Mở cửa các ngày từ Thứ 3 – Chủ Nhật hàng tuần. Buổi sáng từ 7h30 - 12h00. Buổi chiều từ 13h30 - 16h30
Tin trong nghành

Sách – Nguồn tri thức vô giá của nhân loại!

Ngày 16-04-2014 Lượt xem: 72

Trong xu thế hội nhập quốc tế như hiện nay, xuất hiện một hình thái chủ đạo đối với nhiều quốc gia: Ra sức phát triển mọi nội lực và tiềm năng của đất nước. Suy cho cùng, những nội lực và tiềm năng đó chính là điểm tựa, điểm khởi đầu để các dân tộc vươn xa hơn. Nói đến nội lực và tiềm năng ở đây, đó là nguồn lực con người mà cụ thể là thế hệ trẻ. Bởi họ là những người sẽ trực tiếp kế thừa thành quả của các thế hệ trước, vận dụng xây dựng đất nước.

Trong thời đại toàn cầu hóa, xuất hiện những câu hỏi lớn liên quan đến vận mệnh của dân tộc và tiền đồ của đất nước, đòi hỏi phải có lời giải đáp. Từ những câu hỏi đó, phải chăng việc đánh thức lương tâm và soi sáng lương tri con người trở thành điều cực kì quan trọng. Đúng như vậy, một bộ phận quan trọng trong xã hội là thế hệ trẻ sẽ là đối tượng cần được thức tỉnh trước tiên, đánh thức cái tôi nhiệt huyết, sáng tạo của họ, nuôi dưỡng truyền thống yêu nước, yêu nòi trong họ. Và công cụ đơn giản, dễ tìm và hiệu quả nhất chính là đưa thế hệ trẻ đến với sách.

Những năm gần đây, Văn hóa đọc trở thành đề tài nóng, nhiều vấn đề được đưa ra như: “Văn hóa đọc đang bị mai một”, “Thế hệ trẻ thờ ơ với văn hóa đọc” hay “Văn hóa đọc bị lấn chiếm”,…Tất cả những điều đó đã đặt ra một thách thức cho một đất nước trẻ hóa như Việt Nam. Trước tình hình đó, ngày 24 – 02 – 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt lấy ngày 21 – 4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam theo Quyết định số 284/QĐ – TTg.

Ngày sách Việt Nam ra đời nhằm mục đích khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kĩ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Đây còn là dịp để tôn vinh những người làm trong các lĩnh vực xuất bản, phát hành, thư viện và quảng bá sách tới công chúng.

Ngày 21 - 4 còn là thời điểm đầu tiên phát hành cuốn “Đường Cách Mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – tác phẩm bằng Tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Như vậy, Ngày sách Việt Nam gắn liền với một tác phẩm nổi tiếng của Bác đúng là một việc có ý nghĩa hết sức to lớn và sâu sắc.

Từ ý nghĩa của Ngày hội sách, một câu hỏi được đặt ra: Tại sao lại phải đọc sách?

Như chúng ta đã biết, khi chữ viết và sách chưa xuất hiện, trí nhớ của con người là phương tiện duy nhất giữ gìn và truyền kinh nghiệm cho đời sau. Nhưng trí nhớ không thể lưu giữ được tất cả kho tàng tri thức của nhân loại nên đòi hỏi phải có phương tiện khác có khả năng lưu giữ được đầy đủ, chính xác.

Bởi thế, khi sách ra đời đã thỏa mãn yêu cầu đó của con người. Có chữ viết, con người ghi lại những tâm tư, tình cảm, sự kiện, hành động rồi đóng thành sách lưu giữ làm tư liệu. Từ đó nảy sinh thêm việc đọc sách để ghi nhớ, bổ sung kiến thức và truyền dạy cho các thế hệ.

Có thể nói, sách là sản phẩm của xã hội văn minh, là nguồn tri thức vô giá, cung cấp nhưng kiến thức vô tận. Đó là kết tinh của những tư tưởng tiên tiến của thời đại. Macxim Gorki, từ một cậu bé mồ côi đã trở thành nhà văn Nga vĩ đại bởi từ nhỏ ông đã hình thành cho mình niềm yêu thích sách, thói quen đọc, nghiên cứu sách. Ông từng nói: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”, bởi “Sách là bút tích thiêng liêng của tinh thần nhân loại”.

Sách còn là chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người, là người thầy thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy chúng ta biết sống, biết yêu thương, sẻ chia với những người xung quanh, từ đó tạo nên nếp sống tốt đẹp. Quay ngược thời gian trở về với giai đoạn cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, chúng ta được đọc những áng văn bất hủ như: Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du – cuốn truyện thơ nôm từng là chiếc gối đầu giường của nhiều thế hệ, hay những vần thơ của Hồ Xuân Hương, của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm,… những lời thơ đã làm bùng lên ngọn lửa, thắp sáng nỗi đau nhân tình.

Cùng với đó là bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước, hiển hiện lên những chiến thắng oai hùng của dân tộc trong các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, chống lại ách thống trị của các cường quốc trên thế giới. Qua từng trang sách sử, chúng ta thấy càng thêm tự hào bởi truyền thống yêu nước, tinh thần quả cảm, những tâm hồn sống vì tiếng gọi của Tổ quốc của mỗi thế hệ cha anh.

Trong kí ức của dân tộc, không thể quên bài thơ thần Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn hay Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi,… Những áng văn vẫn vang vọng lời truyền dạy của tổ tiên trong những thời khắc lịch sử oanh liệt của dân tộc.

Bên cạnh đó, sách là món ăn tinh thần để chúng ta thư giãn, giải trí sau những ngày làm việc. Nhờ đọc sách, chúng ta biết cách đối nhân xử thế, nắm bắt tâm lý con người, hướng con người sống tích cực. Đúng như X. X Mailôx nói: “Sách là người bạn tốt nhất của tuổi già, đồng thời cũng là người chỉ dẫn tốt nhất của tuổi trẻ”.

Đọc sách là một nhu cầu thiết yếu, là phương cách tốt nhất để làm giàu ngôn từ. Những kiến thức ta thu được từ sách báo chính là thước đo đánh giá tầm vóc tri thức của mỗi người. Giống như Các Mác – nhà tư tưởng, nhà cách mạng thiên tài từng nói: “Sách là nô lệ của tôi nhưng nó cũng là người thầy của tôi”, và việc đọc sách đã chiếm một vị trí quan trọng trong suốt cuộc đời lao động sáng tạo và hoạt động của ông.

Chúng ta không hy vọng đọc sách để trở thành vĩ nhân, nhưng nhờ có sách, chúng ta biết được thế giới rộng lớn và tri thức là vô tận. Đọc sách sẽ giúp ta mở mang kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn, gieo những ước mơ tươi đẹp, phát triển tư duy, sáng tạo. Đọc sách chính là cách để nối liền quá khứ - hiện tại và mở ra tương lai.

Đọc sách không những mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội. Đi theo những giá trị của sách, tôi cảm thấy nghề của mình thật may mắn và mang lại nhiều lợi ích. May mắn bởi mỗi ngày tôi được sống bên cạnh những cuốn sách, được thấy sự chuyển động của sách, có ích vì tôi thấy giá trị của sách đem đến cho các thế hệ. Từng trang tri thức được bạn đọc nâng niu, truyền tay nhau để đọc, để kể cho nhau nghe, bạn đọc cùng tìm tòi, nghiên cứu về các vấn đề được đề cập trong sách. Theo đó, tôi nghiệm ra rằng, nghề thư viện tưởng như bình dị, êm đềm đó nhưng thực tế chúng tôi cũng chuyển động, cũng cùng nhịp đập với tri thức.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, con người luôn bận rộn với công việc của riêng mình. Nhưng giá trị của sách trong đời sống thì không thể thay thế được. Nếu các bạn muốn khỏe mạnh, hãy đọc sách.Nếu muốn thành tài, hãy tìm đến sách. Nếu muốn học giỏi, hãy nghiên cứu sách. Nếu và còn rất nhiều điều nếu nữa, chúng ta đều tìm thấy câu trả lời trong sách.

Chính những giá trị to lớn do sách đem lại nên sách được tôn vinh trong một ngày đặc biệt: Ngày hội sách. Đây cũng là dịp để mỗi bạn đọc tìm cho mình một cuốn sách tâm đắc, từ đó hình thành cho mình thói quen đọc sách, tạo nền tảng cho việc tự học bởi “Đọc sách là cách học tốt nhất”. Mỗi cá nhân tự học sẽ tạo nên một xã hội tự học, từ đó hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. 

Tác giả: Phạm Thị Ngọc Minh

Gọi điện: 0203.6500.163
Facebook Youtube
wiget Chat Zalo