Mở cửa các ngày từ Thứ 3 – Chủ Nhật hàng tuần. Buổi sáng từ 7h30 - 12h00. Buổi chiều từ 13h30 - 16h30
Thư mục Quảng Ninh qua báo chí

Quảng Ninh qua báo chí Trung Ương tháng 9+10/2019

Ngày 31-10-2019 Lượt xem: 96

Quảng Ninh nằm ở địa đầu phía đông bắc Việt Nam, là tỉnh miền núi, trung du nằm ở vùng duyên hải Bắc Bộ với hơn 80% đất đai là đồi núi. Trong đó, có hơn hai nghìn hòn đảo nổi trên mặt biển, là vùng đất lịch sử lâu đời. Ở khu vực Vịnh Hạ Long đã khảo cổ được di chỉ của người tiền sử từ 3000 - 1500 năm TCN. Là một trọng điểm kinh tế, một đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía bắc đồng thời là một trong bốn trung tâm du lịch lớn của Việt Nam với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận về giá trị thẩm mĩ và địa chất địa mạo.

Con người và xã hội Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa, sự thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng, có truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân Vùng Mỏ với “di sản” tinh thần vô giá “kỷ luật và đồng tâm”. Đây là điều kiện thuận lợi xây dựng khối đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp để vượt qua mọi khó khăn, thách thức; góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Để cập nhật thông tin mới nhất về chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế…tỉnh Quảng Ninh, Thư viện tỉnh Quảng Ninh Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc Thư mục: “Quảng Ninh qua báo chí Trung ương” tháng 9+10/2019. 

1, http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201909/quang-ninh-voi-ba-dot-pha-chien-luoc-2453015/

Quảng Ninh với ba đột phá chiến lược

Khi hỏi về cảm xúc đến Quảng Ninh, những người mà tôi phỏng vấn, dù là doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế, hay một vị khách du lịch, đều nói rằng, họ muốn ở Quảng Ninh lâu hơn, để tìm hiểu vì sao tỉnh lại có sự phát triển ngoạn mục đến vậy. Nhất là những thay đổi đáng kinh ngạc về hạ tầng giao thông, sự phát triển của hệ thống dịch vụ công, của trường đại học chuyên biệt...,

HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐẲNG CẤP

Ông Lim Sung Bok, Tổng Giám đốc Khách sạn Lotte Hà Nội, đại diện Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc), bày tỏ trong chuyến công tác tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh hồi đầu năm 2019: Chúng tôi thật sự bất ngờ về sự phát triển thần tốc của Quảng Ninh trong vài năm trở lại đây. Đặc biệt khi Quảng Ninh đang ngày càng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cả đường biển, đường bộ và hàng không, kết nối nội vùng và ngoài vùng, thậm chí là quốc tế. Đó là điều kiện rất thuận lợi để các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Lotte nghiên cứu, phát triển các dự án. Tỉnh còn có một bộ phận hỗ trợ hoạt động đầu tư chuyên nghiệp là Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh, nên những băn khoăn của nhà đầu tư cơ bản đã được giải đáp hết. Chúng tôi được biết, các thủ tục hành chính của doanh nghiệp và cả người dân cũng được cơ quan công quyền địa phương giải quyết khá nhanh chóng, thuận lợi. Theo kế hoạch, trong 5 năm tới Lotte dự kiến sẽ phát triển thêm 6 khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Việt Nam, Quảng Ninh được xác định là một trong những địa phương trọng điểm.

Dễ nhìn thấy nhất có lẽ là những đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng của Quảng Ninh. Với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, Quảng Ninh đã tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới, có thể nói là đẳng cấp về hạ tầng giao thông. Mở đầu là thành công trong xây dựng cao tốc nối cao tốc. Đến nay, việc thông tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn là một mắt xích quan trọng trong việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo sự liên kết vùng mạnh mẽ ở khu vực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tuyến cao tốc này còn đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng tam giác kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), đồng thời hoàn thiện tuyến cao tốc theo trục ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ. Dự kiến, sau năm 2020, khi hoàn thiện cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, sẽ hình thành tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, kết nối với trục cao tốc Lào Cai - Hà Nội, trở thành liên tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam, đây sẽ là vành đai giao thương quan trọng với Trung Quốc và thế giới.

Cùng với đó là sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế đã đi vào hoạt động khiến cho việc kết nối Quảng Ninh với các địa phương trong nước và quốc tế thuận lợi hơn rất nhiều.

Đầu tư cho hạ tầng giao thông, tỉnh không quên đầu tư cho các công trình, dự án động lực để tạo sự đồng bộ về hạ tầng, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung. Thời gian gần đây, một chuỗi các công trình, dự án có tính động lực cao đã hoàn thành, khánh thành, đưa vào sử dụng như: Công trình Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, Cung văn hóa thanh thiếu nhi, thông quan cầu Bắc Luân II, đường bao biển Trung tâm du lịch Bãi Cháy, Trụ sở Liên cơ quan số 3,... thực sự đã phát huy hiệu quả cao, nâng thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh.

Nhiều dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp cũng đã và đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai: Dự án đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả, Trạm Kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh...

KINH TẾ TRI THỨC QUẢNG NINH

Hòa cùng những thành tựu trong phát triển hạ tầng, Quảng Ninh cũng đã, đang có những bước tiến vượt bậc trong khâu đột phá về xây dựng thể chế, cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực. Hướng tới xây dựng chính quyền phục vụ và trở thành nơi đào tạo, thu hút nguồn lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao không chỉ cho tỉnh mà còn cho các địa phương khác. 

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, Phạm Minh Hùng đánh giá: Quảng Ninh là một trong số ít các địa phương trong cả nước hiện nay có các chỉ số do các tổ chức, cơ quan uy tín trong nước và quốc tế đánh giá như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index), PAR Index, SIPAS, PAPI… đều đạt thành tích cao. Trong đó, các chỉ số PCI, PAR Index liên tiếp dẫn đầu. So sánh với các địa phương trong cả nước, đa phần nếu chỉ số này cao thì chỉ số kia lại không cao, thậm chí là thấp. Nguyên nhân là do các chỉ số trên khác nhau rất nhiều về tiêu chí đánh giá, thời điểm đánh giá, đối tượng đánh giá, phương pháp đánh giá. Do đó, đa phần các địa phương chỉ có thể dồn lực cho một vài chỉ số nhất định chứ không có sự cải thiện đồng bộ. Nhưng ở Quảng Ninh, tất cả được thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt.

Những giải pháp hiệu quả trong đột phá về cải cách hành chính đã giúp tỉnh lội ngược dòng, từ địa phương có các chỉ số đánh giá cải cách hành chính thấp, đến nay đã dẫn đầu 63 tỉnh, thành phố về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), đứng vị trí thứ 7 về Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAPI đạt 6/8 trục nội dung trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm cao. Tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai 28 nhiệm vụ, dự án thành phần của Đề án xây dựng thành phố thông minh và triển khai xây dựng Đề án chính quyền số tỉnh Quảng Ninh.

Đón đầu xu thế phát triển KT-XH của tỉnh và của vùng kinh tế phía Bắc, Quảng Ninh dành sự quan tâm rất lớn cho việc đào tạo, thu hút nguồn lao động, từ đó tạo nền móng vững chắc xây dựng một nền kinh tế tri thức trong tương lai. Không nóng vội để đạt được những thành tựu trong khâu đột phá này, có thể thấy tỉnh đã có những bước đi chậm mà chắc, từng bước gỡ những điểm nghẽn trong đào tạo, thu hút nguồn nhân lực. Hàng năm, tỉnh dành nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là CBCCVC trong tỉnh; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở để thu hút lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN; đánh giá tình hình hoạt động của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh;...

Quảng Ninh được Bộ GD&ĐT đánh giá là "chịu chi" để phát triển trường đại học riêng với những cơ chế chính sách vượt trội. Sau gần 5 năm hoạt động, Trường đã mở 9 ngành đào tạo trình độ đại học; thu hút được 20 tiến sĩ, thạc sĩ và 40 giảng viên phó giáo sư, tiến sĩ thỉnh giảng. 100% sinh viên ngôn ngữ Trung Quốc và 80% sinh viên khoa Du lịch ra trường đã có việc làm. Tỷ lệ này ở các ngành khác đều trên 50%.

Để có "đầu ra" là những sinh viên ưu tú, đáp ứng tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng, đặc biệt là yêu cầu đối với lao động chất lượng cao, tỉnh liên tiếp thực thi những chính sách ưu đãi để thu hút "đầu vào" chất lượng cao hơn cho Trường Đại học Hạ Long. Mới đây nhất, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về thu hút sinh viên theo học tại Trường. Theo đó, mức hưởng cao nhất của 1 sinh viên theo học tại Trường trong 4 năm học là 159 triệu đồng; mức hưởng thấp nhất là 113,5 triệu đồng. Từ năm 2019-2024 sẽ có khoảng trên 8.000 lượt sinh viên hưởng chính sách. Khi Trường Đại học Hạ Long đảm bảo được chỉ tiêu tuyển sinh theo đề án thành lập, tổng kinh phí thực hiện chính sách dự kiến là 87,9 tỷ đồng, áp dụng từ năm học 2019-2020 đến hết năm học 2027-2028. 

Những dẫn chứng trên chắc chắn chưa thể đầy đủ về thành tựu trong thực hiện ba đột phá chiến lược của Quảng Ninh thời gian qua. Và trong tương lai, từ những nền móng vững chắc này, tỉnh sẽ còn có những thành tựu lớn lao hơn nữa. Đó là câu chuyện của những nhà lãnh đạo, những nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế. Còn đối với mỗi người dân Quảng Ninh, có thể họ không biết ba đột phá chiến lược là gì? được thực hiện như thế nào? nhưng không khó để nhận ra sự tự hào, niềm tin của mỗi người dân đối với sự phát triển của tỉnh. Để từ đó, chính họ là hạt nhân đóng góp công sức xây dựng quê hương Quảng Ninh giàu đẹp hơn, sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành nơi đáng đến và đáng sống

2, http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201909/su-kien-trong-tuan-2453059/

Sự kiện trong tuần

(Từ ngày 3 đến 8/9), dự kiến Quảng Ninh diễn ra các sự kiện, hoạt động sau:

- Thứ Ba, ngày 3/9:

+ Lễ khánh thành Trụ sở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

+ Hội nghị sơ kết 3 năm thí điểm mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh. 

+ Lễ trao tặng Huân chương Độc Lập hạng Ba, công bố quyết định của Ban Bí thư và Lễ chia tay công tác đối với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. 

+ Giải đua xe đạp Quốc tế VTV cup năm 2019.

- Thứ Tư, ngày 4/9:

+ Hội nghị 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Mimh.

+ Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến về một số nội dung quan trọng.

+ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức giao ban báo chí tháng 9/2019.

- Thứ Năm, ngày 5/9:

+ Khai giảng năm học 2019-2020 trên địa bàn toàn tỉnh: Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh dự khai giảng tại một số trường tiêu biểu.

+ Phiên họp thường kỳ tháng 8 HĐND tỉnh.

+ UBND tỉnh tiếp và làm việc với Tập đoàn C’BON nghiên cứu đầu tư Dự án nhà sản xuất mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

+ Hội thảo ứng dụng CNTT trong kỷ nguyên số.

- Thứ Sáu, ngày 6/9:

+ Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 26/5/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường lãnh đạo toàn diện công an cấp huyện đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình mới” và sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 30/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự giai đoạn 2016-2020”.

+ Họp triển khai công tác của các Tiểu ban phục vụ Đại hội.

+ Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh.

- Thứ Bảy, ngày 7/9:

+ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Tỉnh Đoàn Quảng Ninh tổ chức ra quân Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, bảo vệ môi trường và hưởng ứng phong trào “chống rác thải nhựa”.

3, https://quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=86111

Tự hào Quảng Ninh

Trong tưng bừng cờ hoa, hân hoan của lòng người chào mùa thu tháng Tám lịch sử, niềm tự hào dân tộc trong mỗi người dân đất Việt lại dâng cao. Đó là tự hào từ mùa thu tháng Tám năm 1945 khi cờ đỏ sao vàng tung bay trên mọi miền đất nước của dân tộc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Dưới ánh sáng soi đường của Đảng, sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã đi từ thắng lợi này, đến thắng lợi khác, đánh thắng thực dân, đế quốc xâm lược, giành tự do, hòa bình cho dân tộc. Nhân dân Việt Nam dưới màu cờ đỏ sao vàng, trong niềm tin son sắt vào con đường của Đảng, của Bác lựa chọn, đã và đang khẳng định vai trò, vị thế trên trường quốc tế. 

Đất nước ta đang đổi mới từng ngày, tiềm lực của đất nước được củng cố, vai trò của Việt Nam được ghi nhận, đánh giá cao trên nghị trường quốc tế, đời sống của nhân dân ngày càng được chăm lo tốt hơn.

Trong tự hào mùa Thu Cách mạng, niềm tự hào về đất nước đổi mới, đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh còn có niềm vui, tự hào nhiều hơn. Bởi không có tỉnh nào có vinh dự được Bác Hồ đồng ý cho dựng tượng của Bác khi Bác còn sống ngoài tỉnh Quảng Ninh. Đó là vào ngày 8 và 9/5/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Hải Ninh, thăm đảo Cô Tô. Nói chuyện với hơn 2.000 đồng bào, cán bộ, bộ đội đảo Cô Tô, Bác ân cần dặn dò: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”. Vào cuối năm 1962, khi Bác Hồ trở lại thăm quân và dân vùng Đông Bắc, lãnh đạo tỉnh Hải Ninh lúc bấy giờ đã thưa với Bác nguyện vọng của đồng bào Cô Tô là muốn được dựng bức tượng của Bác để ngày ngày được gần gũi Bác hơn nữa. Nguyện vọng ấy đã được Người đồng ý. Sau một thời gian chuẩn bị, năm Mậu Thân 1968 bức tượng bán thân Bác Hồ được khánh thành ngay tại nơi Người đứng nói chuyện với quân và dân Cô Tô 8 năm trước.

Cũng không có niềm tự hào nào lớn hơn đối với người dân Quảng Ninh khi tên của tỉnh được Bác Hồ đặt. Đó là vào giữa năm 1963, việc hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh đã được Trung ương quyết định, chỉ còn việc đặt tên tỉnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hội đồng Nhân dân hai nơi tự lựa chọn. Trong cuộc họp Hội đồng Nhân dân khu Hồng Quảng có đoàn đại biểu tỉnh Hải Ninh tham dự, mọi người thảo luận rất sôi nổi, hào hứng. Khá nhiều kiến nghị về tên tỉnh mới như: Đông Bắc, Hải Quảng, Yên Quảng, Hồng Hải… Khi đó Bác đã hỏi ý kiến nhiều đồng chí, Bác đề nghị lấy mỗi tỉnh một chữ cuối của Hồng Quảng và Hải Ninh, ghép lại thành Quảng Ninh, vừa dễ hiểu, vừa dễ nhớ, lại có nhiều nghĩa. “Quảng” là rộng lớn, “Ninh” là yên vui, bền vững. Quảng Ninh là một vùng rộng lớn, yên vui, bền vững.

50 năm kể từ ngày Bác đi xa, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ninh luôn luôn khắc ghi lời Bác dạy, xây dựng Quảng Ninh là một vùng rộng lớn, yên vui, bền vững làm “kim chỉ nam” cho quá trình phát triển của tỉnh. Từ một tỉnh nghèo, phụ thuộc vào trợ cấp của trung ương, đến nay Quảng Ninh đã trở thành một trong 5 tỉnh có các chỉ số phát triển cao nhất cả nước. Đặc biệt sau 30 năm đổi mới và trong giai đoạn gần đây, tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong những đầu tàu tăng trưởng, phát triển của cả nước. Với GRDP đạt mức tăng bình quân trên 10%/năm (trong 5 năm 2014-2019), thu ngân sách đứng trong top 5 tỉnh có số thu cao nhất, là một điển hình trong đổi mới công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, một kinh nghiệm quý trong thu hút nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, một cách làm mới trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh” để phát triển bền vững.

Lời Bác dặn “Bác rất mong tất cả công nhân và cán bộ cố gắng hơn nữa, đẩy mạnh ngành Than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp” mãi mãi là “kim chỉ nam” soi đường, là niềm tự hào bước tiếp của tỉnh Quảng Ninh.

4, https://quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=86314

Quảng Ninh chung tay chống rác thải nhựa

Thời gian qua, cụm từ “chống rác thải nhựa” đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc mà ai cũng được nghe, được biết. Và không thể phủ nhận, công tác tuyên truyền, vận động, cụ thể hóa bằng việc làm, hành động của các cấp, ngành, địa phương đã từng bước tạo chuyển biến, làm thay đổi nhận thức của người dân trong thực hiện phong trào chống rác thải nhựa. Qua đó, tạo hiệu ứng lan tỏa trong đời sống, trở thành thói quen, sự tự nguyện thực hiện của mỗi cá nhân, đơn vị, góp phần thiết thực bảo vệ môi trường sống bền vững.

Ghi nhận ở Hạ Long

Những ngày này, khi đến Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long, người dân dường như đã quen với hình ảnh của những túi đựng hồ sơ bằng giấy thay vì sử dụng túi nhựa như trước đây. Cùng với đó, khu vực uống nước cũng được thay thế các loại cốc nhựa dùng một lần bằng cốc thủy tinh và được nhân viên vệ sinh cọ rửa sạch sẽ hằng ngày.

Anh Nguyễn Văn Kiên, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long, chia sẻ: Tôi đã đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm nhiều lần, luôn hài lòng với sự phục vụ nhiệt tình, chu đáo của cán bộ, nhân viên tại đây. Lần này, với sự thay đổi trong sử dụng các loại túi giấy để đựng hồ sơ trả lại cho người dân, tôi thấy Trung tâm đã có cách làm cụ thể trong việc chống rác thải nhựa. Đây không chỉ thể hiện phong cách, môi trường làm việc công sở văn minh mà còn là cách tuyên truyền trực quan để người dân nhận biết, thay đổi thói quen, hạn chế, cắt giảm sử dụng túi đựng nhựa bằng các loại túi có chất liệu thân thiện với môi trường trong sinh hoạt hằng ngày.

Cùng với Trung tâm Hành chính công, UBND TP Hạ Long cũng đã triển khai thực hiện thay thế việc dùng nước đóng chai nhựa một lần tại các cuộc họp, hội nghị hằng ngày bằng việc dùng bình và cốc thủy tinh đựng nước. Tại các văn phòng làm việc, đội ngũ cán bộ, công chức cũng chủ động dùng các loại bình thủy tinh, cốc thủy tinh, ống hút bằng inox, giấy để sử dụng thường xuyên.

Tại các chợ, siêu thị cũng đã triển khai một số giải pháp hữu hiệu, từng bước giảm thiểu rác thải nhựa. Đơn cử, siêu thị Big C Hạ Long đã thực hiện sử dụng các loại túi sinh học tự hủy thay thế túi nilon thông thường để khách hàng đựng thực phẩm; bán túi chuyên dụng đi siêu thị có thể dùng nhiều lần hoặc đóng hàng bằng thùng giấy; sử dụng khay inox đựng thực phẩm thay cho hộp xốp và hộp nhựa không tái chế được. Đồng thời, ưu tiên nhập hàng từ nhà cung cấp có sử dụng chất liệu bao gói sản phẩm thân thiện với môi trường bằng giấy, lá cây, mây tre đan...

Đặc biệt, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã triển khai nhiều phương án nhằm giảm thiểu hoàn toàn rác thải nhựa trên vịnh, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch bền vững. Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Ban Thường trực Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Đơn vị đã xây dựng kế hoạch, phương án, ban hành văn bản thông báo tới các doanh nghiệp về việc dừng các hoạt động tạo ra rác thải nhựa trên Vịnh Hạ Long bắt đầu từ ngày 1/9 vừa qua. Từ đây, tuyên truyền rộng rãi đến tất cả doanh nghiệp, người dân, du khách tham gia vào các hoạt động du lịch, dịch vụ trên vịnh. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã vào cuộc tích cực thông qua việc triển khai dùng các loại túi giấy, túi sinh học đựng sản phẩm, thay thế cốc, ống hút nhựa bằng các sản phẩm làm từ giấy... Ban Quản lý Vịnh Hạ Long sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, giám sát nghiêm túc việc thực hiện của các đơn vị, doanh nghiệp.

Đồng bộ các giải pháp

Không chỉ tại thành phố thủ phủ, địa bàn du lịch trọng điểm của tỉnh, các hoạt động, phong trào chống rác thải nhựa cũng diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương như Cô Tô, Uông Bí, Móng Cái, các cấp bộ Đoàn và các ngành như Sở TN&MT, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Sở Du lịch...

Tiêu biểu như, mô hình “Hãy cho cá xin rác thải nhựa” của Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan tỉnh triển khai thực hiện tại xã Cái Chiên (huyện Hải Hà); Sở Công Thương tổ chức cho 32 đơn vị, doanh nghiệp sản xuất OCOP, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, phân phối tiêu dùng và sản xuất bao bì trên địa bàn tỉnh ký cam kết chung tay hành động chống rác thải nhựa...

Song song với hoạt động cụ thể của các cơ quan, đơn vị, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân được Khối MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp chú trọng đẩy mạnh thường xuyên, liên tục qua nhiều kênh. Theo đó, các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ thể hiện vai trò tiên phong trong vận động đoàn viên, hội viên, tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực nâng cao ý thức, tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường thường xuyên. Đồng thời triển khai các mô hình bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa hiệu quả như: Mô hình tổ phụ nữ phân loại rác thải tại nhà, biến rác thải nhựa thành vật liệu trồng cây, hoa, tổ phụ nữ dùng làn đi chợ... được nhân dân hưởng ứng.

Hưởng ứng Đề án “Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Thư kêu gọi cả nước chung tay hành động chống rác thải nhựa của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 41/KH - UBND ngày 21/2/2019 về thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, tỉnh đề cao việc nghiên cứu, phát huy sáng kiến trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chính sách về sản xuất, tiêu dùng bền vững, quản lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên; đẩy mạnh thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng, xử lý, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm nhựa, bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy để thay thế túi nilon và sản phẩm nhựa khó phân hủy.

Tỉnh cũng kêu gọi các doanh nghiệp giảm thiểu sản xuất, cung ứng, tiêu thụ, phát sinh, phát thải chất thải nhựa trong quá trình sản xuất; nghiên cứu sản xuất các loại vật liệu thân thiện với môi trường. Mỗi sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương phấn đấu đến năm 2020 không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong các hoạt động thường xuyên, các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện do cơ quan nhà nước trong tỉnh chủ trì và phối hợp tổ chức. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu nói không với sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Mỗi một cá nhân trong cộng đồng tham gia phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nilon và vận chuyển đến nơi thu gom theo quy định…

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận trong công tác chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh, song để phong trào thật sự bền vững, là hoạt động thường xuyên, thói quen trong đời sống cần tiếp tục có sự chung tay, quyết tâm góp sức của cả cộng đồng, xã hội.

5, https://quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=86325

Quảng Ninh: Những sự kiện và hoạt động nổi bật diễn ra từ ngày 9-15/9/2019

Tổng hợp ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tại các văn bản mới phát hành và một số cuộc họp quan trọng diễn ra từ ngày 9-15/9/2019.

*Đoàn ĐBQH tỉnh lấy ý kiến tham gia vào một số dự án luật

Sáng 12/9, tại TP Hạ Long, Đoàn ĐBQH tỉnh, tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Đồng chí Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tham gia đóng góp, đồng thời, khẳng định Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu và tổng hợp trình Quốc hội. Dự kiến, dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Trước đó, sáng 11/9, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, đánh giá cao ý kiến tham gia đóng góp của các sở, ngành, địa phương. Đồng thời khẳng định, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu và tổng hợp các ý kiến trình Quốc hội. Dự kiến, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dự kiến khai mạc vào ngày 21/10 tới đây

* HĐND tỉnh giám sát về ATTP tại Cẩm Phả

Ngày 11/9, đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với TP Cẩm Phả về công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh: Trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong 2 năm 2017- 2018, Cẩm Phả đã có nhiều nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về công tác quản lý Nhà nước đối với ATTP. Đáng chú ý, TP Cẩm Phả đã ban hành nghị quyết chuyên đề về ATTP có tính chất xuyên suốt, lâu dài. Đồng chí đánh giá cao công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát liên quan đến lĩnh vực ATTP của thành phố, từ đó kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm.

Tuy nhiên, đồng chí cũng lưu ý: Bên cạnh những kết quả nổi bật thì việc thực hiện các chính sách pháp luật về ATTP tại TP Cẩm Phả vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Vì vậy, thành phố cần nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế; công tác lãnh đạo, chỉ đạo về ATTP phải được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục; công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát thực phẩm cần tăng cường...

Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng yêu cầu, thời gian tới TP Cẩm Phả cần quan tâm kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo về ATTP theo hướng thiết thực và cụ thể; rà soát bổ sung các quy hoạch cần thiết liên quan đến ATTP trên địa bàn thành phố (khu chăn nuôi, vùng sản xuất tập trung...); tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp để kiểm soát hiệu quả các vấn đề liên quan đến ATTP; tập trung tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, các hộ kinh doanh về ATTP; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát xử lý theo quy định, tạo bước chuyển căn bản nhận thức về ATTP...

* Trao quyết định bổ nhiệm Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí

Chiều ngày 12-9, tại TP Uông Bí, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, chủ trì hội nghị công bố Quyết định 3768/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh “về việc phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí khóa XIX, nhiệm kỳ 2016-2021” đối với đồng chí Nguyễn Văn Thành, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thủ trưởng cơ quan Tổ chức - Nội vụ TP Uông Bí.

Chúc mừng và giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Văn Thành, đồng chí Đặng Huy Hậu ghi nhận, đánh giá cao những thành tích mà đồng chí Nguyễn Văn Thành đã đạt được trong thời gian vừa qua. Đồng chí mong muốn tân Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí không ngừng học hỏi, phát huy tinh thần đoàn kết, năng lực công tác, cùng tập thể cán bộ, công chức thành phố sáng tạo, vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

* Đánh giá thực hiện Chương trình xây dựng NTM và Đề án 196

Sáng 9/9, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đã chủ trì buổi làm việc với các địa phương nghe báo cáo kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và Đề án 196 trên địa bàn, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, cấp chính quyền toàn tỉnh trong triển khai Chương trình xây dựng NTM và Đề án 196 thời gian qua.

Về nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, đồng chí chỉ đạo, đối với Chương trình xây dựng NTM, yêu cầu các địa phương tập trung tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là khu vực đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa trong việc thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại; tập quán lạc hậu; tham gia áp dụng các mô hình phát triển kinh tế mới hiệu quả.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức thực sự gần dân, sâu sát với cơ sở để nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, đề xuất, triển khai hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đề ra. Bên cạnh đó, các địa phương cần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung công tác rà soát, cận đối nguồn vốn triển khai các công trình, dự án bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, các địa phương tập trung công tác giải ngân vốn xây dựng NTM để đảm bảo hoàn thành mục tiêu chương trình theo đúng kế hoạch.

Đối với nội dung triển khai Đề án 196, đồng chí yêu cầu các địa phương, đơn vị phải đồng hành, đề xuất giải pháp, triển khai gỡ khó cho người dân ở các thôn, xã khó khăn ra khỏi diện 135. Cùng với nguồn ngân sách hỗ trợ của Nhà nước, các đơn vị, địa phương cũng linh hoạt trong việc vận động các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu đưa các thôn, xã ra khỏi diện 135. Các địa phương chủ động xây dựng cơ chế khuyến khích, động viên các hộ thoát nghèo bền vững.

* Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra hoạt động của Nhà máy rác Khe Giang

Ngày 12/9, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình hoạt động nhà máy xử lý rác Khe Giang và tuyến đường dẫn vào nhà máy được xây dựng tại Thượng Yên Công, TP Uông Bí.

Sau khi trực tiếp đi kiểm tra tình hình hoạt động của nhà máy, nghe TP Uông Bí và chủ đầu tư dự án báo cáo, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Công ty CP Đầu tư và xây dựng Việt Long duy trì đảm bảo việc vận hành liên tục các lò đốt rác, tránh tình trạng tồn đọng quá tải rác thải. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tính toán phương án thiết kế các hồ gom nước mặt đảm bảo an toàn hiệu quả, bền vững, tiến hành trồng cây, cải thiện môi trường xung quanh khu vực nhà máy.

Liên quan đến tiến độ thi công tuyến đường từ phường Thanh Sơn vào nhà máy xử lý rác Khe Giang, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu TP Uông Bí khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công dự án để đưa vào khai thác, tạo điều kiện để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả xử lý rác của Nhà máy.

* UBND tỉnh làm việc với Đoàn công tác tỉnh Sơn La

Sáng 11/9, tại TP Hạ Long, đồng chí Cao Tường Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, có buổi làm việc với Đoàn công tác tỉnh Sơn La về mô hình quản lý, vận hành trụ sở liên cơ quan theo hình thức đối tác công - tư.

Tại buổi làm việc, đồng chí Cao Tường Huy đã trao đổi với đoàn công tác tỉnh Sơn La những thông tin nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 của tỉnh Quảng Ninh và tình hình triển khai đầu tư theo hình thức đầu tư tư, sử dụng công của tỉnh thời gian qua.

Trong đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh với quan điểm đẩy mạnh huy động xã hội hóa nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, từ đầu năm 2013, trong khi khung pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư chưa đầy đủ và đồng bộ, tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn nghiên cứu một số mô hình đầu tư nhằm kết hợp, huy động nguồn lực từ khối tư nhân và thí điểm đầu tư với các hình thức đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công.

Từ năm 2014 - 2018, tổng nguồn vốn đầu tư của các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư trên địa bàn tỉnh đạt gần 45.000 tỷ đồng với 44 dự án. Trong đó, vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP với tổng số khoảng 4.694 tỷ đồng (chủ yếu tập trung cho công tác GPMB), chiếm 10%. Như vậy, cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra có thể huy động được từ 9 đến 10 đồng từ khối tư nhân tham gia đầu tư vào Quảng Ninh. Nhiều công trình trọng điểm tại Quảng Ninh đã và đang được đầu tư hiệu quả theo hình thức đối tác công – tư như SVĐ TP Cẩm Phả, Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ, các dự án công trình giao thông...

Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, ghi nhận quyết tâm đổi mới tư duy cũng như nỗ lực triển khai của tỉnh Quảng Ninh trong việc thu hút đầu tư, góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển KT - XH. Đồng chí khẳng định những kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh là rất quý báu và cần thiết không chỉ cho tỉnh Sơn La, mà còn là bài học mang tính đột phá trong cả nước.

* Trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Bạch Đằng

Chiều 12/9, tại TP Hạ Long, dưới sự chứng kiến của đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Bạch Đằng của Công ty TNHH MTV Sửa chữa ô tô Hải Phòng.

Đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc triển khai Dự án kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Bạch Đằng phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển thị xã Quảng Yên. Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và thị xã Quảng Yên hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án, nhất là về việc kết nối giao thông, điện, nước và giải phóng mặt bằng. Đồng chí tin tưởng với năng lực tài chính, kinh nghiệm của nhà đầu tư, cùng sự đồng hành của tỉnh Quảng Ninh, dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ, phát huy tốt hiệu quả đầu tư.

* Lãnh đạo tỉnh làm việc với TX Quảng Yên về giải pháp phân luồng giao thông

Sau khi nghe các ý kiến của các sở, ban, ngành và TX Quảng Yên, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhất trí với đề xuất cấm xe 4 trục trở lên di chuyển vào trung tâm TX Quảng Yên, đoạn từ Siêu thị Lan Chi (phường Yên Giang) qua đường nội thị đến cầu Kim Lăng (phường Cộng Hòa) và ngược lại.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu TX Quảng Yên phải đặt các biển thông báo cấm các loại xe tải 4 trục trở đoạn Siêu thị Lan Chi (phường Yên Giang), Km11 (phường Đông Mai); đoạn cầu Kim Lăng (phường Cộng Hòa)...

* Tăng cường hoạt động xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện

UBND tỉnh vừa ban hành công văn số 6315/UBND-MT về việc tăng cường hoạt động xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện.

Để đảm bảo việc thực hiện việc xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo đúng các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công Thương, UBND tỉnh yêu cầu các Công ty Nhiệt điện: Quảng Ninh, Uông Bí, Đông Triều-TKV, Cẩm Phả-TKV, Mông Dương, BOT Mông Dương, Thăng Long chủ động chuyển giao tro, xỉ, thạch cao đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, gồm: TCVN 6882:2011, TCVN 8825: 2011, TCVN 7570:2006 TCVN 4315:2007, TCVN 11586:2016, TCVN 10302:2014, TCVN 12249:2018 cho các đơn vị để tái sử dụng hoặc làm phụ gia cho sản xuất xi măng, sản xuất bê tông, san lấp mặt bằng để giảm thiểu khối lượng tro, xỉ lưu chứa tại các bãi thải theo đúng quy định pháp luật. Chỉ chuyển giao tro, xỉ, thạch cao thải cho các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng tuân thủ các quy định tại Điều 40 của Nghị định 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ.

Đồng thời, khẩn trương thực hiện công tác thu hẹp diện tích bãi thải đảm bảo lưu chứa lượng tro, xỉ phát sinh không quá 2 năm sản xuất trung bình bao gồm cả lượng tro, xỉ đã đổ, hoàn thành trước ngày 1/1/2020. Trường hợp tro, xỉ, thạch cao không thể xử lý, sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng hoặc trong các công trình xây dựng gây quá tải bãi lưu chứa tro, xỉ thì phải thuê đơn vị có chức năng xử lý như chất thải rắn theo đúng quy định hiện hành tránh trôi lấp, phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án xử lý, giải quyết về các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định. Báo cáo kết quả hoàn thành đề án xứ lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao về UBND tỉnh và các Sở: Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10/1/2020.

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng: Tăng cường công tác phổ biến tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng, làm đường giao thông (có phụ gia) hoặc trong các công trình xây dựng cho các Nhà máy nhiệt điện, các chủ đầu tư công trình xây dựng...; Hướng dẫn các chủ đầu tư công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ưu tiên sử dụng tro, xỉ, thạch cao hoặc sản phẩm vật liệu xây dựng sản xuất từ tro, xỉ, thạch cao theo quy định hiện hành.

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án xử lý, tiêu thụ tro, xi, thạch cao tại các Nhà máy nhiệt điện theo chức năng nhiệm vụ.

Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh cơ chế, chính sách liên quan đến việc thu hồi phần diện tích bãi thải vượt quá diện tích chứa của 2 năm sản xuất trung bình theo quy mô, công suất của từng nhà máy nhiệt điện trên địa bàn theo đúng nội dung của Quyết định Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cuờng công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động phát thải trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ, xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường.

Đối với Sở Công Thương: rà soát nội dung và hướng dẫn kịp thời các Nhà máy nhiệt điện hoàn thiện Đề án tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao của các Nhà máy nhiệt điện đảm bảo theo quy định tại Quyết địnhcủa Chính phủ và Bộ Công Thương đảm bảo tiến độ hoàn thành đề án của các nhà máy trên địa bàn tỉnh. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên sử dụng các sản phẩm được được sản xuất từ tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh.

6, http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201909/doan-cong-tac-tinh-quang-ninh-ket-thuc-tot-dep-chuyen-tham-va-lam-viec-tai-nhat-ban-2454775/

Đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản

Kết thúc chuyến làm việc tại Nhật Bản, ngày 18/9, Đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh do đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, làm Trưởng đoàn, đã đến thăm và làm việc tại TP Yokohama, tỉnh Kanagawa.

Đoàn công tác đã được nghe thuyết trình, tham quan thực tế Dự án Minato Mirai tại TP Yokohama. Minato Mirai là dự án khu đô thị ven biển nổi tiếng nằm ở trung tâm TP Yokohama. Thành phố đã có bước chuyển mình trong phát triển đô thị. Là đô thị lớn thứ 2 và là một trong những cảng quốc tế chính của Nhật Bản, thành phố đang có sự lan tỏa về xây dựng đô thị thông minh.

Đoàn công tác cũng đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác trong việc tư vấn phát triển Dự án thành phố Amata Hạ Long theo định hướng chiến lược phát triển thành phố thông minh, hiện đại giữa Công ty CP Amata Hạ Long và TP Yokohama do đơn vị Yokohama Urban Solution Alliance làm đại diện.

Tiếp đó, Đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh đã đến chào xã giao ông Katsunori Watanabe, Phó Thị trưởng TP Yokohama. Tại đây, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng đã giới thiệu những tiềm năng, lợi thế của Quảng Ninh cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Đồng thời bày tỏ mong muốn hai bên sẽ cùng nhau hợp tác trong các lĩnh vực là thế mạnh của cả hai, như: Cảng biển logictis, công nghiệp nhẹ, hàng tiêu dùng, sản phẩm văn hóa, khu công nghiệp, đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh mong muốn TP Yokohama cùng hợp tác với Tập đoàn Amata trong việc tư vấn phát triển TP Hạ Long trở thành thành phố thông minh vào năm 2020.

Lãnh đạo TP Yokohama bày tỏ vui mừng về những phát triển mang tính đột phá của Quảng Ninh thời gian qua. Ông đánh giá cao tinh thần cầu thị, dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm của tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời mong muốn thiết lập mối quan hệ, hợp tác lâu dài giữa hai địa phương trong thời gian tới với những lĩnh vực hai bên có nhiều lợi thế; chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng và quản lý thành phố của mỗi bên.

Trước đó, Đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh đã đến thăm và làm việc với Tập đoàn Marubeni, một trong 5 tập đoàn kinh tế lớn nhất Nhật Bản.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh mong muốn Tập đoàn Marubeni cùng với Tập đoàn Amata đầu tư vào các dự án như cảng logictic, khu công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, dự án đô thị khách sạn, sản xuất hàng tiêu dùng, đô thị thông minh; cung cấp giải pháp về các vấn đề xã hội như an ninh, an toàn, chăm sóc sức khỏe, giao thông, năng lượng, môi trường, giáo dục.

7, http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201909/quang-ninh-danh-nguon-luc-cho-cong-tac-cham-soc-nguoi-cao-tuoi-2455564/

Quảng Ninh dành nguồn lực cho công tác chăm sóc người cao tuổi

Ngày Quốc tế Người cao tuổi (NCT) 1/10 hằng năm là dịp để toàn xã hội bày tỏ tình cảm trân trọng, tấm lòng biết ơn cũng như trách nhiệm chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCT. Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, coi trọng và dành nhiều nguồn lực cho công tác chăm sóc NCT. Các chương trình, hoạt động chăm lo thiết thực đã giúp NCT sống vui, sống khỏe, đồng thời phát huy uy tín, kinh nghiệm, trí tuệ trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Vui, khỏe, gắn kết

Thời gian qua, các cấp Hội NCT trong tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều chương trình, hoạt động đa dạng, phong phú trên nhiều lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể thao... từng bước đáp ứng nhu cầu thiết thực của hội viên. Việc tổ chức hoạt động thông qua mô hình CLB của NCT luôn được duy trì đều đặn, hiệu quả, tạo sân chơi, sinh hoạt lành mạnh để vui chơi, giải trí, rèn luyện về thể lực, trí tuệ, thu hút đông đảo hội viên NCT tham gia như các CLB: Thơ, văn nghệ, thể thao (bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền hơi...). Tính từ đầu năm đến nay, các chi hội, hội cơ sở trong toàn tỉnh đã thành lập thêm 35 CLB mới, nâng tổng số lên thành 1.819 CLB các loại, với 89.459 hội viên tham gia.

Nổi bật trong đó phải kể đến số lượng phát triển CLB bóng chuyền hơi của NCT tại các địa phương, nhất là tại Hạ Long, Móng Cái, Quảng Yên... Các CLB không chỉ thu hút, tạo sân chơi phù hợp, bổ ích cho việc rèn luyện sức khỏe mà còn tạo điều kiện để NCT giao lưu, gặp gỡ, gắn kết, san sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

Theo lời giới thiệu của Ban Đại diện Hội NCT TP Hạ Long, chúng tôi tìm đến CLB Bóng chuyền hơi của Hội NCT phường Giếng Đáy. Đúng 17h, các thành viên CLB có mặt đông đủ tại sân thể thao Nhà văn hóa khu 1 để tham gia luyện tập. Ngoài dụng cụ của bộ môn thì trang phục tập luyện cũng được thành viên CLB trang sắm đầy đủ, các thành viên chia 2 đội tập luyện, thi đấu theo luật bóng chuyền. Xung quanh sân tập có rất nhiều NCT và nhân dân khu phố cũng tham gia rèn luyện, cổ vũ với không khí sôi nổi.

Bà Vũ Phương Thọ, thành viên CLB Bóng chuyền hơi (Hội NCT phường Giếng Đáy), hào hứng chia sẻ: CLB được chia thành 2 đội nữ và nam, mỗi đội có 10 thành viên. Tuy mới thành lập hơn 1 năm, nhưng các thành viên tập luyện rất hăng say, đồng thời tự học luật, xem các chương trình về môn bóng chuyền để học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ cho nhau. Đặc biệt, từ CLB bóng chuyền hơi của NCT phường đã lan tỏa tinh thần rèn luyện thể thao trong cộng đồng dân cư, nhiều NCT tuy không tham gia CLB nhưng chiều chiều vẫn đến sân tập luyện, các bạn trẻ cũng tập hợp thành đội riêng, chúng tôi thường xuyên giao lưu rất vui.

Không chỉ có bóng chuyền hơi, ở các chi hội, hội cơ sở, các CLB thơ, văn nghệ của NCT cũng rất phát triển. Thông qua phong trào thơ ca, đã khích lệ hội viên NCT không ngừng phát huy vai trò gương mẫu trong công tác xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, góp phần tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh để lồng ghép tuyên truyền, vận động con cháu trong gia đình, nhân dân tại địa bàn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Chăm lo toàn diện

Theo thống kê của Ban Đại diện Hội NCT tỉnh, hiện Quảng Ninh có 128.033 hội viên NCT, chiếm 96% tổng số NCT toàn tỉnh, sinh hoạt tại 1.567 chi hội thuộc 186 hội cơ sở.

Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đồng thời phát huy vai trò của NCT trên mọi lĩnh vực, những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh đã triển khai, thực hiện nhiều chương trình chăm lo thiết thực, toàn diện. Đặc biệt, với vai trò nòng cốt, Hội NCT các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan thực hiện chính sách của Nhà nước để NCT đủ điều kiện được hưởng chính sách bảo trợ xã hội kịp thời, đầy đủ theo đúng quy định. Theo đó, Hội NCT các cấp đã vận động các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ 7.663 suất quà để tặng NCT có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi với kinh phí trên 19,2 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, các cấp hội đã phối hợp với chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương và gia đình, tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho 14.285 NCT, với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT cũng được phối hợp thực hiện hiệu quả, đồng bộ. Toàn tỉnh hiện có 75.000 NCT được khám sức khỏe định kỳ và lập sổ theo dõi, quản lý sức khỏe thường xuyên, có 23.350 người được cấp thẻ BHYT.

Trong 9 tháng năm 2019, Ban Đại diện Hội NCT tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế khám sàng lọc, tiến hành mổ thay thủy tinh thể cho NCT ở Cẩm Phả, Vân Đồn, Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà, Bình Liêu; phối hợp với Công ty CP Quốc tế Leadviet tư vấn sức khỏe về phòng tránh các bệnh mãn tính ở NCT cho 10.500 lượt NCT; phối hợp với Công ty TNHH Nhất tâm trường thọ Việt tổ chức chương trình truyền thông tư vấn sức khỏe và trao tặng sữa cho 45.000 NCT ở 45 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh...

Cùng với đó, Ban Đại diện Hội NCT tỉnh cũng đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tạo cơ hội giao lưu cho hội viên NCT trong toàn tỉnh thông qua các chương trình như: Giải vô địch bóng chuyền hơi trung cao tuổi tỉnh Quảng Ninh; Hội nghị biểu dương NCT tiêu biểu tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; các hội nghị tập huấn công tác cho cán bộ Hội NCT các cấp...

Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh Hà Đăng Hạnh cho biết: Trong những năm qua, các cấp Hội NCT từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ củng cố tổ chức cơ sở, chăm sóc và phát huy vai trò của NCT trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị tại địa phương. Thời gian tới, các cấp Hội NCT tập trung xây dựng hội ngày càng vững mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua như “Tuổi cao - Gương sáng”, “Ông, bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”... không ngừng phát huy vai trò nòng cốt của NCT trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, khẳng định vị thế của các cấp Hội NCT và NCT trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Quan tâm, chăm sóc NCT là đạo lý, truyền thống tốt đẹp trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng của dân tộc Việt Nam. Hy vọng truyền thống ấy sẽ tiếp tục được phát huy thông qua những việc làm, hành động thiết thực, ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm, yêu thương, trách nhiệm đối với NCT để NCT ngày càng được sống vui, sống khỏe và luôn là tấm gương sáng cho con cháu học tập, noi theo.

8, http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201909/quang-ninh-doat-huy-chuong-bac-lien-hoan-cheo-toan-quoc-nam-2019-2455820/

Quảng Ninh đoạt huy chương bạc Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019

Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức đã chính thức khép lại. Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh kết thúc liên hoan với huy chương bạc.

Kéo dài từ ngày 14-28/9, liên hoan thu hút hơn 1.000 nghệ sĩ, nhạc công của 16 đơn vị trong toàn quốc cùng nhau hội tụ, tranh tài. Kết thúc liên hoan, Ban Tổ chức đã trao 5 huy chương vàng, 6 huy chương bạc cho các vở diễn cùng với 41 huy chương vàng, 61 huy chương bạc cho các cá nhân tham gia liên hoan. Đoàn Quảng Ninh đã giành được huy chương bạc với vở chèo “Danh tướng sáng trời Nam”.

Cùng với giải cho vở diễn, Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh đã có diễn viên được trao huy chương: Huy chương vàng thuộc về diễn viên Ngọc Long (vai Trần Khánh Dư); huy chương bạc thuộc về diễn viên Lệ Quyên (vai công chúa Quỳnh Trân); huy chương bạc thuộc về diễn viên Thu Hằng (vai Thị nữ Quỳnh Vân). Nhân dịp này, Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh còn được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tặng bằng khen vì đã có những đóng góp tích cực cho thành công của liên hoan.

9, https://quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=86867

Quảng Ninh: Những sự kiện và hoạt động nổi bật diễn ra từ ngày 30/9-6/10/2019

Tổng hợp ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tại các văn bản mới phát hành và một số cuộc họp quan trọng diễn ra từ ngày 30/9 -6/10/2019.

*100% Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh thống nhất ban hành Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long với huyện Hoành Bồ

Ngày 2/10, tại TP Hạ Long, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức hội nghị lần thứ 43 để cho ý kiến về tình hình công tác 9 tháng, nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2019 cùng một số nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, trong 9 tháng năm 2019 tỉnh đã thực hiện nhiều công việc quan trọng; đã kiện toàn các chức danh cán bộ, lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở; tạo được sợ đồng thuận, ổn định, nhất là các chức danh chủ chốt. Thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh; hợp nhất 3 văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh. Kế thừa thành quả từ giai đoạn trước, nhất là về hạ tầng, tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, trong 9 tháng qua, kinh tế Quảng Ninh đã có sự tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây, môi trường sản xuất kinh doanh ngày càng cải thiện; ngành Than phát triển ổn định; chủ đề năm được triển khai nghiêm túc;ANTT được giữ vững.

Về nhiệm vụ trong những tháng cuối năm, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh phải đảm bảo giữ vững sự ổn định trong phát triển KT-XH. Trong đó, đảm bảo các chỉ tiêu, kế hoạch đã đặt ra, như: Thu ngân sách đạt trên 43.500 tỷ đồng, chỉ số tăng trưởng kinh tế đạt trên 11,6%; phấn đấu 92/111 xã, 5 địa phương cấp huyện hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhân rộng mô hình nông thôn kiểu mẫu ở Đông Triều. Bên cạnh đó, giữ vững vị trí dẫn đầu về các chỉ số PCI, PAR INDEX; nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI; chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin.

Hoàn thành việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã và cấp huyện. Chuẩn bị tốt mọi mặt cho đại hội Đảng cấp cơ sở về văn kiện, nhân sự, đặc biệt là đáp ứng tốt các yêu cầu đổi mới về bí thư cấp uỷ, chủ tịch UBND cấp xã; các chỉ tiêu về bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu; tỉ lệ cán bộ nữ và cán bộ trẻ tham gia cấp uỷ.

Nhấn mạnh về những giải pháp cụ thể thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các địa phương, đơn vị phải tập trung làm tốt công tác cán bộ. Trong đó, triển khai nghiêm túc Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; khắc phục những hạn chế về chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng đảng viên ở một số đơn vị, công tác kiểm tra giám sát ở cấp cơ sở.

Trong công tác quản lý đầu tư, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu các ngành, địa phương rà soát công tác đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở này cắt giảm, điều hoà, điều chuyển vốn đối với các sự án, công trình chưa thực sự cấp bách, kém hiệu quả, vướng mắc về thủ tục do lỗi chủ quan, có vi phạm trong quá trình triển khai. Đồng thời, tập trung vốn cho các công trình cần thiết, có trong quy hoạch, trước mắt là các công trình: Đường kết nối KCN Việt Hưng - KCN Cái Lân; cầu Cửa Lục 1, 3; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; đường kết nối từ cao tốc Hạ long - Hải Phòng vào TX Quảng Yên qua nút giao Hạ Long xanh và nút giao Đầm Nhà Mạc đấu vào tỉnh lộ 338.

Trong công tác cải cách hành chính cần tăng cường tập trung việc giám sát quy trình các bước thực hiện giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp. Các sở, ngành bố trí cán bộ đảm bảo trực đầy đủ tại các vị trí để giải quyết TTHC tại chỗ cho người dân, doanh nghiệp.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu tập trung đào tạo bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực; đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo đặc biệt là giáo dục phổ thông; kiểm soát việc dạy ngoại ngữ tại các trung tâm. Nâng cao chất lượng khám bảo hiểm y tế, chất lượng y tế dự phòng và y tế tuyến cơ sở tại tất cả các địa phương trong tỉnh.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, phát huy việc khai thác các nguồn lực về đất đai, tài nguyên khoáng sản; đảm bảo không ảnh hưởng đến việc phát triển các ngành dịch vụ, du lịch và xây dựng đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo phải định tiến độ khởi công các dự án Hạ Long xanh, Amata, KCN Cảng biển Hải Hà, phân khu C Ngọc Vừng. Các địa phương, cơ quan quản lý nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong quản lý đất đai, GPMB. Tiếp tục tập trung GPMB các dự án đang tắc nghẽn, trong đó có Khu nghỉ dưỡng suối nước khoáng nóng Quang Hanh, các dự án ở Quảng Yên. Mặt khác, tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, thực hiện tốt quy chế dân chủ.

Tại hội nghị, BCH Đảng bộ tỉnh đã nghe và cho ý kiến về việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ. Trước đó, buổi sáng Ban thường vụ Tỉnh ủy họp cho ý kiến và thống nhất 100% báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ.

Qua đó, việc mở rộng địa giới hành chính tạo ra những lợi ích thiết thực, to lớn, hình thành một đô thị thuộc tỉnh lớn nhất cả nước, sẽ trở thành hạt nhân thúc đẩy tỉnh Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương trong tương lai gần. Mở ra không gian phát triển mới trong một đơn vị hành chính thống nhất, khai thác tốt nhất lợi thế về đất đai, tài nguyên; thuận lợi cho quy hoạch lại đô thị tầm cỡ quốc tế; tăng cường khả năng liên kết vùng và liên vùng.

Đây là đòn bẩy cho phát triển nhanh và bền vững, giảm áp lực quỹ đất phát triển của thành phố Hạ Long để bảo vệ cảnh quan vùng Di sản, có điều kiện quản lý thống nhất về môi trường theo đúng quan điểm quản lý hệ thống từ rùng, núi, sông, vịnh..thúc đẩy giải pháp xử lý các cơ sở công nghiệp ô nhiễm; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các tài nguyên đất, rừng, khoáng sản. Đồng thời kết nối đa dạng hóa dich vụ rừng, biển, khai thác thế mạnh văn hóa, cảnh quan vùng cao tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, thúc đẩy mạnh mẽ du lịch, giải quyết bền vững an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tạo chuyển biến trong đồng bào dân tộc. Mặt khác, tăng cường mạnh mẽ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm; nâng cao tiềm lực quốc phòng - an ninh. Tiếp tục tạo đột phá trong thực hiện Nghị Quyết 18-NQ/TƯ, tinh giản mạnh đầu mối, nâng cao chất lượng cán bộ trong môi trường đô thị năng động.

Tại hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh đã biểu quyết thống nhất ban hành Nghị quyết về việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long với huyện Hoành Bồ.

Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh, việc sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ là một chủ trương lớn đã được tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách thận trọng, chắc chắn, trên cơ sở bám sát các hướng dẫn và quy định của Trung ương. Qua đó, đồng chí chỉ đạo phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, phải tính toán, rà soát cụ thể từng cá nhân, để có phương án hợp lý, không làm xáo trộn, gây tư tưởng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, sáp nhập 2 địa phương cấp huyện là việc rất quan trọng, tác động lớn đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên, nhân dân, vì vậy công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân hiểu và đồng thuận cần phải được đẩy mạnh. Đồng chí yêu cầu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trung tâm Truyền thông tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Dân vận, Cơ quan khối MTTQ các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, phổ biến và quán triệt về mục tiêu, yêu cầu, quan điểm của Đề án tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân TP Hạ Long, huyện Hoành Bồ để tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.

*Tỉnh Quảng Ninh tiếp xúc doanh nghiệp quý III năm 2019

Ngày 6/10, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Tiếp xúc doanh nghiệp quý III/2019. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh và hơn 400 doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định quan điểm cam kết đồng hành, cùng đi, cùng đến và cùng hiệu quả của tỉnh Quảng Ninh với doanh nghiệp. Đồng chí  nhấn mạnh, tỉnh công khai, minh bạch tất cả các thông tin trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh liên quan đến cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội; kết nối, tương tác thường xuyên giữa doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh từ việc công khai số điện thoại, công khai lịch công tác. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hy vọng, tất cả những vấn đề nảy sinh trong quá trình tương tác giữa doanh nghiệp với các cán bộ công chức sẽ được giải quyết kịp thời để đảm bảo mọi cam kết đồng hành, hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh không chỉ là khẩu hiệu mà là hành động cụ thể, quyết liệt.

Cũng tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp toàn tỉnh về những định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Đó là, tỉnh Quảng Ninh xác định mục tiêu quan trọng là xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát huy dân chủ, củng cố niềm tin của nhân dân; chủ động đổi mới, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực phát triển KT-XH nhanh, bền vững; đảm bảo vững chắc QP-AN; xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những cực tăng trưởng của miền Bắc, địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin vào năm 2025. Đặc biệt, mục tiêu trong năm 2020, Quảng Ninh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11-12%/năm. Cơ cấu kinh tế: Dịch vụ chiếm 48-49%; công nghiệp - xây dựng chiếm 47-48%; nông nghiệp là 3-5%. Tổng sản phẩm trên địa bàn đến năm 2020 bình quân đầu người đạt 7.000-8.000 USD.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, tỉnh Quảng Ninh tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, tăng cường quản lý toàn diện, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị gắn với đẩy mạnh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng; sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu, nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành, kỷ cương, kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực; xây dựng nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, liêm chính phục vụ tốt nhất người dân, tổ chức và doanh nghiệp; giữ vững chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, chỉ số cải cách hành chính PAR Index.

Cùng với đó, tăng cường toàn diện nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, khai thác sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững. Trong đó, tập trung phát triển KT-XH nhanh, bền vững dựa trên ba trụ cột: Phát triển dich vụ tổng hợp hiện đại; phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao thân thiện môi trường, công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển phục vụ du lịch, dịch vụ. Định hướng không gian không gian phát triển kinh tế “Một tâm - hai tuyến - đa chiều”,  “Hai mũi đột phá” với tâm là TP Hạ Long được mở rộng địa giới hành chính và không gian phát triển gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Hoành Bồ tạo ra một đô thị loại I thuộc tỉnh lớn nhất cả nước. Tuyến phía Tây phát triển chuỗi đô thị, dịch vụ, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa - lịch sử tâm linh đặc sắc, có sức hấp dẫn cao với hạt nhân, động lực tăng trưởng mới là KKT Quảng Yên. Tuyến phía Đông phát triển chuỗi đô thị vệ tinh sinh thái dịch vụ, du lịch, tổng hợp, hiện đại cao cấp và kinh tế biển. Hai mũi đột phá là KKT Vân Đồn và KKT cửa khẩu Móng Cái.

Tỉnh cũng xác định, quy hoạch, triển khai, ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng giao thông có tính động lực, trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính đồng bộ, tính kết nối để tạo động lực mới phát triển KT-XH. Song song với đó, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng các nguồn lực; thúc đẩy xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; coi trọng việc lập quy hoạch, kế hoạch, quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên đất đai phục vụ phát triển bền vững; không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cam kết mạnh mẽ đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế, giải phóng tiềm năng và sức sản xuất của toàn xã hội, huy động và sử dụng mọi nguồn lực để phát triển KT-XH nhanh, bền vững gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN.

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn mỗi doanh nghiệp, doanh nhân phải đề cao trách nhiệm đối với xã hội. Đó là sự chung tay chia sẻ những khó khăn với cộng đồng, tích cực tham gia bảo vệ môi trường; kinh doanh trung thực, tuân thủ pháp luật góp phần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và các hình thức sở hữu; đảm bảo lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng; đảm bảo quyền lợi của người lao động, lợi ích cho cổ đông và quyền con người.

Khẳng định sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đối với phát triển KT-XH của tỉnh Quảng Ninh trong 9 tháng qua, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: 9 tháng qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, KT-XH tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 9 tháng đạt 11,9%, vượt 0,4% so kế hoạch đề ra. Hoạt động kinh tế trên các lĩnh vực tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 34.330 tỷ đồng, bằng 83% dự toán năm, tăng 15% so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện.

*Cùng ngày, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, 13/10, với sự tham gia của các doanh nhân đại diện cho hơn 400 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã khẳng định: Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT-XH, củng cố ANQP của đất nước.

Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng; trên cơ sở những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo, áp dụng các giải pháp linh hoạt, kịp thời, phù hợp với diễn biến tình hình mới; cùng với sự cố gắng, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, đã xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những thành tích của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong những năm vừa qua, đặc biệt là những đóng góp về phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Đồng chí mong muốn, thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục nỗ lực, cố gắng, có nhiều bứt phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước và tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.

Đồng chí cũng nhấn mạnh: Việc hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chất lượng năng lực cạnh tranh là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, trọng tâm trong hoạt động điều hành và thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, địa phương của Quảng Ninh. Tỉnh đã và đang tập trung thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh hơn, phù hợp với thị trường, xu thế hội nhập quốc tế.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và khẳng định, lãnh đạo tỉnh và các cấp, ngành, địa phương của tỉnh sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp.

* Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp đoàn các nhà báo, Tổng biên tập các cơ quan báo chí Trung ương

Chiều 5/10, đồng chi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký tiếp đoàn các nhà báo, tổng biên tập các cơ quan báo chí Trung ương do Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân làm Trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại Quảng Ninh. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên dự khuyết Trung  Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Trong hành trình phát triển của tỉnh có vai trò quan trọng của các nhà báo, cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương. Bày tỏ sự tri ân với sự ủng hộ của các nhà báo, cơ quan báo chí, đồng chí nhấn mạnh tỉnh Quảng Ninh luôn cố gắng kế thừa truyền thống, giữ lửa đổi mới trong mỗi cán bộ, đảng viên để tiếp tục xây dựng tỉnh ngày càng phát triển.

Với tinh thần đó, thời gian qua tỉnh đã đạt được những kết quả đáng mừng trong phát triển kinh tế - xã hội. 9 tháng năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt gần 12%, cao hơn kịch bản đề ra. Thu ngân sách phấn đấu cả năm sẽ đạt 43.000 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với dự toán đầu năm, thể hiện sức sống của nền kinh tế, nền tảng của môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện với điểm nhấn 2 năm liền dẫn đầu cả nước chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, chỉ số cải cách hành chính Par Index. Tỉnh cũng đang rà soát lại toàn bộ những việc tỉnh đã làm, những mô hình để đảm bảo phát triển bền vững. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng thông tin tới đoàn công tác những việc mới mà tỉnh đang triển khai, nhất là việc sáp nhập huyện Hoành Bồ và thành phố Hạ Long vì sự phát triển lâu dài của tỉnh, được 100% ủy viên BTV, ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đồng thuận, ủng hộ; các công trình, dự án động lực phục vụ cho sự phát triển bền vững của tỉnh; công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp với quan điểm 100% bầu bí thư trực tiếp tại Đại hội. Quyết tâm giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh mong muốn các nhà báo, cơ quan báo chí Trung ương tiếp tục ủng hộ tỉnh Quảng Ninh, nhất là đối với những việc làm, mô hình mới vì sự phát triển chung của cả nước.

*Khai giảng lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho lãnh đạo quản lý và cán bộ nguồn

Sáng 30/9, tại Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức khai giảng Lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ, lãnh đạo quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và Lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp tỉnh năm 2019. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, dự lễ khai giảng và có bài giảng tới các học viên. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Đức Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai giảng, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Quảng Ninh luôn coi trọng và thực hiện theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là gốc của mọi công việc và huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Vì vậy, nhiều năm qua, tỉnh luôn xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý là nhiệm vụ then chốt.

Đồng chí khẳng định, học viên tham gia lớp bồi dưỡng đều là những "hạt nhân" giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan đơn vị. Đồng chí yêu cầu đơn vị tổ chức lớp học xây dựng chương trình, nội dung học tập phù hợp, lực chọn giảng viên tốt, tăng cường nội dung thảo luận gắn kiến thức lý luận với thực tiễn. Các học viên tuân thủ nghiêm nội quy lớp học, chủ động xây dựng phương pháp học tập khoa học, bố trí sắp xếp công việc tại đơn vị để tham gia lớp học đầy đủ, nghiêm túc, lĩnh hội đầy đủ những nội dung được truyền đạt, tích cực thảo luận những vấn đề khó. Từ đó, vận dụng những kiến thức đã được trang bị vào hoạt động thực tiễn để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý tại đơn vị mình phụ trách.

Ngay sau lễ khai giảng, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã truyền đạt tới lớp học bài giảng về kết quả 3,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020; mục tiêu quan điểm, định hướng phát triển của Quảng Ninh trong thời gian tới.

* Giao ban Ban Cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh

Ngày 5/10, Ban Cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh tổ chức họp, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Đây là nội dung hết sức quan trọng, không chỉ đánh giá kết quả cả một nhiệm kỳ Đại hội mà còn đưa ra nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho cả nhiệm kỳ tiếp theo, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Do đó, đồng chí yêu cầu, các sở, ngành cần nghiên cứu kỹ kết cấu, bố cục, qua đó tham gia đóng góp tích cực xây dựng Đề cương, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trước ngày 10/10/2019. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các sở, ngành cần quan tâm xây dựng phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó cần giảm phụ thuộc vào ngành khai khoáng, tăng thu ngân sách nhà nước một cách thực chất, không phụ thuộc vào nguồn thu từ đất, mà tăng thu từ ngành kinh doanh, dịch vụ.

Cho ý kiến về điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các chủ đầu tư cần chủ động, đảm bảo được nguồn vốn sau khi thực hiện điều chỉnh.

Cho ý kiến về việc hỗ trợ người có công với cách mạng đã tự xây dựng, sửa chữa nhà ở giữa giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của Đề án Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, đây là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương sở tại. Tuy nhiên đến nay nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm bố trí nguồn vốn hỗ trợ theo các quy định mà phải xin hỗ trợ từ ngân sách tỉnh. Đồng chí đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng, hỗ trợ trên 29 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cho các địa phương thực hiện chi trả hỗ trợ cho gia đình người có công trên tinh thần Sở Xây dựng họp thống nhất với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh.

*UBND tỉnh nghe ý tưởng Quy hoạch phân khu Dự án Vega City Vân Đồn

Chiều 30/9, tại TP Hạ Long, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc nghe, cho ý kiến về ý tưởng Quy hoạch phân khu Dự án Vega City Vân Đồn do Liên danh Công ty CP Đầu tư kinh doanh và Công ty CP Liên Sơn nghiên cứu, đề xuất. Cùng dự có đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan và huyện Vân Đồn.

Qua nghe ý tưởng đề xuất của doanh nghiệp và các ý kiến tham gia của các đại biểu, kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Ý tưởng đề xuất nghiên cứu quy hoạch dự án là lĩnh vực mà tỉnh Quảng Ninh đang ưu tiên thu hút đầu tư, thông qua đó tạo ra sản phẩm du lịch đẳng cấp cho huyện Vân Đồn cũng như Quảng Ninh. Do vậy, UBND tỉnh đồng ý để nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy hoạch 1/500 và quy hoạch phân khu chức năng. Trước mắt, đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh bổ sung ranh giới nghiên cứu của dự án vào Quy hoạch chung của Khu Kinh tế Vân Đồn; quá trình quy hoạch tỷ lệ 1/500 phải chi tiết, đảm bảo chất lượng.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị liên danh nhà đầu tư trong quá trình hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư cần lưu ý nghiên cứu, bổ sung các dữ kiện về văn hóa, lịch sử để làm nổi bật hơn nữa ý tưởng tái hiện thương cảng cổ Vân Đồn của dự án; các sở, ngành chức năng của tỉnh phối hợp, hỗ trợ cùng doanh nghiệp hoàn thiện quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền.

*Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng làm việc với Công ty Hyundai E&C

Ngày 3/10, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã tiếp và làm việc với đại diện Công ty Hyundai E&C tới tìm hiểu môi trường và cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh.

Tiếp đại diện Công ty Hyundai E&C, đồng chí Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao các dự án hạ tầng mà Công ty nói riêng, cũng như Tập đoàn Hyundai Motor đang triển khai tại Việt Nam thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh, thời gian qua, Quảng Ninh triển khai nhiều công trình, dự án đối tác công tư (PPP) và mong muốn Công ty Hyundai E&C thời gian tới sẽ nghiên cứu đầu tư các dự án trọng điểm, chiến lược vào địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, Quảng Ninh đang tạo điều kiện để Tập đoàn Thành Công, một đối tác chiến lược của Tập đoàn Hyundai đầu tư xây dựng khu công nghiệp trên địa bàn. Đồng chí mong muốn, Công ty Hyundai E&C phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Thành Công để triển khai các dự án có quy mô lớn tại Quảng Ninh.

*Họp Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, thôn, bản, khu phố

Sáng 3/10, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thôn, bản, khu phố tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019-2021 chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ, nhấn mạnh: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước. Với tinh thần quyết tâm, chủ động và trách nhiệm, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã họp bàn kỹ lưỡng, thống nhất ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2021.

Ngay sau cuộc họp, Sở Nội vụ tham mưu cho tỉnh phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng thành viên trong BCĐ. Riêng đối với sắp xếp 9 đơn vị hành chính cấp xã, tiến độ không được chậm hơn so với việc thực hiện sáp nhập huyện Hoành Bồ vào Hạ Long; phấn đấu đến ngày 25/10, phải trình Bộ Nội vụ thẩm định để báo cáo Chính phủ. Sở Xây dựng chủ trì tham mưu các nội dung liên quan tới tiêu chí đô thị khi thực hiện sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ; dự báo trước những vấn đề phát sinh để có phương án chủ động giải quyết.

Đồng chí cũng chỉ đạo, đây là sự kiện mang tính lịch sử, vì vậy, Ban Tuyên giáo, Sở TT&TT, Trung tâm Truyền thông tỉnh thực hiện lưu trữ tư liệu và xây dựng phóng sự về chủ trương này; làm tốt công tác tư tưởng, chủ động tuyên truyền về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của việc sắp xếp các đơn vị hành chính…, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.
*Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri trên địa bàn tỉnh

Trong tuần, đồng chí Đỗ Thị Lan, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội;  đồng chí Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Đại biểu Quốc hội khóa XIV; Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã có buổi tiếp xúc cử tri ở các địa phương trong toàn tỉnh để thông tin về nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp.

Tại các điểm tiếp xúc, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông báo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đến cử tri. Theo đó, kỳ họp dự kiến diễn ra từ ngày 21/10 đến ngày 21/11/2019. Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 11 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 8 dự án luật; xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định một số nội dung quan trọng khác…

Cũng tại buổi tiếp xúc, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông báo khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hôi của tỉnh trong 9 tháng năm 2019, kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh; tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri trong tỉnh nói chung, TX Đông Triều và TP Hạ Long nói riêng trong kỳ tiếp xúc trước… Theo đó, tại kỳ tiếp xúc trước, cử tri Quảng Ninh đã kiến nghị với Trung ương 37 nội dung, đến nay đã được trả lời 30 nội dung; kiến nghị với tỉnh 6 vấn đề và đã được trả lời 100%....

Tại buổi tiếp xúc, Đoàn ĐBQH tỉnh đã giải đáp, làm rõ các nội dung cử tri nêu, đồng thời ghi nhận những vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương để chuyển cơ quan chức năng xem xét, giải quyết trong thời gian tới.

* Khởi công xây dựng cầu Triều

Sáng 5/10, tại xã Hồng Phong, TX Đông Triều tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Triều và đường dẫn nối QL 18A đoạn qua TX Đông Triều với Tỉnh lộ 389 thuộc huyện Kinh Môn (Hải Dương). Dự lễ khởi công có các đồng chí: Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh và TX Đông Triều.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá khái quát ý nghĩa của dự án khi đi vào sử dụng sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu, hợp tác, phát triển kinh tế giữa Quảng Ninh với Hải Dương và cả khu vực… 

Đồng chí cũng yêu cầu đơn vị thi công cần đảm bảo đúng tiến độ, thiết kế; yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh và TX Đông Triều cần tích cực, chủ động tham mưu cho lãnh đạo 2 tỉnh kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công…

*Lãnh đạo tỉnh kiểm tra, chỉ đạo GPMB một số dự án tại Vân Đồn

Ngày 3/10, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã đi kiểm tra tiến độ thi công, chỉ đạo công tác GPMB một số dự án tại huyện Vân Đồn.

Sau khi đi kiểm tra thực tế hiện trường, nghe chủ đầu tư các dự án báo cáo tình hình triển khai thực hiện, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Trong thời gian vừa qua, Vân Đồn được Trung ương và tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng đầu tư theo chiến lược phát triển khu kinh tế đã được phê duyệt. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, dự án của nhà đầu tư chiến lược đang tích cực triển khai. Lãnh đạo UBND tỉnh đã dành nhiều thời gian, thường xuyên kiểm tra hiện trường, chỉ đạo công tác GPMB, triển khai thực hiện các dự án. Tuy nhiên, công tác GPMB một số dự án hiện còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Đồng chí chỉ rõ, việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác GPMB các dự án trên địa bàn thuộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương mà trực tiếp là Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Vân Đồn. Do vậy, để khắc phục tồn tại trên, tạo sự chuyển biến rõ nét, có hiệu quả trong công tác GPMB, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn tập trung chỉ đạo, trực tiếp kiểm tra từng dự án có vướng mắc trong GPMB trên địa bàn, có biện pháp cụ thể, đưa vào kế hoạch công tác theo dõi, chỉ đạo xử lý hằng ngày, hằng tuần của Huyện ủy, UBND huyện; chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nếu tiếp tục để công tác GPMB chậm, không hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của tỉnh.

Đối với Dự án tuyến đường trục chính trung tâm Khu đô thị Cái Rồng, mặc dù công tác GPMB được tiến hành từ tháng 9/2018 với tiến độ yêu cầu hoàn thành trong năm 2018 và tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 42 hộ và 1 tổ chức. Tuy nhiên, đến nay mới bàn giao mặt bằng với chiều dài 2,2km/3,48km; hiện vẫn còn vướng 28 hộ (ngoài phạm vi sân golf) và 4 hộ (trong phạm vi sân golf), giá trị đã thi công ước đạt 31 tỷ đồng.

Đồng chí yêu cầu UBND huyện Vân Đồn tập trung giải quyết dứt điểm công tác GPMB và bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 11/2019; ưu tiên GPMB ngay mỏ đất để phục vụ việc khai thác đất thi công nền đường dự án. Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông đôn đốc nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung máy móc, nhân lực để thi công công trình đảm bảo tiến độ, phấn đấu đến tháng 4/2020 phải hoàn thành dự án. UBND tỉnh không gia hạn thời gian thực hiện gói thầu xây lắp của dự án.

Đối với Dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - Phân khu 1 tại xã Hạ Long, đồng chí yêu cầu UBND huyện Vân Đồn thực hiện theo đúng nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 190/TB-UBND ngày 20/9/2019. Cụ thể: Hoàn thành dứt điểm công tác GPMB, bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong tháng 10/2019 cho nhà đầu tư theo đúng cam kết của đồng chí Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn; UBND huyện Vân Đồn chịu trách nhiệm di dời bến thuyền trong ranh giới dự án xong trong tháng 10/2019.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu tái định cư xã Hạ Long, đồng chí yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế, UBND huyện Vân Đồn nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 2534/UBND-XD1 ngày 17/4/2019. Đồng thời, Ban Quản lý Khu kinh tế khẩn trương triển khai ngay các thủ tục theo quy định đối với phần còn lại của dự án (ngoài điểm dừng kỹ thuật) để tiến hành thi công, hoàn thành toàn bộ phần ngoài điểm dừng kỹ thuật trong năm 2019. UBND huyện Vân Đồn GPMB dứt điểm 1 hộ dân trong phạm vi điểm dừng kỹ thuật và bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý Khu kinh tế trong tháng 10/2019 để thi công.

* Lãnh đạo tỉnh tiếp xã giao đoàn công tác Vương quốc Anh

Nhân dịp khóa họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế và thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh được tổ chức tại Hạ Long, sáng 4/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng đã tiếp xã giao đoàn công tác Vương quốc Anh do ông C.Burns, Thứ trưởng phụ trách Thương mại, Bộ Thương mại, làm Trưởng đoàn.

Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giới thiệu về những tiềm năng, định hướng phát triển mà tỉnh Quảng Ninh đang tập trung triển khai và thu hút đầu tư. Đồng chí mong muốn, đoàn công tác sẽ có những chia sẻ với cộng đồng các doanh nghiệp Vương quốc Anh về các lĩnh vực mà Quảng Ninh đang có nhu cầu như: Hàng không, du lịch dịch vụ, logistics...

Ông C.Burns khẳng định sẽ trao đổi những thông tin quý báu về tỉnh Quảng Ninh tới cộng đồng doanh nghiệp Vương quốc Anh. Đồng thời, mong muốn sẽ góp phần thúc đẩy quảng bá vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long để thêm thật nhiều công dân Vương quốc Anh tới Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.

*UBND tỉnh nghe báo cáo công tác quản lý thuế trong kinh doanh vận tải

Ngày 1/10, UBND tỉnh họp nghe báo cáo thực trạng và đề xuất phương án tăng cường quản lý thuế của các cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải hành khách bằng đường bộ và thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, giao Sở GT&VT cùng với Ban An toàn giao thông tỉnh nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh xây dựng quy chế quản lý kinh doanh vận tải đường bộ và đường thủy nội địa để tăng cường quản lý thuế.

Đồng chí yêu cầu thành lập ngay 2 đoàn kiểm tra điều kiện kinh doanh, nghĩa vụ tài chính của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải trên địa bàn. Một đoàn kiểm tra do Sở GT&VT phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, cơ quan thuế thực hiện kiểm tra “gốc”, sẽ thực hiện rà soát cụ thể số lượng phương tiện, giấy phép kinh doanh vận chuyển khách... các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, HTX. Một đoàn kiểm tra do Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì cùng với lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, ngành thuế, quản lý thị trường thực hiện kiểm tra các phương tiện kinh doanh vận chuyển khách ngay tại hiện trường. Hai đoàn triển khai kế hoạch kiểm tra ngay trong tháng 10/2019.

Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành GT&VT phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin về số lượng khách, số lượng phương tiện kinh doanh vận tải khách; tăng cường tuyên truyền, công khai các trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

*UBND tỉnh họp đánh giá kết quả thực hiện Chủ đề công tác năm 2019

Sáng 3/10, UBND tỉnh tổ chức họp đánh giá kết quả thực hiện Chủ đề công tác năm 2019 “Nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ” trong 9 tháng năm 2019, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm. Đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Qua nghe báo cáo, cũng như phát biểu của các sở, ngành, địa phương, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Việc thực hiện chủ đề công tác năm 2019 “Nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ” là một trong những nội dung quan trọng nhằm góp phần giúp Quảng Ninh đạt được mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh dịch vụ công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Thời gian tới, các sở, ngành phải nâng cao hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ đề công tác năm 2019. Đối với lĩnh vực dịch vụ du lịch, Sở Du lịch và các địa phương tiếp tục chấn chỉnh môi trường kinh doanh du lịch, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng phục vụ.

Về thương mại, các ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thu hút các tập đoàn phân phối lớn liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong tỉnh để xây dựng hệ thống phân phối hiện đại. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển hàng hóa theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm.

Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh và chủ động triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo nghề; khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, giáo dục, y tế, vận tải và tài chính ngân hàng...

*Khai mạc Liên hoan nghiệp vụ báo chí tỉnh Quảng Ninh lần I năm 2019

Tối 4/10, tại TP Hạ Long, Liên hoan nghiệp vụ báo chí Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh lần I năm 2019 đã chính thức được khai mạc.

Tới dự lễ khai mạc Liên hoan có đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành, cơ quan, đơn vị cùng đông đảo những người làm báo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. 

Liên hoan nghiệp vụ báo chí Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh lần I năm 2019 là kỳ liên hoan đặc biệt khi lần đầu tiên được tổ chức bởi Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh - mô hình cơ quan truyền thông cấp tỉnh tiên phong của cả nước, được thành lập trên cơ sở hợp nhất về tổ chức bộ máy, biên chế các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh, gồm: Báo Quảng Ninh, Đài PT-TH tỉnh, Báo Hạ Long thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Cổng Thông tin điện tử thuộc Văn phòng UBND tỉnh.

Liên hoan là dịp tốt để các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên trong tỉnh gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, giúp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sản xuất tác phẩm, chương trình có chất lượng. Đây cũng là cơ hội để những người làm báo được chia sẻ những tác phẩm tâm huyết của mình với đồng nghiệp và khán, thính giả, độc giả. Sự kiện này còn nhằm tuyển chọn ra các tác phẩm báo chí xuất sắc tham dự các giải báo chí quốc gia và Liên hoan Phát thanh - Truyền hình toàn quốc.

Ngay trong lần đầu tiên tổ chức, Liên hoan đã thu hút sự tham gia của 29 đơn vị, bao gồm các phòng nội dung thuộc Trung tâm Truyền thông tỉnh, các Trung tâm TT-VH huyện, thị xã, thành phố và một số ban, sở, ngành có chương trình cộng tác với Trung tâm Truyền thông tỉnh. Liên hoan cũng đã tiếp nhận được hơn 200 tác phẩm thuộc đầy đủ 4 loại hình báo chí: Truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử, với 12 nhóm thể loại.

Phát biểu khai mạc Liên hoan, nhà báo Mai Vũ Tuấn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc, Tổng Biên tập Trung tâm Truyền thông tỉnh, Chủ tịch Liên hoan, khẳng định: Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về việc nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời gian qua đã tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cho những người làm báo của tỉnh trong hoạt động nghiệp vụ; từng bước nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

Nhà báo Mai Vũ Tuấn nhấn mạnh: Liên hoan nghiệp vụ báo chí lần thứ I năm 2019 do Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tổ chức là dịp tốt để những người làm báo Quảng Ninh trau dồi kỹ năng, trao đổi nghiệp vụ. Liên hoan không chỉ để chọn những tác phẩm xuất sắc tham gia Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (giải Búa liềm vàng), Giải báo chí quốc gia, Giải báo chí tỉnh Quảng Ninh, Liên hoan Truyền hình – Phát thanh toàn quốc... mà còn là hành động cụ thể, thiết thực của những người làm báo Quảng Ninh trong thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền theo chỉ đạo của tỉnh.

*Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 224/KH-UBND về việc thực hiện Đề án “tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021” năm 2019

Kế hoạch nhằm kịp thời cụ thể hóa Kế hoạch số 194/KH-UBND ngày 19/8/2019 của UBND tỉnh thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biển, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021” để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong 3 tháng cuối năm 2019, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong toàn tỉnh; đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đảm bảo tính đa dạng, linh hoạt, sáng tạo, hấp dẫn, hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ thông tin, truyền thông trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, bắt đầu hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu cụ thể đó là: Đến hết năm 2019, 90% tủ sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn được trang bị đầy đủ tài liệu về Luật phòng, chống tham những và các văn bản có liên quan; 100% chương trình đào tạo thuộc các loại hình giáo đục, đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh có nội dung về chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đạo đức liêm chính; 100% báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, giáo viên, giảng viên các môn pháp luật, giáo dục công dân được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng; 100% cán bộ, công chức, viên chức được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng dưới các hình thức phù hợp; có 80% lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đơn vị nghiên cứu, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đề ra đến hết năm 2019 có: từ 75% người lao động tại các cơ quan nghiên cứu, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; có 75% người lao động tại các cơ quan nghiên cứu, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; có 65% người nông dân, dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tiếu thương, lao động tự do được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chổng tham nhũng.

Đồng thời, bước đầu hình thành văn hóa minh bạch, giải trình của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhận thức rõ hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ là vi phạm pháp luật và trái với đạo đức, lương tâm, trách nhiệm, cần được lên án mạnh mẽ để xây dựng mối quan hệ lành mạnh giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, củng cố vững chắc đạo đức, hành vi chuấn mực của cán bộ, công chức, viên chức và người dân.

Nội dung thực hiện chính đó là: Phát hành các tài liệu, tờ rơi, tranh ảnh, khẩu hiệu cổ động, ấn phẩm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Trang bị tài liệu pháp luật vê phòng, chống tham nhũng và các văn bản có liên quan cho tủ sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn; tổ chức các Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện mô hình điểm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục; tin, bài, tranh, ảnh cổ động, khẩu hiệu có chủ đề phòng, chống tham nhũng và xây dựng đạo đức liêm chính trên các kênh phát thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử, báo, tạp chí; đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính thông qua các hoạt động văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống; nghệ thuật chuyên nghiệp và quần chúng; tuyên truyền lưu động; tổ chức xét xử lưu động các vụ án tham nhũng…

UBND tỉnh giao TP Uông Bí thực hiện mô hình điểm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. UBND TP Uông Bí có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.

10, https://quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=87088

Quảng Ninh: Những sự kiện và hoạt động nổi bật diễn ra từ ngày 7/10 -13/10/2019

Tổng hợp ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tại các văn bản mới phát hành và một số cuộc họp quan trọng diễn ra từ ngày 7/10 -13/10/2019.

*Tiểu ban Văn kiện họp thống nhất nội dung Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV

Chiều 13/10, Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã họp bàn, cho ý kiến và thống nhất về một số nội dung quan trọng trong văn kiện Đại hội. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV chủ trì cuộc họp.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, kết luận: chủ đề Đại hội lần thứ XV Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh sẽ là "Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát huy dân chủ, củng cố niềm tin của nhân dân; chủ động đổi mới, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những cực tăng trưởng của miền Bắc, địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin vào năm 2025; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030".

Cùng với đó, đồng chí Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XV Đảng bộ tỉnh cũng nhấn mạnh một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sẽ được đưa vào Báo cáo chính trị Đại hội, bao gồm: Giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế không dưới 2 con số; tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách địa phương bình quân 5 năm giữ vững tỷ lệ 55%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 10.000 USD/người/năm; đến năm 2025, Quảng Ninh sẽ là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, trên 98% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%; 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; giữ vững tỷ lệ che phủ rừng ở mức 55% và nâng cao chất lượng rừng...

Bên cạnh đó, đồng chí Trưởng Tiểu ban Văn kiện cũng yêu cầu các thành viên Tiểu ban cần nghiên cứu kỹ, đề xuất và hoàn thiện chi tiết về một số nội dung, như: tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 không được thấp hơn giai đoạn vừa qua; năng suất lao động xã hội bình quân và tỷ lệ lao động qua đào tạo, có chứng chỉ, bằng cấp giai đoạn 2021-2025 phải cao hơn giai đoạn trước; đặt ra tỷ lệ các xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; nghiên cứu về tỷ lệ giảm nghèo cho phù hợp với đặc thù của Quảng Ninh và phải phân vùng để đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội; nghiên cứu xây dựng chỉ tiêu về trường chuẩn quốc gia phù hợp với đặc thù của địa phương.

Về thực hiện 3 đột phá chiến lược, đồng chí nhấn mạnh đến việc phải đặc biệt quan tâm, chú trọng đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin; tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; xây dựng KKT Quảng Yên gắn với tuyến phía tây gồm TP Uông Bí và TX Đông Triều trở thành những hạt nhân mới, tạo động lực tăng trưởng và thu hút lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao; giữ vững môi trường đầu tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư...

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Tiểu ban Văn kiện yêu cầu Tiểu ban Văn kiện cần nhanh chóng hoàn thiện biên bản cuộc họp, hoàn thiện Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XV để trình xin ý kiến Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong tháng 10 và tháng 11 tới.

* Bí thư Tỉnh uỷ giao ban với bí thư các huyện, thị xã, thành phố

Chiều 11/10, tại TP Hạ Long, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì buổi giao ban với bí thư các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Phát biểu kết luận tại buổi giao ban, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh, 9 tháng năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, khẳng định sự cố gắng nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị trong tỉnh và sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với các chủ trương, định hướng của tỉnh.

Hiện tại đã là quý IV-2019, đây là giai đoạn nước rút hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của cả năm. Qua đó, đồng chí yêu cầu cấp ủy các địa phương bám sát Nghị quyết 14-NQ/TU của Tỉnh uỷ về phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 để tập trung, lãnh đạo chỉ đạo các nhiệm vụ đề ra.

Trong công tác xây dựng Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp. Các địa phương phải chuẩn bị văn kiện đảm bảo chất lượng, đánh giá đúng kết quả thực hiện, dự báo tốt tình hình, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đột phá trong thời gian tới; quan tâm rà soát, sắp xếp lại cán bộ, chuẩn bị tốt nhân sự trước đại hội, đảm bảo cơ cấu, chất lượng.

Đối với các đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp lại tại 5 địa phương Hải Hà, Uông Bí, Đầm Hà, Bình Liêu, Tiên Yên, phải bám sát Kết luận 517 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để có phương án chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới một cách thận trọng, có lộ trình, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, ổn định và hoạt động bộ máy hiệu lực, hiệu quả phục vụ tốt hơn cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp sau sắp xếp.

Đối với Nghị quyết số 18-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ, đồng chí yêu cầu hai địa phương khẩn trương triển khai các bước lấy ý kiến nhân dân, trình HĐND các cấp theo quy trình thủ tục theo quy định. TP Hạ Long phải dự báo và định vị được địa bàn ở một vị thế mới khi trở thành một đô thị lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên, lớn nhất về số đơn vị hành chính trực thuộc và có nhiều ưu thế tiềm năng nổi trội. Từ đó có định hướng phát triển trong tầm nhìn dài hạn.

Trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở rà soát các chỉ tiêu, mục tiêu của năm 2019, Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu cấp ủy các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu đề ra, trong đó hết sức lưu ý chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành thu chi ngân sách; mục tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh du lịch, tạo môi trường hấp dẫn du khách. Trong đầu tư công, các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án vốn ngân sách nhà nước phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được tỉnh chỉ đạo về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư đảm bảo tiến độ, chất lượng theo đúng quy định của pháp luật. Các địa phương chủ động cắt giảm điều hòa vốn, điều chuyển vốn đối với các công trình, dự án kém hiệu quả hoặc chưa cấp bách để tập trung ưu tiên cho các dự án động lực như đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; cầu Cửa Lục 1, Cửa Lục 3.

Đồng chí yêu cầu các địa phương tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực gắn với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành, trọng tâm là lĩnh vực đất đai, quy hoạch, tài nguyên khoáng sản, môi trường, xây dựng. Đồng thời, phát huy hiệu quả khai thác, sử dụng các dự án, công trình sử dụng vốn ngân sách sau đầu tư; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án theo tiến độ cam kết với tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, việc phát triển kinh tế - xã hội phải đặc biệt quan tâm tới an sinh và phúc lợi xã hội, nhất là người có công với cách mạng và các hộ nghèo, đảm bảo chế độ, chính sách triển khai kịp thời, chặt chẽ, đầy đủ theo quy định; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ công cơ bản về y tế, giáo dục. Các địa phương phấn đấu hoàn thành mục tiêu của tỉnh năm 2019 liên quan tới chương trình nông thôn mới, Đề án 196. Đồng chí đề nghị các địa phương hết sức quan tâm giải pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa các loại tội phạm, tạo môi trường thuận lợi, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

* Đoàn công tác tỉnh Cà Mau trao đổi, học tập kinh nghiệm tại Quảng Ninh

Từ ngày 9 đến 11/10, Đoàn công tác của tỉnh Cà Mau do đồng chí Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đến tìm hiểu, trao đổi, học tập kinh nghiệm về Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm – OCOP” tại Quảng Ninh.

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Đặng Huy Hậu, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Vũ Thành Long, Trưởng Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh.

Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển chương trình OCOP. Trong đó, nhấn mạnh đến việc xây dựng lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp trong thực tiễn kinh tế thị trường. Đồng thời, chú trọng đến bộ máy chuyên trách tư vấn và đặc biệt là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành. Bên cạnh đó, xây dựng và hoàn thiện bộ công cụ thực hiện Chương trình, cơ chế chính sách, nguồn lực hợp lý để từ đó khởi động, thúc đẩy tính sáng tạo từ dưới lên. Cũng như tổ chức đánh giá, phân hạng và xúc tiến thương mại sản phẩm, xây dựng hình ảnh, quản lý thương hiệu cho chương trình OCOP…

Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cảm ơn lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh dành thời gian tiếp, làm việc với Đoàn. Đồng chí khẳng định, rất ấn tượng với những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng NTM cũng như thực hiện chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh. Những kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh chia sẻ hôm nay sẽ là những kinh nghiệm quý để Cà Mau học tập, tiếp thu, lựa chọn áp dụng triển khai tại địa phương.

* Ban Quản lý Khu Kinh tế kỷ niệm 10 năm thành lập

Chiều 9/10, Ban Quản lý Khu Kinh tế tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập (9/10/2009-9/10/2019). Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đến dự lễ kỷ niệm.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận những thành tích của Ban Quản lý Khu Kinh tế đạt được trong 10 năm qua. Đến nay, các KCN, KKT hoạt động đi vào nền nếp; các vấn đề môi trường, an ninh trật tự được được đảm bảo. Đặc biệt, nhiều KCN xây dựng và hoạt động tốt, được doanh nghiệp đánh giá cao; tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân ở địa phương, nhất là những địa phương vùng khó khăn.

Nhấn mạnh nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý Khu Kinh tế cần quán triệt định hướng phát triển của tỉnh để tập trung các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ thời gian tới.

Với định hướng phát triển của tỉnh lấy dịch vụ làm trung tâm phát triển, Ban Quản lý Khu Kinh tế phải là đơn vị nòng cốt, trụ cột cho sự phát triển của các doanh nghiệp tại KCN, KKT cũng như việc xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp, dự án vào các KCN, KKT. Để thực hiện mục tiêu này, đội ngũ cán bộ phải thực sự đoàn kết, đồng thuận, tăng tốc trong quá trình giải quyết công việc bằng cách cải cách thủ tục hành chính, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chủ động trong công tác phối hợp với các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, đồng chí cũng lưu ý, việc thu hút các dự án vào các KCN, KKT không phải thực hiện ồ ạt và phải có sự chọn lọc những nhà đầu tư có tiềm lực, hoạt động hiệu quả, có đóng góp cho sự phát triển của tỉnh và phải cam kết vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động.

Song song với đó, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ trong các KCN cần phải được quan tâm thực hiện để đảm bảo tài sản, sự phát triển ổn định của các doanh nghiệp.

* UBND tỉnh họp rà soát cơ sở dữ liệu vận hành Trung tâm điều hành thành phố thông minh

Chiều 7/10, UBND tỉnh tổ chức họp rà soát cơ sở dữ liệu phục vụ kết nối, vận hành Trung tâm điều hành thành phố thông minh. Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, các sở, ngành, địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện kết nối hạ tầng, số liệu, dữ liệu để thực hiện kết nối về Trung tâm điều hành theo đúng kế hoạch đề ra.

Đồng chí đề nghị, Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh và các địa phương rà soát, hoàn thiện lại cơ sở vật chất hiện có, nhằm đảm bảo kết nối dữ liệu về Trung tâm để thực hiện quản lý. Lực lượng Công an tỉnh cần khẩn trương hoàn thành các hệ thống camera thuộc các dự án giao thông thông minh; Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung nâng cao chất lượng hệ thống giám sát tại các điểm quan trắc gửi về Trung tâm theo đúng kế hoạch; Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu phối hợp với các sở, ngành, địa phương sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng, số liệu, dữ liệu nhằm phục vụ kết nối, vận hành Trung tâm điều hành Thành phố thông minh theo đúng lộ trình.

Các sở, ngành cần đôn đốc các đơn vị tư vấn, lắp đặt hệ thống camera nhanh chóng hoàn thành, kết nối hệ thống và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/10.

* Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc với một số sở, ngành về quản lý ATTP

Sáng 10/10, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, làm Trưởng đoàn, có buổi làm việc với Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường (QLTT) về công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP).

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, ghi nhận đánh giá cao những nỗ lực của Sở Công Thương và Cục QLTT trong công tác tham mưu, chỉ đạo, triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm về công tác quản lý nhà nước đối với ATTP trong thời gian qua.

Đồng thời, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập còn tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về ATTP của 2 đơn vị như: Hoạt động tiền kiểm và hậu kiểm còn rất ít; việc quản lý các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhập khẩu chưa thực sự chặt chẽ; công tác quản lý ATTP tại các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích còn bị buông lỏng...

Trước những tồn tại này, đồng chí đề nghị thời gian tới, Sở Công Thương và Cục QLTT phải tiếp tục quan tâm bố trí đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia đảm nhiệm chuyên trách trong lĩnh vực ATTP; tập trung đồng bộ các giải pháp để tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh thực phẩm, từ đó ngăn chặn có hiệu quả việc kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc và phải xử lý nghiêm minh theo đúng quy định.

Mặt khác, 2 đơn vị phải tăng cường công tác tuyên truyền vận động cũng như kiểm tra liên ngành trong công tác bảo đảm ATTP tại các chợ đầu mối, các hộ nuôi trồng. Riêng đối với công tác chuyển đổi mô hình hoạt động giữa các chợ, Sở Công Thương phải tiếp tục rà soát quy hoạch để tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới chợ.

Sáng 9/10, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở NN&PTNT về công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP).

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao vai trò của ngành NN&PTNT trong việc tham mưu ban hành đồng bộ, sâu rộng, đa dạng các văn bản liên quan đến công tác đảm bảo ATTP hiệu quả. Ngành cũng đã có nhiều giải pháp thiết thực lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các chính sách pháp luật, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm về công tác quản lý nhà nước đối với ATTP. Qua đó, công tác quản lý nhà nước về ATTP có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó, hình thành vùng sản xuất, chăn nuôi, khu giết mổ tập trung; thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao; bước đầu kiểm soát được nguy cơ mất an toàn trong nông nghiệp.

Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu ngành NN&PTNT thời gian tới cần tiếp tục thực hiện đồng bộ giải pháp khắc phục, xử lý, giải quyết dứt điểm những hạn chế Đoàn giám sát đã kiến nghị. Đồng thời, tập trung rà soát hệ thống văn bản liên quan đến công tác chỉ đạo của tỉnh và ngành, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách liên quan đến ngành NN&PTNT.

Đồng chí cũng yêu cầu ngành cần kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia làm công tác ATTP; phối hợp với các địa phương nhân rộng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm nông nghiệp; giảm các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong nhân dân, kiểm soát ATTP theo chuỗi. Ngành cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm nghiêm minh, tạo tính răn đe đối với người sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ. Đồng thời, tăng cường truyền thông, giáo dục pháp luật về ATTP của ngành.

Chiều 9/10, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, làm Trưởng đoàn, có buổi làm việc với Sở Y tế về công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn.

Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đề nghị Sở Y tế tiếp tục tập trung rà soát, đánh giá đối với các hệ thống văn bản hiện hành về ATTP, đề xuất điều chỉnh bổ sung để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới; tập trung quan tâm kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động công tác quản lý nhà nước về ATTP; thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ động kiểm soát tốt ATTP.

Bên cạnh đó, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo và đẩy mạnh các giải pháp tăng cường đảm bảo ATTP, đặc biệt trong dịch vụ ăn uống khu du lịch, đường phố, bếp ăn tập thể. Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra đột xuất, hậu kiểm, xử lý nghiêm các vi phạm, tạo tính răn đe; tập trung ứng dụng công nghệ hiện có trong vận hành quản lý nhà nước về ATTP…

* UBND tỉnh cho ý kiến về Đề án Phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo

Ngày 8/10, đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì họp, cho ý kiến về Đề án Phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô đến năm 2030. Cùng dự có đại diện một số sở, ngành, địa phương liên quan.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Thời gian qua, việc xây dựng định hướng phát triển các sản phẩm du lịch nói chung và khu vực Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô nói riêng triển khai chậm, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lặp, kém hấp dẫn, sức cạnh tranh chưa cao, chưa phát triển rõ nét các sản phẩm đặc thù của mỗi địa phương.

Chính vì thế, đề án là hết sức cần thiết nhằm nâng cao giá trị sản phẩm du lịch, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của khách du lịch, khẳng định được thương hiệu sản phẩm du lịch biển đảo của Quảng Ninh.

Trên cơ sở đó, đồng chí yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến từ đại diện các đơn vị tại cuộc họp. Lưu ý, trong đề án cần bổ sung thêm phần đánh giá về hiện trạng, tình hình, điều chỉnh lại hệ thống số liệu; cập nhật gắn kết đề án với các kế hoạch, quy hoạch, định hướng phát triển của Quảng Ninh hiện nay để làm căn cứ tính toán các phương án phát triển cho phù hợp.

Bên cạnh đó, đề án cũng cần bổ sung, tính toán phương án tăng được khách du lịch trong mùa thấp điểm, khách du lịch nước ngoài; quan tâm đến việc liên kết chuỗi các sản phẩm du lịch của tỉnh, liên kết khu vực. Các sở, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn để thống nhất các số liệu, hoàn thiện đề án, báo cáo tỉnh trong tháng 11/2019.

* UBND tỉnh nghe báo cáo về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo

Chiều 9/10, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị nghe báo cáo công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trên địa bàn 9 tháng và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong 3 tháng cuối năm.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Các sở, ngành và địa phương chủ động tự rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân mới phát sinh; triển khai thực hiện các nội dung đã chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài trong năm 2019 theo Kế hoạch số 45/KH-UBND. Đồng thời, kiện toàn lại Ban Tiếp công dân tỉnh để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội của tỉnh để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các quy định về tiếp công dân, quyết định giải quyết khiếu nại; quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo có hiệu lực pháp luật; xử lý nghiêm các sai phạm về thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo....

* Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ một số dự án trọng điểm tại TX Quảng Yên

Ngày 8/10, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đi kiểm tra tiến độ GPMB một số dự án trọng điểm tại TX Quảng Yên. Cùng đi có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan.

Sau khi đi kiểm tiến độ GPMB các dự án trên, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ghi nhận sự vào cuộc tích cực trong công tác GPMB của TX Quảng Yên thời gian qua.

Đồng chí nhấn mạnh, hiện nay tỉnh đang trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển Quảng Yên và xin bổ sung khu kinh tế này vào Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam. Khi Đề án được phê duyệt sẽ có nhiều chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư lớn vào Quảng Yên vì vậy các doanh nghiệp đang triển khai xây dựng hạ tầng khu công nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với địa phương tập trung nguồn lực, nhân lực, vật lực tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án trọng điểm nhất là Dự án Tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại khu vực Đầm Nhà Mạc; Dự án Xây dựng khu công nghiệp và cảng Nam Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc và Dự án Khu công nghiệp Sông Khoai.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2020, tỉnh sẽ đầu tư một số tuyến đường chiến lược chạy qua địa bàn TX Quảng Yên kết nối với các khu công nghiệp, đường cao tốc Hạ Long- Hải Phòng vì vậy các dự án khu vực lân cận như Khu công nghiệp Sông Khoai, Trung tâm Huấn luyện quốc gia về phòng, chống khủng bố phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xây dựng để kết nối đồng bộ với hạ tầng giao thông, đảm bảo việc GPMB sau này dễ dàng hơn.

Liên quan đến khó khăn vướng mắc của Dự án Phát triển tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại khu vực Đầm Nhà Mạc, đồng chí yêu cầu các sở, ngành liên quan cần phối hợp chậm nhất trong tháng 11/2019 hoàn thành cấp giấy phép xây dựng và nộp tiền sử dụng đất để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ dự án. Với Dự án Xây dựng khu công nghiệp và cảng Nam Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc, đồng chí yêu cầu chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng để sớm thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp.

Đối với việc san lấp GPMB các dự án, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các nhà đầu tư phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên- Môi trường tìm các địa điểm làm thủ tục cấp giấy phép khai thác đất san lấp phù hợp hoặc liên kết các doanh nghiệp ngành Than cung cấp tro xỉ phục vụ công tác san gạt mặt bằng. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai GPMB các dự án trên, nếu gặp phải khó khăn vướng mắc, chủ đầu tư phải báo cáo tình hình để tỉnh có phương án tháo gỡ kịp thời, qua đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

* Tháng 10/2020 hoàn thành đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả

Ngày 7/10, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra công tác tổ chức thi công, GPMB dự án đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành và địa phương liên quan.

Sau khi kiểm tra thực tế công tác tổ chức thi công, công tác GPMB tại dự án, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND ghi nhận nỗ lực của chủ đầu tư và các nhà thầu đã chủ động, tranh thủ thời tiết thuận lợi, mặt bằng nhanh chóng triển khai dự án.

Đồng chí nhấn mạnh: Đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả là công trình quan trọng của tỉnh, đưa vào sử dụng chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh vào năm 2020, góp phần giảm tải lưu lượng giao thông cho QL 18, tăng cường kết nối du lịch giữa 2 đô thị lớn của tỉnh là Hạ Long – Cẩm Phả, khai thác hợp lý các tiềm năng về đất đai trong khu vực tuyến đi qua… Do vậy, tỉnh đang rất quan tâm, thực hiện rà soát, kiểm tra tiến độ thường xuyên.

Tuy nhiên đến nay, quy hoạch giai đoạn 2 của tuyến và đường bao biển Trần Quốc Nghiễn đều đã nâng cấp từ 4 làn xe lên 6 làn xe. Để tạo đồng bộ trong giai đoạn 2, đối với công tác GPMB các địa phương cần chú ý, thực hiện rà soát, tính phương án tổ chức GPMB ở cả 6 làn xe ngay trong giai đoạn này. Hai địa phương là TP Hạ Long và TP Cẩm Phả cần sớm hoàn thành kế hoạch sử dụng đất, danh mục sử dụng đất, cương quyết đến 30/11/2019 phải hoàn thành GPMB toàn tuyến, bàn giao nhà thầu để tổ chức thi công.

Chỉ đạo cụ thể từng hạng mục công việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu TP Hạ Long khẩn trương lựa chọn nhà thầu để tổ chức thi công dự án ngay trong tháng 10/2019. Chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn thiết kế cần tính toán phương án tại các vị trí ven biển trên toàn tuyến, chuyển đối bệ phản áp thành kè đứng để hạn chế ô nhiễm và rác thải mắc cạn; điều chỉnh tim tuyến khi mở rộng đường lên 6 làn xe; hạn chế tối đa bán kính đường cong. Đối với nguồn vật liệu, đất đắp, cần nghiên cứu sớm vị trí khai thác, làm thủ tục chuyển đổi và cấp phép.

Hiện nay thời tiết đang thuận lợi, các nhà thầu cần tranh thủ, tổ chức thi công tích cực tại các vị trí đã có mặt bằng; xây dựng kế hoạch tiến độ cụ thể đối với từng hạng mục và kiểm soát theo ngày. Quyết tâm hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng trước 30/10/2020 để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh.

* Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp

Ngày 11/10, tại TP Hạ Long, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Dự hội nghị có các đồng chí: Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cùng đại diện đoàn ĐBQH 7 tỉnh khu vực Bắc Bộ, bộ, ngành và hơn 100 ngân hàng trong cả nước, hiệp hội doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã giới thiệu khái quát những thành tựu đạt được của Quảng Ninh thời gian qua. Theo đó, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với kế hoạch, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ - du lịch, duy trì top 5 toàn quốc về thu ngân sách… Quảng Ninh là địa phương có vị trí và điều kiện thuận lợi, tỉnh cũng đang tập trung mở rộng không gian phát triển, ưu tiên xây dựng các khu kinh tế ven biển; triển khai nhiều chương trình đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh… Đây là những điều kiện tốt để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đầu tư tại tỉnh.

Đồng chí nhấn mạnh: Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp được tổ chức tại Quảng Ninh trong giai đoạn này là cơ hội để Quảng Ninh nhận diện những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp để kịp thời có giải pháp tháo gỡ. Đồng thời cũng là dịp để các doanh nghiệp tìm hiểu, tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, cơ hội đầu tư về Quảng Ninh.

* UBND tỉnh cho ý kiến về dự thảo quy định các biện pháp quản lý tàu phục vụ khách du lịch

Chiều 10/10, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp nghe và cho ý kiến về Dự thảo Quy định các biện pháp về quản lý hoạt động của phương tiện thủy nội địa phục vụ khách du lịch trên Vịnh Hạ Long.

Qua nghe các sở, ngành, doanh nghiệp phát biểu đóng góp vào Dự thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng nhấn mạnh: Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia đóng góp của các đại biểu dự họp, khẩn trương điều chỉnh, hoàn thiện Dự thảo. Theo đó, kết cấu, bố cục của Quy định phải ngắn gọn, chặt chẽ; các quy định chi tiết phải công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát; tiếp tục nghiên cứu mở rộng phạm vi điều chỉnh của quy định, bao gồm cả Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Quy định mới phải khuyến khích được sự phát triển, góp phần đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, thúc đẩy kinh doanh hiệu quả và hướng tới mô hình quản lý khoa học, văn minh, hiện đại.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban soạn thảo phải tổ chức thảo luận, lấy ý kiến của tất cả các doanh nghiệp, chủ tàu. Trong đó khuyến khích các ý tưởng đề xuất mới, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch tham quan.

* Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý xe quá tải

Sáng 10/10, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp kiểm điểm kết quả kiểm tra, giám sát xử lý xe cơi nới thành thùng, chở quá tải trọng; rà soát, xử lý các điểm đen, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT trên địa bàn tỉnh; kiểm điểm công tác quản lý đô thị trên địa bàn TP Hạ Long.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nghiêm khắc chỉ ra việc thiếu sâu sát, quyết liệt trong công tác quản lý hoạt động vận tải tại một số địa phương là nguyên nhân khiến tình trạng xe quá khổ quá tải còn diễn biến phức tạp, nhất là tại địa bàn huyện Vân Đồn. Ngoài ra, các địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tuần tra kiểm soát, trong việc rà soát điểm đen giao thông, biển báo giao thông, khiến nhiều điểm đen, biển báo giao thông bất cập còn tồn tại, gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Ban ATGT tỉnh, UBND các địa phương, ngành chức năng kiểm tra rà soát lại hệ thống biển báo giao thông, điểm đen giao thông trên các tuyến đường để có hướng xử lý khắc phục và phải được hoàn thành trong tháng 10/2019.

Đối với công tác quản lý hoạt động xe chở hàng hóa quá tải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tổng kiểm tra phương tiện của các doanh nghiệp vận tải, từ điều kiện hoạt động kinh doanh, tới việc kê khai nộp thuế; có biện pháp quản lý tải trọng, kích thước thành thùng xe từ đầu mỏ, bến bãi, cung đường vận chuyển; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong xử lý xe quá khổ, quá tải.

Cùng với đó, đồng chí giao Sở Tài chính tham mưu thực hiện quy định các đơn vị doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, vật liệu quá khổ quá tải làm hỏng đường phải bồi thường, hoàn trả. TP Hạ Long xây dựng đề án tổ chức trật tự đô thị, trong đó nêu rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức. Trước mắt làm điểm tại một số phường trung tâm...

* UBND tỉnh nghe báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp mới

Chiều 8/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương nghe báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp mới và kết quả hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tình hình triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ghi nhận những nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong việc hỗ trợ thành lập doanh nghiệp mới.

Thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương cần lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn; thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ doanh nghiệp để nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp, qua đó có sự quan tâm, chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Đồng chí giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tham mưu cho tỉnh triển khai các nội dung hỗ trợ thành lập doanh nghiệp; tiếp thu ý kiến tại hội nghị, hoàn thiện báo cáo đánh giá thực chất, sâu sắc về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Trong đó cần đặc biệt đánh giá về hiệu quả của các doanh nghiệp FDI. Chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai khoán chỉ tiêu cho các sở, ngành, địa phương thực hiện Nghị quyết số 148/2018/NQ-HĐND ngày 7/12/2018 của HĐND tỉnh.

Bên cạnh đó, đồng chí yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải quyết liệt vào cuộc triển khai hỗ trợ thành lập doanh nghiệp mới, phấn đấu hết năm 2020 phải có 25.000 doanh nghiệp; hỗ trợ ý tưởng kinh doanh, định hướng ngành nghề kinh doanh cho doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ về vốn vay ngân hàng; hỗ trợ tiếp cận đất đai; hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật; hỗ trợ kết nối, quảng bá sản phẩm; hỗ trợ quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ nguồn nhân lực, lao động.

Đồng chí giao Cục thuế tỉnh kiểm soát chặt chẽ chính sách thuế đối với hộ kinh doanh cá thể; tuyên truyền, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể thành lập doanh nghiệp; các ngành chức năng phối hợp kiểm tra các điều kiện kinh doanh của hộ kinh doanh.

* UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xử lý, khắc phục hiện tượng nước suối ô nhiễm môi trường chảy ra Vịnh Hạ Long

Ngày 8/10, UBND tỉnh ban hành Công văn số 7239/UBND-MT về việc kiểm tra, xử lý và khắc phục hiện tượng nước suối ô nhiễm môi trường chảy ra Vịnh Hạ Long.

Theo đó, ngày 8/10, một số báo điện tử có bài phản ánh hiện tượng nước thải từ hoạt động sản xuất của Công ty Than Hòn Gai - TKV không được xử lý, xả ra ngoài môi trường gây ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Trước thông tin trên, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND TP Hạ Long và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh hiện tượng báo nêu; chỉ đạo triển khai ngay các giải pháp khắc phục, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có), đảm bảo không để xảy ra hiện tượng ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến môi trường Vịnh Hạ Long và đời sống nhân dân khu vực; báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý về UBND tỉnh trước ngày 15/10/2019 và thông tin kết quả kiểm tra, xử lý đến các cơ quan báo chí theo quy định.

11, https://quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=87328

Quảng Ninh: Những sự kiện và hoạt động nổi bật diễn ra từ ngày 14/10 - 20/10/2019

Tổng hợp ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tại các văn bản mới phát hành và một số cuộc họp quan trọng diễn ra từ ngày 14/10 - 20/10/2019.

*Thường trực Tỉnh uỷ làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh

Ngày 15/10, tại TP Hạ Long, Thường trực Tỉnh uỷ có buổi làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh về công tác chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV.

Dự buổi làm việc về phía Đoàn ĐBQH tỉnh có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.

Về phía tỉnh có đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

Tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV. Theo đó, từ ngày 20/9 đến nay, các ĐBQH tỉnh đã thực hiện tiếp xúc cử tri tại 12/14 địa phương trong tỉnh để thông báo dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận, tổng hợp những kiến nghị của cử tri các địa phương, sở, ngành của tỉnh gửi đến cơ quan Trung ương. Trong đó, tập trung vào các kiến nghị: Đề nghị Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế để tỉnh Quảng Ninh được đầu tư các dự án xây dựng kè biên giới từ nguồn ngân sách địa phương; xem xét điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội để giảm bớt khó khăn cho đối tượng bảo trợ xã hội; xúc tiến, tìm kiếm các nhà đầu tư triển khai Dự án đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh các nội dung như: Đầu tư tuyến kè biên giới, hạ tầng cảng bến neo đậu cho tàu, thuyền tại huyện đảo Cô Tô, tuyến đê Hà Nam (TX Quảng Yên) là các vấn đề quan trọng liên quan đến công tác quốc phòng, an ninh, phòng, chống các tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân trên địa bàn. Qua đó, các nội dung này sẽ tiếp tục được Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị, đề xuất cơ chế quan tâm, tạo điều kiện từ Trung ương. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh chủ động xây dựng, đề xuất các cơ chế cụ thể trên cơ sở chủ động nguồn lực của tỉnh để nhanh chóng triển khai đầu tư các công trình.

Ngoài ra, đối với nội dung đóng góp vào Luật Xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, ý kiến xây dựng luật phải đảm bảo cơ chế thông thoáng, kiểm soát tốt, gắn liền với bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Về những kiến nghị của cử tri liên quan đến công tác cán bộ, phòng, chống tham nhũng, đồng chí đề nghị chú ý nội dung đảm bảo dân chủ, khách quan, minh bạch trong cấp uỷ, chính quyền.

Tại buổi làm việc, đồng chí đề nghị tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát huy sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân, trên tinh thần tuân theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, quan tâm thực hiện nghiêm tập trung dân chủ bám vào quy chế mẫu mà Trung ương quy định đảm bảo nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.

Đối với việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục bám sát thực hiện các nội dung của Chỉ thị. Trong đó, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là người đứng đầu.

Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung của Nghị quyết 18,19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đảm bảo các yêu cầu về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, đánh giá các mô hình đổi mới, sáp nhập đã và đang triển khai trên địa bàn để có kế hoạch tiếp tục thực hiện, nhân rộng. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tăng cường giám sát, đảm bảo phát huy hiệu quả hoạt động của trung tâm phục vụ hành chính công các cấp, phát huy hiệu quả chính quyền điện tử và vai trò của công dân điện tử. Đồng thời, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới.

Trong công tác đầu tư công, đồng chí đề nghị tỉnh Quảng Ninh thực hiện việc đầu tư tập trung trọng tâm, trọng điểm. Trong đó đặc biệt là hoàn thiện hạ tầng giao thông; đầu tư cho nguồn nhân lực qua việc phát huy hiệu quả đào tạo của Trường Đại học Hạ Long và 3 trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình đầu tư quản lý chặt chẽ, tránh tiêu cực, lãng phí, tăng cường hợp tác công tư, tháo gỡ thủ tục hành chính...

Trong việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, đồng chí khẳng định đây là chủ trương lớn, thiết thực và nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân trong tỉnh, qua đó thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, mở rộng các dịch vụ để phát triển hiệu quả thế mạnh khu vực. Tỉnh Quảng Ninh cần chủ động công tác thông tin, định hướng dư luận xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh, thời gian qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp hiệu quả với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh trong nhiều hoạt động, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của Đoàn. Mong muốn những kiến nghị của cử tri, đề xuất của tỉnh tiếp tục được Đoàn ĐBQH tỉnh truyền tải tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Bên cạnh các kiến nghị về đầu tư tuyến kè biên giới; trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ tại Cô Tô, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị quan tâm kiến nghị liên quan đến Dự án  tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đã kéo dài nhiều năm tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.

Thông tin về một số nội dung công tác trọng tâm của tỉnh, trong đó thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về sáp nhập các xã, trong đó Quảng Ninh tiến hành sáp nhập 9 đơn vị hành chính cấp xã, đồng chí cho biết đến thời điểm này, 100% các huyện, xã đã thực hiện đảm bảo các thủ tục sáp nhập theo quy định, với sự đồng thuận nhất trí cao của nhân dân. Đối với sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, đồng chí khẳng định đây là yêu cầu xuất phát từ nhu cầu phát triển thực tiễn của tỉnh. Mặc dù trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành dù với thời gian gấp rút nhưng việc sáp nhập đã được triển khai hết sức thuận lợi, phù hợp với ý Đảng, lòng dân, 100% Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đồng thuận.

Đến ngày 18/10, hai địa phương sẽ kết thúc lấy ý kiến cử tri, song qua tiếp xúc, nắm bắt thì toàn bộ cử tri, nhân dân huyện Hoành Bồ và TP Hạ Long rất phấn khởi, ủng hộ. Qua đây, đồng chí đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị Uỷ ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội sớm hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của pháp luật để trước ngày 31/12/2019 có nghị quyết. Về phía tỉnh đang sẵn sàng các phương án để sắp xếp, đảm bảo ổn định bộ máy, tổ chức hiệu quả, hiệu lực tinh gọn đảm bảo mục tiêu phát triển.

Trong công tác đầu tư công, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có Nghị quyết điều chỉnh một số nội dung để đáp ứng yêu cầu khách quan. Trong đó, tỉnh tập trung thực hiện 3 công trình động lực, gồm: Cầu Cửa Lục 1, 3; đường nối Khu Công nghiệp Việt Hưng - Khu Công nghiệp Cái Lân đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; đường qua Khu Kinh tế ven biển Quảng Yên đến TP Uông Bí và TX Đông Triều. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương án tối ưu triển khai hầm đường bộ qua Vịnh Cửa Lục.

Về việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện tích cực các nội dung và tiếp tục có những đột phá về các giải pháp sáng tạo trong thực hiện. Đến thời điểm này, tỉnh đã đảm bảo 100% bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu và đang đẩy mạnh thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường; phó bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND; phó bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ.

* Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri tại TX Quảng Yên và TP Uông Bí

Ngày 15/10, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ĐBQH tỉnh, đã có buổi tiếp xúc cử tri TX Quảng Yên trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi tiếp xúc, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ĐBQH tỉnh đã thông báo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đến cử tri. Theo đó, kỳ họp dự kiến diễn ra từ ngày 21/10 đến ngày 21/11/2019. Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 11 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 8 dự án luật; xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định một số nội dung quan trọng khác…

Cũng tại buổi tiếp xúc, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ĐBQH tỉnh đã thông báo khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 9 tháng năm 2019, kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh; tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri trong tỉnh và của cử tri TX Quảng Yên trong kỳ tiếp xúc trước.

Tại buổi tiếp xúc, đại biểu cử tri TX Quảng Yên cũng đã kiến nghị tới Trung ương và tỉnh một số vấn đề liên quan đến các nội dung: Công tác thực hiện chính sách hỗ trợ kinh tế cho ngư dân bám biển; phát triển kinh tế hạ tầng, giao thông; chính sách phụ cấp với cán bộ là trưởng thôn, khu; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; công tác quản lý học sinh trong nhà trường và bạo hành trẻ em trong các cơ sở mầm non; …

Sau khi nghe ý kiến của đại biểu cử tri TX Quảng Yên kiến nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ĐBQH tỉnh đã giải đáp, làm rõ các nội dung cử tri quan tâm, đồng thời ghi nhận những vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương để chuyển cơ quan chức năng xem xét, giải quyết trong thời gian tới.

Ngày 17/10, đồng chí Đỗ Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đã có buổi tiếp xúc cử tri tại TP Uông Bí để thông tin về nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp.

* Thường trực Tỉnh ủy giao ban thường kỳ

Ngày 15/10, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị giao ban thường kỳ, nghe và cho ý kiến đối với một số nội dung quan trọng. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2019, tỉnh và các địa phương đã tiếp gần 5.460 lượt công dân, với 2.829 vụ việc, giảm 48,4% so với cùng kỳ năm 2018; tiếp nhận 6.551 đơn với 4.676 vụ việc. Kết quả đến 25/9/2019, đã giải quyết xong 4.139 vụ việc, đạt tỷ lệ 88,51%.

Theo đánh giá của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, công tác tiếp công dân được đổi mới, nâng cao chất lượng. 100% các đồng chí là bí thư cấp ủy đã thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất, quan tâm thấu đáo hơn đến việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường đối thoại; người tham gia đối thoại phải đúng thẩm quyền. Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường công tác quản lý đất đai, nhất là đất rừng, đất bãi triều, khắc phục tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép, hạn chế khiếu nại, tố cáo trong nhân dân… Từ đó, số vụ việc công dân chủ động rút khiếu nại tăng; số vụ việc giảm; tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng; không để hình thành các điểm nóng, góp phần đảm bảo ANTT, ổn định địa bàn.

Cho ý kiến về nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Để khiếu nại, tố cáo gia tăng, vượt cấp là do công tác giải quyết ngay từ đầu tại địa phương chưa tốt. Vì thế, đồng chí yêu cầu cần phân loại, gắn rõ trách nhiệm các cấp, đơn vị. Tiến độ giải quyết phải được xác định rõ ràng, dứt điểm đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Đặc biệt, công tác giám sát tại cơ sở cần tăng cường, sẽ trang bị công nghệ là hệ thống camera để theo dõi, giám sát; công tác dân vận phải đi cùng với quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; cần tăng cường hỗ trợ pháp lý cho nhân dân. Các đơn vị, địa phương phải có sự phối hợp chặt chẽ, tiếp cận, giải quyết ngay từ đầu vụ việc. Cần củng cố, nâng cao trách nhiệm, vai trò của đội ngũ cán bộ trong xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân.

Cũng tại hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy đã nghe Đảng đoàn HĐND tỉnh báo cáo về chương trình Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIII.

Theo đó, kỳ họp dự kiến diễn ra vào ngày 26/10 sẽ tập trung thảo luận và dự kiến thông qua 10 nghị quyết quan trọng: Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh; công nhận TX Đông Triều là đô thị loại III trực thuộc tỉnh; quyết định đầu tư một số dự án giao thông động lực vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 gồm nút giao Đầm Nhà Mạc, cầu Cửa Lục 1, 3, đường nối Khu Công nghiệp Cái Lân với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn...; chủ trương đầu tư dự án khu đô thị ngành Than, đô thị 2 bên đường dẫn cầu Bắc Luân II; Nghị quyết thông qua danh mục các dự án, công trình thu hồi đất, có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất…

Cho ý kiến về nội dung này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIII là kỳ họp chuyên đề, tuy nhiên giải quyết các vấn đề lớn của tỉnh. Vì thế, cần rà soát cụ thể, nội dung nào đã hoàn chỉnh, cấp thiết sẽ đưa ra kỳ họp để thống nhất, xin ý kiến, nội dung nào còn dang dở sẽ tiếp tục hoàn thiện.

Cần chú ý đến nội dung Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính vì đây là chủ trương mới, lớn của tỉnh, vì thế cần quan tâm thực hiện công khai, xin ý kiến nhân dân trước kỳ họp. Đối với quyết định đầu tư một số dự án giao thông, cần bám sát thực tiễn khách quan, đảm bảo quy trình thực hiện theo đúng lộ trình, quy định pháp luật.

* 100% đại biểu HĐND TP Hạ Long tán thành việc nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long

Ngày 20/10, HĐND TP Hạ Long khóa XX, nhiệm kỳ 2016-2021, đã long trọng tổ chức Kỳ họp thứ 14 để thảo luận, cho ý kiến biểu quyết thông qua Nghị quyết về tán thành chủ trương nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long. Dự và chỉ đạo kỳ họp có đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký đã khẳng định: Kỳ họp thứ 14 là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử của HĐND thành phố để thảo luận, xem xét quyết định vấn đề hệ trọng của cả hệ thống chính trị nhằm tạo ra động lực mới, nguồn lực mới, giá trị của sự khác biệt cho sự phát triển nhanh, bền vững của TP Hạ Long, của tỉnh và khu vực không chỉ trước mắt mà là lâu dài.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng, nỗ lực, những thành tích đã đạt được của các cấp ủy, chính quyền TP Hạ Long, sở, ban, ngành; sự đồng lòng, nhất trí trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành của tập thể cán bộ, lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở, sự đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ và hệ thống chính trị toàn thành phố, nhất là sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân để tập trung huy động và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư, giữ vững ổn định nhằm phát triển nhanh, bền vững, góp phần đưa TP Hạ Long trở thành địa phương phát triển nhanh, mạnh, năng động nhất tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Từ thực tiễn khách quan, nhu cầu phát triển của tỉnh Quảng Ninh và của hai địa phương, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, nhằm đáp ứng tình cảm, nguyện vọng chính đáng của đông đảo, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện bài bản, có phương án, giải pháp thấu đáo, hợp lý, tiến hành thận trọng, không nóng vội, chủ quan, đốt cháy giai đoạn, từng bước chắc chắn với lộ trình khẩn trương để chớp lấy thời cơ và cơ hội, ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 2/10/2019 về mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo đồng bộ với công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Cách làm này đã được dư luận đánh giá cao. Việc nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long đã được nhân dân đồng tình, ủng hộ với tỷ lệ đồng thuận cao 98,55%, trong đó TP Hạ Long đạt 99,26%, huyện Hoành Bồ đạt 96,05%. Kỳ họp HĐND cấp xã đã diễn ra tốt đẹp với 100% đại biểu cấp xã tham dự kỳ họp tán thành với phương án, đề án sắp xếp.

Việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long theo hướng sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long sẽ hình thành nên một đô thị loại I thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính trực thuộc, độc đáo về cảnh quan, địa hình, tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, “có một, không hai”, tạo dư địa, nguồn lực, động lực mới, giá trị khác biệt thúc đẩy thu hút và phát huy mọi nguồn lực, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Xây dựng TP Hạ Long xứng tầm thành phố du lịch biển văn minh tầm quốc tế, đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị thông minh với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại gắn với bảo vệ cảnh quan vùng Di sản và công viên rừng nhằm phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, củng cố tiềm lực và thế trận quốc phòng an ninh, tạo động lực lan tỏa trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và khu vực phía Bắc, hạt nhân thúc đẩy xây dựng tỉnh Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đẩy mạnh phát triển kinh tế với định hướng du lịch, dịch vụ tổng hợp, hiện đại, chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế; công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp sạch thân thiện môi trường, giá trị gia tăng lớn. Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ phục vụ du lịch. Cùng với đó là chuyển đổi phương thức phát triển theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên, con người và văn hóa.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Việc nhập địa giới hành chính TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với 2 địa phương, mà còn là sự phát triển cho cả tỉnh nhanh, mạnh, bền vững hơn nữa. Đây là việc rất hệ trọng, cần phải được nhận thức một cách đầy đủ, thấu đáo và phải tiếp tục nghiên cứu, xây dựng những phương án thực hiện hiệu quả, tối ưu nhất. Trong đó, phải có cơ chế, chính sách tạo thế và lực cho sự phát triển; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; giải quyết tốt nhất những yêu cầu của người dân, về y tế, giáo dục, an sinh xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng…

Trên tinh thần đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, với trách nhiệm, tình cảm và sự tin tưởng, kỳ vọng vào sự cất cánh của một Hạ Long đổi mới và phát triển, các vị đại biểu HĐND TP Hạ Long đề cao trách nhiệm, trí tuệ, nêu cao tinh thần đoàn kết, dân chủ, bàn bạc và thống nhất quyết nghị những vấn đề quan trọng kỳ họp đặt ra

* Tiếp tục củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận xã hội cao nhất cho việc mở rộng địa giới hành chính TP Hạ Long và Hoành Bồ

Ngày 18/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 2/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ. Tại buổi làm việc lãnh đạo 2 địa phương báo cáo qua nắm tình hình dư luận nhân dân và đánh giá sơ bộ trên 90% cử tri 2 địa phương đồng tình với việc sáp nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí lãnh đạo đại diện các đoàn thể, các ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn của cả hai 2 địa phương Hạ Long, Hoành Bồ.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao tinh thần vào cuộc tích cực của các đơn vị liên quan, sự đồng thuận rất cao của trên 90% cử tri TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ đối với sự kiện mang tính lịch sử này mặc dù hiện nay vẫn còn đang trong giai đoạn xin ý kiến cử tri theo quy định của pháp luật.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện là một chủ trương lớn đã được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ ra nghị quyết chỉ đạo thực hiện. Bám sát các hướng dẫn và quy định của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo, triển khai thực hiện theo đúng trình tự thủ tục, quy định pháp luật, chặt chẽ và bài bản, không chủ quan nóng vội, không duy ý chí, không đốt cháy giai đoạn. Việc sáp nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long tạo không gian phát triển xứng tầm, phát huy tiềm năng, lợi thế của Hạ Long và Hoành Bồ, tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tạo sức bật mới cho tỉnh trong giai đoạn tới. Đồng thời, là điều kiện tốt để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư chiến lược với các dự án lớn và giải quyết được vấn đề môi trường tự nhiên vốn đã là thách thức từ nhiều năm nay của cả Hoành Bồ và Hạ Long.

Trên tinh thần đó, để đảm bảo các mục tiêu, quan điểm, tiến độ thực hiện mà Nghị quyết số 18-NQ/TU đã đề ra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cần tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, hệ trọng của tỉnh. Do đó, cần tranh thủ những điều kiện thuận lợi nhất hiện nay, sự ủng hộ rất cao từ phía nhân dân để triển khai quyết liệt, thành công.

Về những công việc cụ thể, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo:

Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông, công tác tư tưởng, dân vận, giữ vững sự ổn định, củng cố sự ủng hộ, đồng thuận, của người dân, cán bộ, đảng viên. Theo đó, Trung tâm truyền thông tỉnh, Sở Thông tin và truyền thông, các đoàn thể cần kiểm soát chặt chẽ các nguồn thông tin, lắng nghe, giải thích đầy đủ, rõ ràng những lợi ích, cơ hội khi thực hiện sáp nhập để nhân dân hiểu, được biết và đồng hành cùng tỉnh triển khai chủ trương chung. Đặc biệt không để khoảng trống trong chỉ đạo và thực hiện.

Thứ hai, Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long, Ban Thường vụ Huyện ủy Hoành Bồ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vững tâm, tin tưởng vào sự công khai, minh bạch, dân chủ, các chỉ đạo của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Sở Nội vụ, các sở, ngành liên quan tập trung, chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ để trình HĐND tỉnh trong kỳ họp tới. Các địa phương phải tăng cường quản lý chặt chẽ tài nguyên, đất đai, nghiêm cấm tình trạng lợi dụng, trục lợi, nâng giá, chuyển nhượng đất đai trái pháp luật.

Thứ ba, các sở, ngành chuyên môn, chủ động rà soát quy hoạch, chuẩn bị nội dung cho kế hoạch phát triển mới của TP Hạ Long sau sáp nhập huyện Hoành Bồ và của tỉnh đảm bảo tầm nhìn của đô thị hạt nhân vùng. Đối với hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, nước... cần tính toán lại các phương án đấu nối, quan điểm chỉ đạo là tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân đi lại, phục vụ dân sinh, động lực phát triển, khai thác quỹ đất và không gian tại các vị trí còn đang nguyên sơ với tinh thần bền vững. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các kế hoạch xúc tiến đầu tư để thu hút các dự án đầu tư mới, phù hợp với quy mô của đô thị hiện đại.

* Trường Đại học Hạ Long Lễ kỷ niệm 60 năm truyền thống

Sáng 17/10, tại TP Uông Bí, Trường Đại học Hạ Long long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm truyền thống, 5 năm thành lập trường và khai giảng năm học 2019 – 2020. Phát biểu chúc mừng, động viên cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh mục tiêu: Sớm xây dựng Đại học Hạ Long theo đúng mô hình là đô thị đại học, trường đại học có danh tiếng của cả nước.

Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh; Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.

Phát biểu chúc mừng, biểu dương cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của nhà trường tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, Trường Đại học Hạ Long là một trong những mô hình để thực hiện một trong ba đột phá chiến lược của Đảng đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tỉnh Quảng Ninh với mục tiêu chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh" xây dựng tỉnh có cơ cấu kinh tế là dịch vụ-công nghiệp vào năm 2020, đến năm 2025 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những cực tăng trưởng của miền Bắc, xác định phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược với yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn, thực chất hơn. Trong đó, một trong những giải pháp cốt lõi là phải tập trung phát triển, thu hút nguồn nhân lực, đổi mới căn bản giáo dục đào tạo đón bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.  Và trường Đại học Hạ Long, với sứ mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của cả nước thì cần phải đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục và đào tạo, mục tiêu là sớm xây dựng Đại học Hạ Long trở thành Đô thị Đại học.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu, khẩn trương quy hoạch tổng thể Trường Đại học Hạ Long theo đúng mô hình, xác định xây dựng theo mô hình đô thị Đại học, xây dựng đồng bộ, hiện đại các hạng mục với tầm nhìn dài hạn, hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, của vùng đồng bằng sông Hồng và cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và quốc tế, dần từng bước thực hiện lộ trình tự chủ phù hợp đặc thù của tỉnh Quảng Ninh theo đúng chủ trương Luật Giáo dục Đại học 2018, Nghị quyết 29 Hội Nghị BCH TƯ khóa VIII, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Tỉnh sẽ tính toán các nguồn lực phù hợp để làm đâu được đấy, thực sự đồng bộ hiện đại.

Đối với tập thể lãnh đạo, giảng viên nhà trường phải xác định mô hình hoạt động là đại học đa ngành, đa lĩnh vực nhưng tiếp tục tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn mà tỉnh có lợi thế để tạo ra so sánh khác biệt nhằm xây dựng thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm dịch vụ đào tạo. Trong đó, xác định các ngành trước mắt là Du lịch, khoa học môi trường, Công nghệ thông tin, văn hóa nghệ thuật, ngôn ngữ, tập trung cho ngôn ngữ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Đồng thời bám sát nhu cầu thị trường theo quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, của vùng và đất nước để xác định mục tiêu, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm cho phù hợp, gắn với sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư của tỉnh, nhất là các cơ chế chính sách thu hút sinh viên, khuyến khích để trường đại học tuyển sinh viên ngày càng chất lượng đầu vào để tăng chất lượng đầu ra theo đúng tinh thần của Nghị quyết HĐND tỉnh.

Trong bối cảnh cạnh tranh về thu hút giảng viên chất lượng cao, sinh viên của các trường đại học, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu nhà trường xây dựng môi trường xanh–sạch-đẹp–an toàn và thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật, kỷ luật; tăng cường liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực; gắn kết chặt chẽ, thực chất và hiệu quả giữa đào tạo và sử dụng lao động; quản lý khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất được trang bị phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy; bảo đảm học viên khi tốt nghiệp ra trường có phẩm chất chính trị, đạo đức, trí tuệ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp tương xứng với bằng cấp, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, của doanh nghiệp.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo và phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của nhà trường. "Nhà trường cần tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, thực hiện liên kết đào tạo có chọn lọc với các trường Đại học có uy tín trong nước, khu vực và quốc tế, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc; tăng cường trao đổi sinh viên, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào. Chú ý nghiên cứu khoa học, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia, cấp tỉnh, tăng số lượng bài báo khoa học quốc tế công bố trên các tạp chí có uy tín trong nước và trên thế giới, nhiệm vụ này khó khăn nhưng cần thực hiện thường xuyên, liên tục để xây dựng thương hiệu nhà trường, cũng như hình thành học liệu của một trường đại học theo đúng yêu cầu của Luật Giáo dục Đại học"-đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Về phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, yêu cầu nhà trường triển khai thực hiện tốt chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại trường, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chuyên ngành ưu tiên theo các mục tiêu của trường đề ra và chính sách của tỉnh, tăng tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ ngang bằng và cao hơn so với tỷ lệ chung của các trường đại học uy tín trên toàn quốc. Tích cực, chủ động áp dụng chuyển giao những công nghệ đào tạo đại học tiên tiến của thế giới và nâng cao trình độ quản trị Đại học Hạ Long. Cùng với đó, nhà trường phải thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, giảng viên, công nhân viên, học viên phải thực sự là những tấm gương mẫu mực về đạo đức, về nhân cách lối sống, tinh thần tự học, tự nghiên cứu khoa học và sáng tạo.

* Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Đoàn cán bộ học viên lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược

Chiều 16/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Đoàn cán bộ học viên lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về kinh nghiệm triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương; kết quả phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện 3 đột phá chiến lược, thu hút đầu tư các nguồn lực phát triển; về công tác xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh.

Dự buổi làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng, các sở, ngành của tỉnh.

Phát biểu buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phân tích làm rõ thêm những những vấn đề đoàn cán bộ học viên quan tâm. Đồng chí chia sẻ, những thành tựu Quảng Ninh đạt được trong thời gian qua là có sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quyết tâm chính trị cao, có tư duy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Cùng với đó, phải thường xuyên, rà soát, kiểm tra những việc đang làm để kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn.

Đặc biệt, Quảng Ninh luôn coi trọng nhân tố con người, là yếu tố cốt lõi của mọi công việc. Do đó thời gian qua, tỉnh rất quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, tài, đảm bảo trong thực tế con người là chủ thể, là nguồn lực, là mục tiêu phát triển, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp vào Đảng, chế độ. Song song với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh luôn làm tốt công đảm bảo an ninh - quốc phòng, xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng thông tin tới đoàn công tác một số việc mới mà tỉnh đang quyết tâm thực hiện, như: Sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã; sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long; tích cực thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, khẳng định sẽ là địa phương tiếp tục có những đột phá về các giải pháp sáng tạo trong thực hiện.

Đồng chí mong muốn qua nghiên cứu thực tế tại Quảng Ninh, đoàn công tác sẽ có những phân tích, góp ý vào những mô hình, cách làm của tỉnh vì sự phát triển chung.

* Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng: Đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2019

Ngày 16/10, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã chủ trì cuộc họp nghe và cho ý kiến một số nội dung liên quan đến tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2019 và xây dựng dự toán thu, chi NSNN năm 2020.

Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành dự họp tiếp thu một số nội dung mà Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đã báo cáo tại cuộc họp; đồng thời, làm rõ một số nội dung về tình hình thu nộp ngân sách đối với một số đơn vị lớn; thu hộ kinh doanh cá thể; hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động, đặc biệt là kiểm soát chặt vấn đề chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp; thu tiền sử đụng đất tại các địa phương; nghiên cứu cụ thể phương án dự toán thu chi ngân sách năm 2020 để đảm bảo tăng trưởng thu ngân sách, nhất là trong điều kiện các địa phương lân cận đang có bứt phá trong số thu ngân sách;...

Trên cơ sở báo cáo của các sở, ngành, phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Thời gian thực hiện nhiệm vụ ngân sách năm 2019 không còn nhiều, do đó, các sở ngành, địa phương tăng cường các giải pháp để hoàn thành mục tiêu tiêu thu ngân sách cả năm 2019 đạt 43.000 tỷ đồng, tổng thu nội địa vẫn đảm bảo hoàn thành dự toán đầu năm HĐND tỉnh giao tăng 10% so cùng kỳ, đảm bảo chỉ tiêu tối thiểu 10% theo đúng Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Do đó, các ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung các chống thất thu ngân sách, nhất là đối với các hộ kinh doanh, giám sát chặt chẽ các nguồn thu trong đó có nguồn thu từ Vịnh Hạ Long; tăng cường giám sát hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu. Tiếp tục rà soát thu từ sử dụng đất, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ chủ trì làm việc với các địa phương không đạt dự toán ngân sách; gặp mặt, làm việc với các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn để tiếp tục tháo gỡ khó khăn.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo cụ thể về dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2020. Dự kiến Trung ương giao 45.045 tỷ đồng, trong đó: thu xuất nhập khẩu 9.500 tỷ đồng, thu nội địa 35.545 tỷ đồng. Đồng chí nhấn mạnh: Dự toán thu NSNN năm 2020 được xây dựng trên cơ sở căn cứ vào các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020 của tỉnh; dự báo tình hình KT-XH, đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh và mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn năm 2019. Bố trí dự toán chi thường xuyên năm 2020 (phần chi hoạt động) không thấp hơn mặt bằng chi năm 2019.

Cùng ngày, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tiếp tục báo cáo các nội dung liên quan đến kế hoạch chi đầu tư phát triển năm 2020 và một số nội dung quan trọng khác.

* Họp Ban Cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh

Chiều 18/10, tại TP Hạ Long, Ban Cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh họp cho ý kiến về một số nội dung triển khai thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp.

Ban Cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh cho ý kiến về nội dung dự kiến đăng ký trình Kỳ họp thường lệ cuối năm 2019 của HĐND tỉnh khóa XIII. Ngoài nội dung chính trong chương trình gồm 6 tờ trình dự thảo nghị quyết và 6 báo cáo chuyên đề, còn có 17 nội dung được các sở, ngành, địa phương đăng ký dự kiến trình bổ sung tại kỳ họp.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của đại diện các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng thống nhất một số nội dung các sở, ngành, địa phương đăng ký trình HĐND tỉnh. Trong đó có tờ trình, dự thảo nghị quyết quy định mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; việc điều chỉnh tăng mức phí tham quan Vịnh Hạ Long… Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát, cân nhắc kỹ các nội dung đảm bảo tính cấp thiết, thực tiễn.

Cho ý kiến về Dự thảo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, các ý kiến tại cuộc họp cho rằng báo cáo phải đánh giá thấu đáo kết quả của năm 2019. Đặc biệt cần làm nổi bật sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh trong các lĩnh vực, nhất là thu ngân sách và chống thất thu ngân sách nhà nước. Đồng thời đánh giá kỹ những tồn tại, hạn chế, các nguyên nhân để từ đó gắn với giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 cho phù hợp, hiệu quả.

Thống nhất với các ý kiến tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: việc làm rõ những kết quả đạt được, nguyên nhân hạn chế của năm 2019 sẽ là cơ sở quan trọng để đề ra những giải pháp quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Đây cũng là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, do đó các sở, ngành, địa phương cần nỗ lực, phấn đấu cao, quyết tâm lớn để hoàn thành thắng mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2020 và cả nhiệm kỳ đã đề ra.

Ban Cán sự Đảng và Thường trực UBND Tỉnh cũng cho ý kiến vào Dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2019; xây dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020.

* Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng kiểm tra thực tế Trung tâm Thể thao tỉnh Quảng Ninh

Ngày 17/10, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng đã kiểm tra thực tế Trung tâm Thể thao tỉnh Quảng Ninh tại phường Đại Yên, TP Hạ Long và làm việc với Sở Văn hóa - Thể thao.

Qua kiểm tra thực tế toàn bộ dự án, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Quảng Ninh luôn quan tâm, chăm lo, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho phong trào luyện tập và thi đấu thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là thể thao thành tích cao. Điều đó thể hiện rất rõ ở việc dành quỹ đất, nguồn vốn và kêu gọi các nhà đầu tư cho Dự án Trung tâm thể thao tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh công trình Nhà thi đấu đa năng 5.000 đã được đầu tư xây dựng chất lượng và đang được quản lý, khai thác, vận hành tương đối tốt, thì tổng thể Dự án Trung tâm Thể thao tỉnh còn một số hạn chế, cần phải được sửa chữa, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện sớm để phát huy được tối đa giá trị sử dụng, góp phần đưa phong trào thể dục, thể thao của tỉnh phát triển nhanh, mạnh, xứng tầm.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Thời gian tới, Sở Văn hóa - Thể thao cần chủ động, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các hạng mục thành phần của Dự án Trung tâm Thể thao tỉnh, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, yêu cầu các nhà thầu thi công khắc phục, điều chỉnh, hoàn thiện các hạng mục theo đúng thiết kế. Đối với những vấn đề bất cập của quy hoạch, thiết kế đã được phê duyệt, Sở cần phối hợp với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh nhanh chóng lên phương án khắc phục, điều chỉnh, cải tạo để phục vụ hoạt động của Trung tâm.

Trong đó, cần ưu tiên nguồn vốn hoàn thiện ngay trong năm 2019 các hạng mục cần thiết, cấp bách phục vụ công tác huấn luyện, thi đấu của HLV, VĐV và các hạng mục có khả năng cho hiệu quả sử dụng cao, phục vụ chương trình, sự kiện, giải thi đấu. Các bên liên quan cũng cần nghiên cứu, rà soát lại quy hoạch, thiết kế tổng thể, lên kế hoạch về việc xây mới, bổ sung các hạng mục, công trình để Trung tâm có thể vận hành tốt, đạt hiệu quả cao; nghiên cứu, đề xuất sử dụng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh trong năm 2020.

* Lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

Chiều 18/10, tại TP Hạ Long, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đồng chí Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, chủ trì. Dự hội nghị có đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Phát biểu tại khai mạc hội nghị, đồng chí Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã khái quát nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Theo đó, dự luật có 11 chương với 102 điều quy định về hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư tại Việt Nam nhằm thu hút khu vực tư nhân đầu tư phát triển công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công; hoạt động quản lý nhà nước; trách nhiệm của các bên và của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư này...

Đồng chí đề nghị các đại biểu tham gia một cách cụ thể, rõ ràng vào từng nội dung của dự án luật để Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, tham gia thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV tới đây.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham gia vào Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đồng thời khẳng định sẽ nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ để chuyển cho cơ quan chuyên trách xem xét, làm cơ sở khoa học và thực tiễn để Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Quốc hội.

* Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Huy Hậu kiểm tra tại Hoành Bồ

Ngày 17/10, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đi kiểm tra một số nội dung liên quan đến địa giới hành chính, phát triển mô hình kinh tế tại huyện Hoành Bồ.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đi khảo sát địa giới hành chính huyện Hoành Bồ, gặp gỡ một số người dân, doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng khi tỉnh triển khai chủ trương mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ.

Đồng chí yêu cầu lãnh đạo huyện Hoành Bồ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyên vọng của nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn; triển khai các nội dung liên quan đến mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ phải minh bạch, công khai để nhân dân kịp thời theo dõi, nắm bắt. Qua đó, tiếp tục tạo sự đồng thuận trong nhân dân đối với chủ trương lớn của tỉnh.

Cũng trong chuyến kiểm tra, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã tới thăm  mô hình hoa lan và cá giống thuộc Công ty TNHH MTV Châu Thành (thôn Đè E, xã Lê Lợi) và mô hình trồng ổi Đài Loan kết hợp đào ao thả cá của gia đình ông Ân Văn Kim (thôn Đồng Đặng, xã Sơn Dương). Đây là những mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của huyện có giá trị kinh tế cao. Cụ thể, với mô hình của Công ty TNHH MTV Châu Thành mỗi năm cung cấp cho thị trường 30 triệu con cá giống và hơn 3.000 gốc hoa lan, doanh thu gần 20 tỷ đồng, lợi nhuận sau thu đạt khoảng 40%; mô hình trồng ổi Đài Loan kết hợp đào ao thả cá đem lại thu nhập 400 triệu đồng/năm.

Theo báo cáo của huyện Hoành Bồ, hiện các mô hình phát triển kinh tế đang được tập trung nhân rộng, từ năm 2017 đến nay toàn huyện có 33 phương án, mô hình phát triển sản xuất. Công tác hỗ trợ các mô hình được triển khai kịp thời, hiệu quả với tổng số tiền gần 28 tỷ đồng để mua giống, xây dựng hạ tầng, thiết bị sản xuất.

Đối với các mô hình nông nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh mong muốn nhân dân đổi mới tư duy, chủ động trong sản xuất, lựa chọn các mô hình phù hợp với điều kiện và nhu cầu địa phương. Đặc biệt, cần lưu ý đến phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, mạnh dạn thí điểm các mô hình phát triển kinh tế mới.

* Tăng cường quản lý hoạt động khai thác đất, đá làm vật liệu san lấp

Ngày 17/10, tại TP Hạ Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy chủ trì cuộc họp trực tuyến với các ngành, địa phương để nghe báo cáo và cho ý kiến về công tác quản lý hoạt động khai thác đất, đá làm vật liệu san lấp mặt bằng tại các địa phương.

Qua nghe báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các ý kiến của các đại biểu tham gia cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường biện pháp quản lý hoạt động khai thác đất, đá làm vật liệu san lấp. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu tỉnh, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh một số quy định quản lý hoạt động khai thác đất, đá làm vật liệu san lấp phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Các địa phương cần xác định rõ vị trí có thể khai thác đất làm vật liệu san lấp tập hợp gửi Sở Xây dựng tổng hợp để báo cáo UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 11/2019.

Đồng chí cũng yêu cầu, các sở, ngành tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của các đơn vị khai thác đất, đá san lấp. Nghiên cứu phương án sử dụng tro xỉ nhiệt điện, đất đá thải mỏ phục vụ san lấp. Giao Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong khai thác, vận chuyển đất, đá.

* UBND tỉnh nghe báo cáo tiến độ thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp

Sáng 18/10, UBND tỉnh đã tổ chức họp về công tác thoái vốn nhà nước tại các công ty: Công ty CP Môi trường đô thị Hạ Long; Công ty CP Môi trường đô thị Cẩm Phả; Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Móng Cái; Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh. Đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan.

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến đóng góp, của các Sở ngành, đơn vị, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Các sở ngành, địa phương và doanh nghiệp phải xác định công tác thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần là việc cấp bách phải tập trung triển khai.

Để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, đồng chí yêu cầu thành lập tổ giúp việc  làm việc tập trung tại trụ sở UBND tỉnh từ 19/10 – 26/10. Đồng chí yêu cầu các công ty cổ phần tiếp tục rà soát lại toàn bộ tài sản dưới sự phối hợp và hướng dẫn của các sở ngành liên quan để hoàn thành việc đánh giá giá trị tài sản doanh nghiệp, thẩm định đảm bảo đúng trình tự.

Đối với các vướng mắc trong việc thoái vốn tại Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai các bước theo lộ trình. Các nội dung vướng mắc trong quá trình triển khai phải phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu trình UBND tỉnh để báo cáo và xin ý kiến của các bộ, ngành và Chính phủ.

Đồng chí giao Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì xây dựng báo cáo, đánh giá về tình hình thoái vốn, các vướng mắc phát sinh... để UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính Phủ có cơ chế tháo gỡ, gia hạn tiến độ cụ thể. Trong tháng 10 phải có hoàn thiện báo cáo các phương án thoái vốn của 3 công ty: Công ty CP Môi trường đô thị Cẩm Phả; Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Móng Cái; Công ty CP Môi trường đô thị Hạ Long trình Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh.

* Tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đất đai, khoáng sản trong hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng

UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 7304/UBND-CN về việc tăng cường triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đất đai, khoáng sản trong hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh.


Tại Công văn, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, các quy định pháp luật, chỉ đạo của tỉnh để khẩn trương rà soát các tồn tại, vi phạm trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản... đã được Công an tỉnh báo cáo tại văn bản số 3680/BC-CAT-CSMtr ngày 20/8/2019 như: Một số đơn vị chưa thực hiện cắt tầng khai thác theo đúng thiết kế thi công, chưa cắm mốc ranh giới khu vực khai thác mỏ, khai thác vượt quá phạm vi ranh giới được phép, khai thác trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác, chưa thực hiện đầy đủ tần suất và thông số quan trắc trong bảo vệ môi trường, chưa thực hiện phân ô dán mã trong quản lý chất thải nguy hại, không bố trí khu vực lưu trữ chất thải nguy hại đúng yêu cầu kỹ thuật theo quy định, chưa thực hiện lắp đặt nhà khung kín tại các khu vực sàng, nghiền chế biến, không có giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, không thực hiện việc giám sát môi trường định kỳ theo ĐTM đã được phê duyệt, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời.... trên cơ sở đó thực hiện ngay các biện pháp xử lý, khắc phục tồn tại, vi phạm theo đúng quy định và nghiêm túc kiểm điểm, chấn chỉnh về công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chủ động rà soát, nắm chắc tình hình chấp hành các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện các vụ việc có dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm quy định pháp luật về đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản. Nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi thông tin về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn để đảm bảo công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ.

Sở Công Thương, rà soát lại các giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đã cấp cho các đơn vị khai thác đá; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong quá trình khai thác đá làm vật liệu xây dựng.

Sở Xây dựng rà soát lại quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công các dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giám sát chặt chẽ việc thực hiện theo thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định pháp luật, chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 08/2018/QĐ-UBND ngày 13/4/2018.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn, thực hiện bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định của Luật khoáng sản; Nghiêm túc thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3865/QĐ-UBND ngày 12/10/2017; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 212/KH-UBND ngày 19/7/2019 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 09/5/2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường đấu tranh và mở các đợt cao điểm tấn công ngăn chặn các loại tội phạm liên quan đến việc khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không rõ nguồn gốc; Xử lý các trường hợp, phương tiện vận chuyển khoáng sản quá khổ, quá tải, gây hư hỏng hạ tầng giao thông và gây ô nhiêm môi trường...

* Đẩy nhanh việc thực hiện thanh toán qua ngân hàng

Ngày 14/10, UBND tỉnh ban hành Công văn số 7411/UBND-TM4 về việc đẩy nhanh việc thực hiện thanh toán qua ngân hàng.

Tại Công văn, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị cung cấp dịch vụ công; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngân hàng để thực hiện thanh toán qua ngân hàng; trường hợp chưa có phần mềm đồng bộ kết nối dữ liệu giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với ngân hàng thì khẩn trương lắp đặt thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS) hoặc mã phản hồi nhanh (QR code) tại các điểm thu tiền của đơn vị cung ứng dịch vụ đảm bảo đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng; chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo Trung tâm phục vụ hành chính công phối hợp với các ngân hàng thương mại triển khai việc thu phí dịch vụ qua ngân hàng, không được phép thu tiền mặt đối với các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trở lên; tuyên truyền, vận động 100% cán bộ, công chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện thanh toán tiền điện, nước, học phí, viện phí bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Sở Y tế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo, theo dõi việc lắp đặt các thiết bị thanh toán tại các bệnh viện, cơ sở y tế trong tỉnh, đảm bảo 100% các bệnh viện tại TP Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái và 50% Trung tâm y tế cấp huyện được lắp thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ ngân hàng trước 31/10/2019.

Điện lực Quảng Ninh khẩn trương nhân rộng mô hình thanh toán qua tài khoản ngân hàng tại các chi nhánh điện trong toàn tỉnh.

Công ty cổ phần nước sạch Quảng Ninh đẩy nhanh việc hoàn thiện phần mềm dữ liệu kết nối với ngân hàng để thực hiện thanh toán qua ngân hàng, đồng thời phối họp với các ngân hàng lắp đặt thiết bị thanh toán thẻ tại các điểm thu tiền nước.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Hạ Long, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y Quảng Ninh phối hợp với ngân hàng lựa chọn hình thức phù hợp trong việc thu học phí qua ngân hàng tại các cơ sở đào tạo, giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.

Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Truyền thông tỉnh: Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh tập trung tuyên truyền về các hình thức, phương thức thanh toán các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội qua ngân hàng; các sản phẩm, dịch vụ và quy trình, thủ tục thanh toán không dùng tiền mặt; những lợi ích và hiệu quả của việc sử dụng thanh toán không đùng tiền mặt khi thực hiện nộp thuế, trả tiền điện, nước, học phí, viện phí và chi trả an sinh xã hội.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh: Chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ công triển khai các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp, tạo thuận lợi cho khách hàng, tìm giải pháp thuận tiện trong việc thanh toán qua ngân hàng cho các đối tượng khách hàng kể cả khách hàng chưa có tài khoản tại ngân hàng; nghiên cứu, đề xuất với ngân hàng cấp trên ban hành mức phí thanh toán để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt; có cơ chế miễn giảm phí phát hành thẻ, phí thường niên đối với các khách hàng vùng sâu, vùng xa tạo thói quen cho người dân thanh toán không dùng tiền mặt.

12, https://quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=87559

Quảng Ninh: Những sự kiện và hoạt động nổi bật diễn ra từ ngày 21/10 - 27/10/2019

Tổng hợp ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tại các văn bản mới phát hành và một số cuộc họp quan trọng diễn ra từ ngày 21/10 - 27/10/2019.

*Khai mạc Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XIII

Sáng 26/10, tại TP Hạ Long, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã long trọng tổ chức kỳ họp thứ 14 - kỳ họp chuyên đề. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.

Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện bài bản, có đề án, phương án, giải pháp thấu đáo, hợp lý, tiến hành thận trọng, không nóng vội, chủ quan, duy ý chí, thực hiện từng bước chắc chắn với lộ trình khẩn trương đảm bảo các quy định của Trung ương. Đặc biệt, quá trình triển khai Nghị quyết 18-NQ/TU ngày 2/10/2019 của Tỉnh ủy về mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ đã nhận được sự quan tâm, động viên rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo tỉnh và nguyên lãnh đạo tỉnh; sự thống nhất, đồng thuận rất cao của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, sự cổ vũ của dư luận báo chí truyền thông. Các phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được cử tri, nhân dân đồng tình, ủng hộ cao. Tỷ lệ đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã  có liên quan tham dự kỳ họp tán thành với phương án, đề án sắp xếp đều đạt 100%.

Tại kỳ họp chuyên đề này, trên cơ sở các tờ trình của UBND tỉnh, HĐND tỉnh sẽ thảo luận, thông qua Đề án về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019 - 2021; sắp xếp, sáp nhập 43 thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Cùng với đó, HĐND tỉnh sẽ thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển KT-XH của các địa phương, của tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Để đảm bảo chất lượng kỳ họp, trong thời gian qua, Thường trực, các ban HĐND tỉnh đã tích cực phối hợp với UBND tỉnh cùng các cơ quan liên quan chủ động chuẩn bị các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo Nghị quyết nghiêm túc, công phu, đúng trình tự, thủ tục theo Luật định để trình kỳ họp; đồng thời đã gửi sớm đến các vị đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu khách mời có thời gian nghiên cứu và công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi, tham gia đóng góp ý kiến.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tọa kỳ họp đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu tham dự kỳ họp đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ nghiên cứu kỹ các tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết, các báo cáo thẩm tra trình kỳ họp, sôi nổi thảo luận một cách thẳng thắn, có trọng tâm, trọng điểm; dân chủ, bàn bạc và thống nhất quyết nghị thông qua các nghị quyết sát với thực tiễn, đảm bảo nghị quyết HĐND sau khi ban hành phải thực sự đi vào cuộc sống.

* Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh: Thông qua 9 Nghị quyết quan trọng

Trong Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh (kỳ họp chuyên đề) khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021, các đại biểu đã xem xét, thảo luận các tờ trình, dự thảo Nghị quyết và biểu quyết 100% thống nhất thông qua 9 Nghị quyết quan trọng. Trong đó có Nghị quyết về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2019 – 2021.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp.

Nhấn mạnh việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ là việc lớn, rất hệ trọng, mang tính lịch sử liên quan chặt chẽ đến sự ổn định và phát triển của tỉnh cũng như của 2 địa phương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh, các thế hệ lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm, nghiên cứu đưa ra những chủ trương đúng đắn, lộ trình bài bản, từng bước chắc chắn và đã trải qua 3 lần điều chỉnh với các quy mô, mức độ khác nhau. Phương án lần này đặt ra theo hướng nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long là kết quả của cả quá trình chuẩn bị trong nhiều năm qua, là giải pháp đột phá có ý nghĩa chiến lược; xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn khách quan, yêu cầu phát triển của tỉnh Quảng Ninh và của hai địa phương, phù hợp với các quy hoạch tổng thể, chiến lược của tỉnh, của vùng.

Việc sắp xếp 9 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 5 địa phương Uông Bí, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà cũng đã được Quảng Ninh nghiên cứu công phu phương án sắp xếp theo hướng tối ưu hóa lợi thế sau sắp xếp để nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, có điều kiện tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và nâng cao chất lượng tiêu chí đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký đề nghị, ngay sau Kỳ họp này, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sớm trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định, phấn đấu hoàn thành trong năm 2019. Cả hệ thống chính trị toàn tỉnh cần tiếp tục quyết liệt tập trung cao độ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoàn tất các phương án, các công việc liên quan, điều kiện đảm bảo đều phải được chuẩn bị công phu để có thể triển khai ngay được Đề án sắp xếp khi được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

UBND tỉnh khẩn trương rà soát, đánh giá đầy đủ các tiêu chí đô thị loại I sau sáp nhập, đề xuất điều chỉnh quy hoạch tổng thể của thành phố Hạ Long mới cho phù hợp trên quan điểm kế thừa và phát triển, nhất là định hướng không gian phát triển tổng thể, không gian phát triển theo các khu vực phía Hoành Bồ. Các cấp chính quyền, địa phương, các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác quản lý đối với đất đai, xây dựng, quản lý hiện trạng sử dụng đất, không để phát sinh các trường hợp vi phạm lấn chiếm, sang nhượng, sử dụng đất sai mục đích, lợi dụng quá trình sắp xếp để đầu cơ, trục lợi, thổi giá đất, gây sốt ảo làm nhiễu loạn thị trường bất động sản, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cả trước mắt, cả lâu dài.

Đối với các nội dung về điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án và quyết định chủ trương đầu tư một số dự án giao thông động lực vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2016-2020, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Những dự án này không chỉ tăng cường năng lực của hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng, đảm bảo mục tiêu đồng bộ, hiện đại mà còn tạo đột phá về không gian kinh tế, đô thị, quỹ đất phát triển rộng lớn và có giá trị, mang ý nghĩa chiến lược, đánh thức những vùng tài nguyên còn hoang sơ. Do đó, đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện, đảm bảo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dứt điểm hoàn thành đúng tiến độ, công trình đạt chất lượng và phát huy hiệu quả sau đầu tư.

Thời gian còn lại của năm 2019 còn rất ít trong khi có nhiều việc trọng tâm, cấp bách phải triển khai, đồng chí đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, nhất là người đứng đầu càng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, không chủ quan, thỏa mãn, cần có những biện pháp quyết liệt, cụ thể khắc phục những hạn chế, nghiêm túc triển khai các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát diễn biến của tình hình thực tiễn, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng năm 2019.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi hơn nữa cho sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường và phòng chống tham nhũng, lãng phí; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giữ vững niềm tin của nhân dân và sự đồng thuận của xã hội. Chuẩn bị thật tốt các nội dung kỳ họp HĐND – kỳ họp thường lệ cuối năm 2019.

* Đoàn công tác Trung ương khảo sát về việc sắp xếp đơn vị hành chính tại Quảng Ninh

Ngày 24/10, tại huyện Hoành Bồ, Đoàn công tác Trung ương do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn làm Trưởng đoàn, đã có buổi khảo sát, làm việc với tỉnh Quảng Ninh về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, bày tỏ cảm ơn đối với những ý kiến đóng góp từ Đoàn công tác Trung ương, tỉnh Quảng Ninh sẽ tổng hợp, bổ sung vào Đề án.

Đồng chí nhấn mạnh, nhu cầu phát triển, mở rộng địa giới hành chính của TP Hạ Long đã 3 lần được Quảng Ninh đề cập đến. Tuy nhiên đến thời điểm này mới thực sự "chín muồi", sau khi trung ương ban hành các nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính. Do đó, thời điểm này Quảng Ninh đang rất tích cực thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập trên cơ sở sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, người dân ủng hộ. Quan điểm trong quá trình sáp nhập là phát triển đi đôi với bảo tồn, bảo vệ cảnh quan, môi trường…

Đồng chí đề nghị đoàn công tác tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Quảng Ninh triển khai hiệu quả công tác sắp xếp, sáp nhập. Đồng thời, đề xuất báo cáo trung ương cho Quảng Ninh sắp xếp, tổ chức bộ máy theo lộ trình, phù hợp ở đơn vị mới theo đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Xem xét cơ chế đặc thù để số lượng cấp phó khi sáp nhập vượt số lượng theo quy định hiện hành. Việc sáp nhập Hoành Bồ với Hạ Long nhiều ý kiến cho rằng diện tích như vậy là lớn, nhưng xét trên thực tế huyện Hoành Bồ có đến 78% diện tích là rừng đặc dụng, hồ thủy lợi, đảm bảo an ninh nguồn nước, như vậy diện tích dành cho đô thị sẽ đảm bảo hài hòa theo từng giai đoạn phát triển.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã ghi nhận, đánh giá cao tinh thần tập trung, tích cực của tỉnh Quảng Ninh trong triển khai sắp xếp đơn vị hành chính.

Đồng chí đề nghị, trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh cần lưu ý cân đối đơn vị hành chính cấp xã; việc hợp nhất tòa án, viện kiểm sát phải xin ý kiến từ cơ quan chuyên ngành cấp trên; cần có phương án xử lý cán bộ dôi dư, tinh giản biên chế hợp lý; tập trung cải cách hành chính, không để ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt người dân; phải có đề án riêng thành lập phường Hoành Bồ trên cơ sở thị trấn Trới hiện nay theo đúng quy định hiến pháp.

Đồng chí yêu cầu các vụ liên quan phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh để bổ sung, hoàn thiện đề án báo cáo Chính phủ, Quốc hội, đảm bảo đúng tiến độ xong trong năm 2019. Với những đề xuất, kiến nghị từ phía tỉnh, đoàn công tác sẽ tập hợp, báo cáo Trung ương.

* Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho ý kiến một số nội dung quan trọng

Chiều 24/10, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tổ chức hội nghị để nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng. 

Hội nghị đã nghe dự thảo báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công tác của tỉnh trong năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020. Năm 2019, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm bám sát sự chỉ đạo của Trung ương. Trong đó, việc thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ và chủ đề công tác năm 2019 và các nghị quyết của HĐND tỉnh đạt được kết quả toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP)  ước đạt 12%; cả 3 khu vực kinh tế đều tăng so với cùng kỳ, trong đó khu vực dịch vụ và ngành khai khoáng tăng cao. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh tiếp tục được cải thiện.

Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền địa phương, hệ thống chính trị được tăng cường; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng tiếp tục được nâng lên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với 14 địa phương ngay từ đầu năm để kịp thời định hướng, tháo gỡ khó khăn, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2019; chủ động làm việc với các nhà đầu tư chiến lược; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn và dài hạn. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được tăng cường; kỷ cương, kỷ luật hành chính được chấn chỉnh tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các công tác an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, ổn định, sâu sát...

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ trong tâm năm 2020; phân tích, lựa chọn chủ đề công tác năm 2020, các chỉ tiêu, giải pháp trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đối ngoại.

Sau khi nghe ý kiến tham gia của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, năm 2019 tỉnh đã thực hiện nhiều công việc quan trọng; đã kiện toàn các chức danh cán bộ, lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở; tạo được sự đồng thuận, ổn định, nhất là các chức danh chủ chốt. Kế thừa thành quả từ giai đoạn trước, nhất là về hạ tầng, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, kinh tế Quảng Ninh đã có sự tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây, môi trường sản xuất kinh doanh ngày càng cải thiện. Tỉnh Quảng Ninh đã bám sát với mục tiêu chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh, chú trọng việc phát triển gắn với bảo vệ môi trường. Công tác đảm bảo an sinh xã hội; đề án 196, chương trình nông thôn mới đạt hiệu quả cao; an ninh quốc phòng được củng cố, tăng cường.

Đối với phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2020, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, tỉnh Quảng Ninh phải tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Trong đó phấn đấu hoàn thành cao nhất các nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, đặc biệt là về chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển công nghiệp sạch; y tế, giáo dục, các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, giữ vững vị trí dẫn đầu về các chỉ số PCI, PAR INDEX; nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI; chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời phải làm tốt nhiệm vụ tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới.

Nhấn mạnh về những giải pháp cụ thể thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các ngành, địa phương phải tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội, đặc biệt là trong các dịp lễ, thời điểm trước khi diễn ra đại hội Đảng các cấp; tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình đổi mới, sáp nhập.

Cụ thể, về phát triển kinh tế, trước hết cần giữ vững niềm tin cho các nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư tư nhân. Đồng thời, đảm bảo tạo điều kiện cho các nhà đầu tư theo đúng cam kết; quan tâm làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn. Bên cạnh đó, tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là các địa phương như Móng Cái, Quảng Yên...

Trong lĩnh vực du lịch, đồng chí yêu cầu sớm hoàn thiện đề án phát triển sản phẩm du lịch Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô. Trong đó, tập trung đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Về việc điều chỉnh quy hoạch TP Hạ Long mới và tỉnh Quảng Ninh tập trung thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương. Quy hoạch phải rõ ràng, có tầm nhìn dài hạn để làm tốt việc quản lý, khai thác các tài nguyên, thế mạnh trong khu vực.

Trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, tập trung nâng cao đời sống nhân dân, gắn với các giải pháp tổng thể về đảm bảo phát huy hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực y tế, giáo dục. Đồng thời tập trung tăng cường an ninh trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, môi trường, văn hoá, và đặc biệt là đảm bảo an ninh tại các đơn vị hành chính sau sắp xếp, sáp nhập. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cần nâng cao tính chủ động, bám sát với các mục tiêu phát triển của tỉnh, tạo đồng thuận, củng cố niềm tin trong nhân dân.

Đồng chí Bi thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các ngành, địa phương nỗ lực tăng thu ngân sách nhà nước, rà soát các khoản còn có thể tăng thu, chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo hoàn thành cao nhất mục tiêu thu chi ngân sách. 

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo về nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu du lịch huyện đảo Cô Tô đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của quy hoạch hướng đến xây dựng huyện đảo Cô Tô trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao gắn với văn hoá lịch sử và thắng cảnh tự nhiên với các chức năng: Vui chơi, giải trí tổng hợp; thể thao; dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp... Huyện đảo Cô Tô sẽ là khu vực có kinh tế phát triển, có giá trị liên kết vùng; là trung tâm hậu cần nghề cá, trung tâm cứu hộ, cứu nạn vùng Đông Bắc và khu vực có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.

Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh những tiềm năng lợi thế về hệ sinh thái, cảnh quan, môi trường của Cô Tô rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Qua đó, đồng chí yêu cầu đơn vị tư vấn trong quá trình lập quy hoạch cần chú trọng giữ gìn cảnh quan tự nhiên; nâng cao vai trò, vị thế của Cô Tô, kết hợp với Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái tạo thành chuỗi du lịch độc đáo, khác biệt, thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch đến với Quảng Ninh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu đơn vị tư vấn cần có định hướng phát triển các phương tiện giao thông thông minh, an toàn, thân thiện với môi trường trên đảo Cô Tô; phát triển khu hậu cần nghề cá gắn với khu thương mại thủy sản; đồng thời đảm bảo mục tiêu giữ vững an ninh quốc phòng. 

Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng nghe và cho ý kiến về chương trình kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khoá XIII, nhiệm kỳ 2016 – 2021 (kỳ họp chuyên đề). Dự kiến kỳ họp sẽ diễn ra trong ngày 26/10/2019. Tại kỳ họp sẽ thảo luận và thông qua một số nghị quyết quan trọng như: Tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2019 – 2021; sáp nhận, giải thể và đổi tên thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2019- 2021; công nhận TX Đông Triều là đô thị loại III trực thuộc tỉnh; phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án giao thông động lực vào kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020...

Về nội dung này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí Thư Tỉnh uỷ yêu cầu Sở Nội vụ cùng các cơ quan liên quan, tập trung rà soát các nội dung nghị quyết trình tại kỳ họp, trong đó cần đặc biệt lưu ý tới nội dung liên quan đến việc sáp nhập các thôn, khu; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; sáp nhập Hoành Bồ với Hạ Long. Đồng thời cần xây dựng phương án cụ thể đối với việc sắp xếp cán bộ chuyên trách và không chuyên trách, ưu tiên bố trí công an xã chính quy tại các xã, phường sáp nhập, nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đối với việc sáp nhập Hoành Bồ với Hạ Long, cần lưu ý bổ sung các quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia; chỉ rõ những luận cứ về chức năng kinh tế sau khi sáp nhập, nhất là về quy mô kinh tế, thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người. Đồng thời chỉ rõ những giải pháp giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, phát triển các sản phẩm du lịch, mô hình tổ chức cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể. Không bỏ sót phương án sử dụng tài sản công của các xã, phường, địa phương sau khi sáp nhập.

*Đoàn công tác Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam làm việc với tỉnh Quảng Ninh

Ngày 22/10, Đoàn công tác của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do đồng chí Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, làm Trưởng đoàn, có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác. Cùng dự có các đồng chí trong Thường trực HĐND, UBND tỉnh và một số ban, sở, ngành liên quan.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Hoạt động nhân đạo và phong trào chữ thập đỏ luôn có ý nghĩa rất to lớn, quan trọng đối với tỉnh Quảng Ninh trong sự nghiệp phát triển bền vững, đặc biệt là trong các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như công nghiệp, dịch vụ, y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội... Chính vì vậy, Quảng Ninh luôn quan tâm đặc biệt đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động, phong trào của tổ chức hội. Nhờ đó, hoạt động nhân đạo, phong trào chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tốt; ý thức, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao; chất lượng hoạt động, phong trào ngày càng được cải thiện, đi vào chiều sâu thực chất; đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội ngày càng bền vững, đồng đều, thu hẹp khoảng cách chênh lệch, đảm bảo ngày càng tốt hơn cuộc sống của người dân.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thay mặt tỉnh Quảng Ninh tiếp thu những ý kiến đề xuất, đóng góp của phía Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các sở, ban, ngành của tỉnh. Đồng thời khẳng định: Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục quan tâm, sát sao hơn nữa trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức hội, nâng cao chất lượng hoạt động nhân đạo, phong trào chữ thập đỏ từ tỉnh đến cơ sở và trong cả cộng đồng. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức của các cấp, ngành, người dân; đảm bảo điều kiện hoạt động và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội. Tỉnh cũng sẽ nỗ lực làm tốt hơn nữa việc đoàn kết, tập hợp, bổ sung lực lượng; phát hiện, tuyên dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong hoạt động, phong trào; xây dựng thêm các đợt thi đua rộng khắp trong toàn tỉnh để tạo sức hút cho hoạt động, phong trào hội.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng gợi mở, trong thời gian tới, tỉnh sẽ nghiên cứu cơ chế đặt hàng công việc đối với Hội Chữ thập đỏ tỉnh trong một số nội dung, hướng tới việc huy động được sức mạnh từ cộng đồng. Đồng chí nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hội chữ thập đỏ hoạt động tốt, luôn tập trung, tích cực, chủ động, sẵn sàng trong mọi tình huống, đóng góp vai trò vào việc đảm bảo an sinh xã hội, an toàn, hạnh phúc cho nhân dân.

*Hội Cựu Chiến binh (CCB) tỉnh Quảng Ninh kỷ niệm 30 năm Ngày Thành lập Hội CCB Việt Nam 6/12 (1989 – 2019)

Sáng 22/10, tại TP Hạ Long, Hội Cựu Chiến binh (CCB) tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức kỷ niệm 30 năm Ngày Thành lập Hội CCB Việt Nam 6/12 (1989 – 2019) và Đại hội Thi đua “CCB gương mẫu" lần thứ 6, giai đoạn 2014 – 2019.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự hy sinh, đóng góp của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các cựu chiến binh, thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, cựu thanh niên xung phong đã cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung quyết liệt thực hiện việc đổi mới công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và bảo vệ môi trường. Đặc biệt trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, tỉnh đã chủ động, sáng tạo thực hiện việc tinh giản bộ máy, biên chế, nhất thể hóa chức danh, hợp nhất cơ quan Đảng, chính quyền có chức năng, nhiệm vụ song trùng, đổi mới hoạt động của mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên... Trong phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, tạo ra động lực, nguồn lực phát triển mới cho tỉnh.

Thông tin đến các cựu chiến binh về những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương của trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện; chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2019-2020; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó tập trung nhiều để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững...

Để thực hiện tốt, đạt hiệu quả các nhiệm vụ trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp hội CCB trong tỉnh quan tâm thực hiện tốt một số vấn đề: Thứ nhất, cần tiếp tục phát huy tốt truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; mỗi hội viên CCB luôn là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị để thế hệ trẻ noi theo; làm nòng cốt tham gia giáo dục lòng yêu nước, giáo dục chính trị, tư tưởng, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu nhi, học sinh; đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực; kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên và nhân dân thông qua lựa chọn, nghiên cứu, phản biện các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, tham gia hòa giải; phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông, giữ gìn an ninh trật tự… bằng những mô hình chương trình việc làm cụ thể đem lại hiệu quả thiết thực.

Phát huy vai trò của hội CCB tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự trong điều kiện tỉnh tiếp tục triển khai mô hình bí thư kiêm trưởng thôn, bản, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh và thực hiện việc sắp xếp địa giới hành chính cấp xã, huyện (45% là CCB; mô hình CCB tự quản, tự phòng, tự hòa giải, giữ gìn an ninh trật tự rất hiệu quả).

Thứ ba, đẩy mạnh phong trào thi đua “CCB gương mẫu” gắn với các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, cơ quan, đơn vị đảm bảo thiết thực, hiệu quả, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, các chương trình làm kinh tế giỏi, xóa đói, giảm nghèo bền vững tại cơ sở; tích cực ủng hộ hưởng ứng, gương mẫu tham gia, hiến công, hiến đất, hiến sức và hướng dẫn quần chúng nhân dân liên quan đến công tác GPMB, tái định cư, tham gia công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị…

Cổ vũ, động viên các doanh nhân, chủ hợp tác xã CCB, các cựu quân nhân là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, đầu tư, phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; nhân rộng các mô hình hay, điển hình tiên tiến. Mỗi doanh nghiệp CCB làm chủ phải thực sự tiêu biểu về văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững.

Thứ tư, phát huy vai trò của hội CCB tham gia xây dựng củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung trong khối MTTQ và các đoàn thể chính trị cấp tỉnh, cấp huyện; duy trì tốt mối quan hệ với cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp để phối hợp tham gia có hiệu quả giải quyết các vấn đề phát triển nảy sinh từ cơ sở, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị.

* Họp Ban Cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh

Sáng 25/10, Ban Cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh họp cho ý kiến về một số nội dung triển khai thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp.

Ban Cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án Khu nghỉ dưỡng kết hợp thương mại dịch vụ và nhà ở tại phường Hà Phong, Dự án Khu dân cư phường Đại Yên (TP Hạ Long). Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng thống nhất quan điểm về chủ trương xây dựng 2 dự án nói trên. Đồng thời chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND TP Hạ Long bổ sung thêm các ý kiến của Ban Cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh nhằm hoàn thiện dự án để trình Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, riêng Dự án khu dân cư phường Đại Yên phải cho đấu giá.

Cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất vải demim dệt kim và vải nhuộm dệt kim tại KCN Texhong Hải Hà (giai đoạn 1), Ban Cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh thống nhất quan điểm chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, các sở, ngành, Ban Quản lý Khu kinh tế, huyện Hải Hà… cần rà soát và tham khảo Bộ Khoa học và Công nghệ thêm về tác động ảnh hưởng đến môi trường của dự án khi thực thi. Đồng thời phải có giải pháp kiểm soát chặt các vấn đề liên quan về môi trường, đảm bảo an toàn phục vụ kinh tế-xã hội địa phương, tỉnh phát triển.

Cho ý kiến về tình hình thực hiện các dự án từ nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư, dự toán ngân sách năm 2019, Ban Cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh thống nhất nội dung Sở Kế hoạch-Đầu tư báo cáo. Đồng thời khẳng định các sở, ngành, địa phương được giao làm chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã bám sát chỉ đạo của tỉnh chủ động thực hiện công tác lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư đảm bảo tiến độ, chất lượng. Một số dự án thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo đã triển khai bằng nguồn vốn sự nghiệp khi hoàn thành đưa vào sử dụng từng bước phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng dạy và học cho giáo viên, học sinh; chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, góp phần quản lý môi trường, kinh tế, trật tự xã hội trên địa bàn.

Cùng với đó, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng cũng chỉ đạo: Các dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư những tháng cuối năm 2019 và thời gian tới, như: Nâng cao chất lượng quản lý, đào tạo của Trường Đại học Hạ Long; ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả hoạt động ngành LĐ-TB&XH tỉnh; xây dựng trường học thông minh; xây dựng hệ thống Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh… cần phải rà soát lại, tập trung nguồn lực vào đầu tư cho các dự án mang tính trọng tâm, trọng điểm... Các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện hoàn thành thủ tục để thanh toán, giải ngân số vốn đã phân bổ trong năm 2019. Đối với phần vốn chưa phân bổ trong năm 2019 đề nghị Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến thống nhất để điều hòa cho các nhiệm vụ khác. Yêu cầu các chủ đầu tư, khi lựa chọn đơn vị tư vấn phải có đủ năng lực, kinh nghiệm uy tín trên thị trường và phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án cho các đơn vị trong suốt quá trình thực hiện…

Tại cuộc họp, Ban Cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh còn cho ý kiến về thực hiện nhiệm vụ công tác trong tuần và triển khai những nhiệm vụ tuần tiếp theo.

*Giải quyết vướng mắc của các dự án trong KCN Cái Lân mở rộng

Sáng 22/10, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp giải quyết vướng mắc, thống nhất phương án xử lý đối với các dự án trong KCN Cái Lân mở rộng. Đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã báo cáo khái quát về việc giải quyết các vướng mắc của một số dự án đầu tư tại KCN Cái Lân mở rộng, trong đó chủ yếu liên quan đến công tác GPMB.

Trên cơ sở báo cáo, ý kiến tham gia đóng góp của các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì, rà soát lại toàn bộ hồ sơ của các dự án đang còn vướng mắc, qua đó thẩm định lại hồ sơ, đảm bảo chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật và có đề xuất hướng giải quyết cụ thể đối với từng dự án, báo cáo UBND tỉnh trong đầu tháng 11/2019.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao TP Hạ Long trong tháng 11/2019 phải hoàn thành dứt điểm công tác GPMB khu vực thuộc tuyến đường nối RD01-RD02 để nhà đầu tư có mặt bằng vận chuyển đất đá thuộc Dự án Khu dịch vụ hậu cần cảng và kho bãi container của Công ty CP Cảng Thái Hưng.

*Tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy trong mùa hanh khô năm 2019-2020

Tại Công văn 7524/UBND-NC ngày 18/10, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong mùa hanh khô năm 2019-2020.

Theo đó, thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các địa phương tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức công tác PCCC; tập trung tuyên truyền, huấn luyện kiến thức phòng ngừa cháy, nổ; kỹ năng nhận biết, phát hiện sớm đám cháy, kỹ năng xử lý tình huống cháy ban đầu, kỹ năng thoát nạn khi có cháy. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào toàn dân PCCC, xây dựng và duy trì hoạt động mô hình điểm về PCCC; củng cố, duy trì hoạt động hiệu quả của lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành, đầu tư kinh phí trang bị bổ sung phương tiện (phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) PCCC&CNCH phù hợp, đáp ứng yêu cầu PCCC tại chỗ; phát huy hiệu quả công tác phòng ngừa phát hiện, loại trừ các nguy cơ cháy, nổ và xử lý kịp thời, có hiệu quả các sự cố cháy, nổ ngay từ ban đầu.

Đặc biệt, chủ tịch UBND các địa phương cần có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, chính quyền cơ sở và các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường công tác PCCC&CNCH; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC, củng cố các lực lượng PCCC tại chỗ; thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm về PCCC, đặc biệt đối với loại hình cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao và nơi tập trung đông người như: các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà cao tầng, vũ trường, quán bar, karaoke, các cơ sở xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, vật liệu nổ công nghiệp, cơ sở sản xuất, kho hàng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà dân kết hợp sản xuất, kinh doanh và tàu thủy vận chuyển khách; chủ động phương án huy động các lực lượng, phương tiện trên địa bàn và chịu trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy, CNCH, khắc phục hậu quả bảo đảm nhanh chóng, kịp thời.

Đối với các địa phương có tổ chức các lễ hội đầu năm phải tập trung chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, đảm bảo công tác PCCC tại chỗ, nhất là việc đốt hương, vàng mã tại các đền, chùa và việc đốt vàng mã, bụi cây trong dịp tảo mộ trước Tết nguyên đán để đề phòng cháy lan vào rừng. UBND TP Hạ Long và các địa phương có đội tàu du lịch, tàu vận chuyển hành khách tiếp tục tuyên truyền, yêu cầu các chủ tàu thực hiện nghiêm túc các tiêu chí bảo đảm an toàn PCCC&CNCH theo quy định, tăng cường tự kiểm tra bảo đảm điều kiện an toàn PCCC&CNCH tại chỗ.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, UBND tỉnh cũng phân công cụ thể cho các ngành, địa phương liên quan.

* Tạm dừng điều chỉnh tăng phí tham quan Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long

Ngày 25/10, thừa lệnh UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh Quảng Ninh có Công văn số 7749/UBND-TM4 gửi Ban Quản lý Vịnh Hạ Long về việc tạm dừng việc triển khai thực hiện các bước trình điều chỉnh tăng phí tham quan Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long.

Công văn nêu rõ: Thực hiện lộ trình điều chỉnh phí tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là việc làm thường xuyên của các cơ quan chức năng, nằm trong lộ trình phát triển, quản lý và bảo tồn các di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, để đảm bảo việc kích cầu du lịch vào mùa đông, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tạm dừng việc triển khai các bước trong quy trình trình các cơ quan có thẩm quyền việc điều chỉnh phí tham quan Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long; tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các điểm đến, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch trên địa bàn cho đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Trước đó, ngày 22/10/2019, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã gửi dự thảo điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long (lần 2) tới các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, dịch vụ du lịch để lấy ý kiến với dự thảo trên.

13, http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201910/doan-cong-tac-tinh-quang-ninh-lam-viec-voi-dai-su-dac-menh-toan-quyen-nhat-ban-tai-viet-nam-2459228/

Đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam

Thực hiện chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản, nhận lời mời của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ngày 30/10, tại Hà Nội, đoàn công tác của tỉnh Quảng Ninh do đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, làm trưởng đoàn, đã đến thăm và làm việc với ngài Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.

Cùng dự có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản.

Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản đã chúc mừng Nhật hoàng Naruhito, Nhật Bản đăng quang vào trung tuần tháng 10 vừa qua; cảm ơn Đại sứ Nhật Bản đã làm cầu nối thúc đấy mối quan hệ giữa Việt Nam – Nhật Bản; cảm ơn các tổ chức của Nhật Bản đã quan tâm, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư vào Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng.

Đồng chí nhấn mạnh: Quảng Ninh đang có sự bứt phá mạnh mẽ, là một trong những địa phương phát triển năng động khu vực phía Bắc. Hiện nay, tỉnh đã có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có điều kiện tốt để thúc đẩy các ngành dịch vụ - du lịch, công nghệ cao. Với tinh thần hữu nghĩ, hợp tác, Quảng Ninh và Nhật Bản đã có sự giao lưu văn hóa, hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực như đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ cao, xử lý môi trường, văn hóa, dịch vụ và giải trí…

Đồng chí mong muốn, Nhật Bản tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ cho Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng triển khai các kế hoạch phát triển mới; xây dựng khoa tiếng Nhật tại Đại học Hạ Long; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xử lý môi trường khu vực vịnh Hạ Long, TP Hạ Long, Cẩm Phả; triển khai các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, dự án y tế, giáo dục; mở đường bay thẳng từ Nhật Bản đến Vân Đồn; tăng cường các chương trình hợp tác du lịch, kết nối các điểm đến giữa 2 khu vực; tổ chức ngày văn hóa, tuần văn hóa Nhật Bản tại Quảng Ninh...

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã cảm ơn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản, các cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam đã tạo điều kiện, hỗ trợ Quảng Ninh trong triển khai các dự án phát triển, tham gia tư vấn quy hoạch, tư vấn thiết kế các công trình trọng điểm của Quảng Ninh. Qua đó đã góp phần quan trọng trong định hướng phát triển của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường mối quan hệ giao lưu giữa người dân Quảng Ninh và Nhật Bản. 

Thời gian qua, Quảng Ninh đã luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, hiệu quả của các nhà đầu tư. Trong 2 năm liên tiếp (2017-2018) chỉ số PCI của tỉnh đã đứng đầu toàn quốc; kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông ngày càng được cải thiện, diện mạo đô thị ngày càng đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại.

Đặc biệt, tỉnh luôn coi trọng và đánh giá cao đầu tư từ Nhật Bản và xác định các nhà đầu tư Nhật Bản là đối tác chiến lược tin cậy. Tỉnh mong muốn và chân thành mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đến với Quảng Ninh, cùng với địa phương khai thác những tiềm năng và lợi thế, phát triển những lĩnh vực ngành nghề thuộc thế mạnh của Nhật Bản như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp phụ trợ; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ và du lịch. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, chính quyền Quảng Ninh cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản phát triển, xây dựng niềm tin, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Đồng thời cũng mong muốn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản và các cơ quan đại diện Nhật Bản tại Việt Nam hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư, du khách Nhật Bản; ưu tiên kết nối, giới thiệu các nhà đầu tư Nhật Bản đến Quảng Ninh; tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ Quảng Ninh trên chặng đường phát triển thời gian tới.

Nhân dịp này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng bày tỏ sự cảm ơn trân trọng tới đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tổ chức Trung ương, Chủ tịch nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản đã luôn đồng hành, ủng hộ Quảng Ninh. Đặc biệt là trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, tăng cường quan hệ Việt Nam – Nhật Bản.

Ngài Umeda Kunio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đã ghi nhận, đánh giá cao tiềm năng, lợi thế và những chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ninh. Ông cho biết đã đến Quảng Ninh và rất thích nơi đây. Quảng Ninh có vịnh Hạ Long, Yên Tử... là những địa danh đẹp, hấp dẫn; có lợi thế trong cạnh tranh phát triển dịch vụ, thương mại và đặc biệt là du lịch.

Trong phát triển và định hướng đầu tư nước ngoài, Việt Nam luôn là quốc gia quan tâm của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã và đang có những chính sách ưu tiên nguồn vốn ODA đầu tư vào một số lĩnh vực, dự án bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ... Với những lợi thế đang có, Đại sứ mong muốn tỉnh Quảng Ninh sẽ tận dụng các chương trình hỗ trợ của Nhật Bản để tiếp tục thu hút đầu tư về tỉnh. Đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực thế mạnh như chế tạo, dịch vụ du lịch, nông nghiệp, các dự án bảo vệ môi trường.

14, http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201910/ngay-3110-dien-ra-dai-hoi-dai-bieu-cac-dan-toc-thieu-so-tinh-quang-ninh-lan-thu-3-2459218/

Ngày 31/10, diễn ra Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh lần thứ 3

Chiều 30/10, Đoàn đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh lần thứ 3-2019 đã đến dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ TP Hạ Long, Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu và tham quan một số điểm du lịch trên địa bàn TP Hạ Long.

Theo Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 18/10/2019 của UBND tỉnh, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh lần thứ 3-2019 sẽ được tổ chức trong 2 ngày 30 - 31/10, tại TP Hạ Long.

Với chủ đề “Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”, Đại hội nhằm đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014-2019.

Đồng thời khẳng định và ghi nhận công lao của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong quá trình đấu tranh cách mạng; xây dựng, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc của tỉnh vào sự lãnh đạo của Đảng.

Đại hội lần này có 450 đại biểu tham dự, trong đó có 250 đại biểu chính thức đại diện cho các thành phần dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ngày 31/10, chương trình đại hội chính thức sẽ diễn ra tại Khách sạn Mường Thanh. Trung tâm Truyền thông tỉnh sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về kết quả của đại hội.

Thư viện tỉnh Quảng Ninh

Gọi điện: 0203.6500.163
Facebook Youtube
wiget Chat Zalo