ: Được sự quan tâm của tỉnh, thị xã, Trường đã được đầu tư rất nhiều trang thiết bị hiện đại, với hệ thống bảng thông minh, máy tính bảng. Vì thế, đội ngũ giáo viên trong Trường đã tích cực học hỏi, tự học để sử dụng tốt các thiết bị, hỗ trợ tích cực vào bài giảng. Với các tiết học ứng dụng CNTT, học sinh rất thích thú, hứng khởi.
Theo bà Phạm Thị Thanh Tâm, Phó Phòng GD&ĐT TX Đông Triều, hiện toàn thị xã có 100% giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông đạt chuẩn, trong đó có 90,42% giáo viên mầm non đạt trên chuẩn, có 99,1% giáo viên tiểu học đạt trên chuẩn, có 84,66% giáo viên THCS đạt trên chuẩn. Đáng chú ý, 100% cán bộ quản lý, giáo viên đủ điều kiện được cấp chứng chỉ về ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục và dạy học.
Không riêng TX Đông Triều, những năm gần đây, đội ngũ các thầy, cô giáo ở các địa phương khác trong tỉnh như: Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên... cũng đã rất chú trọng đến việc ứng dụng CNTT. Nhờ đó, các tiết học của học sinh đã bớt khô khan, cứng nhắc, thụ động một chiều. Cô giáo Nguyễn Thị Thử, giáo viên Trường THPT Hòn Gai, cho hay: Những năm trước, giáo viên chủ yếu dạy học theo phương pháp truyền thống, tức là chủ yếu diễn giảng, truyền thụ. Nhưng đến nay, nhờ có các trang thiết bị hiện đại, chúng tôi được ứng dụng CNTT vào bài giảng. Các tiết học sinh động hơn. Học sinh ngoài được học ở sách giáo khoa, các em còn được tiếp cận kiến thức qua máy tính bảng, bảng thông minh. Nhưng để các tiết dạy trơn tru, hiệu quả, giáo viên cũng mất thời gian hơn, từ việc soạn giáo án, tìm tòi tư liệu. Nhưng vì các em, chúng tôi vất vả mấy cũng có thể vượt qua.
Một tiết học sử dụng CNTT hỗ trợ vào bài giảng của cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên trường Tiểu học Lê Hồng Phong, TX Đông Triều
Để đáp ứng các yêu cầu mới
Để giúp đội ngũ nhà giáo đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới, ngành Giáo dục tỉnh đã tích cực bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho cán bộ, nhà giáo học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị. Năm học 2019-2020, toàn tỉnh có hàng chục nghìn lượt cán bộ, nhà giáo tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn, bồi dưỡng chính trị do ngành tổ chức.
Cùng với đó, Sở GD&ĐT cũng tạo điều kiện để bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho giáo viên dạy tiếng Anh; chỉ đạo cán bộ, giáo viên tham gia các hoạt động chuyên môn, hội thảo, hội giảng, đăng ký giờ dạy tốt, đổi mới phương pháp; khuyến khích việc tự học, tự nghiên cứu; đổi mới phương pháp, sử dụng hiệu quả thiết bị thí nghiệm, thiết kế đồ dùng dạy học, ứng dụng hiệu quả CNTT trong quản lý, giảng dạy, tham gia vào các hội thi giáo viên giỏi.
Theo số liệu của Sở GD&ĐT, năm học 2019-2020, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành là 20.813 người (không tính bảo vệ, tạp vụ); trên 99,58% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn về đào tạo, trong đó trên 60% đạt trên chuẩn. Bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Những năm qua, Sở GD&ĐT thường xuyên phát động và tổ chức các đợt thi đua thiết thực, không chạy theo thành tích, luôn bám sát với nhiệm vụ năm học, phù hợp với điều kiện của ngành, của mỗi địa phương. Trong đó tập trung vào các phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”.
Từ các phong trào đó, toàn ngành đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu là: Thầy giáo Hoàng Văn Thắng, giáo viên Trường THCS Tân An, TX Quảng Yên (hướng dẫn 2 em học sinh tham gia Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học được giải nhất cấp toàn quốc); cô giáo Ngọc Hải, giáo viên Trường Mầm non Quang Hanh (có thành tích trong tự nguyện chăm sóc trẻ khuyết tật, tự kỷ); thầy giáo Phạm Văn Ninh, giáo viên toán, Trường THPT Chuyên Hạ Long có thành tích ôn luyện học sinh giỏi đạt thành tích cao cấp quốc gia…
Chắc chắn, với sự tận tâm, nỗ lực, đội ngũ nhà giáo của Quảng Ninh sẽ tiếp tục có nhiều cống hiến trong sự nghiệp trồng người, giúp các thế hệ học trò tiếp tục trưởng thành, thành tài, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh và đất nước phát triển.
Nguồn: quangninh.gov.vn