Vùng mỏ Quảng Ninh là một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp công nhân Vùng mỏ được hun đúc từ những ngày sục sôi khí thế cách mạng của những cuộc đấu tranh lớn như: Cuộc tổng bãi công của 3 vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936, các cuộc đấu tranh của phong trào công nhân mỏ giai đoạn 1936 -1939. Cùng với tất cả sức mạnh, ý chí quật cường, tinh thần bất khuất, kiên cường của giai cấp công nhân, người lao động, các cuộc đấu tranh của thợ mỏ đã để lại những bài học mang tầm lý luận về phương thức tập hợp lực lượng, tính kỷ luật, ý chí sắt đá, kiên cường, sự gắn kết của những người cùng cảnh ngộ, cùng nghề nghiệp, cùng giai cấp của công nhân mỏ, rộng hơn là toàn thể lực lượng cách mạng.
Cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của nhân dân ta kết thúc bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiệp đình Giơ-ne-vơ được ký kết, miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng. Từ ngày 29/10 đến ngày 30/10/1954, giặc Pháp phải rút khỏi địa phận các huyện Nam Sách, Chí Linh và Đông Triều. Do đó đến ngày 30/10/1954 mới chỉ có mỏ Mạo Khê được giải phóng, còn lại hầu hết các mỏ than khu Hòn Gai vẫn nằm trong vùng tập kết 300 ngày của quân đội Pháp trước khi rút quân. Đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn để có thể đi đến ngày giải phóng. Quân Pháp dùng mọi thủ đoạn vơ vét, bóc lột sức người sức của. Chúng ồ ạt khai thác than với dự tính bóc gần 80 vạn tấn than, đồng thời chủ mỏ tìm cách di chuyển máy móc, thiết bị ra khỏi Vùng mỏ.
Thế nhưng, quân và dân Vùng mỏ không chịu đứng nhìn chúng cướp đi tài nguyên, công sức của mình. Với tinh thần “ Kỷ luật và đồng tâm” đấu tranh bất khuất của thợ mỏ, những đội tự vệ công nhân khu mỏ đã kiên quyết không cho chủ mỏ Pháp di chuyển máy móc, thiết bị khai thác than. Vượt lên nhiều khó khăn, gian khổ và hy sinh, giai cấp công nhân vùng Mỏ vừa kiên cường chiến đấu, vừa đẩy mạnh các hoạt động chống sự phá hoại kinh tế của địch.
Ngày 11/4/1955, các hiệp định về việc chuyển giao khu chu vi Hải Phòng được ký kết giữa ta và Pháp. Ngày 18/4/1955, đội tiếp quản hành chính của ta tiến vào Cửa Ông, Cẩm Phả nhận bàn giao của Pháp. Ngày 22/4/1955, một lực lượng chính trị quân sự của ta chính thức tiếp quản Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Yên. Ngày 24/4/1955, lực lượng quân sự của ta tập kết bên Bãi Cháy, chuẩn bị tiếp quản Hòn Gai. 12 giờ trưa ngày 24/4, tên lính Pháp cuối cùng rời Khu mỏ. 13 giờ cùng ngày, lực lượng quân sự và chính trị của ta vào tiếp quản Hòn Gai trong không khí tưng bừng náo nhiệt của ngày vui giải phóng. Sáng ngày 25/4/1955, ta đã tổ chức cuộc mít tinh lớn ở thị xã Hòn Gai, ra mắt Uỷ ban quân chính Hồng Quảng, đọc nhật lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi quân dân Hồng Quảng.
Ngày giải phóng Vùng mỏ năm ấy chính là bước ngoặt quan trọng, đặt nền tảng cho sự phát triển vượt bậc của Quảng Ninh hôm nay. Trải qua 70 năm theo chiều dài lịch sử, thế hệ trẻ Quảng Ninh luôn luôn khắc ghi và trân trọng những giá trị của lịch sử, tuổi trẻ Vùng mỏ hôm nay đã đang tiếp tục noi gương các bậc cha anh, ghi thêm những thành tích bứt phá của quê hương trong thời kỳ đổi mới. Và khẩu hiệu “ Kỷ luật và đồng tâm” của phong trào công nhân Vùng mỏ năm ấy vẫn luôn là khẩu hiệu, phương châm hành động của thợ mỏ Quảng Ninh, trở thành giá trị cốt lõi trong truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân Vùng mỏ, là sức mạnh tinh thần vô giá của thợ mỏ ngành Than Việt Nam.
Để giúp bạn đọc hiểu thêm về lịch sử vùng Mỏ, Thư viện tỉnh Quảng Ninh trân trọng giới thiệu một số cuốn sách quý giá về phong trào cách mạng hào hùng của công nhân Vùng mỏ Quảng Ninh có tại Thư viện tỉnh:
Nguyễn Quỳnh - Thư viện tỉnh