Mở cửa các ngày từ Thứ 3 – Chủ Nhật hàng tuần. Buổi sáng từ 7h30 - 12h00. Buổi chiều từ 13h30 - 16h30
Thư mục Quảng Ninh qua báo chí

Quảng Ninh qua báo chí Trung ương” tháng 7+ 8/2018.

Ngày 17-09-2018 Lượt xem: 79

Quảng Ninh nằm ở địa đầu phía đông bắc Việt Nam, là tỉnh miền núi, trung du nằm ở vùng duyên hải Bắc Bộ với hơn 80% đất đai là đồi núi. Trong đó, có hơn hai nghìn hòn đảo nổi trên mặt biển, là vùng đất lịch sử lâu đời. Ở khu vực Vịnh Hạ Long đã khảo cổ được di chỉ của người tiền sử từ 3000 - 1500 năm TCN. Là một trọng điểm kinh tế, một đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía bắc đồng thời là một trong bốn trung tâm du lịch lớn của Việt Nam với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận về giá trị thẩm mĩ và địa chất địa mạo.

     Con người và xã hội Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa, sự thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng, có truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân Vùng Mỏ với “di sản” tinh thần vô giá “kỷ luật và đồng tâm”. Đây là điều kiện thuận lợi xây dựng khối đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp để vượt qua mọi khó khăn, thách thức; góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

    Để cập nhật thông tin mới nhất về chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế…tỉnh Quảng Ninh, Thư viện tỉnh Quảng Ninh Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc Thư mục: “Quảng Ninh qua báo chí Trung ương” tháng 7+ 8/2018. 

1.Thủ tướng biểu dương Quảng Ninh trong cải thiện môi trường đầu tư//http://www.baoquangninh.com.vn.-2018.- Ngày 2 tháng 7

Ngày 2/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Dự tại điểm cầu Quảng Ninh có các đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo báo cáo của Chính phủ, nửa chặng đường năm 2018, kinh tế nước ta đã đạt tốc độ đáng khích lệ. Tổng sản phẩm trong nước ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011. Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng hơn 13%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tỉ trọng lớn nhất. An sinh xã hội bảo đảm; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện...

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, bộ, ngành Trung ương đã thảo luận, đánh giá sâu sắc những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nêu khó khăn, vướng mắc, giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm...

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nêu rõ: 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước tăng 10,16%, cao nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ. Về chỉ tiêu sản xuất công nghiệp, ngành Than tiếp tục có nhiều khởi sắc với sức tiêu thụ tăng mạnh so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 6 tháng đạt gần 21 ngàn tỷ đồng; khách du lịch tới Quảng Ninh đạt 7,5 triệu lượt người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,95%. Quảng Ninh đang đẩy nhanh tiến độ thi công một số dự án, công trình trọng điểm, như: Cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, nhất là dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Đồng chí đề nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho Quảng Ninh một số công việc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng như chấp thuận chủ trương dự án đầu tư nhóm A; các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Bộ Công Thương sớm đẩy nhanh tiến độ Đề án Khu hợp tác quốc tế song phương, trong đó có Khu kinh tế Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc).

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các bộ, ngành Trung ương, tỉnh, thành phố trong cả nước đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm. Đặc biệt, môi trường đầu tư, cải cách hành chính được nhiều địa phương thực hiện hiệu quả, trong đó Quảng Ninh là một điển hình. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, song để đạt các kết quả trên là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong cả nước, cần phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

Nhấn mạnh nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018; tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp; khắc phục những tồn tại, yếu kém trong hoạt động công vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng; triển khai ngay 9 luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tăng cường nắm bắt tình hình thực tế, đôn đốc, giải quyết dứt điểm các vụ việc từ cơ sở và dành thời gian thỏa đáng trực tiếp đối thoại, giải trình, trả lời kiến nghị của người dân, tập trung giải quyết cơ bản, dứt điểm các vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận xã hội. Cùng với đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời phản bác thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận, định hướng thông tin dư luận đúng đắn; tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục phối hợp chặt chẽ và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước.

Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đánh giá rõ những việc đã và chưa làm được, từ đó, từng cơ quan, cá nhân tiếp tục đổi mới tư duy, hành động trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ quan, đơn vị mình; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý tốt những vi phạm. Đặc biệt, trong chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phải quyết liệt, cụ thể, bám sát chương trình hành động để thực hiện nhiệm vụ một cách sáng tạo, hiệu quả nhất. Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH những tháng cuối năm, từ đó triển khai bằng những giải pháp, chương trình cụ thể.

2.Quảng Ninh sáng tạo, đổi mới trong công tác xây dựng Đảng//http://www.baoquangninh.com.vn.-2018.- Ngày 3 tháng 7

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 03/3/2015 “Về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”, Quảng Ninh đã đổi mới tư duy theo hướng đột phá, nâng cao tầm nhìn, hành động hiệu quả và quyết liệt. Đến nay, các nội dung đặt ra đã cơ bản đạt được như kỳ vọng, riêng 3 chỉ tiêu về xây dựng Đảng trong tổng số 17 chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra Quảng Ninh đều đạt và vượt…

Để có được kết quả đó, ngay trong khâu ban hành chủ trương, chính sách, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nắm chắc, bám sát các chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa sáng tạo và sát thực tiễn của tỉnh để ban hành nghị quyết theo hướng rõ nhiệm vụ, giải pháp, rõ trách nhiệm, dễ kiểm điểm. Cùng với đó, ngay sau khi ban hành nghị quyết, Tỉnh đã tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát để đưa nghị quyết vào cuộc sống, không triển khai mang tính hình thức. Quảng Ninh cũng duy trì thực hiện hiệu quả việc giao ban, đối thoại của đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu đối với bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, khu phố, trưởng ban công tác mặt trận định kỳ hằng quý hoặc chuyên đề để trao đổi thông tin hai chiều, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân về thực trạng ở thôn, bản, khu phố, những vấn đề nhân dân quan tâm; các vấn đề nổi cộm, bức xúc, các đề xuất kiến nghị từ cơ sở để có phương án giải quyết kịp thời.

Song song với đó, tỉnh còn quan tâm tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định, quy chế về lề lối, mối quan hệ làm việc; xây dựng chương trình công tác toàn khóa và hằng năm. Trong đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa cấp ủy đảng với chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trên cơ sở vừa đảm bảo vai trò lãnh đạo, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền, trách nhiệm cá nhân và người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vai trò giám sát, làm chủ của nhân dân thông qua MTTQ và các đoàn thể. Cũng thông qua đó, cơ bản khắc phục được tình trạng buông lỏng lãnh đạo của cấp ủy đảng, làm thay công việc của chính quyền, tránh được vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và mất đoàn kết nội bộ.

Trong công tác tư tưởng, Quảng Ninh cũng có nhiều đổi mới với nhiều cách làm hiệu quả, thiết thực. Nổi bật thời gian gần đây, tỉnh đã xây dựng đề án, ban hành Nghị quyết và các quy định về "Một số giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình mới”, Đề án và Nghị quyết về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững", đầu tư hệ thống truyền hình trực tuyến với 231 điểm cầu từ tỉnh đến cấp huyện và cấp xã nên đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, kinh phí mà hiệu quả tuyên truyền lại tăng lên rõ rệt. Cùng với đó tỉnh cũng quan tâm tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận phục vụ yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; rà soát, sắp xếp lại các bản tin theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Công tác tuyên truyền, định hướng báo chí thông qua giao ban, hội nghị thông tin báo chí hằng tuần được tăng cường. Tỉnh ủy đã tích cực chỉ đạo các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe kiến nghị, nắm diễn biến tư tưởng của nhân dân; hoàn thiện quy chế, quy tắc ràng buộc trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 94 và nhóm chuyên gia chống quan điểm sai trái, thù địch.. Với nhiều cách làm hiệu quả, qua khảo sát niềm tin của nhân dân đối với Đảng trên địa bàn tỉnh tăng từ 73,3% lên 79%.

Cùng với các giải pháp nói trên, để đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, thời gian qua, Quảng Ninh cũng tích cực kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên. Đến nay đã xây dựng đề án về đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tổ chức giao ban định kỳ bí thư chi bộ, kịp thời giải quyết các vướng mắc từ cơ sở; đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên ở thôn, bản, khu phố; tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, các thôn, khu phố; cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá tổ chức đảng, đảng viên, tiêu chí đánh giá cán bộ…

Đặc biệt, để thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố, đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện thực hiện nhiệm vụ chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 28/12/2016 “về thống nhất nhiệm kỳ Đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu Trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017 - 2020”. Trên tinh thần đó, Quảng Ninh đã thực hiện quy trình để nhân dân giới thiệu đảng viên của chi bộ có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín giới thiệu để nhân dân bầu trưởng thôn trước, sau đó tiến hành đại hội chi bộ và giới thiệu đồng chí vừa trúng cử để bầu Bí thư chi bộ. Đến nay, bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố chiếm 98,15% (1.536/1.565. Từ thực tiễn đã và đang triển khai, việc nhất thể hoá bước đầu khẳng định được sự ưu việt, giúp phát huy tốt vai trò người đứng đầu, mọi nội dung công việc được triển khai nhanh chóng, kịp thời và có tính thống nhất cao, tránh tình trạng chồng chéo và bỏ sót việc, được dư luận nhân dân trên địa bàn đồng thuận, tin tưởng.

3.Minh Thu. Hội nghị giao ban trực tuyến ngành Tổ chức xây dựng Đảng//http://www.baoquangninh.com.vn.-2018.- Ngày 3 tháng 7

Chiều 2/7, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.

Dự chỉ đạo tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy cùng các ngành, địa phương liên quan.

Theo báo cáo đánh giá tại hội nghị, với tinh thần tích cực, chủ động, quyết liệt, lấy đổi mới, sáng tạo là trung tâm; lấy tư duy, tầm nhìn làm đột phá; lấy hiệu quả là thước đo đánh giá, toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp để khắc phục khó khăn, đổi mới phương pháp, lề lối, phong cách làm việc, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt khối lượng lớn nhiệm vụ được giao.

Trong đó, nổi bật là đã đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương; triển khai đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ và hoàn thành các bước bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020, xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025; ban hành danh mục vị trí việc làm công chức ngành Tổ chức xây dựng Đảng để thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn ngành. Ngoài ra, Ban Tổ chức Trung ương Đảng cũng tổ chức Lễ công bố và trao Giải thưởng báo chí về xây dựng Đảng mang tên Búa liềm vàng lần thứ 2, đồng thời phát động Giải Búa liềm vàng lần thứ 3 - năm 2018...

Tại các địa phương, nhiều cách làm mới trong công tác tổ chức, xây dựng Đảng cũng đã được triển khai. Đối với tỉnh Quảng Ninh, bám sát chương trình, kế hoạch, sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 19, Đề án 25, Chương trình hành động số 21-CTr/TU một cách sâu, rộng và toàn diện. Điển hình là đã tiến hành việc hợp nhất một số cơ quan có chức năng nhiệm vụ tương đồng cấp huyện, như tổ chức - nội vụ, kiểm tra - thanh tra, mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc chung MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, từng bước đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm và lộ trình xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp... Qua đó góp phần từng bước tinh giản bộ máy biên chế, nâng cao năng lực hiệu qủa hoạt động của hệ thống chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng cán bộ, đảng viên...

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức một số địa phương và các ngành đã phát biểu nhấn mạnh những kết quả chung của ngành tổ chức xây dựng Đảng nói chung và của từng tỉnh nói riêng, đồng thời kiến nghị đề xuất Ban Tổ chức Trung ương có hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nội dung về công tác tổ chức xây dựng Đảng tại các địa phương trong những tháng cuối năm.

Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, công tác xây dựng Đảng những tháng đầu năm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại yếu kém về công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Hiện đã có nhiều nghị quyết về vấn đề này, nhưng bộ máy vẫn cồng kềnh, việc triển khai xây dựng vị trí việc làm ở một số ngành còn chậm, chưa đạt được kết quả rõ nét, một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc phân công kế hoạch công tác gắn với vị trí việc làm dẫn đến chưa rõ trách nhiệm trong xử lý công việc…

Từ thực tế này, đồng chí Trưởng ban Tổ chức Trung ương yêu cầu các địa phương cần tiếp tục quan tâm xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng cần nỗ lực nâng cao đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương, mỗi đơn vị cần khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, nâng cao tính chiến đấu. Các cán bộ làm công tác tổ chức cần có những giải pháp tích cực, mạnh mẽ hơn nữa để xây dựng đội ngũ vững mạnh, tinh thông, nói đi đôi với làm, qua đó góp phần xây dựng và giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng.

4.Cầu nối trong công tác xây dựng Đảng//http://www.baoquangninh.com.vn.-2018.-Ngày 11 tháng 7

Được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh cho phép, được các Ban xây dựng Đảng của tỉnh hỗ trợ, Ban liên lạc cựu Bí thư huyện, thị, thành phố tỉnh Quảng Ninh thành lập từ 19/5/2008. Ban lấy ngày sinh của Bác Hồ làm ngày khai sinh của tổ chức mình để tâm niệm luôn luôn học tập, làm theo đạo đức, phong cách của Bác Hồ.

Ban có quy ước hoạt động khá chặt chẽ, nêu rõ công tác xây dựng Đảng là một vinh dự và trách nhiệm. Với cương vị được Đảng giao phó, với kinh nghiệm trong quá trình công tác cần được trao đổi, bổ sung để tiếp tục góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đối tượng tham gia là những đồng chí đã kinh qua là Bí thư các Huyện, thị, thành ủy thuộc Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh qua các thời kỳ, đến nay đã nghỉ hưu, cư trú và sinh hoạt Đảng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tự nguyện và có điều kiện tham gia, đều được chấp thuận là thành viên (trừ các đồng chí bị kỷ luật từ cách chức trở lên).

Các thành viên có trách nhiệm tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt của Tổ, Ban liên lạc hàng năm, hoạt động thăm hỏi tình cảm, thông tin kịp thời các vấn đề liên quan đến cá nhân và gia đình mình, đóng góp quỹ, hội phí, được thăm hỏi khi ốm đau, khi gia đình gặp hoạn nạn v.v…

Ban liên lạc hoạt động chung toàn tỉnh và có các tổ ở các huyện, thị, thành phố gồm các thành viên cư trú nơi đó. Thường trực Ban liên lạc có từ 5-7 thành viên, có một Trưởng ban, 2 – 3 Phó ban và các ủy viên. Sau 5 năm cử lại một lần. Thường trực Ban có nhiệm vụ tổ chức các buổi sinh hoạt hàng năm hoặc đột xuất, theo dõi và tổ chức thăm viếng, vận động và quản lý các nguồn tài trợ, các khoản đóng góp, chi tiêu v.v… Tổ trưởng, tổ phó nắm tình hình các thành viên trong tổ, tổ chức thăm hỏi các thành viên khi ốm đau, hoạn nạn, báo cáo kịp thời cho Thường trực Ban.

Đây là một tổ chức riêng có ở Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh. Qua 10 năm tồn tại và phát triển từ chỗ có hơn 30 thành viên, nay đã lên tới 60 thành viên. Trong đó 18 đồng chí đã kinh qua Bí thư, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND, UBND tỉnh. Hàng năm Ban liên lạc đều tổ chức hội nghị gặp mặt vào dịp 19/5 tại một Đảng bộ huyện thị, thành phố để đánh giá hoạt động năm qua, bàn nội dung hoạt động năm tới, đi tham quan một số cơ sở ở địa phương, gặp gỡ nhân dân, cán bộ đảng viên, sau đó về giao lưu với Ban thường vụ cấp ủy trao đổi tình hình kinh tế - xã hội, kinh nghiệm công tác xây dựng Đảng v.v…

Từ cuộc giao lưu đầu tiên với Thị ủy Hồng Gai, sau đó đến Thị ủy Cẩm Phả, Uông Bí (nay đều là thành phố) đến các Huyện ủy Móng Cái, Bình Liêu, Đông Triều, Vân Đồn v.v…, ở buổi giao lưu nào Ban liên lạc cũng để lại những kinh nghiệm quý, những tình cảm và ấn tượng đẹp về những cán bộ đã có quá trình tham gia công tác xây dựng Đảng nay tuy tuổi cao vẫn tiếp tục có những suy nghĩ đóng góp vào công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Kỷ niệm 10 năm thành lập (5/2008 – 5/2018) năm nay, được sự giúp đỡ của huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hải Hà, Ban liên lạc đã tổ chức hội nghị gặp mặt kỷ niệm, tổng lược quá trình hoạt động và bàn nội dung hoạt động năm 2018, tham quan một số cơ sở công nông nghiệp và giao lưu, trao đổi tình hình, kinh nghiệm với lãnh đạo huyện. Phấn khởi trước những thành tựu của huyện trong việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị với kết quả cao: Sản phẩm OCOP của  huyện tham gia Hội chợ OCOP tỉnh được xếp thứ 2 trong toàn tỉnh, chương trình xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang nâng cấp đô thị, sản xuất công nghiệp và xây dựng trên địa bàn phát triển ổn định, quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, thủy sản, kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường, các đại biểu đã tọa đàm, tham gia ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Có đồng chí là lãnh đạo lâu năm của tỉnh, có kinh nghiệm về biển đảo đã phân tích sâu về bảo vệ biển đảo, bảo vệ cảnh quan, môi trường v.v… Về xây dựng Đảng, nhiều đồng chí góp ý về công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, vấn đề phân công cấp ủy cấp trên lần lượt đi dự sinh hoạt với các chi bộ, đảng bộ cơ sở để thấu hiểu tình hình, lắng nghe các cơ quan của huyện; việc quản lý cán bộ đảng viên; đặt hòm thư góp ý ở các nhà văn hóa khu dân cư để nhân dân phát hiện tình hình, giữ vững đạo đức, lối sống chống “tự diễn biến” , “tự suy thoái”… Cuộc giao lưu đã để lại nhiều ấn tượng tốt và kinh nghiệm bổ ích.

Ban liên lạc các cựu Bí thư Huyện, thị, thành ủy tuy chỉ là một tổ chức tự nguyện, không có biên chế chuyên trách, không trụ sở, không phương tiện nhưng nhờ tinh thần, ý thức xây dựng Đảng của các cấp trong tỉnh, nhờ kinh nghiệm, ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm của các thành viên nên hoạt động có hiệu quả, xứng đáng là cầu nối giữa các thế hệ cán bộ lãnh đạo và các địa phương trong tỉnh trong công tác xây dựng Đảng.

Theo Báo cáo của UBND tỉnh tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH của tỉnh trong 6 tháng đầu năm đạt kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả năm. Đặc biệt, 6 tháng qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện chủ đề công tác năm 2018 về "Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên" với nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả.

5.Chuyển biến tích cực trong thực hiện chủ đề công tác năm//http://www.baoquangninh.com.vn.-2018.- Ngày 13 tháng 7

Cụ thể, thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 8/12/2018 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 10/1/2018 thực hiện chủ đề năm về “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên” với 6 nhiệm vụ, 5 nhóm giải pháp trọng tâm và 65 nhiệm vụ thực hiện xuyên suốt trong năm 2018. Đồng thời, ban hành Chương trình hành động số 68/CTr- UBND ngày 12/4/2018 về triển khai Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 12/3/2018 của Tỉnh ủy về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018 - 2022.

Các cấp, các ngành đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể hóa chủ đề công tác năm phù hợp với tình hình thực tiễn cơ quan, đơn vị, tập trung vào các nội dung: Tăng cường tuyên truyền; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường; kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải từ hoạt động của các sơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp; giám sát, vận hành thường xuyên 47 trạm quan trắc môi trường tự động; rà soát, di dời cơ sở sản xuất tiểu thù công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư; cải tạo môi trường các bãi thải mỏ, xây dựng tuyến băng tải than, giảm bụi, tiếng ồn....

Cụ thể, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã tổ chức kiểm tra giải quyết kiến nghị cử tri về ảnh hưởng của Nhiệt điện Mông Dương đến khu vực xã Đồng Rui (Tiên Yên), tăng cường giám sát kiểm tra đối với hoạt động của Dự án sân golf  FLC Hạ Long... Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với 48 tổ chức, xử lý 15 nguồn tin nóng phản ánh về vụ việc gây ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng của Tổng cục Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường. Qua kiểm tra đã phát hiện và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 17 tổ chức với tổng mức xử phạt bằng tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Cùng với đó, Công an tỉnh phát hiện 148 vụ đối với 16 tổ chức và 132 cá nhân vi phạm, xử phạt 133 vụ với tổng tiền phạt 1,137 tỷ đồng, chuyển cơ quan khác xử lý 2 vụ, đang xác minh, điều tra làm rõ 9 vụ.

UBND tỉnh đã ra Quyết định xử phạt hành chính đồng thời đình chỉ hoạt động 2 dự án: thi công xây dựng Dự án Đường nối từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng với Khu công nghiệp Nam Tiền Phong, thị xã Quảng Yên (Giai đoạn 1) với thời hạn 6 tháng của Ban Quản lý dự án đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng; dự án thi công san nền của đường giao thông Ba Chẽ - Hạ Long, đoạn từ trung tâm xã Đồn Đạc đến tuyến đường vành đai phía Bắc TP Hạ Long của Ban Quản lý dự án công trình huyện Ba Chẽ với hình thức xử phạt bổ sung.

Các địa phương cũng đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Điển hình là huyện Hải Hà phát hiện và xử lý được 9 trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xử phạt 80,5 triệu đồng; TP Hạ Long phát hiện và xử lý 125 vụ, xử phạt 485,95 triệu đồng; huyện Vân Đồn đã phát hiện, phối hợp xử lý 7 trường hợp khai thác, vận chuyển tài nguyên trái phép, xử phạt 1.067,483 triệu đồng; huyện Hoành Bồ đã phối hợp, kiểm tra 17 trường hợp với số tiền xử phạt là 685,3 triệu đồng; TP Cẩm Phả xử phạt hành chính 55 trường hợp, với tổng số tiền là 248,250 triệu đồng; thị xã Đông Triều đã xử lý theo thẩm quyền 1 trường hợp đổ chất thải thông thường không đúng nơi quy định, phạt 17,5 triệu đồng.

Song song với đó, công tác chỉnh trang và đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn đã được các địa phương quan tâm thực hiện. Hầu hết các địa phương đều quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến cống thoát nước; dọn dẹp, không để rác, vật liệu, vật cản trên vỉa hè, lề đường... Đồng thời, tổ chức phát động phong trào toàn dân vệ sinh môi trường đường phố, đường làng, ngõ xóm; tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, dòng chảy trên sông suối, bờ biển, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của Nhà nước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên du lịch đối với các cơ sở kinh doanh du lịch; vận động các hộ kinh doanh ký cam kết và thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều địa phương như Uông Bí, Vân Đồn, Cô Tô, Hạ Long đã phát động phong trào phụ nữ hạn chế sử dụng túi nylon, không thải chất thải nguy hại ra môi trường, dùng làn đi chợ…

Những hoạt động cụ thể, thiết thực trong quá trình triển khai thực hiện chủ đề công tác năm 2018 đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức, trách nhiệm và hành động của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và nhân dân.

6.Bổ sung động lực mới cho phát triển//http://www.baoquangninh.com.vn-2018.-Ngày 14 tháng 7

Tuần qua, một tuần mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh đón nhận nhiều tin vui.

Đó là, đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh được Bộ Chính trị chỉ định tham gia Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ Chính trị cũng luân chuyển, chỉ định vị trí đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, nhiệm kỳ 2015-2020.

Trong tuần HĐND tỉnh khóa XIII đã tổ chức thành công kỳ họp thứ 8 (kỳ họp thường lệ giữa năm) với rất nhiều nội dung quan trọng được bàn thảo và thông qua. Với 18 Nghị quyết liên quan đến các cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được Kỳ họp quyết nghị biểu quyết thông qua.

Đây là kỳ họp được đông đảo cử tri, nhân dân và các đại biểu đánh giá cao ở sự đổi mới về chất lượng, cách thức tổ chức, các tờ trình trước kỳ họp ngắn gọn, đầy đủ, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của cử tri; nội dung thảo luận tại tổ, hội trường thẳng thắn, trách nhiệm với sự phát triển của tỉnh; chất vấn và trả lời chất vấn nhanh, gọn, đúng trọng tâm vấn đề cử tri quan tâm, tính đối thoại được thực hiện tốt.

Đặc biệt tại Kỳ họp lần này HĐND tỉnh đã tiến hành bầu đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016- 2021.

Cũng trong tuần Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã thực hiện thành công chuyến bay hiệu chuẩn đầu tiên, sẵn sàng thực hiện các chuyến bay thương mại vào dịp cuối năm 2018. Hiện thực hóa niềm mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, “mở cửa bầu trời” không chỉ cho Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, mà còn là tấm vé thông hành của Quảng Ninh ra với thế giới.

Việc Trung ương liên tục có sự luân chuyển, điều động cán bộ về Quảng Ninh, khẳng định sự tin tưởng đối với địa phương có sự đoàn kết, thống nhất cao, nơi đào tạo, rèn giũa những cán bộ có năng lực, phẩm chất, đạo đức, sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ trên mọi cương vị công tác.

Kết quả Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh vừa qua cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong đổi mới công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khẳng định ngày càng được thực hiện hiệu quả hơn, nhuần nhuyễn hơn.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông, du lịch động lực được thực hiện bằng hình thức đầu tư PPP chuẩn bị khánh thành, những cung đường mới mở ra cơ hội phát triển mới được nối dài đến các trung tâm phát triển vùng, đất nước và thế giới thể hiện rõ tư duy sáng tạo, đột phá, dám làm và dám đổi mới của Quảng Ninh.

Hàng loạt các sự kiện dồn dập, những tin vui đến với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh chính là nguồn lực sức mạnh để tiếp tục có những đổi mới, đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới. Như trong phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, chúng ta phải quyết tâm cao, nắm bắt phát huy tối đa các thời cơ, quyết liệt, sâu sát triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định tại Nghị quyết 09 của BCH Đảng bộ tỉnh để hoàn thành và phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu của năm 2018, tạo đà cho các năm tiếp theo để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra của cả nhiệm kỳ 2015-2020.

7.Nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, thông tin tuyên truyền//http://www.baoquangninh.com.vn.-2018.-Ngày 19 tháng 7

Thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, tình hình chính trị - xã hội của Quảng Ninh cơ bản ổn định. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nổi lên một số vấn đề được dư luận quan tâm như: Việc giải phóng mặt bằng và thi công tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, Vân Đồn – Móng Cái; tình trạng tái phát tour du lịch giá rẻ; hoạt động thu phí của trạm BOT Biên Cương – Cẩm Phả; vụ cháy khu công nghiệp Texhong – Móng Cái, quá trình xây dựng luật Luật Đặc khu…

 

Trước những vấn đề trên, các phần tử cơ hội chính trị, phản động, thù địch trong và ngoài nước gia tăng nhiều hoạt động chống phá. Chúng in băng zôn, tán phát truyền đơn, tài liệu xuyên tạc, bịa đặt về các nội dung trên, đồng thời kêu gọi, kích động biểu tình với các khẩu hiệu chống phá như “Quyết không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ một năm”, “Không cho Trung Quốc thuê đặc khu kinh tế”, “Nhân dân Vân Đồn phản đối Trung Quốc thuê đất”. Trên mạng xã hội đặc biệt qua các địa chỉ facebook cũng đã phát hiện nhiều tài khoản cá nhân có địa chỉ tại Quảng Ninh đăng tải bài viết, hình ảnh kêu gọi phản đối Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng, kích động người dân biểu tình như: “Dịu Bùi” “Xuân Minh”, “Đào Bá Duy”, “Tran Ngọc Thach”, “Nhat Mai”, “Minh Vũ”, “Ngọc Tuấn Việt”, “Nguyễn Thanh Tâm” hay một số thành viên tham gia các hội nhóm Hội nhóm Giầy da sao vàng.ub, Cẩm phả 24h, Vân Đồn 24h, Quảng Ninh 24h,… cũng chia sẻ, bình luận kích động. Nhiều trang facebook chuyên bán hàng online cũng thường xuyên chia sẻ, đăng tải các mặt trái của xã hội, các thông tin trái chiều để thu hút sự chú ý. Ngoài ra, một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, công nhân, học sinh, sinh viên do chưa nhận thức đầy đủ các âm mưu thâm độc của kẻ thù cũng đã vô tình tiếp tay cho các thế lực phản động, cơ hội chính trị như đăng tải, chia sẻ hình ảnh, bài viết thiếu khách quan về việc cho thuê đất tại các đặc khu kinh tế trên trang facebook cá nhân…

Trước nguy cơ lan truyền những thông tin không chính xác và những quan điểm sai trái, các cấp ủy đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Ninh đã chủ động bám, nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện tiềm ẩn gây mất trật tự. Điển hình là trong thời điểm Quốc hội đang họp bàn về dự thảo Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng, nhiều thông tin sai trái lan truyền trên mạng xã hội, tỉnh đã có những giải pháp kịp thời để ổn định tư tưởng nhân dân. Ngay trong buổi sáng ngày 8/6/2018, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp để chỉ đạo, triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự đến tất cả các ngành, địa phương. Buổi chiều ngày 11/6/2018, tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh để thông báo tình hình, triển khai các nhiệm vụ cụ thể. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở, thôn, khu phố đã chủ động, kịp thời tuyên truyền, vận động, giải thích và có các biện pháp ngăn ngừa. Đồng thời tổ chức thuyết phục vận động tuyên truyền cho người dân hiểu, không bị mắc mưu các thế lực thù địch. Qua đó, đa phần người dân đã hiểu những phức tạp vừa qua là do các đối tượng thù địch, phản động lợi dụng; thông tin cho rằng ta đưa ra Luật Đặc khu là tạo điều kiện cho Trung Quốc thuê đất là hoàn toàn bịa đặt, xuyên tạc. Nhờ đó, trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra hiện tượng tụ tập đông người, biểu tình, gây mất trật tự.

Không chỉ trong thời gian này mà công tác tư tưởng, thông tin tuyên truyền luôn được Quảng Ninh quan tâm, chủ động triển khai với nhiều giải pháp. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có nhiều đổi mới trong hoạt động. Công tác thông tin, tuyên truyền đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy; chất lượng, hiệu quả hoạt động định hướng, thông tin báo chí, nắm bắt dư luận xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân được thường xuyên quan tâm; kịp thời xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Tỉnh ủy cũng chỉ đạo triển khai Nghị quyết “về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình mới”; chú trọng việc tổ chức học tập, quán triệt, triển khai các nghị quyết gắn với việc viết bài thu hoạch, xây dựng kế hoạch cá nhân một cách thực chất; đổi mới, nâng cao chất lượng của các cơ sở giảng dạy lý luận chính trị; tập trung đổi mới chương trình, nội dung kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn. Đồng thời, tỉnh cũng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; kiện toàn, phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 94 từ cấp tỉnh đến cấp huyện (nhất là trong phản bác các luận điệu sai trái, phản động, trái chiều gây bất lợi cho tình hình tư tưởng, dư luận nhân dân); đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội. Những chủ trương của tỉnh, các mô hình mới, nhất là những chỉ đạo trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề được nhân dân và dư luận quan tâm được thông tin, tuyên truyền, định hướng kịp thời, chủ động.

Song song với đó, tỉnh cũng triển khai thực hiện tốt các biện pháp lâu dài nhằm ổn định tình hình tư tưởng trong nhân dân. Cụ thể như chỉ đạo, phân công cán bộ thường xuyên theo dõi, nắm bắt, tổng hợp, báo cáo kịp thời về tình hình tư tưởng, dư luận xã hội (đặc biệt là dư luận trên mạng xã hội) về những vấn đề bức xúc trong các tầng lớp nhân dân, nhất là công nhân lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; lực lượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; tiểu thương; các đối tượng đang có khiếu kiện phức tạp, kéo dài... Đồng thời, chủ động nắm bắt, giải quyết kịp thời, thấu đáo, đúng quy định của pháp luật những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong đời sống nhân dân, nhất là những đơn, thư, vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài, không để các đối tượng xấu lợi dụng lôi kéo, kích động tụ tập đông người, biểu tình, gây mất an ninh trật tự.

8.Quảng Ninh hướng tới chính quyền số//http://www.baoquangninh.com.vn.-2018.-Ngày 19 tháng 7

Trong những năm qua, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm tới ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế của tỉnh. Nghị Quyết Đại hội XIV của Quảng Ninh xác định cải cách hành chính, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính dựa trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là một trong 3 đột phá chiến lược. Thực hiện mục tiêu đó, ngày 28/9/2012 tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định 2459/QĐ-UBND phê duyệt và triển khai đề án Chính quyền điện tử tỉnh với 22 mục tiêu, 10 dự án thành phần, 2 chương trình.

Sau 5 năm tỉnh Quảng Ninh xây dựng Chính quyền điện tử, Đề án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Hạ tầng cốt lõi của Chính quyền điện tử cơ bản đã hoàn thành theo mô hình tập trung, thuận lợi trong quản lý, vận hành; trung tâm tích hợp dữ liệu; trung tâm mạng máy tính khối Đảng; mạng diện rộng kết nối thống nhất các sở ngành, địa phương, với 231 điểm hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến (triển khai đến cấp xã); 15 trung tâm hành chính công trên toàn tỉnh được đầu tư đồng bộ, hiện đại; 100% cấp xã triển khai “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại”, đây là mô hình đầu tiên trong cả nước được Trung ương, các tỉnh bạn đánh giá cao và được người dân, doanh nghiệp ghi nhận, ủng hộ.

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên triển khai thành công kết nối liên thông văn bản 4 cấp (trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã), đến nay đã có 522 đơn vị đã tham gia ứng dụng Chính quyền điện tử, với trên 4.000.000 lượt văn bản điện tử đã được gửi nhận qua hệ thống, đứng thứ 1/63 tỉnh, thành phố về trao đổi văn bản điện tử; 6 tháng đầu 2018, đã có 358.726 hồ sơ dịch vụ công được tiếp nhận và xử lý qua hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu một cửa, 11.589 hồ sơ được tiếp nhận ở mức độ 3, mức độ 4.     

Chính quyền điện tử đã góp phần nâng cao năng lực các chỉ số cạnh tranh của tỉnh, chỉ số cạnh tranh PCI, chỉ số cải cách hành chính PAR Index năm 2017 của tỉnh Quảng Ninh đều đứng thứ nhất toàn quốc, chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin ICT Index 2016, 2017  đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Có thể nói, Đề án Chính quyền điện tử bước đầu đã tạo ra môi trường làm việc kết nối, chuyển từ chỉ đạo điều hành bằng giấy tờ sang chỉ đạo qua môi trường mạng, tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc. Làm thay đổi căn bản ý thức, cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần hình thành nền hành chính chuyên nghiệp,chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng được nâng cao.

Tiếp nối thành công của Chính quyền điện tử - yếu tố nền tảng để tiến tới Chính quyền số, Quảng Ninh tiếp tục thực hiện quyết tâm cao hơn thông qua việc ban hành Quyết định 3645/QĐ-UBND ngày 31/10/2016 triển khai xây dựng mô hình thành phố Thông minh, đây cũng là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thực tiễn phát triển của tỉnh. Thành phố thông minh của Quảng Ninh sẽ lấy người dân và du khách làm trung tâm, vừa là người thụ hưởng, vừa là người đóng góp xây dựng, phát triển dịch vụ, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, chất lượng và hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo môi trường hấp dẫn, thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh. Đến nay đã có 9 dự án đã và đang triển khai, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều tác động như: giáo dục, y tế, giao thông, du lịch và môi trường.

Việc sử dụng nền tảng công nghệ của Thành phố thông minh, với các dịch vụ phản hồi và tham gia cùng các công cụ phân tích dữ liệu sẽ cực kỹ hữu ích trong việc hỗ trợ cho việc biến đổi lên Chính quyền số. Thành phố thông minh mở đường cho các dịch vụ mới của Chính quyền số Quảng Ninh được triển khai nhanh, tăng cường các dịch vụ hiện có và cắt giảm các dịch vụ không còn phù hợp. Ngoài việc sử dụng nền tảng Thành phố thông minh tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, các dịch vụ bảo mật mạnh mẽ phải có sẵn để hỗ trợ chuyển đổi, xác định các mối đe dọa trên mạng, đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu và người dùng.

Mặc dù việc chuyển đổi từ Chính quyền điện tử sang Chính quyền số không chỉ là một cơ hội, đó là điều bắt buộc hợp xu thế, trong khi Quảng Ninh đang đi đầu trong việc thí điểm, vừa làm vừa hoàn thiện nhiều yếu tố: hạ tầng kết nối, dịch vụ, thể chế - chính sách, đảm bảo an toàn thông tin, nguồn nhân lực….Nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, hỗ trợ, hợp tác của doanh nghiệp và tham gia của người dân, Chính quyền số sẽ đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả; phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, đồng thời Quảng Ninh cũng trở nên hấp dẫn hơn đối với doanh nghiệp, khách du lịch và cuối cùng là một nơi tốt hơn để người dân sinh sống, học tập và làm việc.

9.Quảng Ninh tăng tốc, tạo nền tảng vững chắc để bứt phá về đích//http://www.baoquangninh.com.vn.-2018.- Ngày 24 tháng 7

Nửa nhiệm kỳ qua (2015 - 2020), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn và đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Hầu hết các chỉ tiêu nghị quyết đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đây chính là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh tăng tốc về đích cho nửa nhiệm kỳ còn lại.

Không thay đổi mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ

Trong nửa nhiệm kỳ còn còn lại, dự báo tình hình thế giới và trong nước sẽ có một số yếu tố gây bất ổn vĩ mô, đặc biệt là rủi ro lạm phát trước những biến động giá năng lượng; nhu cầu chi đầu tư phát triển rất lớn trong khi nguồn lực nội tại còn hạn hẹp; tính ổn định, bền vững và khả năng chống chịu của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực, của cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; biến đổi khí hậu, thiên tai, thời tiết cực đoan tiếp tục diễn biến phức tạp…

Đối với tỉnh, bên cạnh những thuận lợi, cơ hội mở ra song Quảng Ninh cũng chịu tác động từ bối cảnh quốc tế, khu vực, trong nước và những khó khăn, nội tại của tỉnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện mục tiêu, các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Tuy nhiên, với quyết tâm vượt qua khó khăn thách thức, sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020 Quảng Ninh là tỉnh có cơ cấu kinh tế chủ yếu là dịch vụ, trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành nhiệm vụ của nửa cuối nhiệm kỳ, lãnh đạo tỉnh quyết tâm không thay đổi mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu mà tiếp tục bám sát 6 định hướng phát triển Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Quyết tâm chỉ thay đổi biện pháp, giải pháp tổ chức thực hiện cho phù hợp với tình hình mới để bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIV.

Theo đó, trên cơ sở những kết quả thực tế đạt được qua hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết và căn cứ dự báo những thuận lợi, khó khăn trong nửa nhiệm kỳ còn lại, Quảng Ninh dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2018 đạt 11%, năm 2019 đạt 11,6%, năm 2020 đạt 12,7%, trong đó dự báo tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm ước đạt 11%/năm (Nghị quyết Đại hội đề ra là 11-12%/năm). Cùng với đó, cơ cấu kinh tế sẽ chuyển dịch đúng hướng, với khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao, đến năm 2020 chiếm 48,0%; công nghiệp - xây dựng chiếm 47,0%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 5,0%. Về thu ngân sách, phấn đấu năm 2018 đạt 40.940 tỷ đồng, năm 2019 đạt 39.018 tỷ đồng, năm 2020 đạt 42.357 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 4%/năm. Trong đó, thu ngân sách nội địa năm 2018 đạt 30.360 tỷ đồng, năm 2017 đạt 33.418 tỷ đồng, năm 2020 đạt 36.757 tỷ đồng, tăng bình quân 12,6%/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra tăng tối thiểu 10%/năm); thu xuất nhập khẩu phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao. Đối với 11 chỉ tiêu chủ yếu còn lại phấn đấu hoàn thành 7 chỉ tiêu và phấn đấu vượt 4 chỉ tiêu…

Cụ thể hóa bằng các giải pháp linh hoạt, sáng tạo

Để hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra, Quảng Ninh đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó quyết liệt tập trung triển khai Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển dịch vụ và rà soát triển khai các quy hoạch chiến lược, tập trung thực hiện cải cách hành chính một cách thực chất. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, triển khai các dự án hạ tầng du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, dịch vụ, nhất là du lịch cao cấp, du lịch biển tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái… Đồng thời tiếp tục hoàn thiện Đề án và chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để triển khai các nhiệm vụ thực hiện mô hình mới trong Khu kinh tế Vân Đồn.

10h ngày 11/7 máy bay King Air 350, mang số hiệu VH-FIX đã hạ cánh thành công tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn để thực hiện nhiệm vụ bay hiệu chuẩn.

Để tạo động lực cho sự phát triển, trong nửa cuối nhiệm kỳ, Quảng Ninh cũng tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành đưa vào sử dụng chuỗi các công trình động lực, quan trọng. Đặc biệt là dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18A đoạn Hạ Long - Mông Dương, đường dẫn cầu Bắc Luân II, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn… Đồng thời, khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, khởi công các dự án lớn, trọng điểm như: Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, Dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN Cảng - biển Hải Hà, KCN Sông Khoai, đẩy nhanh thủ tục đầu tư Dự án Hầm đường bộ qua Vịnh Cửa Lục, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Song song với các giải pháp trên, để đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, nhất là trong tình hình hiện nay khi việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động thấp đang là thách thức lớn, Quảng Ninh cũng quyết liệt tập trung các giải pháp hiệu quả nhằm thu hút, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, nhất là phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, các khu vực dịch vụ, du lịch. Cùng với đó, tỉnh cũng tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước và phát huy chức năng giám sát của HĐND, MTTQ và đoàn thể theo chương trình kế hoạch đã đặt ra cũng như đột xuất trong công tác quản lý quy hoạch, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường. Chú trọng tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân để tạo thành nếp sống văn hóa, ý thức trách nhiệm, thói quen thường xuyên trong bảo vệ môi trường, quyết tâm chấm dứt hoạt động của Nhà máy Sàng tuyển than Nam Cầu Trắng trước ngày 31/12/2018 theo đúng Nghị quyết HĐND tỉnh và cam kết trước người dân.

Trong nửa nhiệm kỳ còn lại, các nhiệm vụ văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cũng là một trong những nội dung tỉnh đặc biệt quan tâm và nỗ lực thực hiện. Trong đó quyết tâm triển khai có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP, đảm bảo đến năm 2020 đưa các xã, thôn bản ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Trong công tác giáo dục đào tạo, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng, nhất là chú trọng đào tạo ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các trường, điểm trường, bảo đảm phù hợp thực tiễn và cơ cấu lại đội ngũ giáo viên thừa, thiếu các môn học, nhân viên, cán bộ quản lý theo hướng tinh gọn, linh hoạt. Đối với lĩnh vực y tế, bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm đã và đang triển khai hiệu quả, thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ theo dõi sức khỏe nhân dân trong toàn tỉnh, sớm triển khai đầu tư xây dựng Bệnh viện Lão khoa cùng với việc thu hút xã hội hóa đầu tư Trung tâm dưỡng lão, tiếp tục nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, hạn chế bội chi quỹ bảo hiểm y tế…

Có thể khẳng định, với những nỗ lực để phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với công tác tham mưu “đúng và trúng” của các ngành, cộng với sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân, chắc chắn rằng trong nửa cuối nhiệm kỳ Quảng Ninh sẽ đạt được những thành quả quan trọng, bứt phá trên nhiều lĩnh vực.

10.Hà Chi. Quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh//http://www.baoquangninh.com.vn.-2018.-Ngày 27 tháng 7

Thời gian vừa qua, Quảng Ninh đã tích cực thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp với sự nỗ lực, quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, cùng với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh. Nhờ đó, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra có khả năng hoàn thành, trong đó có 8/17 chỉ tiêu về kinh tế; 3/17 chỉ tiêu về xây dựng Đảng. Trong nửa nhiệm kỳ còn lại, tỉnh quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIV.

Khẳng định một Quảng Ninh đổi mới, sáng tạo, năng động

Sau 2,5 năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Quảng Ninh đã đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực; khẳng định rõ hơn vai trò, vị thế mới về một Quảng Ninh đổi mới, sáng tạo, năng động. Tỉnh đã chủ động sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy chế, quy định, nghị quyết; thực hiện nghiêm quy chế làm việc với tinh thần chủ động, quyết tâm cao, bài bản, khoa học. Đặc biệt, đã thực hiện phân cấp, phân công theo hướng đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, sự điều hành chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền; mở rộng dân chủ, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử và các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Trong hai năm rưỡi thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Quảng Ninh đã đổi mới trong chỉ đạo, điều hành theo hướng cụ thể, thiết thực. Trong đó, lựa chọn, ban hành phương hướng, chủ đề công tác cho từng năm; xây dựng chương trình hành động phù hợp yêu cầu nhiệm vụ trong mỗi thời kỳ; coi trọng phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; giữ vững chủ quyền, an ninh trật tự xã hội. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân tăng 10,3%/năm; GRDP đầu người tăng bình quân 9,1%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông - lâm - thủy sản và công nghiệp - xây dựng. Thu ngân sách tăng dần tỷ trọng thu nội địa và giảm dần tỷ trọng thu từ xuất, nhập khẩu; thu nội địa bình quân 3 năm tăng 14,3%/năm, thu xuất, nhập khẩu tăng cao hơn chỉ tiêu trung ương giao. Tổng chi đầu tư phát triển 2 năm 2016-2017 chiếm 65,8% tổng chi ngân sách; chi đầu tư phát triển trong 6 tháng năm 2018 chiếm 60,9% tổng chi ngân sách.

Cùng với đó, Quảng Ninh cũng tích cực cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực và triển khai xây dựng chính quyền điện tử gắn với các trung tâm hành chính công; cải thiện môi trường đầu tư đạt kết quả rõ nét. Năm 2017, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) dẫn đầu cả nước. Lãnh đạo tỉnh và các địa phương duy trì gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng cường niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời, tỉnh cũng thường xuyên quan tâm, làm tốt các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, một số đề án được triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực.

Song song với đó, tỉnh cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm quốc phòng an ninh; chủ động chỉ đạo, sâu sát, kịp thời trước các diễn biến phức tạp về an ninh trật tự; ngăn chặn kịp thời các âm mưu, hoạt động chống phá, tác động vào địa bàn tỉnh... Đến nay, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra có khả năng hoàn thành, trong đó có 8/17 chỉ tiêu về kinh tế, 3/17 chỉ tiêu về xây dựng Đảng.

Không thay đổi mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu

Kiểm điểm kết quả 2,5 năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất không thay đổi mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu, tiếp tục bám sát 6 định hướng phát triển mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra. Tuy nhiên, tỉnh cũng chủ trương thay đổi giải pháp tổ chức thực hiện cho phù hợp với tình hình mới để bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIV.

Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án 196 để đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2020.

Trong đó, Quảng Ninh kiên định, bám sát và kiên quyết thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp vào năm 2020, là một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc. Đặc biệt, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 11% mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đặt ra, tỉnh phấn đấu tăng trưởng kinh tế: Năm 2018, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 11%; năm 2019 đạt 11,6%; năm 2020 đạt 12,7%; cơ cấu kinh tế đến năm 2020: Dịch vụ chiếm 48%; công nghiệp - xây dựng chiếm 47%; nông nghiệp - lâm nghiệp - thuỷ sản chiếm 5%.

Cùng với đó, trong 2 năm rưỡi tới, tỉnh cũng xác định tập trung cao độ, tạo bước đột phá đối với tỷ trọng và chất lượng dịch vụ; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, vai trò động lực đối với mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững; quan tâm lựa chọn công nghệ, kỹ thuật tiên tiến ngay từ bước thu hút đầu tư, lập dự án; lựa chọn sản phẩm chủ lực để ưu tiên phát triển, cơ cấu lại; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt là hạn chế hoặc không cấp phép các dự án tiêu tốn nhiều năng lượng, không gắn với chế biến sâu, lãng phí tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường…

Về văn hóa - xã hội, tỉnh cũng quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, bảo đảm kịp thời, đúng, đủ đối tượng hỗ trợ. Trong đó, thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững và Đề án 196 để đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2020. Song song với đó, tỉnh cũng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới. Tiếp tục triển khai các nội dung Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, trong đó ưu tiên dành nguồn lực để triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng, phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2020.

Song song với đó, triển khai các giải pháp xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Trong đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng; rà soát, bổ sung, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận; tiếp tục chỉ đạo đồng bộ công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; thực hiện kiêm nhiệm, nhất thể hóa gắn với việc xây dựng các cơ chế kiểm soát quyền lực..

11.Bộ Ngoại giao nỗ lực hỗ trợ địa phương thu hút các nguồn lực//http://baochinhphu.vn.-2018.-Ngày 19 tháng 8

 - Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy hội nhập quốc tế của tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị các đơn vị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nỗ lực thu hút các nguồn lực từ bên ngoài hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh phát triển kinh tế  - xã hội.

Hội nghị diễn ra chiều ngày 18/8 tại thành phố Hạ Long do tỉnh Quảng  Ninh và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức nhân dịp các vị Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30.

Ngoại giao đồng hành cùng địa phương

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh biểu dương những kết quả kinh tế xã hội mà Quảng Ninh đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là các hoạt động đối ngoại thu hút nguồn lực về phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh.

Đồng tình với những đề xuất cụ thể của tỉnh đối với Bộ Ngoại giao, trong đó có các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan của Bộ Ngoại giao, trong đó có các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút các nguồn lực đầu tư về Quảng Ninh.

Về du lịch, Phó Thủ tướng đề nghị các Đại sứ, Tổng Lãnh sự tại các địa bàn mà tỉnh đề nghị tiếp tục hỗ trợ trong tư vấn thâm nhập thị trường, tìm kiếm đối tác mới, hỗ trợ xúc tiến quảng bá du lịch cho tỉnh.

Về nhu cầu thu hút đầu tư của tỉnh vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao… các Trưởng cơ quan đại diện sẽ làm việc với các Sở/ban/ngành của tỉnh, giới thiệu cụ thể đến từng đối tác tại các thị trường tiềm năng nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, với nguồn vốn ODA không còn ưu đãi như trước đây, việc xem xét thu hút các nguồn vốn khác, trong đó có các Quỹ đầu tư ở khu vực Trung Đông cũng là nguồn lực cần chú ý khai thác, đặc biệt là thu hút đầu tư vào du lịch nghỉ dưỡng , tương đối phù hợp với nhu cầu của tỉnh Quảng Ninh.

Cũng liên quan đến vấn đề du lịch, trong đó có vấn đề di sản, đặc biệt là Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Phó Thủ tướng đề nghị Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO Việt Nam cần làm việc cụ thể với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long trong vấn đề giữ gìn, bảo tồn di sản. Các bên sẽ cùng nhau phối hợp, hợp tác tính toán kỹ các yêu cầu đặt ra.

Về các đề xuất của tỉnh trong vấn đề biên giới, lãnh thổ và kinh tế biên mậu, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Biên giới quốc gia và các đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ trong thủ tục, linh hoạt kéo dài thời gian mở cửa khẩu, cũng như các vấn đề khác liên quan đến cửa khẩu, lối mở biên giới…

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ đồng hành cùng với Quảng Ninh trong thu hút các nguồn lực từ bên ngoài để thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh ngày càng phát triển hơn nữa, phù hợp với định hướng phát triển từ “nâu” sang “xanh” của Quảng Ninh.

Hội nhập hỗ trợ phát triển kinh tế

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong quá trình hội nhập, Quảng Ninh luôn bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Thực tiễn cho thấy hội nhập quốc tế đã mang lại cho tỉnh nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế.

Đặc biệt, thông qua hội nhập, tiềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư vào tỉnh được nâng lên rõ rệt,  văn hóa xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng an ninh được củng cố, chủ quyền biên giới trên đất liền và biển đảo được giữ vững... Hoạt động đối ngoại không ngừng được mở rộng, hiệu quả, thiết thực góp phần đưa quan hệ của tỉnh với các đối tác đi vào chiều sâu, dần giúp Quảng Ninh khẳng định được vị thế của mình trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Kết quả cụ thể qua 3 năm trở lại đây cho thấy, Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt trên 10-10,5%/năm. Tỉnh cũng đã có chiến lược quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” đúng hướng, hiệu quả…

Về hợp tác đối ngoại thúc đẩy phát triển kinh tế, tỉnh đã ký kết 27 thỏa thuận hợp tác quốc tế với các địa phương các nước và vùng lãnh thổ. Các nội dung ký kết phù hợp với nhu cầu hợp tác của tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và đạt hiệu quả cao về thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, giao lưu hữu nghị.

Hiện Quảng Ninh có 120 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với vốn đăng ký  đạt trên 6,23 tỷ USD. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì ổn định và phát triển, giúp Quảng Ninh tăng nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới thiết bị, công nghệ… Các hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh luôn tăng trưởng cao, thu hút khách du lịch phát triển qua từng năm…

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc khẳng định, có được các thành quả trên một phần là nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, đặc biệt là Bộ Ngoại giao. Bộ đã phối hợp, hỗ trợ tỉnh trong phát triển, mở rộng quan hệ đối ngoại với các đối tác, địa phương quốc tế.

Bộ Ngoại giao chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng các chương trình đối ngoại, kế hoạch triển khai các chủ trương, chính sách của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế và các vấn đề liên quan.

Bộ cũng tích cực triển khai công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, thông tin, tuyên truyền và phổ biến kiến thức về hội nhập quốc tế cho địa phương, tham khảo trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển quan hệ quốc tế của địa phương và hỗ trợ xử lý các vấn đề trong quan hệ kinh tế quốc tế.

Bộ cũng đã hỗ trợ địa phương triển khai các hoạt động tại các tổ chức, diễn đàn kinh tế quốc tế và khu vực, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nói chung, địa phương nói riêng tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác và giải quyết các tranh chấp kinh tế, thương mại với các đối tác nước ngoài.

Trong thời gian tới, Quảng Ninh mong muốn các cơ quan của Bộ, trong đó có các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ để tỉnh có nhiều cơ hội tiếp cận, thu hút đầu tư vốn FDI, tiếp cận hơn nữa các nguồn vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện cho tỉnh quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương tới doanh nghiệp, địa phương các nước, hỗ trợ giới thiệu các nhà đầu tư đến Quảng Ninh tìm hiểu cơ hội đầu tư…

Tỉnh cũng mong muốn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ trong việc kết nối địa phương, đối tác, doanh nghiệp nước sở tại. Đặc biệt, Quảng Ninh mong muốn thu hút các đối tác có tiềm năng trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, du lịch, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao. Với nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh mong muốn được tiếp cận với các đối tác đến từ các nền nông nghiệp chế biến tiên tiến như Nhật Bản, Israel, Đài Loan (Trung Quốc)…

Về du lịch, tỉnh mong muốn thu hút thêm các khách du lịch tại các địa bàn Đông Bắc Á, ASEAN, châu Âu… và mở rộng phát triển với các đối tác mới, hỗ trợ trong các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch. Là tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc, Quảng Ninh cũng mong muốn Bộ Ngoại giao hỗ trợ trong công tác kinh tế biên mậu, trong đó có việc linh hoạt kéo dài thời gian mở cửa khẩu, tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa.

Cũng tại Hội nghị, các vị Trưởng cơ quan đại diện đã thông tin cơ bản về những địa bàn mà Quảng Ninh quan tâm cũng như giải đáp một số yêu cầu hợp tác mà tỉnh mong muốn với các đối tác liên quan.

12.Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long: Phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2018//http://www.baoquangninh.com.vn.-2018.-Ngày 30 tháng 8

Ngày 30/8, đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 8 để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh tháng 8 và nhiệm vụ tháng 9/2018. Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, tham dự phiên họp.

Trong tháng 8, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Kinh tế - xã hội của tỉnh tháng 8 và 8 tháng năm 2018 có chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng khá, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 9,26% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 19,7%, tổng thu từ khách du lịch tăng 29%; doanh thu vận tải tăng 16,4%; kim ngạch xuất khẩu tăng 12,05%. Cùng với đó, thu ngân sách trên địa bàn đạt 77% dự toán đầu năm, tăng 19% cùng kỳ. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, nhất là việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp duy trì, giữ vững vị trí thứ hạng trong nhóm dẫn đầu các tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số PCI, chỉ số Par Inder. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường được tăng cường. Các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới và Đề án 196 tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. An sinh xã hội được đảm bảo, lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính được đặc biệt quan tâm, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội bảo đảm; chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững...

Tại phiên họp thường kỳ, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ của mỗi ngành, lĩnh vực; nêu nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tháng 9 và những tháng cuối năm.

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã khẳng định những nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã làm nên những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Trước yêu cầu phát triển không ngừng của tỉnh, đồng chí Đỗ Thị Hoàng đề nghị, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, trọng yếu của tỉnh, trong đó đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao... tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ninh tiếp tục bứt phá vươn lên hoàn thành vượt chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đề ra trong năm nay và những năm tiếp theo.

Kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tập trung phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kịch bản tăng trưởng kinh tế đã đề ra trong quý III và cả năm 2018.

Nhấn mạnh 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, duy trì và nâng cao chỉ số PCI, chỉ số Par Inder, thu hút mạnh các nhà đầu tư mới vào địa bàn và tiếp tục có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và phấn đấu đạt chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp mới.

Đối với những ngành sản xuất đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, đồng chí yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục ưu tiên tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển. Về nhiệm vụ thu - chi ngân sách, nhất là các khoản thu nội địa, ngành Thuế cần tập trung 7 khoản thu chưa đạt yêu cầu. Cùng với đó, các địa phương tiếp tục bám sát chỉ tiêu giao phấn đấu của UBND tỉnh, chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành thu - chi ngân sách; siết chặt kỷ cương về tài chính ngân sách ở tất cả các cấp, ngành; đảm bảo cân đối thu - chi, nuôi dưỡng nguồn thu theo hướng công khai, minh bạch và khai thác tối đa nguồn thu; tăng cường kiểm tra, thanh tra thuế, chống thất thu ngân sách. Đồng thời, tăng cường giải ngân vốn nông thôn mới, vốn thực hiện các công trình, dự án trọng điểm và thực hiện quyết toán các dự án.

Về triển khai các dự án, công trình, dự án, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Ngành GT-VT chú ý khắc phục tình trạng sạt lở ở một số điểm công trình, dự án; sớm hoàn thiện thủ tục triển khai tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; tập trung triển khai các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư và khẩn trương hoàn thiện các công trình, dự án Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, Cung Văn hóa thiếu nhi, Nhà Điều dưỡng cán bộ tỉnh...

Các địa phương phải thực hiện tốt cam kết trong công tác giải phóng mặt bằng; tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đô thị, các lĩnh vực khác của các ngành; tăng cường rà soát, cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, đảm bảo an toàn lao động, an sinh xã hội. Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp trong xây dựng bộ máy, tinh giản biên chế; làm tốt quy trình thực hiện chủ trương sáp nhập một số xã, phường; tăng cường công tác phòng, chống mưa bão...

Trước mắt, các cấp, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, an toàn giao thông chuẩn bị cho năm học mới, lễ khánh thành cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 18/2018 diễn ra tại TP Hạ Long đúng ngày Quốc khánh 2/9.

KINH TẾ

13.Quảng Ninh đa dạng các hình thức đối thoại với doanh nghiệp//http://www.dangcongsan.vn.-2018.-Ngày 3 tháng 7

Ngày 3/7, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Tại cuộc gặp gỡ, nhiều vướng mắc của doanh nghiệp đã được lãnh đạo tỉnh cùng các ban, ngành của tỉnh trả lời trực tiếp, chủ yếu về các lĩnh vực đất đai, tiếp cận nguồn vốn, cơ chế chính sách ưu đãi phát triển kinh tế ở một số ngành đặc thù...

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc nhấn mạnh, Quảng Ninh đang hội tụ đầy đủ những điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế; cùng với đó hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được tỉnh quan tâm đầu tư mạnh mẽ, tạo sự chuyển biến tích cực về diện mạo đô thị; cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ngành ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Ông nguyễn Văn Đọc khẳng định, những kết quả của tỉnh Quảng Ninh có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp và tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong sự phát triển chung của địa phương. Về phía các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng với tỉnh cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

Đến nay, Quảng Ninh đã đưa 1.251 thủ tục hành chính, trong đó 941/991 thủ tục hành chính cấp tỉnh và 293/293 thủ tục hành chính cấp huyện vào thực hiện theo 4 nguyên tắc tiếp cận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả tại Trung tâm hành chính công.

Quảng Ninh còn đưa ứng dụng nhắn tin tự động thông báo kết quả giải quyết hồ sơ gửi đến người dân, doanh nghiệp; Tổng đài tư vấn 1900558826 giải đáp các thủ tục hành chính với người dân, doanh nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả; trang fanpage DDCI Quảng Ninh (DDCI - bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ngành, địa phương) tương tác giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước phát huy hiệu quả.

Mô hình “Cà phê doanh nhân” đang được nhân rộng tới hiệp hội doanh nghiệp ở nhiều địa phương tạo ra một diễn đàn đối thoại giữa doanh nhân với các nhà quản lý để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Quảng Ninh đang nghiên cứu xây dựng và phát triển mô hình “Vườn ươm khởi nghiệp” nhằm tập hợp, phát huy nguồn nhân lực có năng lực, triển vọng và khát khao cống hiến;

Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc xúc tiến đầu tư tại chỗ với nhiều giải pháp thiết thực như: đồng hành cùng doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư tại chỗ từ những vấn đề nhỏ nhất theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Để cải thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả các buổi đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp phải được trả lời cụ thể bằng văn bản và công khai các kiến nghị và quá trình giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp trên các trang điện tử của sở, ban, ngành và địa phương.

Thời gian tới, Quảng Ninh đang tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư để sớm cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án lớn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như dự án Khu phức hợp đô thị, công nghiệp, công nghệ cao; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhằm từng bước đạt được mục tiêu 25.000 doanh nghiệp vào năm 2020.

Tỉnh phát huy hiệu quả cơ chế công khai, minh bạch và giám sát các hoạt động đối thoại doanh nghiệp nhằm giải quyết triệt để những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp; Tiếp tục đa dạng các kênh tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp./.

14.Sân bay quốc tế Vân Đồn đón chuyến bay đầu tiên//http://baochinhphu.vn.- 2018.- Ngày 11 tháng 07

Sau hơn 2 năm thi công tích cực, đúng 10h ngày 11/7 tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, chiếc máy bay King Air 350 đã hạ cánh thành công, thực hiện nhiệm vụ bay hiệu chuẩn, dự kiến diễn ra khoảng một tuần.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tặng hoa chúc mừng đại diện chủ đầu tư dự án. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Phát biểu chúc mừng chủ đầu tư dự án sau khi chuyến bay đầu tiên hạ cánh thành công tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những đóng góp, đồng hành của Tập đoàn Sun Group với sự phát triển chung của tỉnh.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là minh chứng sinh động cho sự thành công của chủ trương huy động nguồn vốn tư nhân để phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông. Thành công của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ là cú hích quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục kêu gọi, huy động được nguồn lực đầu tư lớn nhằm phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đầu tư xây dựng tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, khởi công từ tháng 9/2015, thiết kế đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và là sân bay quân sự cấp II có đường băng kéo dài 3,6 km, rộng 45 m, lề vật liệu rộng 7,5 m, dải hãm phanh 2 đầu kích thước 100mx60m, đảm bảo khai thác loại máy bay Boeing 777 và tương đương.

Dự án triển khai theo hình thức BOT và là sân bay tư nhân đầu tiên trong toàn quốc do Sun Group làm chủ đầu tư. Giai đoạn hiện tại, khu bay ngoài đường băng sẽ có sân quay đầu, đường lăn nối với sân đỗ và đường lăn thoát nhanh, nhà ga có công suất 2,5 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hoá/năm với 2 khu vực quốc tế, nội địa riêng biệt, khu vực phòng chờ, nơi làm thủ tục, vị trí đỗ tối thiểu được 4 máy bay. Đến năm 2030 sẽ hoàn thành đường lăn song song với đường băng, hoàn chỉnh đơn nguyên còn lại của nhà ga, nâng công suất lên 5 triệu hành khách/năm, vị trí đỗ tối thiểu lên 12 máy bay...

Theo chủ đầu tư dự án, đến nay hạng mục bay và tháp không lưu đã hoàn thành; nhà ga hành khách đã xong phần thô và đang tổ chức lắp đặt thiết bị, hoàn thành thi công vào tháng 8. Chủ đầu tư đang khẩn trương thành lập phương án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tiến hành mở cảng, đón chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 12/2018.

Nhiệm vụ bay hiệu chuẩn được công ty ATTECH, nhà cung cấp dịch vụ bay hiệu chuẩn duy nhất tại Việt Nam thực hiện. Trong thời gian hiệu chuẩn, đơn vị sẽ sử dụng máy bay King Air 350 hai động cơ đã được cải tiến, lắp đặt antena và thiết bị bay hiệu chuẩn CARNAC 30 hoạt động hoàn toàn tự động, độ chính xác cao theo tiêu chuẩn quốc tế.

15.Hồng Nhung. Linh hoạt trong quản lý, điều hành thu ngân sách//http://www.baoquangninh.com.vn.- 2018.- Ngày 13 tháng 7

Với việc chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành hoạt động thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã giúp cho Quảng Ninh luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng số thu ngân sách, đồng thời đáp ứng được các nhiệm vụ chi ngân sách, đặc biệt là chi cho đầu tư phát triển.

Tăng trưởng kinh tế hỗ trợ thu ngân sách

Quảng Ninh trong những năm gần đây được đánh giá là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Đáng chú ý, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân của tỉnh tăng 10,3%/năm. Năng suất lao động đạt 197,7 triệu đồng/người/năm, tăng bình quân 10,6%/năm.

Cùng với tốc độ tăng trưởng cao liên tục và khá ổn định của GRDP trong 2,5 năm qua, cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh cũng đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng tích cực, phù hợp với định hướng đặt ra, đó là tăng mạnh tỷ trọng khu vực dịch vụ so với cơ cấu kinh tế. Cụ thể, so với cuối năm 2015, tính đến tháng 6/2018, tỷ trọng lĩnh vực nông - lâm - thủy sản của tỉnh chiếm 5,9%, giảm 1,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm 51,2%, giảm 0,6%; dịch vụ chiếm 42,9%, tăng 1,7%.

Có thể thấy, số thu NSNN của tỉnh thời gian qua được hỗ trợ rất lớn từ tăng trưởng kinh tế địa phương. Theo báo cáo của Sở Tài chính, trong 2,5 năm qua, tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 97.069 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 68.693 tỷ đồng, thu thuế XNK đạt 28.913 tỷ đồng.

Đặc biệt, cơ cấu thu ngân sách tiếp tục được điều chỉnh, ngày càng thể hiện rõ sự chuyển dịch, tăng dần tỷ trọng thu nội địa và giảm dần tỷ trọng thu từ hoạt động XNK. Đặt trong bối cảnh điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp tăng trưởng chưa đồng đều, một số chính sách chung của Trung ương đã và đang tác động không nhỏ tới số thu ngân sách, có thể khẳng định đây thực sự là một nỗ lực rất lớn của Quảng Ninh.

Theo đó, về số thu ngân sách nội địa: Năm 2016 đạt 25.262 tỷ đồng (chiếm 66%); năm 2017 đạt 27.651 tỷ đồng (chiếm 72%); 6 tháng đầu năm 2018 đạt 16.661 tỷ đồng (chiếm 76%). Về thu thuế XNK: Năm 2016 đạt 12.753 tỷ đồng (chiếm 34%); năm 2017 đạt 10.946 tỷ đồng (chiếm 28%); 6 tháng đầu năm 2018 đạt 5.214 tỷ đồng (chiếm 24%).

Giai đoạn 2016-2018, số thu ngân sách nội địa đã đảm bảo năm sau cao hơn năm trước, bình quân 3 năm tăng 14,3% (năm 2016 tăng 28%, năm 2017 tăng 10%; dự kiến năm 2018 tăng 10%), vượt chỉ tiêu 10% Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đặt ra; thu XNK tăng cao hơn chỉ tiêu Bộ Tài chính giao.

Tăng trưởng ngân sách tạo điều kiện

Siết chặt kỷ cương về tài chính

Trên cơ sở những kết quả trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt được qua 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; đồng thời, căn cứ dự báo những thuận lợi, khó khăn trong 2,5 năm còn lại của nhiệm kỳ, tỉnh Quảng Ninh dự kiến một số chỉ tiêu kinh tế đến 2020.

Trong đó, nhất quán quan điểm: Không thay đổi mục tiêu tổng quát, chỉ thay đổi biện pháp, giải pháp tổ chức thực hiện cho phù hợp với tình hình mới để bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra.

Riêng đối với chỉ tiêu về tổng thu NSNN, dự kiến phấn đấu: Năm 2018 đạt 36.360 tỷ đồng, năm 2019 đạt 39.018 tỷ đồng, năm 2020 đạt 42.357 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 4%/năm. Trong đó, thu ngân sách nội địa năm 2018 đạt 30.360 tỷ đồng, năm 2019 đạt 33.418 tỷ đồng, năm 2020 đạt 36.757 tỷ đồng, tăng bình quân 12,6%/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra tăng tối thiểu 10%/năm); thu XNK phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao.

Để đạt được con số này, tỉnh đã xây dựng và triển khai các phương án điều hành thu, chi ngân sách quyết liệt, tập trung phân cấp nguồn thu, tỷ lệ điều tiết các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương. Đặc biệt, đẩy mạnh phân cấp nguồn thu cho các địa phương để tạo thế chủ động trong công tác quản lý, điều hành ngân sách, tăng khả năng tự cân đối; đảm bảo mục tiêu phát triển KT-XH của các địa phương, phấn đấu giảm dần số bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh.

Tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu nhanh nhất, xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là khó khăn các ngành trọng điểm như than, nhiệt điện.

Đồng thời, tăng cường siết chặt kỷ cương về tài chính ngân sách ở tất cả các cấp, ngành; cân đối thu - chi, khai thác tối đa nguồn thu; tăng cường kiểm tra, thanh tra thuế, chống thất thu ngân sách. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để bổ sung chi đầu tư phát triển; ưu tiên bố trí vốn để thanh toán cho các dự án hoàn thành có quyết toán và các dự án trọng điểm, động lực; cân đối các nguồn lực để bổ sung thanh toán nợ xây dựng cơ bản.

Với những giải pháp chủ động, quyết liệt trên, tin tưởng rằng thu NSNN năm 2018 và những năm còn lại trong nhiệm kỳ sẽ đạt và vượt kế hoạch đặt ra. Qua đó, tiếp tục tạo lực đẩy mạnh mẽ trong phát triển KT-XH của Quảng Ninh; đồng thời, củng cố vị trí là một trong những địa phương đứng trong tốp đầu thu ngân sách cao của cả nước.

16.'Gắn sao đánh giá chất lượng sản phẩm phải là gắn sao trong lòng dân'//http://baochinhphu.vn.- 2018.- Ngày 14 tháng 7

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia nhấn mạnh điều này khi chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020.

Tại tỉnh Bắc Giang, sáng 14/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020. Cùng dự còn có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng Ban Thường trực và lãnh đạo của các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố của cả nước và nhiều doanh nghiệp phân phối trên cả nước.

Trước đó vào tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020 (OCOP), triển khai trên phạm vi cả nước. Đây là một giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Chương trình xác định 6 nhóm hàng hoá, dịch vụ để thực hiện là thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, vải - may mặc và dịch vụ du lịch nông thôn. Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Tuy bây giờ chương trình mới triển khai trên phạm vi toàn quốc nhưng thực tế nhiều địa phương đã thực hiện từ nhiều năm trước đây. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên và dẫn đầu cả nước triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm” từ năm 2013. Từ chỗ chỉ có 40 sản phẩm và 30 đơn vị tham gia chương trình, đến nay Quảng Ninh đã phát triển thành gần 300 sản phẩm và hơn 200 đơn vị tích cực tham gia.

Hiện cả nước có hơn 5.000 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, thuộc 5 nhóm sản phẩm, trong đó nhóm thực phẩm có hơn 2.500 sản phẩm, hơn 1.000 sản phẩm đồ uống, 230 sản phẩm thảo dược, gần 600 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn,... đã đăng ký tiêu chuẩn OCOP.

Đến nay đã có một số Bộ ngành và 60/63 tỉnh thành phố triển khai xây dựng Đề cương, 30 tỉnh lập xong Đề án và đã có 4 tỉnh (Hà Giang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Quảng Nam) phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2018 - 2020. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng là cơ quan cấp bộ đầu tiên đã ban hành chương trình hướng dẫn thực hiện tín dụng cho OCOP.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho rằng, đây không phải là phong trào mà là một chương trình kinh tế, sản xuất các sản phẩm cụ thể, để quảng bá thương hiệu của nhiều sản phẩm có chất lượng tốt nhưng ít người biết tới. Ngoài ra, việc Chính phủ chỉ đạo phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã kiểu mới sẽ hỗ trợ rất tốt cho OCOP để triển khai sản xuất hàng hoá, gắn với thị trường.

Ông Hậu lấy ví dụ về anh nông dân Lềnh A Tráng ở huyện nghèo Ba Chẽ, từ chỗ không biết nói tiếng Việt, đã biết khai thác lợi thế cây ba kích, các sản vật nông sản địa phương đã vươn lên làm giàu, giao dịch rộng khắp cả vùng, thành lập công ty cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. “Người dân rất sáng tạo và chính quyền phải khơi dậy sức sáng tạo trên nền tảng của kinh tế thị trường”, ông Đặng Huy Hậu nói.

Để triển khai thành công, ông Hậu cho rằng phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ hỗ trợ chuyên nghiệp, thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm OCOP và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hơn nữa.

Đánh giá cao kết quả của tỉnh Quảng Ninh đã giúp Chính phủ nhanh chóng chỉ đạo, xây dựng Chương trình OCOP giai đoạn 2018- 2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng OCOP là giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, động lực cho phát triển bền vững của đất nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng của ngành nông nghiệp là 3,93%, xuất khẩu nông sản 9,4 tỷ USD tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái và đang hướng tới yêu cầu giá trị xuất khẩu nông sản 40 tỷ USD của Thủ tướng Chính phủ. Với OCOP, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng sẽ tác động mạnh mẽ tới thương hiệu, chất lượng hàng hoá, dịch vụ nông nghiệp Việt Nam.

“OCOP là sản phẩm của địa phương nhưng phải được gia tăng giá trị lên tầm quốc gia, toàn cầu”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, đồng thời chỉ ra chủ thể thực hiện là hộ gia đình, hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ về chính sách. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh chính quyền, nhà nước không thể áp đặt ý chí chủ quan, mệnh lệnh hành chính trong sản xuất các sản phẩm OCOP mà phải phát huy được tính sáng tạo của mỗi cộng đồng dân cư, mỗi người dân trong môi trường kinh tế thị trường

Cũng như chương trình xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, OCOP là một quá trình thực hiện, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Sau năm 2020, Chính phủ sẽ tổng kết việc thực hiện để tiếp tục triển khai lâu dài.

Để triển khai hiệu quả OCOP, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí tập trung truyền thông về chương trình; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện và đánh giá, xếp hạng các sản phẩm OCOP.

“Gắn sao đánh giá chất lượng sản phẩm phải là gắn sao trong lòng dân”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh và cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57 về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Nghị định số 58 về bảo hiểm nông nghiệp và đang sửa Nghị định số 55 về tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo ra nền tảng vững chắc để hỗ trợ thực hiện OCOP nói riêng và xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nói chung.

Trong quá trình thực hiện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Ban chỉ đạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biểu dương các doanh nghiệp tham gia tích cực vào phát triển OCOP./.

17.Xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2018-2020//http://www.baoquangninh.com.vn.- 2018.- Ngày 16 tháng 7

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 98/KH-UBND về việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2020.

Theo đó, kế hoạch đặt ra với mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; cải thiện hơn đời sống của nông dân, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, sinh thái và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Trong đó, mục tiêu cụ thể: Có thêm 4 đơn vị cấp huyện đạt tiêu chí và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, thêm 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 1,0%; đưa 100% các xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và hoàn thành mục tiêu chương trình 135; nâng cao thu nhập, đời sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo; nâng thu nhập của người nông dân gấp 2 lần so với thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh so với năm 2015.

Đồng thời duy trì tăng trưởng ngành đạt tốc độ tăng trưởng khá (tăng trưởng giá trị sản xuất tăng bình quân 5-7%/năm), trong đó thủy sản tăng trưởng bình quân 11,5%-12,5%/năm; nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ) tăng trưởng bình quân khoảng 4,0-5,5%/năm; lâm nghiệp tăng trưởng bình quân 8,0%/năm. Cùng với đó, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; giá trị sản phẩm bình quân 1ha diện tích đất canh tác đạt trên 120 triệu đồng/năm (theo giá hiện hành); cơ cấu ngành Nông nghiệp trong GRDP của tỉnh đến năm 2020 là 3-5%; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải trong nông nghiệp; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 54,5-55%, góp phần thực hiện định hướng tăng trưởng xanh của tỉnh; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 98%; tỷ lệ dân cư nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 86%...

Để thực hiện hiệu quả đươc mục tiêu trên, kế hoạch cũng xây dựng một số nhóm nhiệm vụ và giải pháp cho từng lĩnh vực trong nông nghiệp. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất về tầm quan trọng của thực hiện tái cơ cấu lại nông nghiệp đến các cấp, ngành, địa phương và người dân về xây dựng nền sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành các chính sách, đặc biệt là các chính sách đặc thù của tỉnh để tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tiếp cận với đất đai, vốn, khoa học công nghệ… để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm của tỉnh, nhu cầu thị trường và lợi thế vùng miền.

Cùng với đó triển khai các giải pháp đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư phát triển; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, hoàn thành đầu tư và đưa vào hoạt động các khu nông nghiệp công nghệ cao tại Đông Triều, Trung tâm Sản xuất giống thủy sản Đầm Hà, Trung tâm Sản xuất giống nhuyễn thể Vân Đồn; tăng cường năng lực hội nhập quốc tế; tuyên truyền phổ biến để các địa phương, doanh nghiệp và người dân có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế…

18.Việt Hoa. Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển//http://www.baoquangninh.com.vn.-2018.-Ngày 16 tháng 7

Nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại các vùng biển sâu, xa, trên vịnh hở, biển mở đang là hướng phát triển tiềm năng của Quảng Ninh. Công tác này không chỉ khắc phục được các vấn đề tồn tại của thực trạng NTTS trên bờ, gần bờ mà còn đa dạng đối tượng nuôi, đảm bảo chất lượng sản phẩm gia tăng giá trị kinh tế.

Những năm gần đây Quảng Ninh phát triển mạnh ngành NTTS. Năm 2017, toàn tỉnh đạt trên 20.600ha nuôi và 9.600 ô lồng với tổng sản lượng trên 54.000 tấn. Đối tượng nuôi chính chủ yếu là tôm với 10.603ha và 11.558 tấn sản lượng; nhuyễn thể 3.445ha và 23.216 tấn sản lượng; cá nước ngọt 3.200ha, 10.507 tấn sản lượng; cá biển đạt 1.700ha và 5.615 tấn sản lượng...

Tuy nhiên, toàn bộ diện tích trên chủ yếu là nuôi trong ao trên đất liền, bãi triều và ven biển. Một số ít nuôi trên mặt biển nhưng chủ yếu nằm ở các eo, ngách, nơi có lợi thế kín gió song diện tích nhỏ, độ sâu thấp, khả năng lưu thông nước hạn chế... ít có khả năng phát triển mở rộng. Đơn cử như mô hình nuôi cá lồng bè (kích thước nhỏ, vật liệu thông thường), nuôi hàu, ngao, tu hài, một số ít là nuôi trai lấy ngọc và nuôi cá gắn với du lịch trên Vịnh Hạ Long.

Bên cạnh đó, ngành NTTS Quảng Ninh hiện đang đối mặt với nguy cơ bị dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và chất lượng sản phẩm không đảm bảo, dẫn đến rủi ro cao. Hiện toàn tỉnh không có vùng nuôi nào đảm bảo về hệ thống hạ tầng và chưa sản xuất được nhiều con giống tại chỗ để có thể kiểm dịch. Công nghệ nuôi còn lạc hậu với nuôi tôm quảng canh, sử dụng thức ăn là cá tạp trong khi không có giải pháp xử lý thức ăn dư thừa... dẫn đến đối tượng nuôi rất dễ mắc bệnh và lây lan ra cả vùng nuôi. Người nuôi sử dụng quá nhiều hóa chất, kháng sinh, khiến sản phẩm dư lượng các chất độc hại, đồng nghĩa với việc phải chấp nhận các thị trường giá rẻ và thiếu ổn định.

Thực trạng này đặt ra yêu cầu phát triển NTTS theo hướng nuôi ở các vùng biển sâu, xa, sử dụng mặt nước vùng vịnh hở và khu vực biển mở. Quảng Ninh không chỉ có bờ biển dài, nhiều rừng ngập mặn, bãi triều, chương bãi, cồn rạn, vịnh kín gió... mà còn có diện tích mặt biển trên 6.000km2 (tương đương diện tích đất liền), trong đó 2 vị trí tiềm năng là Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long với 1.553km2. Đây là những điều kiện, lợi thế nổi trội để phát triển các hình thức nuôi lồng bè, nuôi đáy mà rất ít địa phương trong cả nước có được.

Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: NTTS tại các vùng biển sâu, xa không chỉ khắc phục được các vấn đề tồn tại của thực trạng NTTS trên bờ, gần bờ hiện nay của tỉnh mà còn đa dạng đối tượng nuôi, đảm bảo chất lượng sản phẩm dẫn đến gia tăng giá trị kinh tế. Nhất là trong chiến lược phát triển thủy sản của tỉnh, NTTS được xác định chiếm sản lượng, giá trị và tỷ trọng lớn trong toàn ngành. Cụ thể, đến năm 2020 sản lượng thủy sản nuôi chiếm 55% tổng sản lượng thủy sản, với 70.000 tấn; đến năm 2030 đạt 98.000 tấn, chiếm gần 60% tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh. Bên cạnh đó NTTS tại các vùng biển sâu, xa còn dành diện tích trên đất liền cho các hoạt động phát triển kinh tế động lực khác của tỉnh, điều kiện mà một địa phương đang phát triển năng động như Quảng Ninh rất cần.

Hiện người dân đã sử dụng mặt nướ để nuôi hàu, tuy nhiên chỉ yếu là các diện tích gần bờ

Người dân xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, đã sử dụng mặt nước để nuôi hàu, tuy nhiên chủ yếu là các diện tích gần bờ.

Thực tế NTTS tại các vùng biển sâu, xa, từ lâu đã là hướng phát triển chủ đạo trong NTTS nói chung của các nước trên thế giới, đặt biệt là Trung Quốc, mang lại những thành tựu lớn về kinh tế. Đối với Quảng Ninh hiện nay, NTTS trên biển đã bắt đầu được nhìn nhận, tuy nhiên mới ở dạng khơi mở, nhỏ lẻ, manh mún, chưa có các mô hình nuôi cá lồng bè với vật liệu hiện đại, tại các vùng biển hở. Điều này xuất phát từ điều kiện nuôi trên biển khá khó khăn, sóng to, gió lớn trong khi người dân chưa có kỹ năng nuôi, công nghệ vật liệu phù hợp và hơn hết là chưa có tư duy về NTTS trên biển.

Trong quý II vừa qua, Quảng Ninh đã chính thức ký kết hợp tác phát triển nuôi biển công nghiệp giai đoạn 2018-2025 với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam. Trong đó sẽ tập trung quy hoạch, quản lý không gian biển; hỗ trợ chuyển giao công nghệ nuôi biển công nghiệp và thúc đẩy thương mại... Trước mắt, trong 6 tháng cuối năm sẽ xây dựng mô hình thí điểm nuôi biển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, phát huy lợi thế  NTTS trên vùng biển sâu, xa, vịnh hở, biển mở.

Tuy nhiên, cùng với đó Quảng Ninh cần có kế hoạch phát triển nuôi biển, trong đó làm rõ tiềm năng, thế mạnh và lộ trình phát triển nuôi biển qua các năm; xây dựng chính sách và dành nguồn lực của tỉnh cũng như thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

19.Thêm nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh//http://baochinhphu.vn.-2018.-Ngày 3 tháng 8

Nhiều địa phương đang triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Quảng Ninh đặt mục tiêu duy trì vị trí số một

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Long nhấn mạnh, năm 2018, địa phương giữ vững chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt được; trong đó, tổng điểm phấn đấu tăng 5,56 điểm so với năm 2017 trong điều kiện các địa phương trên cả nước có nỗ lực để vươn lên.

Năm 2017, tỉnh Quảng Ninh lần đầu vươn lên dẫn đầu toàn quốc về PCI và cải cách hành chính.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, nhất là cán bộ chủ chốt phải quán triệt, truyền lửa đến cán bộ, công chức, viên chức trong toàn đơn vị, không được bằng lòng với những kết quả đã đạt được mà phải tự đổi mới, đưa ra những giải pháp sáng tạo, hiệu quả để đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, Kế hoạch số 2614/KH-UBND ngày 17/4/2018 của UBND tỉnh đã đề ra.

Các cơ quan được giao chủ trì các chỉ số thành phần và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh được phân công phải có những giải pháp hết sức tích cực nhằm cải thiện các chỉ số được giao, nhất là các cơ quan có các chỉ số thành phần cần tập trung cải thiện nhanh, như: Tính minh bạch, Chi phí không chính thức, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, Tiếp cận đất đai.

Ông Long yêu cầu Trung tâm hành chính công các cấp phải giải quyết thủ tục hành chính nhanh nhất cho người dân, doanh nghiệp trên tinh thần 4 tại chỗ “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả tại chỗ”. Các địa phương, sở, ngành phải kết nối thông tin, nâng cao tính minh bạch, công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và các cổng thành phần.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tốt với sở, ngành, địa phương trong thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; định hướng cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, xuất nhập khẩu, nông nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hình thành các cụm công nghiệp…

Trong 7 tháng năm 2018, thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh tích cực triển khai, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh duy trì đạt và vượt so với kết quả đã đạt được trong năm 2017.

Cụ thể: Chỉ số cải thiện thứ hạng khởi sự kinh doanh rút ngắn 50% thời gian toàn bộ thủ tục liên quan đến gia nhập thị trường; Chỉ số đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan không quá 52 ngày; Chỉ số đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian và cải thiện thứ hạng Tiếp cận điện năng không quá 24 ngày;

Chỉ số đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, rút ngắn thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội; Chỉ số đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí giao dịch thương mại qua biên giới…

20.Cầu Bạch Đằng là đột phá trong thu hút vốn tư nhân//http://baochinhphu.vn.-2018.-Ngày 28 tháng 8

 Chỉ còn 4 ngày nữa là cụm công trình giao thông gồm cao tốc Hạ Long - Bạch Đằng và cầu Bạch Đằng sẽ chính thức được thông xe. Đây được coi là những công trình tiêu biểu cho hình thức đối tác công-tư (PPP) và là thành công của tỉnh Quảng Ninh trong việc thu hút vốn tư nhân vào hạ tầng.

Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh về 2 dự án cao tốc Hạ Long- Bạch Đằng và cầu Bạch Đằng cũng như những định hướng sắp tới về phát triển giao thông của tỉnh Quảng Ninh.

Là địa phương được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh như Hạ Long, Vân Đồn, Quan Lạn, Trà Cổ… cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, tiềm năng phát triển kinh tế lớn. Đây có phải là lý do khiến Quảng Ninh nhanh chóng “nhìn ra” nhu cầu cấp thiết phải phát triển hệ thống giao thông không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Long: Theo đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” với mục tiêu “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá”, Quảng Ninh sẽ có 5 loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và đường hàng không.

Đặc biệt là việc xây dựng cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với tổng vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng, trên diện tích đất 320 ha theo tiêu chuẩn hàng không cấp 4E (theo mã chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế – ICAO), có thể đón được các máy bay lớn như Boeing 77. Đây được coi là điểm nhấn quan trọng trong kết cấu hạ tầng giao thông của Quảng Ninh, động lực để phát triển Vân Đồn thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt.

Tuyến giao thông bộ, huyết mạch của nền kinh tế sẽ được đầu tư, xây dựng, nâng cấp với cao tốc Hà Nội - Hạ Long, tổng vốn đầu tư trên 13.000 tỷ đồng (bao gồm cầu Bạch Đằng), Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn – Mông Dương có tổng đầu tư 10.062 tỷ đồng. Tuyến Vân Đồn – Móng Cái, có thể coi là tuyến hành lang đường bộ đầu tiên kết nối các tỉnh phía Bắc của Việt Nam với Trung Quốc, tạo nên sự phát triển liên vùng.

Ngày 1/9 tới đây, Quảng Ninh sẽ thông tuyến cao tốc Hạ Long-Bạch Đằng và dự án cầu Bạch Đằng. Xin ông cho biết chi tiết hơn về quá trình đầu tư 2 dự án trọng điểm này?

Ông Nguyễn Đức Long: Tuyến cao tốc Hạ Long-Bạch Đằng sẽ nối với cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đây là tuyến đường đường tỉnh Quảng Ninh nhận định là có vị trí chiến lược quan trọng, kết nối Quảng Ninh với Hải Phòng là khu vực trọng điểm kinh tế phía Bắc. Cao tốc Hạ Long-Bạch Đằng với chiều dài 24,6 km, thiết kế 4 làn xe và được đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng, sẽ thông xe vào ngày 1/9 tới.

Dự án do tỉnh Quảng Ninh chủ động đề xuất lên Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho cơ quan có thẩm quyền quyết định thực hiện.

Tuyến cao tốc Hạ Long-Bạch Đằng được chia làm 2 dự án thành phần gồm: Tuyến cao tốc nối Hạ Long đến đường dẫn vào câù Bạch Đằng dài 19,8km do tỉnh Quảng Ninh dành ngân sách hơn 6.400 tỷ đồng thực hiện và dự án cầu Bạch Đằng với đường dẫn dài 5,4km bằng hình thức huy động đầu tư ngoài ngân sách (BOT) với tổng vốn đầu tư 7.300 tỷ đồng, ngân sách của tỉnh dành cho công tác giải phóng mặt bằng.

Sau hơn 3 năm rưỡi thi công với nhiều khó khăn vì điều kiện địa chất đến nay công trình đã hoàn thành đảm bảo chất lượng, được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu, đánh giá và đồng ý đưa vào khai thác sử dụng ngày 24/8 vừa qua.

Khi cao tốc Hạ Long-Bạch Đằng đi vào vận hành, quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng giảm từ 75km xuống còn 25km. Đồng thời, giúp Hạ Long kết nối thuận lợi hơn với các vùng kinh tế động lực phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng. Cụ thể, cao tốc này rút ngắn quãng đường và thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hạ Long từ 180km xuống còn 130km, thời gian giảm từ 3,5 giờ còn 1,5 giờ di chuyển.

Ông đã từng chia sẻ với báo chí rằng “nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì Quảng Ninh phải chờ đến 10 năm hoặc lâu hơn nữa”. Đây có phải lý do khiến Quảng Ninh mở rộng cửa để thu hút vốn của các nhà đầu tư tư nhân, mà tiêu biểu là dự án cầu Bạch Đằng vừa hoàn thành?

Ông Nguyễn Đức Long: Theo như quy hoạch, dù chúng tôi có thấy lợi ích to lớn trước mắt nhưng nguồn lực không có thì chỉ là giấc mơ viển vông. Con số hàng chục ngàn tỷ đồng cần đầu tư trong điều kiện ngân sách chưa cho phép sẽ đặt Quảng Ninh vào thế khó nếu như Quảng Ninh không có quyết tâm, mạnh dạn tìm nhà đầu tư theo hình thức xã hội hóa, bằng chính sách thông thoáng, hài hòa các lợi ích.

Đến nay, nguồn vốn xã hội hóa qua các dự án BT, BOT… mà Quảng Ninh đã huy động được lên tới trên 30 ngàn tỷ đồng với sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư. Trong đó phải kể đến nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Sun Group, với gần 7.500 tỷ đồng xây dựng  Cảng hàng không Quảng Ninh. Các nhà đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long- Hải Phòng, Hạ Long -Vân Đồn- Mông Dương với số vốn bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng...

Có thể nói, cầu Bạch Đằng sắp được thông xe tới đây không chỉ là niềm tự hào của tỉnh Quảng Ninh mà còn là niềm tự hào của những người kỹ sư cầu đường khi cây cầu này 100% kỹ sư Việt Nam làm chủ công nghệ cũng như thi công.

Đây cũng là dự án tiêu biểu cho sự thành công của tỉnh Quảng Ninh trong việc kêu gọi vốn tư nhân kết hợp với nguồn vốn ngân sách trong giải phóng mặt bằng. Có vốn, có công nghệ, cầu Bạch Đằng cũng có tiến độ thực hiện rất nhanh chóng, không chậm trễ dù điều kiện thi công còn gặp nhiều khó khăn.

Có được kết quả như ngày hôm nay, tỉnh Quảng Ninh ghi nhận sự phối hợp sát sao, tích cực của các đồng chí lãnh đạo Bộ GTVT, các cơ quan chức năng của Bộ GTVT, thành phố Hải Phòng. Đặc biệt, chúng tôi cảm ơn sự nỗ lực không mệt mỏi của các nhà đầu tư BOT cầu Bạch Đằng, các nhà thầu thi công không quản ngại nắng mưa, khó khăn vất vả trong suốt thời gian vừa qua.

Được biết, sắp tới tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai tuyến Hạ Long-Vân Đồn và Vân Đồn-Móng Cái hướng đến hoàn thiện tuyến hành lang đường bộ đầu tiên kết nối các tỉnh phía Bắc với Trung Quốc. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về kế hoạch này?

Ông Nguyễn Đức Long: Tháng 9/2018 tỉnh Quảng Ninh sẽ khởi công cao tốc Vân Đồn-Móng Cái cũng bằng nguồn vốn BOT, phấn đấu tới cuối năm 2020 sẽ thông toàn bộ tuyến cao tốc tới Móng Cái.

Như vậy, có thể nói, tỉnh Quảng Ninh đã huy động nguồn lực từ ngân sách tỉnh, cũng như nguồn lực từ tư nhân để triển khai được gần 200km cao tốc trong mạng lưới đường bộ cao tốc toàn quốc.

Khi tuyến đường này hoàn thành sẽ tạo nên sự liên kết, hỗ trợ giữa các vùng miền giàu tiềm năng: Khu kinh tế Vân Đồn; Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; Khu kinh tế Đầm Nhà Mạc - Quảng Yên và các trung tâm hành chính - văn hóa – kinh tế Hạ Long – Uông Bí – Quảng Yên – Đông Triều.Cùng với các công trình giao thông cầu biên giới như Bắc Luân II, Hoành Mô (kết nối với Trung Quốc), trong tương lai gần khi các tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn và Vân Đồn – Móng Cái hoàn thành sẽ tạo kết nối giao thông trong trục tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng- Quảng Ninh.

Chắc chắn, lợi thế về địa lý của tỉnh là cửa ngõ vùng Đông Bắc sẽ được phát huy, sức hấp dẫn với các nhà đầu tư sẽ gia tăng đáng kể. Như vậy, việc phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, đa dạng, hiện đại, hiệu quả cũng chính là nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách với chất lượng ngày càng cao, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng an ninh; đồng thời phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải quốc gia, vùng, lãnh thổ.

Xin cảm ơn ông!

                                                                  XÃ HỘI

21.Một tấm gương giữ rừng//http://baochinhphu.vn.-2018.-Ngày 26 tháng 7

Giữa những ngày nắng nóng, đến với rừng của cụ Triệu Tài Cao, gần 80 tuổi, người dân tộc Dao ở thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, ai cũng cảm nhận được hương vị thanh mát của tự nhiên, thứ hương vị không một công trình nhân tạo nào có được…

“Giữ được rừng là giữ được nhà”

Nhấp ngụm nước vối tươi, nghe cụ Cao kể chuyện về rừng thấy thấp thoáng bao thăng trầm của những ngày xưa cũ. Ngày còn thiếu ăn, ngày cụ nhận khoán 30 ha rừng vẫn còn hoang hoải, thi thoảng lại bị lấy trộm khúc gỗ, cái cây vì người ta nói không có sổ đỏ thì đâu làm minh chứng là rừng của cụ được…

Nhưng dù gì, trong thâm tâm cụ luôn tâm niệm một điều, giữ được rừng là giữ được nhà. Có lẽ đó là một điều tâm linh mà người Dao luôn tâm niệm, bởi mỗi khi ốm đau, bệnh tật người Dao cũng thường vào rừng hái lá nọ, củ kia, về ninh, sắc để làm thuốc chữa… cứ như thế, mỗi cánh rừng không những nuôi sống mà còn chữa lành bao vết thương cho đồng bào người Dao.

Rừng của cụ Cao đa số là lim – thứ gỗ quý mà nhiều người muốn có. Giữ rừng đời cụ đã khó, làm sao để các con hiểu được và giữ được rừng theo hướng khoanh nuôi, tái sinh về sau mới là điều cụ trăn trở. Tuổi cao, cụ cũng phải tiến hành chia cho các con khoảnh rừng này, nhưng nói là chia, cụ vẫn luôn giữ cho khu vừng toàn vẹn, ít nhất là chừng nào cụ còn sống trên đời này.

Anh Triệu Tiến Trìu, con của cụ Cao cũng chia sẻ: “Trước đây nhà tôi giữ rừng vất vả lắm, diện tích thì rộng, người thì ít, nhất là khi chưa được giao sổ đỏ. Từ những năm 80 khi được giao khoán thì mới ổn định dần. Nhưng việc giữ được rừng nguyên sinh như hiện nay gia đình cũng rất vất vả, bởi vừa phải lo bảo vệ rừng vừa phải lo trang trải kinh tế gia đình”.

Anh Trìu cũng băn khoăn:“Trước đây, các cây dược liệu trong rừng rất sẵn nhưng giờ cũng trở nên hiếm. Nhiều hộ gần nhà tôi sau khi được giao rừng đã chuyển đổi ngay sang trồng keo. Với loại cây này chỉ sau 4-5 năm, người dân sẽ có ngay khoản thu 100 triệu đồng/ha và đây sẽ là khoản lớn để các hộ có thể đầu tư nâng cấp nhà cửa”.

Dù có băn khoăn nhưng các con cụ cũng không bao giờ nghĩ đến hướng tác động đến rừng, bởi nếu không, cánh rừng riêng chỉ tính gỗ lim đã có giá trị lên đến 6-7 tỷ đồng của cụ làm sao còn vững đến lức này. Một hướng đi khác mà cụ Cao cùng các con đang phát triển kinh tế là đưa thêm các loại cây dược liệu như trà hoa vàng, ba kích, vôi tía, trầm gió… trồng dưới tán rừng trên 3 ha. Sau từ 2-3 năm, thu nhập gia đình cụ từ việc thu hoạch cây trám, nhựa trám và một số loại dược liệu khoảng 100 triệu đồng. Thu nhập này chỉ giúp gia đình cụ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Đây là cách làm dù chưa thể đem lại hiệu quả kinh tế cao ngay nhưng bền vững hơn và có hy vọng phát triển hơn nữa trong lúc nguồn dược liệu ngày càng khan hiếm.

“Cứ đi, rồi sẽ đến”

Cụ Cao đã già, chuyện cụ kể nghe câu được, câu mất, chỉ cảm nhận qua ánh mắt và sắc giọng cụ khi nói về rừng mới thấy quyết tâm giữ rừng của cụ đã trở thành văn hóa và truyền thống trong ngôi nhà gỗ được dựng từ những năm 60 giữa rừng Hoành Bồ này.

Nói chuyện tương lai của khu rừng được bảo tồn nguyên vẹn duy nhất của cả tỉnh Quảng Ninh này, anh Trìu tiếp nối câu chuyện của cha mình rất hồ hởi: “Chuyện giữ rừng của cha tôi giờ không đơn độc nữa, nhiều cấp ban ngành rất quan tâm, đặc biệt là ngay tại xã, nói đến rừng ông Cao ai cũng biết, cũng vì thế chẳng còn lo mất rừng như ngày trước”.

Anh phấn khởi kể: “Mới đây tôi được biết Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh đang phát triển mạnh 'mỗi làng một sản phẩm' nên sắp tới nhiều sản phẩm dược liệu sẽ được huyện thẩm định đưa vào phát triển theo mô hình này. Hiện huyện đang thẩm định, đăng ký sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu 'Trà hoa vàng' đấy”.

Để phát huy kinh tế rừng, anh Triệu Tiến Trìu cũng mong muốn được hỗ trợ về vốn đầu tư, cây giống, kỹ thuật trồng và đặc biệt là cách phòng trừ sâu bệnh. Gia đình tự gây một số diện tích trầm nhưng cứ đến mùa hè là sâu bệnh hoành hành khiến cây không thể phát triển được.

Hiện nay, nhiều loại dược liệu dưới tán rừng của cụ Cao được rất nhiều thương lái đến hỏi mua nhưng gia đình chưa đồng ý vì muốn để thêm thời gian, sản phẩm có thêm chất lượng cao hơn. Nhờ trồng cây dược liệu dưới tán rừng nên những người bảo vệ và phát triển rừng như cụ Triệu Tài Cao có thêm sinh kế hằng ngày.

Ông Đỗ Quyết Tiến, Bí thư xã Tân Dân cho biết, đây được xem là mô hình tiêu biểu của địa phương, huyện, thậm chí đối với cá nhân thì đây còn là mô hình của tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm mô hình của ông Cao, bởi tỉnh đang hướng tới phát triển bảo vệ môi trường tự nhiên. Tuy vậy ông Tiến cũng băn khoăn: “Việc khoanh nuôi bảo vệ rừng chỉ nhận được khoản kinh phí hỗ trợ của Nhà nước nếu là rừng phòng hộ, còn rừng tự nhiên được giao cho sản xuất là không có. Hiện Nhà nước có hỗ trợ trồng cây gỗ lớn để vận động nhân dân thay đổi nhận thức, thay đổi cây keo bằng cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, chính sách chỉ hỗ trợ với diện tích trên 3 ha, nhưng xã hầu như không có gia đình nào có diện tích này. Các chính sách như hỗ trợ cây giống, chỉ 10 triệu đồng/ha nên không đủ khuyến khích, thu hút được người dân”.

Nghe lực lượng kiểm lâm cơ sở kể mới đây Bí thư tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đến thăm khu rừng của cụ, chính ông đã phải thốt lên vì rừng cụ Cao quý hiếm quá, cần được bảo tồn bằng mọi giá. Ông có hỏi lực lượng kiểm lâm liệu trong tỉnh còn khu rừng nào thế này không, rất tiếc câu trả lời là không còn nữa.

Rừng của cụ Cao giờ là duy nhất của cả tỉnh, cũng khó có cánh rừng nào trải dài cùng năm tháng mà vẹn nguyên như thế, có lẽ mỗi cánh rừng phải có một tâm hồn đồng điệu để cùng lo toan, vun vén cho người yêu rừng phải sống được cùng rừng…

22.Ra đi để trở về!//http://baochinhphu.vn.-2018.- Ngày 27 tháng 7

12 năm gắn bó với trạm y tế, chị vẫn quyết định ra đi, để sau 10 năm cùng những lần đấu tranh tư tưởng, chị đã quay trở về, cùng đồng nghiệp giúp bà con nơi huyện đảo thân thương thoát khỏi “vũng nghèo” về chăm sóc y tế.

Vui ngày trở về!

Một ngày đầu tháng 7/2018, tiếng khóc của trẻ sơ sinh cất lên từ dãy nhà tầng 1 của Trung tâm Y tế huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, phá tan không gian yên tĩnh, trầm lặng vốn có của nơi đây. Ngày hôm đó, 2 bé sơ sinh được cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui mừng khôn xiết của bố mẹ và người thân.

Mẹ của sản phụ Nguyễn Thị Chung (sinh năm 1975, huyện đảo Cô Tô) đón đứa cháu ngoại thứ 3 từ tay bác sĩ, với ánh mắt rạng ngời.

Bà vừa bế, vừa ngắm nhìn cháu và xúc động chia sẻ: “Nó là con thứ 3 của con gái tôi. Hai lần trước, con gái tôi cũng đẻ thường, nhưng vất vả lắm, vợ chồng và gia đình phải “tay xách nách mang” mọi thứ để đi tàu ra tận Vân Đồn trước 1 đến 2 tuần chờ đẻ. Nhưng đến giờ, bà cháu tôi không còn phải đi xa nữa”.

Cách đó mấy phòng, chị Nguyễn Thị Cảnh (sinh năm 1995, thị trấn Thanh Lân) sinh mổ đứa con thứ 2, quên đi vết khâu trên bụng còn chưa lành, chị nở nụ cười hạnh phúc bông đùa “Nếu Trung tâm Y tế cứ tốt như thế này, mình có thể đẻ thêm 1, 2 cháu nữa mà không phải lo gì. Từ giờ có bệnh cũng không phải đi xa nữa, có bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Cô Tô, chúng tôi an tâm hơn”.

Đứa thứ nhất nhà chị Cảnh cũng đẻ mổ cách đây 3 năm. Ngày ấy cả nhà phải “kéo nhau” đi mất 1,5 tiếng trên tàu vượt biển vào đất liền để chị sinh con. Chưa kể những ngày thời tiết không thuận lợi, tàu không ra vào được Cô Tô, nên gia đình cứ thấp thỏm. Lần sinh này, mặc dù thai ngược và phải di chuyển từ Thanh Lân sang Cô Tô khoảng nửa tiếng đi tàu nhưng chị Cảnh rất yên tâm vì được bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Cô Tô theo dõi sức khỏe cả mẹ và con cho đến ngày sinh.

Nếu như trong đất liền, tiếng khóc trào đời của trẻ sơ sinh làm người lớn vui mừng và hạnh phúc mười phần thì âm thanh trong trẻo này vang lên trên mảnh đất huyện đảo chỉ vỏn vẹn 45 km2 lại khiến người ta vui mừng và hạnh phúc đến vỡ òa.

Bác sĩ Bùi Thị Thuy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện đảo Cô Tô cho biết, đây là 2 trong số 40 ca sinh đẻ tại Trung tâm từ đầu năm 2018 đến đầu tháng 7 này. Năm 2017, Trung tâm đã thực hiện khoảng 100 ca đẻ mổ và đẻ thường. Trước đó, tỉ lệ sinh đẻ của người dân tại Trung tâm rất ít, chỉ khoảng 10%, nhưng hai năm nay, tỉ lệ này đã tăng lên đến 50%.

Bác sĩ Thuy cũng chia sẻ, trước đây, bệnh nhân cứ đến Trạm là chuyển hết vào đất liền. Nhưng mấy năm gần đây, người dân đã bắt đầu đặt niềm tin vào Trạm. Nếu như năm 2016, do thời tiết bất tiện, không thể đi tàu khách, Trung tâm phải sử dụng tới 27 chuyến xuồng cấp cứu đưa bệnh nhân vào đất liền, thì đến năm 2017 chỉ còn 11 chuyến phải chuyển đi, chi phí giảm hơn rất nhiều.

Nhớ lúc ra đi!

Cũng từ Trung tâm y tế này, cách đây hơn 10 năm, chính bác sĩ Bùi Thị Thuy đã “bước đi” sau 12 năm gắn bó. Chị rời quê hương, để tới nơi giúp chị trau dồi kiến thức và nâng cao tay nghề.

Năm 2007, chị công tác tại Trung tâm y tế huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Từ một bác sĩ gây mê, năm 2009, chị học cao học chuyên ngành ngoại khoa tại Đại học Y Hải Phòng và trở thành bác sĩ ngoại khoa.

Suốt 10 năm làm việc tại Trung tâm y tế huyện Vân Đồn, trong các ca trực, bản thân chị đã tiếp nhận không ít ca bệnh từ chính những gương mặt đồng hương và chị đã bật khóc trong một lần nhìn thấy đồng hương bệnh chuyển nặng do phải mất thời gian di chuyển từ Cô Tô ra Vân Đồn. “Nếu như mình đang ở đó thì mọi người đã không bị như thế này”, chị cảm thấy có lỗi với quê hương, có lỗi với bà con nơi “chn rau cắt rốn” thật nhiều.

Mỗi lần như vậy, trong chị lại đấu tranh tư tưởng "trở về hay ở lại”. Người thân và gia đình đều phản đối chị quay về. Tuy nhiên, đầu năm 2017, như một lời hứa cần phải thực hiện với quê hương, chị đã quyết định trở về nơi mình lớn lên và quay lại làm việc ở Trung tâm y tế huyện Cô Tô, khi nghĩ rằng, nơi ấy còn bố mẹ chị cũng là người dân sinh sống trên đảo nhỏ thân thương, cũng rất cần được chăm sóc sức khoẻ.

Chồng chị đang công tác tại Trung tâm y tế huyện Vân Đồn, con gái lớn đang học Đại học Hàng hải, và con gái út đang học cấp 2, ở cùng bố.

Năm 1979, chị Thuy theo bố mẹ đi xây dựng kinh tế mới ở huyện đảo Cô Tô. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Y tế Quảng Ninh, chị về công tác tại Trung tâm y tế huyện Cô Tô. Khi đó, Cô Tô chưa có điện lưới. Cả huyện chỉ có một máy phát, chạy với hai khung giờ, từ 7h đến 11h và từ 13h30 đến 16h. Thời gian còn lại, Trung tâm phải dùng bình ắc quy. Đến năm 2013, điện lưới quốc gia chính thức thắp sáng huyện đảo này.

Giữ niềm tin với quê hương

Bác sĩ Thuy quay trở lại Trung tâm y tế huyện Cô Tô ở một cương vị mới, là Giám đốc. Nhưng Giám đốc của một Trung tâm y tế huyện đảo không chỉ có trách nhiệm “chèo lái” cả con thuyền mà còn phải trực tiếp “xắn tay” tập trung vào những giờ sống chết của bệnh nhân.

Trong điều kiện không có đủ người như hiện nay, mỗi bác sĩ của Trung tâm đều phải thực hiện được nhiều chuyên khoa khác nhau. Có bác sĩ vừa phẫu thuật xong, lại phải xuống phòng nội soi tai mũi họng cho bệnh nhân khác.

Thậm chí một bác sĩ phẫu thuật nội soi của Bệnh viện Việt Đức còn ngạc nhiên khi biết lần đầu tiên một bác sĩ của Trung tâm y tế huyện Cô Tô vừa chọc tủy sống xong, thay găng tay để mổ sản.

Hiện tại, mỗi ngày, Trung tâm y tế huyện Cô Tô tiếp nhận 40-60 lượt người khám. Từ một Trung tâm y tế huyện đảo có 20 giường bệnh năm 2010, đến nay, Trung tâm đã nâng lên quy mô 50 giường, 42 nhân lực, trong đó có 14 bác sĩ, đảm bảo khám chữa bệnh cho khoảng 6.500 người dân sinh sống trên đảo và du khách tham quan. Chỉ tính riêng trong năm 2017 vừa rồi, Trung tâm đã tiếp nhận tới 10.000 lượt bệnh nhân khám và điều trị.

Các bác sĩ của Trung tâm đang thực hiện một ca tiểu phẫu cho bệnh nhân nhi. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Đặc biệt, từ tháng 10/2017 đến nay, Trung tâm đã thực hiện được 17 ca phẫu thuật nội soi. Trong đó, ca đầu tiên có đoàn công tác của các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh hỗ trợ, còn lại do các bác sĩ của Trung tâm thực hiện. Đến nay, Trung tâm đã tự chủ 15% chi tiêu hoạt động thường xuyên.

Trung tâm cũng đã phẫu thuật các ca như mổ đẻ, mổ ruột thừa, mổ u nang buồng trứng, chửa ngoài tử cung…, còn những kỹ thuật chuyên sâu khác thì chỉ hồi sức ban đầu và chuyển bệnh nhân vào đất liền.

Cũng trong năm 2017, Trung tâm y tế huyện Cô Tô chính thức ứng dụng phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện và bước đầu triển khai thành công bệnh án điện tử. Điều này chính Giám đốc Trung tâm không thể tin rằng, sau một năm sẽ làm được nhưng với quyết tâm thay đổi, chị cùng các đồng nghiệp trẻ đã khẳng định bằng chính hiệu quả của công việc.

Dù có đôi lúc đấu tranh tư tưởng “ở lại hay trở về”, nhưng người con ấy đã chọn hướng trở về - nơi cách đất liền 60 hải lý, để về bên cha mẹ và bà con và dù thời gian trở về chưa đủ lâu, nhưng chị và những đồng nghiệp khoác áo blouse vẫn đang ngày đêm phụng sự Tổ quốc, góp phần “san bằng vũng nghèo” về chăm sóc y tế cho chính cha mẹ mình và những người dân quê đảo thân thương.

23.Khởi sắc từ xây dựng đời sống văn hóa ở Vân Đồn//http://www.baoquangninh.com.vn.- 2018.- Ngày 17 tháng 8

Về Vân Đồn hôm nay, có thể thấy diện mạo nông thôn đổi mới, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; hệ thống thiết chế văn hóa đa dạng, phong phú; nhiều gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực được biểu dương; nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy giá trị… Đó là những kết quả đáng mừng từ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" mang lại.

Để thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", BCĐ phong trào các cấp trên địa bàn huyện đã chú trọng tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác vận động; xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá chất lượng gia đình văn hóa, thôn, khu phố văn hóa đề nghị công nhận, khen thưởng; hướng dẫn cơ sở tổ chức tốt ngày hội đại đoàn kết dân tộc hằng năm; tổ chức biểu dương các gia đình nhân Ngày Gia đình Việt Nam. Đi đôi với đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh thông qua nhiều hình thức: Phát tin, bài trên hệ thống truyền thanh cơ sở; tuyên truyền trực quan bằng băng rôn, khẩu hiệu; phổ biến chủ trương của chính quyền địa phương trong các buổi sinh hoạt đoàn thể và cuộc họp thôn, khu. Phong trào được triển khai sâu rộng đã tác động tích cực đến đời sống nhân dân trên địa bàn. Qua đó, đã tạo được chuyển biến cơ bản trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị, phát huy được các giá trị văn hóa dân tộc; quy tụ và xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân.

Xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức, lối sống lành mạnh là một trong những nhiệm vụ then chốt được huyện chú trọng thực hiện. Theo đó, huyện triển khai trồng cây xanh dọc hai bên đường chính từ xã Đông Xá đến Cảng hàng không Vân Đồn; cải tạo và nâng cấp hệ thống cấp thoát nước; phát động duy trì công tác vệ sinh môi trường, tháo gỡ quảng cáo rao vặt trên các trụ đèn giao thông, tường nhà. Đồng thời, thực hiện mô hình thu gom rác thải, đoạn đường "Tổ phụ nữ tự quản", “Ngày chủ nhật xanh”; thường xuyên ra quân chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán. Thêm vào đó, hệ thống thiết chế văn hóa - thông tin - thể thao cũng được quan tâm đầu tư đúng mức. Hiện toàn huyện có 69/70 thôn có nhà văn hóa, 9/9 khu có nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định; 79/79 thôn, khu đều có cụm loa phát thanh; 8/12 xã, thị trấn có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cùng với 4 trung tâm văn hóa, thể thao xã, 2 nhà tập luyện cầu lông, 5 sân quần vợt, 10 sân bóng đá…

Xác định gia đình là tế bào, là thiết chế xã hội bền vững, toàn huyện đã tập trung đẩy mạnh phong trào “Xây dựng gia đình văn hoá”. Trong đó, công tác phòng chống bạo lực gia đình đặc biệt được quan tâm đẩy mạnh. Hiện toàn huyện có 1 CLB Gia đình hạnh phúc, 5 CLB Phụ nữ với pháp luật; 12/12 xã, thị trấn có địa chỉ tin cậy với 60 điểm; 79/79 thôn, khu có tổ hòa giải. Năm 2017, toàn huyện đã hòa giải 67 vụ mâu thuẫn, hòa giải thành công 54 vụ, đạt 81%. Đến nay, Vân Đồn có 10.189/11.100 hộ, đạt 97% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Chất lượng cuộc sống của các gia đình ngày càng nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, tỷ lệ hộ có kinh tế khá, giàu ngày một tăng. Đến cuối tháng 6/2018, huyện chỉ còn 234 hộ nghèo, giảm 47 hộ so với năm 2017. Cùng với đó, 75/79 thôn, bản, khu phố đạt danh hiệu văn hóa, đạt 95,7%; trong đó có 65 thôn, khu phố đạt 3 năm liên tiếp.

Thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã có chuyển biến tích cực. Hiện tượng tổ chức ăn uống linh đình giảm rõ rệt. Các hủ tục lạc hậu, tệ mê tín dị đoan, các biểu hiện thương mại, trục lợi đã và đang bị lên án, loại bỏ, những nét đẹp văn hoá trong việc cưới, việc tang và lễ hội đang dần được khẳng định. Đến nay, 100% quy ước, hương ước trên địa bàn có nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Các hoạt động lễ và hội trong tỉnh đang dần đi vào nền nếp và hình thành các mô hình quản lý phù hợp. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích được quan tâm từ nguồn kinh phí hỗ trợ của ngân sách nhà nước và vận động nhân dân đóng góp, bước đầu đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Ông Hồ Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vân Đồn, cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng văn hóa con người Quảng Ninh; chú trọng khôi phục các lễ hội truyền thống như lễ hội đình Ngọc Vừng, đình Minh Châu; xây dựng hồ sơ đưa vào danh mục các di tích đình; tổ chức các hoạt động đưa văn hóa - thông tin về nông thôn, ưu tiên các vùng khó khăn; khai thác tốt các nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế, cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa, thể thao…

24.Ngọc Mai. Bác sĩ 30 năm gắn bó với y tế cơ sở//http://www.baoquangninh.com.vn.-2018.-Ngày 21 tháng 8

Sinh ra, lớn lên ở quê hương Xuân Sơn (Đông Triều), chàng trai Cao Xuân Hồng (sinh năm 1958) học hết cấp III thì đi bộ đội, làm công tác quân y. Ra quân, anh chuyển về Bệnh viện Hải Hà làm y tá tại Khoa Ngoại - Sản, rồi đi học lớp y sĩ cơ sở đầu tiên của Quảng Ninh khóa 1986-1990.

Tốt nghiệp, anh chuyển về Trạm xá Xuân Sơn làm việc rồi trở thành Trưởng Trạm một năm sau đó. Sau khi học xong lớp bác sĩ y khoa tại Hải Phòng khóa 2000-2003, anh quay về nơi công tác cũ và gắn bó từ đó cho đến tận bây giờ.

Anh chia sẻ: Tôi làm y tế cơ sở từ thời bao cấp, hồi ấy Trạm Y tế Xuân Sơn mới có 3 dãy nhà cấp 4, nhà cửa đơn giản, điện đóm phập phù nên phải kiêm cả thợ điện, nước, thợ xây. Giờ kinh tế nâng lên nhưng tôi vẫn kiêm hết mấy sửa chữa nhỏ ấy, vì trạm y tế xã cũng không thể hơi tý đã chạy đi gọi thợ được...

Trạm Y tế phường Xuân Sơn đã qua nhiều lần sửa chữa, với không ít nguồn kinh phí xã hội hóa từ con em trên địa bàn, các doanh nghiệp có lòng hảo tâm, nay khá khang trang về cơ sở vật chất, có những trang thiết bị hiện đại, đi đầu các trạm y tế cấp xã của địa phương. Kết quả đó có vai trò không nhỏ của bác sĩ Trưởng trạm Cao Xuân Hồng, cả về tầm nhìn xa, uy tín cũng như nỗ lực trang bị kiến thức chuyên môn. Năm 2003, Xuân Sơn vinh dự nằm trong số 6 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của Đông Triều và là 1/12 trạm y tế xã đạt chuẩn đầu tiên của tỉnh.

Năm 2008, từ sự tài trợ của Tập đoàn Phú Mỹ Hưng, Trạm đã trang bị được một máy siêu âm 3 chiều, 1 máy nội soi tai - mũi - họng, 1 mô tơ sản khoa. Có máy móc hiện đại rồi, bác sĩ Hồng đã đi học nội soi, siêu âm. Đây là điều kiện quan trọng giúp Trạm Y tế Xuân Sơn cho đến nay vẫn là một trong 2 đơn vị y tế cấp xã được Đông Triều phân tuyến cho thực hiện kỹ thuật siêu âm, riêng Xuân Sơn còn được thực hiện thêm nội soi tai - mũi - họng.

Không chỉ chịu khó học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, bác sĩ Hồng còn thể hiện sự nỗ lực, tận tậm đáng nể phục khi trong thời gian gần 30 năm làm Trưởng trạm Y tế Xuân Sơn, bác sĩ Hồng chỉ nghỉ phép 2 lần, mỗi lần nửa phép để tổ chức cưới cho con gái và xây nhà. Hỏi thì bác sĩ chia sẻ khá đơn giản: “Làm Trạm trưởng mọi việc đều đến tay, nếu hôm nay tôi nghỉ thì mai lại phải làm bù, kể cả có bàn giao để nghỉ thì vẫn phải qua lại xử lý một số việc cần kíp, vì nhà ở gần cơ quan...”. Tuy nhiên, nói về công tác chuyên môn, bác sĩ Hồng cũng tự hào bởi qua khám ban đầu, ông đã phát hiện sớm được nhiều bệnh như nang thận, sỏi thận, sỏi mật, u xơ tử cung... cho nhiều bệnh nhân, là cơ sở để người bệnh tiếp tục đi khám, chữa trị ở tuyến trên.

Làm Trạm trưởng Y tế lâu năm, bác sĩ Hồng cũng tự nhận có nhiều thứ đi đầu, từ xây lò đốt rác thải y tế, mua máy siêu âm... Ông cũng là người đã góp phần quan trọng giúp Trạm Y tế Xuân Sơn nhận được hàng chục bằng khen, giấy khen của địa phương, ngành, Bộ Y tế.

Nói về bác sĩ Hồng, bác sĩ Nguyễn Quốc Hưng, Phó Trưởng Phòng Y tế TX Đông Triều, đánh giá: Bác sĩ Cao Xuân Hồng có năng lực chuyên môn tốt, trách nhiệm, nhiệt tình, tận tâm, luôn gương mẫu đi đầu. Từ trước đến nay, đây cũng luôn là Trạm Y tế điểm của thị xã về mọi mặt...

25.Sâu rộng đến từng vùng miền//http://www.baoquangninh.com.vn.-2018.-Ngày 24 tháng 8

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2 là chú trọng đến các mô hình kiểu mẫu và xây dựng NTM ở khu vực khó khăn. Để thực hiện được mục tiêu đó, công tác tuyên truyền rất quan trọng nhằm kêu gọi sự vào cuộc, đồng thuận của người dân, nhất là với địa phương vùng sâu, vùng xa.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Những ngày này, người dân thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn (Ba Chẽ) đang tích cực tham gia chương trình “Thắp sáng đường quê” với mức đầu tư 60 triệu đồng trên tuyến đường thôn dài 3km. Đây là một trong những hoạt động mà bà con nơi đây hưởng ứng phong trào xây dựng NTM. Không chỉ ở thôn Nam Hả Trong, phong trào chung sức xây dựng NTM đã lan tỏa toàn huyện. Cụ thể 6 tháng đầu năm 2018, Ba Chẽ vận động được các hộ dân hiến gần 38.000m2 đất, hơn 6.800 cây ăn quả, cây lâm nghiệp các loại; đóng góp hơn 600 công lao động để xây dựng đường ngõ xóm, vệ sinh môi trường... Kết quả này là nhờ huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM với hình thức đa dạng, phong phú. Huyện đã khai thác triệt để việc truyền thông qua cổng thông tin điện tử của tỉnh, của huyện với 112 tin, 6 bài; tuyên truyền trên màn hình Led tại quảng trường; quảng bá, giới thiệu chương trình xây dựng NTM qua các hội chợ và lễ hội thường niên như Hội chợ OCOP tỉnh, lễ hội đình Làng Dạ... Ngoài ra, các xã trên địa bàn huyện cũng đã chủ động tổ chức các buổi họp triển khai chương trình NTM để vận động bà con tham gia.

Còn ở Bình Liêu, công tác tuyên truyền về xây dựng NTM lại tập trung thông qua các cuộc họp thôn/bản, sinh hoạt chi bộ, cơ quan. Huyện còn lồng ghép nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, "Vận động xoá bỏ các phong tục tập quán lạc hậu" hay Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của huyện gắn với xây dựng NTM. Các cơ quan chuyên môn nơi đây đã tích cực phối hợp cùng UBND xã, thị trấn, làm tốt công tác tuyên truyền những nội dung trọng điểm như: Vệ sinh môi trường, pháp luật, kinh tế, xã hội, thực hiện các tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM...

Một trong những cách làm riêng có của Bình Liêu chính là thực hiện tin nhắn đến người dân với nội dung về chương trình xóa nghèo, xây dựng NTM, chính sách an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, tin thiên tai, dịch bệnh... Hiện đã có gần 19.000 thuê bao trên địa bàn nằm trong diện được triển khai nhận tin nhắn. Trong khi đó, xã Thống Nhất (Hoành Bồ) đã tăng thời lượng và tần suất tin, bài trên kênh phát thanh lên 2 lần/ngày vào sáng và chiều, mỗi lần 20 phút bằng cách giao bài viết cho các ban, đoàn thể thực hiện.

Gặt hái những “trái ngọt”

Không chỉ những địa phương kể trên mà công tác vận động tuyên truyền luôn là nhiệm vụ được các địa phương trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm bởi nó có vai trò quan trọng trong công tác xây dựng NTM. Bởi vậy mà ngày 8/8/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 21/KH-UBND về “triển khai tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, giai đoạn 2017-2020” nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, cách xây dựng NTM, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp trong phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò chủ thể của người nông dân để tham gia thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra về xây dựng NTM.

Theo đó, mỗi địa phương đều có những hình thức vận động tuyên truyền phong phú, phù hợp với đặc điểm, tình hình trên địa bàn. Các sở, ngành, địa phương đã phối hợp với Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử của tỉnh thường xuyên tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tỉnh về chương trình xây dựng NTM; giới thiệu những cách làm hay, gương điển hình, những kết quả đạt được trong công tác này... Hệ thống truyền thanh, truyền hình của huyện và hệ thống loa, đài ở các khu phố, tổ dân, thôn bản cũng được huy động tối đa. Cùng với đó, Ban Xây dựng NTM tỉnh và các địa phương, đoàn thể trên địa bàn cũng thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền vận động khác phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền.

Nhờ đa dạng hình thức vận động, tuyên truyền mà nhận thức của người dân trong xây dựng NTM được nâng cao. Doanh nghiệp và bản thân người dân ngày càng tích cực vào cuộc, thể hiện được vai trò chủ thể trong công tác này. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tham gia bằng hình thức hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu trị giá hơn 44 tỷ đồng. Về phía người dân đóng góp 125,449 tỷ đồng tiền mặt; 48.888 ngày công (tương đương 10,360 tỷ đồng); 69.544m2 đất (tương đương 25,168 tỷ đồng)... và hình thức đóng góp khác tương đương 192 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất; chỉnh trang đường làng, ngõ xóm; quy hoạch lại ruộng vườn gọn gàng, ngăn nắp, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp ở các xã.

Nhờ vậy, đến nay 100% xã đã có trục đường liên xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá; 50 xã đạt chuẩn NTM (tăng 15 xã so với năm 2017). Thu nhập của người dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh ước đạt 36 triệu đồng/người/năm, tăng 1 triệu đồng so với năm 2017. Trong 111 xã trên địa bàn thì có tới 88,75% số xã đạt về phát triển hạ tầng; 81 xã đạt tiêu chí hộ nghèo... Việc quản lý, xử lý thu gom chất thải, nước thải đã được người dân quan tâm, tạo chuyển biến tốt trong công tác vệ sinh môi trường khu vực nông thôn. Đã có 61 xã đạt tiêu chí về môi trường, 97,2% người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Năm 2017, toàn tỉnh có 198 khu dân cư thực hiện xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu thì đến nay các thôn này đã đạt 39,3/55 chỉ tiêu. Trong 1.094 vườn thực hiện xây dựng vườn kiểu mẫu thì đến nay có 351 vườn đạt chuẩn, vượt 27% so với kế hoạch đề ra.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền không chỉ cung cấp đến người dân các thông tin về cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương về Chương trình xây dựng NTM, mà còn giúp bà con thấy được hiệu quả của chương trình này đối với bản thân, gia đình, thôn, xóm. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền còn phản ánh được những khó khăn, vướng mắc và những bất cập, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện ở các địa phương, từ đó giúp tỉnh, các địa phương và người dân có những giải pháp khắc phục kịp thời để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra trong xây dựng NTM.

    VĂN HÓA

26.Những biến thể độc đáo của ca trù ở Quảng Ninh//http://www.baoquangninh.com.vn.-2018.-Ngày 7 tháng 7

Ca trù có sự phát sinh và lan rộng thành một vệt từ vùng ven biển Thanh Nghệ đến tận Móng Cái, Quảng Ninh. Điều đó hình thành một không gian tồn tại rộng lớn của ca trù và những biến thể của nó. So sánh các biến thể của ca trù sẽ thấy được tính độc đáo và sức sống của loại hình diễn xướng dân gian này.

Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thái Bình, nguyên giảng viên bộ môn Hán Nôm, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, cho biết: Ông đã về làng Đồng Xâm (thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, Thái Bình) để tìm lại những bài hát chầu thánh. Đây là ngôi làng cổ xưa giáp biển, nay cách biển chừng 20km. Ở đền làng Đồng Xâm còn cuốn sách cổ bằng chữ Hán lẫn chữ Nôm chép những bài dùng để tế thần, người địa phương vẫn gọi là hát chầu thánh hay chầu cử. Sách ghi chép các bài văn tế, văn khấn, còn có bài ca trù Tam nguyên Yên Ðổ khóc Dương Khuê, 8 bài ca trù tế thánh và 1 bài ca trù tế tổ nghề ca công. Mỗi bài 16 câu cùng chung một khuôn mẫu, một quy cách. Trong đó có nội dung cầu chúc xóm làng yên ấm, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu... Nội dung này không khác gì những bài hát nhà tơ, hát cửa đình ở Quảng Ninh.

Đối chiếu với những bài hát nhà tơ, hát cửa đình ở Quảng Ninh hiện nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh cho rằng chúng đều là những "mảnh vỡ" của ca trù mà ra, chỉ khác nhau ở tên gọi. Ở các làng Việt xưa, ca trù (hay ả đào, cô đầu) tồn tại các giáo phường. Những người phụ nữ đi hát thì gọi là ca nương (đào nương). Các giáo phường có các quy chế riêng về sự truyền nghề, cách học đàn, hát, cũng như những phong tục về cách nhận đào nương. Khi phụ nữ mặc áo đào nương để biểu diễn chính thức lần đầu tiên tại cửa đình gọi là hát cửa đình, giống như cách gọi của Quảng Ninh. Ca nương vừa hát vừa gõ phách còn người đàn ông chơi đàn đáy gọi là kép, còn có một người đánh trống chầu để tán thưởng những câu hát hay. Lối hát này xuất phát từ ca trù nên kỹ thuật hát của ca nương cũng không kém công phu.

Quá trình khai ấp, lập làng ở những vùng ven biển là điều kiện cho văn hóa, văn nghệ dân gian được giao thoa, tiếp biến, là điều kiện để ca trù phát triển. Sự khác nhau về tên gọi của ca trù ở các địa phương có lẽ do ảnh hưởng của văn hóa biển. Ông Đoàn Văn Hựu, CLB Ca trù Thăng Long, một người quê Quảng Ninh, khẳng định: Có nhiều tư liệu cho rằng bà hàng nước ở bến đò Rừng năm xưa thực ra là một ca nương. Còn quê gốc của bà ở đâu thì hiện tại chưa rõ.

Có một chi tiết đáng quan tâm ở văn chỉ làng Khê Chanh (phường Quảng Yên, TX Quảng Yên) bây giờ, gia phả họ Phạm ghi rõ nguồn gốc là người Thanh Hóa. Như vậy, có một bộ phận cư dân Quảng Yên từ nơi khác đến lập đất, lập làng, trong đó có người của vùng Thanh Nghệ, nơi ca trù rất phát triển. Trong đó, quê gốc của cụ Đinh Dự, ông tổ ca trù Việt Nam, ở động Hoa Lư, huyện An Khánh, phủ Trường Yên, đạo Thanh Hóa.

Ở vùng Thái Bình và Hải Dương xưa cũng tồn tại ca trù. Dấu ấn rõ nét nhất của hát chầu thánh trên đất Thái Bình hiện vẫn còn lưu giữ tại đền Đồng Xâm như vừa kể. Ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, có Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phú Đẹ, “cây” đàn đáy hiếm hoi còn sót lại của những giáo phường hát cửa đình năm xưa.

Trong khi đó ở Quảng Ninh, hát ca trù ở trong dinh quan thì gọi là hát nhà tơ (nhà ty); hát đi kèm với vũ đạo ở đình làng thì gọi là hát - múa cửa đình tồn tại ở các làng biển và ven biển ra đến tận Móng Cái. Thậm chí không gian tồn tại của loại hình diễn xướng này còn kéo dài sang tận 3 làng người Việt là Giang Bình, Vạn Vỹ, Sơn Tâm (Phòng Thành, Quảng Tây, Trung Quốc). Tại Móng Cái còn không ít câu hát lưu truyền đến ngày nay khẳng định người Vạn Ninh, Trà Cổ, Vĩnh Thực, Vĩnh Trung vốn gốc gác từ những ngư dân Đồ Sơn (Hải Phòng) đi đánh cá ra đây lập làng.

Dù tên gọi có là ả đào, cô đầu, nhà tơ hay hát cửa đình như ở Quảng Ninh thì cũng là từ ca trù mà ra. Ca trù không đi kèm múa và ca nương phải ngồi hát. Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh, điểm đặc sắc của loại hình diễn xướng dân gian này ở Quảng Ninh ngoài chỗ có vũ đạo thì còn cởi mở, phóng khoáng hơn khi cho phép ca nương được đứng hát. Đáng mừng là ca trù của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới, được đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Ở trong nước, hát nhà tơ, hát - múa cửa đình của Quảng Ninh cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

27.Phan Hằng. Chiếu chèo trên quê hương Đông Triều//http://www.baoquangninh.com.vn.- Ngày 8 tháng 8

Chèo đến với Đông Triều từ đâu, từ bao giờ vẫn là một câu hỏi để ngỏ, chỉ biết khi nhắc đến Đông Triều là nhắc đến vùng đất chèo có truyền thống của Quảng Ninh. Bởi sự mai một của thời gian, bởi sự thay đổi của nhân sinh, những làn điệu chèo mượt mà ấy không tránh khỏi có lúc bị chìm lắng đi. Giờ đây, tiếng chèo nơi đây đang có sự tiếp sức để khơi lại mạch nguồn nội sinh vẫn âm thầm chảy giữa những đổi thay trên quê hương Đệ tứ Chiến khu năm nào...

Tham gia một buổi sinh hoạt của CLB Dân ca chèo TX Đông Triều, chúng tôi gặp ông Nguyễn Ngọc Cẩn, tay chơi trống của CLB. Bậc cao niên ở tuổi 80 này đã có khoảng 20 năm tham gia CLB 8/6 - Đệ tứ chiến khu, sau là CLB Người cao tuổi cũng là tiền thân CLB Dân ca chèo của thị xã, mới được thành lập dịp tháng 7 vừa qua.

Chừng ấy năm gắn bó với tiếng trống chèo cũng là bấy nhiêu năm ông nếm trải những thăng trầm với chèo, khi chèo có được sự quan tâm, coi trọng mà cũng có thời điểm các thành viên phải tự xoay xở, khó trăm bề... Vậy làm sao mọi người vẫn duy trì được tình yêu với chèo giữa bộn bề đời sống hiện đại? Ông Cẩn bảo, đó là từ nguyện vọng của các thành viên là những người yêu chèo, ở hầu khắp các xã, phường của Đông Triều, xa nhất là Tràng Lương, Hồng Thái Tây, gần hơn là Hồng Phong, Kim Sơn, Đức Chính, Tân Việt, Việt Dân... Mọi người hội tụ ở đây cho đến giờ đều là tự nguyện cả với mong muốn duy trì những làn điệu chèo cho mai sau...

Trong số gần 20 nam, nữ hội viên CLB, chị Vũ Thị Tính, khu Yên Lâm 1, phường Đức Chính, cũng thuộc diện kỳ cựu. Mê chèo từ thuở nhỏ nên ngay từ hồi còn bé, đi xem chèo rồi về nhà chị thường cầm nón hát theo. Chị đi hát ở phường, xã nhiều năm nay rồi, giờ vào CLB Dân ca chèo của thị xã chị vui vì lại được nhiều nghệ nhân đi trước giúp đỡ, truyền dạy lại. Người dân giờ có nhiều thú vui giải trí rồi nên sức mê hoặc của chèo cũng bớt đi, nhất là với lớp trẻ nhưng tình yêu chèo thì không vơi bớt trong chị. Chị bảo: “Càng được học chèo, tôi càng thấy ngấm sâu, càng nghe chèo càng đi vào lòng người. Tôi chỉ mong muốn có sự quan tâm hơn đến chèo để có thể truyền lại cho con cháu đời sau, mãi giữ được truyền thống của quê hương, đất nước mình”.

Dẫn dắt CLB Dân ca chèo giờ đây là Nghệ nhân chèo Nguyễn Thị Kim Môn, thôn Bình Lục Thượng, xã Hồng Phong - một “cái nôi” chèo của Đông Triều. Tham gia phong trào hát chèo mấy chục năm ở Đông Triều, cuối năm 2017 vừa qua, bà Môn đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian Việt Nam. Phấn khởi vì những cố gắng của mình cho nghệ thuật chèo trong hoạt động phong trào được ghi nhận, được vinh danh, Nghệ nhân Kim Môn giờ đây càng mừng hơn bởi vì tháng 7 vừa qua, TX Đông Triều vừa mở một lớp hát chèo trong 10 ngày, thu hút 93 học viên từ khắp các CLB chèo trên địa bàn thị xã tham gia. “Tôi thấy rất mừng vì lớp trẻ đi học, trẻ nhất có 26 tuổi thôi, chứ như trước đây các lớp hát chèo toàn trung, cao tuổi. Mọi người rất nhiệt tình tham gia, nắng mưa đều đi học cả. Là người đam mê chèo của quê hương Đông Triều, tôi rất mừng vì thấy chèo đã ngấm sâu rộng như vậy, các xã, phường của Đông Triều đều có người yêu chèo cả, nơi đã có CLB, nơi là vài người yêu thích, đam mê chèo nhưng phong trào chung phát triển rất rộng rãi. Tôi mê chèo nhưng năm nay ngoài 70 tuổi rồi, chỉ mong là mình còn sức lực đến đâu thì truyền đạt lại, sau này mình có ra đi thì Đông Triều vẫn còn tiếng hát chèo...” – Nghệ nhân Kim Môn trải lòng.

Những nhân tố ở cơ sở đam mê chèo là một thuận lợi nhưng để chèo trở thành phong trào rộng khắp, được duy trì thường xuyên và có chất lượng về chiều sâu thì cần nhiều hơn thế. Chính vì vậy, thời gian qua, TX Đông Triều đã dành sự quan tâm không nhỏ cho các chiếu chèo trên  địa bàn. Nếu như trước đây phải 4 đến 5 năm địa phương mới lại mở những lớp hát chèo thì từ năm 2015, cứ 2 năm/lần, các nghệ nhân, những người yêu chèo lại có cơ hội ngồi chung với nhau ở các lớp hát chèo. Qua đây, họ được giao lưu, trau dồi thêm, đồng thời phát hiện những nhân tố mới cho việc duy trì, bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật chèo. Các nghệ nhân ở cơ sở vừa biểu diễn vừa tham gia đào tạo về hát, múa có bà Kim Môn, sáng tác bài hát mới và đào tạo về trống, phách có ông Nguyễn Minh Tá (đã mất), ông Nguyễn Ngọc Cẩn, gần đây thị xã còn mời NSƯT Thanh Chắc về với cơ sở...

“Không chỉ tập huấn, đào tạo mà muốn duy trì phong trào thì phải có sân chơi để học viên được tham gia giao lưu, biểu diễn, học hỏi...” - ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Phòng VHTT, Giám đốc Trung tâm TT-VH TX Đông Triều, chia sẻ. Vì vậy, trên cơ sở phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, Liên hoan Tiếng hát làng, khu phố thị xã tổ chức hằng năm trong dịp Lễ hội đền An Sinh - một trong 2 lễ hội lớn nhất của Đông Triều, do thị xã tổ chức - địa phương đã có điểm cộng khuyến khích cho các làng, khu phố đưa những tiết mục nghệ thuật dân tộc, trong đó có chèo vào biểu diễn. Ở lễ hội xuân Ngoạ Vân tổ chức thường niên kể từ năm 2016, đã thành truyền thống đều có chương trình giao lưu các làn điệu chèo. “Mang chuông đi đánh xứ người” tại các hội thi của tỉnh, Đông Triều đều mang chèo đi và khẳng định thế mạnh, đặc trưng nét văn hoá truyền thống này với các giải cao. Gần đây nhất, tại Liên hoan Tiếng hát làng – khu phố tỉnh Quảng Ninh năm 2017, Đông Triều đã đoạt 2 giải A cho 2 tiết mục chèo mới và chèo cổ, là niềm khích lệ không nhỏ cho các nghệ sỹ, diễn viên.

Cùng với việc duy trì các làn điệu chèo cổ, thị xã cũng động viên các nghệ nhân trên địa bàn sáng tác những làn điệu chèo mới với nội dung ca ngợi Đảng, quê hương, đất nước, sự đổi thay của Đông Triều, nhằm mang hơi thở đương đại vào nghệ thuật truyền thống, đưa chèo đến gần hơn với đời sống hôm nay. Song song đó là việc thành lập các CLB chèo, trên cơ sở các CLB văn hoá, văn nghệ phát triển rất mạnh mẽ tại các thôn, khu ở các xã, phường trên địa bàn. Đặc biệt, vừa qua, Trung tâm TT-VH thị xã đã thành lập CLB Dân ca chèo như đã kể trên, để làm hạt nhân duy trì và trau dồi nhân tố cho phát triển.

Những năm gần đây, các chiếu chèo của Đông Triều ngày càng được nhân rộng, khởi sắc hơn, với những chiếu chèo tiêu biểu như Quế Lạt (Hoàng Quế), Bình Lục Thượng (Hồng Phong), An Biên (Thuỷ An)... Số người tham gia học và biểu diễn chèo không chỉ nhiều lên mà còn có xu hướng trẻ hóa, có thêm những nhân tố mới. Ông Tùng chia sẻ: Tại lớp học hát chèo địa phương tổ chức vào tháng 7 vừa qua, có tới gần 100 học viên tham gia, nhiều nhất kể từ trước đến nay. Các doanh nghiệp cũng cử người tham gia, như Công ty TNHH Du lịch làng quê Yên Đức có 3 học viên, họ học là để về biểu diễn phục vụ khách du lịch. Đó cũng là mục tiêu mà chúng tôi đang muốn định hướng, giao cho CLB dân ca chèo Đông Triều, là phải tạo thành sản phẩm để phục vụ cho du lịch, vừa duy trì phong trào vừa tạo ra nguồn thu nhập cho CLB.

CLB Dân ca chèo vừa mới thành lập, khởi đầu nên còn rất nhiều việc cần làm phía trước. Chia sẻ với chúng tôi, ông Tùng cho hay, sau khi hoạt động của CLB đi vào ổn định, năm tới Trung tâm TT-VH thị xã dự kiến phối hợp với ngành Giáo dục mở các lớp hát chèo trong các trường học, nhằm duy trì phong trào bền vững, trẻ hoá và có nguồn nhân lực biểu diễn thường xuyên hơn. Để “chèo tự nuôi chèo” thì ý tưởng về một cơ chế đặt hàng, tổ chức biểu diễn đan xen gắn với các loại hình ca, múa, nhạc mới trong các sự kiện là tương đối khả thi, nhất là khi CLB trực thuộc Trung tâm TT-VH thị xã, có cán bộ, nhân viên tham gia sát sao và cùng sinh hoạt với các hội viên. Với mục tiêu ấy, yêu cầu đặt ra với CLB Dân ca chèo cũng khá cao, đòi hỏi mỗi thành viên phải nỗ lực nhiều hơn. Đó là phải nâng cao về chất lượng giọng hát, kỹ năng trình diễn qua việc thường xuyên tập luyện, đi kèm là tiếng đàn, nhịp trống, phách... vốn không thể thiếu trong chèo. Qua đó xây dựng được chương trình biểu diễn của CLB, đảm bảo tính ổn định, đồng thời linh hoạt trong phục vụ tại các chương trình, sự kiện của địa phương. “Đất diễn của chèo ở Đông Triều không thiếu, với các khu du lịch đồng quê như Yên Đức, Quảng Ninh Gate, một chiếu chèo là cần thiết, giá trị nếu đảm bảo được về chất lượng biểu diễn và có sự chung tay của doanh nghiệp...” – ông Tùng nhấn mạnh.

Có thể nói, chèo trên vùng quê lúa Đông Triều xưa và thị xã cửa ngõ hôm nay đã, đang được tiếp sức, để những làn điệu chèo mượt mà, say đắm lòng người có cơ hội thấm sâu, lan tỏa...

28.Khai quật khảo cổ tại di tích chùa Ngọa Vân, Quảng Ninh//http://baochinhphu.vn.-2018.- Ngày 23 tháng 8

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã cho phép Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh khai quật khảo cổ tại 03 địa điểm, gồm: Cửa Phủ, Đô Kiệu và Thông Đàn thuộc di tích chùa Ngọa Vân, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Thời gian khai quật từ ngày 25/8/2018 đến ngày 25/02/2019. Diện tích khai quật: 900m². Chủ trì khai quật là ông Nguyễn Văn Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Sau khi kết thúc đợt khai quật, chậm nhất 03 tháng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh phải có báo cáo sơ bộ và sau 01 năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa. Khi công bố kết quả của đợt khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần trao đổi với Cục Di sản văn hóa.

Được biết, di tích am Ngọa Vân (còn gọi là chùa Thượng) là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành và hóa phật từ hơn 700 năm trước. Tại đây hiện còn am Ngọa Vân, 2 ngôi tháp cổ, chùa, hệ thống chân tảng… chủ yếu là các công trình do đời sau xây dựng. Việc khai quật khảo cổ nhằm cung cấp cơ sở dữ liệu khoa học cho việc trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới.

29.Già làng tâm huyết giữ gìn bản sắc văn hóa người Dao

//http://www.baoquangninh.com.vn.-2018.- Ngày 26 tháng 8

Không chỉ mở gia trại trồng thanh long ruột đỏ phát triển kinh tế, ông Hà Xuân Tiến (thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ) còn là tấm gương già làng, trưởng bản mẫu mực trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc.

Ông Hà Xuân Tiến sinh năm 1944, là người Dao Thanh Y. Từ năm 1960, ông đã bắt đầu tiếp xúc và thực hành đối với các di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Dao (nhóm Dao Thanh Y) như: Chữ Nôm Dao, nghệ thuật trình diễn hát đối, tập quán xã hội (lễ Phùn voòng; lễ cưới; tang ma) của người Dao và nghề thủ công truyền thống đan lát.

Ông Tiến kể: “Tôi đã theo học lễ Phùn voòng từ bố đẻ là Hà Văn Đức, sau đó, học thêm ở những nghệ nhân cao niên giỏi thực hiện lễ Phùn voòng như: Tằng Mằn Nàm, Bàn Văn Định. Trong suốt thời gian theo học, tôi đã không ngừng học hỏi, cùng những người có uy tín thực hiện lễ Phùn voòng tại các gia đình thuộc các thôn: Nam Hả Trong, Lò Vôi, Khe Tâm, Khe Sâu, Làng Mới, Khe Hố của xã Nam Sơn”.

Cũng trong thời gian này, ông Tiến đã được tiếp cận và học chữ Nôm của người Dao (thứ chữ mượn ký tự Hán để ký âm tiếng nói của người Dao). Đến năm 1960, ông đã đọc thông, viết thạo chữ Nôm. Ông Hà Xuân Tiến đưa cho chúng tôi xem bộ sách chữ Nôm do ông tự tay chép lại từ sách cổ. Tính đến thời điểm này, ông Tiến đã chép được 574 quyển sách với tổng cộng 15.376 trang sách lớn nhỏ để chuyển cho 81 học trò tại Ba Chẽ, các xã Yên Than, Hải Lạng (huyện Tiên Yên), xã Bằng Cả (huyện Hoành Bồ) và một số nơi khác. Từ năm 2004, ông Tiến còn mở các lớp dạy chữ Nôm Dao và vận động cộng đồng người Dao Thanh Y tham gia để không mất đi chữ viết dân tộc.

Vốn thành thạo chữ Nôm, ông Tiến chép lại cả những cuốn sách cổ ghi quy trình thực hiện lễ Phùn voòng để thực hành. Theo ông Tiến, lễ Phùn voòng hay còn gọi là lễ đặt tên, là nghi lễ quan trọng, bắt buộc trong đời đàn ông Dao Thanh Y. Thông qua lễ đặt tên, người Dao khẳng định với dòng tộc, tổ tiên về vị trí, vai trò của người đàn ông trong gia đình. Người Dao Thanh Y quan niệm rằng, nếu một người đàn ông chưa trải qua lễ Phùn voòng thì dù tuổi cao vẫn bị coi là trẻ con vì chưa được cấp sắc, chưa được đặt tên, chưa được phép tham gia vào những công việc hệ trọng của bản làng, chưa được thắp hương bàn thờ các ngày lễ, Tết. Chỉ có trải qua lễ này thì sau khi qua đời, người đàn ông đó mới được về đoàn tụ với tổ tiên.

Từ nhiều năm nay, ông Tiến còn truyền dạy lễ Phùn voòng cho nhiều học trò. Tuy nhiên, ông đã lược bỏ một số nghi thức lạc hậu, không cần thiết nhằm rút ngắn thời gian hành lễ, tránh gây tốn kém cho gia chủ nhưng vẫn giữ phong tục tập quán của người Dao Thanh Y.

Biết hát đối từ khi còn thanh niên, hiện nay, ông Tiến còn truyền dạy hát đối cho cộng đồng. Theo ông Tiến, hát đối là một loại hình dân ca Dao Thanh Y, không có nhạc đệm đi kèm; hình thức đối đáp gồm 1 nam, 1 nữ. Các bài hát được ông sưu tầm từ chữ Nôm, sau đó dịch ra tiếng phổ thông để truyền dạy.

Trên cơ sở những làn điệu cổ, ông còn tự sáng tác các bài hát đối có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, lao động sản xuất, nông thôn mới. Đến nay, ông Tiến đã sáng tác được hơn 50 bài hát đối với lời hay ý đẹp, được mọi người yêu thích. Ông Tiến còn đứng ra tổ chức những đêm văn nghệ mang tên “Tiếng hát người Dao” tại xã Nam Sơn; đem hát đối của người Dao Thanh Y đi dự các cuộc liên hoan văn nghệ người cao tuổi của huyện, tỉnh.

Với bề dày kinh nghiệm và tri thức nắm giữ, ông Tiến đã được mời tham gia đề án “Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của huyện Ba Chẽ”; mời đi truyền dạy tại lớp hát đối dân tộc Dao Thanh Y vào năm 2013. Ông Tiến chia sẻ: “Tuy tuổi cao sức yếu nhưng tôi vẫn cố gắng truyền dạy cho thế hệ sau. Tôi mong bản sắc văn hóa dân tộc mãi mãi được bảo tồn và phát huy”. Đến nay, ông Tiến đã dạy chữ Nôm người Dao cho 50 học trò; dạy hát đối cho 21 người. Ông có những học trò xuất sắc như: Lý Văn Hếnh, Tằng Thị Tâm, Lý Quang Cường, Lý Văn Thường (đều ở xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ), học trò Hoàng Văn Đại (huyện Tiên Yên).

Ông Hà Văn Tiến được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc năm 2013; bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua giành danh hiệu “Già làng, trưởng bản tiên tiến tiêu biểu” lần thứ XI (2013-2014) năm 2014. Hiện nay, ông Tiến đang được huyện Ba Chẽ làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam.

 

Gọi điện: 0203.6500.163
Facebook Youtube
wiget Chat Zalo