Mở cửa các ngày từ Thứ 3 – Chủ Nhật hàng tuần. Buổi sáng từ 7h30 - 12h00. Buổi chiều từ 13h30 - 16h30
Thư mục Quảng Ninh qua báo chí

Thư mục Quảng Ninh qua báo chí Trung ương tháng 1+2/2021

Ngày 05-03-2021 Lượt xem: 160

Quảng Ninh nằm ở địa đầu đông bắc Việt Nam, là tỉnh miền núi, trung du của vùng duyên hải Bắc Bộ với hơn 80% đất đai là đồi núi. Trong đó, có hơn hai nghìn hòn đảo nổi trên mặt biển, là vùng đất lịch sử lâu đời. Ở khu vực Vịnh Hạ Long đã khảo cổ được di chỉ của người tiền sử từ 3000 - 1500 năm TCN. Là một trọng điểm kinh tế, một đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía bắc đồng thời là một trong bốn trung tâm du lịch lớn của Việt Nam với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận về giá trị thẩm mĩ và địa chất địa mạo.

Con người và xã hội Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa, sự thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng, có truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân Vùng Mỏ với “di sản” tinh thần vô giá “kỷ luật và đồng tâm”. Đây là điều kiện thuận lợi xây dựng khối đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp để vượt qua mọi khó khăn, thách thức; góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Để cập nhật thông tin mới nhất về chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế du lịch, …tỉnh Quảng Ninh, Thư viện tỉnh Quảng Ninh trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc Thư mục: “Quảng Ninh qua báo chí Trung ương” tháng 1+2/2021.

1, https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/quang-ninh-to-chuc-xet-nghiem-sars-cov-2-cho-100-cong-dan-chuan-bi-nhap-ngu-652870

Quảng Ninh tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 100% công dân chuẩn bị nhập ngũ.

Từ ngày 24 đến ngày 28-2, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 lần 2 cho công dân chuẩn bị nhập ngũ năm 2021.

Việc thực hiện xét nghiệm nhằm sàng lọc sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo lễ giao, nhận quân năm 2021 an toàn, chất lượng. Theo đó, 100% công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự, thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân năm 2021 được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 (cả chính thức và dự phòng). Trước đó, các công dân chuẩn bị nhập ngũ tại các địa phương đã cho kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2. Quá trình kiểm tra sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế.  

Năm 2021, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã phát lệnh gọi khám tuyển cho hơn 7.000 nam công dân trong độ tuổi nhập ngũ của các xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 100% công dân trong độ tuổi thực hiện Nghĩa vụ quân sự đã được khám sàng lọc các bước đúng theo Thông tư số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30-6-2016 như cân nặng, chiều cao, đo huyết áp, xét nghiệm máu, kiểm tra thị lực, tai mũi họng, răng hàm mặt, da liễu... Các bước khám tuyển đúng quy trình, đảm bảo công bằng, nghiêm túc, đúng Luật Nghĩa vụ quân sự.

2, https://daihoi13.dangcongsan.vn/tin-moi/thong-tin-dai-hoi/de-bau-cu-dbqh-va-dai-bieu-hdnd-cac-cap-thuc-su-la-ngay-hoi-cua-toan-dan-4664  

Để bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp thực sự là ngày hội của toàn dân

Theo kế hoạch, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ diễn ra vào ngày 23/5. Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động chuẩn bị để ngày bầu cử thự sự là ngày hội của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Tiếp nối thành công của đại hội đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh xác định cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc, lực lượng vũ trang và cả hệ thống chính trị của tỉnh trong năm 2021. Từ đó, Quảng Ninh đã chủ động thực hiện nhiều nội dung công tác chuẩn bị để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh thực sự là đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân để lựa chọn, bầu được những đại biểu ưu tú, đại diện cho Nhân dân địa phương tại Quốc hội khóa XV, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và các đại biểu đại diện cho nhân dân địa phương tại HĐND các cấp, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Theo đó, sau Hội nghị triển khai của Tỉnh ủy Quảng Ninh, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy, Đảng ủy Than Quảng Ninh, đảng đoàn, ban cán sự đảng, các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, cấp ủy các cơ quan, đơn vị; đảng ủy các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tổ chức các hội nghị triển khai công tác bầu cử cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị để kịp thời quán triệt thực hiện các quy định của pháp luật và chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh; Kế hoạch số 10-KH/TU, ngày 23/10/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Công văn số 350/UBND-TH5 ngày 20/01/2021 của UBND tỉnh, các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về bầu cử đại biểu Quốc hội XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. 100% các đồng chí cấp ủy viên các cấp, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được lựa chọn tham gia Ban chỉ đạo, tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử (ủy ban bầu cử, ban bầu cử, tổ bầu cử) đều nắm chắc, hiểu sâu đầy đủ nội dung quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp.

Đồng thời, các đoàn thể và tổ chức xã hội đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, hội viên làm nòng cốt, gương mẫu, đi đầu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động nhân dân, người thân tham gia công tác chuẩn bị và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bầu cử. Thông qua tuyên truyền đã từng bước giúp Nhân dân thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, nêu cao tinh thần làm chủ, tích cực, tự giác tham gia cuộc bầu cử để lựa chọn và bầu ra những người hội đủ các yêu cầu, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, uy tín, đại diện xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân tham gia vào Quốc hội, HĐND các cấp, làm cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày 23/5, thực sự là ngày hội của Nhân dân.

Được biết, Tỉnh ủy Quảng Ninh xác định có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ; phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử ở từng cấp là khoảng 30% tổng số đại biểu HĐND; tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND là người ngoài đảng không thấp hơn 10% tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND; phấn đấu đại biểu HĐND tỉnh trúng cử là người dân tộc thiểu số khoảng 10%; phấn đấu đạt tỷ lệ người trúng cử đại biểu HĐND các cấp là đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) đạt tỷ lệ ít nhất là 10%...

Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh công tác tuyên truyền, HĐND các cấp ở Quảng Ninh sẽ tập trung lãnh đạo việc ứng cử, hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ra ứng cử đại biểu HĐND các cấp; Coi trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện quyền ứng cử, quyền bầu cử theo quy định của pháp luật, đảm bảo đúng tiến độ. Cấp huyện, cấp xã chủ động rà soát, tăng cường công tác quản lý nhà nước về cư trú, hộ tịch, hộ khẩu đặc biệt là tạm trú, tạm vắng để thực hiện việc lập và niêm yết danh sách cử tri trước ngày 13/4/2021 theo quy định của pháp luật đảm bảo chính xác, hiệu quả. Toàn tỉnh phấn đầu hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ nhất trước ngày 17/2/2021; hội nghị hiệp thương lần thứ 2 trước ngày 19/3/2021; hội nghị hiệp thương lần thứ 3 trước ngày 18/4/2021.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo bầu cả các cấp sẽ kiên quyết không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lợi; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, để xảy ra vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm quy định số 126-QĐ/TW, ngày 28/02/2018 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề chính trị chưa được kết luận. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia HĐND các cấp.

Thời gian tới, các công tác chuẩn bị của Quảng Ninh sẽ tiếp tục được thực hiện trên cơ sở tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống đại dịch COVID-19, giữ vững địa bàn “an toàn, ổn định, phát triển”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử gắn với tuyên truyền, động viên nhân dân thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị năm 2021.

Công tác chuẩn bị chu đáo, thận trọng, chắc chắn, thực hiện đúng Luật pháp, đúng các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, sẽ là tiền đề thuận lợi để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được thực hiện thắng lợi; để ngày bầu cử (dự kiến diễn ra vào ngày 23/5) sẽ thực sự là ngày hội của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh./.

3, http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/tuyen-giao-cac-cap/quang-ninh-doi-moi-cong-tac-boi-duong-giao-duc-ly-luan-chinh-tri-tai-cac-trung-tam-chinh-tri-cap-huyen-132226

Quảng Ninh: Đổi mới công tác bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị tại các Trung tâm chính trị cấp huyện

Giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân là nhiệm vụ quan trọng của từng cấp ủy Đảng. Trong những năm qua, tỉnh ủy Quảng Ninh đã luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời công tác giáo dục lý luận chính trị, nhất là tại cấp ủy địa phương, cơ sở.

Nhằm thực hiện tinh gọn tổ chức, bộ máy, biên chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện (nay là Trung tâm chính trị) theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW (khóa XII) của Đảng về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngành Tuyên giáo Quảng Ninh đã có những chuyển biến tích cực.

Ngay từ năm 2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” nhằm từng bước kiện toàn sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu quả, một đơn vị thực hiện nhiều chức năng, một người làm nhiều nhiệm vụ. Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo hướng tinh gọn, tăng tính liên kết và bổ trợ lẫn nhau; trong đó có nội dung chuyển chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện về Ban Tuyên giáo cấp ủy; chuyển việc quản lý tài chính, cơ sở vật chất về Văn phòng cấp ủy. Do chức năng, nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo, Trung tâm BDCT cấp huyện có nhiều mối quan hệ tương hỗ nên thống nhất về một mối từ việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đến việc tham mưu thực hiện nhiệm vụ sẽ hiệu quả hơn, đảm bảo sự đồng bộ và nâng cao hiệu quả công tác tuyên giáo, lý luận chính trị của cấp ủy, chính quyền. Rút ngắn được quy trình từ việc lãnh đạo, chỉ đạo đến triển khai tổ chức thực hiện. Các chủ trương, chỉ đạo của cấp ủy được Ban Tuyên giáo tiếp thu và tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, không phải qua khâu trung gian như trước đây; giảm được biên chế, tinh gọn được tổ chức bộ máy, giải quyết được bất cập của Trung tâm có 2 cơ quan chủ quản (cấp ủy và Ủy ban nhân dân cấp huyện).

Việc chuyển chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị về Ban Tuyên giáo và Văn phòng cấp ủy cấp huyện có một số thuận lợi. Thứ nhất, cấp ủy các địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của Ban Tuyên giáo - Trung tâm bồi dưỡng chính trị. 13/13 Trung tâm BDCT có từ 2-3 phòng học; đầy đủ phòng làm việc cho cán bộ, giảng viên và lưu trú cho học viên ở xa có nhu cầu…Trung tâm Chính trị thị xã Đông Triều được xây mới hoàn toàn với tổng diện tích khuôn viên 1 ha, kinh phí đầu tư xây dựng 13 tỷ. Thứ hai, xây dựng đề án, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn hơn. Trước khi thực hiện chuyển mô hình, Ban Tuyên giáo các địa phương có từ 4 đến 5 biên chế, Trung tâm Chính trị có từ 03 đến 04 biên chế; tổng  2 cơ quan có  từ 7 đến 9 biên chế. Sau khi chuyển mô hình, sắp xếp lại các Ban Tuyên giáo - Trung tâm Chính trị cấp huyện của Quảng Ninh có 73 đ/c (66 công chức, 7 viên chức). Thứ ba, đội ngũ cán bộ Ban Tuyên giáo - Trung tâm Chính trị được đào tạo, bồi dưỡng để có thể vừa tham mưu cho cấp ủy đồng thời đảm nhiệm tốt nhiệm vụ đứng lớp của người giảng viên.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện mô hình còn bộc lộ hạn chế, bất cập như: Một là, chưa thống nhất về tên của cơ quan theo mô hình mới (3/13 địa phương lấy tên gọi là Ban Tuyên giáo huyện ủy; 2/13 địa phương lấy tên gọi là Ban Tuyên giáo - Trung tâm chính trị; một số đơn vị trong Đề án và trong Quyết định chuyển chức năng, nhiệm vụ đều không xác định tên rõ ràng)hai là, việc sắp xếp bộ máy, bố trí biên chế có nơi còn thiếu (địa phương bố trí biên chế ít nhất: 4 người, địa phương nhiều nhất 10 người)ba là, việc thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ, giảng viên chưa thống nhất, có địa phương trong cùng một cơ quan thực hiện chế độ công chức và viên chức; bốn là, quá trình quản lý tài chính, cơ sở vật chất còn một số bất cập trong công tác phối hợp giữa Văn phòng cấp ủy với Ban Tuyên giáo - Trung tâm Chính trị.

Trong quá trình theo dõi việc thực hiện các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị tại Trung tâm chính trị cấp huyện, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của giảng viên, học viên về nội dung, kết cấu các chương trình đào tạo, bồi dưỡng như Sơ cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng, bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho Đảng viên mới...

Qua khảo sát, nhiều ý kiến của đội ngũ giảng viên và học viên theo học tại Trung tâm Chính trị cho rằng: một số chương trình vẫn nặng về lý thuyết; nội dung chương trình so với trình độ nhận thức của học viên quá rộng, chưa có tính khái quát, chưa gắn lý luận với thực tiễn. 99,7% ý kiến học viên; 97,8 ý kiến giảng viên ủng hộ và đề xuất, kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương nên cấu trúc lại, xây dựng nội dung các chương trình cho phù hợp; xây dựng khung chương trình theo hướng mở, chỉ xây dựng khung chương trình còn nội dung giao cho các cơ sở đào tạo xây dựng để gắn lý thuyết với thực tiễn, tránh lý thuyết suông. Đề nghị tích hợp một số chương trình như: Tích hợp chương trình bồi dưỡng đảng viên mới với chương trình sơ cấp. Trong chương trình Trung cấp đã có nội dung chuyên đề bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời, một số ý kiến cho rằng cần phải đổi mới theo hướng tích hợp các nội dung trong cùng một chương trình đào tạo hoặc tích hợp các chương trình đào tạo có đối tượng học viên có điểm tương đồng để tránh sự trùng lặp, giảm bớt thời gian học tập mà vẫn đạt hiệu quả. Đối với Chương trình bồi dưỡng dành cho đảng viên mới, có các ý kiến tham gia như: bài số 4: “Đường lối và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Đảng” gộp với bài số 7: “Chủ động hội nhập quốc tế”; bài số 5: “Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường” cần giảm bớt nội dung; gộp các bài số 2, 3, 4, 5, 6 thành 1 bài vì các nội dung trong các bài đều theo các nội dung của văn kiện Đại hội XII của Đảng.

Từ thực tiễn đó, năm 2020 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh đã nghiên cứu, ban hành hướng dẫn các đảng bộ trực thuộc thực hiện lồng ghép, bổ sung các chuyên đề trong chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng (thêm chuyên đề: Cập nhật tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của địa phương, đơn vị; Nhận diện những quan điểm sai trái và các thế lực thù địch chống phá Đảng và Nhà nước ta trên mạng xã hội); hướng dẫn thành lập hội đồng thẩm định, kiểm tra nhận thức, xét phát triển Đảng cho quần chúng trước khi kết nạp Đảng góp phần thực hiện tốt Chỉ thị 28-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”.

Cùng với việc cập nhật thực tiễn vào nội dung học tập, giảng dạy tại các Trung tâm Chính trị, Quảng Ninh chú trọng bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho đội ngũ giảng viên trên cả 2 mặt lý luận và thực tiễn (Mở lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tập huấn phương pháp giảng dạy tích cực; bồi dưỡng kiến thức thực tế bằng cách đưa cán bộ, giảng viên tham gia làm công tác chuyên môn tại các ban, ngành, đoàn thể địa phương, đi cơ sở…). Qua một năm thực hiện chủ trương này, việc tổ chức học tập lý luận chính trị, xét kết nạp Đảng tại các đảng bộ ngày càng chặt chẽ, chất lượng học tập, nhận thức của học viên ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, ý thức tự học tập, cập nhật kiến thức lý luận và thực tiễn của đội ngũ giảng viên ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác.

Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về một số giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình mới” đặc biệt là mô hình Ban Tuyên giáo - Trung tâm chính trị cấp huyện đã được xây dựng trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Kết luận số 22-KL/TU ngày 08/01/2021 về thực hiện mô hình Ban Tuyên giáo - Trung tâm chính trị cấp huyện theo Quy định số 208-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, cụ thể: Thống nhất về tên gọi; về con dấu và sử dụng con dấu; về tổ chức bộ máy, biên chế, chế độ, chính sách; về quản lý tài chính, cơ sở vật chất, kế toán... cho hệ thống Ban Tuyên giáo - Trung tâm Chính trị cấp huyện của tỉnh. Kết luận số 22-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là chìa khóa để giải quyết dứt điểm những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện mô hình Ban Tuyên giáo - Trung tâm Chính trị cấp huyện của tỉnh trước đây. Qua đó, một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Ban Tuyên giáo - Trung tâm Chính trị cấp huyện trong công tác giáo dục, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần  nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở. Đây cũng là kết quả của sự không ngừng đổi mới, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ trương, nghị quyết của Đảng vào từng lĩnh vực thực tiễn của địa phương, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, góp phần xây dựng “Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc” trở thành “một tỉnh giàu đẹp và vững mạnh” như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn./.

XÃ HỘI

4, http://daidoanket.vn/cong-trinh-dau-tien-cua-quang-ninh-de-nghi-xet-tang-giai-thuong-ho-chi-minh-ve-khcn-554656.html

Công trình đầu tiên của Quảng Ninh đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN

Ngày 28/2, Quảng Ninh đã tổ chức cuộc họp Hội đồng cấp tỉnh xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ (KH&CN) đợt 6 đối với công trình của Công ty CP Gạch ngói Đất Việt.

Đây là lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh có một công trình đủ điều kiện làm hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN - giải thưởng danh giá nhất của nhà nước dành cho các nghiên cứu, phát minh mới hoặc thành tựu khoa học xuất sắc.

Gốm Đất Việt là sản phẩm gạch ngói chất lượng cao tại Việt Nam, được sản xuất từ nguyên liệu đất sét nung cao cấp ngay chính tại làng quê Việt.

Công trình “Nghiên cứu công nghệ nghiền khô siêu mịn, nâng cao mức độ tự động hóa và hiệu quả sử dụng nhiệt trong sản xuất ngói cao cấp” do Anh hùng Lao động, Tiến sĩ Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty làm chủ nhiệm.

Theo đánh giá của Hội đồng xét tặng, công trình của Công ty Đất Việt là đặc biệt xuất sắc, ứng dụng công nghệ nổi trội, tiêu biểu, có sáng tạo đặc biệt.

Các thành viên Hội đồng cấp tỉnh xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt 6 bỏ phiếu đánh giá Công trình.

Các thành viên Hội đồng cũng nhận định, công trình đã cho thấy nhiều hiệu quả thực tế trong sản xuất hàng hoá ở quy mô công nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao và lợi nhuận lớn. Đặc biệt là hiệu quả tích cực trong bảo vệ môi trường, giảm đến mức tối đa nước thải, bụi thải, khí thải, hướng tới vòng tuần hoàn trong sản xuất khi tái sử dụng chất thải rắn phát sinh trong sản xuất và phế thải trong sản xuất của các ngành công nghiệp khác.

Qua các ý kiến đánh giá, phản biện, góp ý, các thành viên Hội đồng đều nhất trí đánh giá công trình của Công ty CP Gạch ngói Đất Việt đáp ứng đủ tiêu chuẩn đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN với 10/10 phiếu tán thành; thống nhất nội dung báo cáo UBND tỉnh đề nghị Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình.

5, http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202102/dia-danh-quang-ninh-mot-cong-trinh-tra-cuu-huu-ich-2522882/

Địa danh Quảng Ninh: Một công trình tra cứu hữu ích

Cùng với Địa chí Quảng Ninh, Địa danh Quảng Ninh xưa và nay là một công trình khoa học được UBND tỉnh giao cho Hội Văn nghệ dân gian (VNDG) thực hiện. Đối tượng nghiên cứu của địa danh Quảng Ninh rất rộng, bao gồm cả quá khứ và hiện tại, góp phần định hướng cho sự phát triển của tỉnh và các địa phương.

Địa danh Quảng Ninh xưa và nay được nhóm tác giả Tống Khắc Hài, Nguyễn Cảnh Loan và Nguyễn Văn Ái khởi xướng, khơi thông bắt đầu từ năm 1996. Từ năm 2017, công trình nhận được sự tham gia của các thành viên Hội VNDG Việt Nam, Hội VNDG Quảng Ninh, một số cán bộ Bảo tàng Quảng Ninh và cán bộ Phòng VH-TT của các địa phương trong tỉnh. Nhóm tác giả đã phát ra 2.198 phiếu điều tra và đã thống kê được hơn 41 nghìn địa danh các loại về tên đất, tên sông, tên núi, tên làng.

Từ các dữ liệu đó, ban biên tập đối chiếu với các văn bản hành chính có trong “Đồng Khánh Dư địa chí”, “Nguyễn Trãi toàn tập”, tờ trình của đạo quan binh số 1 vào năm 1930, “Niên giám Đông Dương” xuất bản năm 1906, đã phát hiện tỉnh ta có trên 100 tên huyện, xã có tuổi đời từ 100 đến 700 năm. Trong hơn 100 địa danh trên có những danh xưng từ thời Hai Bà Trưng (như Quỷ môn quan), thời Lý (Vân Đồn, Hoành Bồ), nhiều nhất thời Trần (ví dụ như Đông Triều, Yên Hưng, An Sinh), thời Nguyễn bổ sung nhiều như: Huyện Nghiêu Phong, phủ Sơn Định, làng Hướng Hóa, xã Quang Châu v.v.

Mỗi địa danh luôn chất chứa những dấu ấn của lịch sử xã hội, có khi gắn liền với những sự kiện trọng đại của dân tộc. Vì thế tìm hiểu địa danh là nhu cầu cao đẹp của tình yêu quê hương đất nước. Địa danh phản ánh tinh tế quá trình nhận thức, một mặt cũng là thước đo của quá trình tổ chức xã hội. Địa danh cũng là khối từ vựng đồ sộ giàu sắc thái đặc thù trong kho tàng ngôn ngữ của dân tộc, lại là bằng chứng không thể chối cãi của lịch sử.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội VNDG Quảng Ninh, chủ nhiệm đề tài, cho biết: Địa danh Quảng Ninh có một ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn cuộc sống. Qua địa danh, chúng ta có thể hiểu thêm nhiều mặt về quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Quảng Ninh cũng như các địa phương trong tỉnh.

Địa danh Quảng Ninh cũng khai thác chỉ ra lịch sử các địa danh, sự thay đổi địa danh (tính khả biến của địa danh). Ví dụ như thị xã Hòn Gai đổi là thành phố Hạ Long, huyện Cẩm Phả đổi thành huyện Vân Đồn. Nhiều địa danh đã biến mất không còn được dùng nữa như tổng Đồn Độ, tổng Trung Lương, xã Vĩnh Ninh, huyện Yên Lạc.

Nhiều đơn vị hành chính mới được thành lập hay được chia tách đã được đặt tên làm phong phú thêm kho tàng địa danh Quảng Ninh. Các địa danh ấy được đặt theo chữ đầu của địa danh hành chính lớn hơn. Ví dụ Cẩm Phả có Cẩm Đông, Cẩm Phú, Cẩm Thủy; Hải Ninh có Hải Hòa, Hải Tân, Hải Yên; Quảng Hà có Quảng An, Quảng Chính, Quảng Lợi, Quảng Đức, Quảng Sơn; xã Cẩm La (TX Quảng Yên) có Cẩm Tiến, Cẩm Lũy, Cẩm Liên, Cẩm Thành; xã Đông Xá (huyện Vân Đồn) có Đông Sơn, Đông Hà, Đông Tiến.

Đây là công trình lớn, tuy không phải là sách từ điển nhưng lại giúp bạn đọc có thể tra cứu về tên đất, tên sông, tên núi, tên làng xã một cách thuận tiện. Giáo sư Nguyễn Xuân Kính, nguyên Phó Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam, nhận định: Đây là công trình địa danh đồ sộ nhất Việt Nam vì đã có kết cấu hợp lý, thông tin phong phú có cũ, có mới.

Địa danh Quảng Ninh cũng chỉ ra giá trị của nhiều công trình có thể khai thác du lịch trải nghiệm văn hóa. Ví dụ như nhân dân phường Trà Cổ đang bảo tồn một ngôi nhà hơn 100 tuổi, huyện Tiên Yên có dãy nhà cổ được người Pháp xây dựng từ năm 1902, ở Hải Hà có mồ Ngô Dẫn, phò mã nhà Trần v.v..

Ông Nguyễn Cảnh Loan đồng tác giả công trình đề xuất: Vấn đề ở đây là giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, lựa chọn một, hai di tích phù hợp để đầu tư phục vụ du lịch. Cần bổ sung kinh phí để xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, có thể mở những quầy bán sản phẩm lưu niệm, sản vật địa phương...

6,https://baodautu.vn/xep-hang-san-pham-ocop-quoc-gia-cho-ha-noi-quang-ninh-d138509.html

Xếp hạng sản phẩm OCOP quốc gia cho Hà Nội, Quảng Ninh

Sáng 26/2, Tổ tư vấn số 2, Hội đồng OCOP Quốc gia chấm điểm 10 sản phẩm đăng ký của 5 chủ thể thuộc 2 tỉnh, thành phố là Hà Nội và Quảng Ninh.

Sáng 26/2, Tổ tư vấn số 2, Hội đồng OCOP Quốc gia do Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ theo dõi (chủ yếu là sản phẩm tiểu thủ công nghiệp) đã tiến hành chấm điểm 10 sản phẩm đăng ký của 5 chủ thể thuộc 2 tỉnh, thành phố là Hà Nội và Quảng Ninh.

Theo ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng đánh giá chuyên ngành số 2, việc đánh giá sản phẩm OCOP trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp bám sát các yêu cầu của Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Đồng thời, các thành viên hội đồng cũng đã trao đổi những vấn đề còn chưa rõ, cần tìm hiểu thêm với các chủ thể, đại diện các địa phương để có sự đánh giá chính xác, bám sát thực tế của từng sản phẩm và từng địa phương.

2 sản phẩm nổi bật của Hà Nội và Quảng Ninh được các thành viên Hội đồng thống nhất kiến nghị xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao và tập trung phát triển thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực là sản phẩm gốm sứ Quang Vinh (Bát Tràng, Hà Nội) và Rượu mơ Yên Tử của Công ty TNHH đồ uống truyền thống Việt Nam (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh).

Bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Quang Vinh, hiện tại, Công ty áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và đã được Tổ chức TUY (Liên bang Đức) cấp chứng chỉ ISO 9001-2000. Hiện nay, trên 80% sản phẩm gốm sứ Quang Vinh đã được XK đi nhiều nước trên thế giới, kể cả các thị trường khó tính nhất như Đức, Mỹ, Nhật, Đan Mạch... Việc xếp hạng sản phẩm OCOP quốc gia hạng 5 sao sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho các sản phẩm

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được hồ sơ đề xuất đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với 43 sản phẩm của 29 chủ thể.

7, http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202102/quan-ly-bao-ve-rung-ngap-man-2522525/

Quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn

Quảng Ninh có khoảng 22.000ha diện tích rừng ngập mặn (RNM). Những cánh RNM xanh tốt như  lá chắn tự nhiên giúp giảm thiểu tác động của thiên tai, bảo vệ đê điều, xâm nhập mặn và góp phần đa dạng sinh học. Đây cũng là nơi trú ngụ, sinh sôi của nhiều loài thủy hải sản quý hiếm. Những năm qua, Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy bền vững giá trị của RNM, phát triển kinh tế bền vững.

Huyện Tiên Yên hiện có khoảng 3.900ha RNM, trong đó Đồng Rui có trên 1.800ha, chiếm gần 50% diện tích tự nhiên của xã. Phần lớn, người dân nơi đây làm nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Do vậy, RNM có vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống nhân dân.

Ông Phạm Văn Chiêu, thôn 4, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên chia sẻ: "Cách đây hơn 20 năm, các hoạt động đào đất, đắp đầm nuôi tôm ở khu vực RNM tại xã diễn ra rất lớn. Tuy nhiên, hoạt động này cũng không mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều chủ đầu tư bỏ dở việc nuôi trồng thủy sản. Việc tàn phá, xâm hại RNM đã ảnh hướng rất lớn đến hệ sinh thái, các vùng bãi biển trở nên nghèo kiệt, không có nơi trú ngụ cho thủy hải sản. Bài học thực tế về những tác động tiêu cực khi RNM bị tán phá đã khiến người dân chúng tôi và chính quyền địa phương bắt tay vào việc trồng RNM. Đến nay, những cách rừng xanh tốt trở lại, các loài thủy sản cũng dồi dào. Như nơi tôi sinh sống, nhiều hộ gia đình nhờ vào việc khai thác thủy hải sản dưới tán RNM đã thoát nghèo, xây được nhà cửa khang trang".

Xác định rừng ngập mặn không chỉ là “lá phổi xanh”, mà còn tạo kế sinh nhai cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, cấp ủy, chính quyền xã Đồng Rui phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm Lâm của huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, giữ gìn và phát triển diện tích rừng ngày càng tăng lên. Trong đó, 4 thôn giáp bãi triều đã thành lập các tổ tự quản bảo vệ RNM do lực lượng Cựu chiến binh (CCB) làm nòng cốt. Ông Hoàng Văn Thống, Chi Hội trưởng Chi hội CCB thôn Hạ, xã Đồng Rui cho biết: "Tổ tự quản bảo vệ RNM có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện những hành vi chặt, phá cây rừng cũng như đánh bắt thủy sản khu vực bãi triều bằng phương pháp hủy diệt. Qua đó nhanh chóng báo cáo các vụ việc cho các cơ quan chức năng xử lý. Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân ký cam kết bảo vệ RNM, không đánh bắt tận diệt các loài thủy hải sản".

Từ năm 2015 đến nay, nhân dân trong xã đã phối hợp với các tổ chức Quốc tế trồng thêm được 300ha RNM tại các bãi triều. Đến nay, toàn xã đã có trên 1.800ha RNM. Từ khi được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, rừng cây xanh tốt, kéo theo đó nguồn lợi hải sản ở RNM Đồng Rui ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Nhiều hộ dân ở đây có thu nhập ổn định bằng nghề đánh bắt hải sản dưới cánh rừng ngập mặn.

Theo ông Nguyễn Tuấn Bằng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Yên, để quản lý bền vững diện tích RNM trên địa bàn xã Đồng Rui nói riêng và huyện Tiên Yên nói chung, đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tham mưu, thu hồi diện tích bãi triều nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả sang trồng rừng. Đồng thời tiến tới sẽ thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui - Tiên Yên (khu Ramsar) nhằm mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng ngập mặn, hệ sinh thái, cảnh quan...

Còn tại Quảng Yên có khoảng 2.700ha RNM, có vai trò, vị trí rất quan trọng, chắn sóng bảo vệ toàn bộ 34km tuyến đê biển Hà Nam – tuyến đê cấp 3 do Trung ương quản lý. Đồng thời, tạo môi trường sinh thái cho các loài thủy hải sản sinh sống, đây cũng là nguồn sinh kế của nhiều hộ dân trong vùng.
Từ năm 2012-2014, được sự hỗ trợ của chương trình bảo vệ và phát triển rừng, Quảng Yên đã trồng mới được hơn 238ha RNM. Tháng 6/2015, Dự án JICA (Nhật Bản) đã hỗ trợ địa phương trồng và bảo vệ hơn 6ha RNM tại phường Hà An. Ngoài ra, các năm gần đây, Quảng Yên đã trồng mới và phủ xanh RNM hàng chục ha, tích cực tuyên truyền đến các hộ dân về việc bảo vệ RNM.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên cho biết: "Nhận thức được tầm quan trọng của RNM, thị xã đã xác định rõ công tác bảo vệ nghiêm ngặt diện tích RNM hiện có và tiếp tục phối hợp trồng thêm. Thị xã đã giao cho UBND các xã, phường quản lý; ban hành quy chế phối hợp về bảo vệ rừng, cơ quan thường trực là Hạt kiểm lâm với các cơ quan liên quan như Phòng Kinh tế, Công an thị xã,  UBND các xã, phường, các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn.

Cùng với Tiên Yên, Quảng Yên thì các địa phương như Móng Cái, Hải Hà, Vân Đồn... cũng có RNM đang được khoanh vùng và bảo vệ nghiêm ngặt theo Quy hoạch 3 loại rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt. Các địa phương đều hạn chế việc chuyển đổi diện tích bãi triều, mặt nước để đắp đầm, khoanh vùng nuôi trồng thủy sản làm suy thoái RNM; tiến hành trồng rừng ngập mặn trên diện tích đất trống. Trong thu hút đầu tư, ưu tiên các ngành nghề, dự án thân thiện với môi trường. Sự hỗ trợ từ các cấp, ngành, các tổ chức phi chính phủ cùng với sự chung tay bảo vệ của người dân đang giúp hồi sinh mạnh mẽ những cánh rừng ngập mặn, góp phần vào mục tiêu bảo vệ môi trường sống, bảo vệ hệ sinh thái và ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

8, http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202102/chung-tay-day-lui-dich-covid-19-2522388/

Chung tay đẩy lùi dịch Covid-19

Đầu năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trong tỉnh. Chung tay với cả hệ thống chính trị, các cấp Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, giữ địa bàn Quảng Ninh an toàn.

Hội LHPN TP Hạ Long là một trong những đơn vị tiêu biểu tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp này. Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hạ Long, chia sẻ: Tết Tân Sửu vừa qua thật sự đặc biệt với các địa phương và người dân trong tỉnh khi dịch bùng phát đúng vào những ngày cận Tết. Thay vì tận hưởng kỳ nghỉ lễ, quây quần bên gia đình, các lực lượng phải túc trực tại các tổ, chốt kiểm dịch; tại các khu cách ly. Người nông dân điêu đứng vì lượng nông sản phục vụ Tết ùn ứ, không thể tiêu thụ. Do vậy, Hội Phụ nữ đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các lực lượng cũng như người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Cùng với việc tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, Hội LHPN thành phố đã thăm, hỗ trợ các trạm, chốt, tổ tự quản những nhu yếu phẩm cần thiết trị giá gần 30 triệu đồng; tổ chức gói 1.000 bánh chưng trao tặng các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch tại vùng biên, các chốt chống dịch, bệnh viện dã chiến và gia đình có người thân đang đi cách ly tập trung với tổng trị giá trên 60 triệu đồng. Đặc biệt, Hội thành lập 2 điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản; đăng ký các điểm bán hàng cho hộ cần tiêu thụ nông sản tại quảng trường chợ Hạ Long I...

Không chỉ Hội LHPN TP Hạ Long, Hội LHPN huyện Vân Đồn cũng có nhiều cách làm hay, thiết thực, góp phần hỗ trợ, động viên kịp thời cho lực lượng làm công tác phòng, chống dịch. Tiêu biểu phải kể đến là việc thành lập tổ nấu cơm tự nguyện, phục vụ các bữa cơm trưa cho lực lượng trực chốt kiểm dịch ở cầu Vân Đồn của các cán bộ, hội viên thôn Đông Tiến, xã Đông Xá. Mọi kinh phí thực hiện đều do cán bộ, hội viên, phụ nữ và một số hộ dân ủng hộ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Đồn, cho biết: Phát huy vai trò của tổ chức Hội Phụ nữ trong công tác phòng, chống dịch, các cán bộ Hội nắm bắt sát sao tình hình ở cơ sở, phát hiện, báo kịp thời cho chính quyền những trường hợp có nghi ngờ, các trường hợp từ F1-F4. 100% cán bộ cơ sở Hội tham gia vào tổ truy vết của các thôn, khu, xã, thị trấn và chốt kiểm dịch của từng địa phương. Đặc biệt, Hội Phụ nữ huyện đã triển khai phần việc “1.000 suất cơm nóng ấm tiếp sức, phòng chống dịch Covid-19”...

Xác định việc phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ còn lâu dài, thời gian qua, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung cao độ cho công tác này. Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị lập nhóm Zalo để kịp thời nắm tình hình dịch bệnh, tuyên truyền đến hội viên, nhân dân. Phối hợp rà soát, nắm thông tin số phụ nữ mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh; từ đó, xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ các hội viên vượt qua khó khăn ban đầu. Cùng với đó, các cấp hội tích cực vận động nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia phòng, chống dịch.

Đến nay, các cấp Hội đã thành lập 138 tổ may khẩu trang vải với 693 thành viên tham gia, đã có trên 300.000 khẩu trang được phát miễn phí; thành lập 73 nhóm nấu ăn hỗ trợ gần 21.000 bữa ăn cho các chốt kiểm dịch, các tổ công tác và các khu vực cách ly, trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Các cấp Hội cũng vận động ủng hộ, hỗ trợ tiền và hiện vật trị giá gần 2,1 tỷ đồng; phát gần 6.000 chai nước sát khuẩn, trên 8.000 bánh xà phòng và nước rửa tay khô, 4.900 mũ chắn giọt bắn...

Những hoạt động ý nghĩa, thiết thực của các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh, từng bước giúp Quảng Ninh giữ địa bàn an toàn trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp.

9,https://suckhoedoisong.vn/quang-ninh-danh-500-ty-mua-vac-xin-phong-covid-19-tiem-phong-cho-toan-dan-n187280.html

Quảng Ninh dành 500 tỷ mua vắc xin phòng Covid-19 tiêm phòng cho toàn dân trong tỉnh.

Đó là thông tin được bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 và các địa phương trong toàn quốc vào chiều 24/2. Theo đó, Quảng Ninh sẽ triển khai tiêm phòng cho toàn bộ nhân dân trong tỉnh.

Báo cáo tại cuộc họp bà Hạnh cho biết: HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 326/NQ-HĐND ngày 8/2/2021 quy định một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó rà soát điều chỉnh các nhiệm vụ chi, tiếp tục giảm 10% chi thường xuyên, tăng dự phòng ngân sách lên mức tối đa 4% trên tổng chi ngân sách địa phương tạo nguồn lực dự phòng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh khác và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời, tiếp tục hạn chế tối đa mua sắm tài sản, cắt giảm chi phí hội họp, đào tạo, thăm quan học tập kinh nghiệm, cắt giảm các nhiệm vụ chi và không ban hành các chế độ, chính sách mới chưa thật sự cần thiết, cấp bách.... Từ đó dành nguồn lực cùng với các nguồn lực hợp pháp khác (tối thiểu 500 tỷ đồng) để sẵn sàng cho việc mua vắc xin phòng ngừa Covid-19 và triển khai tiêm phòng cho toàn dân trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh, với sự chỉ đạo quyết liệt của BCĐ phòng chống dịch cấp tỉnh, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương, đơn vị, đến ngày 23/2/2021, tất cả các địa bàn trong tỉnh đã truy vết, khoanh vùng, cách ly tập trung hoàn toàn các F1. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã kiểm soát hoàn toàn các ca bệnh F0 liên quan đến 2 ổ dịch tại Sân bay Vân Đồn và Chí Linh, Hải Dương.

Tính đến 18h00 cùng ngày, toàn tỉnh đã có 152.958 lượt người được làm xét nghiệm. Trong đó, xét nghiệm dịch vụ (tính từ 17/2/2021 đến nay) là 27.109 lượt người/19.679 mẫu (17.768 lượt người/17.768 mẫu đơn lẻ; 9.341 lượt người/1.911 mẫu gộp). Kết quả, không có mẫu dương tính. Xét nghiệm diện rộng tại cộng đồng cho 71.979 lượt người. Kết quả, không có mẫu dương tính. Xét nghiệm ổ dịch cho 53.870 lượt người. Kết quả, 61 ca dương tính; 53.809 trường hợp âm tính.

Trong ngày 24/2/2021, trên địa bàn tỉnh không phát hiện ca nhiễm mới. Số người đang cách ly tại các cơ sở y tế là 128 người, số người đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 407 người.

Tỉnh Quảng Ninh cũng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch với hơn 340 trường hợp, tổng số tiền phạt khoảng 1 tỷ đồng. Về tình hình sản xuất kinh doanh, các ngành công nghiệp như ngành than, điện không bị ảnh hưởng nhiều. Ngành du lịch, dịch vụ bị đình trệ, quý I/2021 chỉ đón 700.000 lượt khách so với mục tiêu đặt ra là 3,6 triệu lượt.

10, https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/tang-qua-luc-luong-lam-nhiem-vu-tai-tram-thu-phi-cau-bach-dang-636857/

Tặng quà lực lượng làm nhiệm vụ tại trạm thu phí cầu Bạch Đằng

Ngày 28-2, Mobifone Quảng Ninh phối hợp với văn phòng Báo Nhân Dân thường trú tại Quảng Ninh tặng khẩu trang y tế và nhu yếu phẩm cho lực lượng liên ngành đang làm nhiệm vụ kiểm soát phòng, chống dịch Covid -19 tại trạm thu phí cầu Bạch Đằng.

Tại chốt kiểm soát ở trạm thu phí cầu Bạch Đằng, đại diện lãnh đạo Mobifone Quảng Ninh và văn phòng Báo Nhân Dân thường trú tại Quảng Ninh đã trao 3.000 khẩu trang y tế, 1.000 quả trứng gà và 200 chai nước cam nguyên chất phục vụ cho các cán bộ, chiến sĩ và lực lượng chức năng tại trạm thu phí cầu Bạch Đằng.

Bên cạnh đó, ngày 27-2, Mobifone Quảng Ninh đã đầu tư lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh tại khu vực trạm thu phí cầu Bạch Đằng phục vụ cho công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid -19 và các quy định ra vào trạm thu phí.
11, http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202102/quan-ly-bao-ve-rung-ngap-man-2522525/

Quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn

Quảng Ninh có khoảng 22.000ha diện tích rừng ngập mặn (RNM). Những cánh RNM xanh tốt như  lá chắn tự nhiên giúp giảm thiểu tác động của thiên tai, bảo vệ đê điều, xâm nhập mặn và góp phần đa dạng sinh học. Đây cũng là nơi trú ngụ, sinh sôi của nhiều loài thủy hải sản quý hiếm. Những năm qua, Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy bền vững giá trị của RNM, phát triển kinh tế bền vững.

Huyện Tiên Yên hiện có khoảng 3.900ha RNM, trong đó Đồng Rui có trên 1.800ha, chiếm gần 50% diện tích tự nhiên của xã. Phần lớn, người dân nơi đây làm nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Do vậy, RNM có vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống nhân dân.

Ông Phạm Văn Chiêu, thôn 4, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên chia sẻ: "Cách đây hơn 20 năm, các hoạt động đào đất, đắp đầm nuôi tôm ở khu vực RNM tại xã diễn ra rất lớn. Tuy nhiên, hoạt động này cũng không mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều chủ đầu tư bỏ dở việc nuôi trồng thủy sản. Việc tàn phá, xâm hại RNM đã ảnh hướng rất lớn đến hệ sinh thái, các vùng bãi biển trở nên nghèo kiệt, không có nơi trú ngụ cho thủy hải sản. Bài học thực tế về những tác động tiêu cực khi RNM bị tán phá đã khiến người dân chúng tôi và chính quyền địa phương bắt tay vào việc trồng RNM. Đến nay, những cách rừng xanh tốt trở lại, các loài thủy sản cũng dồi dào. Như nơi tôi sinh sống, nhiều hộ gia đình nhờ vào việc khai thác thủy hải sản dưới tán RNM đã thoát nghèo, xây được nhà cửa khang trang".

Xác định rừng ngập mặn không chỉ là “lá phổi xanh”, mà còn tạo kế sinh nhai cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, cấp ủy, chính quyền xã Đồng Rui phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm Lâm của huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, giữ gìn và phát triển diện tích rừng ngày càng tăng lên. Trong đó, 4 thôn giáp bãi triều đã thành lập các tổ tự quản bảo vệ RNM do lực lượng Cựu chiến binh (CCB) làm nòng cốt. Ông Hoàng Văn Thống, Chi Hội trưởng Chi hội CCB thôn Hạ, xã Đồng Rui cho biết: "Tổ tự quản bảo vệ RNM có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện những hành vi chặt, phá cây rừng cũng như đánh bắt thủy sản khu vực bãi triều bằng phương pháp hủy diệt. Qua đó nhanh chóng báo cáo các vụ việc cho các cơ quan chức năng xử lý. Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân ký cam kết bảo vệ RNM, không đánh bắt tận diệt các loài thủy hải sản".

Từ năm 2015 đến nay, nhân dân trong xã đã phối hợp với các tổ chức Quốc tế trồng thêm được 300ha RNM tại các bãi triều. Đến nay, toàn xã đã có trên 1.800ha RNM. Từ khi được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, rừng cây xanh tốt, kéo theo đó nguồn lợi hải sản ở RNM Đồng Rui ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Nhiều hộ dân ở đây có thu nhập ổn định bằng nghề đánh bắt hải sản dưới cánh rừng ngập mặn.

Theo ông Nguyễn Tuấn Bằng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Yên, để quản lý bền vững diện tích RNM trên địa bàn xã Đồng Rui nói riêng và huyện Tiên Yên nói chung, đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tham mưu, thu hồi diện tích bãi triều nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả sang trồng rừng. Đồng thời tiến tới sẽ thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui - Tiên Yên (khu Ramsar) nhằm mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng ngập mặn, hệ sinh thái, cảnh quan...

Còn tại Quảng Yên có khoảng 2.700ha RNM, có vai trò, vị trí rất quan trọng, chắn sóng bảo vệ toàn bộ 34km tuyến đê biển Hà Nam – tuyến đê cấp 3 do Trung ương quản lý. Đồng thời, tạo môi trường sinh thái cho các loài thủy hải sản sinh sống, đây cũng là nguồn sinh kế của nhiều hộ dân trong vùng.
Từ năm 2012-2014, được sự hỗ trợ của chương trình bảo vệ và phát triển rừng, Quảng Yên đã trồng mới được hơn 238ha RNM. Tháng 6/2015, Dự án JICA (Nhật Bản) đã hỗ trợ địa phương trồng và bảo vệ hơn 6ha RNM tại phường Hà An. Ngoài ra, các năm gần đây, Quảng Yên đã trồng mới và phủ xanh RNM hàng chục ha, tích cực tuyên truyền đến các hộ dân về việc bảo vệ RNM.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên cho biết: "Nhận thức được tầm quan trọng của RNM, thị xã đã xác định rõ công tác bảo vệ nghiêm ngặt diện tích RNM hiện có và tiếp tục phối hợp trồng thêm. Thị xã đã giao cho UBND các xã, phường quản lý; ban hành quy chế phối hợp về bảo vệ rừng, cơ quan thường trực là Hạt kiểm lâm với các cơ quan liên quan như Phòng Kinh tế, Công an thị xã,  UBND các xã, phường, các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn.

Cùng với Tiên Yên, Quảng Yên thì các địa phương như Móng Cái, Hải Hà, Vân Đồn... cũng có RNM đang được khoanh vùng và bảo vệ nghiêm ngặt theo Quy hoạch 3 loại rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt. Các địa phương đều hạn chế việc chuyển đổi diện tích bãi triều, mặt nước để đắp đầm, khoanh vùng nuôi trồng thủy sản làm suy thoái RNM; tiến hành trồng rừng ngập mặn trên diện tích đất trống. Trong thu hút đầu tư, ưu tiên các ngành nghề, dự án thân thiện với môi trường. Sự hỗ trợ từ các cấp, ngành, các tổ chức phi chính phủ cùng với sự chung tay bảo vệ của người dân đang giúp hồi sinh mạnh mẽ những cánh rừng ngập mặn, góp phần vào mục tiêu bảo vệ môi trường sống, bảo vệ hệ sinh thái và ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

12, https://vneconomy.vn/flamingo-group-ung-ho-hai-duong-va-quang-ninh-chong-dich-covid-19-20210224163454201.htm

Flamingo Group ủng hộ Hải Dương và Quảng Ninh chống dịch Covid-19

2 tỷ đồng là số tiền mà Tập đoàn Flamingo trao tặng cho Hải Dương và Quảng Ninh trong ngày 24/2 nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19...

Cụ thể, Tập đoàn Flamingo đã tài trợ Bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 với tổng giá trị tương đương 1 tỷ VNĐ cho Quảng Ninh và ủng hộ Hải Dương 1 tỷ đồng để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Tại buổi trao tặng, ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng giám đốc Flamingo Group cho biết, thấu hiểu những khó khăn, vất vả của lực lượng bộ đội, công an, y bác sĩ - những "lá chắn thép" tuyến đầu chống dịch, gói kinh phí 2 tỷ đồng của Flamingo Group sẽ góp phần bổ sung vật tư y tế, trang thiết bị và hỗ trợ kiểm soát tình hình dịch bệnh địa phương. Đây cũng là hoạt động thể hiện trách nhiệm cộng đồng, tinh thần đồng hành cùng bà con vùng dịch của Flamingo.

"Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng Flamingo tin tưởng tinh thần quả cảm, sự đồng lòng, quyết tâm chống dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh. Xin được tiếp sức, ủng hộ, san sẻ cùng các địa phương trong trận chiến còn nhiều cam go này. Chúng tôi tin rằng, sự chung tay của toàn xã hội, sự góp sức của nhiều doanh nghiệp, sự đoàn kết chống dịch từ trung ương đến địa phương, sẽ khiến dịch Covid-19 nhanh chóng được kiểm soát và bị đẩy lùi như các đợt bùng dịch trước đó."

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh bày tỏ sự cảm kích với tinh thần chống dịch quyết liệt và trách nhiệm xã hội của Tập đoàn Flamingo. Ông Triệu Thế Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương bày tỏ: "Thay mặt nhân dân tỉnh Hải Dương, chúng tôi trân trọng cảm ơn sự chia sẻ, giúp sức về cả tinh thần và vật chất của Flamingo. Trong bối cảnh toàn tỉnh ngày đêm căng mình chống dịch, vừa khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, chữa trị, kiểm soát dịch bệnh, vừa cố gắng hỗ trợ nhân dân tiêu thụ nông sản, sự tương trợ kịp thời của các doanh nghiệp như Flamingo đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho chúng tôi. Hải Dương cảm kích trước những nghĩa cử ấm áp và đáng quý ấy".

Gần một tháng qua, dịch Covid-19 bùng phát tại 13 tỉnh/thành phố với hơn 800 ca nhiễm, nhiều ổ dịch lớn tại Hải Dương và Quảng Ninh. Hiện Hải Dương vẫn là điểm nóng tiếp tục xuất hiện các ca nhiễm và ổ dịch mới, buộc địa phương này phải thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh từ 0h ngày 16/2 để tăng cường kiểm soát tình hình dịch. Tại Quảng Ninh, dịch cơ bản được khống chế khi từ ngày 19/2, trong cộng đồng chỉ phát hiện thêm một ca nhiễm mới đã cách ly trước đó.

Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ lây lan của dịch bệnh, sự chung tay ủng hộ của các đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước là vô cùng cần thiết, nhất là khi Covid-19 đã và đang gây ra những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế địa phương. Việc ủng hộ này cũng cho thấy, các doanh nghiệp ngày càng ý thức được tầm quan trọng của trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng và những giá trị nhân văn của các hoạt động thiện nguyện.

Trước đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng chính phủ, Tập đoàn Flamingo đã trao tặng hơn 90.000 khẩu trang kháng khuẩn cho các tỉnh Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Thái Nguyên, Hải Phòng. Hàng nghìn chai nước rửa tay sát khuẩn cũng được trao tặng đối tác, khách hàng và địa phương. Mới đây nhất, Flamingo tiếp tục ủng hộ nhiều tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch tại thành phố Hải Phòng, ủng hộ lực lượng bộ đội biên phòng tuyến đầu tổ quốc, quyết tâm chung tay cùng cả nước đẩy lùi "giặc" Covid-19.

13, https://phapluatxahoi.vn/quang-ninh-ho-tro-tinh-hai-duong-4-ty-dong-phuc-vu-viec-chong-dich-cov-19-229036.html

Quảng Ninh hỗ trợ tỉnh Hải Dương 4 tỷ đồng phục vụ việc chống dịch CoV 19

Tại cuộc họp chiều ngày 23/2, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã thống nhất chủ trương trích quỹ dự phòng ngân sách tỉnh để ủng hộ Hải Dương 4 tỷ đồng phục vụ công tác phòng, chống dịch CoV 19...

Trước đó, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương đã gửi Thư kêu gọi đến Ủy ban MTTQ các tỉnh, Thành phố với nội dung đại dịch CoV 19 biến chủng mới ở Anh đã bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Dịch đã xuất hiện tại 12/12 huyện, thị xã, TP, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 600 ca dương tính, số lượng người là F1 phải thực hiện cách ly tập trung là gần 140000 người. Mặc dù tỉnh đã kích hoạt toàn bộ hệ thống chính trị vào trạng thái khẩn cấp, huy động mọi nguồn lực để phòng chống dịch CoV 19, tuy nhiên do tốc độ lây lan nhanh của biến chủng mới nên gặp phải rất nhiều khó khăn.

Để giúp Hải Dương phòng chống CoV 19, với tinh thần vì Hải Dương, Hải Dương vì cả nước, rất mong nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ bằng nhân lực, vật lực cũng như kinh phí, vật tư y tế, lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu để Hải Dương có thêm nguồn lực quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch CoV 19.

Nhận được Thư kêu gọi của Uỷ Ban MTTQ tỉnh Hải Dương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã thống nhất ủng hộ Hải Dương 4 tỷ đồng trích từ quỹ dự phòng ngân sách tỉnh. Thông qua việc hỗ trợ lần này, tỉnh Quảng Ninh gửi lời chia sẻ, động viên chân thành nhất tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương. Tin tưởng rằng với sự đồng lòng, quyết tâm cao của hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, tỉnh Hải Dương sẽ nhanh chóng đạt kết quả tích cực trong phòng, chống dịch CoV 19.

14, https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ha-noi-van-dong-bep-an-tap-the-tieu-thu-nong-san-hai-duong-quang-ninh-1797254.tpo

Hà Nội vận động bếp ăn tập thể tiêu thụ nông sản Hải Dương, Quảng Ninh

Sở Công Thương Hà Nội đề nghị Sở GD&ĐT và UBND các quận, huyện, thị xã thông báo các trường học phối hợp cùng các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho bếp ăn trường học liên hệ, khai thác nông, thủy sản tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh phục vụ suất ăn học sinh, sinh viên.

Sở Công Thương Hà Nội vừa có văn bản về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh do tác động của COVID-19.

Văn bản nêu, do diễn biến tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng đến công tác kết nối, tiêu thụ sản phẩm, nông, thủy sản, đến thời điểm thu hoạch trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh gặp rất nhiều khó khăn. Như hải sản Quảng Ninh  500 tấn cá song hổ, cá song đen, hàu; Rau củ quả tỉnh Hải Dương là 90.000 tấn gồm cà sốt, bắp cải, su hào, cà chua, ổi… ; Gà đồi Chí Linh là 550 tấn; Thủy sản 550 tấn gồm cá trắm, cá lăng, cá diêu hồng.

Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm… cùng các tổ chức đoàn thể xã hội kết nối, tiêu thụ sản phẩm tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các sản phẩm nông sản thực phẩm của Hải Dương, Quảng Ninh khi đưa ra thị trường tiêu thụ được thực hiện tốt các biện pháp an toàn phòng dịch cho người, phương tiện và hàng hóa lưu thông theo quy định của ngành y tế và đã được các cơ sở giết mổ, các đơn vị phân phối hỗ trợ tối đa để hạ giá thành sản phẩm.

Văn bản nêu, để tiếp tục chung tay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông, thủy hải sản tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh với tinh thần tương thân, tương ái, giúp bà con nông dân bớt khó khăn, tiêu thụ được sản phẩm đến thời điểm thu hoạch, Sở Công Thương Hà Nội rất mong được các đơn vị hỗ trợ, triển khai chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh.

Cụ thể, theo đề xuất của Sở Công Thương Hà Nội, Sở GD&ĐT và UBND các quận, huyện, thị xã thông báo các trường học phối hợp cùng các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho bếp ăn trường học liên hệ, khai thác nông, thủy sản tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh phục vụ suất ăn học sinh, sinh viên.

Liên đoàn lao động thành phố chỉ đạo và triển khai đến Liên đoàn lao động các quận, huyện, thị xã biết về ý nghĩa chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh để vận động, triển khai đến các công đoàn cơ sở.

Các tổ chức chính trị xã hội thuộc thành phố như Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân, Liên minh hợp tác xã… triển khai đến các cấp hội, đoàn thể chung tay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương.

Công đoàn các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố, Chủ tịch công đoàn triển khai công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, làm đầu mối thông báo chương trình đến cán bộ, công chức, người lao động trực thuộc đơn vị, lựa chọn hàng hóa thực hiện chương trình, tổng hợp và kết nối, tích cực đặt mua sản phẩm (số lượng cao nhất) với các đơn vị thực hiện chương trình.

Với các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi, cửa hàng thực phẩm, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho bếp ăn tập thể, Sở Công Thương đề nghị tiếp tục tăng cường khai thác sản phẩm nông, thủy hải sản tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, đưa vào hệ thống phân phối của đơn vị, các bếp ăn tập thể, phục vụ học sinh, sinh viên, người lao động tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Các doanh nghiệp phân phối siêu thị, cửa hàng thực phẩm tổ chức các điểm bán hỗ trợ tiêu thụ nông thủy sản Hải Dương, Quảng Ninh tại các hệ thống phân phối và các địa điểm thuộc quản lý của đơn vị để người tiêu dùng thuận tiện mua hàng hóa, đồng thời thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch của ngành y tế.

15, https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/quang-ninh-mo-10-lop-boi-duong-ky-nang-chuyen-doi-so-trong-nam-2021-715001.html

Quảng Ninh mở 10 lớp bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số trong năm 2021

Trong 127 lớp đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ, công chức, viên chức sẽ được Quảng Ninh tổ chức năm nay, có 10 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Quảng Ninh năm 2021 nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2020 – 2025 và những nhiệm kỳ tiếp theo, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Kế hoạch cũng hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và thời kỳ đẩy mạnh đổi mới, phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ của đất nước, của tỉnh Quảng Ninh hiện nay và thời gian tới.

Cũng theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, năm 2021, Quảng Ninh sẽ chi 30 tỷ đồng để tổ chức 127 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho gần 9.100 cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Nằm trong nhóm các lớp đào tạo, bồi dưỡng được đề nghị mở mới trong năm 2021, các lớp bồi dưỡng kỹ năng nâng cao nhận thức về chuyển đổi số dự kiến sẽ kéo dài 4 ngày/lớp. Sở TT&TT Quảng Ninh là đơn vị chủ trì tổ chức, với đối tượng học viên là cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ban, ngành, tổ chức và địa phương trong tỉnh.

Việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước tại Quảng Ninh cũng là một trong những hoạt động để triển khai nhiệm vụ của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 749 ngày 3/6/2020.

Trong trao đổi tại tọa đàm “Làm gì để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam?” - một hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn CNTT-TT Việt Nam 2020 được tổ chức giữa tháng 12/2020, Giám đốc Sở TT&TT Lê Ngọc Hân cho biết, bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, Quảng Ninh đã tham mưu tỉnh đưa chương trình đào tạo chuyển đổi số trở thành chương trình đào tạo có tính chất thường xuyên, hàng năm với cán bộ, công chức, viên chức.

Quảng Ninh hàng năm đều dành một nguồn quỹ để đào tạo. Tất cả cán bộ từ cấp thôn, bản, xã, phường hàng năm đều được tỉnh triệu tập đào tạo để nắm bắt được các chủ trương, chính sách, đường lối, kế hoạch, chiến lược phát triển mới. “Chúng tôi tham mưu đưa chuyển đổi số trở thành một trong những học phần nằm trong chương trình đào tạo chung dành cho các cán bộ từ cấp thôn, bản, xã, phường cho đến huyện, thị. Đây sẽ là chương trình có tính chất bắt buộc”, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ninh Lê Ngọc Hân chia sẻ.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã đưa xây dựng Đề án chuyển đổi số toàn diện tỉnh là 1 trong 15 Chương trình, Đề án trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 – 2025.Theo báo cáo của Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh về tình hình triển khai Quyết định 749 ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Quảng Ninh đang tập trung vào xây dựng Đề án chuyển đổi số toàn diện tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu đặt ra là phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số trong các ngành, địa phương, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số; tận dụng có hiệu quả cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh tạo nền tảng vững chắc cho Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại.

Sở TT&TT cũng cho hay, việc xây dựng và triển khai Đề án chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh là đề án lớn, có tác động lớn đến mọi mặt của xã hội từ sản xuất kinh doanh, giao tiếp xã hội, điều hành của chính quyền… Tuy nhiên, tỉnh đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ công cuộc chuyển số toàn diện từ các chuyên gia xây dựng cơ chế, chính sách đến những chuyên gia hàng đầu về công nghệ.

Phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số là nền tảng quan trọng, góp phần đảm bảo tiến trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số nhanh, hiệu quả và bền vững. Bộ TT&TT đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong năm 2021 là hoàn thiện môi trường pháp lý cho Chính phủ số, trong đó có việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo dự thảo Đề án này, các mục tiêu cần đạt được đến năm 2025 gồm có: 80% bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng năm tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số, công nghệ số, kinh tế số, xã hội số; đào tạo được 1.000 chuyên gia làm lực lượng nòng cốt chuyển đổi số trên toàn quốc; 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng được Mạng lưới chuyển đổi số đến cấp xã…

16, https://baophapluat.vn/tin-tuc-tinh-thanh/giam-sat-an-toan-thuc-pham-voi-cac-san-pham-ocop-574090.html

Giám sát an toàn thực phẩm với các sản phẩm OCOP

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Công, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ hành động quyết liệt, với nhiều giải pháp cụ thể, nhằm siết chặt quản lý an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nhằm tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo đảm ATTP, năm 2021, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hoàn thiện và triển khai hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về những tiêu chuẩn cơ sở, quy chuẩn kỹ thuật địa phương, đảm bảo ATTP hài hòa với các chuẩn mực quốc tế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP, hướng dẫn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ATTP tiên tiến. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông đại chúng, băng rôn, tờ rơi, áp phích, nâng cao số lượng và chất lượng các sản phẩm truyền thông, đảm bảo nội dung phù hợp với khả năng nhận thức của các đối tượng, vùng miền.

Ngành Nông nghiệp cũng sẽ tập trung phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung an toàn thực phẩm (ATTP), liên kết sản xuất kinh doanh thực phẩm theo chuỗi, ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn.

Hỗ trợ các mô hình sản xuất ban đầu theo tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP… liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận tại các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, sản phẩm trong chương trình OCOP của tỉnh.

Thường xuyên lấy mẫu như đất, nước phân tích hàm lượng các nguyên tố kim loại nặng để đánh giá chất lượng đất trồng, nước tưới tại các vùng quy hoạch, tập trung trồng rau, củ, quả an toàn của tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành cũng tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Đồng thời, giám sát ATTP đối với sản phẩm nông, lâm, nghiệp, nhất là các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh, trong chương trình xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP;

Chủ động thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về ATTP, gắn trách nhiệm với người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ sở và các cơ quan đơn vị liên quan; tập trung thanh tra, kiểm tra đột xuất xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

17, http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202102/tap-huan-truc-tuyen-cong-tac-kiem-tra-giam-sat-bau-cu-2522232/

Tập huấn trực tuyến công tác kiểm tra, giám sát bầu cử

Sáng 23/2, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn công tác kiểm tra, giám sát bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tham dự tại các điểm cầu của tỉnh Quảng Ninh có hơn 200 cán bộ làm công tác mặt trận các cấp.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được giới thiệu chuyên đề: "Công tác kiểm tra, giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp"; trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc chung trong công tác bầu cử ở địa phương.

Thông qua hội nghị, các đại biểu đã được tập huấn quy định, quy trình để tổ chức việc giám sát, kiểm tra của MTTQ đối với công tác bầu cử tại các địa phương nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những vi phạm pháp luật về bầu cử nếu có để hướng dẫn hoặc đề xuất với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền các biện pháp khắc phục kịp thời, góp phần bảo đảm cho cuộc bầu cử thật sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thật sự là ngày hội của nhân dân.

VĂN HÓA

18, http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202102/nhiep-anh-quang-ninh-nhieu-trien-vong-moi-trong-nam-2021-2522870/

Nhiếp ảnh Quảng Ninh: Nhiều triển vọng mới trong năm 2021

Nhiếp ảnh Quảng Ninh bước vào năm 2021 với nhiều triển vọng mới, hứa hẹn có những vụ mùa bội thu trong chất lượng nghệ thuật cũng như các giải thưởng, danh hiệu...

Lực lượng nhiếp ảnh Quảng Ninh ngày càng mở rộng, xuất phát từ việc xã hội phát triển, người chơi ảnh, hành nghề nhiếp ảnh, người sáng tạo nghệ thuật nhiếp ảnh ngày càng nhiều. Hiếm có nơi nào trên đất nước ta có chất liệu nhiếp ảnh vô cùng phong phú như Quảng Ninh.

Có những thời kỳ, nhiếp ảnh Quảng Ninh rất nổi, được nhiều người biết đến. Chính sự rộng mở trong tư duy sáng tác đã giúp người cầm máy thoát khỏi lối mòn, trong đó có lối mòn trong sáng tác về Hạ Long để đạt được nhiều thành tựu.

Quảng Ninh là mảnh đất giàu chất liệu sáng tạo nghệ thuật, được ví như Việt Nam thu nhỏ có đồng bằng, trung du, đồi núi, biên giới, biển và đảo. Từ miền quê bình yên có truyền thống cách mạng đến những khu đô thị hiện đại bên bờ Vịnh Hạ Long xinh đẹp, từ những làng nghề truyền thống đến khu công nghiệp tiên tiến, từ người thợ lò đến những thiếu nữ Dao Thanh Phán... suốt chiều dài Quảng Ninh đâu đâu cũng gây ấn tượng, tạo cảm xúc cho nhà nhiếp ảnh.

Đề tài thợ mỏ là thế mạnh, gần như là “hàng độc” của các tay máy Quảng Ninh. Không nhiều thì ít, đã là nghệ sĩ nhiếp ảnh sống ở Quảng Ninh, tay máy nào cũng lấy người thợ mỏ làm nhân vật của mình. Quảng Ninh đã có những tay máy đi sâu vào khai thác đề tài người thợ, có người đã từng trực tiếp làm thợ cơ khí, thợ lái máy xúc trên mỏ, phóng viên theo dõi ngành Than chụp ảnh mỏ với vốn sống phong phú.

Thời gian qua, các nghệ sĩ đã có nhiều cố gắng trong sáng tạo nghệ thuật. Tính riêng năm 2020, các nghệ sĩ đã có 207 tác phẩm gửi triển lãm mừng Đảng - mừng Xuân, 8 tác phẩm dự cuộc thi Phật giáo trong đời sống, 2 tác phẩm đoạt giải cuộc thi ảnh OCOP, 2 tác giả đoạt giải cuộc thi ảnh đẹp của Đài Truyền hình Việt Nam, 1.062 tác phẩm tham dự cuộc thi ảnh “Quảng Ninh hội tụ và lan tỏa”.

Trong triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh có 22 tác phẩm triển lãm, đoạt 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Đồng và 1 giải đồng đội. Quảng Ninh cũng có 4 tác phẩm triển lãm tại cuộc thi ảnh nghệ thuật du lịch toàn quốc, có 3 tác phẩm triển lãm trong cuộc thi ảnh nghệ thuật Việt Nam, 5 tác phẩm triển lãm cuộc thi ảnh “Tự hào một dải biên cương”.

Trong đó, nhiếp ảnh Quảng Yên cũng là hiện tượng phát triển đáng chú ý, nhiều nhà nhiếp ảnh trẻ đã tạo sân chơi chia sẻ, học hỏi, giúp đỡ nhau gây dựng phong trào, được ghi nhận thành tích qua các cuộc thi ảnh. Đặc biệt, trong danh sách đoạt giải cao trong Giải thưởng Văn nghệ Bạch Đằng (giải thưởng 5 năm một lần của TX Quảng Yên) được hội đồng chung khảo bầu đều là các nhà nhiếp ảnh trẻ. 

Để nhiếp ảnh Quảng Ninh phát triển, một số địa phương đã có những hoạt động tích cực, tổ chức nhiều buổi giao lưu học hỏi, tổ chức các cuộc sáng tác và qua đây chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức để hoàn thiện dần cho mỗi tác phẩm sau này, đã mang lại những kết quả đáng khích lệ.

Đơn cử như: Chi hội nhiếp ảnh Cẩm Phả thông qua hoạt động theo hình thức câu lạc bộ năm qua đã tổ chức tốt cuộc thi "Ảnh đẹp thành phố Cẩm Phả. Và với sự kết nối của Chi hội Nhiếp ảnh Quảng Ninh, CLB Nhiếp ảnh Nghệ thuật Cẩm Phả và CLB Nhiếp ảnh Sông Hàn (Đà Nẵng) đã tổ chức giao lưu triển lãm ảnh 2 thành phố biển chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Cẩm Phả. 

Năm 2021, Quảng Ninh sẽ là chủ nhà đăng cai Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2021. Vì vậy, các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong tỉnh sẽ đẩy mạnh phong trào sáng tác lên cao hơn nữa, tăng cường các hoạt động hội thảo, tập huấn nghiệp vụ nâng cao chất lượng tác phẩm, kịp thời phục vụ các sự kiện chính trị trong tỉnh, giao lưu với các chi hội lân cận để tích lũy kinh nghiệm sáng tác.

Những nhà nhiếp ảnh có trách nhiệm luôn chú ý tìm kiếm những nhà nhiếp ảnh có đam mê để tư vấn, hướng tới một sân chơi mang tính chuyên nghiệp cao hơn, đó là Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh, nơi hội tụ nhiều nhà nhiếp ảnh có chuyên môn cao, có kinh nghiệm và có nhiều thành tích trong nhiếp ảnh, được đông đảo người yêu thích bộ môn nhiếp ảnh biết đến.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hải Huy, Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Quảng Ninh, đề xuất: Trong thời gian tới, mong Hội sẽ tổ chức nhiều trại sáng tác, trong đó có cả các hội viên trung ương và các tỉnh, thành lân cận đến sáng tác để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Mỗi đợt sáng tác cần có định hướng sáng tác, có tổng kết, phân tích, đánh giá, mời những nhà chuyên môn thẩm định. Bởi vì, trại sáng tác là nơi lưu trữ cũng là kết quả của phong trào sáng tác của các nghệ sĩ.

19, http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202102/quang-ninh-co-2-tac-gia-duoc-tang-thuong-tac-pham-xuat-sac-ve-chu-de-hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh-2522444/

Quảng Ninh có 2 tác giả được tặng thưởng tác phẩm xuất sắc về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh"

Tổng Cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam vừa trao thưởng cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” năm 2020.

Tổng Cục Chính trị đã trao bằng khen cho 11 tập thể và 18 cá nhân đã có thành tích trong cuộc vận động sáng tác, quảng bá, văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”; trao chứng nhận và tặng thưởng cho 50 tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí xuất sắc về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”.

Quảng Ninh có 2 tác giả được tặng thưởng:  Nhà thơ Trịnh Công Lộc được nhận tặng thưởng với chùm thơ “Nghĩ từ những ngày bão dịch” và “Hải Phòng đón mặt trời từ biển”; nhà văn Đinh Phương với bút ký “Tôi đi Trường Sa” đã thể hiện xuất sắc chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” năm 2020.

20, https://www.tienphong.vn/van-hoa/mai-vang-co-thu-bung-no-vang-ruom-tren-dinh-non-thieng-yen-tu-1797610.tpo

Mai vàng cổ thụ bung nở vàng ruộm trên đỉnh non thiêng Yên Tử

Những chùm “đại lão mai vàng” Yên Tử đầu tiên bung nở trên khu vực non thiêng Yên Tử.

Xung quanh cây mai vàng Yên Tử là câu chuyện đậm chất huyền sử: Tương truyền thế kỷ 13, sau khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con và lên núi Yên Tử tu hành, Ngài đã cùng các phật tử trồng cây mai vàng. Sau hàng thế kỷ, những cây mai đã trở thành rừng mai cổ thụ rộng lớn.

Mai vàng Yên Tử tập trung chủ yếu ở khu vực chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, chùa Vân Tiêu, chùa Bảo Sái.

Từ giá trị của những vùng mai cổ thụ, Quảng Ninh hiện nay cũng có chính sách nhân giống để có những gốc mai 5-6 tuổi để bán rộng rãi hơn, tránh hiện tượng chặt phá rừng mai cổ thụ.

 Người hành hương về đất Phật có thể ngắm những chùm hoa đầu tiên. Tuy nhiên năm nay trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên đỉnh thiêng Yên Tử cũng vắng lặng hơn lệ thường.

Rừng mai vàng ở Yên Tử có những cây cao hơn 15m, thân gân guốc, đường kính tới 60-70cm, sinh trưởng mạnh mẽ trên vách đá cheo leo của vùng thiêng Yên Tử.

DU LỊCH

21, https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/ton-vinh-ve-dep-mai-vang-yen-tu-652324

Tôn vinh vẻ đẹp mai vàng Yên Tử

Được mời tham dự Festival áo dài tổ chức mới đây tại Quảng Ninh, nhà thiết kế Huệ Thi (Cần Thơ) đã mang đến bộ sưu tập mới nhất “Mai vàng Yên Tử-Sắc màu non thiêng” để lại ấn tượng cho người xem bởi sự tinh tế trong thiết kế, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa.

Là một nhà thiết kế thời trang trẻ chuyên tâm với mảng áo dài truyền thống, lẽ tất nhiên trong mỗi bộ sưu tập, Huệ Thi đều muốn kể cho công chúng, khách hàng những câu chuyện về văn hóa dân tộc. Ban đầu chị rất lo lắng, không biết tìm ý tưởng nào đại diện cho hình ảnh văn hóa Quảng Ninh làm chủ đề cho bộ sưu tập. Đưa hình ảnh Di sản Vịnh Hạ Long hay Phật giáo lên áo dài e rằng sẽ thiếu tinh tế, thậm chí là phản cảm. Trăn trở nhiều đêm, tình cờ chị nhìn thấy hình ảnh cây mai vàng cổ thụ trên non thiêng Yên Tử rất đẹp, thoạt nhìn rất giống với mai vàng trong miền Nam bung nở mỗi dịp Tết đến xuân về.

Mai vàng Yên Tử được thấy nhiều ở vùng núi tỉnh Quảng Ninh. Dân gian cho rằng giống mai này là do Phật hoàng Trần Nhân Tông trồng trên núi Yên Tử khi nhà vua về tu thiền. Tuy cây mai vàng Yên Tử và cây mai vàng miền Nam thuộc cùng một loài, song mai vàng Yên Tử lại sống trong nền khí hậu có mùa đông lạnh giá nên đã tạo ra sự khác biệt về mặt hình thái, được đánh giá là giống cây quý. Mai vàng Yên Tử sắc hoa có màu vàng chanh, hương thơm man mác, hợp với chốn linh sơn Yên Tử. Mai vàng Yên Tử thường có hoa 5 cánh, viền mỗi cánh lượn sóng và xếp thưa nhau. Đài hoa có màu xanh cốm đỡ lấy phần cánh hoa, nhị hoa cũng có màu vàng chanh đồng màu với những cánh hoa. Hoa tự nhiên sau Tết Nguyên Đán, thông thường từ giữa tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, vào dịp lễ hội Yên Tử hằng năm.

Vẻ đẹp của loài hoa mai thuần chủng ở vùng đất Phật giáo nổi tiếng đã gợi cảm hứng để nhà thiết kế Huệ Thi thực hiện bộ sưu tập áo dài đặc sắc. Với chất liệu chủ đạo là tơ voan, tằm thái, được biến tấu hiện ra nền màu xanh da trời, trắng tinh khôi mây núi và màu vàng của hoa mai. Mỗi thiết kế của Huệ Thi luôn có những điểm xuyết xen kẽ để người xem dễ dàng cảm nhận sự bồng bềnh của mây chốn non cao, của những cành mai trăm năm tuổi mạnh mẽ bền bỉ, hay những mái chùa linh thiêng trên nền rêu xám.

Nói thêm về ý tưởng mai vàng trong bộ sưu tập, nhà thiết kế Huệ Thi cho biết: “Mai vàng Yên Tử tượng trưng cho tinh thần bền bỉ, vượt lên mọi khó khăn theo truyền thống thiền môn mà các thiền sư đã dày công vun xới và phát triển hệ phái Trúc Lâm Yên Tử. Mai, lan, cúc, trúc được người đời tôn là tứ quý và được coi là biểu tượng của 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Mai vàng là một loài hoa đẹp cao quý chỉ nở mỗi năm một lần đúng vào dịp xuân về. Tôi gửi gắm trong bộ sưu tập niềm tin về mùa xuân mới với bao hy vọng cuộc sống của người người sẽ ngày càng hạnh phúc”.

Nhà thiết kế Huệ Thi còn hy vọng, bộ sưu tập “Mai vàng Yên Tử-Sắc màu non thiêng” sẽ “dẫn đường” cho công chúng, khách hàng gần xa tìm về với mảnh đất Quảng Ninh, đắm mình vào nét văn hóa đặc sắc vùng đất Yên Tử linh thiêng

22, https://vov.vn/du-lich/du-lich-quang-ninh-tim-kiem-co-hoi-phuc-hoi-839528.vov

Du lịch Quảng Ninh tìm kiếm cơ hội phục hồi

Quảng Ninh đang có kế hoạch mở cửa trở lại một số dịch vụ du lịch khi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát. Đây cũng là mong muốn của các doanh nghiệp du lịch, vốn đang đứng trước bờ vực phá sản sau thời gian dài "đóng băng" vì dịch bệnh Covid-19.

Những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 kéo dài hơn 1 năm qua đã tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội đặc biệt là làm ngành du lịch ngừng trệ.

Tỉnh Quảng Ninh đã 2 lần tung ra các gói kích cầu du lịch vào những thời điểm dịch bệnh được kiểm soát tốt trong cả nước. Tuy nhiên, đợt dịch bùng phát lần thứ 3 đã nhấn chìm mọi nỗ lực của những người làm du lịch. Các hoạt động công cộng bị đóng cửa dài ngày, vịnh Hạ Long, danh thắng Yên Tử chìm vào yên lặng vì vắng bóng du khách, khoảng 20.000 lao động bị mất việc làm và kế hoạch đón 3,6 triệu khách du lịch trong quý I/2021 bị phá sản.

Để các hoạt động du lịch trở lại trong trạng thái bình thường mới, ông Nguyễn Văn Phượng, chủ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long kiến nghị: "Chúng tôi đề nghị tạo điều kiện cho tất cả thuyền viên, nhân viên hoạt động du lịch được tiêm vaccine Covid-19 trước. Vì vịnh Hạ Long là khu vực cửa ngõ đón rất nhiều du khách, nếu toàn bộ nhân viên được tiêm vaccine sẽ tạo cảm giác an toàn thì du khách sẽ tới".

Ưu tiên phòng chống dịch bệnh là yêu cầu hàng đầu khi du lịch hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn vay ngân hàng để có nguồn lực đầu tư sau 3 đợt bão dịch hoành hành.

Ông Đào Mạnh Lượng, Chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long nói: "Bây giờ chúng tôi rất khó để vay vốn. Rất mong ngân hàng chính sách có thể tiếp lực cho chúng tôi, trước mắt là thanh toán lương, bảo hiểm cho nhân viên và nợ của ngân hàng. Nếu muốn khôi phục được ngành du lịch có lẽ phải cần sức mạnh tổng thể, một mình ngành du lịch không làm được. Trong đó các chủ doanh nghiệp cũng nên hạ giá dịch vụ xuống mức thấp nhất, không tính lãi cao, chỉ cần tính đủ chi phí và đảm bảo chất lượng dịch vụ theo giá thành".

Ngoài các quy định chống dịch, Chi hội tàu kiến nghị các thuyền viên, nhân viên tàu du lịch được tiêm vaccine Covid-19 khi du lịch đi vào hoạt động.

Việc khôi phục hoạt động du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát là điều cần thiết và cũng là bước chuẩn bị cho vụ cao điểm của du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Hiện Quảng Ninh vẫn tiếp tục giảm 50% giá vé vào ngày thường và 100% vào các ngày lễ khi tham quan vịnh Hạ Long và các danh lam thắng cảnh khác trên địa bàn.

Gần đây nhất, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của Hiệp hội Du lịch, lãnh đạo các chi hội trực thuộc Hiệp hội để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp du lịch, do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, Sở đang chờ quyết định chính thức của UBND tỉnh Quảng Ninh để triển khai kế hoạch trở lại của du lịch Quảng Ninh./.

23, http://baoquangninh.com.vn/du-lich/202102/du-lich-tam-linh-tu-cac-di-san-phat-giao-2521918/

Du lịch tâm linh từ các di sản Phật giáo

Quảng Ninh có hệ thống công trình kiến trúc tôn giáo gồm nhiều chùa, am, tháp, bia, đền, lăng mộ trải khắp tỉnh, tập trung ở Uông Bí và Đông Triều. Hầu hết những công trình này nằm ở không gian thiên nhiên khoáng đạt, là những tài nguyên rất có giá trị để phát triển du lịch tâm linh.

Du lịch tâm linh hay còn gọi là du lịch tôn giáo là một phạm trù thuộc tài nguyên du lịch nhân văn bao gồm dân tộc, phong thổ, con người, danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, bảo tàng, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc, văn học, ca múa. Hàm nghĩa của du lịch tôn giáo hiện nay chưa có được một quan điểm thống nhất. Đa số cho rằng du lịch tâm linh không chỉ là hình thức du lịch nhằm mục đích tôn giáo mà du lịch tâm linh còn là hình thức tu học, cầu học tại các địa điểm tâm linh tham gia các di tích, các thắng cảnh.

Theo đó, Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các điều kiện như: Là nơi phát tích của triều Trần, nơi phát tích của Phật giáo Trúc Lâm, nơi viên tịch của Phật hoàng, nơi có chùa Quỳnh Lâm được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta, nơi gắn liền với những nhân tài anh kiệt thời Trần. Đặc biệt, Quảng Ninh có khu di tích danh thắng Yên Tử là nơi hình thành và phát triển của dòng thiền thuần Việt Trúc Lâm Yên Tử.

Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử được công nhận Di tích cấp quốc gia năm 1974, năm 2012 được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt và hiện đang được xây dựng hồ sơ trở thành Di sản thế giới. Yên Tử đón 1,5 - 2 triệu lượt khách mỗi năm, là điểm du lịch tâm linh có lượng khách lớn nhất toàn tỉnh. Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam đã và đang phát huy được nhiều giá trị, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh và ngành du lịch của Việt Nam.

Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho biết: Những sản phẩm chúng tôi mang đến cho du khách tại Yên Tử chính là du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm văn hóa dân tộc gắn với thiên nhiên. Công ty đã tập trung xây dựng nhiều sản phẩm du lịch bao gồm các gói sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, gói sản phẩm khám phá Yên Tử, gói sản phẩm chăm sóc sức khỏe mới mẻ... Tất cả đều phù hợp, hài hòa, thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối đối với không gian văn hóa của Yên Tử cũng như xứng tầm với giá trị của di sản. Cùng với đó, Công ty rất chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, chuyên nghiệp trong phục vụ nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời nhất.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn có một hệ thực vật phong phú với hàng ngàn cây cổ thụ, sông suối, hồ ao đẹp như thủy mặc, lại thêm giao thông thuận lợi. Theo Tiến sĩ Phạm Thị Thảo (Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội), thì Quảng Ninh là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố địa linh nhân kiệt và thiên thời để phát triển du lịch tâm linh Phật giáo.

Để phát triển du lịch tâm linh một cách bền vững và có hiệu quả, phát huy các đặc điểm tài nguyên di sản Phật giáo, Tiến sĩ Phạm Thị Thảo đề xuất một số mô hình như sau: Thứ nhất là xây dựng công viên Phật giáo dựa trên các kiến trúc Phật giáo dưới tán cây rừng theo các chủ đề hoặc các câu chuyện trong các tích truyện Phật giáo nhất định. Mô hình này cần đảm bảo tận dụng không gian trống dưới tán cây rừng, tránh chặt cây mở đường. Nguyên vật liệu và màu sắc thiết kế cũng phải phù hợp với không gian hoa lá, vừa đảm bảo giữ gìn cảnh quan môi trường, vừa giúp du khách hiểu hơn về nguồn gốc sự hình thành và triết lý nhân văn của Phật giáo.

Thứ hai là tổ chức các hoạt động trong những ngày lễ lớn của Phật giáo như Phật đản, lễ Trần Nhân Tông nhập niết bàn, thiền sư Pháp Loa nhập tịch, các hội nghị hội thảo về Phật giáo nhằm lan tỏa giá trị của di tích. Thêm nữa, có thể tổ chức các hoạt động nghi lễ Phật giáo để các cư sĩ tham gia khóa tu theo nhật kì. Đối với phật tử và du khách cần tổ chức trải nghiệm đời sống Phật môn, tham gia sinh hoạt cùng tăng ni; trải nghiệm ẩm thực chay của Phật giáo.

Cùng với đó là việc xây dựng các thực cảnh cho sân khấu, điện ảnh kêu gọi các nhà văn, biên đạo, đạo diễn, diễn viên dựa trên các cấu tứ câu chuyện được ghi chép trong sử sách về các huyền thoại tâm linh gắn với di tích để sân khấu hóa. Có thể xây dựng thực cảnh từ câu chuyện Trần Nhân Tông bỏ cung vào Yên Tử rồi bị triệu hồi, 2 lần dẹp quân Nguyên Mông, trao ngôi báu và vào Yên Tử, truyền ấn cho nhị tổ Pháp Loa, thuyết pháp giảng kệ,  Điều Ngự giác hoàng viên tịch, Pháp Loa in khắc kinh, Nhị tổ rước xá lỵ của Phật hoàng về kinh v.v..

Gần 1 thập kỷ theo đuổi mô hình tăng trưởng xanh, Quảng Ninh đã ban hành rất nhiều nghị quyết, chỉ thị, khẳng định sự kiên trì và những nỗ lực để đi đến mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, trên cơ sở giảm bớt phụ thuộc vào khai thác nguồn tài nguyên hữu hạn, tăng dần phát triển các nguồn tài nguyên vô hạn, lấy phát triển dịch vụ, du lịch là trọng yếu. Trong đó, tập trung đầu tư trực tiếp nhiều nhất cho du lịch, xây dựng Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên trở thành trung tâm du lịch văn hoá - lịch sử - tâm linh đặc sắc. Trong giai đoạn 2023- 2025, Quảng Ninh sẽ xây dựng thêm 9 điểm du lịch cộng đồng khác có giá trị nổi trội về tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, đáp ứng tiêu chí về khả năng cung ứng, tính cộng đồng và giá trị bền vững; dựa trên giá trị văn hóa bản địa vùng miền núi, sinh thái khu vực ven biển; kết hợp du lịch nông nghiệp, làng nghề truyền thống, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái.

24, http://daidoanket.vn/thong-nhat-trien-khai-tuyen-duong-ven-song-di-qua-khu-di-tich-chien-thang-bach-dang-554351.html

Thống nhất triển khai tuyến đường ven sông đi qua Khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng

Ngày 25/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), tỉnh Quảng Ninh và UBND TX Quảng Yên đã có buổi làm việc trực tiếp thống nhất phương án triển khai tuyến đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều giai đoạn I, đi qua Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, TX Quảng Yên (Quảng Ninh).

Tại buổi làm việc, lãnh đạo TX Quảng Yên và Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Quảng Ninh đã báo cáo sơ bộ về tổng thể dự án tuyến đường ven sông đi qua khu vực di tích sẽ góp phần tăng thêm sự tiếp cận của công chúng, tạo sự thuận lợi cho việc tham quan tổng thể Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng.

Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh và địa phương cũng rất thận trọng trong các bước triển khai đảm bảo theo đúng trình tự và quy định của Luật Di sản văn hóa. Giai đoạn 1, trước khi triển khai lập dự án đã tham vấn các nhà khoa học và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia để đảm bảo hài hòa giữa việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế, hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến Khu di tích.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã đồng thuận và đánh giá cao cách làm của tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời yêu cầu Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Quảng Ninh và TX Quảng Yên trước khi triển khai dự án, sớm xây dựng kế hoạch phối hợp với các nhà khoa học để lập phương án báo cáo Bộ VHTTDL cho phép thăm dò, thám sát, khai quật khảo cổ học đối với các vị trí có khả năng phát lộ di vật, hiện vật cọc Bạch Đằng (nếu có) để có phương án xử lý, bảo quản kịp thời trước khi triển khai dự án

25, http://www.quangninhtv.com.vn/van-hoa/202102/can-quan-tam-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-vndg-cua-tinh-tuong-xung-voi-tiem-nang-2521933/

Cần quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị VNDG của tỉnh tương xứng với tiềm năng

Quảng Ninh là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa với kho tàng di sản văn hóa, văn nghệ dân gian (VNDG) phong phú, đặc sắc và độc đáo. Những giá trị văn hóa, VNDG đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu, phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh, song cũng đang đứng trước nhiều thách thức. 

Nhân dịp đầu xuân, khi những câu chuyện luận bàn về văn hóa truyền thống luôn được nhắc đến nhiều, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ của ông Nguyễn Quang Vinh (ảnh), Chủ tịch Hội VNDG Quảng Ninh – người đã dành nhiều tâm huyết cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, VNDG ở Vùng mỏ.

Nói về kết quả công tác sưu tầm, bảo tồn các di sản văn hoá, VNDG trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến nay, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết:

Quảng Ninh là vùng đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, nơi hội tụ và sinh tồn của 43 thành phần dân tộc anh em. Vì vậy, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã gắn bó keo sơn, đoàn kết, không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc và từng bước khẳng định những phẩm chất, tinh hoa văn hóa truyền thống của mình trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Theo thống kê, tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 1.200 di tích văn hóa, tập trung 3 thể loại: Văn hóa lịch sử, Văn hóa tâm linh và Văn hóa dân gian.

Sau hơn 20 năm thành lập và phát triển, với vai trò nòng cốt, Hội VNDG tỉnh Quảng Ninh đã có rất nhiều đóng góp quan trọng trong công tác sưu tầm, bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa, VNDG trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Hội VNDG đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp thực hiện 7 dự án, đề tài, công trình nghiên cứu có giá trị.

Cụ thể: Công trình nghiên cứu về người Dao Quảng Ninh được xuất bản thành sách “Mấy vấn đề người Dao Quảng Ninh”; công trình sưu tầm, bảo tồn di sản văn hóa dân gian làng Vân và văn hóa dân gian vùng biển tỉnh Quảng Ninh, đã được xuất bản thành sách “Văn hóa dân gian làng Vân và văn hóa dân gian vùng biển tỉnh Quảng Ninh”; công trình sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn Ca dao Vùng mỏ, đã xuất bản thành sách; Công trình sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu Văn hóa Ẩm thực vùng biển tỉnh Quảng Ninh, đã xuất bản thành sách “Văn hóa ẩm thực vùng biển tỉnh Quảng Ninh” và cuốn sách "101 món ăn dân gian Vùng biển ở Quảng Ninh"; công trình sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hát nhà tơ, hát múa cửa đình của cư dân vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh; công trình sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân gian làng chài Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long, đã xuất bản thành sách “Văn hóa dân gian của dân chài Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long”, và Đề tài “Địa danh Quảng Ninh xưa và nay” đang được triển khai thực hiện từ năm 2018 đến nay.

Cùng với đó, Hội VNDG tỉnh còn tập trung khai thác, bảo tồn, tôn vinh các nghệ nhân dân gian. Tính đến hết năm 2020, tỉnh Quảng Ninh có 64 Nghệ nhân dân gian Việt Nam, trong đó có 1 Nghệ nhân Nhân dân và 34 Nghệ nhân Ưu tú.

Hội cũng đã sưu tầm, chọn lọc xuất bản 36 tác phẩm về văn học dân gian. Ngoài công tác sưu tầm, công tác phổ biến, truyền dạy VNDG cũng được đẩy mạnh thông qua việc xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ VNDG của Hội VNDG tỉnh và 122 câu lạc bộ VNDG ở các địa phương.

- Những công trình nghiên cứu, sưu tầm của Hội VNDG có ý nghĩa như thế nào đối với công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa, VNDG của tỉnh Quảng Ninh, thưa ông?

+ Có thể khẳng định những công trình nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa, VNDG được thực hiện và hoàn thành đến thời điểm này đã thể hiện quá trình làm việc say mê, nghiêm túc của các hội viên Hội VNDG tỉnh nói riêng cũng như sự vào cuộc, phối hợp, hỗ trợ sâu sắc từ các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung.

Đặc biệt, những công trình, đề tài nghiên cứu, sưu tầm đã được in, xuất bản thành sách sẽ trở thành vốn tư liệu quý giá, ý nghĩa, thiết thực phục vụ cho quá trình nghiên cứu về văn hóa, VNDG của Quảng Ninh trong những giai đoạn tiếp theo.

Những công trình về văn hóa, VNDG được nghiên cứu, sưu tầm đều đã góp phần làm sâu sắc ý nghĩa và giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tỉnh Quảng Ninh nói riêng, làm phong phú đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam nói chung. Qua đó, không ngừng khơi dậy tinh thần bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong đông đảo tầng lớp nhân dân, góp phần trong công tác giáo dục tri thức, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.

Đồng thời, những công trình nghiên cứu này còn phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tổ quốc trong tình hình mới, phục vụ phát triển kinh tế, du lịch... đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ và bền vững của địa phương, đất nước.

- Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo ông, những vấn đề đang đặt ra đối với công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa, VNDG của Quảng Ninh hiện nay là gì?

+ Việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, VNDG của tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Vì vậy, cần phải tiếp tục có những cơ chế, chính sách thật sự thỏa đáng cho công tác này.

Cùng với đó, lực lượng tham gia nghiên cứu văn hóa, VNDG nhất là các nhà nghiên cứu trẻ, được đào tạo bài bản cũng đang thiếu hụt, vì vậy cần có sự bổ sung cũng như cần mở rộng thêm đến nhiều đối tượng khác như: Cán bộ văn hóa, nghệ nhân… ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Một thách thức lớn đang đặt ra đó chính là xu thế hội nhập quốc tế. Đối với lĩnh vực văn hóa, hội nhập quốc tế đã và đang mở ra nhiều cơ hội để chúng ta phát huy giá trị văn hóa dân tộc và mở rộng tiếp thu văn hóa nhân loại. Song hiện nay một bộ phận người dân, có biểu hiện coi nhẹ hoặc thờ ơ với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, do đó đặt ra yêu cầu cao hơn đối với công tác giáo dục.

- Vậy những giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới là gì, thưa ông?

+ Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, VNDG trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tôi nghĩ rằng cần tiếp tục thực hiện tốt công tác sưu tầm, kiểm kê, biên tập và xuất bản một số tác phẩm tiêu biểu của loại hình VNDG tại địa phương. Nâng cao vai trò quản lý của nhà nước, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ di sản văn hóa nói chung và VNDG nói riêng. Đặc biệt là việc bảo tồn các loại hình VNDG ngay chính trong đời sống của cộng đồng thông qua việc phổ biến, truyền dạy một cách bài bản, rộng rãi, thường xuyên từ cơ sở.

Bên cạnh đó, cần có chính sách, chế độ thỏa đáng cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, tạo điều kiện hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho Hội VNDG tỉnh trong thực hiện công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, VNDG.

Tỉnh cũng như các địa phương cần tiếp tục duy trì tổ chức các hoạt động, chương trình như ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, liên hoan ca múa nhạc dân gian, triển lãm văn hóa các dân tộc. Quan tâm hơn nữa hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở địa phương, nhất là đội ngũ làm công tác văn hóa; đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, giao lưu, hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc nói chung, VNDG nói riêng.

- Trong thời gian tới, Hội VNDG tỉnh sẽ cụ thể hóa những định hướng này bằng những kế hoạch gì?

+ Hội VNDG tỉnh sẽ tập trung tham gia thực hiện Bộ sách Văn hiến Quảng Ninh về Tuyển tập văn hóa, văn học và VNDG các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, bao gồm: Giới thiệu đất và người Quảng Ninh; Tổng quan văn hóa và văn hóa dân gian Quảng Ninh; Giới thiệu về phong tục, tập quán người Quảng Ninh; Trò chơi dân gian của người Quảng Ninh; Tục ngữ, ca dao, dân ca các dân tộc Quảng Ninh; Văn hóa công nhân Vùng mỏ Quảng Ninh; Truyện kể dân gian ở Quảng Ninh; Nghệ thuật trình diễn văn nghệ dân gian; Văn hóa ẩm thực ở Quảng Ninh và vùng biển tỉnh Quảng Ninh; Lễ hội dân gian ở Quảng Ninh.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện sưu tầm, nghiên cứu, biên tập, in, xuất bản sách giới thiệu không gian Văn hóa hát đối, hát giao duyên các dân tộc tỉnh Quảng Ninh; đề xuất phối hợp với Sở Du lịch lập dự án “Văn hóa văn nghệ dân gian phục vụ phát triển du lịch ở tỉnh Quảng Ninh”; hoàn thành đề tài khoa học về “Địa danh Quảng Ninh xưa và nay”...

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này! Chúc ông một năm mới an lành, nhiều sức khỏe để có thể tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, VNDG tỉnh Quảng Ninh!

26, https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/quang-ninh-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cac-thiet-che-van-hoa-the-thao-giai-doan-2021-2025-575084.html  

Quảng Ninh: Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2021 - 2025

Để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và được UBND tỉnh đồng ý chủ trương xây dựng Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025”.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế như: Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở (Cấp huyện thiếu Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Vân Đồn; cấp xã có 58/177 xã có Nhà Văn hóa, còn thiếu 119 NVH, 80/177 xã thành lập Trung tâm Văn hóa thể thao, còn 97 xã chưa thành lập TTVH TT; cấp thôn, khu còn thiếu 13 NVH); một số địa phương có quan tâm đến đầu tư xây dựng nhưng thiết chế văn hóa, thể thao còn chưa đảm bảo theo quy định (toàn tỉnh có 429 NVH thôn khu cần nâng cấp sửa chữa và 213 Nhà Văn hóa thôn cần xây mới). Trang thiết bị âm thanh, loa máy, thiếu thốn, xuống cấp không đủ điều kiện hoạt động, đặc biệt là các trang thiết bị thể thao, thiết bị cho trẻ em, người già là chưa có (100% thiết chế văn hóa không có trang thiết bị vui chơi trẻ em và cho người cao tuổi) . Đội ngũ cán bộ văn hóa còn thiếu về chuyên môn (toàn tỉnh có 182/177 xã phường có cán bộ văn hóa trong đó có 142 cán bộ trình độ đại học, sau đại học, 40 cán bộ trình độ trung cấp, cao đẳng. 119/182 cán bộ đúng chuyên ngành về văn hóa thể thao đạt 65,3%; 63 cán bộ không có chuyên ngành văn hóa thể thao). Nội dung hoạt động còn sơ sài, chưa phong phú và thường xuyên. Công tác xã hội hóa còn chưa cao, chưa có cơ chế rõ ràng để huy động nguồn lực xã hội hóa. Thiếu kinh phí hoạt động, kinh phí hỗ trợ cho cán bộ kiêm nhiệm, không chuyên trách tại Trung tâm Văn hóa Thể thao cấp xã và Nhà Văn hóa Khu thể thao cấp thôn, khu. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chưa được quan tâm đúng mức...Theo Văn bản số 952/UBND-VX1 của UBND tỉnh Quảng Ninh, những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong toàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang dần được hoàn thiện về số lượng và nâng cao về chất lượng. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở có vai trò, vị trí quan trọng trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của Đảng, Nhà nước; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, phát triển câu lạc bộ sở thích, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu các tầng lớp nhân dân; các hoạt động đang từng bước được mở rộng, nội dung chương trình hoạt động ngày càng đa dạng, phong phú hơn với nhu cầu nhân dân.

Để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng và được UBND tỉnh đồng ý chủ trương xây dựng Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025”./.

KINH TẾ

27, http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202102/huong-di-can-thiet-trong-bao-ve-moi-truong-bien-2522313/

Hướng đi cần thiết trong bảo vệ môi trường biển

Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên ưu đãi, Quảng Ninh là một trong những địa phương có nghề nuôi cá lồng bè hình thành từ rất sớm so với các tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, trong hoạt động nuôi biển, việc sử dụng phao xốp, phao phi đã làm nảy sinh nhiều yếu tố gây ô nhiễm đến môi trường biển. Trước thực trạng đó, để đảm bảo an toàn cho việc nuôi lồng bè, giàn bè và bảo vệ cảnh quan môi trường vùng biển ven bờ, UBND tỉnh đã có Quyết định ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) lợ, mặn tại Quảng Ninh.

Qua rà soát thống kê của các địa phương, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 20.000 ô lồng NTTS, tập trung chủ yếu tại Cẩm Phả, Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Các đối tượng nuôi chính là cá song, cá vược, cá giò, cá chim vây vàng... Do có giá thành rẻ, dễ làm, nguồn nguyên liệu sẵn có và phù hợp với trình độ quản lý của người nuôi, nên phần lớn các lồng bè được làm bằng gỗ, phao xốp hoặc phao phi. Tuy nhiên, các loại vật liệu trên thường có tuổi thọ rất thấp, chống chịu kém với tác động của sóng gió, thuyền bè va đập, nên đã làm phát sinh một lượng lớn rác thải ra môi trường biển, tác động trực tiếp đến cảnh quan và hoạt động du lịch biển của tỉnh, đặc biệt là Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Theo báo cáo của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), hằng năm các đơn vị thu dọn khoảng 2.000 tấn rác từ vịnh Hạ Long, trong đó có khoảng 2/3 lượng rác là phao xốp, tre, nứa từ nuôi trồng thủy sản.

Từ những thực trạng nêu trên, năm 2015, Sở NN&PTNT đã xây dựng Dự án phát triển nghề nuôi cá lồng bằng vật liệu HDPE, đảm bảo sóng gió và thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh. Dự án được triển khai thí điểm cho 30 hộ dân ở Vân Đồn và Đầm Hà với quy mô 6.000m3. Các hộ tham gia dự án được tư vấn kỹ thuật chế tạo lồng bằng nhựa HDPE và được hỗ trợ thức ăn, con giống để nuôi. Quá trình thực hiện đến năm 2017 cho thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt, song lồng nuôi được làm bằng vật liệu mới có kết cấu vững chắc, chịu được sóng gió cấp 8-9, chịu mặn, chịu nhiệt tốt, phù hợp với điều kiện tại Quảng Ninh, thân thiện với môi trường.

Không dừng lại ở những mô hình thí điểm, để NTTS theo hướng thật sự bền vững, có trách nhiệm với môi trường, ngày 31/8/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND về Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong NTTS lợ, mặn. Việc ban hành quy chuẩn đã đưa Quảng Ninh trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành nội dung này, lộ trình thực hiện cũng được tỉnh quy định rất rõ.

Cụ thể từ ngày 1/1/2021, các cơ sở NTTS lợ, mặn, thực hiện đầu tư mới phải đáp ứng đúng theo quy chuẩn; từ ngày 1/1/2023, các cơ sở NTTS đang sử dụng vật liệu làm phao nổi không phù hợp sẽ phải thực hiện chuyển đổi toàn bộ vật liệu để đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn. Đây được coi là giải pháp mạnh tay của tỉnh trong việc quản lý, rà soát và giám sát chặt chẽ, giảm thiểu rác thải từ các vật liệu không thân thiện, không bền vững trên vùng biển Quảng Ninh.

Điều đáng ghi nhận là chỉ sau 3 tháng tỉnh ban hành quy chuẩn, đến thời điểm này, đã có 3 doanh nghiệp tổ chức công bố hợp quy cho sản phẩm vật liệu HDPE sử dụng làm phao nổi cho NTTS nước mặn, lợ tại Quảng Ninh. Mặc dù đã có quy chuẩn, có sản phẩm hợp quy, tuy nhiên thực tế ghi nhận cho thấy, các hộ NTTS vẫn chưa thực hiện việc thay thế và chuyển đổi sang vật liệu mới.

Ông Nguyễn Sĩ Bính, Giám đốc HTX NTTS Phất cờ (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn), cho biết: Từ những năm 1998, tôi đã được biết đến vật liệu ống nhựa HDPE trong NTTS khi là nhân viên của Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ tại Vân Đồn. Khi công ty giải thể, tôi đã tiếp quản diện tích NTTS mà họ thuê trước đây, đồng thời mua bè nuôi cá bằng nhựa HDPE. Sau một thời gian dài sử dụng cho thấy vật liệu này rất bền, có thể lên tới 30-50 năm, chịu được va đập cao, an toàn với nguồn nước, không bị ăn mòn, rỉ sét. Với điều kiện tự nhiên như Quảng Ninh có khoảng 6-7 cơn bão/năm, người NTTS thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro về tài sản và tính mạng, việc đưa lồng cá bằng nhựa HDPE, nhựa cao cấp làm lồng bè cho thấy đây là hướng đi cần thiết và đúng đắn. Thế nhưng, để người dân có thể thay thế từ phao xốp sang vật liệu mới này, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi vì chi phí ban đầu khá lớn. Hiện 1 ô lồng có diện tích khoảng 9m2, nếu sử dụng vật liệu phao, xốp chi phí khoảng 7-8 triệu đồng, nhưng nếu là nhựa HDPE thì lên tới 20 triệu đồng. Do đó, để thay thế, đóng mới cho 50 ô lồng, số tiền sẽ lên tới hàng tỷ đồng.

Được biết, bảo vệ môi trường biển trong NTTS cũng là mục tiêu trọng tâm được quy định cụ thể tại Quyết định số 3675/QĐ-UBND ngày 18/9/2018 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Để mục tiêu này đạt được như mong đợi, các sở, ngành, địa phương cần đánh giá, rà soát lại nhu cầu và khả năng thực tế của hộ nuôi, từ đó có những cơ chế hỗ trợ phù hợp, giúp cho các hộ nuôi mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng mới.

28, https://nhandan.com.vn/chuyen-lam-an/nong-dan-quang-ninh-tich-cuc-san-xuat-vu-dong-xuan-636061/

Nông dân Quảng Ninh tích cực sản xuất vụ đông xuân

Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, tranh thủ thời tiết nắng ấm, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương bắt tay vào sản xuất vụ đông xuân, phấn đấu hoàn thành gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất.

Xóa bỏ tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, bà con nông dân ở TP Móng Cái đã nỗ lực ra đồng sản xuất, trồng cấy ngay từ những ngày đầu năm mới, vừa tổ chức phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vững tin vào một vụ mùa bội thu.

Chỉ “ăn tết” đúng ba ngày, từ mùng 4 Tết Tân Sửu đến nay, nhiều bà con nông dân xã Hải Đông của TP Móng Cái đã ra đồng làm đất. Chăm chỉ lao động, kết hợp với sử dụng máy móc, cơ giới hóa, những đồng đất màu mỡ của vựa lúa, vựa khoai Hải Đông như khoác màu áo mới, bảo đảm cuối tháng 2 này, người dân gieo vãi kịp thời vụ.

Ông Phạm Đăng Tài, thôn 3, xã Hải Đông, TP Móng Cái cho biết: vụ này gia đình cấy 18 sào và xác định dịch bệnh Covid-19 còn có thể kéo dài, ảnh hưởng đến các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, vì vậy gia đình tôi và bà con trên địa bàn chuyển hướng đầu tư mạnh vào sản xuất nông nghiệp, tận dụng hết quỹ đất đai tập trung trồng lúa và hoa màu, ổn định cuộc sống và bảo đảm thu nhập từ các sản phẩm nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Đông, TP Móng Cái, Quảng Ninh cho biết thêm: Xác định nông nghiệp là lĩnh vực trọng tâm của địa phương, nhất là để bảo đảm an ninh lương thực trong tình hình vừa chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất, trên tổng diện tích gieo trồng của xã là 341 ha, chúng tôi đã giao chỉ tiêu cho các thôn, hướng dẫn, chỉ đạo nạo vét kênh mương, bảo đảm nước tưới, lịch gieo trồng thời vụ, vận động các hộ tích cực cày cấy, không để bỏ hoang ruộng, đồng thời đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chuyển giao các loại giống đem lại hiệu quả cao như Khang Dân, DT 100, DT 120...

Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2020 - 2021, TP Móng Cái sẽ gieo cấy gần ba nghìn hécta lúa và hoa màu; trong đó diện tích trồng lúa là 630 ha; sản lượng dự kiến đạt khoảng 2.700 tấn. Hiện các địa phương của thành phố đang tích cực làm đất gieo trồng và nạo vét các tuyến mương nội đồng, cải tạo các đầm hồ nuôi trồng thủy sản bảo đảm tiến độ thời vụ...

Được biết vụ đông xuân năm nay, huyện Đầm Hà gieo trồng 1.200 ha lúa, 621 ha ngô, 180 ha cây khoai lang, cây có củ khác 80 ha, đậu tương 98 ha, lạc 300 ha, rau xanh các loại 185 ha.

Ông Trần Việt Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà cho biết: Để hoàn thành kế hoạch gieo trồng vụ xuân, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn chủ động tuyên truyền lịch thời vụ cho bà con nông dân, chuẩn bị các điều kiện cần thiết như cung ứng giống, vật tư, phân bón, nạo vét kênh mương nội đồng, vận động nông dân cày đổ ải trước Tết, tập trung sản xuất vụ xuân ngay sau thời gian nghỉ Tết. Công ty TNHH MTV Thủy lợi miền Đông có kế hoạch tích nước tại hồ Đầm Hà Động, tập trung xả nước tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân làm đất gieo trồng vụ xuân.

Tranh thủ thời tiết những ngày đầu năm mới thuận lợi, bà con nông dân các địa phương của thị xã Quảng Yên đã tranh thủ và huy động nhân lực, máy móc ra đồng và đã xuống giống trồng được gần 90% diện tích cây các loại trong tổng số  gần 5.300 ha của vụ Đông xuân năm nay. Trong đó, diện tích cấy lúa chiếm hơn 4.300 ha với hơn 3.900 ha lúa chất lượng cao, còn lại canh tác rau màu.

Gia đình ông Lê Văn Kỷ, ở xã Cẩm La cho biết: do dịch bệnh Covid-19, nên năm nay làng xã không tổ chức lễ hội, vì vậy mà công việc đồng áng cũng được người nông dân bắt tay ngay vào sản xuất từ ngày mùng 4 Tết.

Cùng với các địa phương trong tỉnh, ngay sáng mùng 5 Tết, trên một số cánh đồng thị xã Đông Triều, bà con nông dân đã hối hả ra đồng chăm diện tích lúa xuân sớm và cấy lúa xuân muộn. Vụ đông xuân năm nay cũng là một vụ sản xuất đặc biệt khi thị xã đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bà con ra đồng sản xuất đều phải bảo đảm các điều kiện để phòng, chống dịch theo đúng quy định. Tuy nhiên, khí thế sản xuất của bà con nông dân ngay trong ngày đầu của năm mới đã rất khẩn trương và trách nhiệm.

Vừa nhanh tay cấy lúa, bà Nguyễn Thị Hường ở xã Hồng Phong cho biết: vụ xuân này gia đình có 10 sào ruộng, toàn bộ đều cấy lúa chất lượng cao. Thời điểm trước Tết, do thời tiết nắng ấm, việc lấy nước thuận lợi, do vậy bà con  đã hoàn thành làm đất, đổ ải và cấy một số diện tích lúa xuân sớm.

Vụ đông xuân này, thị xã Đông Triều phấn đấu gieo cấy hơn 4.200 ha, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 94% diện tích với các giống chủ đạo như: ĐT 37, ĐT 100, ĐT 120, bắc thơm số 7.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Đông Triều Đặng Đình Thắng cho biết: căn cứ kế hoạch sản xuất, những ngày qua, các địa phương trong thị xã tăng cường thông tin về cơ cấu giống, lịch thời vụ gieo cấy trên hệ thống truyền thanh cơ sở và các khu dân cư. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị xã cũng tuyên truyền đến bà con việc bảo đảm sản xuất nhưng vẫn tuân thủ nghiêm các yêu cầu về chống dịch như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang theo quy định.

Bên cạnh đó đó, thị xã cũng yêu cầu các đại lý, hợp tác xã dịch vụ nông nghiêp trên địa bàn chủ động liên kết với các đơn vị sản xuất, cung ứng thóc giống, vật tư phân bón bảo đảm chất lượng cho bà con. Ngay trong tháng 1-2021, các trạm bơm trên địa bàn các xã, phường đã chủ động bám khung thời vụ bơm nước đổ ải; người dân huy động máy cày cỡ lớn, trung và nhỏ tiến hành làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa xuân. Đến nay, các trà lúa xuân trên địa bàn thị xã đã được bà con xuống giống đúng khung thời vụ.

Theo kế hoạch vụ xuân 2020 - 2021, toàn tỉnh gieo trồng gần 32 nghìn ha, trong đó, trà xuân muộn chiếm hơn 96% diện tích lúa xuân và là vụ lúa quan trọng trong năm, đến nay bà con nông dân các địa phương trong tỉnh đang tích cực chuẩn bị giống và gieo cấy.

Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động bố trí cơ cấu trà, giống, thời vụ phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết, chế độ nước của địa phương nhưng vẫn bảo đảm nằm trong khung thời vụ chung của tỉnh. Đồng thời, tổ chức thông tin, tuyên truyền đến bà con nông dân thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở và các khu dân cư; đôn đốc người dân xuống đồng vệ sinh đồng ruộng, huy động phương tiện làm đất và chuẩn bị điều kiện cần thiết cho gieo cấy lúa xuân; phối hợp với các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa, rau màu vụ xuân cho bà con. Các cấp hội nông dân, đại lý, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chủ động liên kết với các đơn vị sản xuất, cung ứng thóc giống, vật tư phân bón bảo đảm chất lượng

Như vậy, chỉ trong những ngày đầu của năm mới 2021, toàn tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành làm đất lần 1 được hơn 30 nghìn hécta, đạt hơn 90%; gieo mạ được 480 ha. Thời gian tới, Sở NN&PTNT khuyến cáo các địa phương cần tập trung cho công tác gieo cấy trà xuân sớm; theo dõi sát sao các đợt xả nước tiếp theo để tranh thủ đẩy nhanh tiến độ lấy nước, làm đất, gieo cấy; tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ mạ; đồng thời tập trung cao cho công tác đánh chuột, nhất là ở giai đoạn đổ nước làm ải.

Với khí thế hăng say lao động sản xuất ngay từ những ngày đầu năm tại các địa phương trong toàn tỉnh Quảng Ninh cho thấy, mặc dù chịu tác động không nhỏ của dịch bệnh Covid-19 nhưng những người nông dân vẫn quyết tâm vừa chống dịch, vừa bảo đảm nhịp độ sản xuất hướng tới một vụ mùa bội thu với năng suất và sản lượng đạt cao.

Thư viện tỉnh Quảng Ninh

Gọi điện: 0203.6500.163
Facebook Youtube
wiget Chat Zalo