Mở cửa các ngày từ Thứ 3 – Chủ Nhật hàng tuần. Buổi sáng từ 7h30 - 12h00. Buổi chiều từ 13h30 - 16h30
Tin trong nghành

Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

Ngày 12-04-2021 Lượt xem: 91

Từ xưa đến nay, dù ở thời đại nào, việc đọc sách luôn là cần thiết để nâng cao tri thức, bồi đắp những giá trị đạo đức, lối sống, nhân cách cho con người. Vì vậy, văn hóa đọc vẫn luôn được coi là một nét đẹp văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Có thể thấy, ngày nay, văn hóa đọc bằng nhiều cách khác nhau đã và đang được các cấp, các ngành và cả mỗi cá nhân yêu sách nỗ lực làm lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Từ đây, đưa việc đọc sách không chỉ trở thành một thói quen mà còn là một công cụ để hướng tới xây dựng cuộc sống ý nghĩa, nhân văn hơn.

Trách nhiệm không của riêng ai

Theo thống kê năm 2020 của Hội Xuất bản Việt Nam, trừ sách giáo khoa, mỗi người dân Việt Nam chỉ đọc 1,4 cuốn sách/năm - một con số khá khiêm tốn so với các quốc gia trên thế giới. Còn theo nghiên cứu mới công bố của Q&Me (Dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam) về xu hướng ứng dụng điện thoại tại Việt Nam năm 2020, người Việt trung bình dành 5 giờ một ngày cho điện thoại thông minh trong đó có khoảng 30% người dùng dành hơn 7 giờ mỗi ngày chủ yếu dùng facebook, zalo, messenger...

Từ những thống kê trên cho thấy, trong thời đại công nghệ số và văn hoá nghe nhìn phát triển người Việt Nam đang đọc sách ít đi, thói quen và cách thức đọc cũng thay đổi rất nhiều. Do đó, để văn hóa đọc phát triển bền vững không phải là chuyện của riêng các tác giả, nhà xuất bản, các cấp quản lý nhà nước mà cần xây dựng, hình thành văn hóa đọc từ những môi trường gần gũi nhất là gia đình, nhà trường, công sở, lan tỏa giữa những người thân thiết như ông bà, bố mẹ, con cái, bạn bè, đồng nghiệp.

Trung tâm Ngoại ngữ Asia Hạ Long (TP Hạ Long) bố trí một thư viện riêng cho học viên đọc sách.

Ở các nhà trường, việc giáo dục, khơi dậy cho học sinh niềm đam mê, ý thức tự giác đọc sách có lẽ không còn là việc làm mới lạ. Theo đó, từ cấp mầm non đến cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh ngoài việc bố trí, trang bị cơ sở vật chất cho thư viện trường, hằng năm, các trường đều sáng tạo tổ chức các cuộc thi hùng biện, thuyết minh về sách, giao lưu, tọa đàm chia sẻ về ý nghĩa, phương pháp đọc sách... Các hoạt động đã và đang tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút học sinh hứng thú đọc sách. Song nếu chỉ có các cơ sở giáo dục vào cuộc tích cực thì sẽ là không đủ để giữ “lửa” văn hóa đọc trong cộng đồng.

Qua tìm hiểu được biết, Công ty TNHH Hạ Long Pacific (TP Hạ Long) không chỉ được biết đến là một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch với sản phẩm du thuyền ngủ đêm trên vịnh Hạ Long đã tạo thương hiệu uy tín mà còn được đông đảo các doanh nghiệp, những người yêu sách trên địa bàn thành phố biết đến là nơi thành lập CLB Đọc sách Quảng Ninh với thư viện được đặt tại văn phòng của công ty. Với khoảng 2.000 đầu sách thuộc nhiều thể loại, lĩnh vực từ sách lịch sử, địa lý, sách ngoại ngữ đến các sách dạy kinh doanh, kỹ năng tư duy, phản biện.... câu lạc bộ này đã trở thành địa chỉ quen thuộc của không chỉ nhân viên Công ty mà còn dành cho những người yêu sách có thể đến đọc và mượn sách.

Thư viện sách tại Công ty TNHH Hạ Long Pacific trở thành địa điểm đọc sách, chia sẻ kiến thức giữa các cán bộ, nhân viên của Công ty.

Ông Phạm Thanh Chiến, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Hạ Long Pacific, chia sẻ: Là một người yêu sách, đam mê đọc sách, và những kiến thức tôi tích lũy được đến nay ngoài học tại các nhà trường, học từ thực tế công việc thì một phần lớn còn dựa vào đọc sách. Do đó, tôi muốn lan tỏa tinh thần này đến trước hết là đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động trong Công ty. Đội ngũ nhân viên Công ty đều là những người trẻ nên hơn ai hết, họ đều cần trau dồi thêm kiến thức của nhiều lĩnh vực khác nhau để vừa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc trong ngành dịch vụ du lịch vừa có thể trau dồi thêm kỹ năng, kiến thức mới để phát triển bản thân, vì vậy đọc sách sẽ là phương pháp hiệu quả và đơn giản trước nhất.

Nhân lên những cách làm hay

Những năm gần đây, các sở, ngành, đơn vị tại Quảng Ninh thường xuyên phối hợp triển khai nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa góp phần làm lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt vào các dịp Ngày sách Việt Nam 21/4, Ngày sách và bản quyền thế giới 23/4.

Với vai trò nòng cốt, hàng năm, Thư viện tỉnh bổ sung từ 5.000-7.000 bản sách, trên 200 loại báo, tạp chí, duy trì hoạt động của thư viện số với trên 1,5 triệu tài liệu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau... để phục vụ nhu cầu bạn đọc. Đơn vị chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, tích hợp dịch vụ cafe sách, phòng đọc doanh nhân, tủ sách ôn thi cho học sinh, sinh viên... nhằm tạo không gian mới mẻ, thân thiện phù hợp với từng nhóm, lứa tuổi bạn đọc khác nhau.

Thư viện tỉnh tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi trực tuyến “Giới thiệu cuốn sách tôi yêu” năm 2020. Ảnh: Mai Linh

Cùng với đó, Thư viện tỉnh định kỳ tổ chức cuộc thi “Giới thiệu cuốn sách tôi yêu”, hội nghị chuyên đề “Sách, Thư viện và Bạn đọc”; Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn tổ chức Hội thi hùng biện “Cuốn sách em yêu”, trao tặng tủ sách cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh; Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội sách Quảng Ninh; Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với  Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc...

Các hoạt động đều hướng tới tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, góp phần phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt, Hội sách Quảng Ninh cũng là hoạt động tạo tiền đề đang được các đơn vị bàn bạc, đề xuất ý tưởng xây dựng đường sách, phố sách tại Quảng Ninh trong tương lai, tạo thêm một sản phẩm du lịch mới của tỉnh.

Ngoài ra, một xu thế mới hiện nay khá phát triển phải kể đến các quán cafe sách. Thay vì phục vụ nước uống, là nơi tán gẫu, gặp gỡ thông thường, những quán cafe đã mở rộng không gian, đặt thêm nhiều giá sách với các thể loại để phục vụ khách đến uống nước và đọc sách như một hình thức giải trí, thư giãn.

Chị Nguyễn Thị Hải Yến, chủ Thư viện Yến (phường Hồng Hải, TP Hạ Long), chia sẻ: Trước kia, tôi kinh doanh cho thuê, mượn sách truyện truyền thống. Song xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhiều người nhất là học sinh nhiều khi mượn sách, truyện thường tranh thủ ngồi đọc vào những lúc tan trường, chờ vào giờ học nên tôi cũng sắp xếp thêm những bộ bàn ghế, phục vụ nước uống giúp các bạn có không gian đọc sách hiệu quả, thoải mái hơn.

Người dân tìm đọc, mua sách tại Hội sách Quảng Ninh năm 2020. Ảnh: Phạm Học

Và rõ ràng, trong thời đại công nghệ 4.0 với sự lên ngôi của điện thoại thông minh, máy tính bảng nhỏ gọn, tiện dụng thì xu hướng đọc sách điện tử cũng là một hướng đi phù hợp. Không chỉ phụ thuộc vào sách, mỗi cá nhân đều có thể tự cập nhật thêm các phần mềm đọc sách trên điện thoại thông minh. Qua đó, giúp mỗi người có thể duy trì việc đọc thuận tiện mỗi khi có thời gian thay vì chỉ lướt web, xem phim giải trí đơn thuần trên các thiết bị công nghệ.

Tin tưởng, với sự chung sức của các cấp, ngành, đơn vị và mỗi gia đình, cá nhân, văn hóa đọc ở Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát triển, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả to lớn trong đời sống xã hội.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Gọi điện: 0203.6500.163
Facebook Youtube
wiget Chat Zalo