Mở cửa các ngày từ Thứ 3 – Chủ Nhật hàng tuần. Buổi sáng từ 7h30 - 12h00. Buổi chiều từ 13h30 - 16h30
Thư mục Quảng Ninh qua báo chí

"Thư mục Quảng Ninh qua báo chí Trung Ương" tháng 9+10/2017

Ngày 02-11-2017 Lượt xem: 89

Quảng Ninh nằm ở địa đầu phía đông bắc Việt Nam, là tỉnh miền núi, trung du nằm ở vùng duyên hải Bắc Bộ với hơn 80% đất đai là đồi núi. Trong đó, có hơn hai nghìn hòn đảo nổi trên mặt biển, là vùng đất lịch sử lâu đời. Ở khu vực Vịnh Hạ Long đã khảo cổ được di chỉ của người tiền sử từ 3000 - 1500 năm TCN. Là một trọng điểm kinh tế, một đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía bắc đồng thời là một trong bốn trung tâm du lịch lớn của Việt Nam với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận về giá trị thẩm mĩ và địa chất, địa mạo.
Con người và xã hội Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa, sự thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng, có truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân Vùng Mỏ với “di sản” tinh thần vô giá “kỷ luật và đồng tâm”. Đây là điều kiện thuận lợi xây dựng khối đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp để vượt qua mọi khó khăn, thách thức; góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Để cập nhật thông tin mới nhất về tỉnh Quảng Ninh. Bắt đấu từ tháng 8 năm 2014. Thư viện tỉnh Quảng Ninh biên soạn thư mục: “Quảng Ninh qua báo chí Trung ương “ theo định kỳ 2 tháng 1 số, các bài báo được cập nhật trên các trang thông tin điện tử và được sắp xếp theo các chủ đề: Chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế…
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc Thư mục: “Quảng Ninh qua báo chí Trung ương” tháng 9 + 10/2017.

1.Tiên phong xây dựng chính quyền phục vụ doanh nghiệp//http://www.baoquangninh.com.vn.- 2017.- Ngày 4 tháng 9
Đi đầu trong cả nước không dùng tiền ngân sách xây cao tốc, mà xin Chính phủ huy động nguồn vốn BOT; thành lập mô hình trung tâm hành chính công, ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư; xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng điều hành của các sở, ngành, địa phương (DDCI); tích cực triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; ký cam kết với VCCI về hỗ trợ doanh nghiệp...
Quảng Ninh được đánh giá là tỉnh tiên phong, sáng tạo, năng động trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Ngôi sao cải cách
Tại hội nghị công bố kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) toàn quốc năm 2016 tại Hà Nội giữa tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhắc nhiều đến Quảng Ninh như một trong số các “ngôi sao cải cách”. Bởi từ năm 2010-2016, vị trí trong bảng xếp hạng PCI của Quảng Ninh lần lượt là 7-12-20-4-5-3-2. Các chuyên gia kinh tế đều nhận định, trong khoảng 4-5 năm gần đây, Quảng Ninh đã có bước tiến tích cực trong điều hành. Quảng Ninh không đi nhanh nhưng chậm rãi và chắc chắn.
Trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Quảng Ninh luôn xác định nguồn lực đầu tư là yếu tố quyết định sự phát triển của mỗi địa phương. Vì vậy, tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng giao thông nhằm mở đường thu hút đầu tư. Tiên phong xin Chính phủ cho sử dụng hình thức huy động vốn đầu tư BOT xây dựng hạ tầng giao thông, đến nay tỉnh đã và đang triển khai các dự án: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn; Sân bay quốc tế Vân Đồn và nhiều dự án khác. Gần đây, Quảng Ninh đã mạnh dạn đề xuất Chính phủ không vay vốn Trung Quốc làm đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, mà huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức BOT. Dự án đang được các địa phương nỗ lực giải phóng mặt bằng để khởi công trong thời gian sớm nhất. Khi các tuyến cao tốc được kết nối sẽ tạo ra con đường giao thương thuận lợi nhất từ các tỉnh, thành trong cả nước đến Quảng Ninh. Cùng với Cảng Cái Lân - cảng duy nhất khu vực phía Bắc đón được tàu container sức chở trên 5.000 Teu cập cảng làm hàng và đang hoàn thiện kết cấu hạ tầng cảng, Quảng Ninh đã và đang đồng bộ 3 tuyến giao thông đường bộ, hàng không, cảng biển. 5 năm qua, tỉnh đã huy động được trên 190.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn lực xã hội. Chính từ cách làm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, Quảng Ninh bỏ ra 1 đồng ngân sách, thu hút được 8,3 đồng ngoài ngân sách cho phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, giao thông, du lịch...
Bắt tay vào công tác điều phối, cải cách hành chính tỉnh tập trung đầu tư cho trung tâm hành chính công, nơi hầu hết các tỉnh, thành phố đến học hỏi và áp dụng. Qua đó, đã giảm được 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) so với quy định của Trung ương và tới đây phấn đấu giảm 50%; đồng thời kết nối bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại đến tất cả các phường, xã, thị trấn, được cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong, ngoài nước đánh giá cao. Đến thời điểm hiện tại đã có 1.193 TTHC (100%) được công khai tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện, trang thông tin điện tử thành phần của các sở, ngành, địa phương liên quan. Hiện toàn tỉnh có 1.085 thủ tục được đăng ký trực tuyến.
Tỉnh đã thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA). Cơ quan này có nhiệm vụ liên kết, hỗ trợ, đưa ra sáng kiến cho doanh nghiệp, tham mưu UBND tỉnh để cả hệ thống đều vào cuộc giúp cho nhà đầu tư. Đây cũng sẽ là nơi chịu sự điều hành trực tiếp của lãnh đạo cao nhất tỉnh, để khi doanh nghiệp manh nha có ý định đầu tư, xúc tiến đầu tư và rót vốn, sẽ được xử lý thông tin và thủ tục kịp thời, không phải chờ đợi quá lâu, dẫn tới thay đổi quyết định đầu tư. 5 năm qua, IPA Quảng Ninh đã bước đầu khẳng định được hiệu quả đầu tư, góp sức cho tỉnh quy tụ các nhà đầu tư lớn vào tỉnh, củng cố niềm tin để các nhà đầu tư an tâm đầu tư phát triển. Mức huy động trên 190.000 tỷ đồng cho xây dựng kết cấu hạ tầng và 2,58 tỷ USD FDI trong giai đoạn 5 năm 2012-2016. Hiện các nhà đầu tư từ nhóm G7 đều có mặt tại Quảng Ninh, các nhà đầu tư có vốn hoá lớn nhất trong nước như các Tập đoàn Vingroup, Sun Group, FLC... và nhiều nhà đầu tư vừa và nhỏ đều gia tăng đầu tư mạnh mẽ tại tỉnh, là bằng chứng thuyết phục nhất cho môi trường kinh doanh ở tỉnh.
Đặc biệt, dựa trên mô hình PCI, năm 2015 tỉnh đưa ra Bộ chỉ số cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh (DDCI) nhằm “chuyển lửa” cạnh tranh về cơ sở, duy trì tinh thần phục vụ doanh nghiệp tại tất cả các cấp, ngành, địa phương ở mức độ hài lòng tối ưu. Chính quyền nhận thấy, nhà đầu tư, doanh nghiệp đánh giá tỉnh đều thông qua các lãnh đạo cấp huyện, xã, người làm việc trực tiếp với doanh nghiệp. Do đó, cần có sự thi đua, cạnh tranh ngay từ cấp cơ sở. Thông qua DDCI, Quảng Ninh đã nhận thấy sự chuyển mình tích cực của nhiều bộ, ngành. Để chuyển lửa DDCI xuống cơ sở, tới đây Quảng Ninh sẽ xây dựng bộ chỉ số này về tận cấp phường, xã.
Xây dựng chính quyền phục vụ doanh nghiệp
Những năm qua, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ninh đã được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm tháo gỡ. Tỉnh đã nâng cao chất lượng hiệu quả đối thoại với doanh nghiệp, đa dạng hoá các hình thức thiết lập kênh tiếp nhận, xử lý kiến nghị và giải quyết ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, như: Thiết lập đường dây nóng; mở cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh; công khai hộp thư của Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh... Đáng chú ý, tỉnh đã tiên phong trong toàn quốc triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp với quan điểm chỉ đạo nhất quán theo nguyên tắc “chính quyền phục vụ doanh nghiệp”; giảm 30% thời gian hội họp để trực tiếp xuống cơ sở, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp.
Từ năm 2014 đến nay, định kỳ một quý/lần tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, giải quyết kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp. Các kênh thông tin kết nối khác cũng đã được thiết lập, như chương trình café doanh nhân, đối thoại trực tuyến, thiết lập các tổng đài hỗ trợ... Các sở, ngành, địa phương tổ chức các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp theo chuyên đề. Đặc biệt, tỉnh đã thành lập tổ tư vấn hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Vốn - yếu tố quan trọng quyết định sự sống còn của doanh nghiệp tiếp tục được giải quyết. Tỉnh đã đề nghị hệ thống ngân hàng trên địa bàn rà soát, đánh giá khả năng trả nợ khách hàng để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ, tạo điều kiện cho khách hàng vay được tiếp cận vay mới... Theo đó, các ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất cho 14.889 lượt khách hàng với số dư nợ được giảm lãi suất 26.664 tỷ đồng; cơ cấu lại nợ cho 2.420 lượt khách hàng với dư nợ được cơ cấu lại trên 6.316 tỷ đồng. Tỉnh đã đề xuất Trung ương các cơ chế, chính sách để huy động tối đa mọi nguồn lực, đa dạng hoá các hình thức đầu tư, khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; quảng bá những tiềm năng, lợi thế và định hướng kêu gọi thu hút đầu tư, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế...
Tuy nhiên, theo các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Quảng Ninh còn nhiều vấn đề cần phải nỗ lực hơn nữa để phục vụ nhân dân, doanh nghiệp tốt hơn. Vì thế, tỉnh đã đặt ra quyết tâm duy trì và nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền tỉnh luôn trong nhóm rất tốt với mục tiêu ưu tiên hàng đầu là phải tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập trung cải thiện tốt hơn nữa chỉ số PCI. Tỉnh đưa ra 9 nhóm giải pháp để thực hiện các mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tiếp tục huy động tối đa nguồn lực thu hút đầu tư, đầu tư các dự án công trình trọng điểm. Rà soát, nâng cao hiệu quả cải cách TTHC, phấn đấu đưa 100% TTHC được tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, huyện và liên thông tới 186 xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, tỉnh chủ động nghiên cứu giải pháp triển khai một cách sáng tạo, hiệu quả “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; bám sát các nội dung, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP; triển khai hiệu quả Chương trình DDCI 2017 nhằm huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh...
2.Tuổi trẻ Quảng Ninh- Giữ tâm sáng và rèn trí lớn//http://www.baoquangninh.com.vn.-2017.- Ngày 13 tháng 9
Trước thềm Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ninh, nhiệm kỳ 2017-2022, ngày 12/9, tuổi trẻ Quảng Ninh vinh dự được tham gia buổi giao lưu với đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, để được nói lên tâm tư, nguyện vọng, mong ước của tuổi trẻ. Câu nói mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khiến cho rất nhiều bạn trẻ ghi nhớ tại buổi giao lưu, đó là: Tuổi trẻ Quảng Ninh phải giữ tâm sáng và rèn trí lớn…
KHÁT VỌNG TUỔI TRẺ
Buổi gặp gỡ, giao lưu, diễn ra vào lúc 14h00, thế nhưng, từ 13h30, 400 ĐVTN đại diện cho gần 140.000 ĐVTN trong toàn tỉnh đã có mặt tại Trung tâm Tổ chức Hội nghị tỉnh (TP Hạ Long). Trong màu áo xanh truyền thống của thanh niên, những ĐVTN của tỉnh ai nấy đều rạng rỡ xen lẫn cảm giác mong chờ sớm được tham dự buổi giao lưu.
Là một trong những đại biểu được đặt câu hỏi trực tiếp đến đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Lỷ A Tài, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, bí thư Chi đoàn thôn Mào Sán Cáu, xã Quảng An, huyện Đầm Hà, không giấu nổi niềm vui khi chia sẻ với chúng tôi: Khi được biết mình là một trong những đại diện thanh niên của huyện Đầm Hà đặt câu hỏi tới đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, em đã rất vui. Lúc đó em cũng đã nghĩ ra trong đầu rất nhiều câu hỏi muốn được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giải đáp, gợi mở vấn đề. Đến khi được phát biểu, quả thật ban đầu em cũng hơi run, vì đây là lần đầu tiên em được tham gia cuộc giao lưu với lãnh đạo tỉnh. Nhưng chính sự cởi mở, gần gũi của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã khiến cho em mạnh dạn hơn khi được bày tỏ mong muốn nguyện vọng của mình. Em nghĩ, rất ít khi một thanh niên dân tộc thiểu số, lại ở địa bàn xa như em có điều kiện được gặp và được lãnh đạo tỉnh lắng nghe tâm tư nguyện vọng của mình. Chắc chắn là không chỉ riêng em, mà tất cả ĐVTN được tham gia chương trình giao lưu này đều xúc động vì điều này. Không chỉ lắng nghe ý kiến của thanh niên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy còn gợi mở nhiều vấn đề cho thanh niên. Qua đây, em thấy mình cần phải nỗ lực vươn lên nhiều hơn, tích cực tìm hiểu thêm các chủ trương, chính sách, nắm bắt cơ chế hỗ trợ phát triển KT-XH của địa phương và của tỉnh chứ không phải trông chờ những chính sách hỗ trợ được đưa đến”.
Chung cảm xúc vừa hồi hộp vừa tự hào khi được tham gia buổi giao lưu, bạn Đỗ Thị Thùy Linh, sinh viên năm thứ 3, Khoa Du lịch, Đại học Hạ Long cho biết: Đây là lần đầu tiên em được tham gia chương trình có nhiều lãnh đạo tỉnh đến vậy. Đặc biệt hơn nữa là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy sẽ trực tiếp lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của chúng em. Em thấy rất vinh dự, vì hiếm khi nào em lại có cơ hội lớn thế này. Em cũng mong muốn qua buổi giao lưu sẽ được gửi đến các đồng chí lãnh đạo quan tâm hơn đến vấn đề khởi nghiệp trong giới trẻ, đặc biệt là những sinh viên như chúng em hiện nay. Theo em thấy, hiện nay tỉnh đang dành rất nhiều sự quan tâm đến thế hệ trẻ, đạo biệt là trong đầu tư nguồn nhân lực. Như sinh viên Trường Đại học Hạ Long chúng em đang nhận được rất nhiều ưu đãi về nhà ở, hỗ trợ học phí, kinh phí học tập; đội ngũ giảng viên tại Trường cũng rất giỏi và nhiệt tình… Điều này làm chúng em cảm thấy yêu nghề hơn, muốn được đem kiến thức đã học để phục vụ công việc sau này trên chính quê hương mình.
Trên tinh thần trao đổi thẳng thắn, chân thành, đại biểu thanh niên đã đặt 16 câu hỏi tới đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, liên quan đến các vấn đề, như: Đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ, phát triển thanh niên khởi nghiệp; tuổi trẻ tham gia cải cách hành chính; dịch vụ công; thanh niên tham gia công tác đảm bảo ANTT; vấn đề thực hiện kỷ luật, kỷ cương công chức; thanh niên với các vấn đề xã hội... Các câu hỏi đều khá sát với thực tiễn đời sống, phản ánh rõ tâm tư, nguyện vọng cũng như khát vọng của tuổi trẻ Quảng Ninh trong lập thân, lập nghiệp.
NÂNG CÁNH NHỮNG HOÀI BÃO, ƯỚC MƠ
Có lẽ, chính sự gần gũi, chủ động của người lãnh đạo cao nhất tỉnh đã tạo nên không khí buổi giao lưu thực sự là cuộc đối thoại thẳng thắn, chân thành. Khoảng cách giữa những đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh với thanh niên dường như rất gần. Qua trao đổi, trò chuyện, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã cung cấp rất nhiều thông tin cũng như gợi mở ra các vấn đề để thanh niên cùng bàn luận, suy ngẫm; đồng thời, đưa ra những giải pháp cho thanh niên trong vấn đề lập thân, lập nghiệp.
Liên quan đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đồng chí Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy, Đỗ Thị Hoàng, cho biết: Tỉnh đã “đặt hàng” với Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ và Trường Đại học Hạ Long về việc đào tạo theo chương trình đặc thù đối với một số đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên… với những khóa học cụ thể, chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu của địa phương. Trong đó, đặc biệt dành sự ưu tiên cho đội ngũ cán bộ, công chức trẻ để họ làm chủ kiến thức, vận dụng sáng tạo kiến thức học hỏi cùng kinh nghiệm tích lũy trong công tác, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.
Hay, trả lời thanh niên về vấn đề giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng: Khởi nghiệp là nhu cầu chính đáng của thanh niên. Tuy nhiên, phải đầu tư thế nào và kinh doanh ra sao để có hiệu quả thì ngoài bản thân thanh niên phải có sự tìm tòi, suy nghĩ thì tổ chức Đoàn phải là đầu tàu, chỗ dựa cho thanh niên và đứng ra kết nối để thanh niên tiếp cận với các doanh nghiệp, tổ chức khởi nghiệp… Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng khẳng định các sản phẩm nông nghiệp của Quảng Ninh tiêu thụ rất tốt. Do đó, đối với các bạn thanh niên vùng sâu vùng xa muốn phát triển sản xuất tại địa phương cần phải tìm được thứ thị trường cần và phù hợp với đặc thù phát triển địa phương; tìm hiểu, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ tỉnh đến địa phương.
Dành sự trân trọng nhất đến thế hệ trẻ, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, cùng với sự phát triển của tỉnh, vai trò của thanh, thiếu niên luôn đóng một vị trí quan trọng. Tuổi trẻ chính là nguồn lực rất lớn trước mắt và lâu dài của tỉnh. Do đó, tỉnh luôn dành sự quan tâm lớn cho đối tượng này. Đặc biệt là đối với những bạn trẻ có hoài bão, yêu quê hương, mong muốn được góp sức công hiến cho quê hương. Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm và dành nguồn lực thích đáng để phát triển thế hệ trẻ thông qua nhiều chương trình, chính sách.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết, trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (2012-2017), tỉnh tập trung vào 3 đột phá, cũng chính là giải quyết 3 “điểm nghẽn” trong phát triển KT-XH là: Đầu tư hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (2017-2022), tỉnh vẫn tiếp tục tập trung đầu tư có trọng điểm cho các nội dung này.
Theo đó, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đang chuyển đổi dần cơ cấu tăng trưởng kinh tế từ công nghiệp sang dịch vụ bằng cách khai thác các thế mạnh về du lịch, văn hóa; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng hiện đại hóa; đầu tư hàng loạt công trình hạ tầng giao thông lớn như cao tốc, sân bay. Đồng thời, Tỉnh cũng đang tích cực xây dựng và hoàn thiện Đề án Khu hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn; tham gia vào dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt… Qua đó, có thể thấy sự phát triển KT-XH của địa phương rất nhanh chóng. Đây là cơ hội rộng mở cho tuổi trẻ được thử sức. Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự phát triển, đòi hỏi lực lượng nhân lực, lao động của tỉnh cần phải không ngừng nâng tầm về trình độ, đặc biệt là đối tượng thanh niên.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Tỉnh Đoàn cần tổ chức thêm các chương trình giao lưu, hội thảo theo chuyên đề liên quan đến công tác lãnh đạo của tỉnh như chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng kỷ luật, kỷ cương công chức; phát triển du lịch... để thanh niên bắt nhịp được với sự phát triển KT-XH tại địa phương. Cùng với đó, thanh niên Quảng Ninh hãy biết phát huy thế mạnh bản thân, không ngừng học tập kiến thức, tu dưỡng đạo đức, giữ tâm sáng và rèn trí lớn để trở thành những công dân tiêu biểu của xã hội, tiếp tục đóng góp vào phát triển KT-XH của tỉnh.
Buổi giao lưu chỉ diễn ra chưa đầy 4 tiếng đồng hồ nhưng đối với mỗi đại biểu thanh niên đều là những giây phút hữu ích và đáng nhớ. Trong số họ, có người đang là học sinh, sinh viên, có người là cán bộ, công chức nhà nước, cũng có người là doanh nghiệp… nhưng, có lẽ, ai cũng có đáp án cho riêng mình đối với câu hỏi về hành trình lập thân, lập nghiệp trong tương lai. Dù là đáp án nào, với họ, chắc chắn, luôn vững tin có một điểm tựa, sự đồng hành của tổ chức Đoàn, và sự quan tâm, hỗ trợ từ tỉnh. Cũng từ sự chắp cánh, khích lệ cho những ước mơ hoài bão hôm nay, tuổi trẻ Quảng Ninh có thể bay cao, bay xa, đem trí tuệ, công sức của mình đắp xây quê hương giàu đẹp.
3.Tuổi trẻ Quảng Ninh phát huy truyền thống, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Bảo Anh - Phạm Cường// http://dangcongsan.vn.- 2017.- Ngày 22 tháng 9
Sáng 22/9, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức đại hội đại biểu lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022 với sự tham gia của 294 đại biểu đoàn viên ưu tú đại diện cho hơn 120 nghìn đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàn dự và chỉ đạo Đại hội.
Báo cáo kết quả công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2012-2017, đồng chí Lê Hùng Sơn, Bí thư Tỉnh Đoàn khoá X, khẳng định, với khẩu hiệu hành động “Tuổi trẻ Quảng Ninh tự hào, phát huy truyền thống, xung kích, sáng tạo xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh”, các cấp Đoàn trong toàn tỉnh nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện được nhiều kết quả nổi bật.
Cụ thể, 5 năm qua, tuổi trẻ tỉnh Quảng Ninh đã tình nguyện đóng góp trên 1,5 triệu ngày công đảm nhận thực hiện hơn 16.000 công trình, phần việc thanh niên trên các lĩnh vực của đời sống xã hội với tổng giá trị làm lợi ước đạt gần 292 tỷ đồng.
Nhiệm kỳ 2012-2017, đoàn viên, thanh niên Quảng Ninh đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong tham gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng tỉnh Quảng Ninh sáng, xanh, sạch đẹp và vệ sinh môi trường; tình nguyện tham gia khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ… qua đó đã hỗ trợ 05 xã xây dựng nông thôn mới và 19 thôn nông thôn mới kiểu mẫu; sửa chữa hơn 300 km đường liên thôn xóm, di chuyển và xây mới gần 1.700 nhà tiêu, chuồng trại hợp vệ sinh, vận động gần 3.400 hộ gia đình, đoàn viên, thanh niên hiến trên gần 14.000m2 đất; phát triển hơn 200 mô hình kinh tế thanh niên làm chủ.
Đoàn viên, thanh niên tỉnh Quảng Ninh tích cực tham gia cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử với gần 200 ý tưởng, giải pháp, mô hình tham gia cải cách hành chính được áp dụng vào thực tiễn. Các hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên được tăng cường, đã tiếp sức đến trường cho trên 15.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa; giới thiệu việc làm cho hơn 200.000 thanh niên.
Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện, tuổi trẻ Quảng Ninh đã tổ chức 167 đợt hiến máu tình nguyện, hiến hơn 25.500 đơn vị máu.
Thông qua nhiều hoạt động thiết thực, tổ chức Đoàn trong toàn tỉnh được củng cố, cán bộ đoàn các cấp từng bước được chuẩn hóa và trưởng thành. Cụ thể, trong nhiệm kỳ đã kết nạp mới trên 100.000 đoàn viên; hơn 3.200 cán bộ trẻ tham gia vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng, chính quyền và đoàn thể; giới thiệu hơn 22.000 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh và đồng chí Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàn đã ghi nhận, biểu dương những đóng góp của tuổi trẻ tỉnh Quảng Ninh trong nhiệm kỳ qua.
Chỉ rõ những mặt còn tồn tại hạn chế trong công tác đoàn và phong trào thanh niên, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đề nghị các tổ chức Đoàn các cấp trong toàn tỉnh cần đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động; tích cực phát huy tốt chức năng giáo dục của Đoàn là “Trường học Xã hội chủ nghĩa của thanh niên”; nghiên cứu nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp ngoài nhà nước; chăm lo củng cố xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đề nghị tổ chức Đoàn các cấp cần nghiên cứu mô hình tổ chức tinh gọn, hoạt động phong trào phù hợp thực tiễn, có chiều sâu, với nhiều mô hình hấp dẫn để lôi kéo, tập hợp thanh niên, hướng về cơ sở; đồng thời phát huy vai trò trong công tác nắm tình hình, giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân. Nhất là những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân, dư luận xã hội; vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước…
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh gửi đến Đại hội bức trướng với mang dòng chữ: “Dưỡng tâm trong - Rèn trí sáng - Tiên phong - Xây hoài bão lớn”.
Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Long Hải, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương mong muốn tuổi trẻ Quảng Ninh trong nhiệm kỳ tới tiếp tục phát huy truyền thống, tận dụng thời cơ mới, đề xuất được nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, chất lượng cao, tiêu biểu trong phong trào thanh, thiếu nhi cả nước; mang nhiệt huyết và sức sáng tạo của tuổi trẻ, xung kích, tình nguyện hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chương trình mà Đại hội đề ra, xây dựng quê hương Quảng Ninh ngày càng giàu mạnh, tươi đẹp...
Tại Đại hội, với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, Đại hội đã bầu 45 đồng chí vào Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022. Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành đã bầu ra Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Ninh gồm 15 đồng chí. Đồng chí Lê Hùng Sơn, Bí thư tỉnh Đoàn khóa X tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức danh Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ninh khóa XI./.
4.Hà Chi. Quảng Ninh chủ động, tích cực//http://www.baoquangninh.com.vn.- 2017.- Ngày 19 tháng 10
Trên cơ sở xác định tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh xác định xây dựng Đề án Đơn vị hành chính - kinh tế (HC - KT) đặc biệt Vân Đồn sẽ tạo động lực mới cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng để Quảng Ninh thực sự trở thành đầu tàu kinh tế khu vực phía Bắc, có sức lan toả trong vùng và cả nước. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, sáng tạo trong quá trình xây dựng và đến nay đã cơ bản hoàn thiện Đề án.
Đề án Đơn vị HC - KT đặc biệt Vân Đồn đã được tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, chuẩn bị từ năm 2012. Sau khi Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tại Thông báo số 108-TB/TW ngày 01/10/2012, từ tháng 10/2012 đến tháng 12/2014, tỉnh đã chủ động xây dựng Đề án và tổ chức trên 50 hội nghị, hội thảo và các buổi làm việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học; tổ chức nhiều đoàn nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó, đã chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện Đề án với tên gọi ban đầu là Đơn vị HC - KT đặc biệt, sau đó đổi thành Đặc khu kinh tế, xin ý kiến tham gia, thẩm định của các bộ, ngành Trung ương và trình Chính phủ. Cụ thể, lần 1: Tỉnh ủy Quảng Ninh có Công văn số 1285-CV/TU ngày 30/7/2013, Bộ KH&ĐT có Báo cáo thẩm định số 131-BC/BCSĐ-QLKKT ngày 05/8/2013 báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ; lần 2: Tỉnh ủy Quảng Ninh có Tờ trình số 39-TTr/TU ngày 03/12/2014 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT có Văn bản số 245/BKHĐT-QLKKT ngày 20/5/2015 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc dự thảo báo cáo thẩm định các đề án xây dựng Đặc khu kinh tế.
Sau khi nghe Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo về các đề án xây dựng Đơn vị HC-KT đặc biệt ngày 17/3/2017, Bộ Chính trị đã có kết luận tại Thông báo kết luận số 21-TB/TW ngày 22/3/2017, trong đó đồng ý cho thành lập 3 đơn vị HC - KT đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và chỉ đạo xây dựng Luật Đơn vị HC - KT đặc biệt. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016, Chính phủ đã thống nhất chỉ đạo 3 địa phương: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang hoàn thiện các đề án đơn vị HC - KT đặc biệt và giao Bộ KH&ĐT xây dựng Dự án Luật Đơn vị HC - KT đặc biệt.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh đã tích cực bổ sung, hoàn thiện Đề án Đơn vị HC - KT đặc biệt Vân Đồn. Cụ thể, đã thành lập Tổ công tác, Tổ giúp việc chịu trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện Đề án. Cùng với đó, chỉ đạo Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xây dựng hoàn thiện các Tiểu đề án quốc phòng - an ninh khi xây dựng Khu HC - KT đặc biệt Vân Đồn và đề nghị các cơ quan tư pháp, nội chính và cơ quan ngành dọc khác của tỉnh nghiên cứu, đề xuất mô hình hoạt động của đơn vị phù hợp với mô hình Khu HC - KT đặc biệt.
Cùng với đó, tỉnh mời một số tổ chức, đơn vị tư vấn như: Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE), Công ty Tư vấn Pricewaterhouse Coopers (Vietnam) Limited (PwC) tư vấn hoàn thiện chiến lược phát triển, cho ý kiến phản biện về dự thảo Đề án Đơn vị HC - KT đặc biệt Vân Đồn. Trong quá trình xây dựng Đề án, Quảng Ninh tổ chức hội thảo với 2 tỉnh Kiên Giang và Khánh Hòa để trao đổi, thống nhất về các nội dung của Đề án và quy trình báo cáo bộ, ngành Trung ương. Lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ban, ngành và nhà đầu tư chiến lược đã trực tiếp làm việc với một số bộ, ngành liên quan để báo cáo giải trình làm rõ các nội dung về cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện Đề án và Luật Đơn vị HC - KT đặc biệt.
Quá trình hoàn thiện Đề án, tỉnh Quảng Ninh đã thường xuyên kết nối với các bộ, ngành Trung ương, bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Dự án Luật Đơn vị HC - KT đặc biệt để cập nhật, bổ sung, hoàn thiện Đề án của tỉnh; đồng thời, đề xuất với các bộ, ngành liên quan đưa vào dự án Luật các cơ chế, chính sách mà Đề án của tỉnh nghiên cứu, xây dựng. Đến nay, Đề án đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh thảo luận cho ý kiến 2 lần (vào các ngày 28/4/2017 và 16/8/2017). Ngày 29/9/2017, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 7332/TTr-UBND báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng thẩm định 03 Đề án thành lập Đơn vị HC-KT đặc biệt thẩm định, trình Quốc hội quyết định thành lập Đơn vị HC-KT đặc biệt Vân Đồn.
Có khẳng định, Quảng Ninh nghiên cứu, chuẩn bị Đề án Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn công phu, có chiều sâu, thể hiện quyết tâm lớn của tỉnh.
5.Bài 3: Quyết tâm của Đảng, niềm tin của dân//Lan Hương – Thùy Linh//http://www.baoquangninh.com.vn.- 2017.- Ngày 19 tháng 10
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sự tự diễn biến, tự chuyển hóa… là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với Đảng ta trong giai đoạn hiện nay, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng, chế độ ta. Lo cùng Đảng, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã cụ thể hóa bằng nhiều cách làm hiệu quả trong việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự thoái hóa, biến chất, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy chính quyền, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Siết chặt kỷ luật, làm trong sạch đội ngũ
Cuối năm 2016, UBND TP Hạ Long đã ra quyết định cách chức đối với ông Vũ Phi Hùng, Phó Trưởng phòng Tư pháp, do vi phạm các quy định về kỷ cương, kỷ luật hành chính gây mất uy tín, ảnh hưởng đến niềm tin của công dân đối với việc thực thi công vụ của cơ quan, đơn vị. Trước đó, khi đoàn kiểm tra của Sở Nội vụ và các cơ quan chức năng kiểm tra thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công TP Hạ Long thì phát hiện ông Vũ Phi Hùng đang ngủ, chân gác lên bàn và có biểu hiện uống rượu trong giờ nghỉ trưa. Khi được đoàn kiểm tra nhắc nhở thì ông Hùng có hành động, lời nói thiếu văn hóa, phản cảm. Trước vi phạm trên, TP Hạ Long đã quyết định cách chức đối với ông Vũ Phi Hùng; bà Bùi Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Hành chính công chịu hình thức khiển trách; hai phó giám đốc trung tâm bị cảnh cáo.
Tăng cường niềm tin của nhân dân từ giải quyết thủ tục hành chính của Quảng Ninh đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao.
Việc xử lý đội ngũ cán bộ của TP Hạ Long trong vụ việc này chính là một hành động cụ thể, là thông điệp mạnh mẽ và quyết liệt của Quảng Ninh nhằm siết chặt kỷ luật, làm trong sạch đội ngũ. Đây cũng không phải lần đầu tiên Quảng Ninh xử lý cán bộ nghiêm như thế. Còn nhớ năm 2012, hàng loạt cán bộ ở xã Minh Cầm (huyện Ba Chẽ) đã phải chịu kỷ luật thích đáng khi để xảy ra tình trạng phá rừng trên địa bàn. Thời điểm đó, hơn 100ha rừng tự nhiên ở các tiểu khu 133, 134 của xã bị tàn phá trong một thời gian dài nhưng Đảng uỷ, chính quyền xã lại không nắm được. Ban Thường vụ Huyện ủy đã xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách đối với 5 cán bộ chủ chốt của xã do thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, lúng túng trong xử lý, không báo cáo kịp thời, nên để xảy ra vụ xâm lấn rừng, đất rừng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, giảm sút ý chí chiến đấu, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò đứng đầu trong chức trách nhiệm vụ được giao. Trong đó, Bí thư Đảng uỷ xã đã bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách; Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về đảng, cách chức về chính quyền. Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách lĩnh vực nông - lâm nghiệp; Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã; Phó Chủ tịch HĐND xã đều bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách về đảng, khiển trách về chính quyền.
Đồng chí Đỗ Vũ Chung, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Quảng Ninh, cho biết: “Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn coi trọng vấn đề tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên thông qua hàng loạt nghị quyết, chương trình hành động, đồng thời coi trọng công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Trong đó, chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra và các cơ quan tư pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ sai phạm… Quá trình kiểm tra, thi hành kỷ luật đảng đều thực hiện theo đúng nguyên tắc, quy trình, kiên trì, thận trọng, chặt chẽ, khách quan, công tâm và kiên quyết không khoan nhượng với những hành vi làm trái nguyên tắc, kỷ cương của Ðảng. Mục tiêu là làm trong sạch, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, củng cố niềm tin của nhân dân.”
Việc xử lý cán bộ sai phạm của Quảng Ninh là không có bất cứ vùng cấm nào, bất kể người đó là ai, dù đương chức hay không còn ở vị trí đó. Qua đó rút ra bài học trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Trong 9 tháng năm 2017, Quảng Ninh đã thi hành kỷ luật đối với 314 đảng viên, tăng 26,1% so cùng kỳ (trong đó có 79 cấp ủy viên các cấp: 2 huyện ủy viên, 15 đảng ủy viên, 62 chi ủy viên); bằng các hình thức: Khiển trách (235); cảnh cáo (57); cách chức (13); khai trừ đảng (9). Cùng với đó, kiến nghị thu hồi về ngân sách 54,3 tỷ đồng; kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính 5.482 cá nhân và 127 tổ chức với số tiền vi phạm là 20,4 tỷ đồng... Trong đó: Huyện Hoành Bồ: Ban Thường vụ Huyện ủy thi hành kỷ luật 8 đồng chí (cảnh cáo 5, khiển trách 3), xem xét kỷ luật 3 đảng ủy xã; UBND huyện Hoành Bồ thi hành kỷ luật khiển trách 6 cá nhân; UBKT Tỉnh ủy đề nghị xem xét kỷ luật ban thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Chủ tịch UBND huyện. Huyện Hải Hà: Phó Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện và 2 chuyên viên bị giam giữ; UBKT Tỉnh ủy đề nghị xem xét kỷ luật nguyên Chủ tịch UBND huyện (hiện nay đồng chí giữ cương vị Phó trưởng Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh). TP Cẩm Phả: Ban Thường vụ Thành ủy cảnh cáo, cách chức ủy viên ban chấp hành đảng bộ phường 1 đồng chí nguyên Phó Chủ tịch UBND phường. Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 1 đồng chí Trưởng Ban CHQS huyện...
Một lần nữa, việc xử lý cán bộ sai phạm của Quảng Ninh được khẳng định là ngày càng nghiêm minh, không có bất cứ vùng cấm nào, bất kể người đó là ai, dù đương chức hay không còn ở vị trí đó. Cũng thông qua đó, các cấp ủy, tổ chức đảng thấy rõ vi phạm, khuyết điểm để tìm hướng khắc phục; rút ra bài học trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Nâng cao sức mạnh của Đảng, niềm tin của dân
Một trong những bài học lớn dẫn tới những thành công trong 20 năm đổi mới mà Đảng ta đã rút ra tại Đại hội X là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, không ngừng đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân”. Tiếp tục tinh thần ấy, Đại hội lần thứ XI cũng chỉ rõ: “...nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân hiện nay”. Tại Đại hội XII, Đảng tiếp tục khẳng định là “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”...
Hiện thực hóa chủ trương của Đảng, những năm vừa qua, cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và tiến hành tổng kết thực tiễn, rà soát trong toàn hệ thống chính trị về phương thức hoạt động, tổ chức bộ máy, biên chế, phát hiện nhiều yếu kém, bất cập cần phải mạnh dạn đổi mới. Vì vậy, Quảng Ninh đã nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp uỷ đảng, tiến hành rà soát trong hệ thống chính trị về tổ chức bộ máy, biên chế, phát hiện nhiều yếu kém, bất cập cần phải mạnh dạn đổi mới. Sau khi phân tích kỹ những hạn chế, yếu kém, làm rõ nguyên nhân, yếu tố tác động, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện quyết liệt Đề án 25 “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Đề án được tổ chức nghiên cứu từ cơ sở và Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU lãnh đạo cấp ủy các cấp thực hiện Đề án, khẳng định nỗ lực, quyết tâm đổi mới trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị giai đoạn hiện nay.
Hoạt động của các cấp uỷ từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều đổi mới theo hướng coi trọng xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch công tác; quy định rõ chức trách, thẩm quyền, chế độ làm việc của tập thể và cá nhân. Các cấp ủy đảng đều chỉ đạo các mặt công tác có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Đồng thời, tập trung cải tiến, đổi mới quy trình và nâng cao chất lượng ra nghị quyết, phát huy được trí tuệ tập thể, dân chủ trong Đảng và vai trò của các cơ quan tham mưu. Các cấp uỷ đảng thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý và điều hành. Ban thường vụ và thường trực cấp uỷ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác của ủy ban nhân dân; đồng thời tăng cường kiểm tra hoạt động của các cơ quan nhà nước, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, quán triệt chủ trương phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt cùng các nghị quyết của Đảng về "đổi mới phương thức; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên", các cấp uỷ, tổ chức đảng trong tỉnh đã cụ thể hoá tập trung lãnh đạo xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị; quan tâm kết nạp đảng viên, nhất là ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Nhờ đó, số lượng đảng viên được kết nạp hằng năm tăng cả về số lượng và chất lượng, tỷ lệ đảng viên kết nạp bình quân hằng năm đạt trên 4,5%...
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã thành lập, hoàn thiện mô hình 128 tổ chức cơ sở đảng và trên 800 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, trong đó thành lập mới 178 chi bộ thôn, bản vùng sâu, vùng xa và 137 chi bộ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; 100% số thôn, bản, trường học trong tỉnh đã thành lập được chi bộ... Cũng trong 5 năm qua, đã có 52% số tổ chức cơ sở đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh, trên 90% số chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở đạt rong sạch vững mạnh, trong đó có trên 16% được biểu dương khen thưởng; trên 75% số đảng viên được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ... Đảng bộ tỉnh hiện có 21 đảng bộ trực thuộc, 804 tổ chức cơ sở đảng, 5.170 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với trên 92.000 đảng viên.
Các cấp ủy đảng trên toàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, từng bước cụ thể và thực hiện rõ hơn cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; tập trung giải quyết kịp thời nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp ở địa phương, đơn vị. Đồng thời, đề ra nhiều giải pháp hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất - kinh doanh, xây dựng nông thôn mới, quản lý trật tự đô thị và nâng cao hiệu quả cải cách hành chính; huy động nhiều nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, xoá đói, giảm nghèo, hỗ trợ các mô hình kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống nhân dân được nâng cao...
6.Bài 4: Nhân lên niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng//http://www.baoquangninh.com.vn.- 2017.- Ngày 20 tháng 10
Bám sát mục tiêu tổng quát Đại hội XII của Đảng trong giai đoạn 2016-2020 là: "... Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân", toàn Đảng đang hành động bằng quyết tâm cao nhất để đạt mục tiêu này. Như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Trong điều kiện ngày nay, nếu không chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thì dù có nói bao nhiêu về quan điểm quần chúng, về quyền làm chủ của nhân dân cũng đều là vô nghĩa và không có sức thuyết phục".
Hiện thực hóa mục tiêu “vì dân phục vụ”
Cũng như các địa phương trong cả nước, trong 30 năm đổi mới, tỉnh Quảng Ninh đã làm sống động các nghị quyết của Đảng bằng những cách làm rất cụ thể, sáng tạo và hiệu quả, như Nghị quyết số 19 của BCH Đảng bộ tỉnh về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế; Nghị quyết số 01 về Chương trình xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh về bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017- 2020, các chủ đề công tác hàng năm… Đặc biệt, trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã có những sáng tạo nhằm tạo sự đột phá về phát triển kinh tế- xã hội như: chủ động dùng ngân sách tỉnh để GPMB và linh hoạt hóa các nguồn lực để làm các công trình dự án hạ tầng giao thông, du lịch nhằm tạo nền tảng cho sự bứt phá của nền kinh tế; Quyết liệt trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, dành nguồn lực thỏa đáng đầu tư cho an sinh xã hội
Tinh thần dân chủ trong Đảng đã được tỉnh Quảng Ninh phát huy và vận dụng hiệu quả.
Tính đến nay, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Quảng Ninh đạt trên 4.000 USD/người/năm, năng suất lao động bình quân đạt 152,4 triệu đồng/người/năm. Hết năm 2016, Quảng Ninh có tổng số hộ nghèo là 11.582, chiếm tỷ lệ 3,39%, giảm 3.758 hộ nghèo so với năm 2015. Tỉnh đã chỉ đạo các huyện có xã, thôn ĐBKK thực hiện việc đầu tư đối với 132 danh mục công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn 22 xã ĐBKK, 2 xã biên giới và 11 thôn, bản ĐBKK với tổng số vốn được phân bổ là 169,320 tỷ đồng. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện các công trình nước sinh hoạt tập trung, phân tán thực hiện theo Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg.
Tiếp tục khẳng định những đổi mới của Đảng trong lãnh đạo đất nước, tạo những đột phá, phát triển mới, cùng với 2 tỉnh Khánh Hòa, Kiên Giang, hiện nay tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương hoàn thành Đề án Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Đặc khu kinh tế). Bằng những cách làm riêng, tỉnh Quảng Ninh đã tạo được nền tảng ban đầu cho việc xây dựng Đặc khu kinh tế Vân Đồn. Đó là, thu hút được khoảng 6.000 tỷ đồng vốn đầu tư hạ tầng cho đặc khu kinh tế Vân Đồn trong thời gian qua. Trong đó, Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn có số vốn tới 7.500 tỷ đồng (riêng giai đoạn 1 là 4.000 tỷ đồng) với đường cất hạ cánh dài nhất Việt Nam hiện nay, đang vào giai đoạn hoàn thiện. Sân bay có thể khai thác với những loại máy bay cỡ lớn, hiện đại như Boeing cũng như những dòng máy bay thông thường như Airbus A321, công suất phục vụ 2,5 triệu khách/năm và có thể nâng lên 10 triệu khách/năm. Dự kiến cuối năm nay, sân bay sẽ đón chuyến bay hiệu chuẩn để sẵn sàng khai thác thương mại vào giữa năm 2018. Theo tính toán của các chuyên gia, với những đặc khu kinh tế như Vân Đồn, Phú Quốc với những cơ chế, thể chế mới không chỉ thu hút hàng chục tỷ USD vốn đầu tư, giúp nhà nước thu hàng chục tỷ USD từ thuế, phí, đất đai và tạo ra giá trị gia tăng nhiều chục tỷ đồng khác đóng góp vào GDP cả nước. Mà trong tương lai không xa thu nhập bình quân đầu người ở các đặc khu sẽ cao gấp 5- 7 lần so với mức trung bình của cả nước.
Có thể khẳng định, sự năng động, thành công của Quảng Ninh chính là minh chứng thiết thực cho sự lãnh đạo đúng hướng của Đảng. Đảng đã làm cho dân tin không chỉ ở những việc lớn mà còn là những quan tâm thường nhật, chăm lo thiết thực cho đời sống người dân.
Trách nhiệm xây dựng niềm tin
Thời gian qua một số ý kiến cho rằng niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút. Tuy nhiên, thực tế khẳng định lòng tin của người dân với Đảng vẫn vẹn nguyên. Qua bao khó khăn, biến cố, càng khó khăn Đảng càng vững vàng và người dân càng tin vào Đảng. Chỉ có một bộ phận đội ngũ cán bộ lãnh đạo với những hành động, việc làm sai trái khiến dân không tin họ, không tin vào việc làm cụ thể của những con người cụ thể và mất niềm tin vào những con người như thế. Trong phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Cái mới của lần này là Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong đó, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường XHCN, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng…; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân...”. Tính nghiêm trọng của căn bệnh suy thoái, rất khó chữa này, khác với trước kia, từ ảnh hưởng, tiêm nhiễm, dẫn đến “phát bệnh nội sinh”; từ khách quan là chủ yếu, nay chủ yếu là chủ quan.
Nhân lên niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, của những người được dân tin tưởng giao trọng trách thay mặt dân lãnh đạo đất nước. Chia sẻ cách làm của Quảng Ninh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cho rằng, niềm tin của nhân dân với Đảng sẽ ngày càng vững chắc hơn từ những chủ trương, định hướng, sự lãnh đạo của Đảng trong tạo dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho nhân dân. Cuộc sống tốt đẹp đó phải từ kinh tế phát triển, cán bộ, đảng viên gương mẫu gần dân, trọng dân, lắng nghe tiếng nói của đại đa số người dân, cầu thị trước những điều tâm huyết, cùng nỗi lo, bức xúc thường ngày của những lớp người từng một thời xả thân cho dân cho nước; kiềm chế, bình tĩnh và đấu tranh phản bác mạnh mẽ sự kích động, chia rẽ, vu cáo nhằm phủ định, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng… Có thể thấy Đảng đã quán triệt được tư tưởng trọng dân của Bác Hồ và đang có chủ trương rất mạnh mẽ để phát huy vai trò, quyền làm chủ của người dân.
Đối với Quảng Ninh chăm lo lợi ích, hạnh phúc cho nhân dân là nhiệm vụ chính trị số 1 của cả hệ thống chính trị bằng những chính sách, việc làm cụ thể. Đó là, việc xác định trúng mục tiêu lãnh đạo đột phá để phát triển. Cụ thể, đối với tỉnh, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, xây dựng các quy hoạch chiến lược, các đề án trọng điểm... Đối với cấp huyện, tuỳ vào đặc thù để lựa chọn khâu đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo; như: Đông Triều, Cô Tô là tập trung lãnh đạo đạt chuẩn nông thôn mới; Hoành Bồ phát triển theo hướng xây dựng thành vùng kinh tế mở rộng của 3 TP Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí; Vân Đồn sẽ là đặc khu kinh tế mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế; TP Móng Cái là Khu kinh tế mở vùng biên...
Cùng với đó, nghiêm khắc, quyết tâm cao, đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng của từng cán bộ, đảng viên, nhất là những người lãnh đạo. Trong đó, tập trung vào chỉnh sửa lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ theo hướng sát dân, gần dân. Các cấp ủy Đảng trong toàn tỉnh nghiêm túc đẩy mạnh các biện pháp kiên quyết, kiên trì, quyết liệt và tích cực giáo dục, rèn luyện, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, đấu tranh với các hiện tượng thoái hóa, biến chất, siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử đã biến chất ra khỏi Đảng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy chính quyền. Đội ngũ cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở đều xác định, niềm tin của dân không tự dưng mà có, muốn cho dân tin, muốn được lòng dân, Đảng phải thực hành "việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh".
Song song với đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng đổi mới cách thức giao nhiệm vụ cho tập thể, cán bộ, đảng viên, gắn với thực hiện cơ chế giám sát tiến độ, chất lượng hiệu quả công tác, ràng buộc trách nhiệm, quyền hạn cụ thể. Đồng thời, rà soát, nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa” trong các cơ quan, đơn vị; phát hiện những vấn đề mới phát sinh để đề ra kế hoạch, lộ trình, giải pháp, khắc phục. Tỉnh cũng đẩy mạnh thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch; đổi mới cơ chế đối thoại giữa người đứng đầu với nhân dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân hiến kế, hiến công, của để phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.
87 năm qua đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng luôn luôn đúng đắn và sáng tạo, lợi ích của Đảng thể hiện ở đường lối, nghị quyết luôn luôn thống nhất với lợi ích của nhân dân. Mục tiêu, lý tưởng, đường lối, chính sách cùng với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của đảng là vì nhân dân. Dân tin Đảng, Đảng dựa vào dân, chân lý đó mãi mãi là sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam dù trong bất kỳ hoàn cảnh, thời điểm nào. Muôn vạn tấm lòng, niềm tin với Đảng là sức mạnh đột phá và vươn cao của đất nước ta!
Lan Hương - Thùy Linh
7.Nguyễn Huế. Chuyển biến mạnh trong phong trào phụ nữ//http://www.baoquangninh.com.vn.- 2017.- Ngày 20 tháng 10
Nhằm đẩy mạnh công tác phụ nữ và các phong trào thi đua, thời gian qua các cấp Hội phụ nữ Quảng Ninh đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể. Hội phụ nữ các cấp không ngừng củng cố, kiện toàn, thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Qua đó, phát huy mạnh mẽ tinh thần sáng tạo, năng động của hội viên, phụ nữ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Nâng cao năng lực cán bộ Hội
Là tổ chức chính trị - xã hội đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn, nhiều năm nay Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội phụ nữ chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trong đó hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, triển khai mạnh các phong trào thi đua, huy động sự tham gia tích cực của các tầng lớp phụ nữ. Hội LHPN tỉnh đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về “Công tác phát triển hội viên và xây dựng tổ chức hội vững mạnh”, chỉ đạo các cấp hội lồng ghép thực hiện với các nghị quyết của Hội LHPN Việt Nam về công tác phát triển hội viên và xây dựng tổ chức hội theo từng giai đoạn.
Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên, các cơ sở hội đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”; đồng thời, chủ động xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với nhiều hoạt động thiết thực. Hội tham mưu cấp uỷ quán triệt chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đến các cấp uỷ, chính quyền; thường xuyên nắm bắt thực trạng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ hội để tham mưu công tác quy hoạch, đào tạo, sắp xếp, đề bạt... Ban vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp tích cực tham mưu về công tác phụ nữ; đồng thời phối hợp với hội phụ nữ đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ nữ trong học tập, rèn luyện, phấn đấu, khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội.
Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ hội gắn với triển khai Đề án "Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Hội LHPN các cấp, giai đoạn 2013-2017" (Quyết định số 1891/QĐ-TTg ngày 4/12/2012). Theo đó, các cơ sở hội đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội, trong đó chú trọng tham mưu, đề xuất về tạo điều kiện cho cán bộ hội tham gia học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị. 5 năm qua, toàn tỉnh có gần 50 cán bộ hội phụ nữ được đào tạo trình độ cao cấp và trung cấp lý luận chính trị. Riêng Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 6 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền cho 400 cán bộ hội cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số các địa phương: Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên...
Hội xây dựng quy định về tiêu chuẩn cán bộ theo chức danh vị trí việc làm và thực hiện quy hoạch cán bộ hội các cấp theo phương châm "mở", gắn với đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và giới thiệu bầu cử chức danh chủ chốt theo quy hoạch. Đồng thời, xây dựng quy chế quản lý, tổ chức cán bộ và lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt hội. Đến nay, 100% cán bộ chủ chốt Tỉnh Hội, hội phụ nữ cấp huyện đạt chuẩn chức danh CB,CC; 99,12% cán bộ chủ chốt hội phụ nữ cấp xã đạt trình độ văn hóa của chức danh CB,CC xã, phường, thị trấn. Qua đó, đã góp phần tạo nguồn cán bộ chất lượng cao cho tỉnh và địa phương. Đến nay, tỉnh đã thực hiện luân chuyển 4 đồng chí lãnh đạo Hội LHPN tỉnh sang giữ vị trí lãnh đạo các sở, ban, ngành; 22 đồng chí lãnh đạo hội phụ nữ cấp huyện làm lãnh đạo các phòng, ban, HĐND, UBND cấp huyện.
Đội ngũ cán bộ hội ngày càng trưởng thành, tham gia tích cực nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hội phụ nữ các cấp đã chủ động lựa chọn, tổ chức giám sát, phản biện xã hội, góp ý kiến tham gia xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, đảm bảo đúng quy trình. Hằng năm, Hội LHPN tỉnh lựa chọn từ 2-3 vấn đề để giám sát; đề xuất với HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới, trực tiếp tham gia các đoàn giám sát. Qua đó, góp phần giải quyết tốt các vấn đề ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ trên địa bàn.
Nhiều mô hình, phong trào thu hút hội viên
Thực hiện công tác xây dựng tổ chức hội, Hội LHPN tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ sở bám sát tình hình thực tế địa bàn để triển khai hiệu quả các mô hình, chương trình, phong trào, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ. Tùy theo tình hình thực tế ở địa phương, mỗi cơ sở, chi hội có cách triển khai hoạt động, thu hút nhiều hội viên. Nổi bật là chỉ đạo xây dựng các mô hình, phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi". Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chị em thực hiện các mô hình, các cơ sở hội đã chủ động phối hợp với các ngân hàng, tạo điều kiện cho chị em vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đến nay toàn tỉnh có 20 mô hình phụ nữ phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao, được chị em nhân rộng, đóng góp tích cực cùng với tỉnh xây dựng sản phẩm OCOP địa phương, như: Trà hoa vàng, gà Tiên Yên, mật ong rừng, ba kích tím...
Các phong trào "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ" được hội triển khai mạnh mẽ, thu hút sự vào cuộc tích cực của phụ nữ. Bên cạnh phát huy hiệu quả các tổ tín dụng, quỹ vì phụ nữ nghèo, nhiều năm nay các cấp hội duy trì hiệu quả các mô hình “Ống tiền tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Nuôi lợn tiết kiệm”..., thu hút hàng nghìn hội viên, phụ nữ tham gia. Đặc biệt, từ đầu năm 2017 đến nay, các cấp hội đã vận động, quyên góp được gần 700 triệu đồng hỗ trợ xây mới, sửa chữa 27 "Mái ấm tình thương" cho hộ phụ nữ nghèo, khó khăn. Hoạt động này đã góp phần nhân lên tinh thần "tương thân, tương ái", chung tay vì cuộc sống cộng đồng.
Một trong những hoạt động hiệu quả, thu hút mạnh mẽ sự tham gia của hội viên, phụ nữ là phát triển các mô hình câu lạc bộ (CLB). Đến nay, toàn tỉnh có trên 5.000 CLB phụ nữ phù hợp với nhiều lứa tuổi, đáp ứng nhu cầu của chị em, như: CLB xây dựng gia đình hạnh phúc; CLB phụ nữ làm kinh tế giỏi; CLB phòng, chống bạo lực gia đình; CLB phụ nữ với pháp luật, CLB gia đình “5 không, 3 sạch”...
Những phong trào, mô hình thiết thực trên đã góp phần tạo sự gắn kết chị em với tổ chức hội. Hằng năm, tỉ lệ thu hút phụ nữ vào tổ chức hội đạt 77,6% (đến nay có 254.111/327.386 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức hội). Tổ chức hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, lớn mạnh, góp phần thiết thực tạo chuyển biến mạnh mẽ trong các phong trào thi đua.
8.Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XIII thông qua 8 nghị quyết//http://www.baoquangninh.com.vn.- 2017.- Ngày 27 tháng 10
Sau 1 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tọa kỳ họp, chương trình Kỳ họp thứ 6 (kỳ họp bất thường), HĐND tỉnh khóa XIII đã hoàn thành nội dung đề ra và bế mạc vào chiều 27/10.
Kỳ họp với khối lượng công việc lớn, song với tinh thần khẩn trương, dân chủ, trách nhiệm cao, các đại biểu đã tập trung trí tuệ để bàn thảo và quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến định hướng các nhiệm vụ phát triển trước mắt và lâu dài của tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, tại phiên thảo luận tại tổ và hội trường, đã có 62 ý kiến tham gia của các đại biểu vào các nội dung chương trình kỳ họp.
Với sự thống nhất cao, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 8 nghị quyết, trong đó tập trung thảo luận vào các nội dung chủ yếu liên quan đến kế hoạch, quy hoạch của tỉnh cho cả nhiệm kỳ và trong thời gian tới.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng của UBND tỉnh sớm triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết của HĐND tỉnh cũng như thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh những vấn đề phát sinh mới bổ sung được cập nhật để triển khai theo thẩm quyền và nếu vượt thẩm quyền báo cáo trình HĐND trong kỳ họp tới.
Nhấn mạnh đến nội dung các nghị quyết quan trọng vừa được thông qua, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Đọc, khẳng định: Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, kỳ họp này, HĐND tỉnh bước đầu thống nhất chủ trương phân bổ, tỷ lệ % phân bổ của tỉnh, địa phương và các danh mục công trình chủ yếu theo thứ tự ưu tiên của tỉnh cho giai đoạn 2017-2018 và đến năm 2020. Trong đó thống nhất trong quá trình triển khai, dành một phần kinh phí lớn dự phòng trên 10% để đầu tư các dự án phát sinh hoặc các dự án chưa được xác định cụ thể, cũng như sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các địa phương khó khăn các công trình liên quan đến an sinh xã hội, thiết yếu như hạ tầng điện, nước và cơ sở hạ tầng kinh tế và an sinh - xã hội khác. Đồng chí cũng thống nhất do mới là bước đầu, trong quá trình triển khai cần tiếp tục bổ sung, sửa đổi đảm bảo theo đúng tinh thần Kết luận số 192 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đồng thời gắn trách nhiệm của chủ đầu tư, người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương với hiệu quả của từng dự án được quyết định và triển khai; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo các công trình đưa vào kế hoạch đầu tư trong cả nhiệm kỳ phát huy hiệu quả, cũng là sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự pháp triển cho Quảng Ninh về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh.
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc cũng nhấn mạnh, về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, cần điều chỉnh, bổ sung với tinh thần đồng bộ, hiện đại và đáp ứng nhu cầu và yêu cầu phát triển trước mắt và dài hạn.
Việc thông qua báo cáo của UBND tỉnh về kết quả rà soát và thu hồi các dự án đầu tư có sử dụng đất, mặt nước chậm tiến độ vi phạm trên địa bàn tỉnh tại kỳ họp sẽ để cử tri, nhân dân biết, giám sát; đồng thời ngoài các dự án đã báo cáo đợt này, tỉnh sẽ tiếp tục thường xuyên rà soát các dự án và có giải pháp cụ thể thu hồi các dự án, trong đó sau khi thu hồi, trước mắt giao cho các địa phương hoặc giao cho nhà đầu tư mới.
Đồng chí cũng khẳng định việc thành lập Đơn vị HC-KT đặc biệt Vân Đồn thể hiện quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị, nhân dân, cử tri trong tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh mong muốn được T.Ư quyết định thành lập Đơn vị HC-KT đặc biệt Vân Đồn với những cơ chế, chính sách đặc biệt, nổi trội, cạnh tranh quốc tế để tạo ra một mô hình phát triển kinh tế mới có tính động lực đối với sự phát triển của tỉnh, vùng và cả nước, đồng bộ với những kết quả tỉnh đã đầu tư hạ tầng giao thông đường cao tốc, sân bay và các hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội khác…
9.Các nhà tài phiệt nước ngoài tìm hiểu đầu tư vào Đặc khu Vân Đồn//http://www.baoquangninh.com.vn.- 2017.- Ngày 30 tháng 10
Ngày 30/10, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi tiếp và làm việc với đại diện các nhà tài phiệt thuộc lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ, xây dựng, cảng biển Hồng Kông, Trung Quốc, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hải Đăng và các đối tác nước ngoài đang khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh..
Tại buổi tiếp, các nhà tài phiệt và đối tác nước ngoài đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh cũng như kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua. Đặc biệt là việc chuẩn bị các điều kiện để xây dựng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn.
Qua nghiên cứu đầu tư tại tỉnh, một số nhà đầu tư nước ngoài đã đề nghị lãnh đạo tỉnh cho phép nghiên cứu dự án xây dựng cảng nước sâu tại khu vực Hòn Nét, TP Cẩm Phả, Đặc khu Vân Đồn. Đồng thời, mong muốn tỉnh Quảng Ninh tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm hiểu các thông tin, cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư đến Quảng Ninh đầu tư.
Đánh giá cao thiện chí của các nhà đầu tư nước ngoài đã đến khảo sát, nghiên cứu cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, Quảng Ninh luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi đến với tỉnh. Việc đầu tư xây dựng cảng nước sâu tại khu vực Hòn Nét rất quan trọng đối với Quảng Ninh nói chung và Đặc khu Vân Đồn nói riêng. Nếu được đầu tư xây dựng một cách bài bản, quy mô thì cảng Hòn Nét có thể trở thành một trong những cảng nước sâu có điều kiện tiếp nhận các tàu biển tải trọng lớn tốt nhất tại miền Bắc. Đồng chí mong muốn các nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư cụ thể trong thời gian sớm nhất để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh làm đầu mối kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp, cũng như cung cấp thông tin và các cơ chế, chính sách liên quan đến hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư tại Quảng Ninh.
10.Khẳng định sự đổi mới, năng động trong phát triển// http://www.baoquangninh.com.vn.- 2017.- Ngày 30 tháng 10
Cùng với sự đi lên của đất nước, những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu quan trọng, đột phá trong xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh. 54 năm sau khi thành lập, từ một tỉnh nghèo, nhiều khó khăn, Quảng Ninh đã trở thành trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc và đang phấn đấu trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước như kỳ vọng của Chính phủ.
Đổi mới hệ thống chính trị theo hướng hiệu lực, hiệu quả
Quảng Ninh được biết đến như một trục tam giác kinh tế của vùng Đông Bắc Bộ với nền kinh tế phát triển đa dạng. Thêm vào đó, Quảng Ninh có tuyến đường biên giới trên bộ, trên biển, tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc - là cửa ngõ quan trọng của các nước ASEAN. Từ những thuận lợi trên, Quảng Ninh xác định cần phải có tổ chức Đảng, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nền kinh tế cũng như đảm bảo quốc phòng - an ninh, đáp ứng được nhu cầu trong tình hình mới.
Chính vì thế, trong quá trình phát triển, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo phương châm Đảng đứng trong Nhà nước, hiện thân trong bộ máy nhà nước và các đoàn thể chính trị xã hội để cầm quyền, lãnh đạo. Đặc biệt, năm 2014, Đảng bộ tỉnh đã vận dụng sáng tạo các Kết luận số 63, số 64 Hội nghị T.Ư 7 (khoá XI) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, để chỉ đạo toàn Đảng bộ xây dựng và thực hiện Đề án 25 về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Từ đó, tăng cường các giải pháp nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo toàn diện của tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở; cơ bản khắc phục tình trạng cồng kềnh trong tổ chức bộ máy, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, kém hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Các cấp, các ngành đã tập trung nghiên cứu, đề xuất theo hướng giảm đầu mối để mỗi cơ quan, đơn vị thực hiện nhiều nhiệm vụ, mỗi người làm được nhiều việc; hợp nhất, sáp nhập các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ tương đồng hoặc cùng đối tượng tác động. Theo đó sáp nhập tổ chức, nhất thể hoá chức danh lãnh đạo khối Đảng với khối chính quyền, đoàn thể; thực hiện bầu trực tiếp bí thư cấp uỷ tại đại hội, cử tri bầu trực tiếp chủ tịch UBND...
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thực hiện kiêm nhiệm, nhất thể hoá các chức danh người đứng đầu cấp uỷ và chính quyền ở tất cả các địa phương trên địa bàn. Trong đó, thực hiện cơ chế bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện tại 2 địa phương Cô Tô, Tiên Yên; bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND tại 7/14 địa phương cấp huyện; bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở 75/186 xã; bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn (bản, khu phố) ở 1.508/1.565 thôn. Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện nhất thể hoá các chức danh người đứng đầu các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng trong hệ thống chính trị, như: Trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch uỷ ban MTTQ ở 10/14 địa phương; chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra kiêm chánh thanh tra ở 9/14 địa phương; trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ ở 10/14 địa phương; trưởng (phó) ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị ở 13/14 địa phương...
Theo đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy: Đảng bộ tỉnh đã quán triệt tinh thần, đổi mới hệ thống chính trị phải được thực hiện đồng bộ giữa đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên gắn với cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức, bộ máy; tinh giản biên chế… Điểm nhấn đáng ghi nhận của Quảng Ninh là tách dần dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước, đã xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng cao…
Tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội
Trước thời kỳ đổi mới (1986) Quảng Ninh là tỉnh nghèo, chủ yếu dựa vào trợ cấp của Trung ương, đến nay đã trở thành một trong những đầu tàu phát triển của khu vực phía Bắc; là trọng điểm kinh tế, trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực. Điều này thể hiện rõ nhất trong quyết tâm chính trị về đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cải cách hành chính, xây dựng các quy hoạch, kêu gọi đầu tư, phát triển hạ tầng; chủ động đề xuất, quyết liệt thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù… Trong thời kỳ đầu mới thành lập tỉnh, Quảng Ninh có than là ngành kinh tế chủ đạo cùng các ngành công nghiệp khác, như nhiệt điện, xi măng,.... tạo nên trụ cột kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, trong một thập niên trở lại đây, với sự biến động của thị trường thế giới, đồng thời giải quyết mâu thuẫn giữa khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng địa bàn, tỉnh đã từng bước tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”. Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 05/02/2016 “Về phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030”, quyết tâm chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Cầu Bạch Đằng đang được thi công, khi hoàn thành sẽ giúp Quảng Ninh kết nối gần hơn với 2 trung tâm kinh tế lớn trong nước là Hà Nội và Hải Phòng. Ảnh: Hùng Sơn
Trong vòng 10 năm gần đây, nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao và ổn định, bình quân đạt trên 10%/năm, gần gấp đôi so với bình quân của cả nước; từ một tỉnh Trung ương luôn phải trợ cấp ngân sách đã vươn lên đứng trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu cả nước về thu ngân sách. Riêng 9 tháng năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 9,7%, tăng cao nhất từ năm 2012 đến nay, đứng trong nhóm đầu các tỉnh, thành phố vùng trọng điểm Bắc Bộ và các địa phương lớn của cả nước.
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong nước hoàn thành việc đưa điện lưới quốc gia đến thôn, khu, khe bản trên đất liền và đưa điện lưới quốc gia đến các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, các xã đảo thuộc Hải Hà, Móng Cái; tỉnh đầu tiên được Chính phủ giao quản lý, đầu tư xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái, Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn... Đặc biệt, Quảng Ninh là một trong 3 địa phương trong cả nước được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương xây dựng Đơn vị hành chính - kinh tế được biệt, gồm: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Đây sẽ là mô hình hành chính tinh gọn, thể chế, cơ chế, chính sách cạnh tranh mang tầm quốc tế, khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút đầu tư, hình thành mô hình động lực mới thúc đẩy phát triển đột phá về kinh tế đối với các địa phương, các vùng và cả nước. Hiện Quảng Ninh đã tích cực hoàn thiện Đề án xây dựng Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn và tích cực tham gia xây dựng Dự án Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt.
Cùng với đó, các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống của nhân dân được nâng cao. Tính đến hết 30/6/2017, tỉnh chỉ còn 11.497 hộ nghèo, chiếm 3,36%.
Phát huy những thành tựu đạt được, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đang tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2017. Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giảm nghèo bền vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; giữ vững chủ quyền biên giới; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội...
11.Đặc khu Vân Đồn: Đã sẵn sàng chờ Quốc hội "bấm nút"//http://www.baoquangninh.com.vn.- 2017.- Ngày 30 tháng 10
Trên cơ sở các chỉ đạo, định hướng của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động tiến hành rà soát và mời các đơn vị tư vấn, chuyên gia quy hoạch hàng đầu thế giới phối hợp với tỉnh nghiên cứu, đề xuất hướng phát triển của Vân Đồn theo mô hình Khu hành chính - kinh tế (HC-KT) đặc biệt có tính liên kết vùng và đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ, khả thi.
Sau 5 năm dày công nghiên cứu, đến nay dự thảo Đề án Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn đã hoàn thiện và được đánh giá rất cao. Quảng Ninh đang tràn đầy hy vọng, dự án Luật Đơn vị HC - KT đặc biệt sẽ được thông qua vào kỳ họp Quốc hội tới (tháng 5/2018). Qua đó tạo hành lang pháp lý để Đặc khu Vân Đồn, cùng với Phú Quốc (Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) chính thức đi vào hoạt động…
Vượt trội, cạnh tranh về cơ chế
Theo Đề án, Đặc khu Vân Đồn sẽ là khu đô thị biển - đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế... Dự kiến đến năm 2020, Đặc khu thu hút khoảng 90.000-98.000 lao động mới và thu hút từ 110.000-111.000 lao động mới vào năm 2030…
Với định hướng trên, việc xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách cho Đặc khu Vân Đồn đã được xây dựng dựa trên kinh nghiệm và xu hướng quốc tế, với nguyên tắc tuân thủ pháp luật (quy định rõ ràng, đơn giản, áp dụng hiệu quả…). Cách tiếp cận theo hướng tập trung vào đào tạo, nâng cao và thu hút nguồn lực con người, tạo hành lang và môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh, chú trọng thu hút nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng với cam kết dài hạn và vì sự phát triển bền vững của Đặc khu.
Các cơ chế chính sách cho Vân Đồn được xây dựng theo phân lớp ngành nghề dựa trên kết quả phân tích chuỗi giá trị, từ đó xác định được các lĩnh vực ngành nghề ưu tiên, có ảnh hưởng lan tỏa đến sự phát triển của các lĩnh vực ngành nghề khác để tập trung khuyến khích phát triển. Cùng với đó, có ưu đãi đặc thù cho nhà đầu tư chiến lược (ưu đãi về thuế chỉ tập trung vào một số lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn, không dàn trải). Đề án đề xuất 12 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù gồm: Thuế, đất đai và bất động sản, tài chính - ngân sách, tiền tệ - ngân hàng, đầu tư - kinh doanh, quản lý và phát triển nguồn nhân lực, xuất, nhập cảnh và quản lý cư trú, xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhà đầu tư chiến lược, hoạt động công nghệ cao, phát triển du lịch và chính sách khác…
Về phương án hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền Đặc khu, Quảng Ninh đề xuất 2 phương án. Phương án 1, sẽ có Đặc khu trưởng và các đặc khu phó cùng cơ quan giúp việc tinh gọn, không có HĐND. Cấp xã sẽ được thay bằng các khu hành chính, người đứng đầu là đại diện của Đặc khu trưởng, cùng bộ máy cũng hết sức tinh gọn. Phương án này phù hợp với các mô hình đặc khu kinh tế hiện đại và thành công nhất hiện nay trên thế giới. Quan trọng hơn là mô hình này đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu thay vì tập thể quyết định như lâu nay. Đặc khu trưởng toàn quyền quyết định mọi vấn đề và phải chịu trách nhiệm đến cùng với quyết định của mình. Để bộ máy hoạt động hiệu quả, Đặc khu trưởng hoàn toàn có thể tự lựa chọn nhân sự tốt nhất cho mình, từ cấp phó đến bộ máy ở các khu hành chính, thậm chí có thể thuê nhân sự nước ngoài làm việc cho mình.
Phương án 2 là chính quyền một cấp, chỉ có UBND và HĐND cấp Đặc khu, bỏ UBND và HĐND cấp xã. Ở phương án này, HĐND sẽ bớt quyền lực và chỉ còn làm nhiệm vụ giám sát, đưa ra các quyết sách dài hạn, chứ không được quyết các vấn đề, như ngân sách, đầu tư... Tuy nhiên, với mô hình này, trách nhiệm quyết định vẫn là của tập thể, không đề cao được vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND Đặc khu như với mô hình Đặc khu trưởng. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng cũng như lấy ý kiến từ nhiều phía, Quảng Ninh ưu tiên chọn phương án 1, bởi chỉ có như vậy mới có thể đột phá…
Sẵn sàng nguồn lực đầu tư
Song song với việc chủ động, tích cực xây dựng Đề án Đơn vị HC-KT đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng của Khu kinh tế Vân Đồn theo định hướng của Đơn vị HC-KT đặc biệt. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện sẵn sàng cho phát triển Đơn vị HC-KT đặc biệt.
Thi công đổ bê tông mặt đường băng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đoạn 600m bổ sung sau điều chỉnh thiết kế.
Thi công đổ bê tông mặt đường băng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đoạn 600m bổ sung sau điều chỉnh thiết kế.
Tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách để nhanh chóng cải thiện hạ tầng giao thông kết nối vùng, giao thông nội khu, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khác. Trong đó đặc biệt tập trung vào các công trình động lực tạo nền tảng cho sự phát triển của Khu kinh tế Vân Đồn. Đến nay, đã thu hút được trên 55.300 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD) đầu tư cho Vân Đồn, trong đó: Giai đoạn 2011-2016, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước là 4.787 tỷ đồng, chiếm 8,7%; đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách là 50.513 tỷ đồng, chiếm 91,3%. Riêng giai đoạn 2015-2017, tỉnh đã huy động được trên 36.000 tỷ đồng vốn đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.
Nổi bật trong đó có một số dự án, công trình trọng điểm đang được tỉnh quyết liệt chỉ đạo triển khai đầu tư và đẩy nhanh hoàn thành, đưa vào khai thác, như: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng dài 25km, tổng mức đầu tư trên 13.600 tỷ đồng, dự kiến thông toàn tuyến vào quý I/2018; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương, dài 53,6km, tổng mức đầu tư 13.988 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, dài khoảng 80,2 km, tổng mức đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công cuối năm 2017. Đặc biệt Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn quy mô cấp 4E, đường cất, hạ cánh dài 3,6km, đón được các máy bay hiện đại như Boeing 777, 787, A350 với công suất 5 triệu lượt khách/năm, tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào vận hành khai thác đầu năm 2018; Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino với quy mô diện tích trên 2.500ha, tổng vốn đầu tư trên 46.500 tỷ đồng, đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư...
Cùng với các dự án trên, theo kế hoạch, đầu năm 2018 sẽ khởi công chuỗi các tổ hợp dịch vụ du lịch quy mô lớn, đẳng cấp cao với tổng vốn đầu tư trên 61.000 tỷ đồng (tương đương 2,7 tỷ USD) tại Vân Đồn. Trong đó nổi bật là Dự án Tổ hợp du lịch Sonasea Drgonbay (giai đoạn 1), tổng vốn đầu tư dự kiến trên 4.950 tỷ đồng; Dự án Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas, quy mô khách sạn đẳng cấp 5 sao, tổng vốn đầu tư trên 1.120 tỷ đồng; Dự án Tổ hợp du lịch và con đường di sản tại Vân Đồn, gồm 9 phân khu chức năng, tổng vốn đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng; Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng, do Tập đoàn FLC nghiên cứu, tổng vốn đầu tư khoảng 46.000 tỷ đồng; Dự án đầu tư Khu vực cảng và đô thị phía Bắc đảo Cái Bầu, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 3.500 tỷ đồng…
Mới đây, tại buổi khảo sát thực tế tại Vân Đồn để phục vụ thẩm tra Dự án Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã đánh giá rất cao nỗ lực, quyết tâm của Quảng Ninh và nhà đầu tư trong việc thành lập Đặc khu Vân Đồn, nhất là sự mạnh dạn, sáng tạo trong huy động nguồn lực của tỉnh trong xây dựng các công trình động lực mang tính nền tảng. Đồng chí khẳng định, từ thực tế tại Quảng Ninh đã củng cố thêm niềm tin về tương lai phát triển mạnh mẽ của Vân Đồn cũng như việc hoàn thiện Dự án Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt trình Quốc hội thông qua.
                                                                 KINH TẾ
12.Ngọc Lan. Quảng Ninh khơi tiềm năng mới, tạo cú hích mới//http://www.baoquangninh.com.vn.- 2017.- Ngày 1 tháng 9
Trao đổi tại các hội nghị, hội thảo thời gian qua, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Các tiềm năng tĩnh đã tới giới hạn, phải chuyển sang các tiềm năng động là sự sáng tạo, thể chế, mô hình để tạo ra một cú huých mới.
Vận vào Quảng Ninh để thấy rõ rằng khát vọng sáng tạo được thực hiện tại tỉnh trong thời gian qua như cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, biên chế, sử dụng linh hoạt các hình thức đầu tư... là bước chuyển ngoạn mục vượt qua giới hạn về tư duy, tầm nhìn trong sử dụng các tiềm năng tĩnh để khơi gợi được những tiềm năng động trong nguồn lực con người, xã hội. Những khát vọng sáng tạo được thể hiện bằng hành động thực tế đã và đang mang lại cho Quảng Ninh những kết quả vượt trội về hạ tầng, về tư duy, về con người.
Cao tốc nối cao tốc - Giấc mơ có thật
Hơn 10 năm trước người Hạ Long vẫn mơ cải tạo, nâng cấp mở rộng được QL18A con đường từ Hạ Long đến Bắc Ninh để nối vào cao tốc Bắc Ninh - Nội Bài - tuyến giao thông huyết mạch nối với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Và 10 năm sau nhìn lại không chỉ là QL18A được nâng cấp, mở rộng kết nối tuyến cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh mà những tuyến cao tốc khác nối Quảng Ninh với cả nước đã trong giai đoạn hoàn thành. Đó là, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng nối với cao tốc Hải Phòng - Hà Nội theo dự kiến cuối năm 2017 sẽ được thông xe, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn cũng sẽ hoàn thành trong năm 2018, tỉnh chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để khởi công tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Không chỉ có các tuyến cao tốc liên hoàn với nhau nối dài từ Thủ đô Hà Nội đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái mà cũng trong năm 2018 này Sân bay quốc tế Vân Đồn - cảng hàng không tư nhân đầu tiên của cả nước, cũng sẽ hoàn thành, mở vùng trời từ Quảng Ninh ra với thế giới. Nhìn rộng ra cả nước thì đến thời điểm này, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên xây dựng cơ chế, đề nghị Chính phủ cho phép tự đầu tư làm đường cao tốc, sân bay, hạ tầng du lịch bằng nguồn vốn tự huy động. Với gần 10.000 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện GPMB và trên 32.500 tỷ đồng huy động đầu tư theo hình thức BOT, Quảng Ninh đã làm được Cảng hàng không, gần 100km đường cao tốc. Đồng thời chủ động xây dựng mô hình và vận dụng sáng tạo hình thức đối tác công - tư (PPP) để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ theo nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn, tính trong 5 năm (2012-2016), Quảng Ninh đã thu hút được khoảng 190.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, bằng cách lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư (1 đồng ngân sách lôi kéo thu hút được 8,3 đồng đầu tư ngoài ngân sách), PPP Quảng Ninh đã là cơ sở thực tiễn để Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.
Đối với các doanh nghiệp sẽ không có cơ hội kinh doanh nào tốt hơn là ở địa bàn giao thông thuận lợi và sẽ không nhà đầu tư nào từ chối đầu tư ở địa bàn có sẵn các tuyến cao tốc và sân bay. Chính vì vậy, việc Quảng Ninh làm được các tuyến cao tốc, làm được sân bay đã trở thành một lợi thế đặc biệt số một trong chiến lược phát triển. Nhìn từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, thấy rằng sau khi hoàn thành thời gian đi bằng xe ô tô từ Hà Nội đến Hạ Long chỉ khoảng hơn một tiếng đồng hồ, đây sẽ là cơ hội rất lớn để có thể tăng nhanh được lượng khách du lịch trong nước, quốc tế đến với Vịnh Hạ Long, giải được e ngại của các nhà đầu tư về khoảng cách di chuyển từ thủ đô đến Hạ Long. Đối với việc vận chuyển hàng hoá khi cao tốc Hạ Long - Hải Phòng hoàn thành thay vì trước đây các chủ hàng container phải đi gần 80km vận chuyển hàng hoá từ cửa khẩu sang cảng Hải Phòng nay sẽ chỉ phải đi 25km đường cao tốc êm thuận, như vậy khối lượng hàng hoá trên tuyến này tăng nhanh nếu không muốn nói là bùng nổ.
Khơi thông nguồn lực, Quảng Ninh đã hiện thực hoá được những giấc mơ không chỉ của riêng mình, mà còn làm tiền đề nhiều địa phương khác trong cả nước tham khảo, học tập nghiên cứu cách làm để giải toả “cơn khát” hạ tầng tốt.
Đổi mới để vượt qua giới hạn tư duy
Trong những năm gần đây, Quảng Ninh là địa phương có tốc độ phát triển tốt nhất cả nước. Năm 2015 GRDP đạt 11%, cao nhất trong 7 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cao hơn mặt bằng chung của cả nước, thu ngân sách nhà nước đạt 33.350 tỷ đồng. Năm 2016 đạt 10,1%, thu ngân sách đạt trên 38.000 tỷ đồng, trong đó riêng thu nội địa đạt trên 25.000 tỷ đồng. 3 đột phá chiến lược của Đảng tiếp tục được tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả, sáng tạo, trong đó cải cách hành chính trở thành điểm sáng của cả nước với mô hình Trung tâm Hành chính công tỉnh được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, là địa phương duy nhất được thí điểm thành lập thực hiện theo phương thức trực thuộc trực tiếp UBND tỉnh và tiếp theo là 14 trung tâm hành chính công các địa phương liên thông với 1 cửa hiện đại ở xã, phường, thị trấn. Sự đổi mới tư duy, nhận thức trong phương thức lãnh đạo của tỉnh đã được thể hiện rõ qua việc xây dựng hàng loạt các đề án, quy hoạch chiến lược như Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Đề án phát triển nhanh, bền vững tỉnh Quảng Ninh, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, xây dựng, Nghị quyết số 19-NQ/TU, Đề án 25... Tỉnh đã nhận diện, đánh giá đúng thực tiễn, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm và tập trung nguồn lực để khơi thông. Nguồn lực đó không phải là tiền, là ngân sách trung ương đầu tư, hỗ trợ, mà đó là đổi mới từ khâu ban hành nghị quyết, ban hành hướng dẫn, kế hoạch cụ thể gắn với kiểm tra giám sát, định kỳ đánh giá hiệu quả, nguyên nhân hạn chế, hướng giải quyết, phát huy mô hình sản xuất hiệu quả, chủ động đề xuất cơ chế chính sách tính đặc thù, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện nhiều giải pháp tăng thu ngân sách, đẩy mạnh xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh gọn...
Cùng với đổi mới trong tư duy, nhận thức, phương thức lãnh đạo đối với công tác cán bộ, tổ chức, xây dựng Đảng và phát triển đảng viên cũng đã kịp thời được đổi mới như: Cơ chế tuyển dụng cán bộ, công chức theo hướng khách quan, công khai, thí điểm thực hiện chế độ tập sự lãnh đạo thực hiện quy trình Đảng giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn bầu vào chức danh (trưởng thôn, bản, khu phố) sau đó cấp uỷ mới phân công theo phương châm “dân tin Đảng mới cử”, thí điểm lấy phiếu tín nhiệm trong nhân dân trước khi HĐND bầu chủ tịch UBND thị trấn, bố trí cán bộ cấp xã không là người địa phương với 2 chức danh bí thư cấp uỷ và chủ tịch UBND, mạnh dạn luân chuyển bố trí cán bộ trẻ về cơ sở, tăng cường luân chuyển cán bộ ngang, dọc để đào tạo... Đối với công tác kiểm tra, giám sát; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, tập trung lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực, được nhân dân quan tâm. Trong ban hành các quy chế, quy định, cấp uỷ các cấp đã tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định, quy chế về lề lối, mối quan hệ làm việc; xây dựng chương trình công tác toàn khóa và hằng năm... đảm bảo nguyên tắc tổ chức của Đảng. Đặc biệt trong cơ chế cấp phát, phân bổ ngân sách nhà nước đã có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng tỉnh, huyện không giao cục tiền cho đơn vị mà là đặt hàng sản phẩm.
Dự kiến cuối năm 2017 Quảng Ninh có tuyến cao tốc đầu tiên kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đầu năm 2018 Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cất cánh chuyến bay đầu tiên kết nối Quảng Ninh với quốc tế... Và cũng năm 2017 khoảng 100.000 tỷ đồng của các Tập đoàn như Sun Group, Vingroup, FLC... đổ vào các dự án hạ tầng du lịch cũng cơ bản hoàn thành, biến Quảng Ninh thành “thiên đường” du lịch của Việt Nam... Những thành tựu này chứng minh khát vọng sáng tạo của Quảng Ninh đã khơi gợi được những tiềm năng động để tạo cú hích mới cho sự phát triển.
13.Quyết tâm lớn của Quảng Ninh//http://www.baoquangninh.com.vn.- 2017.- Ngày 1 tháng 9
Ngày 17-3-2017, Bộ Chính trị có kết luận “đồng ý cho thành lập ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hoà) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trực thuộc cấp tỉnh nhằm khai thác tốt nhất các tiềm năng, lợi thế vượt trội ở từng khu vực, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước...”.
Bám sát chủ trương này, thời gian qua Quảng Ninh đã nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Khu hành chính - kinh tế (HC-KT) đặc biệt Vân Đồn sớm được hình thành.
Đã sẵn sàng các điều kiện
Từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh bắt tay vào xây dựng Đề án Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn. Trên cơ sở định hướng của Trung ương và Chính phủ, tỉnh đã chỉ đạo rà soát và mời các đơn vị tư vấn, chuyên gia quy hoạch hàng đầu thế giới phối hợp nghiên cứu, đề xuất hướng phát triển của Vân Đồn theo mô hình Khu HC-KT đặc biệt có tính liên kết vùng, đảm bảo hiện đại, đồng bộ và khả thi cao.
Mục tiêu xây dựng Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn là trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao. Mô hình phát triển theo hướng thân thiện môi trường, bộ máy hành chính tinh gọn, thể chế, cơ chế, chính sách cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất; khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư, tích cực thu hút và quy tụ nguồn lực sáng tạo, phương thức quản lý mới, tiên tiến. Đồng thời, nuôi dưỡng, thúc đẩy tăng trưởng để Quảng Ninh trở thành đầu tàu kinh tế khu vực phía Bắc, có sức lan toả trong vùng và cả nước; bảo đảm QP-AN, góp phần giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ... Phấn đấu đến năm 2050, Vân Đồn trở thành động lực kinh tế của Việt Nam, thành phố đáng sống với biểu tượng của thành phố xanh - tri thức, trở thành hình mẫu thế giới.
Xác định rõ mục tiêu này, Quảng Ninh đã nghiên cứu những kinh nghiệm phát triển các mô hình đặc khu kinh tế (KKT) của các quốc gia trên thế giới cũng như các yếu tố, điều kiện quyết định sự thành công. Đồng thời xác định rõ Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn phải cạnh tranh được toàn cầu ở mức cao nhất và được quy định trong Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt. Dự thảo Đề án Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn đã phác thảo bộ máy chính quyền Khu theo 2 phương án, một là chính quyền địa phương ở Đặc khu được tổ chức một cấp chính quyền địa phương (gồm có HĐND và UBND); hai là tổ chức cơ quan hành chính ở Đặc khu (không có HĐND), đây là phương án đề xuất trong dự thảo Luật ngày 14-8-2017. Đặc biệt, các cơ chế đặc thù dành cho Khu được nghiên cứu kỹ lưỡng và nổi trội thông qua các chính sách về kinh tế - xã hội với những ưu đãi cao và thuận lợi hơn so với các quy định của các luật hiện hành, đảm bảo đột phá, vượt trội và cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, có chính sách cụ thể trong xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, quản lý tinh gọn, đủ thẩm quyền, hiệu lực, hiệu quả.
Nỗ lực chuẩn bị các điều kiện để thành lập Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn, thời gian qua Quảng Ninh cũng chủ động, sáng tạo huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung vào các công trình động lực, tạo nền tảng cho sự phát triển của KKT Vân Đồn. Tỉnh đã chọn Tập đoàn Sun Group là nhà đầu tư chiến lược phát triển các dự án tại KKT Vân Đồn nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung. Tại Vân Đồn, Sun Group đang đầu tư Cảng hàng không Quảng Ninh; Khu dịch vụ hậu cần Cảng hàng không; Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn... Bên cạnh đó, rất nhiều dự án hạ tầng quan trọng đã được tỉnh kêu gọi đầu tư, như: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cầu Bạch Đằng, cầu Bắc Luân, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái... Đồng thời, tỉnh chỉ đạo rà soát, tuyển chọn cán bộ có năng lực, tư duy đổi mới và ý thức trách nhiệm cao nhằm chuẩn bị sẵn sàng khi Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt ban hành và Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn được quyết định thành lập có thể bắt tay thực hiện hiệu quả ngay khi mới sơ khai...
Mạnh dạn đề xuất các cơ chế, chính sách riêng có
Đối chiếu với các yếu tố, điều kiện quyết định sự thành công của các đặc khu kinh tế trên thế giới và thực tiễn hiện nay, Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn cần có điều kiện về thể chế và cơ chế chính sách vượt trội. Vì vậy, bên cạnh xây dựng Đề án Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn, tỉnh đang tích cực xây dựng, đề xuất các chính sách ưu đãi đặc thù, đặc biệt đối với Vân Đồn, trong đó đảm bảo sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế để quy định trong Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt trình Quốc hội xem xét thông qua.
Bám sát kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện Đề án Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn và xây dựng dự thảo Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo rà soát hệ thống pháp luật hiện hành để tham mưu xây dựng dự thảo Luật. Cả hệ thống chính trị của tỉnh đã tích cực tham gia góp ý kiến vào dự thảo Luật với tinh thần, quan điểm đảm bảo giữ vững vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; bảo đảm QP-AN; ổn định và phát triển toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường. Đồng thời, mạnh dạn cho phép thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn so với các luật hiện hành, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, các cam kết quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam; có các cơ chế, chính sách đặc thù riêng của Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn để phù hợp với đặc điểm, tình hình và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Tỉnh cũng đề xuất việc xây dựng đơn vị HC-KT với những cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá về tổ chức và hoạt động. Theo đó, bộ máy chính quyền hiện đại, gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, được phân cấp mạnh về thẩm quyền quản lý; thiết lập các thể chế tổ chức, hành chính, đầu tư, thương mại mang tính hội nhập cao, đủ sức cạnh tranh với các mô hình tương tự trong khu vực và trên thế giới nhằm thu hút đầu tư, giao lưu thương mại quốc tế; các thể chế, chính sách này phải đảm bảo tính nhất quán, ổn định và lâu dài... Việc quyết định các nội dung của Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt cần xem xét đồng bộ các nội dung Đề án địa phương đã xây dựng nhằm bảo đảm tính đồng bộ của thể chế, pháp luật; bảo đảm trong khuôn khổ Hiến pháp, phù hợp với cam kết quốc tế để sớm triển khai trên thực tế. Qua đó, tạo bước đột phá về thể chế hành chính, chính sách về kinh tế - xã hội ở những khu vực có vị trí, tiềm năng, lợi thế vượt trội nhằm nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đến thời điểm hiện nay các cơ chế, chính sách đặc thù tại Đề án của Quảng Ninh về đất đai, giải phóng mặt bằng, tiền tệ, ngân hàng; quản lý và phát triển nguồn nhân lực, xuất nhập khẩu hàng hoá... đã được Ban soạn thảo tiếp thu, cập nhật bổ sung và đưa vào dự thảo Luật. Trong quá trình lấy ý kiến đối với dự thảo Luật, các bộ, ngành cũng tham gia góp ý với sự ủng hộ cao. Tính đến trung tuần tháng 8-2017, đối chiếu giữa Đề án và dự thảo Luật, có 195 khoản của 62 điều có nội dung thống nhất; 17 khoản của 14 Điều có nội dung thống nhất một phần...
Hy vọng với sự hỗ trợ của Trung ương và nỗ lực của Quảng Ninh, Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn sẽ sớm được hình thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, thúc đẩy nhanh phát triển, tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước.
14.Văn Đức. Quảng Ninh chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản//http://dangcongsan.vn.- 2017.- Ngày 12 tháng 9
Thời gian qua, thị trường nhà ở và bất động sản trên địa bàn Quảng Ninh có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực, môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn triển khai các dự án xây dựng nhà ở, dự án kinh doanh bất động sản.
Các tổ chức, doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản phải ký hợp đồng với các sàn giao dịch bất động sản, đơn vị tư vấn bán hàng khi đủ điều kiện huy động vốn, đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định; Chỉ được phép tổ chức huy động vốn, mở bán nhà ở hình thành trong tương lai khi đủ điều kiện quy định của pháp luật; Nghiêm cấm chủ đầu tư huy động vượt quá số tiền mua, thuê mua nhà ở được ứng trước của khách hàng theo quy định của pháp luật.
Đây là những nội dung quan trọng nhất trong chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long về “Tăng cường công tác quản lý, giám sát, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản, huy động vốn cho phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, gây khó khăn trong công tác quản lý, tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro ảnh hưởng đến thị trường bất động sản; ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng và các nhà đầu tư thứ cấp như: tổ chức huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện theo quy định; chưa thực hiện việc bảo lãnh huy động vốn theo quy định.
Việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong dự án bất động sản chưa đúng với quy hoạch xây dựng, thiết kế công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc huy động vốn, sử dụng vốn huy động chưa công khai, minh bạch, số liệu báo cáo chưa đầy đủ, chính xác...
UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản phải thực hiện việc bảo lãnh huy động vốn, thanh toán trong mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định; sử dụng nguồn vốn đã huy động vào đúng mục đích xây dựng nhà ở tại dự án. Trường hợp sử dụng sai mục đích nguồn vốn huy động hoặc chiếm dụng vốn đã huy động hoặc huy động vượt quá số tiền mua, thuê mua nhà ở ứng trước của khách hàng thì phải hoàn lại số tiền đã huy động sai quy định; phải bồi thường (nếu gây thiệt hại) và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Chủ đầu tư các dự án bất động sản phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về dự án (vị trí, quy mô, thiết kế, hình ảnh, phối cảnh tổng thể,...), tiến độ đầu tư xây dựng, việc sử dụng tiền ứng trước và tạo điều kiện để bên mua, bên thuê mua, kiểm tra thực tế tại công trình.
UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Quảng Ninh chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tài chính, ngân hàng tăng cường công tác quản lý, giám sát cho vay, bảo lãnh, thế chấp, giải chấp... đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án kinh doanh bất động sản. Yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các địa phương thực hiện đúng chức năng quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn…/.
15.Văn Đức. Quảng Ninh đẩy nhanh hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt thủy sản xa bờ// http://dangcongsan.vn.- Ngày 26 tháng 9
Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Nghị định số 89/2015/NĐ-CP (Nghị định 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tính đến cuối tháng 9/2017, tỉnh Quảng Ninh đã có 16 chủ tàu hoàn thiện hồ sơ vay vốn gửi cho các ngân hàng thương mại, 13 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng với tổng số tiền vay là 165,4 tỷ, trong đó đã giải ngân được 153,83 tỷ đồng.
Tỉnh Quảng Ninh hiện đã có 11 tàu đánh bắt thủy sản xa bờ được hạ thủy, trong đó 9 tàu đưa vào hoạt động (5 tàu vỏ sắt, 4 tàu vỏ gỗ) tại các địa phương (Cẩm Phả: 3 tàu, Uông Bí: 2 tàu, Cô Tô: 2 tàu, Hải Hà: 1 tàu và Quảng Yên 1 tàu). Từ đầu năm đến nay có 4 chủ tàu vỏ thép mua bảo hiểm và được hỗ trợ với tổng kinh phí là 107 triệu đồng.
Các tàu đóng theo Nghị định 67 đều có công suất lớn trên 600 CV, có khả năng khai thác ở những ngư trường xa; thiết kế tàu đồng bộ, hiện đại, an toàn cao; chất lượng thi công tàu tốt, mức tiêu hao nhiêu liệu thấp, công suất khai thác cao.. nên khi đi vào sử dụng đều đạt sản lượng khai thác cao, mang lại giá trị kinh tế lớn cho chủ tàu. Đặc biệt, việc bảo quản sản phẩm sau khai thác rất tốt, giữ được độ tươi sống sau những chuyến đi biển dài ngày, giúp cho các chuyến ra khơi đều nâng cao giá trị, tạo doanh thu lớn hơn.
Các ngư dân được hỗ trợ đóng mới tàu theo Nghị định 67 đều hoạt động hiệu quả, bình quân, mỗi tháng các tàu đi được 2 – 3 chuyến đi biển, doanh thu mỗi chuyến trên 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 50-60%.
Tuy nhiên, so với chỉ tiêu 39 tàu được đóng mới theo phân bổ theo Nghị định 67, thì số lượng tàu đánh bắt thủy sản xa bờ được đóng mới của Quảng Ninh còn ít, tiến độ triển khai chương trình còn chậm. Vì vậy, Quảng Ninh đang tập trung tháo gỡ các vướng mắc khó khăn để ngư dân có thể tiếp cận vốn vay được thuận lợi hơn. Nhiều địa phương đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, với sự tham gia của các đoàn thể, phòng, ban chuyên môn, UBND các phường, xã, nghiệp đoàn nghề cá, cơ sở đóng tàu, ngân hàng... để hướng dẫn ngư dân trình tự, thủ tục vay vốn.
9 tháng của năm 2017, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh Quảng Ninh ước đạt 86.545 tấn, đạt 78% kế hoạch, tăng 7,5% cùng kỳ; trong đó, khai thác 48.537 tấn, đạt 82,3% kế hoạch, tăng 6,4% so với cùng kỳ; nuôi trồng 38.008 tấn, đạt 73,1% kế hoạch./.
16.Văn Đức . Quảng Ninh dự báo đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10% năm 2017// http://dangcongsan.vn.- Ngày 27 tháng 9
Tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế quý IV của Quảng Ninh đạt 11,7%, cả năm 2017 đạt 10,2%.
Ba tháng cuối năm 2017, dự báo thời tiết thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh cho ngành than, điện, xi măng và một số lĩnh vực khác khởi sắc hơn.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 10%, Quảng Ninh đưa ra 19 giải pháp thực hiện; trong đó, tập trung tăng thu ngân sách, kiểm soát chi ngân sách, tăng trưởng kinh tế, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy nhanh hoàn thiện các dự án hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp và hạ tầng giao thông trọng điểm… Quảng Ninh chú trọng tới việc chỉ đạo, điều hành chặt chẽ, cẩn trọng, rõ ràng, tạo được uy tín đối với nhà đầu tư và nhân dân.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc, các giải pháp phải cơ bản định lượng và kiểm đếm được, thể hiện qua con số cụ thể, số lượng nhiệm vụ cụ thể thực hiện được trên tất cả các lĩnh vực. Trên cơ sở số liệu cụ thể, tập trung đánh giá nguyên nhân, kết quả đạt được và chưa đạt được theo chỉ tiêu đề ra để có giải pháp tháo gỡ cụ thể, kỹ lưỡng.
Năm 2017, Quảng Ninh xác định là năm bứt phá tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong 9 tháng, Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 9,7% với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế rõ rệt sang khu vực dịch vụ. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh được cải thiện rõ nét, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9,5%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 73% dự toán giao đầu năm, trong đó thu nội địa tăng 4% so với cùng kỳ.../.
16.UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm//http://www.baoquangninh.com.vn.- 2017.- Ngày 28 tháng 9
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 689-TB/TU ngày 21/9, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 7177/UBND-XD4 ngày 26/9 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng công trình trọng điểm, Ban Quản lý Đầu tư các công trình văn hóa, thể thao tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai để hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đảm bảo thực hiện các dự án theo đúng mốc thời gian.
Cụ thể: Phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, đấu nối giao thông, giải phóng mặt bằng và khởi công xây dựng trong tháng 10/2017 đối với Dự án Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ tại phường Minh Thành, TX Quảng Yên; Dự án Tuyến đường nối từ quốc lộ 18 vào Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ và Trung tâm Hướng nghiệp và Giới thiệu việc làm thanh niên.
Dự án Cung Văn hóa thanh thiếu nhi Quảng Ninh và hạ tầng kỹ thuật của dự án này phải hoàn thiện thủ tục đầu tư, khởi công xây dựng trong năm 2017; giao Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng công trình trọng điểm làm việc cụ thể với Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu điều chỉnh 2 dự án thành phần hiện nay thành một dự án để đảm bảo tính tổng thể cũng như quy định của pháp luật.
Riêng việc xây dựng Trụ sở Công ty TNHH MTV In Quảng Ninh, sẽ bố trí phòng làm việc khoảng 100m2 tại công trình Trung tâm Báo chí tỉnh; thay đổi địa điểm xây dựng nhà xưởng tới khu đất thuộc Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 điều chỉnh, mở rộng khu dân cư, bến xe miền Đông tại phường Hà Tu, TP Hạ Long. Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu đơn vị khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục để khởi công và bàn giao mặt bằng xây dựng Trung tâm Báo chí tỉnh trong tháng 2/2018. Đối với một số dự án, như: Trưng bày quy hoạch (giai đoạn 2) tại Cung Quy hoạch, Hội chợ, Triển lãm và Văn hoá tỉnh; Quốc môn gắn với trạm kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II; Trung tâm Báo chí tỉnh cần sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư, khởi công xây dựng vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018.
Nội dung văn bản cũng nhấn mạnh đến việc yêu cầu các sở, ngành tích cực phối hợp, hướng dẫn Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng công trình trọng điểm, Ban Quản lý Đầu tư các công trình văn hóa, thể thao trong việc thẩm định hồ sơ với thời gian ngắn nhất, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, đúng quy định của pháp luật để kịp thời triển khai khởi công, xây dựng các công trình theo đúng tiến độ thời gian yêu cầu. Bên cạnh đó, UBND các địa phương cũng cần tập trung chỉ đạo công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch cho Ban Quản lý Đầu tư các công trình văn hóa, thể thao và Công ty TNHH MTV In Quảng Ninh tổ chức triển khai các công trình theo đúng tiến độ yêu cầu.
17.Lê Hải. Thu hút đầu tư: Tạo sức đột phá trong tăng trưởng kinh tế//http://www.baoquangninh.com.vn.-2017.- Ngày 5 tháng 10
Để tăng trưởng đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, Quảng Ninh đã đặc biệt chú trọng đến việc kiến tạo và phát huy các giá trị, lợi thế nổi trội. Tỉnh đẩy mạnh đầu tư và kêu gọi, hỗ trợ các nhà đầu tư tạo nên sự đột phá trong phát triển dịch vụ, du lịch, hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng xanh.
Trong những năm gần đây, tỉnh đặc biệt chú trọng đến công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, tích cực kết nối, mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh, như: Tập đoàn Toray (Nhật Bản), Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Serra Sunger ve Petrol Urunleri San.Tic.A.S (Thổ Nhĩ Kỳ), Công ty TNHH VINA - CPK (Anh Quốc); Tập đoàn C.E.O (Việt Nam); Tập đoàn Sozitz (Nhật Bản); Tập đoàn Vinci Group (Pháp)…
Chỉ tính trong 9 tháng vừa qua, tỉnh đã cấp mới, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 48 dự án, tổng mức đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm là 18.529,65 tỷ đồng, bằng 69,5% cùng kỳ năm 2016. Tỉnh cũng tiếp nhận và giải quyết 43 hồ sơ liên quan đến thủ tục chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch (tăng 40% so với năm 2016), 43 hồ sơ dự án liên quan đến chủ trương đầu tư. Một số dự án lớn đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong 3 tháng cuối năm, như: Dự án xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên (vốn đầu tư 155,68 triệu USD); Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn (vốn đầu tư 46.595 tỷ đồng); Dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN, cảng tổng hợp và dịch vụ kho bãi Bạch Đằng, khu vực Đầm Nhà Mạc, TX Quảng Yên (vốn đầu tư 994,29 tỷ đồng); Dự án đầu tư Cảng tổng hợp và Khu liên hiệp thu mua, chế biến bảo quản tiêu thụ nông thủy sản tại khu vực Đầm Nhà Mạc (vốn đầu tư 1.431,63 tỷ đồng).
Thu hút đầu tư đạt hiệu quả đã tạo nên sức đột phá trong đầu tư phát triển. Theo đó, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm nay đạt 36,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cơ cấu nguồn vốn đầu tư phát triển đã có sự chuyển dịch rõ ràng theo hướng tăng tỷ trọng nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế ngoài nhà nước. Vốn đầu tư nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 14,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8%. Tăng trưởng mạnh là vốn ngoài nhà nước đạt 16,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% với hàng loạt các dự án lớn được triển khai đầu tư. Điển hình như Dự án sản xuất giống, nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh và sản xuất thức ăn, chế biến thủy sản tại huyện Đầm Hà có tổng vốn đăng ký đầu tư 500 tỷ đồng; quy mô 8 tỷ con/năm, năng suất nuôi tôm thương phẩm đạt khoảng 5.800 - 17.400 tấn/năm ... Bên cạnh đó, nhiều dự án trọng điểm của Tập đoàn Sungroup và Tập đoàn Vingoup, FLC, Texhong,... đang tích cực triển khai đầu tư - đây là những dự án có quy mô lớn, trọng điểm khi hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ có ảnh hưởng, tác động tích cực đến hoạt động xúc tiến đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tỉnh.
Để không ngừng tạo sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Quảng Ninh luôn chú trọng và tập trung cải thiện môi trường đầu tư theo hướng có lợi cho nhà đầu tư nhưng phù hợp với quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam.
Với quan điểm, không hạn chế về quy mô, ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn, trên cơ sở Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, tỉnh đã rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng ưu đãi và tạo thuận lợi nhất đối với các nhà đầu tư. Ngoài cơ chế, chính sách ưu đãi chung của Nhà nước, Quảng Ninh đã có một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề, khuyến khích phát triển xuất khẩu, chăn nuôi, sản xuất giống thủy sản, phát triển vùng nguyên liệu…
Đối với những quy định chung (các chính sách về thuế, đất đai), tỉnh áp dụng theo quan điểm nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định. Đối với những lĩnh vực thuộc thẩm quyền của tỉnh, như: Đền bù, GPMB, hỗ trợ tuyển dụng lao động, cải cách hành chính… tỉnh lại có những cơ chế riêng trên quan điểm luôn coi lợi ích nhà đầu tư gắn với lợi ích chung của tỉnh, vì vậy tỉnh đã cam kết cùng các nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện đầu tư.
Theo đó, nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư đã được các sở, ngành, địa phương triển khai tích cực, theo đúng nhiệm vụ được giao. Chỉ tính riêng 9 tháng năm nay, tỉnh đã có 6/9 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, gồm: Chỉ số cải thiện thứ hạng khởi sự kinh doanh; Thành lập doanh nghiệp thời gian 2 ngày, ít hơn 1 ngày so với quy định; Chỉ số đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, rút ngắn thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội; Chỉ số đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; Chỉ số đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian và cải thiện thứ hạng tiếp cận điện năng; Chỉ số nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng dưới 90 ngày (theo Nghị quyết 19-2017/NQ-CP là tối đa 300 ngày).
Đặc biệt, về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, tỉnh được xếp vị trí thứ 2 trong 63 tỉnh thành cả nước, là vị trí cao nhất từ trước đến nay.
Chính từ kết quả trong thu hút đầu tư, Quảng Ninh đã gặt hái được những thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội nhất là mục tiêu tăng trưởng xanh. Theo đó, Quảng Ninh luôn là một trong 5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách cao trong cả nước. Tính riêng 9 tháng năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 9,7%, đạt mức tăng cao nhất từ năm 2012 đến nay, đứng trong nhóm đầu các tỉnh, thành phố vùng trọng điểm Bắc Bộ và các địa phương lớn của cả nước. Hiện nay, Quảng Ninh được đánh giá là điểm đến tin cậy của các Tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước.
18.K.T. Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu về chỉ số PCI// http://dangcongsan.vn.- Ngày 11 tháng 10
(ĐCSVN) - Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh liên tục đứng ở trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI. Trong 7 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng kinh tế đạt 9,6% cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Quảng Ninh là điểm sáng của cả nước về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, cải thiện môi trường đầu tư, tăng thu ngân sách (1 trong 4 tỉnh thu nội địa cao nhất cả nước). Những năm qua, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, điều hành với những giải pháp thiết thực, tư duy đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm; là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước trong việc tìm ra những mô hình mới, cách làm hay về phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và mô hình bộ máy quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền hành động và phục vụ theo hướng hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; tạo đột phá trong việc thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước theo hình thức đối tác công-tư (PPP) để triển khai các công trình, dự án trọng điểm, kết cấu hạ tầng giao thông động lực... chuyển nguồn vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư các công trình quốc phòng - an ninh, công trình phúc lợi an sinh xã hội.
Đổi mới mô hình tăng trưởng đem lại hiệu quả rõ rệt, thu ngân sách Nhà nước từng bước giảm phụ thuộc vào sự đóng góp của ngành than (tỷ trọng của ngành than đã giảm từ 57% năm 2011 xuống 51% năm 2016). Trong 7 tháng đầu năm 2017, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển: Tăng trưởng kinh tế đạt 9,6% cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây; thu ngân sách đạt hơn 21.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa chiếm 73% (đứng thứ 4 cả nước); tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 16,5%; doanh thu du lịch tăng 25%; tổng vốn đầu tư xã hội tăng 10,6%.
Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh được cải thiện rõ nét; những năm gần đây, tỉnh liên tục đứng ở trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI (năm 2016 xếp thứ 2/63 tỉnh, thành); thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, mở rộng đầu tư phát triển các dự án trên địa bàn.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, giảm nghèo được quan tâm. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giải quyết đơn thư, khiếu nại chuyển biến tích cực...
Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIV nhiệm kỳ 2015 - 2020, tại Thông báo số 473/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tỉnh Quảng Ninh phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để phát triển lĩnh vực du lịch, cảng biển, logistic… Chú trọng đào tạo, nâng cao cả về chất lượng nguồn nhân lực và số lượng; tăng cường quản lý công tác thu, chi quỹ bảo hiểm y tế, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối giữa các bệnh viện để nâng cao chất lượng việc khám, chữa bệnh.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, đô thị, đất đai, tài nguyên môi trường; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường cảnh quan, đô thị, khu công nghiệp; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình hạ tầng quan trọng, có tính đột phá, công khai minh bạch các quy hoạch, dự án, các cơ chế, chính sách để nhân dân biết, đồng tình ủng hộ, thực hiện. Khai thác tối đa tính liên kết của các công trình hạ tầng cả về kinh tế - xã hội; quản lý xây dựng và hiệu quả sau đầu tư đối với các dự án đã và đang được triển khai.
Cùng với đó, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận thương mại, các hoạt động buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng giả, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tỉnh cần cơ cấu lại ngành than, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tiêu thụ than; nghiên cứu đổi mới kỹ thuật, công nghệ, nâng cao năng suất lao động để giảm chi phí khai thác than, gia tăng giá trị cao cho ngành công nghiệp quan trọng của Quảng Ninh; tăng cường xây dựng thiết chế văn hóa, quan tâm đến an sinh xã hội, đời sống vật chất tinh thần của công nhân mỏ./.
19.Cao Quỳnh. Từ OVOP đến OCOP...//http://www.baoquangninh.com.vn.- 2017.- Ngày 27 tháng 10
Học tập từ kinh nghiệm trong phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) của tỉnh Oita (Nhật Bản), Quảng Ninh đã sáng tạo triển khai chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp trên cơ sở tận dụng các nguồn lực địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế vùng nông thôn.
Phong trào OVOP được khởi xướng bởi Tiến sĩ Morihiko Hiramatsu từ năm 1979, tại tỉnh Oita, Nhật Bản. Phong trào đã trở thành điển hình của việc phát triển sản phẩm nông thôn trên cơ sở tận dụng các nguồn lực địa phương. Thành công của phong trào OVOP đã ra nhiều nơi trên thế giới. Tại Đông Nam Á, Thái Lan là một trong những nước triển khai thành công nhất phong trào OVOP bằng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OTOP). Từ đó, khích lệ các nước thành viên khác của ASEAN áp dụng vào các mô hình mang sắc thái riêng của mình tại Brunei, Malaysia, Campuchia...
Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn triển khai phong trào OVOP với tỉnh Quảng Ninh, ông Tadashi Uchida, Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến quốc tế phong trào OVOP tỉnh Oita đã nhấn mạnh, ba nguyên tắc chính xây dựng phong trào OVOP là: Địa phương hóa rồi hướng tới toàn cầu; tự chủ, tự lập, nỗ lực sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực. Điểm cốt lõi của OVOP là mỗi làng phải chọn cho mình một sản phẩm đặc biệt nổi trội, có tính cạnh tranh nhất mà địa phương khác không có. Chính quyền sẽ hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật, vốn và thị trường nhằm mang lại giá trị gia tăng cao nhất. Đối tượng khách hàng mục tiêu là du khách.
Ông Tadashi Uchida cũng khẳng định, yếu tố thành công của phong trào OVOP chính là người dân, chính quyền chỉ đóng vai trò hướng dẫn cho những người dân. Trên cơ sở đó, chính quyền tỉnh Oita đã có những hỗ trợ về kỹ thuật, xúc tiến bán hàng và hệ thống giải thưởng cho những thực hành tốt nhất. Quận đã thành lập viện nghiên cứu và thử nghiệm quận phục vụ OVOP; hỗ trợ cho việc cải tiến và phát triển các sản phẩm; tổ chức triển lãm, hội chợ Oita; phát động cuộc vận động sản xuất và tiêu dùng địa phương; thành lập công ty “Một làng, một sản phẩm” Oita; xây dựng trạm nghỉ dọc đường (Michi -no - Eki).... Kênh phân phối chính của OVOP Nhật Bản là các siêu thị.
Từ kinh nghiệm của Oita, Quảng Ninh đã triển khai thành công chương trình OCOP
Với cách làm này, OVOP đã thực sự là chương trình thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng thị trường hàng hóa một bền vững cách bền vững tại tỉnh Oita. Phong trào OVOP đã đem lại thành công cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Oita và lan rộng toàn nước Nhật. Từ một tỉnh nghèo, Oita không lâu sau đó đã được thế giới biết đến nhờ các nông sản tuyệt hảo như nấm hương khô, chanh kakosu, rượu shouchu, lúa mạch, ngựa seiki...
Đến sáng tạo trong OCOP của Quảng Ninh
Từ năm 2005, Bộ NN&PTNT đã xây dựng phong trào “Mỗi làng một nghề” ở Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả phát triển làng nghề chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, yêu cầu phát triển. Từ thành công của Quảng Ninh trong triển khai chương trình OCOP là nền tảng quan trọng để Bộ NN&PTNT lựa chọn làm mô hình điểm nhân rộng ra cả nước cũng như xây dựng đề án “Mỗi xã, một sản phẩm”.
Chương trình OCOP là một mô hình lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh, do đó chưa có tiền lệ về phương pháp luận, cơ chế chính sách, mô hình hiệu quả để học tập. Các cán bộ chủ chốt đã giành nhiều thời gian nghiên cứu các chuyên đề quốc tế về phong trào OVOP tại các nước khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Phi… Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức Đoàn công tác học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, Thái Lan. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét, đánh giá hiệu quả của các chương trình hỗ trợ sản xuất, các chính sách hiện hành, hiệu quả của các mô hình đã triển khai tại Việt Nam.
Từ đó, trên cơ sở phong trào OVOP Oita, năm 2013, Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2013 - 2016 với mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống góp phần tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; hạn chế việc giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường, ổn định xã hội nông thôn.
Học tập kinh nghiệm của OVOP Nhật Bản, chương trình OCOP Quảng Ninh cũng được thực hiện dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản đó là: Hành động địa phương, hướng đến toàn cầu; tự lực, tự tin và sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với đó, chương trình OCOP xác định 2 đối tượng quan trọng là sản phẩm và tổ chức kinh tế (tập trung vào HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ). Do vậy, chương trình OCOP được thiết kế để các chủ thể sản xuất (từ cá thể, hộ sản xuất, Tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp) có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại.
Với các giải pháp tích cực, sau 4 năm triển khai, chương trình OCOP trở thành thương hiệu riêng của Quảng Ninh, khẳng định là hướng đi đúng góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị giá trị sản xuất. Toàn tỉnh đã có 215 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia OCOP với tổng vốn đăng ký là 250 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 2.500 lao động địa phương. Toàn tỉnh hiện có 238 sản phẩm, trong đó có 85 sản phẩm đạt từ 3-5 sao.
Theo đánh giá, các sản phẩm OCOP Quảng Ninh đều nằm trong nhóm sản phẩm lợi thế quốc gia, lợi thế địa phương và nhóm đặc sản vùng miền như: Thủy sản chế biến, tôm thẻ chân trắng, lợn Móng Cái, dược liệu ba kích, trà hoa vàng, miến dong, gạo nếp… Doanh số bán sản phẩm đạt trên 670 tỷ đồng.
Giai đoạn 2017-2020, Quảng Ninh sẽ phát triển 130 sản phẩm đã có từ giai đoạn trước và 120 sản phẩm mới. Trong đó, phát triển 6 sản phẩm quốc gia, 12 sản phẩm cấp tỉnh, 21 sản phẩm địa phương.
Ông Tadashi Uchida, Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến quốc tế phong trào OVOP tỉnh Oita, Nhật Bản cho biết: Không chỉ có những nét tương đồng với Oita về khí hậu, địa lý, tự nhiên mà Quảng Ninh hội tụ đầy đủ yếu tố để phát triển chương trình OCOP mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. Do đó, với kinh nghiệm của mình, chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa cho Quảng Ninh trong việc triển khai các bước tiếp theo nhằm đưa chương trình OCOP Quảng Ninh phát triển tương đương với chương trình OTOP Thái Lan, trở thành mô hình điểm về sự hợp tác giữa hai bên. Ngay trong tháng 11-2017, chúng tôi sẽ trực tiếp tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá từng sản phẩm OCOP Quảng Ninh. Từ đó, lựa chọn ra các sản phẩm chủ lực để hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất, thiết kế bao bì, phân phối sản phẩm theo kiểu “cầm tay, chỉ việc”.
                                                               XÃ HỘI
20.Phương Thúy. Động lực thoát nghèo bền vững//http://www.baoquangninh.com.vn.- 2017.- Ngày 1 tháng 9
Tại cuộc họp ngày 11-7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Nguyễn Đức Long đã khẳng định: “Trong những năm qua, tỉnh đặc biệt chú trọng đến công tác an sinh xã hội, đặc biệt là ưu tiên nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các vùng khó khăn.
Với mục tiêu đưa 22 xã và 11 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vào năm 2020, tỉnh đã đề ra 9 mục tiêu và 11 giải pháp. Quyết tâm chính trị của tỉnh được thể hiện rất rõ qua Đề án 196, trong đó tỉnh xác định ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các xã, tạo động lực quan trọng để người dân hưởng ứng, tham gia”.
Phân cấp mạnh cho các xã
Đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” (gọi tắt là Đề án 196) đang được tỉnh triển khai. Đây là quyết tâm chính trị của Quảng Ninh nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh không còn hộ nghèo, xã, thôn ĐBKK; hoàn thành chương trình 135. Đề án xác định rõ quan điểm lấy người dân là trung tâm, cấp xã là nơi trực tiếp thực hiện, cấp huyện trực tiếp Việc phân cấp mạnh cho các địa phương được xây dựng trên cơ sở lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn lực đóng góp của người dân, doanh nghiệp. Theo đó, thực hiện Đề án 196 của tỉnh, 8 địa phương liên quan và 100% xã ĐBKK của tỉnh đều triển khai xây dựng Đề án 196 cấp huyện/xã và thành lập ban chỉ đạo thực hiện Đề án. Cách làm này nhằm để các địa phương, một mặt bám sát Đề án 196 của tỉnh, mặt khác xây dựng các giải pháp thực hiện bám sát điều kiện thực tiễn tại từng địa phương.
Tìm hiểu tại xã Đồng Lâm, xã ĐBKK của huyện Hoành Bồ, ông Bàn Ngọc Hương, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã, cho biết: 7 tháng năm 2017, xã Đồng Lâm được huyện phân cấp trên 11,3 tỷ đồng. Trong đó vốn xây dựng cơ sở hạ tầng trên 10,4 tỷ đồng để triển khai 7 công trình: Bê tông đường trục thôn Đồng Trà; đường Bằng Ván đi đèo Gió; đường đèo Đọc đi Bằng Cả Con; đường tràn vào xóm Bằng Cả Con; Nhà văn hoá thôn Đồng Trà; sửa chữa nâng cấp đập, kênh tưới Khe Dìa thôn Đồng Trà; xây dựng đập, đường cấp nước đập Khe Cò, thôn Đồng Trà. Đối với 900 triệu đồng vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, xã đang triển khai hỗ trợ người dân mua trâu, lợn, gà giống để chăn nuôi. Hiện UBND xã đã nghiệm thu chuồng trại, việc chuẩn bị thức ăn chăn nuôi của các hộ gia đình; chuẩn bị triển khai hỗ trợ con giống nuôi cho người dân.
Huyện Bình Liêu có 6 xã, 4 thôn, bản thuộc diện 135, nhiều nhất tỉnh; 33,78% số hộ nghèo, cao nhất tỉnh. Ngay từ đầu năm nay, UBND huyện đã phân bổ trên 8,6 tỷ đồng vốn phát triển sản xuất chương trình 135 cho các xã, thôn ĐBKK. Đối với hạ tầng kinh tế - xã hội, đợt 1 huyện đã phân bổ 15 công trình vốn 135, với gần 30 tỷ đồng; đợt 2 có 21 công trình, trên 16,5 tỷ đồng. Trong đó, BQL dự án huyện chỉ làm chủ đầu tư 2 công trình, nhận uỷ thác từ các xã để quản lý dự án, giám sát 30 công trình; còn lại do các xã làm chủ đầu tư, quản lý dự án.
Việc phân cấp đầu tư cho cấp xã đã mang lại sự chủ động hơn cho cơ sở trong triển khai Đề án 196. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế đội ngũ cán bộ cấp xã ở các xã ĐBKK phần nào còn hạn chế về trình độ, năng lực, nên tỉnh đã phân bổ vốn hợp phần bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cấp xã thời gian tới. Qua đó nhằm nâng cao năng lực, giúp đội ngũ cán bộ xã ở các xã ĐBKK có thể đảm nhận tốt hơn hoạt động phân cấp của Đề án 196 cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Nhân rộng mô hình giảm nghèo
Song song với đầu tư hạ tầng đồng bộ phục vụ đời sống dân sinh và sản xuất thì hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân vùng ĐBKK luôn được xem là mấu chốt quan trọng để giảm nghèo bền vững. Năm 2017, tỉnh đã phân bổ 3,9 tỷ đồng để thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài chương trình 30a (hỗ trợ nông, lâm nghiệp phát triển bền vững) và chương trình 135. Sở NN&PTNT - đơn vị được tỉnh giao chủ trì thực hiện Đề án phát triển sản xuất của các xã, thôn ĐBKK, đang phối hợp với các ngành, địa phương liên quan để triển khai chương trình nước sạch hợp vệ sinh, thuỷ lợi, xây dựng các dự án phát triển sản xuất trên cơ sở sản phẩm lợi thế của các xã; ưu tiên các sản phẩm có tính chất liên vùng. Đồng thời tăng cường phổ biến, giới thiệu các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao trên các phương tiện thông tin đại chúng và các tổ chức hội để nhân rộng.
Từ nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, các xã đang tổ chức lại sản xuất, triển khai nhiều mô hình hiệu quả, làm động lực xoá nghèo cho đồng bào vùng ĐBKK. Trong năm nay, toàn tỉnh đã có 2.774 hộ dân thuộc 22 xã, 11 thôn ĐBKK đăng ký thực hiện các mô hình phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững; 1.575 hộ nghèo, 479 hộ cận nghèo thuộc 22 xã, 11 thôn ĐBKK đăng ký thoát nghèo. Một số mô hình sản xuất tại các xã ĐBKK đang bắt đầu được triển khai, tuy nhiên là những mô hình nông nghiệp quy mô nhỏ, được xây dựng dựa trên mong muốn của hộ hưởng lợi. Các địa phương đều chú trọng ưu tiên đầu tư trước cho những hộ nghèo có ý chí thoát nghèo, có các điều kiện cơ sở vật chất tương đối tốt.
Điển hình như tại Bình Liêu, đến nay huyện đã thẩm định 21 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của các xã, trong đó có 12 dự án thuộc chương trình 135 và 9 dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới; chủ yếu là đầu tư chăn nuôi trâu, bò sinh sản, lợn, dê, gà Tiên Yên, trồng cây dong riềng... Ông Lô Đức Hải (thôn Bản Ngày 1, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) chia sẻ: “Từ tháng 9-2016, được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, còn lại gia đình tự bỏ vốn để triển khai mô hình nuôi dê. Đến nay đàn dê nuôi của gia đình tôi có 38 con, trung bình mỗi con nặng khoảng 25kg, khá dễ bán và được giá. Vừa rồi gia đình tôi đã bán được hơn 10 con dê, nhờ đó đã trả được gần hết nợ”. Cũng theo ông Lô Đức Hải: Đối với những hộ nghèo có sức lao động, có ý thức làm ăn thì hỗ trợ sản xuất, kể cả phải đối ứng 50% cũng được đón nhận tích cực. Tuy nhiên, người dân cần được hỗ trợ kỹ thuật nhiều hơn để tái sản xuất và đặc biệt là hỗ trợ đầu ra sản phẩm.
Với sự quan tâm, ưu tiên đầu tư của tỉnh, công tác giảm nghèo ở các xã ĐBKK được triển khai đồng bộ, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây chính là động lực quan trọng để các địa phương vùng khó vươn lên.
21.Huỳnh Đăng. Chăm lo cho giáo dục ở các xã đặc biệt khó khăn//http://www.baoquangninh.com.vn.-2017.-Ngày 9 tháng 9
Những năm qua, Quảng Ninh đã tập trung đầu tư cho giáo dục ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, thu hẹp khoảng cách phát triển và phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng này.
Đây cũng là một trong những mục tiêu trong Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 thông qua cuối năm 2016.
Nhìn từ thực tế Bình Liêu
Với 6 xã, 4 thôn vẫn nằm trong diện đặc biệt khó khăn, Bình Liêu đang là địa phương có nhiều xã, thôn chưa hoàn thành Chương trình 135 nhất trong tỉnh. Do đó, giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Bình Liêu gặp rất nhiều khó khăn.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Khuyến, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tình Húc, một trong những xã khó khăn của huyện Bình Liêu, cho biết: Hiện nay, trường chúng tôi có đến 8 điểm trường, trong đó 4 điểm ở vùng cao. Điểm xa nhất cách trung tâm chừng 10 cây số, đường đi lại rất khó khăn. Trong thời gian qua, ngoài chính sách chung của Nhà nước, của tỉnh thì huyện cũng đã rất quan tâm đầu tư cho giáo dục, trong đó có giáo dục ở Tình Húc. Thầy và trò chúng tôi thường xuyên được lãnh đạo huyện đến thăm nhân dịp các ngày lễ, Tết, ngày kỷ niệm trong năm. Đầu năm học này, huyện cũng đang tuyển dụng và sẽ phân bổ về trường khoảng 5 giáo viên nữa. Khuôn viên trường sắp được mở rộng khi trưng dụng toàn bộ cơ sở vật chất của Trường THCS Tình Húc đã giải thể. Từ quỹ đất và cơ sở vật chất này, Trường Tiểu học Tình Húc sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trên lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ I.
Không chỉ riêng xã Tình Húc, mà giáo dục các xã khác ở toàn huyện đều được quan tâm. Theo ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện, Bình Liêu đã phê duyệt xây dựng 5 dự án giáo dục trong năm 2017: Điểm trường Mầm non Pò Đán, Khu hiệu bộ Trường THCS Húc Động (xã Húc Động), Điểm trường Mầm non Phiêng Sáp, Điểm trường Mầm non Ngàn Vàng Dưới (xã Đồng Tâm) và Điểm trường Mầm non Nà Choòng (xã Hoành Mô).
Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, Bình Liêu đã quan tâm thực hiện tốt các chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số, thực hiện nhiệm vụ giáo dục dân tộc phù hợp với điều kiện của địa phương. Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc đã được triển khai đồng bộ. Công tác quản lý, tổ chức cho học sinh ăn, ở nội trú, bán trú từng bước đi vào nền nếp. Kỹ năng giao tiếp của học sinh dân tộc được từng bước nâng lên. Các em đã sống hoà đồng và mạnh dạn hơn trong các hoạt động tập thể. Phụ huynh học sinh tại các điểm trường lẻ cũng đã đồng thuận và ủng hộ việc di chuyển học sinh về học bán trú tại các điểm trường chính. Nhờ đó, công tác vận động học sinh đến lớp đúng độ tuổi được Bình Liêu thực hiện tốt. Trước khi năm học 2017-2018 bắt đầu, toàn huyện có 70 học sinh tốt nghiệp THCS có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Huyện và các xã đã vận động, hỗ trợ bằng mọi cách để các em tiếp tục học lên THPT. Đến nay, tỷ lệ học sinh lớp 9 dự tuyển lớp 10 THPT đạt 95,48% so với kế hoạch. So với năm học trước, năm nay, cả huyện tăng 343 học sinh. Trong đó, nhà trẻ tăng 21 em, mẫu giáo tăng 3 lớp, THCS tăng 87 học sinh, THPT tăng 86 học sinh, hướng nghiệp dạy nghề và giáo dục thường xuyên tăng 37 học sinh.
Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, huyện cũng đang đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục. Một số điểm trường như Mầm non Húc Động, Mầm non Hoành Mô, Mầm non Đồng Tâm, Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS Đồng Tâm, Mầm non Vô Ngại tiếp tục duy trì phong trào “Tất ấm em đi”, huy động ủng hộ học sinh dân tộc tiền mặt, quần áo ấm, chăn ấm, đồ chơi trẻ em, bàn ghế. Tổng số tiền mà các đơn vị, đoàn thể cá nhân trong và ngoài huyện hỗ trợ cho học sinh dân tộc năm 2016 đạt trên 800 triệu đồng.
Tăng cường đầu tư cho giáo dục ở các xã đặc biệt khó khăn
Tính đến cuối năm 2016, Quảng Ninh có 22 xã và 11 thôn (không nằm trong 22 xã đó) thuộc diện đặc biệt khó khăn. Ngày 20-6-2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2.139 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu của 46 tỉnh vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Trong đó, Quảng Ninh có 20 xã vào diện đầu tư của Chương trình 135 dùng ngân sách địa phương.
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và dành nguồn lực đầu tư để hỗ trợ các xã, thôn đặc biệt khó khăn, trong đó có chính sách về giáo dục. Quảng Ninh đã thực hiện chính sách ưu đãi giáo viên miền núi, vùng cao; chính sách đào tạo và bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số, miễn giảm học phí cho các đối tượng học sinh nghèo, dân tộc thiểu số ở xã đặc biệt khó khăn, hỗ trợ mua sách vở, đồ dùng học tập và các chi phí học tập khác, thực hiện chính sách nội trú dân nuôi, cử tuyển đi học cao đẳng, đại học, tạo nguồn cán bộ. Các chính sách đó đã tạo sự động viên, khích lệ lớn, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ huy động học sinh đến trường, tăng cường quy mô, chất lượng giáo dục ở địa bàn các xã đặc biệt khó khăn. Chỉ tính riêng trong 5 năm 2011-2015, ngành Giáo dục Quảng Ninh đã triển khai hỗ trợ 187.566 lượt đối tượng hộ nghèo với tổng kinh phí 532,5 tỷ đồng.
Trong số những chủ trương, cơ chế, chính sách dân tộc quan trọng cho năm 2016 và giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là Nghị quyết về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 vừa được HĐND tỉnh thông qua vào cuối năm 2016 với tổng nguồn vốn lên đến trên 1.342 tỷ đồng. Trong đó, mục tiêu cụ thể về giáo dục là 100% các xã có trường mầm non, tiểu học, trung tâm học tập cộng đồng, đáp ứng đủ nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân. Ngày 10-4-2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135. Trong đó, mục tiêu về giáo dục là nâng cấp, cải tạo 11 trường học trung tâm và điểm trường, duy trì phổ cập THCS tại 12/22 xã, phấn đấu 70% số học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục theo học THPT, tổ chức 21 lớp dạy nghề cho 425 học viên tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Nhờ việc tập trung bố trí nguồn lực đầu tư, trong đó có đầu tư cho giáo dục mà một số xã đã thoát khỏi diện 135. Thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh, năm 2017, Quảng Ninh đã có 6 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, bao gồm: Đại Dực, Đại Thành (Tiên Yên), Quảng Lợi, Quảng An (Đầm Hà) và Đồng Lâm, Đồng Sơn (Hoành Bồ).
22.Quỳnh Hoa. Quảng Ninh nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân//http://www.baoquangninh.com.vn.- 2017.- Ngày 9 tháng 10
Trong những năm qua, ngành Y tế Quảng Ninh đã bám sát các định hướng, chỉ tiêu, kế hoạch của tỉnh, Trung ương trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, chương trình y tế, công tác khám chữa bệnh (KCB), sắp xếp lại tổ chức, bộ máy nhằm góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành Y tế đặc biệt chú trọng đến công tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Hàng năm, ngành đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh và vị trí việc làm, thực hiện phân cấp, giao quyền tự chủ quản lý, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho thủ trưởng đơn vị. Đồng thời hạn chế, tiến đến chấm dứt đào tạo liên thông. Trong năm 2017, ngành đã cử 34 cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ tại Đài Loan, trong đó có 30 cán bộ đào tạo ngắn hạn, 4 cán bộ đào tạo trình độ thạc sĩ. Đặc biệt, ngành đã chỉ đạo mỗi đơn vị, ngoài chính sách thu hút hằng năm, đơn vị y tế phải trích tối thiểu 20% khoản kinh phí chi thu nhập tăng thêm để thu hút, đãi ngộ và khuyến khích đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, ngành cũng xây dựng phương án thực hiện mô hình “Nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chung”.
Bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đến nay, ngành Y tế đã thu hút được nhiều tiến sĩ, bác sĩ nội trú, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I từ các cơ sở điều trị có danh tiếng về làm việc. Qua đó, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân tăng từ 7,5 bác sĩ (năm 2012) lên 14 bác sĩ (năm 2017), cao hơn trung bình cả nước.
Song song với đó, ngành Y tế quan tâm đầu tư ở tất cả các tuyến về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Qua đó, hệ thống y tế cơ sở thay đổi rõ nét, ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn; chất lượng các dịch vụ không ngừng được nâng lên. Đơn cử như, ngành đã chỉ đạo thực hiện đầu tư xây dựng công trình tòa nhà Trung tâm Ung bướu tại Bệnh viện Bãi Cháy với quy mô 200 giường bệnh. Hay triển khai Dự án Đầu tư trang thiết bị hồi sức cấp cứu cho Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bãi Cháy để hiện đại hóa và nâng cao năng lực thực hiện kỹ thuật chuyên sâu thuộc chuyên khoa tim mạch và ung bướu của tỉnh; hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm Hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, bước đầu đã thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế TX Đông Triều, Trung tâm Y tế huyện Hoành Bồ, thực hiện kiểm soát chất lượng công trình và hạ tầng kỹ thuật bệnh viện, đảm bảo dây chuyền công năng hiện đại, đồng bộ với các hạng mục trang thiết bị y tế.
Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng được tỉnh tăng cường trang sắm, nâng cấp, với các thiết bị chuyên sâu, hiện đại, như: Hệ thống máy tim - phổi nhân tạo, phẫu thuật tim hở; máy siêu lọc máu, hệ thống xạ trị điều trị ung thư; xét nghiệm miễn dịch tự động, xét nghiệm sinh học phân tử real-time PCR, giải trình tự gene, hệ thống oxy cao áp điều trị, kính hiển vi phẫu thuật thần kinh, dao mổ siêu âm... Các cơ sở y tế tuyến huyện được trang bị các thiết bị hiện đại, như: Máy chụp cắt lớp đa dãy, hệ thống phẫu thuật nội soi, hệ thống xét nghiệm miễn dịch... Cùng với đó, ngành Y tế tiếp tục nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu từ tuyến Trung ương. Trong 9 tháng tiếp nhận thêm trên 400 kỹ thuật cao.
Từ sự đầu tư đúng hướng, các bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được rất nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu của tuyến Trung ương, như: Xạ trị ung thư, đặt stent động mạch vành, phẫu thuật tim hở, thụ tinh trong ống nghiệm, phẫu thuật nội soi... Đến nay, các bệnh viện tuyến tỉnh đã xạ trị cho trên 7.500 lượt bệnh nhân; chụp mạch cho gần 1.300 trường hợp; đặt stent động mạch cho gần 500 ca; phẫu thuật tim hở 20 ca; thực hiện 50 ca thụ tinh trong ống nghiệm, trong đó 18 ca có thai (tỷ lệ thành công 36%, tương đương với các đơn vị Trung ương). Cùng với đó, ngành đề ra mục tiêu phát triển mạnh các kỹ thuật cao, chuyên sâu, đặc biệt là ở các bệnh viện tuyến tỉnh nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm thấp nhất tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến Trung ương (chỉ còn khoảng 2%); các đơn vị y tế tuyến huyện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật tuyến tỉnh.
Nhằm hỗ trợ toàn diện cơ sở y tế vùng khó khăn, các đơn vị tuyến tỉnh triển khai kế hoạch chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn theo từng lĩnh vực cho các đơn vị y tế trong toàn ngành. Các bệnh viện lớn, như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi và Đa khoa khu vực Cẩm Phả tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ toàn diện cho các đơn vị khó khăn của tỉnh tại các trung tâm y tế huyện Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ và Cô Tô. Bên cạnh đó, công tác khám, chữa bệnh lưu động, chăm sóc sức khoẻ đồng bào vùng khó khăn cũng được triển khai linh hoạt, có nhiều đổi mới. Các đơn vị tuyến tỉnh tiếp tục duy trì lịch tổ chức khám, chữa bệnh lưu động năm 2017 cho 41 xã khó khăn của 9 địa phương trong tỉnh. Trong 9 tháng năm 2017, đã khám, chữa bệnh cho khoảng 17.000 lượt người dân.
Ứng dụng CNTT được ngành Y tế xác định là mũi nhọn để tập trung phát triển. Ngành đã phối hợp với các đơn vị đi đầu về CNTT, như FPT, Viettel... triển khai các phần mềm quản lý bệnh viện, quản lý khám, chữa bệnh…; phối hợp với Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế triển khai thí điểm sử dụng chữ ký số tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Cùng với đó, ngành đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai bệnh viện thông minh với kinh phí đầu tư của tỉnh là 200 tỷ đồng tại Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi tỉnh. Đồng thời duy trì hoạt động của hệ thống Telemedicine; triển khai kế hoạch sinh hoạt chuyên môn trên hệ thống Telemedicine để phát huy hiệu quả của hệ thống trong công tác hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị khó khăn.
Ngành y tế còn đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính tại các cơ sở KCB, giảm tối đa phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân khi đến KCB. Bên cạnh đó, ngành đã tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, nâng cao kỹ năng giao tiếp, thực hiện đường dây nóng, duy trì hòm thư góp ý, xây dựng phong cách, thái độ, phục vụ văn minh, thân thiện...
Công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh được triển khai chủ động, từ việc giám sát, phát hiện đến chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất và nhân lực sẵn sàng đáp ứng các tình huống khi có dịch xảy ra. Cụ thể, 9 tháng năm 2017, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh nguy hiểm, các ổ dịch lớn xảy ra. Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, như: ATTP, DS-KHHGĐ, HIV/AIDS, tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tâm thần, da liễu… được triển khai hiệu quả, đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Bên cạnh các mặt thuận lợi, ngành Y tế Quảng Ninh tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, với quyết tâm tiếp tục xây dựng hệ thống y tế từng bước hoàn chỉnh và đồng bộ từ tuyến tỉnh đến cơ sở, ngành Y tế tỉnh phấn đấu nỗ lực thực hiện nâng cao chất lượng theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe.
23.Phạm Học. Quảng Ninh: Phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ http://www.baoquangninh.com.vn.- 2017.- Ngày 20 tháng 10
Thời gian qua, vai trò và vị thế của phụ nữ Quảng Ninh ngày càng được coi trọng và đánh giá cao, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống gia đình và nhân dân.
Nhiều "nữ tướng" trong phát triển kinh tế
Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, nhìn nhận: Hiện nay, phụ nữ có thể tham gia bình đẳng với nam giới ở tất cả các lĩnh vực. Phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đã có cơ hội việc làm, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, giảm khoảng cách giới. Từ đó, nhiều chị em đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Chị Tạ Thị Thắm (thôn Đồng Đặng, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ) là một tấm gương phụ nữ như thế. Với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, chị đã đầu tư vốn, kỹ thuật xây dựng trang trại, đào ao thả cá, trồng ổi, táo, bưởi, trồng keo và chăn nuôi gà. Bình quân mỗi năm, chị thu được trên 600 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 8 lao động địa phương; nhiều năm liền, chị là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Chị Thắm chỉ là một trong 60 phụ nữ dân tộc thiểu số năng động đại diện cho 11.813 phụ nữ dân tộc trong tỉnh, có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội. Bà Vinh cho tôi xem một danh sách dài, trong đó còn phải kể đến các chị như: Phùn Thị Thủy (thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái), Tạ Thị Mai (thôn Đồi Mây, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên), Lỷ Tài Múi (bản Quảng Hợp, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà), Đặng Thị Tâm (thôn Nà Cáng, xã Quảng An, huyện Đầm Hà) v.v. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 20 mô hình kinh tế của phụ nữ làm ăn hiệu quả như thế.
Có được điều đó là do sự trợ lực của nhiều chương trình tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nữ như: Tổ chức các phiên giao dịch việc làm; tư vấn học nghề cho phụ nữ nông thôn; nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ; tuyên dương các nữ doanh nhân, phụ nữ làm kinh tế giỏi v.v. Từ năm 2011 đến nay, có 12.823 chị em nông thôn được đào tạo nghề.
Đồng thời, các cấp hội phụ nữ nhận ủy thác với các ngân hàng giải ngân trên 1.500 tỷ đồng cho gần 60.100 chị em vay, giúp hơn 6.683 chị em thoát nghèo, trong đó 2.296 chị làm chủ hộ. Tỷ lệ lao động nữ được giải quyết việc làm hằng năm đạt trên 45%. Số doanh nghiệp có nữ đại diện theo pháp luật là 2.862, chiếm 23,85% tổng số doanh nghiệp.
Thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe
Quảng Ninh luôn quan tâm thúc đẩy bình đẳng giới trong công tác chăm sóc sức khỏe. Đến nay đã có 8 bệnh viện tuyến tỉnh (trong đó có 1 bệnh viện chuyên sản nhi), 14 trung tâm y tế tuyến huyện, 186 trạm y tế tuyến xã; 100% trạm y tế các thôn, khe, bản đều có y sĩ và nữ hộ sinh. Nhân lực và giường bệnh của ngành y tế đảm bảo để phục vụ nhân dân với 10,5 bác sĩ/1vạn dân và 42,3 giường bệnh/1vạn dân, cao hơn mức trung bình của cả nước.
Do vậy, phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh, nhất là công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em được quan tâm triển khai ở tất cả các tuyến. 90% lao động nữ được khám chuyên khoa. Trung bình hằng năm, 95% phụ nữ có thai được khám, mỗi thai phụ được khám trung bình 3-4 lần, tỷ lệ tử vong mẹ luôn hạn chế ở mức thấp nhất. Chị em được khám quản lý thai nghén và sàng lọc HIV sớm đạt từ 80% trở lên.
Chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, bảo hiểm y tế toàn dân, thực hiện bình đẳng giới, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh được thực hiện tốt. Do vậy, tỷ số giới tính khi sinh (trẻ trai/trẻ gái) giảm dần qua các năm. Tính đến tháng 6/2017, tỷ số này ở mức 113/100. Tuổi thọ bình quân nữ là 76.99 tuổi (cao hơn nam 6,2%).
Coi trọng công tác cán bộ nữ
Nhờ công tác đào tạo, bồi dưỡng nên đội ngũ cán bộ nữ có sự phát triển về số lượng, cơ cấu, từng bước trẻ hóa. Tỷ lệ cán bộ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở và đội ngũ cán bộ khoa học nữ ngày càng tăng. Cán bộ nữ đã thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức và tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và thực hiện tốt thiên chức của gia đình.
Sau 10 năm, đã có 1.950 lượt cán bộ nữ được đào tạo lý luận chính trị (chiếm 47%); từ 27 nữ thạc sĩ năm 2007 tăng lên 699 thạc sĩ, từ 1 nữ tiến sĩ tăng lên 25 người. Đặc biệt, đã có 77 lượt cán bộ nữ được cử đi bồi dưỡng, nâng cao kiến thức ở nước ngoài; hàng trăm lượt cán bộ nữ được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, cán bộ dự nguồn.
Gặp chị Nguyễn Thị Thu Hà, điều dưỡng trưởng, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, tôi thấy rất nể phục. Ngoài công việc hàng ngày, chị đã cùng với một số đồng nghiệp thực hiện đề tài nghiên cứu so sánh công dụng một số loại thuốc trong điều trị nấm huyết ở bệnh nhân nhiễm HIV và đề tài điều trị sốt ở những bệnh nhân có vết thương do mò đốt. Công việc ở bệnh viện quá bận nên việc nhà chị dựa hết vào chồng và ông bà nội. Ở Quảng Ninh, hiện có 32 nữ cán bộ khoa học như chị Hà, tăng 12,4% so với năm 2007.
Nhờ công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ nữ luôn đảm bảo tốt nên hiện nay có 22.936 nữ cán bộ, công chức, viên chức chiếm 67,5%, 62 đồng chí nữ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý. Trong 3 nhiệm kỳ qua, đều có cán bộ nữ là lãnh đạo chủ chốt Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. So với nhiệm kỳ trước, tỷ lệ phụ nữ tham gia BCH Đảng bộ tỉnh tăng từ 15,3% lên 18,8%; tham gia HĐND tăng từ 31,94% lên 33,33% cao hơn so với quy định của trung ương. Cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có 27 đồng chí; tham gia cấp uỷ các huyện, thị, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc tỉnh 113 đồng chí. Nữ đại biểu HĐND các cấp tăng; cấp tỉnh có 27 người, cấp huyện là 146, cấp xã là 1550. Tỷ lệ các cơ quan có lãnh đạo chủ chốt là nữ trong tỉnh đạt 49,8% (tăng 18,8% so với năm 2011).
24.Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở vùng khó - Bài 2: Vùng khó nhưng… không khó//Thu Chung - Hồng Ngọc//http://www.baoquangninh.com.vn.-2017.- Ngày 22 tháng 10
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, việc xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đang trở thành phong trào quần chúng rộng khắp, thường xuyên, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, làm thay đổi diện mạo nhiều địa phương, đặc biệt tại các thôn, bản còn nhiều khó khăn.
Quảng Mới - Nếp sống mới
Đến Quảng Mới (xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà) một ngày đầu tháng 10/2017, chúng tôi cảm nhận sự thay đổi rõ rệt của một bản thuộc xã vùng cao biên giới, đặc biệt khó khăn. Đường vào bản rộng rãi, sạch sẽ, hai bên trồng nhiều hoa và cây xanh; những cánh đồng lúa trải dài, vàng óng, ngát hương. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn cả về sự đổi thay là khi đến thăm một số hộ gia đình trong bản: Nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo được treo gọn gàng trong tủ; bếp núc cao ráo, sáng sủa; nhà tiêu hợp vệ sinh; chuồng trại chăn nuôi cách xa nhà ở, nguồn nước ăn; rác thải được thu gom tự xử lý…
Đạt được kết quả này là sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là những cán bộ cơ sở, gần dân, sát dân và từ chính người dân. Ông Hoàng Sinh Hưng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Quảng Mới, dáng vẻ toát lên khí chất của người tâm huyết với công việc, chia sẻ với chúng tôi: Để có được thành quả như ngày hôm nay, bên cạnh công tác tuyên truyền, bản Quảng Mới nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, huyện và các đoàn thể. Như đầu năm vừa rồi, các đơn vị tham gia hỗ trợ san gạt 250m lề đường, đổ gần 500m3 đất để làm bồn hoa, trồng được 60 cây xanh hai bên tuyến đường trong bản. Cán bộ các đoàn thể “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn dọn vệ sinh nhà cửa, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, gọn gàng cho trên 50 hộ gia đình; vệ sinh môi trường, phát quang cỏ dại; tặng tủ sách trị giá gần 5 triệu đồng cho nhân dân bản… Qua đó, đã góp phần nâng cao ý thức của người dân bản về giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. “Bản Quảng Mới còn nhiều khó khăn lắm, nhưng người dân nơi đây rất chăm chỉ, cộng với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp ngành, địa phương, nên đời sống vật chất, tinh thần của bà con đã tốt hơn so với một vài năm trở lại đây. Thấy được sự đổi thay này, người dân bản ai cũng vui mừng, phấn khởi và quyết tâm làm tốt hơn” - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản nói với giọng tự hào.
Khiêm tốn khi nói về những đóng góp của cán bộ cơ sở, ông Hoàng Sinh Hưng cho rằng: “Điều tiên quyết để giúp bản Quảng Mới được như ngày hôm nay là sự đồng lòng, đồng thuận của bà con khi tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của xã, của huyện phát động; chịu thay đổi nếp sống cũ, phong tục, tập quán lạc hậu đã ăn sâu từ bao đời nay. Tôi có thể khẳng định, đến nay nhận thức của bà con đã thay đổi rất nhiều, nếu nói một con số ước lượng thì phải thay đổi đến 70% rồi đấy”.
Ở bản Quảng Mới bây giờ, nhiều tập tục lạc hậu, rườm rà trong lễ tang, lễ cưới đã được loại bỏ, thời gian diễn ra được rút ngắn chỉ trong 1 ngày, đảm bảo tiết kiệm, văn minh nhưng vẫn trang trọng; số hộ sinh con thứ 3 giảm rõ rệt. Nhiều nét đẹp văn hóa, giá trị truyền thống được các cấp chính quyền và đồng bào dân tộc Dao nơi đây gìn giữ và phát huy, như các lễ hội truyền thống, sắc phục, món ăn đặc sắc… Các phong trào phát động được các hộ gia đình trong bản hưởng ứng nhiệt tình, như phong trào ngày chủ nhật xanh.
Chị Tằng Nhì Múi (bản Quảng Mới) phấn khởi: “Tuần nào gia đình tôi cũng cùng các hộ trong bản tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh ngõ xóm, nhổ cỏ, trồng cây xanh. Thấy đường xóm sạch sẽ, đẹp đẽ, ai cũng thấy cuộc sống vui vẻ hẳn lên, nhất là sau những chiều lên nương rẫy mệt mỏi trở về nhà. Trong nhà, giờ sạch hơn rồi, các hộ chịu khó dọn dẹp nhà cửa lắm, rác thải thì không vứt bừa bãi nữa. Đường sạch, nhà đẹp, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn, tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt. Biết như thế này chúng tôi đã thay đổi lâu rồi”.
Tương tự như ở bản Quảng Mới, thôn Nà Bắp - thôn đặc biệt khó khăn của xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) cũng thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Dù chưa là điểm sáng như Quảng Mới và còn một vài tồn tại, nhưng nhận thức của người dân nơi đây đã thay đổi đáng kể. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nà Bắp Chíu A Nhì cho biết: “Cùng với sự hỗ trợ của huyện và xã, thôn đã tích cực vận động, giúp đỡ các hộ gia đình xây nhà tiêu mới hợp vệ sinh; tổ chức tổng vệ sinh định kỳ 3-4 lần/tháng; trồng hoa, cây xanh, khoảng 1km đường vào thôn. Bây giờ cứ đến ngày cuối tuần là các hộ dân cùng với các đoàn thể trong thôn tổ chức quét dọn vệ sinh, thu gom rác thải về nơi xử lý tập trung theo quy định; nhổ cỏ, chăm sóc cây xanh hai bên đường vào thôn. Tình trạng chăn, thả rông gia súc, gia cầm, phóng uế trên đường làng đã giảm rõ rệt. Thôn có hòm thư góp ý đặt tại Nhà văn hóa, để sẵn bút, giấy cho nhân dân góp ý. Trưởng thôn chịu trách nhiệm mỗi tuần mở hòm thư 1 lần và chuyển thư góp ý lên UBND xã...".
Những thành quả mà các thôn, bản này đạt được đến thời điểm này đáng để các địa phương khác trong tỉnh học tập.
Nhân rộng “văn hóa, văn minh”
Quảng Mới, Nà Bắp chỉ là 2 trong một số thôn, bản ở vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Theo báo cáo của tỉnh, kể từ khi thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, nhân dân ở các thôn, bản khó khăn, nhất là các đồng bào dân tộc thiểu số đã ý thức được việc thay đổi nếp sống cũ hằng ngày, tích cực học hỏi, tham gia sinh hoạt cộng đồng. Nhờ đó mà tỷ lệ gia đình văn hóa tăng từng năm, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm rõ rệt; điển hình như xã đặc biệt khó khăn Quảng Sơn (huyện Hải Hà), tỷ lệ gia đình văn hóa năm 2016 là 50%, năm 2017 dự kiến đạt 70%...
Cùng với đó, tình trạng rác thải bừa bãi đã được hạn chế rất nhiều, phong trào “5 không, 3 sạch” được nhân rộng. Các hộ dân đã đoàn kết, giúp đỡ nhau, số vụ việc mâu thuẫn giảm nhiều. Như ở xã đặc biệt khó khăn Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ), trong năm vừa qua đã vận động, giúp đỡ 200 hộ gia đình xây nhà tiêu mới hợp vệ sinh; cung cấp 30 xe đẩy rác và tổ chức tổng vệ sinh định kỳ tại các thôn 2-4 lần/tháng; đã đưa vào sử dụng lò đốt rác thôn Tân Tiến, từ đó vận động và tổ chức cho 306 hộ gia đình, cơ quan tham gia dịch vụ vệ sinh môi trường; giải quyết triệt để đơn thư phát sinh mới, 14/14 đơn thư khiếu nại tồn tại…
Những chuyển biến tích cực trong thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh phải kể đến việc nhân dân đồng thuận loại bỏ những hủ tục trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Các đám cưới hiện được thực hiện đúng quy định về đăng ký, cấp giấy chứng nhận kết hôn tại trụ sở UBND xã; các nghi lễ theo phong tục trước và sau khi cưới được tổ chức đơn giản, vui vẻ, lành mạnh. Các đám cưới không còn mời khách tràn lan, mà tổ chức tiệc cưới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình; lệ ăn cỗ cả làng như trước kia đã được xóa bỏ. Tương tự trong việc tang, các hủ tục được hạn chế, đẩy lùi từng bước. Tang lễ được tổ chức theo truyền thống văn hóa dân tộc và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình, địa phương. Đặc biệt, các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà..., những hủ tục, thói quen cũ như tảo hôn, mê tín dị đoan, ma chay, cưới hỏi dài ngày, ăn, ở mất vệ sinh đã giảm rõ rệt.
Kết quả trên có thể khẳng định, việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở vùng khó sẽ không khó nếu địa phương có những cách làm sáng tạo, giải pháp thực hiện đúng, phù hợp với thực tiễn ở cơ sở và lấy người dân làm chủ thể. Sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể; gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên; hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” tận tình của các cán bộ cơ sở, không ngại khó, ngại khổ; đổi mới cách thức tuyên truyền; duy trì chế độ kiểm tra đột xuất; khen thưởng kịp thời những hộ dân tiêu biểu; nắm bắt kịp thời những mong muốn, nguyện vọng của nhân dân, từ đó đề xuất, hiến kế những cách làm hay cho chính quyền… là những cách làm hiệu quả, sáng tạo mà Quảng Ninh đã triển khai thời gian qua. Nhờ đó, đã giúp người dân có ý thức hơn, hiểu biết hơn và nhận thức rõ vai trò của chính bản thân trong việc tạo ra diện mạo mới cho làng, xóm; nâng cao đời sống kinh tế gia đình, làm điểm tựa vững chắc cho thoát nghèo bền vững, hướng đến làm giàu.
25.Dạy và học tiếng Anh ở vùng đặc biệt khó khăn: Khó chồng khó//http://www.baoquangninh.com.vn.-2017.- Ngày 23 tháng 10
Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng ngoại ngữ cấp phổ thông ở các vùng miền, hai năm học trở lại đây, ngành Giáo dục Quảng Ninh đã quan tâm, chú trọng hơn đến công tác dạy tiếng Anh cho học sinh những vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do còn nhiều bất cập, hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ, điều kiện đi lại không thuận lợi… nên việc dạy và học tiếng Anh ở những nơi này vẫn còn khó trăm bề.
Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi tới Trường PTCS Vạn Yên, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn. Cách thị trấn Cái Rồng 15Km, ngôi trường hiện có 3 điểm trường, gồm: Điểm chính, phân hiệu Bình Lược, phân hiệu 10-10. Điểm chính thì đường đi khá thuận lợi. Tuy nhiên, với 2 phân hiệu lẻ, điều kiện đi lại của cả học sinh và giáo viên vẫn rất khó khăn. Cô giáo Bùi Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường PTCS Vạn Yên, chia sẻ: “Điểm trường chính của nhà trường xây dựng cách đây khoảng 20 năm rồi nên cơ sở vật chất đã cũ nhiều. Chúng tôi chưa có các phòng bộ môn riêng để học ngoại ngữ. Thêm vào đó, vấn đề thiếu giáo viên dạy tiếng Anh cũng là một việc khó cho trường. Cả trường có 13 lớp học tiếng Anh, với 3 điểm trường, mà chỉ có 2 giáo viên. Các cô phải chạy đi, chạy lại các điểm trường để dạy rất vất vả. Trong 2 giáo viên có 1 giáo viên hợp đồng, lương rất thấp, chỉ có 2,8 triệu đồng, nên cô giáo đó cũng rất băn khoăn, trăn trở. Đặc biệt, trường có 215 học sinh thì có tới 136 em là dân tộc thiểu số, nên việc tiếp thu tiếng Anh của các em còn rất nhiều hạn chế”.
Cô giáo Huyền còn nói vui, những em người dân tộc thiểu số được học song ngữ, vì cùng một thời điểm phải học cả hai ngôn ngữ là tiếng Anh, tiếng Việt. Theo đó, từ năm học 2015-2016 trở về trước, học sinh khối 3, 4, 5 ở các điểm lẻ chưa được học tiếng Anh. Với sự nỗ lực của nhà trường và ngành Giáo dục huyện, từ năm học 2016-2017, Trường đã tổ chức dạy, học tiếng Anh từ khối 3 đến khối 9 ở cả 3 điểm trường. Điều này thể hiện sự cố gắng, quyết tâm lớn để học sinh tiểu học ở những vùng sâu, vùng xa được tiếp cận, học tập tiếng Anh. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn, nên công tác dạy, học tiếng Anh chưa đồng bộ. Với khối 3, trường chỉ có thể bố trí 2 tiết/tuần; khối 4 là 3 tiết/tuần; khối 5 là 4 tiết/tuần. Khối 1,2 mặc dù cũng rất muốn nhưng nhà trường cũng tạm thời chưa thể bố trí, sắp xếp dạy trong năm học này.
Nhìn từ Trường PTCS Vạn Yên để thấy rằng, việc dạy, học tiếng Anh ở các vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh đang rất khó khăn. Theo bà Vũ Thị Thúy Hà, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT thì mấy năm gần đây, ngành rất quan tâm đến công tác dạy, học tiếng Anh cho học sinh các vùng đặc biệt khó khăn. Điều này được thể hiện qua việc tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, đầu tư kinh phí, bố trí giáo viên đạt chuẩn. Đặc biệt, nội dung này cũng nhận được sự quan tâm, đồng thuận, nhất trí cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, việc dạy tiếng Anh ở những vùng này cũng vấp phải không ít khó khăn. Đơn cử như, nhiều giáo viên tiếng Anh lương hợp đồng thấp, dạy vất vả, đường xa, nên chưa gắn bó, ổn định lâu dài, nhiệt huyết với nghề; đa số học sinh của các trường này là người dân tộc thiểu số nên nhận thức còn hạn chế, học sinh nói tiếng Việt chưa thạo; điều kiện đi lại xa, đường sá không thuận lợi; cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn; sự quan tâm đến việc học của con em rất hạn chế.
Ông Lý Ngọc Nam, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoành Bồ, cho biết: “Để việc dạy, học tiếng Anh ở các vùng đặc biệt khó khăn được phát huy hiệu quả, thiết nghĩ ở những vùng miền này cần phải tăng cường hơn nữa việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho việc học ngoại ngữ. Về thời lượng học, các trường nên tiến hành thí điểm dạy từ 2-3 tiết/tuần trong vài năm rồi mới tiến tới dạy 4 tiết/tuần, để học sinh có thời gian làm quen với cách học ngoại ngữ. Đặc biệt, các nhà trường cũng phải phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ trong bối cảnh hiện nay”.
Để việc dạy, học tiếng Anh tại những vùng đặc biệt khó khăn hiệu quả, chắc chắn, ngành Giáo dục tỉnh sẽ còn phải thực hiện nhiều giải pháp để gỡ khó. Có như vậy, học sinh ở những vùng sâu, vùng xa mới được tiếp cận, học tập tốt hơn môn tiếng Anh, một bộ môn quan trọng trong bậc học phổ thông.
                                                              VĂN HÓA
26.Quảng Ninh đã đón 6,6 vạn lượt khách dịp Quốc khánh//http://dangcongsan.vn.- 2017.- Ngày 5 tháng 9
(ĐCSVN) - Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết: trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 (từ 2 đến 4/9), Quảng Ninh đã đón 6,6 vạn lượt khách đến thăm quan du lịch. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016.
Kỳ nghỉ lễ 2/9 năm nay kéo dài 3 ngày, thời tiết tương đối đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình, bạn bè cùng nhau đi du lịch. Các điểm đến, trung tâm du lịch của Quảng Ninh đều nhộn nhịp du khách đến thăm quan. Do thực hiện đồng bộ các mặt công tác, toàn bộ người, phương tiện ra thăm Vịnh Hạ Long đều đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Cụ thể, trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, Quảng Ninh đón 6,6 vạn lượt khách đến thăm quan du lịch, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt trên 1,7 vạn lượt, tăng 30%. Công suất buồng, phòng khách sạn từ 3-5 sao đạt 75%. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016. Ngày cao điểm nhất trong dịp nghỉ lễ này là ngày 3/9, Quảng Ninh đã đón 2,5 vạn lượt khách, riêng khách tham quan Vịnh Hạ Long đã lên gần 1,3 vạn lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong ngày 2/9, Quảng Ninh đón 22.000 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 5.000 lượt; khách lưu trú đạt 12.000 người. Trong đó, khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long đạt 11.634 lượt, trong đó có 4.342 lượt khách du lịch quốc tế. Các khách sạn từ 3 đến 5 sao đạt gần 80% công suất phục vụ du khách đến nghỉ.
Cũng trong ngày 2/9, Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh đã cấp lệnh xuất bến cho hơn 500 lượt tàu phục vụ du khách tham quan Vịnh Hạ Long và 113 lượt tàu đưa trên 2.500 khách du lịch đi tham quan tại các tuyến đảo: Cô Tô, Vân Đồn và Móng Cái.
Cùng với TP Hạ Long, các trung tâm du lịch của tỉnh như: TP Móng Cái, Thị xã Đông Triều cũng thu hút một lượng khách lớn. Trong 2 ngày 1 và 2/9, TP Móng Cái đã đón 6.225 lượt du khách du lịch đến thăm quan, tăng 37,9% so với cùng kỳ, trong đó khách xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái là 2.629 lượt, tăng 90% so với cùng kỳ, khách lưu trú là 3.766 lượt, tăng 3,5% so với cùng kỳ, công suất phòng nghỉ trên địa bàn đạt gần 80%. Bên cạnh đó, thị xã Đông Triều cũng đón trên 4.000 lượt khách. Trong đó một số điểm dừng chân thu hút đông du khách nhất là: Công viên nước Hà Lan; Khu vui chơi giải trí Tân Việt Bắc; Điểm du lịch sinh thái hồ Khe Chè; Khu du lịch làng quê Yên Đức; Khu di tích quốc gia đặc biệt Nhà Trần…
Các tuyến du lịch đi ra tuyến đảo Vân Đồn, Cô Tô cũng thu hút khá đông du khách đến thăm quan. Trong dịp nghỉ lễ này, lượng khách lưu trú trên đảo Cô Tô đạt khoảng trên 5.000 lượt, công suất buồng phòng đạt khoảng 80%. Các tuyến điểm du lịch tại Vân Đồn, Quan Lạn, Minh Châu, lượng khách thăm quan và lưu trú đạt khoảng 14.000 lượt.
27.Đại Dương. Bình Liêu - Nơi ấy có những "trầm tích" văn hoá...-Bài 1: Đến thăm ngôi nhà trăm tuổi//http://www.baoquangninh.com.vn.- 2017.- Ngày 9 tháng 9
Huyện Bình Liêu có 96% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó, người Tày là đông nhất (62%). Những năm gần đây, Bình Liêu ngày càng được du khách biết đến.
Các địa danh như Cao Xiêm, Cao Ba Lanh, Sông Moóc, Khe Vằn đã trở nên quen thuộc với dân du lịch “phượt”, được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Tuy nhiên, miền đất được ví như “Sapa của Quảng Ninh” này có ẩn chứa nhiều giá trị văn hoá quý giống như “trầm tích” không phải ai cũng biết.
Trong nghiên cứu về văn hoá bất cứ dân tộc nào, các nhà dân tộc học Việt Nam đều rất quan tâm đến nhà ở. Cũng đúng thôi, bởi nhà ở là nơi chứa đựng toàn diện nhất về đời sống sinh hoạt, quan hệ gia đình, dòng tộc, thân thế, phương thức sống, sản xuất đến tín ngưỡng, phong tục của một tộc người. Ngày nay, do đời sống kinh tế phát triển, những ngôi nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng ít đi, thậm chí trở thành quý hiếm. Ngôi nhà của ông Phan Ngọc Sinh ở bản Đồng Thanh, xã Hoành Mô (Bình Liêu) là một trong số đó.
Những cổ vật độc đáo
Nhờ chị Hoàng Gái (Trung tâm Truyền thông - Văn hoá huyện Bình Liêu) dẫn đường, tôi đến thăm căn nhà của ông Sinh vào chiều muộn. Căn nhà nằm yên bình xung quanh là những ruộng lúa xanh mởn và những ruộng dong riềng đang mùa trổ hoa. Phong cảnh như tranh vẽ. Chỉ có điều, con đường dẫn vào nhà ngoằn ngoèo, chạy qua những bờ ruộng lại nhỏ xíu chỉ 1 người đi xe máy, luống cuống là chỉ có nước chống chân xuống ruộng. Chủ nhân ngôi nhà - ông Phan Ngọc Sinh năm nay 64 tuổi đang sinh sống cùng vợ và một người em gái là bà Phan Thị Tươi, 61 tuổi.
Ngôi nhà gồm 3 gian, 1 trái, 2 gian bếp được xây liền một khối. Riêng 3 gian chính được xây cao hơn, có gác gỗ, cầu thang. Tổng cộng, ngôi nhà có 10 phòng, đủ chỗ sinh hoạt cho một đại gia đình. Toàn bộ tường nhà được xây bằng “gạch” đất luyện dày gần 20cm, vữa là bùn, mái lợp ngói âm dương màu xám. Gian giữa xây thụt vào, có 1 cửa chính. Hai gian bên cạnh, mỗi gian có 1 cửa sổ phía trước và 1 cửa sổ phía sau. Trên gác gỗ, phía trước có hàng chấn song gỗ cao hơn 1m, bên trong, gian giữa dùng để thờ cúng tổ tiên, hai gian bên có thể dùng làm nơi ngủ hay chứa các vật dụng của gia đình. Với một ngôi nhà trên mái ngói âm dương, tường đất như thế nên không lạ khi vào mùa đông thì rất ấm và mùa hè rất mát.
Ông Sinh cho biết, ngôi nhà được xây dựng từ thời ông nội ông, tới nay đã khoảng 100 năm. Toàn bộ “gạch” xây nhà được lấy từ các ruộng xung quanh, ngói cũng được lấy từ ruộng, gia đình tự đắp lò nung. Năm 1969, gia đình có tu sửa lại, phá bỏ sàn và từ đó đến nay không sửa lại gì. Bố mẹ ông Sinh sinh được 7 anh chị em, mình ông là nam. Gia đình đông người nhưng nhà rộng rãi nên sinh hoạt cũng thoải mái. Năm 1979, trong cuộc chống chiến tranh xâm lược biên giới, đã từng có 1 trung đội đến đóng, nghỉ nhờ ở nhà ông mà không chật chội gì.
Đáng chú ý, bên trong ngôi nhà trăm tuổi, ông Sinh còn giữ được rất nhiều vật dụng gia đình đã trở thành đồ cổ như chiếc đấu gỗ đong thóc gạo thời kỳ hợp tác xã những năm 1960, nghiên mài mực, giỏ bắt cá, bàn là “con gà”, khuôn làm đậu phụ bằng gỗ, những bộ phận của khung dệt vải... Một trong vật dụng độc đáo đó là 1 trường kỷ (ghế dài) khung bằng gỗ, vách và mặt ghế làm bằng tre đập dập ghép lại kê trong phòng khách. Thời gian đã in màu nâu bóng lên chiếc ghế nhưng nó còn rất vững chắc.
Điểm đến cho du lịch?
Giống như nhiều gia đình người Tày khác, gian bếp là một trong những nơi sinh hoạt chính của gia đình. Không gian sinh hoạt của đại gia đình từ thời ông nội vẫn được ông Sinh sử dụng, dù gia đình hiện chỉ có 3 người sinh hoạt. Góc bếp là bếp lò to dùng để nấu cám cho gia súc, kế đó là chạn bát, chiếc mâm gỗ chữ nhật, 6-7 ghế gỗ. Tường bếp nhuốm khói đen. Vật hiện đại nhất hiện diện trong bếp có chăng là chiếc bếp và bình ga.
Ông Sinh tâm sự, ông bà sinh được 3 con trai, 3 con gái, đứa làm du lịch ở Tuần Châu, đứa ở Đầm Hà, đứa trên thị trấn, đứa ở bản bên cạnh. Hàng tuần, các con được nghỉ vẫn tranh thủ về thăm bố mẹ, gia đình có dịp quây quần. Gia đình ông hiện có 2ha rừng hồi, quế, 6.000m2 ruộng. Hàng ngày, ông bà bận bịu lên rừng, ra ruộng.
Ông Sinh cho biết, giờ các con đã định cư nơi khác, bản thân ông đã 64 tuổi nên ông cũng không có ý định làm nhà kiên cố, mái bằng như nhiều gia đình vẫn làm. Vì vậy, ông vẫn ở và gìn giữ ngôi nhà của cha ông để lại. Trăm tuổi nhưng ngôi nhà vẫn bền vững, có chăng thỉnh thoảng phải thay những viên ngói bị vỡ để chống dột. Hiện ở Bình Liêu không còn các lò nung ngói âm dương nên lỡ có viên ngói nào vỡ, ông phải đi tìm mua của những nhà phá nhà cũ đi để về giặm lại. Khi tôi hỏi nếu như huyện hay doanh nghiệp nào đó có cơ chế hỗ trợ, phối hợp để du khách đến tham quan, trải nghiệm ngôi nhà cổ của mình, ông Sinh cười, cho biết ông sẵn sàng. Để làm được việc đó, ông bảo chỉ cần sửa lại con đường vào nhà ông sao cho rộng rãi hơn.
Chiều buông. Tôi đứng từ khoảng sân rộng rãi nhà ông Sinh phóng tầm mắt về phía thị trấn Bình Liêu. Ngút tầm mắt là màu xanh của núi, đồng ruộng. Tiếng ngan, vịt quạc quạc đòi ăn chiều nghe đậm tiếng quê. Tôi chợt hình dung, nếu tour du lịch được kết nối tới đây, hẳn du khách sẽ rất thích thú khi được khám phá ngôi nhà này.
28.Phan Thị Thúy Vân. Về tấm bia đá trùng tu chùa Lái//http://www.baoquangninh.com.vn.- Ngày 9 tháng 9
Cách cầu Chanh chừng 17km về hướng đông nam, chùa Lái toạ lạc giữa cánh đồng chùa, thuộc thôn Vị Khê, xã Liên Vị (TX Quảng Yên). Đây là một trong số ít những ngôi chùa cổ ở khu Hà Nam còn lại đến ngày nay.
Trong tổng số 7 tấm bia đá xanh dựng phía sau chùa Lái, có một tấm bia đã được các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm cả về nội dung lẫn điêu khắc và được xem là cơ sở để nghiên cứu về kiến trúc Phật giáo ở vùng đất này. Tấm bia đá mà chúng tôi muốn giới thiệu ở đây có tiêu đề “Linh Ngai tự bi ký” (văn bia chùa Linh Ngai), khắc ngày 20 tháng Giêng năm Hưng Trị thứ 2 (1589), triều vua Mạc Mậu Hợp, do Hiệu Sinh bản phủ Nguyễn Thời Ngộ soạn, tốp thí chủ xã Gia Đức thực hiện. Bia cao 102cm, rộng 60cm, dày 15cm, trán bia có hình bán nguyệt, chạm khắc công phu tỉ mỉ hình rồng và các hoạ tiết hoa văn mang đặc trưng riêng của thời Mạc.
Theo cuốn sách “Diễn biến của ngôi chùa Việt” mà PGS Trần Lâm Biền đã dày công nghiên cứu thì thời Mạc là thời kỳ bùng nổ của di tích, của kiến trúc mỹ thuật, các di tích thời Mạc đã phát triển ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ, ven biển và các triền sông... Do không kiểm soát được chặt chẽ từ triều đình xuống, các nghệ nhân tự do sáng tác nên hình tượng rồng thời kỳ này đã phát triển mạnh mẽ, có nhiều dạng khác nhau ra đời. Thân rồng trên trán bia ở đây không mập như rồng thời Trần mà mảnh và dài như rồng thời Lý, chân dài và mập, có hai móng phía trước và một móng phía sau, uốn lượn tự do khúc to, khúc nhỏ không theo một trật tự như rồng các thời trước, đuôi rồng vút lên có lông và kết lại thành hình lá, các vẩy rồng tròn nổi khối chạy dần về phía đuôi, đầu rồng mập hơn so với thân và mang phong cách của rồng thời Lê sơ như mắt quỷ, miệng sói, mũi sư tử, râu cá trê, sừng nai... Xung quanh rồng là những điểm xuyết mây cuộn hình chữ S uốn lượn tròn hai đầu và có đao mác bay ra hai bên, đây là những chi tiết đặc biệt dễ nhận biết nhất của rồng thời Mạc. Càng quan sát kỹ đôi rồng, có cảm tưởng như chúng đang thoả sức vờn mây nhưng lại thật hung dữ trong biểu hiện sức mạnh của uy quyền. Hai bên diềm bia là các hoạ tiết hoa văn hình chữ S nối nhau, điểm xuyết đám mây cuộn, đây là những biểu tượng của sấm gọi gió, mây, mưa, chớp... cầu mong cho mưa thuận gió hoà. Dù ở trong tư thế nào chăng nữa thì toàn bộ hình rồng và các hoạ tiết trang trí vẫn toát lên ý nguyện về nông nghiệp.
Bia được mài nhẵn hai mặt nhưng chỉ viết chữ một mặt. Mặt trước khắc nổi 5 chữ là tên tiêu đề của bia. Xen kẽ các chữ này là hai bông hoa cúc mãn khai và hai bông hoa sen cách điệu.
Căn cứ vào nội dung văn bia (đã dịch ra tiếng Việt) thì chùa Lái có tên chữ là “Linh Ngai tự” (chùa Linh Ngai) “chùa có tên gọi là Linh Ngai, toạ lạc trên đất Linh Ngai, thôn Vị Khê, xã Vị Dương, huyện An Hưng”. Linh ở đây có nghĩa là linh thiêng, Ngai là thế tay ngai. Quan sát vùng đất này thì thấy hai chữ Linh Ngai được xuất phát từ địa thế của dòng sông Ván chia thành hai dòng sông Cái Đỗng và sông Vị Khê tạo thành như thể tay ngai vững chắc ôm trọn vùng đất có ngôi chùa toạ lạc gọi là xứ Linh Ngai. Lái là tên gọi của làng Lái (lái thuyền), làng Vị Khê xưa.
Chùa được khởi công xây dựng từ bao giờ thì không rõ, nhưng chắc chắn đây phải là công trình có quy mô rộng lớn, thâm u tĩnh mịch, có sự đồng lòng góp sức của dân làng, sự ủng hộ của triều đình và được coi là biểu tượng của sự giàu có của đất nước, là danh lam thắng cảnh quan trọng của vùng đất Hải Đông, như văn bia viết: “Xưa kia cổ nhân đã dựng chùa, cấy ruộng, bốn phía xung quanh là ruộng phật, trúc mọc tốt tươi như đường dẫn tới bát nhã, từ vua đến dân đều ủng hộ, là vẻ giàu có vững vàng của đất nước, là thắng cảnh quan trọng của đất Hải Đông”.
Đến thời Mạc (1589) chùa cũ bị hỏng, các hội chủ sĩ ni và các tín thí hai xã Vị Dương, Lưu Khê cùng một nhà nho danh tiếng ở Côn Sơn đồng lòng góp sức trùng tu, tôn tạo khang trang, tượng Phật tôn nghiêm, nhân dân kính thờ và được tính từ đó trở đi. Lúc này chùa Lái không chỉ nổi tiếng ở đất Hải Đông mà là thắng cảnh quan trọng của nước Việt Nam, như nội dung văn bia: “Sau khi xây dựng lại, chùa Linh Ngai tráng lệ, tượng phật tôn nghiêm, nhân dân kính thờ và được tính từ đó trở đi. Đây là bờ cõi rộng lớn ở trấn tây, là thắng cảnh quan trọng của nước Nam...”.
Vậy, cứ theo văn bia mà suy thì chùa Lái phải có trước năm trùng tu (1589) ít nhất gần 100 năm. Sau khi vùng đất Hà Nam được hình thành (năm 1434), hơn 50 năm sau (khoảng năm 1500), con người và vùng đất nơi đây đã trở nên đông đúc giàu có, người xưa đã nghĩ đến việc xây dựng chùa để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh.
Hiện nay chùa Lái đang bị xuống cấp nghiêm trọng, toàn bộ phần mái đã bị trũng hỏng gây dột nhiều chỗ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống tượng Phật. Chùa đã được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng năm 2000. Mong rằng chính quyền và nhân dân địa phương cần có phương án bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá quý giá này.
29.Huỳnh Đăng.Sách chữ Nôm của người Sán Chỉ//http://www.baoquangninh.com.vn.- 2017.- Ngày 9 tháng 9
Người Sán Chỉ ở Quảng Ninh không có chữ viết riêng phải sử dụng hệ thống chữ Hán, phần biểu nghĩa, phần biểu âm ghép lại thành chữ Nôm của riêng mình. Họ còn giữ lại được rất nhiều sách cúng, sách dạy học, lưu trữ văn học dân gian chép tay bằng chữ Nôm khá phong phú.
Mới đây, ở Tuyên Quang và Bắc Giang, các nhà nghiên cứu sưu tầm đã phát hiện được 2 bộ sách chữ Nôm chép tay của người Sán Chỉ. Mỗi bộ bao gồm hàng nghìn câu thơ, câu hát. Ở Quảng Ninh, chưa có công trình nào sưu tầm, nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên, trong quá trình đi thực tế tại địa phương, chúng tôi đã phát hiện ra một số bộ sách của người Sán Chỉ ở các xã Đại Dực, Đại Thành (Tiên Yên) và Húc Động (Bình Liêu).
Những người giữ sách nhiều nhất là các thầy cúng. Nghệ nhân Ưu tú Lỷ A Sáng ở thôn Phài Giác, xã Đại Dực là người còn lưu giữ vài chục cuốn sách chữ Nôm. Ông Sáng giữ nhiều sách bởi ông là thầy cúng. Muốn thực hiện được các nghi lễ tâm linh một cách bài bản của người Sán Chỉ buộc thầy cúng phải thông thạo chữ Nho (chữ Nôm). Bộ sách cúng của ông Sáng có 12 cuốn. Nếu kể hết đến những cuốn sách khác ghi lại lời hát soóng cọ, phong tục tập quán tín ngưỡng thì ông có đến vài chục cuốn. Hay như thầy cúng Lỷ A Tầu ở thôn Kéo Cai, xã Đại Thành hiện nay tuổi đã cao nhưng vẫn có thể đi cúng và nhớ được rất nhiều bài cúng, trình tự các lễ cúng. Có được điều đó là do ông Tầu đã thuần thục chữ Nôm và thường xuyên đọc lại sách để “văn ôn, võ luyện”.
30.Huỳnh Đăng. Sách chữ Nôm của người Sán Chỉ//www.baoquangninh.com.vn.- 2017.- Ngày 9 tháng 9
Người Sán Chỉ giữ gìn bộ sách cúng rất cẩn thận, khi không cúng tế, họ cho vào một chiếc hộp sơn son, thếp vàng rồi đặt lên ban thờ. Trong gia đình, chỉ có đàn ông mới được sử dụng sách cúng còn phụ nữ thì không được phép đụng vào. Hiện giờ, ít có hộp son ấy nữa, mà chủ yếu là các tủ sách, hòm sách cá nhân lưu giữ tất cả các sách của gia đình, như: Sách tục lệ làm ma, làm cưới, sinh con, sách xem ngày tháng, sách ghi lại các bài hát dân ca .v.v.. Nếu không đến thăm vào dịp cúng lễ thì phải thân tình lắm bà con mới mang sách ra cho xem.
Sách chữ Nôm của người Sán Chỉ, mà cụ thể là sách cúng thường được viết trên giấy dó và ảnh hưởng nhiều của ngôn ngữ nói, ít tính bác học nhưng giàu chất dân gian. Sách cúng của người Sán Chỉ phản ánh quan niệm dân gian của họ về tín ngưỡng, tâm linh. Người Sán Chỉ thờ hỗn hợp cả Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo cùng với tín ngưỡng dân gian bản địa. Do đó, hệ thống thần chủ của họ gồm cả Thái Thượng Lão Quân, Đức Phật, Khổng Tử, Ngọc Hoàng, Thần Nông, Địa Trạch, Phục Dược Bà, Phát Dược Tiên, Long Vương, sơn thần, thổ địa, ma quỷ chiếu ba mươi sáu góc trời và 28 tầng địa ngục .v.v.. Các bài cúng đều có nội dung cầu cho gia đình bình an, tai qua nạn khỏi, phúc lộc đầy nhà.
Sách chữ Nôm của người Sán Chỉ còn lưu giữ nhiều tư liệu tri thức dân gian phản ánh kinh nghiệm sản xuất, vai trò của nước trong việc trồng cấy, kinh nghiệm sống hài hoà với thiên nhiên, cộng đồng .v.v.. Cả sách cúng và sách hát của người Sán Chỉ thường được viết dưới dạng văn vần cho dễ nhớ, dễ thuộc. Tuy nhiên, hiện nay, trong làng người Sán Chỉ không phải ai cũng đọc được hết nội dung của bộ sách. Với người dân tộc khác nếu biết Hán Nôm tiếp cận bộ sách cũng khá khó khăn bởi họ viết theo lối mượn chữ Hán để ký âm tiếng nói của dân tộc Sán Chỉ, theo cách riêng của người Sán Chỉ. Các thầy cúng người Sán Chỉ thì ngày một thưa vắng dần vì tuổi tác. Bởi vậy, trước khi có những công trình nghiên cứu văn hoá bài bản, muốn hiểu biết ký ức của dân tộc mình, nhất định thanh niên Sán Chỉ hiện nay phải học lấy chữ Nôm của cha ông.
31.Đặc sắc truyền thuyết vùng biển Quảng Ninh//http://www.baoquangninh.com.vn.- 2017.- Ngày 17 tháng 9
Với tiềm năng thế mạnh về biển, Quảng Ninh có một kho tàng văn học dân gian về biển đảo khá đa dạng và phong phú, ở nhiều thể loại, đặc biệt là truyền thuyết.
Tuy nhiên, truyền thuyết dân gian vùng biển Quảng Ninh lại chưa được tập hợp, nghiên cứu tập trung trong một công trình nào mà xuất hiện rải rác trong các sách khảo cứu văn hóa và trong trí nhớ của các bậc cao niên. Đến nay, đã có khoảng 25 truyền thuyết về biển đảo Quảng Ninh được tìm thấy và ghi chép lại. Địa bàn tìm thấy chủ yếu ở vùng đảo Hà Nam, Vịnh Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn.
Vì ngư dân ven biển và hải đảo của Quảng Ninh là người kinh nên truyền thuyết của họ gần giống với các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Điểm khác biệt là truyền thuyết gắn liền với sự lý giải các địa danh, ca ngợi các nhân vật lịch sử, đúc kết kinh nghiệm đi biển. Tuy nhiên, theo cố nhà giáo Tống Khắc Hài: “Có một thực tế là với Quảng Ninh, ranh giới giữa thần thoại, truyền thuyết và cổ tích thật không rạch ròi”. Nhưng dù sao, truyền thuyết dân gian ở vùng biển Quảng Ninh đã góp phần giải thích địa danh văn hoá, gửi gắm nội dung giáo dục sâu sắc, nêu cao truyền thống yêu nước, bảo vệ độc lập dân tộc.
Trong đó, đặc sắc nhất là truyền thuyết về Vịnh Hạ Long. Cư dân vùng biển Hạ Long đã sáng tạo ra câu chuyện đàn rồng mẹ, rồng con xuống trần, góp một phần lớn lao trong hành trình đánh giặc, đem lại sự bình yên cho nhân dân. Sách “Địa chí Quảng Ninh” lý giải: “Cũng có thể từ những thần thoại thời tiền sử, người sau trong quá trình dựng nước và giữ nước đã sáng tạo thêm để đến nay hình thành một chủ đề nổi bật trong truyện cổ Quảng Ninh là lòng yêu nước thiết tha và ý chí kiên cường bảo vệ nền độc lập dân tộc”.
Có thể nhận ra nhiều địa danh miền biển Quảng Ninh gắn với truyền thuyết lịch sử hình thành, gắn với những vị thần có công với nước. Trong đó, truyền thuyết về những nhân vật, những sự kiện lịch sử chiếm số lượng lớn. Đằng sau mỗi câu chuyện là tình yêu nước, ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền của người dân Quảng Ninh xưa, là lòng biết ơn của nhân dân đối với những người anh hùng. Trong đó, vùng đảo Hà Nam (TX Quảng Yên) tồn tại trong một không gian lịch sử văn hóa vô cùng đặc biệt đã phôi thai ra những truyền thuyết dân gian đặc sắc. Ở đây có truyền thuyết Đượng Ba Thằng, Vua Bà, Phạm Tử Nghi..., tuy có yếu tố kỳ ảo nhưng vẫn gắn bó chặt chẽ với những nhân vật, sự kiện hết sức gần gũi.
Truyền thuyết vùng biển Quảng Ninh phản ánh tín ngưỡng dân gian, trong đó có tín ngưỡng thờ thần biển. Đó là một nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, nơi phản ánh tâm hồn Việt, cũng là một khía cạnh quan trọng để góp phần tạo nên diện mạo, bản sắc văn hóa cộng đồng. Tín ngưỡng thờ thần biển phản ánh ý thức về biển cả như môi trường sống và lao động, nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm và khát vọng của ngư dân. Tín ngưỡng này có từ lâu đời, bắt nguồn từ ước vọng của ngư dân nhằm cầu mong mỗi chuyến đi biển được bình an, đánh bắt được nhiều tôm, cá. Ngoài các thần biển ngư dân Quảng Ninh còn thờ cả những người chết đuối hiển linh: Bà chúa Cua, bà Men, bà Hang hay như thờ Phạm Tử Nghi là một tướng giỏi của nhà Mạc...
Tín ngưỡng thờ thần biển của ngư dân Quảng Ninh đậm tính liêu trai, hướng con người đến cuộc sống tốt đẹp, ấm áp tình người, có tác dụng gắn kết cộng đồng. Vì thế, thờ thần biển Quảng Ninh gắn liền với các lễ hội dân gian, là dịp để ngư dân thực hành những hoạt động văn hóa cộng đồng. Những truyền thuyết dân gian cũng đã làm cho những lễ hội thêm phần lung linh huyền thoại. Với những đặc tính đó, truyền thuyết dân gian miền biển Quảng Ninh mang trong mình những giá trị riêng biệt, độc đáo, là tấm gương soi chiếu quá trình hình thành, phát triển tâm hồn của con người Quảng Ninh.
32.Huy Lê. Ban hành Chương trình tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2018 - Hạ Long – Quảng Ninh// dangcongsan.vn.- Ngày 23 tháng 9
(ĐCSVN) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định số 3432/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Chương trình tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh.
Theo đó, Năm Du lịch quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh sẽ có chủ đề “Hạ Long - Di sản, Kỳ quan - Điểm đến thân thiện” với nhiều hoạt động, chương trình diễn ra xuyên suốt năm 2018 và tháng 1/2019. Các hoạt động chính được tổ chức tập trung tại Quảng Ninh.
Các địa phương phối hợp tổ chức và hưởng ứng là: Hưng Yên, Bắc Giang, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Giang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Lào Cai, Kiên Giang và Ninh Bình.
Theo chương trình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đảm nhiệm tổ chức một số sự kiện như: Chương trình khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch phục vụ Năm Du lịch quốc gia 2018; Liên hoan Ẩm thực; Hội nghị phát triển du lịch đường bộ Việt – Trung; Giải Dù lượn Năm Du lịch quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh; Giải đua xe Ô tô địa hình quốc tế RFC Năm Du lịch quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh; Trại Sáng tác Nhiếp ảnh về du lịch Quảng Ninh; Lễ khai mạc, trao giải thưởng “Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam 2018”; Hội diễn “Đàn, hát dân ca 3 miền”; Triển lãm Tranh cổ động tấm lớn đường phố tuyên truyền Năm Du lịch quốc gia 2018 với chủ đề “Biển đảo quê hương – Môi trường và Di sản”; Lễ công bố và trao bằng di tích quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông.
UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ đảm nhiệm các sự kiện chính: Lễ công bố, khai mạc, bế mạc Năm Du lịch quốc gia 2018 và nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch khác trên địa bàn TP. Hạ Long, TP. Uông Bí, huyện Tiên Yên, thị xã Quảng Yên, thành phố Cẩm Phả, huyện Bình Liêu, thành phố Móng Cái, huyện Cô Tô, huyện Vân Đồn, huyện Ba Chẽ, huyện Hoành Bồ, thị xã Đông Triều, huyện Hải Hà, huyện Đầm Hà…
Ngoài ra, các địa phương phối hợp tổ chức là: Hưng Yên, Bắc Giang, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Giang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Lào Cai, Kiên Giang và Ninh Bình sẽ tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc trên địa bàn mình để hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2018.
Chương trình đề ra mục tiêu tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2018 theo chuỗi các hoạt động hiệu quả, mang tầm sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội tiêu biểu, có quy mô tầm quốc gia và quốc tế. Tận dụng cơ hội để phát triển nhanh, mạnh, đột phá, tạo cú hích quan trọng góp phần thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng du lịch nội địa, tiến tới hoàn thành mục tiêu chung của du lịch Việt Nam trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và của nhân dân về sự phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên biển, đảo và phát huy giá trị, giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh Quảng Ninh.
Đoàn kết thống nhất – năng động sáng tạo – dân chủ kỷ cương, quyết tâm xây dựng tỉnh quảng ninh thành khu vực phòng thủ vững chắc
33.Huỳnh Đăng. Người gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Chỉ//http://www.baoquangninh.com.vn.- 2017.- Ngày 1 tháng 10
Đến Tiên Yên, hỏi ai có thể làm tốt nhất các nghi lễ truyền thống của người Sán Chỉ, mọi người sẽ chỉ đường vào thôn Phài Giác, xã Đại Dực gặp già làng Lỷ A Sáng.
Nghệ nhân Lỷ A Sáng, còn có tên khác là Lỷ Minh Sáng sinh năm 1950. Sinh ra trong gia đình có nhiều đời làm thầy cả nên từ nhỏ ông đã được tiếp xúc với các nghi lễ văn hóa của người Sán Chỉ. Ông Sáng được tín nhiệm mời làm thầy cả ngay từ khi còn rất trẻ. Ông bảo, làm lễ cầu mùa xin trời đất cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, muôn loài được sinh sôi nảy nở, cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc, giúp cho người dân yên tâm hơn khi bắt tay vào lao động, sản xuất. Bởi thế, lễ cầu mùa gắn liền với đời sống sản xuất nông nghiệp của người Sán Chỉ. Các vị thần được những người dân tộc Sán Chỉ, xã Đại Dực tôn vinh là Lý thần hoàng và thần Đỏ. Theo tín ngưỡng của họ, Lý thần hoàng có công lập làng, tạo ra con người, tạo mưa, tạo gió, cho mùa màng bội thu. Thần Đỏ có nhiệm vụ canh giữ xóm làng bình yên. Đây là một nghi lễ rất quan trọng vào đầu năm.
Ngoài ra, ông Sáng còn làm lễ hoàn phúc vào cuối năm, lễ cầu an giải hạn trong năm tùy vào mỗi gia đình. Các lễ hội dân gian, nghi lễ cầu an, cầu mùa nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần, đồng thời tạo cơ hội sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, làm gia tăng tính cố kết cộng đồng. Lúc còn trẻ do chưa thuộc lời, khi thực hiện các nghi lễ cầu mùa, cầu an, hỷ phúc, hoàn phúc, ông Sáng phải cầm theo sách cổ mà hát. Sau này, khi đã thuộc lòng rồi thì những câu hát tự trong đầu nó ra thôi. Trước khi đi cúng, ông Sáng phải làm lễ phong tỏa nhà mình. Trong khi cúng, ông Sáng và những gia chủ đều có trang phục khác nhau. Trang phục của những thầy cả như ông Sáng và các thầy phụ cũng khác nhau.
Theo ông Sáng, các lễ hội và nghi lễ dân gian của người Sán Chỉ ở Đại Dực luôn đi liền với các điệu múa truyền thống có tên rất mộc mạc như: Trâu đạp lúa, múa chim câu, múa đi lấy hào quang, múa xúc tép...
Ngoài hát và múa khi cúng, nghệ nhân Lỷ A Sáng còn hát sóong cọ rất hay. Ông là người có công trong việc bảo tồn lối hát truyền thống độc đáo này của người Sán Chỉ. Người hát chia thành hai bè nam, nữ hát đối nhau bên bìa rừng, khu ruộng cạn, hay bên bờ suối. Nhiều đôi uyên ương đã nên duyên vợ chồng từ các buổi hát này. Ngày nay, do lớp trẻ có quá nhiều phương thức giải trí, hát soóng cọ cũng bị mai một dần. Ông Sáng bảo: “Chúng tôi truyền dạy cách nói tiếng Sán Chỉ, cách hát soóng cọ cho lớp trẻ, để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc mình”.
Vì vậy, ông Sáng đã đề xuất để thành lập một CLB văn nghệ dân gian ở Đại Dực. Các thành viên được ông truyền dạy chữ viết, các điệu múa đặc trưng của dân tộc, nghệ thuật điều hành, thực hành lễ cầu mùa của người Sán Chỉ và hát soóng cọ. Các diễn viên quần chúng này đã nhiều lần biểu diễn trong các lễ hội văn hoá của xã, giao lưu trong huyện, tỉnh. CLB còn lưu giữ nghệ thuật nấu xôi ngũ sắc, gói bánh cốc mò, làm các loại sớ, điệp, ấn tín, phong hàm của người Sán Chỉ và tích cực vận động người dân xã xoá bỏ các hủ tục trong ma chay, cưới xin, xây dựng nếp sống mới tiến bộ, văn minh.
Với những thành tích đạt được, năm 2014, già làng Lỷ A Sáng đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian Việt Nam” vì đã có công thực hành truyền dạy nghi lễ cầu mùa, cầu an dân tộc Sán Chỉ. Năm 2015, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Gần đây, nghệ nhân Lỷ A Sáng còn giúp ngành văn hoá tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng lễ cầu mùa theo nguyên gốc, đóng góp không nhỏ trong việc phát huy và gìn giữ giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Sán Chỉ ở Quảng Ninh.
34.Đề xuất Lễ cấp sắc của người Dao vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể nhân loại//http://www.baoquangninh.com.vn.- 2017.- Ngày 3 tháng 10
Tại Hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Dao trong bối cảnh hội nhập và phát triển đất nước”, Ban tổ chức đã thống nhất đề xuất Chính phủ; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho phép làm hồ sơ Lễ cấp sắc của người Dao vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO.
Tin từ Bộ VHTTDL, trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất năm 2017 diễn ra tại tỉnh Tuyên Quang từ ngày 29/9 đến 4/10, Bộ VHTTDL đã phối hợp với UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Dao trong bối cảnh hội nhập và phát triển đất nước”. Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các nghệ nhân đồng bào dân tộc Dao.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề về: Tổng quan nghiên cứu về người Dao ở Việt Nam, Di sản văn hóa dân tộc Dao - những giá trị bảo tồn và phát huy, Bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Dao trong thời kỳ hội nhập và phát triển, Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Dao trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, Những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc dao nhằm đáp ứng phát triển bền vững đất nước…
Hội thảo đã thu nhận được nhiều kết quả quan trọng đóng góp cho việc giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc Dao. Qua Hội thảo, Ban tổ chức Hội thảo thống nhất đề xuất Chính phủ, Bộ VHTTDL cho phép làm hồ sơ Lễ cấp sắc của người Dao vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO.
Hiện nay, trên cả nước có gần 800.000 người Dao. Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh có khoảng 68.900 người Dao sinh sống (số liệu năm 2015), gồm hai ngành Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán. Đồng bào Dao cư trú chủ yếu ở các huyện Hoành Bồ, Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà... Trong quá trình lao động sản xuất, đồng bào Dao đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần mang đậm sắc thái riêng của mình, trong đó có lễ cấp sắc.
Cấp sắc là một nghi thức đặc trưng và không thể thiếu được của người đàn ông Dao, được tiến hành một lần duy nhất trong đời. Người đàn ông phải trải qua lễ cấp sắc mới được cộng đồng làng bản công nhận đã trưởng thành, được tham gia các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của dòng họ. Thời gian tiến hành lễ cấp sắc kéo dài từ một đến năm ngày. Sau khi các thầy mo cúng khấn thần linh, làm các thủ tục, người được cấp sắc sẽ chính thức được đặt tên âm và được công nhận là người đã trưởng thành.
Hội thảo cũng kiến nghị Bộ VHTTDL, UBND các tỉnh liên quan có chính sách cụ thể nhằm bảo tồn tiếng nói và chữ viết của người Dao; tổ chức điều tra, sưu tầm và phổ biến di sản văn hóa người Dao; phát huy vai trò của các nghệ nhân, người có uy tín, đặc biệt là các thầy cúng của cộng đồng người Dao.

Gọi điện: 0203.6500.163
Facebook Youtube
wiget Chat Zalo