Mở cửa các ngày từ Thứ 3 – Chủ Nhật hàng tuần. Buổi sáng từ 7h30 - 12h00. Buổi chiều từ 13h30 - 16h30
Tin trong nghành

Tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp ngành Văn hóa Bài 2: Nắm bắt cơ hội, phát triển lên tầm cao mới

Ngày 24-09-2019 Lượt xem: 71

Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Sở VH&TT khẳng định: Đến thời điểm này, dù hành trình tự chủ của các đơn vị sự nghiệp văn hóa vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên với những nền tảng và cơ hội đang có, các đơn vị sẽ phát huy được năng lực bản thân, phát triển bền vững, vươn lên tầm cao mới.

Triển lãm sách kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Thư viện tỉnh Quảng Ninh.

Nhiều hoạt động để tăng thu

Sự phát triển nhanh của tỉnh, đặc biệt là kinh tế du lịch, là cơ hội tuyệt vời cho các đơn vị văn hóa đảm bảo tự chủ tăng dần. Đoàn Nghệ thuật tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh có thể nhận được đặt hàng, nguồn thu từ các đơn vị quản lý nhà nước và các doanh nghiệp khi triển khai các hoạt động tuyên truyền chính trị, truyền thông quảng bá. Bảo tàng Quảng Ninh, Thư viện tỉnh có khả năng đạt nguồn thu lớn từ vé tham quan nhờ hưởng lợi từ hạ tầng giao thông đồng bộ của tỉnh, thu hút khách du lịch ở cả đường bộ, đường biển và hàng không. 

Theo Sở Du lịch, đến năm 2020, khi tuyến cao tốc được thông tuyến ra đến Móng Cái, công trình thế kỷ - đường hầm xuyên Vịnh Cửa Lục được khởi công, hình thành mới các cụm dịch vụ của các Tập đoàn FLC, Tuần Châu, Vingroup, Sun Group… thì du khách đến Quảng Ninh có thể đạt đến con số trên 20 triệu lượt, gần gấp đôi hiện nay. Đồng nghĩa việc lượng khách đến Bảo tàng, Thư viện tỉnh tiếp tục tăng ở mức đột biến, giúp 2 đơn vị tăng thu. Bản thân kiến trúc độc đáo của 2 công trình Bảo tàng, Thư viện tỉnh cũng là tài nguyên để khai thác, khi đã trở thành điểm du lịch, điểm check-in…

Bên cạnh các điều kiện khách quan, mỗi đơn vị văn hóa có thế mạnh riêng, là lợi thế cạnh tranh. Cụ thể, việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống không đâu trong tỉnh bằng Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh. Đối với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, bên cạnh tham gia các hoạt động ca múa nhạc đương đại, riêng về công tác tuyên truyền phục vụ chính trị, hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa cơ sở, là số một, diễn viên đều có nghề, được rèn luyện, nhãn quan chính trị rất tốt.

Thư viện tỉnh và Bảo tàng tỉnh đều có thể tiếp tục phát triển theo hướng là điểm đến du lịch, không gian trải nghiệm, sáng tạo, phục vụ, nâng tầm văn hóa đọc, văn hóa xem. Bảo tàng còn thực hiện và thẩm định hồ sơ di tích; thám sát, khai quật, khảo cổ; thiết kế và tư vấn hoạt động mô hình nhà truyền thống cho các đơn vị… Các hoạt động café sách, phòng đọc doanh nhân, phố sách, thư viện điện tử, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng phòng đọc, thư viện cơ sở… là ý tưởng sáng tạo và phù hợp để tăng doanh thu của Thư viện tỉnh.

Một tiết mục tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh.

Cần phát triển bền vững

Mặc dù còn nhiều hoạt động để tăng doanh thu, tăng tự chủ, tuy nhiên nếu muốn tự chủ bền vững, các đơn vị văn hóa nhất thiết phải phát triển có chiến lược, chủ động và bền vững, tránh ăn xổi, quá phụ thuộc điều kiện khách quan.

Thực hiện cơ chế đặt hàng, hiện tỉnh và các đơn vị thuộc tỉnh vẫn ưu tiên đối với các đơn vị sự nghiệp văn hóa. Điều này có thể chấp nhận được ở thời điểm các đơn vị bắt đầu quá trình tự chủ kinh phí; còn về lâu về dài, nhất là khi có sự cạnh tranh thật sự giữa các đơn vị cùng loại, thì chất lượng, giá cả mới là điều kiện quyết định đặt hàng. Điều này sẽ đẩy một số đơn vị vào khó khăn, như Đoàn Nghệ thuật tỉnh, nếu muốn có đặt hàng về lĩnh vực ca múa nhạc đương đại sẽ phải nỗ lực rất lớn, bởi đây không phải là thế mạnh của Đoàn, trong khi đó sự cạnh tranh lại gay gắt của nhiều đơn vị nghệ thuật tư nhân tham gia sân chơi này.

Đối với các đơn vị trông chờ vào nguồn thu từ vé tham quan như Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, đây là nguồn thu không bền vững, vì phụ thuộc vào điều kiện khách quan. Cụ thể, khách đến Bảo tàng phần lớn là đối tượng khách tự đến (chiếm đến 70%), khách do Bảo tàng kết nối tour với các hãng du lịch (chỉ chiếm 30%) là những "mối làm ăn" có từ nhiều năm trước, gần như không có mới thời gian gần đây. Trong trường hợp hoạt động du lịch của tỉnh gặp khó, các đơn vị văn hóa này nguy cơ cao bị ảnh hưởng ngay lập tức và trực tiếp. Bảo tàng tỉnh hiện cũng gặp khó do thiếu và yếu về lực lượng thuyết minh viên tiếng nước ngoài, là một điều kiện để phát triển dịch vụ có thu.

uyên truyền lưu động 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Tân Dân (huyện Hoành Bồ) do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh thực hiện, tháng 9/2019.

 

Hiện cả 4 đơn vị văn hóa của tỉnh đều ít nhiều tranh thủ nguồn thu từ việc cho thuê mặt bằng hoặc góp cổ phần bằng mặt bằng để làm dịch vụ. Tuy nhiên hướng làm ăn này không thể tồn tại lâu dài bền vững.

Một điều kiện rất quan trọng để các đơn vị công lập văn hóa có thể tự chủ là cần được trang bị trang thiết bị hoạt động tương đối tốt. Đây có thể coi là vốn đầu tư ban đầu của Nhà nước trước khi cho các đơn vị "ra ở riêng", để các đơn vị tự tin bứt ra khỏi "bầu sữa" bao cấp để thực hiện tự chủ. Hiện Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh đã có cơ sở hạ tầng khá tốt, tạo ra lợi thế cạnh tranh, thì Đoàn Nghệ thuật tỉnh và Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh hầu như chưa được đầu tư gì đáng kể, từ hệ thống thiết bị âm thanh, ánh sáng đến sân khấu...

Tuyên truyền lưu động hiện là thế mạnh riêng của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh

Kết quả tự chủ của các đơn vị văn hóa của tỉnh hiện nay có thể nói đã là khá đáng mừng, thể hiện sự nỗ lực, chủ động của mỗi đơn vị. Đây là tiền đề để các đơn vị tiếp tục phát huy hết nội lực, tạo nên sức bật mới. Tuy nhiên, để các đơn vị tự chủ đúng lộ trình, thật sự hiệu quả, còn rất nhiều việc phải làm, nhất là ở 2 đơn vị hiện tỷ lệ tự chủ thấp là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh và Thư viện tỉnh.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Gọi điện: 0203.6500.163
Facebook Youtube
wiget Chat Zalo