Mở cửa các ngày từ Thứ 3 – Chủ Nhật hàng tuần. Buổi sáng từ 7h30 - 12h00. Buổi chiều từ 13h30 - 16h30
Hoạt động thư viện

Để Thư viện Quảng Ninh đáp ứng xu thế phát triển hiện nay

Ngày 22-07-2010 Lượt xem: 89

Thưa chị, chị có thể cho biết vài nét về mạng lưới thư viện ở Quảng Ninh hiện nay?

- Sau khi Vùng Mỏ được giải phóng không lâu, ngày 19 - 8 - 1956, Quảng Ninh đã xây dựng hệ thống thư viện. Tuy nhiên, Thư viện tỉnh lúc đó chỉ là một góc nhỏ tại trung tâm phát hành sách Công đoàn. Khoảng hơn một năm sau thì chuyển về gần Vườn hoa thị xã Hòn Gai ( nay là Cảng vụ Quảng Ninh - số 10 Lê Thánh Tông), với diện tích xây dựng là 180m2. Đến năm 1994, do nhu cầu mở rộng và phát triển, Thư viện tỉnh lại được chuyển về trụ sở mới tại Lán Bè, với diện tích gần 900m2. Và đến cuối năm 2001, được sự quan tâm của tỉnh, nó được cải tạo, mở rộng, diện tích là 1.300m2...

Tôi muốn lược qua vài nét như vậy để nói rằng: Suốt 50 năm qua, công tác thư viện luôn được tỉnh rất quan tâm nhằm đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân. Nhất là từ sau khi Thư viện tỉnh có trụ sở mới rộng rãi, khang trang hơn, thì lượng bạn đọc đến thư viện ngày càng nhiều hơn. Như năm 1995, Thư viện tỉnh phục vụ hơn 17.000 lượt bạn đọc, với hơn 76.500 lượt sách, báo luân chuyển; nhưng đến năm 2005, số lượt bạn đọc tăng lên là 90.000 (gấp hơn 4 lần) và số sách, báo luân chuyển đã lên tới 232.000 lượt . Ngoài việc phục vụ bạn đọc tại trụ sở, Thư viện tỉnh còn mở rộng cho mượn sách sách luân chuyển đến thư viện huyện, thị xã và thư viện ngành Than, tủ sách bộ đội biên phòng, điểm bưu điện - văn hoá xã v.v... Đồng thời, những năm gần đây, một số thư viện huyện, thị xã được đầu tư xây dựng khá khang trang, đó là thư viện huyện Đông Triều (2001), thư viện thị xã Uông Bí (2005), thư viện huyện Hoành Bồ đang được đầu tư xây dựng. Hiện nay, toàn tỉnh có 13 thư viện huyện, thị xã (riêng thành phố Hạ Long không có thư viện). Ngoài hệ thống thư viện công cộng, trên địa bàn tỉnh còn có trên 420 tủ sách, thư viện trường học, 124 điểm bưu - điện văn hoá xã, cộng với một số thư viện trong ngành than đang được đầu tư xây dựng và phát triển. Hàng năm, các thư viện huyện, thị xã phục vụ từ 70.000 đến 80.000 lượt bạn đọc, từ 150.000 đến 160.000 lượt sách, báo luân chuyển...

Hiện tại, các thư viện từ tỉnh đến cơ sở đang có nhiều cố gắng để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Tuy vậy, lượng bạn đọc tìm đến với sách, báo chưa nhiều, chủ yếu tập trung ở các thư viện trung tâm của tỉnh và huyện, thị xã. Do điều kiện về cơ sở vật chất, Thư viện tỉnh chưa triển khai được nhiều sách quan trọng (như kho “Cửa sổ văn hoá thế giới”, kho địa chí, kho tra cứu v.v...)nên ảnh hưởng ít nhiều đến nhu cầu tra tìm tài liệu phục vụ công tác học tập và nghiên cứu của bạn đọc. Ở thư viện tỉnh, phòng đọc tổng hợp với gần 100 chỗ ngồi, nhất là bạn đọc trẻ tuổi. Những dịp ôn thi đại học, hoặc những dịp tỉnh, trung ương tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, phòng đọc thường bị quá tải, bạn đọc phải đến sớm mới có chỗ ngồi đọc...

Trong xu thế chung hiện nay, việc đưa công nghệ tin học vào hoạt động trong các lĩnh vực đang trở nên không thể thiếu được. Với Thư viện tỉnh thì thế nào?

- Những năm gần đây, công nghệ thông tin đang thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Đối với ngành thư viện nước ta, hầu hết các thư viện lớn đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và hoạt động nghiệp vụ. Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong công tác thư viện, Thư viện Quảng Ninh là một trong những đơn vị đã sớm ứng dụng tin học trong hoạt động thư viện. Năm 1994, Thư viện tỉnh được đầu tư 1 máy vi tính và sử dụng phần mềm CDS/ISIS (Hệ quản trị dữ liệu - Do UNESCO tài trợ). Đầu năm 2004, Thư viện tỉnh được hưởng dự án ứng dụng tin học trong công tác thư viện do Thư viện Quốc gia tài trợ và được tỉnh cấp vốn đối ứng... Đến nay, Thư viện tỉnh đã có mạng máy tính với phần mềm quản trị tích hợp thư viện ILIB và đang xử lý hồi cố toàn bộ các kho sách, đưa thông tin và dữ liệu thư mục của vốn tài liệu thư viện vào lưu trữ bằng hệ thống máy tính. Nói tóm lại, chúng tôi đã và đang từng bước đưa công nghệ thông tin vào hoạt động, phục vụ nhu cầu tra tìm tài liệu của bạn đọc một cách tốt nhất

Tuy nhiên, hiện tại Thư viện Quảng Ninh vẫn chủ trương vừa hoạt động theo hướng truyền thống, vừa hoạt động theo hướng hiện đại. Về truyền thống, chúng tôi đẩy mạnh mọi hình thức tuyên truyền về thư viện, thư mục để thu hút bạn đọc đến sử dụng sách, báo ngày càng nhiều hơn. Còn về hiện đại, chúng tôi đang xử lý toàn bộ dữ liệu thư mục của vốn tài liệu theo tiêu chuẩn quốc gia và tiến hành lưu trữ trong hệ thống máy tính, phục vụ bạn đọc tra tìm tài liệu trên hệ thống máy tính tại thư viện, hoặc bạn đọc có thể tra tìm thông qua Website của thư viện từ bất cứ một máy tính nào được nối mạng Internet. Mặt khác, Thư viện tỉnh cũng đang áp dụng tin học hoá trong các khâu công tác như: quản lý vốn tài liệu, quản lý mượn, trả tài liệu, quản lý bạn đọc, các mẫu báo cáo thống kê...phấn đấu đến năm 2010 trở thành một thư viện hiện đại với các cơ sở dữ liệu thư mục, toàn văn đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu tìm tin và thoả mãn thông tin của bạn đọc...

Theo chị, để thực hiện được mục tiêu đó, vấn đề hiện nay đối với hệ thống thư viện trong tỉnh nói chung, thư viện tỉnh nói riêng là gì?

- Như tôi đã nói ở trên, cơ sở vật chất hiện nay của Thư viện tỉnh chưa thoả mãn được nhu cầu của bạn đọc. Nếu so với một số tỉnh, thành bạn trong khu vực, điều kiện vật chất của Thư viện Quảng Ninh quá nghèo nàn; (như Thư viện TP Hải Phòng khánh thành năm 2001, với diện tích 9.000m2 khuôn viên, trụ sở xây dựng với kinh phí 23 tỷ đồng; Thư viện tỉnh Hải Dương có diện tích khuôn viên là 8.000m2, với một toà nhà 5 tầng, diện tích sử dụng là 8.100m2; Thư viện tỉnh Bắc Ninh với khuôn viên 23.000m2 v.v...). Vì thế, chúng tôi nghĩ muốn thúc đẩy văn hoá đọc ở Quảng Ninh lên một bước mới, tỉnh cần có hướng đầu tư mở rộng Thư viện tỉnh cho tương xứng, ít nhất là cũng ngang với các tỉnh bạn trong khu vực... Đồng thời, hệ thống thư viện huyện, thị xã đều có thư viện độc lập, phục vụ nhân dân một cách thuận tiện. Theo chúng tôi, nên ưu tiên đối với các thư viện ở các vùng kinh tế trọng điểm như: Hải Hà, Vân Đồn, Hoành Bồ, Cô Tô và cần có kế hoạch xây dựng thư viện thiếu nhi tại thành phố Hạ Long cũng như ở các huyện, thị xã đông dân. Các nơi khác cần xây dựng phòng đọc sách thiếu nhi trong thư viện công cộng.

Nhân đây, tôi cũng xin kiến nghị HĐND tỉnh sớm xem xét, quyết định cho Thư viện tỉnh thực hiện thu phí thư viện. Đây là việc làm cần thiết vì có như thế, Thư viện tỉnh mới có kinh phí đầu tư trở lại phục vụ bạn đọc được. Vả lại, điều này là thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, hoàn toàn phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành về hoạt động thư viện...

- Xin cám ơn chị!

Thư viện Quảng Ninh

Gọi điện: 0203.6500.163
Facebook Youtube
wiget Chat Zalo