Mở cửa các ngày từ Thứ 3 – Chủ Nhật hàng tuần. Buổi sáng từ 7h30 - 12h00. Buổi chiều từ 13h30 - 16h30
Thư mục Quảng Ninh qua báo chí

QUẢNG NINH QUA BÁO CHÍ TRUNG ƯƠNG THÁNG 1+2/2019

Ngày 01-03-2019 Lượt xem: 93

1. http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201902/khang-dinh-vai-tro-va-vi-the-cua-phu-nu-quang-ninh-trong-thoi-ky-moi-2422470/

Khẳng định vai trò và vị thế của phụ nữ Quảng Ninh trong thời kỳ mới

Năm 2019, các cấp Hội LHPN trong tỉnh tiếp tục bám sát lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam để khẩn trương triển khai nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với tình hình thực tế của từng địa phương. Qua đó nhằm thực hiện thắng lợi chủ đề công tác năm 2019 của hội đề ra, xây dựng tổ chức hội vững mạnh từ cơ sở, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh. Phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

 Hội LHPN tỉnh xác định chủ đề công tác của năm 2019 của hội là “Nâng cao chất lượng các mô hình dịch vụ, phát triển kinh tế của phụ nữ; tăng cường các hoạt động hỗ trợ đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái”. Đồng chí hãy cho biết, việc quán triệt chỉ đạo, triển khai tới các cấp hội như thế nào?

+ Với chủ đề công tác nêu trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp hội thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức mọi mặt, tinh thần trách nhiệm và ý thức chủ động của hội viên, phụ nữ; nắm chắc tình hình hội viên phụ nữ và nhân dân để làm cơ sở chủ động tham mưu giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên. Trong đó, các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; nâng cao chất lượng các mô hình kinh tế, dịch vụ sản xuất, kinh doanh, du lịch do phụ nữ trực tiếp quản lý, thực hiện. Từ đó, góp phần tham gia có hiệu quả trong việc thực hiện các mục tiêu hỗ trợ các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Nhiệm vụ bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tiếp tục được triển khai hướng về cơ sở, phát huy tốt những kết quả tích cực đạt được từ cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Đặc biệt là sẽ cụ thể hóa gắn liền với thực hiện các Đề án 279 về "Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020"; Đề án 938 về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, giai đoạn 2017 - 2027”; Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”; Đề án 404 về "Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020”. Cùng với đó là thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ...

Năm 2019 cũng chính là năm đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ nhiệm kỳ 2016-2021. Do vậy, Hội sẽ tập trung rà soát các chỉ tiêu, hoạt động, tổ chức hội nghị đánh giá thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ XI; Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, 7 (khóa XII) của Đảng trong toàn hệ thống hội... Bằng cách này sẽ giúp nhìn nhận rõ được những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại để nhanh chóng rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ đã đề ra, nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh và sự phát triển của phong trào phụ nữ trong tình hình mới.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đặt ra những chỉ tiêu cụ thể như thế nào trong công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2019?

+ Năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã thống nhất phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu cơ bản: 85% trở lên hội viên phụ nữ được tuyên truyền, giáo dục về văn hóa, truyền thống, cung cấp thông tin, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; 90% trở lên hội viên phụ nữ và bà mẹ có con dưới 16 tuổi được trang bị kiến thức về chăm sóc gia đình, kỹ năng về nuôi dạy con, kiến thức bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái; 100% cơ sở hội có mô hình “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường” với nội dung hoạt động cụ thể; 90% trở lên phụ nữ và gia đình được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Các huyện, thị xã, thành phố thành lập ít nhất 1 CLB “Phụ nữ chơi bóng chuyền hơi”; 100% mô hình sản xuất, kinh doanh của phụ nữ do Hội Phụ nữ các cấp hỗ trợ đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Tại mỗi xã, phường, thị trấn, mỗi cơ sở hội sẽ đăng ký giúp đỡ ít nhất 2 gia đình phụ nữ đạt 8 tiêu chí "5 không, 3 sạch", với 1 hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều; xây dựng mô hình “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường” với nội dung hoạt động cụ thể; 100% các cơ sở hội có các hoạt động phối hợp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận, xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh, xử lý rác thải; phấn đấu trên 90% phụ nữ và gia đình được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... Đặc biệt là tiếp tục hưởng ứng chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đảm bảo thực hiện đúng theo chỉ tiêu theo cam kết và kế hoạch đề ra.

Những giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động, khẳng định rõ vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ trong mô hình Cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thời gian tới là gì?

+ Để nâng cao vai trò của tổ chức hội trong điều kiện thực hiện mô hình Cơ quan tham mưu giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tập trung vào các giải pháp:

Về tổ chức điều hành, Hội tiếp tục quán triệt trong đội ngũ cán bộ, công chức trong cơ quan nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình để đảm bảo tốt vừa tham mưu nhiệm vụ chung cho các tổ chức, vừa tham mưu thực hiện nhiệm vụ của tổ chức mình, trong đó xác định nhiệm vụ của tổ chức giao là quan trọng. Phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ chuyên trách cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đối với nhiệm vụ tổ chức hội, chịu trách nhiệm tham mưu, thực hiện. Tổ chức họp ban thường vụ, ban chấp hành hàng tháng để rà soát thống nhất nhiệm vụ trong tháng.

Về chỉ đạo nhiệm vụ chuyên môn, Hội tiếp tục bám sát định hướng của Trung ương Hội và chỉ đạo của Tỉnh ủy; xác định rõ từng nội dung hoạt động đặc thù, chuyên biệt của hội, như: Bình đẳng giới; giáo dục gia đình; Chỉ thị 21 về công tác phụ nữ; tập hợp thu hút hội viên; tham mưu về công tác cán bộ nữ; xây dựng tổ chức hội... để tập trung thực hiện có hiệu quả rõ nét. Đồng thời, thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của phụ nữ; tăng cường đi công tác cơ sở, bám sát địa bàn phát hiện những vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập, những vấn đề xã hội phát sinh trong thực tế để phối hợp giải quyết. Từ đó, quyết tâm nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng các mô hình mà Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đang thực hiện, thí điểm một số mô hình mới để đáp ứng được yêu cầu phát triển tổ chức hội trong thời kỳ công nghiệp 4.0.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

2. http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201902/cac-dong-chi-lanh-dao-tinh-chuc-mung-y-bac-si-nhan-ngay-thay-thuoc-viet-nam-272-2424547/

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng y, bác sĩ nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2

Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 (1955-2019), ngày 27/2, các đồng chí: Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã tới thăm, tặng hoa chúc mừng cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Chúc mừng các y, bác sỹ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng chống dịch bệnh thời gian qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, trải qua gần 40 năm xây dựng và phát triển, bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí luôn là niềm tự hào của nhân dân Quảng Ninh nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung về tinh thần trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ cao và y đức sáng của người thầy thuốc. Từ 320 giường bệnh khi mới thành lập năm 1981, đến nay bệnh viện đã được đầu tư, nâng cấp với hơn 1.000 giường bệnh, cùng hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ được đào tạo, có tay nghề chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực. Tỷ lệ bệnh nhân được điều trị tại chỗ đạt 99%.

Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, đóng góp lớn lao mà Anh hùng Lao động - Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Ngọc Hàm đã cống hiến cho ngành Y Quảng Ninh nói riêng và nền y học nước nhà nói chung. Bằng tài năng, sáng kiến trong khám, chữa bệnh và y đức của mình, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm đã đi đến những vùng sâu, vùng xa của tỉnh, kịp thời xử lý những ca cấp cứu hiểm nghèo nhất. Ông đã vận dụng những kiến thức học được từ Pháp, tiếp thu những tiến bộ của nền y tế Thụy Điển, xây dựng Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí nên tầm trung ương, điều này giúp cho nhân dân Quảng Ninh nói riêng và nhân dân vùng Đông Bắc được thụ hưởng rất nhiều thành tựu của ngành Y tế.

Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cũng trở thành hình mẫu cho các bệnh viện trên cả nước học hỏi trong khám, chữa bệnh. Là bệnh viện đầu tiên trong nước có khoa điều dưỡng cho người bệnh và trở thành mô hình chuẩn được nhân rộng ra cả nước. Đến nay, bệnh viện cũng là đơn vị duy nhất trên cả nước nhận được 2 danh hiệu: Phòng điều dưỡng Anh hùng lao động và Đơn vị Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm cũng quan tâm xây dựng mạng lưới y tế cộng đồng, bệnh viện tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới, hỗ trợ các trạm xá, trung tâm y tế và đặc biệt đề cao công tác phòng bệnh hơn chữa bệnh...

Nêu gương Anh hùng Lao động - Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Ngọc Hàm, người luôn xác định “làm nghề y cứu người, nhưng đấy là nghề nghiệp, đừng bao giờ nghĩ rằng mình ban ơn cho người khác”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị tập thể cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí nói riêng và toàn ngành Y tế Quảng Ninh nói chung cần lan tỏa thông điệp này, để hướng tới mục tiêu là cung cấp dịch vụ y tế chất lượng và coi mỗi bệnh nhân là trung tâm để được hưởng thụ dịch vụ y tế tốt nhất. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị ngành Y tế phát động phong trào thi đua nêu gương Anh hùng Lao động - Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Ngọc Hàm trong toàn ngành, tạo phong trào thi đua sôi nổi, cống hiến vì sự phát triển của Quảng Ninh, đất nước.

Đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã và đang tiếp tục thực hiện tốt lời căn dặn của cố bác sĩ, Anh hùng Lao động - Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Ngọc Hàm, nguyên Giám đốc Bệnh viện về việc phải luôn phấn đấu vì sự hài lòng của người bệnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ bệnh viện sẽ phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, tiếp tục đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của nhân dân về một cơ sở y tế kiểu mẫu.

Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hạn chế tối đa sự cố y khoa; chăm sóc người bệnh như chính người thân trong gia đình và nỗ lực giảm chi phí khám, chữa bệnh. Không chỉ là cơ sở khám, chữa bệnh tin cậy của người dân, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí còn là nơi đào tạo thực tập cho các trường đại học, cao đẳng trong nước; đào tạo cán bộ, sinh viên nước ngoài. Phối hợp cùng ngành Y tế Quảng Ninh tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân trong công tác phòng bệnh, chủ động khám, chữa bệnh, tiến tới quản lý được sức khỏe toàn dân.

Nhân dịp này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã đến thăm hỏi gia đình, bày tỏ lòng tri ân đối với cố bác sĩ, Anh hùng Lao động - Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Ngọc Hàm, người đã cả đời tận tụy, cống hiến cho ngành Y học nước nhà nói chung, ngành Y và nhân dân Quảng Ninh nói riêng.

Tới thăm và chúc mừng Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thị Tân, nguyên Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân là danh hiệu cao quý, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của bác sĩ Tân trong mấy chục năm gắn bó, cống hiến tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí nói riêng, cho ngành Y tế nói chung. Đồng chí mong muốn, phát huy những thành tích và niềm vinh dự đó, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thị Tân tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Chúc mừng y, bác sỹ Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, biểu dương những thành tích mà tập thể y, bác sĩ Bệnh viện đã nỗ lực đạt được. Trong đó, đặc biệt phải kể đến là việc Bệnh viện đã làm chủ được những kỹ thuật cao, vốn chỉ được thực hiện tại các bệnh viện tuyến trung ương. Cùng với đó, Bệnh viên đã tích cực ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, từng bước đưa ngành y tế Quảng Ninh tiệm cận với y tế thông minh.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, những năm qua, cùng với quan tâm phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ninh cũng dành nguồn lực lớn để đảm bảo công tác an sinh xã hội, đặc biệt là công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Các bệnh viện tuyến tỉnh được đầu tư một cách đồng bộ, bài bản; trình độ của đội ngũ y, bác sĩ ngày càng được nâng cao. Trong đó, có Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh với vai trò là bệnh viện chuyên khoa đầu tiên của tỉnh đã phát huy hiệu quả hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân và được người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục dành nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hơn hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng y tế để đảm bảo điều kiện phục vụ tốt nhất cho công tác chăm sóc sức khoẻ. Do vậy, đồng chí nhấn mạnh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh phải xây dựng theo mô hình là một trung tâm cung cấp dịch vụ cao về y tế, phục vụ không chỉ cho nhân dân trên địa bàn tỉnh mà còn cả trong khu vực. 

Hiện nay, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh có 432 cán bộ, viên chức, lao động gồm 108 bác sĩ, 18 dược sĩ, 159 điều dưỡng, 42 hộ sinh, 35 kỹ thuật viên và 70 người có chuyên môn khác thực hiện nhiệm vụ tại 22 khoa, phòng.

Nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân, sản phụ, thời gian qua, Bệnh viện đã triển khai hàng loạt các chương trình: Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng các trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ... Qua đó, phát huy hiệu quả chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho người dân.

3. http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/Chu-quyen-bien-gioi/201902/bdbp-quang-ninh-chac-tay-sung-giu-gin-bien-cuong-2422823/

BĐBP Quảng Ninh: Chắc tay súng giữ gìn biên cương

Trong những năm qua, BĐBP tỉnh Quảng Ninh đã tích cực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tham gia củng cố cơ sở chính trị, xây dựng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xoá đói giảm nghèo, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện đời sống nhân dân.

Qua đó, đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trên nhiều mặt về đời sống của đồng bào chiến sĩ nơi biên cương, hải đảo, củng cố và nâng cao hiệu quả phòng tuyến biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc.

Ngay từ lúc mới triển khai lực lượng, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Quảng Ninh đã nêu cao tinh thần cảnh giác, mưu trí sáng tạo, vận dụng đúng đắn đường lối quân sự, kết hợp chặt chẽ giữa chiến đấu vũ trang với vận động chính trị và biện pháp nghiệp vụ; đã phối hợp cùng các lực lượng Công an và Quân đội, dựa vào dân, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, tích cực chiến đấu, đập tan âm mưu phá hoại của kẻ thù, tham gia củng cố vùng Đông Bắc.

Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, bảo vệ vùng mỏ, chi viện cho miền Nam, làm nghĩa vụ quốc tế, BĐBP tỉnh Quảng Ninh đã chi viện hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ cho các chiến trường miền Nam, Lào và Campuchia. Đặc biệt, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới các chiến sĩ biên phòng vẫn vững vàng ở tuyến đầu, chiến đấu kiên cường, lập công xuất sắc bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Những tên đất, tên người, những chiến công oanh liệt của thời kỳ lịch sử vẫn luôn in đậm trong dấu ấn truyền thống oai hùng của non sông đất nước hôm nay như: Pò Hèn, Thán Phún, Lục Phủ, Cao Ba Lanh, Quảng Năm Châu... Trong đó, Đồn Pò Hèn đã chiến đấu ngoan cường, đánh giáp lá cà với địch, đẩy lùi 10 đợt tấn công của địch. Do lực lượng mỏng, quân địch đông, Đồn Pò Hèn đã thất thủ sau hơn 5 giờ chiến đấu liên tục nhưng đã trở thành tượng đài bất khuất trong cuộc chiến. Đồn Pò Hèn đã được tặng thưởng Huân chương Chiến Công hạng Nhì. Ngày 19/12/1979, Đồn biên phòng Pò Hèn được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Từ khi đất nước ta chuyển sang thời kỳ đổi mới, BĐBP Quảng Ninh tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã quán triệt nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp công tác biên phòng. Trong đó, tập trung vào nắm chắc tình hình khu vực biên giới, tăng cường công tác sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng nắm, dự báo tình hình nội, ngoại biên, tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng các chủ trương, biện pháp quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng và nhân dân khu vực biên giới triển khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh, không để bị động, bất ngờ. Những năm qua, BĐBP tỉnh đã bắt, xử lý hàng nghìn vụ buôn bán, vận chuyển ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại; phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động vi phạm Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới theo chức năng, thẩm quyền, góp phần quan trọng vào giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới của tỉnh.

Trên mặt trận an ninh, trật tự, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã tích cực rèn luyện bản lĩnh chính trị, tăng cường đoàn kết nội bộ, nâng cao trình độ chiến đấu, nghiệp vụ, pháp luật; phối hợp với các lực lượng xây dựng thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp thế trận quốc phòng toàn dân; đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh biên giới Tổ quốc, vì vậy đã đạt được hiệu quả cao trong giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên biên giới, biển đảo.

Đại tá Đặng Toàn Quân, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, khẳng định: Phát huy kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, thời gian tới, BĐBP tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ quan, đồn, trạm biên phòng vững mạnh toàn diện, thường xuyên nêu cao cảnh giác, nắm chắc tình hình nội biên, ngoại biên, làm nòng cốt phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, góp phần xây dựng biên giới Việt - Trung hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

4. http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201902/hon-2000-thanh-nien-quang-ninh-len-duong-nhap-ngu-2423473/

Hơn 2.000 thanh niên Quảng Ninh lên đường nhập ngũ

Sáng 20/2, 14/14 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đồng loạt tổ chức Lễ giao nhận quân năm 2019.

Trong đợt giao quân năm nay, Quảng Ninh đã bàn giao 1.900 công dân tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự; 110 công dân tham gia thực hiện nghĩa vụ trong lực lượng công an nhân dân. Các địa phương đã bàn giao và tiễn lên đường làm nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ trong lực lượng công an nhân dân. Cụ thể: TP Hạ Long: 255 công dân; TP Cẩm Phả: 239 công dân; TP Uông Bí: 180 công dân; TX Quảng Yên: 245 công dân; TX Đông triều: 245 công dân; huyện Ba Chẽ: 66 công dân; huyện Tiên Yên: 114 công dân; huyện Bình Liêu: 77 công dân; huyện Đầm Hà: 95 công dân; huyện Hải Hà: 140 công dân; Hoành Bồ: 100 công dân: Móng Cái: 147 công dân; Vân Đồn: 98 công dân; Cô Tô: 9 công dân.

Các đơn vị tiếp nhận quân bao gồm: Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng); Trường Quân sự (Quân khu 3); Lữ đoàn 405, Lữ đoàn 454 (Quân khu 3); Bộ Tư lệnh BĐBP; Bộ CHQS tỉnh; Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không Không Quân.

Các công dân lên đường nhập ngũ lần này đều đủ các tiêu chuẩn, trong đó sức khỏe loại 1, loại 2 đạt trên 70%; trình độ cao đẳng đại học cũng đạt trên 70%. Toàn tỉnh có 403 công dân viết đơn tình nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2019.

Trong lễ bàn giao quân năm 2019, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đã tặng hoa chúc mừng, động viên các tân binh lên đường làm nhiệm vụ.

Lễ giao nhận quân tại các địa phương diễn ra trong không khí trang trọng, an toàn, thắm đượm tình quân - dân, đảm bảo hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, trở thành ngày hội lớn vô cùng ý nghĩa. 

Trong đợt giao nhận quân năm 2019, TP Hạ Long có 255 tân binh lên đường nhập ngũ, được giao cho các đơn vị: Quân chủng Phòng không – Không quân, Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh.

Theo đánh giá của Hội đồng tuyển quân thành phố, các tân binh đều có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, trình độ văn hóa, sức khỏe, đủ điều kiện lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc.

Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh, đã gióng trống giao quân năm 2019. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo các đơn vị LLVT, TP Hạ Long... đã tặng hoa chúc mừng, động viên tân binh yên tâm lên đường nhập ngũ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong quân ngũ.

5. http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201902/doan-cong-tac-hoc-vien-can-bo-tp-ho-chi-minh-tim-hieu-cong-tac-sap-xep-to-chuc-bo-may-bien-che-tai-quang-ninh-2424382/

Đoàn công tác Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh tìm hiểu công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy biên chế tại Quảng Ninh

Ngày 26/2, tại TP Hạ Long, đoàn công tác Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh do PGS. Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh uỷ Quảng Ninh về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Đức Thành, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, cùng đại diện các sở, ngành liên quan.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Thành, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã thông tin đến đoàn công tác những giải pháp, kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của Quảng Ninh thời gian qua. Trong đó nêu rõ, Quảng Ninh đã thực hiện hiệu quả công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Tỉnh đã xây dựng, thực hiện Đề án 25 “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Đến nay, 100% sở, ban, ngành, địa phương rà soát, sắp xếp theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, bố trí biên chế hợp lý và chấp hành nghiêm túc kỷ cương công vụ, công chức.

Trên cơ sở đó, Quảng Ninh đã giảm hàng trăm đơn vị, phòng, ban trực thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương. Đơn cử là hợp nhất, sáp nhập các cơ quan tương đồng về nhiệm vụ, nhất thể hóa các chức danh như chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra đồng thời là chánh thanh tra; trưởng ban tổ chức đồng thời là trưởng phòng nội vụ; thành lập cơ quan khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, huyện... Việc triển khai thực hiện chủ trương nêu trên đã tạo chuyển biến lớn trong nhận thức và có tính đột phá trong thực hiện nhiệm vụ cải cách về tổ chức bộ máy của tỉnh.

Tại buổi làm việc, hai bên cũng đã trao đổi, làm rõ hơn một số vấn đề như: Kinh nghiệm về công tác tư tưởng, tổ chức sau sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các đơn vị; công tác phối hợp đào tạo cán bộ, công chức, viên chức; nội dung, hình thức tổ chức và phương pháp đào tạo; khó khăn khi thực hiện đề án 25...

Thay mặt đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc,  PGS. Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh khẳng định, những thông tin tại buổi làm việc là những thông tin rất quý giá, qua đó, giúp đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường có điều kiện tiếp thu để truyền tải, chia sẻ những bài học, kinh nghiệm thực tiễn của tỉnh Quảng Ninh khi giảng dạy thực tế tại các lớp bồi dưỡng, đào tạo cho hệ thống chính trị của TP Hồ Chí Minh. Đồng thời thông qua đó cũng góp phần giúp cho TP Hồ chí Minh có thêm kinh nghiệm tham khảo trong việc thực hiện  tinh gọn bộ máy tổ chức, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

6. http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201902/quang-ninh-ha-tinh-thanh-hoa-vinh-phuc-hoi-nghi-trao-doi-kinh-nghiem-cong-tac-2423994/

Quảng Ninh - Hà Tĩnh - Thanh Hóa - Vĩnh Phúc: Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác

Ngày 23/2, tại TP Hạ Long, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 4 tỉnh: Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc đã phối hợp tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác năm 2019. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, dự và chỉ đạo hội nghị.

Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh; Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc. Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo các ban Đảng Trung ương; Thường trực Tỉnh ủy, UBND, HĐND, Đoàn ĐBQH, các sở, ban, ngành 4 tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.

Được biết, đây là hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác quy mô lớn với sự tham gia của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành của nhiều địa phương, lần đầu tiên được phối hợp tổ chức.

Quảng Ninh-Hà Tĩnh-Thanh Hóa-Vĩnh Phúc hiện là bốn địa phương có tốc độ phát triển kinh tế tốt, thực hiện nhiều mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy, có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện các chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nhất quán với quan điểm luôn luôn phải học hỏi, tìm ra những cách làm mới, sáng tạo để tạo đà bứt phá cho sự phát triển của địa phương, tại hội nghị, các tỉnh đã thẳng thắn nêu những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương mình.

Đồng thời, trên cơ sở những cách làm đã được triển khai tại địa phương mang lại hiệu quả tốt, các tỉnh cũng đã đưa ra thảo luận, đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm. Điển hình như tỉnh Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm thực hiện hợp tác công- tư, đầu tư phát triển hạ tầng; tỉnh Hà Tĩnh với chương trình xây dựng Nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP; tỉnh Vĩnh Phúc với kinh nghiệm thu hút đầu tư, tăng thu ngân sách hay tỉnh Thanh Hóa với kinh nghiệm, định hướng về phát triển kinh tế biển.

Dưới sự điều hành của các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các tỉnh cũng đã thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, tập trung vào 6 nội dung chính, là: Xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy, đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị thông qua các nghị quyết của Trung ương; huy động nguồn lực phát triển hạ tầng, chủ yếu thông qua nguồn lực xã hội; cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực; quảng bá, quản lý, phát triển du lịch trên mỗi địa bàn; triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP; bảo đảm an ninh trật tự, kinh nghiệm liên quan đến dân tộc, tôn giáo và một số nội dung khác.

Đánh giá cao về ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả của việc tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác, các địa phương đều nhất trí sẽ nghiên cứu, xây dựng các chương trình trao đổi kinh nghiệm công tác thường xuyên. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của mỗi địa phương đồng thời tăng cường sự gắn bó, hợp tác giữa các địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Với những điều kiện đặc thù khác nhau về vị trí địa lý, tiềm năng thế mạnh, những thuận lợi, khó khăn... nên mỗi địa phương có cách chỉ đạo, điều hành, cách làm và sáng tạo riêng. Chính vì vậy, chương trình gặp gỡ hôm nay là một cơ hội rất tốt để các tỉnh chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm.

Đồng chí cũng khẳng định, Quảng Ninh cũng như các tỉnh rất mong các đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, các ban Đảng Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tính chủ động, sáng tạo hoàn thành nhiệm vụ; thúc đẩy và tăng cường tình đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ, hợp tác giữa các địa phương. Từ đó, mỗi địa phương tiếp tục bổ sung, cụ thể hóa trong các nhiệm vụ, chương trình công tác của mình để triển khai ngay từ đầu năm, góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của năm 2019 và của cả nhiệm kỳ của mỗi địa phương.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao việc 4 tỉnh đã tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm. Đồng chí khẳng định, đây là cách làm phù hợp chủ trương của Đảng về nâng cao tính liên kết vùng, liên kết giữa các tỉnh, xuất phát từ sự năng động, sáng tạo của các địa phương cũng như yêu cầu của thực tiễn. Từ cách làm của 4 địa phương, chương trình trao đổi cần tiếp tục được nhân rộng giữa các địa phương trong cả nước.

Đồng chí Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương thời gian tới cần tiếp tục quan tâm, chú trọng đến công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; đảng viên, tổ chức Đảng phải gắn bó máu thịt với nhân dân, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Phải xây dựng được đội ngũ cán bộ thực sự trong sạch, có năng lực, phẩm chất đạo đức, tinh thần chiếu đấu. Các địa phương cần lựa chọn cán bộ thông qua việc sàng lọc, theo dõi quá trình công tác, phấn đấu và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ cụ thể. Đối với việc phát triển KT-XH, phải lấy nội lực làm cơ bản, chiến lược và lâu dài, từ 3 trụ cột chính là: Con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa.

Nhấn mạnh đến yếu tố tự lực, tự cường và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đồng chí Phạm Minh Chính lưu ý các địa phương cần giải quyết tốt bài toán quy hoạch, tìm ra cơ hội nổi trội, đáp ứng yêu cầu của phát triển. Huy động, khơi thông các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là đầu tư ngoài ngân sách. Luôn trăn trở, tìm tòi những phương pháp, cách làm mới, hiệu quả hơn. Đồng thời, chú ý, quan tâm đến vấn đề an sinh, công bằng xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, an toàn trật tự xã hội. Các địa phương cũng cần quan tâm xây dựng thương hiệu, từ thương hiệu tỉnh đến thương hiệu các sản phẩm; quan tâm đến công tác truyền thông...

Về việc thực hiện những mô hình thí điểm mà các địa phương đang thực hiện, đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định: Mô hình thí điểm dựa trên tình hình và yêu cầu thực tiễn, do đó các địa phương vừa làm, vừa học hỏi, vừa tổng kết, đúc rút kinh nghiệm.

Đối với chương trình gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương, đồng chí cho rằng, các địa phương đang tổng kết những kinh nghiệm đã làm được. Từ đó, góp phần xây dựng, bổ sung cho các văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, văn kiện đại hội Đảng các cấp. Đồng chí đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu để đưa chương trình này trở thành hoạt động thường niên

7. https://congthuong.vn/doan-dai-bieu-cap-cao-dang-lao-dong-trieu-tien-tham-quan-vinh-ha-long-116304.html

Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Lao động Triều Tiên tham quan vịnh Hạ Long

Sáng 27/2, tại Quảng Ninh, ​Đoàn lãnh đạo cấp cao Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) đã có chuyến tham quan Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Đây là một trong số các hoạt động bên lề thuộc khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai được tổ chức tại Hà Nội và chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên, chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân Dân Triều Tiên Kim Jong Un.

Đoàn do ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Đảng WPK, Trưởng ban Quốc tế Ri Su-yong; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Đảng WPK kiêm Trưởng ban Tổ chức Kim Pyong-hae và Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Đảng WPK, Trưởng ban Kinh tế Trung ương O Su-yong dẫn đầu.

Tại buổi tiếp, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Quảng Ninh đang sở hữu 600 điểm thăm quan, du lịch, trong đó có vịnh Hạ Long 2 lần được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới.

Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh cũng nhắc lại kỷ niệm trước đó, tháng 11/1964, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Nhật Thành đã từng đến tham quan vịnh Hạ Long. Quảng Ninh cũng đã từng đón Đoàn Đại biểu cấp cao, Đoàn thanh niên XHCN Kim Nhật Thành năm 2015, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên tới thăm vào năm 2018…

Phó Chủ tịch Đảng WPK - ông Ri Su Yong - thay mặt đoàn cảm ơn sự đón tiếp nồng ấm của Quảng Ninh. Ông cho biết Quảng Ninh rất may mắn sở hữu vịnh Hạ Long, đây là điểm đến lý tưởng, hấp dẫn, rất đẹp.

Sau khi tham quan vịnh Hạ Long, Đoàn lãnh đạo cấp cao Đảng WPK sẽ đi thăm Hải Phòng và Hải Dương theo chương trình công tác của đoàn tại Việt Nam.

8. http://www.quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=81925

Tạo đà cho du lịch Quảng Ninh cất cánh.

Với một lễ bế mạc hết sức ấn tượng diễn ra tại Trung tâm tổ chức hội nghị quốc tế, Khu du lịch FLC Hạ Long, TP Hạ Long vào tối 18/1, Năm Du lịch quốc gia 2018 – Hạ Long – Quảng Ninh đã khép lại với những kết quả nổi bật, khẳng định một năm thành công của du lịch Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng. Đây cũng là bước tạo đà cho ngành "công nghiệp không khói" của Quảng Ninh cất cánh.

Năm Du lịch quốc gia 2018 với chủ đề “Hạ Long - Di sản, Kỳ quan - Điểm đến thân thiện” với gần 100 sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại, trong đó Quảng Ninh tổ chức hơn 50 sự kiện đã diễn ra thành công, đạt hiệu quả cao cả về đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá, thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa.

Năm 2018, Việt Nam đã đón 15,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng hơn 20% so với năm 2017. Riêng tỉnh Quảng Ninh có bước tăng trưởng vượt bậc, năm 2018 đón 12,3 triệu lượt khách trong nước và quốc tế tăng 24% so với năm 2017, trong đó có hơn 5,2 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 22% so với năm 2017.

Phát biểu tổng kết trong Lễ bế mạc Năm Du lịch quốc gia 2018, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, sự thành công và những kết quả đạt được của du lịch Quảng Ninh nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung đã khẳng định tính hiệu quả của Năm Du lịch quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh.

Thành công lớn nhất của Năm Du lịch quốc gia 2018 là tỉnh Quảng Ninh đã chủ động kêu gọi các nhà đầu tư lớn, như Tập đoàn SunGroup, Vingroup, FLC, BIM… đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch tại các trung tâm du lịch.

Điều đó để thể hiện rõ nhất, trong năm 2018, Quảng Ninh đưa vào hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông chất lượng cao như: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Cao tốc Vân Đồn - Hạ Long, Cảng tàu Khách du lịch quốc tế Hạ Long, Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn và các dự án khu nghỉ dưỡng, sân gôn đẳng cấp... vào họat động. Bên cạnh đó, một loạt sản phẩm du lịch mới được hình thành tại trung tâm TP Hạ Long, Khu Di tích và Danh thắng Yên Tử, như: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Hạ Long, Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử,... Một số sản phẩm du lịch truyền thống tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh, của đất nước. Tất cả những điều này đã thay đổi hoàn toàn hình ảnh, diện mạo của du lịch Quảng Ninh, góp phần tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Qua quá trình tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2018, nhận thức về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành, đặc biệt là nhân dân các địa phương được nâng lên; vai trò của người dân, chủ thể của các hoạt động văn hóa, lễ hội được phát huy; môi trường, cảnh quan, văn minh đô thị được chỉnh trang, nâng cấp; sản phẩm du lịch dịch vụ ngày càng đa dạng, hấp dẫn; hạ tầng giao thông kết nối đến các thị trường trong và ngoài nước ngày càng thuận tiện.

Là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2018, cùng với hơn 40 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch hưởng ứng diễn ra tại 15 tỉnh, thành trong cả nước, suốt một năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra hàng loạt các sự kiện sôi động với điểm nhấn, như Lễ khai mạc “Năm Du lịch quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh”, Chương trình Carnaval Hạ Long và gần đây nhất là Lễ bế mạc Năm du lịch quốc gia 2018 gắn với bế mạc Diễn đàn du lịch ASEAN 2019...

Các sự kiện trên không chỉ mang đến cho nhân dân và du khách những trải nghiệm hấp dẫn ấn tượng nhất khi đến với Quảng Ninh, mà còn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các hãng truyền thông khu vực và quốc tế, các cơ quan du lịch, các quốc gia, các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch, du khách trong nước và quốc tế. Sự kiện đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với du khách trong và ngoài nước khi tới Hạ Long, Quảng Ninh, Việt Nam. Ấn tượng về hình ảnh một tỉnh biên giới năng động, sáng tạo, đột phá về phát triển kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch và con người thân thiện, mến khách, chào đón du khách bằng “Nụ cười Hạ Long”. Qua sự kiện này, hình ảnh của du lịch Quảng Ninh tiếp tục được khẳng định là một điểm đến an toàn và thân thiện.

Có thể khẳng định, những thành công của du lịch Quảng Ninh trong việc thu hút các nhà đầu tư tiềm lực đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, dịch vụ ngành Du lịch làm thay đổi diện mạo ngành Du lịch cả về chất và lượng là những kinh nghiệm quý cho nhiều địa phương trong nước học tập. Quảng Ninh đã thực sự có những thành công bước đầu trong chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế từ “Nâu” sang “Xanh”, hướng tới phát triển du lịch bền vững, là ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế của tỉnh.

Năm Du lịch quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng  Ninh đã khép lại với bước phát triển hết sức ấn tượng với nhiều thành tựu và ý nghĩa đối với du lịch Quảng Ninh nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung. Đồng thời mở ra cơ hội hợp tác mới, tạo đà phát triển du lịch cho Quảng Ninh và các địa phương trong cả nước.

Năm Du lịch quốc gia 2019, Nha Trang - Khánh Hòa với chủ đề “Nha Trang - Sắc màu của Biển” sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động, sự kiện diễn ra xuyên suốt trong năm 2019 tại tỉnh Khánh Hòa; đặc biệt là chương trình Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa diễn ra vào đầu tháng 5/2019 là một trong những điểm nhấn cho chuỗi các hoạt động, sự kiện của Năm Du lịch quốc gia 2019.

9. http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201901/chuyen-ve-hai-bao-vat-quoc-gia-cua-quang-ninh-2416624/

Chuyện về hai Bảo vật Quốc gia của Quảng Ninh

Vừa qua, Quảng Ninh có 2 hiện vật là Bình gốm Đầu Rằm và Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử nằm trong số 22 hiện vật, nhóm hiện vật trong cả nước, được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Đây cũng là 2 Bảo vật Quốc gia đầu tiên của Quảng Ninh.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Bình gốm Đầu Rằm và Hộp vàng Ngọa Vân Yên Tử là 2 hiện vật được lựa chọn ra trong số 60.000 hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh.

Ông Kiều Đinh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, cho biết: Sở dĩ Bình gốm Đầu Rằm và Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử được lựa chọn bởi hội tụ được nhiều giá trị độc đáo, khác biệt. Thứ nhất, đây là các hiện vật gốc, độc bản, tồn tại nguyên vẹn mà cho đến nay chưa một cá nhân hay địa phương nào ở Việt Nam phát hiện, lưu giữ được hiện vật tương tự. Thứ hai, các hiện vật có hình dáng độc đáo, hoa văn trang trí tinh xảo, bố cục chặt chẽ. Trong đó, Bình gốm Đầu Rằm được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là một kiệt tác nghệ thuật gốm tiền sơ sử Việt Nam, là một trong những biểu tượng cho đỉnh cao kỹ - mỹ nghệ sản xuất gốm Phùng Nguyên; còn Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử là một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao trong sự phát triển mỹ thuật thời Trần.

Thứ ba là giá trị đặc biệt về khoa học, lịch sử. Việc phát hiện Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử trên con đường hành hương lên am Ngoạ Vân, nơi vua Trần hoá Phật, góp tư liệu quan trọng vào nhận thức về di tích am Ngọa Vân - “thánh địa” của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng và di tích Ngọa Vân nói chung. Qua kỹ thuật chế tác, các họa tiết hoa văn… thể hiện giá trị lịch sử, văn hóa, tư tưởng và mỹ thuật của thời Trần. Còn Bình gốm Đầu Rằm, với tất cả các biểu hiện hình dáng, hoa văn trang trí cũng như những tư tưởng về thế giới quan triết học, tư duy hình học đối xứng… là một tác phẩm kỹ - mỹ thuật đánh dấu một bước ngoặt trọng đại của cộng đồng cư dân tiến xuống biển. Từ di tích Đầu Rằm có thể đặt nền tảng cho nghiên cứu văn hóa Tràng Kênh. Đó chính là cơ sở để tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử Quảng Ninh nói riêng và lịch sử khu vực duyên hải Đông Bắc nói chung trong giai đoạn sơ kỳ thời đại đồng thau.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, những năm gần đây, tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện để Bảo tàng Quảng Ninh có thể sưu tầm một số hiện vật độc đáo, có giá trị lịch sử gắn với Quảng Ninh để trưng bày bổ sung cho các không gian Bảo tàng. Vì vậy, ngoài 2 hiện vật đã được công nhận Bảo vật Quốc gia kể trên, Bảo tàng Quảng Ninh và một số địa phương trên địa bàn vẫn còn một số hiện vật quý hiếm, có thể tiếp tục lập hồ sơ đề xuất công nhận Bảo vật Quốc gia trong thời gian tới.

Bên cạnh việc tiếp tục đề xuất công nhận các Bảo vật Quốc gia thì câu chuyện quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị “hậu” công nhận Bảo vật Quốc gia luôn là điểm thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, những người yêu mến cổ vật cũng như công chúng. Trả lời câu hỏi này, ông Sơn khẳng định: Việc bảo vệ, phát huy giá trị hiện vật không phải là sau khi được công nhận Bảo vật Quốc gia thì mới quan tâm, thực hiện. Công việc này luôn được chúng tôi làm thường xuyên, liên tục thông qua việc trưng bày, giới thiệu hiện vật tại các không gian của Bảo tàng, trưng bày triển lãm lưu động, thông qua giới thiệu hình ảnh, tư liệu…

Song đối với hiện vật là Bảo vật Quốc gia thì phải có chế độ bảo quản, bảo vệ và phát huy đặc biệt theo quy định của Bảo vật Quốc gia. Cụ thể, với Bình gốm Đầu Rằm và Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử, trước mắt, chúng tôi sẽ đề nghị được đầu tư, trang bị thêm các tủ chuyên dụng để trưng bày, phát huy giá trị phục vụ nhân dân và du khách ngay. Về lâu dài, chúng tôi sẽ điều chỉnh lại không gian trưng bày, tại Bảo tàng Quảng Ninh sẽ bố trí một không gian trưng bày đặc biệt trưng bày các Bảo vật Quốc gia. Bên cạnh đó có thể nghiên cứu, tập hợp tư liệu để in sách (theo dạng sổ tay); các tờ rơi, tập gấp giới thiệu hình ảnh, giá trị của các Bảo vật Quốc gia. Đồng thời có thể nghiên cứu đặt làm các chế bản hiện vật bằng các chất liệu khác nhau, có gắn logo Bảo tàng Quảng Ninh bán cho du khách hoặc làm quà tặng, quà lưu niệm...

10. http://baoquangninh.com.vn/du-lich/201902/quang-ninh-ron-rang-don-khach-2421950/

Quảng Ninh rộn ràng đón khách

Dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm nay thời tiết nắng đẹp, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh tăng mạnh. Các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh từ TX Đông Triều đến địa đầu Móng Cái đều rộn ràng bước chân du khách đến tham quan. Đây là một tín hiệu vui, khởi đầu tốt đẹp cho ngành "công nghiệp không khói" của Quảng Ninh trong năm Kỷ Hợi 2019.

Ngay trong buổi sáng sớm mùng 1 Tết, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu đã rộn ràng tiếng trống lân và rực rỡ sắc hoa đào tươi thắm chào đón những vị khách nước ngoài đầu tiên làm thủ tục đi tham quan Vịnh Hạ Long. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng có mặt từ rất sớm tại Cảng tàu để tặng hoa, lì xì và gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất đến những đoàn khách du lịch đầu tiên đến “xông đất” Vịnh Hạ Long trong ngày đầu xuân mới.

Hầu hết các vị khách đều bày tỏ sự thích thú khi nhận được sự đón tiếp nồng hậu, mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và những người làm du lịch địa phương. Ông Wang Sheng Han, khách du lịch Đài Loan có mặt trong đoàn khách du lịch đầu tiên tham quan Vịnh Hạ Long trong mùng 1 Tết không giấu nổi niềm vui: “Tôi thật hạnh phúc khi có mặt tại Hạ Long trong dịp tết của các bạn. Cảnh đẹp Hạ Long thật tuyệt vời, con người Hạ Long thân thiện và mến khách. Nếu có cơ hội đến Việt Nam, nhất định tôi sẽ trở lại Hạ Long cùng với những người bạn của tôi”.

Theo thống kê của Cảng thủy nội địa Quảng Ninh, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, lượng khách đến tham quan Vịnh Hạ Long đạt hơn 82.000 lượt, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khách quốc tế đạt gần 77.000 lượt. Cao điểm là mùng 4 Tết, đã có 600 chuyến tàu xuất bến đưa hơn 15.000 lượt khách tham quan Vịnh Hạ Long, trong đó, khách quốc tế hơn 11.000 lượt.

Cũng trong mùng 1 Tết, chuyến bay số hiệu VN A581 thuộc hãng hàng không Bamboo Airway đã đưa những vị khách từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) hạ cánh xuống Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Mặc dù mới đưa vào khai thác, nhưng trong dịp tết, trung bình mỗi ngày Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đón trên 200 lượt du khách tới đây.

Mùng 6 Tết, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long cũng đón chuyến tàu biển du lịch quốc tế đầu tiên mang theo gần 500 khách du lịch đến "xông” Cảng trong năm Kỷ Hợi. Lãnh đạo tỉnh và ngành Du lịch đã đến chào đón, tặng hoa và lì xì cho du khách. Ông Gaman Ronald Frank, quốc tịch Mỹ, cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi đến Hạ Long. Tôi thật sự bất ngờ với sự chào đón nồng nhiệt của các bạn. Không khí ngày xuân thật ấm áp, phong cảnh Vịnh Hạ Long thật tuyệt vời. Đây thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ trong chuyến đi lần này của tôi...”.

Năm nay, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày, thời tiết đẹp, các địa điểm vui chơi giải trí, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh cũng thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan. Đặc biệt, một số điểm du lịch tâm linh như: Khu di tích danh thắng Yên Tử, đền Cửa Ông, chùa Long Tiên, Cái Bầu, chùa Ba Vàng… mỗi ngày đón hàng vạn du khách đến tham quan, lễ bái. Các khu vui chơi giải trí đã thu hút trên 4 vạn lượt khách đến tham quan trong dịp tết.

Theo thống kê của Sở Du lịch, tính từ ngày 2/2 (28 tháng Chạp) đến 9/2/2019 (mùng 5 Tết), lượng khách du lịch đến các điểm tham quan trên địa bàn tỉnh tăng khá mạnh, đạt trên 850.000 lượt, tăng 15%, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 170.000 lượt, tăng 14% so với cùng kỳ. Khách lưu trú tại địa phương đạt khoảng 78.000 lượt, trong đó khách lưu trú quốc tế đạt trên 68.000 lượt. Công suất buồng khách sạn 3-5 sao trên địa bàn TP Hạ Long đạt 80-90%.

Tuy lượng khách du lịch tăng cao trong dịp tết nhưng do có sự chuẩn bị chu đáo nên tình hình an ninh trật tự, an toàn vệ sinh môi trường vẫn được đảm bảo, các đơn vị kinh doanh du lịch cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất. Đặc biệt, trong dịp tết, ngành Du lịch và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đều tổ chức các chương trình vui chơi, biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách như: Tiệc đón giao thừa, giới thiệu các món ăn truyền thống của Việt Nam trong dịp tết, tạo cho du khách có kỳ nghỉ thú vị, thưởng thức hương vị Tết cổ truyền tại Quảng Ninh.

Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh khẳng định, lượng lớn khách du lịch đến Quảng Ninh trong những ngày đầu năm mới là kết quả sự chuyển biến của ngành "công nghiệp không khói" của tỉnh trong thời gian qua. Việc đưa các sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, đặc biệt là hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm được đưa vào khai thác như: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long... đã tạo thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến Quảng Ninh trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm nay.

Du khách nhộn nhịp đến Quảng Ninh trong dịp đầu xuân mới là tín hiệu đáng mừng, hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp đến với du lịch Quảng Ninh trong năm Kỷ Hợi 2019.

11. http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201902/chu-tich-quoc-hoi-nguyen-thi-kim-ngan-tham-mot-so-cong-trinh-giao-thong-tieu-bieu-cua-quang-ninh-2422987/

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm một số công trình giao thông tiêu biểu của Quảng Ninh

Ngày 17/2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, chúc mừng tỉnh Quảng Ninh.

Cùng đi có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số lãnh đạo bộ, ngành trung ương. Về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Giới thiệu với đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và đại diện Tập đoàn Sun Group cho biết, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chính thức đưa vào khai thác cuối tháng 12/2018, có công suất 2,5 triệu hành khách/năm và 10.000 tấn hàng hóa/năm đến năm 2020 (giai đoạn đến năm 2030 sẽ đạt công suất 5 triệu hành khách/năm); tổng vốn đầu tư của dự án là 7.463 tỷ đồng.

Hiện đang có 3 hãng hàng không lớn của Việt Nam tổ chức khai thác là Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airway với tổng số 30 chuyến bay đến và đi mỗi tuần, công suất mỗi chuyến bay đều đạt gần 70%. Tính từ khi đưa vào khai thác, đến nay đã có trên 10.000 lượt hành khách thông qua cảng đi tuyến Quảng Ninh - TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Các chuyến bay đều đảm bảo an toàn, hiệu quả, công tác tổ chức khai thác cảng được nhân dân, du khách ghi nhận và đánh giá cao, hành khách đều hài lòng về sự tiện ích, thuận lợi và an toàn của sân bay mới.

Để hỗ trợ hành khách, tỉnh Quảng Ninh bố trí xe buýt miễn phí đưa, đón từ Vân Đồn về Cẩm Phả, Hạ Long và ngược lại; phát vé miễn phí tham quan Vịnh Hạ Long, Yên Tử cho du khách; Tập đoàn Sun Group thực hiện giảm giá vé từ 20-50% khi tham quan Sunworld Hạ Long (áp dụng đến hết 31/12/2019).

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng tàu chuyên biệt đầu tiên trong cả nước được đưa vào khai thác cuối tháng 11/2018 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu khách đến với Hạ Long mà không phải qua chuyển tải, đảm bảo sự an toàn cho du khách. Đến nay, cảng đã đón 21 chuyến tàu biển quốc tế, đưa hơn 50.000 du khách cùng thủy thủ đoàn đến Hạ Long.

Sau khi tham quan các công trình mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chúc mừng tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Sun Group.

Nhìn từ Quảng Ninh, có thể thấy được sự bứt phá nhanh chóng, các công trình động lực nhằm thu hút đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng liên tục được triển khai. Đây là địa phương điển hình cho việc vận dụng linh hoạt trong huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng, một minh chứng rất cụ thể và rõ ràng về thành công trong chủ trương xã hội hóa đầu tư của Đảng và Chính phủ, huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện.

Cách làm này không phải địa phương nào cũng làm được, điều đó cho thấy quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của người dân Quảng Ninh trong thực hiện các nhiệm vụ về phát triển KT-XH.

12. http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201902/bao-ve-va-phat-trien-di-san-quang-ninh-tu-kinh-nghiem-quoc-te-2423145/

Bảo vệ và phát triển di sản Quảng Ninh: Từ kinh nghiệm quốc tế

Trong hội thảo tại Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2019 (tổ chức từ ngày 14 đến 18/1/2019, tại TP Hạ Long), bảo vệ và phát triển di sản là mục tiêu được cơ quan và tổ chức du lịch đặt lên hàng đầu với hàng loạt các chia sẻ, kinh nghiệm quý báu. Quảng Ninh nằm trong chuỗi địa phương sở hữu các di sản thiên nhiên và văn hóa đa dạng, có thể học tập những kinh nghiệm quốc tế để kết nối và lan tỏa giá trị du lịch đến các du khách trong và ngoài nước.

Kết nối di sản trong thời đại số

Trong hội thảo “Kết nối di sản phát triển du lịch ASEAN trong thời đại số”, chỉ với chiếc máy tính bảng trên tay, bà Phạm Ngọc Mai Anh, Giám đốc Điều hành của Tập đoàn ADT, quét một bức ảnh chụp hiện vật đã được số hóa, từ đó giúp người xem có thể quan sát dưới dạng 3D. Thậm chí, du khách có thể “xoay, lật, phóng to, thu nhỏ” hiện vật để chiêm ngưỡng một cách tỉ mỉ, chính xác. Trải nghiệm mới này khiến khán phòng hội nghị phải trầm trồ. Đây chỉ là một trong những ví dụ rất cơ bản của bà Mai Anh khi nói về ứng dụng công nghệ tăng cường thực tế (AR) vào trải nghiệm du lịch, giúp du khách có thể tương tác với hiện vật trong các bảo tàng như thật.

Bài thuyết trình về “Công nghệ tương tác đang thay đổi cách trải nghiệm du lịch của chúng ta” của bà Mai Anh đã giới thiệu các công nghệ gồm: Du lịch ảo bằng công nghệ 360, thăm bảo tàng ảo và tái hiện hiện vật bằng công nghệ quét 3D vật thể, xem bản đồ tương tác bằng các ứng dụng công nghệ AR và nền tảng GPS. Nhờ đó, khi thăm một điểm đến mới, thay vì sách hướng dẫn hay bản đồ, du khách chỉ cần tải ứng dụng, điện thoại sẽ tự nhận tọa độ và sẽ cung cấp ngay thông tin về điểm đó, bằng nhiều thứ tiếng, video, 3D hiện vật…

Bên cạnh đó, tại hội thảo nhiều diễn giả cũng tham gia chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi sáng kiến, giải pháp ứng dụng mới. Trong đó, Phó Giáo sư Lee Seul Ki, Khoa Quản trị Du lịch và Khách sạn, Giám đốc Trung tâm Phân tích Dữ liệu ngành du lịch (TIDAL) Hàn Quốc, đưa ra giải pháp cần nâng cao khả năng kết nối của du khách như không cần đổi SIM điện thoại, hỗ trợ dịch vụ điện thoại di động, các nền tảng internet miễn phí. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh đến việc có thuyết minh đa ngôn ngữ, giới thiệu thông tin về lịch sử và di sản của ASEAN, hình thành các sản phẩm đặc trưng, bổ trợ lẫn nhau giữa các điểm đến ASEAN. Còn ông Con Apostolopoulos, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc National Geographic khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông, lại cho rằng, khu vực ASEAN nên chú trọng tới các dòng sản phẩm thế mạnh như ẩm thực, di sản, nghệ thuật và sự lãng mạn để thu hút khách du lịch quốc tế. Đặc biệt, ưu tiên các hình thức truyền tải bằng video, mạng xã hội, công nghệ hình ảnh, nội dung số… để tận dụng những tiến bộ về công nghệ trong thời đại hiện nay.

Kinh nghiệm quý cho Quảng Ninh

Quảng Ninh hiện có gần 6.000 hình ảnh, hiện vật ấn tượng và độc đáo tại Bảo tàng tỉnh. Nếu những hình ảnh, hiện vật được ứng dụng bằng công nghệ số chắc chắn sẽ mang lại những trải nghiệm du lịch mới mẻ, chinh phục du khách. Việc ứng dụng công nghệ AR không chỉ giúp du khách hình dung và hiểu rõ hơn về giá trị các hiện vật mà còn hoàn toàn có thể nâng cao chất lượng truyền tải các câu chuyện lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của địa phương đến gần hơn với người dân, nhất là đối tượng học sinh.

Có thể thấy, việc đầu tư công nghệ AR là hoàn toàn khả thi, đặc biệt đối với việc bảo tồn, lưu giữ và quảng bá các hiện vật và hình ảnh có giá trị. Bên cạnh đó, nó cũng là bước khởi đầu cho hành trình kết nối các giá trị di sản trong nước và khu vực, tạo thành một “quần thể di sản ASEAN” sinh động, ấn tượng.

Ngoài ra, việc xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ số, cụ thể là mạng internet cũng là vấn đề được các diễn giả nhấn mạnh. Hiện nay, Quảng Ninh có khoảng 170 điểm phát wifi miễn phí trên địa bàn TP Hạ Long và sắp tới sẽ phủ sóng wifi tại TP Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số điểm chất lượng sóng chưa cao; các thông tin cơ bản về du lịch thành phố chưa được tích hợp đầy đủ. Bên cạnh đó, Quảng Ninh chưa có kênh truyền thông về du lịch tập trung và nổi bật. Các video quảng bá về du lịch vẫn còn nhỏ lẻ, ở từng địa phương mà chưa có tính khái quát, đồng bộ, chưa được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp. Nhất là, trong thời đại 4.0, việc khai thác nền tảng mạng xã hội, ứng dụng công nghệ kết nối với du khách vẫn là một “mảnh đất màu mỡ” đang chờ đợi các nhà quản lý du lịch.

Ngay trong buổi hội thảo, ông Peter Debrine, Giám đốc Dự án cấp cao, phụ trách Dự án Du lịch bền vững, Trung tâm Di sản thế giới, ngành Văn hóa thuộc UNESCO, đã chia sẻ một số kinh nghiệm về việc bảo tồn và phát triển di sản trong thời đại 4.0 tại Quảng Ninh. Ông khẳng định: Quảng Ninh nổi tiếng với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, đó là lợi thế mạnh nhất của địa phương để thu hút du khách. Tuy nhiên, để phát triển du lịch của một vùng, một quốc gia và khu vực, cần có sự liên kết giữa các di sản. Trong đó, công nghệ 4.0 chính là "chìa khóa" cho sự trường tồn của các di sản, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên và văn hóa của Quảng Ninh. Đồng thời, thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới, kết nối giá trị di sản chung của khu vực, tạo dựng sức mạnh của sự thống nhất trong ASEAN.

Thư viện Quảng Ninh

 

Gọi điện: 0203.6500.163
Facebook Youtube
wiget Chat Zalo