Mở cửa các ngày từ Thứ 3 – Chủ Nhật hàng tuần. Buổi sáng từ 7h30 - 12h00. Buổi chiều từ 13h30 - 16h30
Thư mục sách chuyên đề

Giới thiệu sách chuyên đề: “85 năm bản hùng ca vùng mỏ” Chào mừng 85 năm Ngày truyền thống công nhân vùng mỏ, truyền thống ngành Than 12/11 (1936-2021)

Ngày 11-11-2021 Lượt xem: 597

Cuộc bãi công của hơn ba vạn thợ mỏ ngày 12 tháng 11 năm 1936 đã viết lên trang sử chói ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của công nhân than Việt Nam, trở thành ngày lịch sử truyền thống công nhân vùng mỏ, truyền thống ngành Than Việt Nam. Truyền thống đó ngày càng được phát huy hơn nữa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhân kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công nhân vùng mỏ, truyền thống ngành Than 12/11 (1936-2021), Thư viện tỉnh Quảng Ninh trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một số tư liệu tiêu biểu với chủ đề “85 năm bản hùng ca vùng mỏ”. Bằng những tư liệu đã có, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn bản chất của một cuộc tổng bãi công lớn nhất thời bấy giờ do những người Cộng sản và công nhân khu mỏ tổ chức; quá trình hình thành và phát triển của phong trào công nhân; thời kỳ đổi mới và phát triển của ngành than và văn hóa vùng mỏ Quảng Ninh.

I. LỊCH SỬ VÙNG MỎ

          Việt Nam được coi là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng. Trong đó trữ lượng than rất lớn, chủ yếu nằm ở vùng Đông Bắc (Quảng Ninh) – chiếm 90% trữ lượng than của cả nước và Đồng Bằng Bắc Bộ. Than Việt Nam còn được xếp vào loại than tốt nhất thế giới (than gầy Antraxite) có nhiệt lượng cao, chính vì vậy, ngay sau khi xâm chiếm nước ta, thực dân Pháp đã ra sức thăm dò, khai thác, vơ vét nguồn tài nguyên quý này.

          Trang 151 của cuốn sách “Quảng Ninh, đất và người” có ghi: “Khu mỏ Cẩm Phả là vùng đất tập trung tài nguyên lớn nhất của vùng mỏ Quảng Ninh. Sau khi chiếm đoạt khu mỏ (1883) và thành lập công ty SFCT (1888) bọn chủ mỏ thực dân Pháp bắt tay vào khai thác than trên quy mô lớn, ráo riết và quyết liệt. Chính sách khai thác chủ đạo của chúng là sử dụng tối đa sức lao động rẻ mạt của công nhân kết hợp giữa bóc lột tư bản và cưỡng bức thời trung cổ. Họ bị nhốt trong những lán trại tồi tàn, ẩm thấp mà người thợ gọi là “nhà cũi chó”. Quần áo thợ mặc bằng bao gai, bao cói là phổ biến, có đánh số trước ngực như số tù. Hàng ngày họ ăn uống kham khổ bằng gạo mục, cá khô mặn do bọn cai ký phát hai kỳ trong tháng rồi trừ tiền công. Chúng vừa quát tháo ầm ĩ vừa quất roi túi bụi vào những ai chậm chân. Trên tầng, dưới lò, họ phải làm việc quần quật, xúc than, đội than, đẩy xe than giữa bụi đất mịt mù,… Có áp bức thì có đấu tranh. Mang sẵn trong mình dòng máu bất khuất đấu tranh của dân tộc, người thợ mỏ đã tiến hành cuộc đấu tranh chống chủ mỏ thực dân Pháp bằng các cuộc phản kháng tự phát,.. Nhưng ngay sau khi ĐCSVN ra đời, các cuộc đấu tranh của công nhân mỏ mới có tổ chức, có mục đích và quy mô ngày càng lớn. Ngày 12/11/1936, thợ mỏ đoàn kết, đồng tình bãi công, ồ ạt đổ ra các phố và kêu gọi đấu tranh:

“Hỡi anh chị em

Chúng ta làm lụng cực khổ, lương không đủ sống

Chúng ta không muốn chết đói, chết ốm

Vậy tất cả hãy bãi công

Đòi chủ tăng lương lên ba hào một ngày

Đòi chủ phát cuốc xẻng

Anh chị em hãy đồng tâm, đừng để người ta phá cuộc đấu tranh

của chúng ta. Hãy tỉnh táo, đừng mắc mưu khiêu khích

Kỷ luật và đồng tâm! Chúng ta sẽ thắng!”

Trong bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Thanh Lương, nguyên trưởng Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng, tỉnh ủy Quảng Ninh được in trong cuốn Cuộc Tổng bãi công tháng 11 năm 1936 của công nhân thuộc công ty Pháp, mỏ than Bắc Kỳ do Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng, tỉnh ủy Quảng Ninh biên soạn, ấn hành năm 1986 đã nêu rất rõ về tình hình diễn biến của cuộc Tổng bãi công trong toàn khu mỏ Hòn Gai – Cẩm Phả như sau: “Cuộc bãi công nổ ra nhanh chóng đến nỗi bọn mật thám, cảnh sát, đại lý và chủ mỏ đều sửng sốt, bàng hoàng. Nhiều viên chức cao cấp của Pháp từ Hà Nội về Hòn Gai để cùng chủ mỏ giải quyết cuộc bãi công đã nổ ra nhưng vẫn không xong. Bọn thực dân cho lính và tay sai bắt một số anh em trong đội bảo vệ bãi công. Hàng ngàn thợ đã kéo đến bao vây viên Đại lý đòi trả tự do cho những người bị bắt. Trước áp lực mạnh mẽ của quần chúng, viên thanh tra chính trị Bắc Kỳ, công sứ và chánh mật thám Bắc Kỳ đã phải thả những người bị bắt. 8 giờ sáng ngày 20 tháng 11 năm 1936, những viên quan lại người Pháp đã cùng chủ mỏ gặp đại biểu công nhân. Ba giờ chiều hôm ấy, chủ mỏ ra thông báo chấp nhận các yêu sách của cuộc bãi công. Thợ mỏ đốt pháo mừng thắng lợi,… Sáng ngày 23 tháng 11 ở Hòn Gai, công nhân nhà máy cơ khí tổ chức bãi công, sau đó là nhà máy than luyện, nhà sàng Hòn Gai, mỏ Hà Tu, mỏ Hà Lầm, nhà máy điện cột 5 đồng loạt bãi công. Địch đàn áp, không cho thợ liên hệ với lực lượng bãi công, mua vét lương thực trước khi cuộc tổng bãi công nổ ra, chúng bắt nhiều người trong đội bảo vệ bãi công; dùng súng và lưỡi lê bắt thợ đi làm. Về phía ta, ban lãnh đạo buộc phải tổ chức năm cuộc biểu tình có hàng nghìn người dự buộc địch dán yết thị, tăng lương lên 10%, anh chị em kiên quyết giữ vững yêu sách bằng một cuộc biểu tình khổng lồ vào ngày 27 tại sân bóng đá. Một tờ báo của Pháp viết: Cuộc đình công của họ là một hành động chính đáng và hợp pháp. Cuộc bãi công ở Cẩm Phả mỏ thể hiện tính kỷ luật của giai cấp vô sản. Cuộc bãi công ở Hòn Gai thể hiện lực lượng hùng hậu của giai cấp ấy…”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương – nay là Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào cách mạng trong công nhân than không ngừng trưởng thành và phát triển, trở thành lực lượng nòng cốt của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, đấu tranh, thống nhất nước nhà, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điều đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong cuộc kháng chiến của dân tộc, giai cấp công nhân ta đã góp một phần quan trọng và đã có những thành tích vẻ vang”. Đặc biệt, Người luôn quan tâm đến công nhân cán bộ ngành Than. Trong buổi nói chuyện với đoàn đại biểu công nhân, cán bộ ngành Than tại Phủ Chủ tịch ngày 15/11/1968. Người căn dặn:“Ngành sản xuất Than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân và cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh, quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, phải có đầy đủ ý thức làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp vượt mọi khó khăn nhằm vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc

Ảnh: Hồ Chủ tịch với đại biểu cán bộ, công nhân ngành Than ngành 15/11/1968 tại

Phủ Chủ tịch (Nguồn: Cuốn Lịch sử phong trào công nhân mỏ Quảng Ninh tập 1. Tác giả: Thi Sảnh)

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để chuẩn bị lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam, Trung ương đã cho phép tỉnh Quảng Ninh tổ chức một đợt tuyển quân lớn trong ngành Than. Chỉ trong 4 ngày từ 27/7/1967 đến 30/7/1967, tỉnh Quảng Ninh đã huy động đủ quân cho 3 tiểu đoàn với số quân khoảng 2 nghìn người mà quan số chủ yếu là công nhân và cán bộ ngành than. Nhằm khích lệ và động viên tinh thần quả cảm của những người thợ mỏ lên đường chiến đấu để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngành Than và tỉnh Quảng Ninh đã tặng cho lực lượng này danh hiệu: “Binh đoàn Than”. Các chiến sĩ của Binh đoàn Than đã lập nhiều chiến công xuất sắc, được tặng thưởng huân chương chiến công các hạng và danh hiệu chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt Ngụy, dũng sĩ diệt xe cơ giới…

Xuất phát từ ý nghĩa lịch sử đó, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cùng với Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh tổ chức sưu tầm, đi tìm hiểu về Binh đoàn Than và đã cho xuất bản cuốn sách “Chiến sĩ Binh đoàn Than một thời ra trận”.  Cuốn sách như một món quà tinh thần để tri ân những người Thợ Mỏ, nó mang thông điệp bảo tồn và lưu giữ giá trị lịch sử vô giá của giai cấp công nhân mỏ đã có những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 của toàn dân tộc.

Trong thời kỳ đổi mới (1986-1990), ngành than gặp nhiều khó khăn và khủng hoảng nặng nề. Những giai đoạn đánh dấu sự chuyển biến lớn về mọi mặt của ngành than được tác giả Hoàng Tuấn Dương, người trưởng thành trong cái nôi của phong trào công nhân mỏ nghiên cứu và trình bày ở phần thứ 3 của cuốn Lịch sử công nhân Than Việt Nam Đây là một công trình nghiên cứu bao quát, đầy đủ và có giá trị lịch sử của tác giả về ngành Than, về công nhân mỏ, về vùng mỏ Quảng Ninh, thời kỳ đổi mới, thực hiện đồng bộ hóa ngành than đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Diện khai thác khó khăn thu hẹp, ba mỏ lộ thiên chiếm già nửa sản lượng, sau 10 năm cải tạo do bốc đất đá không đạt kế hoạch, tài nguyên sẵn sàng giảm xuống. Đời sống công nhân cán bộ ngành than khi chuyển sang cơ chế tự chịu trách nhiệm gặp nhiều khó khăn. Tháng 12 năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng quyết định đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của đất nước, chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Quyết định đã mở ra cho nền kinh tế đất nước và ngành than một hướng đi đầy triển vọng. Tuy nhiên từ năm 1989, do nhu cầu sử dụng than giảm sút kéo theo giảm sút mạnh sản xuất ở các mỏ lớn, thị trường trong nước bị “rối loạn”, nạn khai thác than trái phép phát triển mạnh kéo theo nhiều hệ lụy, lãng phí tài nguyên, suy giảm môi trường sinh thái, phá rừng đầu nguồn, tệ nạn xã hội, đời sống công nhân viên chức gặp nhiều khó khăn gây mất lòng tin trong một bộ phận. Trong bối cảnh trên, ngày 10/10/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 563TTg “về việc thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam”. Đây được coi là bước phát triển mới tạo tiền đề hình thành một tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than.

II. MỘT SỐ TƯ LIỆU TIÊU BIỂU

A. SÁCH

1. Bác Hồ với công nhân mỏ

Tác giả: Nhiều tác giả

Kích thước: 13x19cm, 180tr.

Nxb: Lao động

Số ĐKCB: DC.002122, DC.002123, DC.002124

Bác Hồ với công nhân mỏ / Sưu tầm, biên soạn: Nguyễn Quang Vinh, Phạm Trung Hưng, Nguyễn Thị Lý,.... - H. : Lao động, 2016. - 180tr. ; 19cm.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, ngay từ khi còn ở nước ngoài cũng như những năm mới về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác Hồ đã luôn dành cho thợ mỏ Quảng Ninh - CNCB ngành Than sự quan tâm sâu sắc. Trong 9 lần về Quảng Ninh thì hầu hết Người đều dành thời gian thăm, nói chuyện, căn dặn động viên CNCB vùng than.

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày Truyền thống Công nhân mỏ, Truyền thống ngành Than, Thư viện tỉnh Quảng Ninh xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc cuốn sách “Bác Hồ với công nhân mỏ” do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian tổ chức sưu tầm, biên soạn và xuất bản năm 2016.

Nội dung gồm 3 phần:

Phần 1: Những chỉ thị, lời kêu gọi, thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Than và công nhân mỏ;

Phần 2: Những bài báo tư liệu qua các nhân chứng đã đăng trên các báo từ năm 1959 đến nay;

Phần 3: Tư liệu hình ảnh Bác Hồ về thăm vùng mỏ.

Qua những trang tư liệu quý này sẽ giới thiệu đến bạn đọc những tình cảm của Bác Hồ đối với người thợ mỏ. Từ năm 1921 đến năm 1945, Bác Hồ đã có 5 bài viết, trong đó có cả Báo cáo gửi Bộ Phương Đông, Thư gửi BCHTW Đảng Cộng sản Đông Dương nói về tình hình cơ cực của công nhân mỏ Quảng Ninh dưới sự áp bức bóc lột dã man của thực dân, chủ mỏ và bọn tay sai. Qua những bài viết và văn kiện này Bác đã đã thể hiện rất rõ quan điểm bênh vực thợ mỏ của Người. Khi nước nhà vừa giành được độc lập cũng như suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ đến ngày Khu Mỏ được giải phóng từ tháng 9/1945 đến tháng 5/1955, trong 3 lần gửi thư cho đồng bào, công nhân, cán bộ, chiến sỹ tỉnh Quảng Ninh thì có 2 lần Bác nói về công nhân mỏ và sản xuất than, trong đó một lần Người gửi thư cho công nhân Khu mỏ Hòn Gai. Ngày 30/3/1959, Bác Hồ đến thăm công trường khai thác than và nhà ăn trụ mỏ Đèo Nai, khi đó còn nằm trong tổ hợp mỏ Cẩm Phả. Tại đây, Bác nói chuyện thân mật cùng cán bộ, công nhân mỏ: “Than ở Vùng mỏ vào loại tốt của thế giới, cảnh Vùng mỏ vào loại kỳ quan của loài người... Các chú phải làm than cho tốt”.

Tuy không đến được tất cả các công trường, hầm lò ở Vùng mỏ nhưng phong trào thi đua sản xuất của ngành Than luôn được Bác quan tâm, động viên. Lần cuối về thăm Quảng Ninh, trong những ngày Tết Ất Tỵ 1965, Bác đã đến thăm nhiều cơ sở sản xuất ở Vùng mỏ, gặp gỡ thân mật và chúc Tết đồng bào, chiến sĩ Quảng Ninh. Ngày 15/11/1968, nhân dịp 32 năm ngày Miền Mỏ bất khuất (nay là ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than) Bác Hồ kính yêu đã gặp mặt nói chuyện thân mật với đoàn đại biểu cán bộ, công nhân ngành Than và tỉnh Quảng Ninh. Đây là một sự kiện lịch sử ghi dấu ấn không thể quên trong công nhân, cán bộ ngành Than, cho cả giai cấp công nhân Quảng Ninh. Trong bài phát biểu của Bác Hồ ngày ấy có những câu chỉ nghe hoặc đọc một lần, cả đội ngũ công nhân, cán bộ ngành Than cũng như CNVC-LĐ Quảng Ninh hết thế hệ này đến thế hệ khác đều thấy thấm thía và không bao giờ quên. Bởi đó là lời dạy bảo ân cần, là sự khích lệ động viên và tình cảm bao la của Bác dành cho chúng ta hôm qua, hôm nay và mai sau.

Thực hiện lời căn dặn của Bác, các thế hệ thợ mỏ hôm nay với tinh thần “sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc” và truyền thống "Kỷ luật và đồng tâm", không ngừng nỗ lực phấn đấu, thi đua lập thành tích, góp phần xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phát triển bền vững; xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp như Bác hằng mong muốn./.

2. Cuộc tổng bãi công của 3 vạn thợ mỏ Quảng Ninh cao trong cao trào cách mạng 1936 -1939

Tác giả: Nhiều tác giả

Kích thước: 13x19cm

Số ĐKCB: DC.000187  

Cuộc tổng bãi công tháng 11 năm 1936 của công nhân thuộc công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ : Kỷ yếu hội nghị khoa học tổ chức tại nhà nghỉ Công đoàn Bãi Cháy ngày 22 tháng 11 năm 1985. - Quảng Ninh : Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy, 1986. - 142tr. ; 19cm.

 

Cuộc tổng bãi công tháng 11 năm 1936 của 3 vạn thợ mỏ Quảng Ninh đã thể hiện đức tính cao đẹp của giai cấp công nhân:  đó là tình đoàn kết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, tinh thần đấu tranh kiên trì, dũng cảm và ý thức kỷ luật chặt chẽ của giai cấp công nhân; đánh bại âm mưu, thủ đoạn thâm đọc xảo quyệt của chính quyền và bọn chủ mỏ thực dân Pháp, giành được thắng lợi rực rỡ. Cuộc tổng bãi công đã trở thành một sự kiện lịch sử trọng đại của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh.

Cuốn sách “Cuộc tổng bãi công của 3 vạn thợ mỏ Quảng Ninh trong cao trào cách mạng 1936 - 1939” do Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Quảng Ninh biên soạn và xuất bản năm 1986 đã giúp cho công nhân mỏ và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh tìm hiểu về nguyên nhân, diễn biến và ý nghĩa lịch sử và những bài học kinh nghiệm quý báu của phong trào công nhân mỏ Quảng Ninh. Cuốn sách tập trung phân tích điều kiện lịch sử, diễn biến của cuộc tổng bãi công từ cuộc bãi công của công nhân mỏ Cẩm Phả mở đầu cuộc tổng bãi công ở công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ, cuộc bãi công của công nhân ở khắp các cơ sở sản xuất của công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ cho đến cuộc Tổng bãi công tháng 11 năm 1936 một sự kiện lịch sử trọng đại của khu mỏ.

Hy vọng cuốn sách sẽ là tư liệu quý giúp bạn đọc ôn lại những trang sử hào hùng của giai cấp công nhân vùng mỏ anh hùng./.

3. Truyền thống vùng Than

Tác giả: Nhiều tác giả

Kích thước: 13x19cm

Số ĐKCB: VN.004046, DC.000166, DC.000167

Truyền thống vùng than : Hồi ký cách mạng. - Quảng Ninh : Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, 1977. - 19cm.

Trên chặng đường đấu tranh cách mạng đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh suốt gần nửa thế kỷ qua dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, công nhân vùng mỏ và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh đã góp phần xứng đáng vào trang sử hào hùng của dân tộc và làm rạng rỡ truyền thống vùng than kiên cường bất khuất. Nhiều cán bộ, đảng viên ưu tú của Đảng bộ và quần chúng cách mạng đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng và nhân dân ta. Nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều tập thể, cá nhân điển hình đáng được nêu gương học tập.

Để phản ánh một phần tấm gương hy sinh chiến đấu cao quý ấy, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Quảng Ninh xuất bản cuốn “Truyền thống vùng than”  tập 1 với độ dày 104 trang , xuất bản năm 1977. Đây là cuốn hồi kí cách mạng kể về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng và những đóng góp to lớn của một số anh hùng cách mạng như đồng chí Vũ Văn Hiếu - Bí thư Đảng bộ đầu tiên của vùng mỏ; đồng chí Nguyễn Thị Lưu hoạt động cách mạng ở vùng mỏ Hồng Gai những năm 1930-1931 trong “Người con gái kiên trung của Đảng” hay “Người công nhân đầu tiên ở vùng than trở thành đảng viên cộng sản” - Đ/c Đặng Châu Tuệ hoạt động ở Cửa Ông, Cẩm Phả trong những năm 1928-1929; đồng chí Nguyễn Viết Lục (Trần Văn Nghệ) – Người viết lời kêu gọi bằng máu trên tường xà lim. Những kí ức ngày 1-5-1930, hình ảnh lá cờ đỏ thắm có hình búa liềm ngạo nghễ tung bay trên đỉnh núi Bài Thơ.

Tập hồi kí cách mạng “Truyền thống vùng than” sẽ giúp chúng ta tìm hiểu về quá khứ hào hùng, sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ cộng sản vùng mỏ để từ đó chúng ta càng tự hào, phát huy truyền thống kiên cường bất khuất, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu mạnh.

4. Đồng chí Vũ Văn Hiếu Bí thư Đặc Khu ủy đầu tiên Khu mỏ Quảng Ninh

Tác giả: Nhiều tác giả

Kích thước: 14x21cm

Số ĐKCB: DC.002181, DC.002182, LC.008188, LC.008189, M.034924, M.034925, M.034926, DV.029053, DV.029054, DV.029055

Đồng chí Vũ Văn Hiếu Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên Khu mỏ Quảng Ninh. - Tái bản lần thứ 2, có chỉnh lý và bổ sung. - Quảng Ninh : Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Quảng Ninh, 2017. - 155tr. ; 21cm.

Đồng chí Vũ Văn Hiếu là một thanh niên sớm có tinh thần yêu nước, được tôi luyện trong phong trào công nhân mỏ và đã trở thành đảng viên cộng sản lớp đầu tiên của Đảng ta. Cuối năm 1930, đồng chí đã là Bí thư Đặc Khu ủy đầu tiên Khu mỏ Quảng Ninh. Từ khi bắt đầu hoạt động cách mạng cho đến lúc hy sinh, đồng chí Vũ Văn Hiếu đã cống hiến trọn đời và là tấm gương sáng ngời về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cộng sản. Tấm gương về lẽ sống và phẩm chất cách mạng của đồng chí đã trở thành biểu tượng để chúng ta học tập và noi theo.

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Vũ Văn Hiếu, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tái bản làn thứ 2 (có chỉnh sửa và bổ sung) cuốn sách “Đồng chí Vũ Văn Hiếu Bí thư Đặc Khu ủy đầu tiên Khu mỏ Quảng Ninh”. Cuốn sách được biên soạn dựa trên tư liệu của các cán bộ lão thành cách mạng cùng hoạt động, cùng bị bắt và bị tù đày với đồng chí Vũ Văn Hiếu, trong đó có một số đồng chí là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng ta và địa phương, gia đình đồng chí. Hy vọng cuốn sách sẽ góp phần làm sâu sắc thêm những thành quả lớn lao của cách mạng Việt Nam, công lao của đồng chí Vũ Văn Hiếu và nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, công nhân mỏ và nhân dân; ra sức học tập, rèn luyện, lao động sáng tạo, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh theo gương người chiến sĩ cách mạng Vũ Văn Hiếu.

5. Ngành Than - những con số và sự kiện

Kích thước: 13x19cm

Nxb: Tổng công ty Than Việt Nam

Số ĐKCB: DC.000510, DC.000509

Ngành than những sự kiện và con số. - H. : Tổng công ty Than Việt Nam, 1996. - 180tr. ; 19cm.

Kể từ ngày Tư bản Pháp chiếm độc quyền khai thác than ở Việt Nam (1883) đến nay đã hơn một thế kỷ. Và từ ngày ta vào tiếp quản khu mỏ Quảng Ninh (1955) đến nay cũng đã được hơn nửa thế kỷ trôi qua. Trải qua hơn nửa thế kỷ sản xuất và chiến đấu,  ngày nay đội ngũ công nhân ngành Than đã trưởng thành về mọi mặt cùng với Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam. Với mục đích “ôn cố tri tân”, cuốn sách “Ngành Than - những con số và sự kiện” đã được ra đời là một việc làm hết sức cần thiết và ý nghĩa nhân kỷ niệm ngày truyền thống của ngành.

Cuốn sách này được ghi chép theo trình tự thời gian của ngành Than từ thời kỳ khôi phục và cải tạo kinh tế sau chiến tranh chống Pháp đến kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, rồi chống chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ đánh phá vào các vùng than, cho đến việc góp nhân tài vật lực của những người thợ mỏ vào cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà; đến nay, tiếp tục công cuộc hiện đại hóa đất nước với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh.

Với mục đích giới thiệu tới bạn đọc quá trình phát triển của ngành Than, hy vọng cuốn sách “Ngành Than - những con số và sự kiện” sẽ góp phần cho quản lý hôm nay và tương lai.

6. Văn hóa dân gian công nhân mỏ Quảng Ninh

Tác giả: Vũ Thảo Ngọc

Kích thước: 14x21cm, 226tr.

Nxb: Hà Nội

Số ĐKCB: DC.002446 DC.002447 LC.010333

Văn hóa dân gian công nhân mỏ Quảng Ninh : Nghiên cứu - Sưu tầm / Vũ Thảo Ngọc. - H. : Nxb. Hà Nội, 2020. - 226tr. ; 21cm.

Vùng văn hóa Quảng Ninh là một vùng văn hóa đa sắc tộc, với hơn 20 dân tộc anh em sinh sống trên bình địa có biển, núi, có đồng bằng và hải đảo, có thể khẳng định là một vùng văn hóa than và biển đảo đặc biệt Quảng Ninh ở miền Đông bắc tổ quốc, trong đó có một miền văn hóa dân gian của người thợ mỏ than.

Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Văn hóa dân gian công nhân mỏ Quảng Ninh” của tác giả Vũ Thảo Ngọc. Nội dung cuốn sách khái quát chung về văn hóa dân công nhân mỏ Quảng Ninh, những tiếp biến văn hóa dân gian trực tiếp và gián tiếp, văn hóa dân gian của cư dân vùng mỏ qua phong tục tập quán, tín ngưỡng, tri thức dân gian và nghệ thuật dân gian, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian vùng mỏ.

“Văn hóa dân gian công nhân mỏ” sẽ cung cấp cho bạn đọc tìm hiểu di sản văn hóa phi vật thể của vùng mỏ, về những người thợ mỏ để từ đó có thêm những kiến giải nhất định với đề tài này về văn hóa dân gian nói riêng về con người vùng mỏ./

7. Ca dao Vùng mỏ

Chủ biên: Tống Khắc Hài

Kích thước: 15x22cm

Cqxb: Hội văn nghệ dân gian Quảng Ninh

Số ĐKCB: DC.001544, DC.001545, DC.001546

Ca dao vùng mỏ / Biên soạn: Tống Khắc Hài chủ biên, Nguyễn Quang Vinh, Ngô Trung Hòa, Vũ Thảo Ngọc. - Quảng Ninh : Hội văn nghệ dân gian Quảng Ninh, 2010. - 486tr. ; 22cm.

Vùng mỏ là nơi tập trung đông đảo nhất và sớm nhất đội ngũ công nhân ở nước ta; ca dao Vùng mỏ ra đời và phát triển cùng với sự ra đời và phát triển của ngành khai thác mỏ. Nó là tiếng nói tâm tình của người thợ mỏ mang nặng tình người và tính chiến đấu cao của thợ mỏ Quảng Ninh. Chính từ ý nghĩa đó, được sự hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh đã sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn cuốn “Ca dao Vùng mỏ”.

Cuốn sách với hơn một vạn câu ca dao được sưu tầm và hàng ngàn người tham gia, chia làm hai phần: Ca dao Vùng mỏ trước Cách mạng và Ca dao vùng mỏ sau ngày giải phóng(1955). Với những giá trị tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc, “Ca dao Vùng mỏ”  không chỉ là tập tư liệu góp phần nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam mà còn là tài liệu quan trọng về lịch sử hình thành, truyền thống đấu tranh của giai cấp công nhân mỏ qua các thời kỳ, nhất là trong gần một thế kỷ bị thực dân Pháp cai trị. Với giá trị tinh thần và hiện thực sâu sắc, cuốn sách là một tác phẩm mang tính lịch sử và tính giáo dục vô giá về truyền thống và phẩm chất của giai cấp công nhân Việt Nam mà không ở vùng đất nào, ngành nghề nào có được.

B. BÁO CHÍ

8. Hoài Anh. Ngành Than khắc ghi lời Bác dạy/Hoài Anh, Hải Anh//Quảng Ninh.-2021.-Ngày 06 tháng 11 (Số 11087).-Tr.3.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến tỉnh Quảng Ninh và Ngành Than - Khoáng sản. Bác đã 9 lần về thăm vùng mỏ Quảng Ninh, trong đó, Bác dành nhiều tình cảm đặc biệt cho công nhân, cán bộ ngành Than.

Bài viết “Ngành Than làm theo lời Bác” của tác giả Hoài Anh đã đề cập đến những lời căn dặn của Người đối với ngành Than. Suốt cuộc đời hoạt động Cách mạng Bác luôn dành cho công nhân, cán bộ ngành Than sự quan tâm sâu sắc. Người đã viết nhiều bài về tình hình cơ cực của công nhân mỏ Quảng Ninh dưới sự áp bức bóc lột dã man của thực dân, chủ mỏ và bọn tay sai. Đặc biệt, ngày 15/11/1968, nhân dịp 32 năm ngày Miền Mỏ bất khuất Bác Hồ kính yêu đã gặp mặt nói chuyện thân mật với đoàn đại biểu cán bộ, công nhân ngành Than và tỉnh Quảng Ninh. Đây là một sự kiện lịch sử ghi dấu ấn không thể quên trong công nhân, cán bộ ngành Than, cho cả giai cấp công nhân Quảng Ninh.

Học tập và làm theo lời Bác, các thế hệ công nhân Vùng mỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng từ những ngày đầu đấu tranh giành độc lập dân tộc và sau này trong các cuộc kháng chiến cứu quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã dệt nên truyền thống đấu tranh bất khuất, anh hùng, “Kỷ luật và Đồng tâm”. Với tinh thần “sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”, những người thợ mỏ đã thi đua không ngừng xây dựng hình ảnh và thương hiệu của một Tập đoàn lớn, và ở mọi thời điểm, ngành Than luôn khẳng định vị trí vững vàng, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, khắc ghi lời Bác căn dặn “sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”.

9. Thu Chung. Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” là sức mạnh nội sinh của miền Mỏ bất khuất/Thu Chung//Quảng Ninh.-2021.-Ngày 07 tháng 11 (Số 11088).-Tr.

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công nhân Mỏ, truyền thống ngành Than, trong sáng 7/11, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy và một số đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tới thăm khu Miếu Mỏ - Di tích lịch sử Địa điểm khai thác tấn than đầu tiên Việt Nam tại xã Yên Thọ (TX Đông Triều) và xuống giếng Vàng Danh gặp gỡ, động viên cán bộ công nhân đang trực tiếp lao động sản xuất tại đơn vị khai thác 7 (Công ty Cổ phần than Vàng Danh – Vinacomin).

Bày tỏ sự xúc động trước truyền thống quý báu của giai cấp công nhân tỉnh Quảng Ninh nói chung và ngành Than nói riêng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Cùng với Quảng trường 12/11 ở TP Cẩm Phả, ghi dấu nơi diễn ra cuộc Tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936. Di tích Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam ở vùng than Đông Triều mãi là niềm tự hào về lịch sử hình thành giai cấp công nhân mỏ và truyền thống lịch sử công cuộc khai mỏ của các thế hệ thợ mỏ ngành Than Việt Nam. Đây không chỉ là công trình mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh, nhớ về cội nguồn, mà còn là sự nhắc nhở các thế hệ ngành Than hôm nay và ngày mai luôn chăm lo tốt hơn đến người lao động, đưa ngành Than phát triển mạnh mẽ hơn. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mỗi người thợ mỏ cũng phải là một chiến sỹ vừa thi đua lao động sản xuất vừa tích cực chủ động phòng, chống giặc Covid-19.

Cùng với Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn, cán bộ, công nhân ngành Than tiếp tục kề vai, sát cánh phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” - sức mạnh nội sinh của miền Mỏ bất khuất, quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, ngành Than là ngành kinh tế “gương mẫu” như lời Bác Hồ căn dặn; góp phần đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh điển hình về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn để mọi người dân, công nhân lao động được thụ hưởng thành quả của sự phát triển”.

10. Hoàng Yến. Những chiến sĩ trên mặt trận sản xuất than/Hoàng Yến//Quảng Ninh.-2021.-Ngày 22 tháng 10 (số 11074).-Tr.2.

Trên mặt trận sản xuất than, thợ mỏ luôn kiên cường như những người chiến sĩ ngày đêm bám trụ với từng tầng than cao, từng đường lò sâu, khơi nguồn than mới phục vụ nền kinh tế đất nước. Vì nhiệm vụ, rất nhiều người trong số họ đã gác lại nỗi nhớ gia đình, vợ con ở quê để tập trung sản xuất, chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch của địa phương, của ngành, chung tay bảo vệ Quảng Ninh - vùng xanh an toàn và cũng chính là quê hương thứ hai của những người thợ mỏ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ đầu năm 2021 đến nay, TKV chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực tuyên truyền, vận động công nhân lao động hạn chế tối đa di chuyển ra khỏi tỉnh nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động và đáp ứng lực lượng lao động cho sản xuất. Đặc biệt, trong quý IV - cao điểm về sản xuất của ngành Than, các mỏ tập trung tối đa nhân lực, thiết bị để đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng của Tập đoàn. TKV đặt mục tiêu cao trong quý IV/2021 sản xuất từ 1,5-2 triệu tấn than, cùng Tổng Công ty Đông Bắc đóng góp tích cực cho tăng trưởng GRDP cho tỉnh; đảm bảo đời sống, việc làm, thu nhập cho 80.000 công nhân lao động Vùng mỏ. Đây có thể nói là nỗ lực vượt bậc của TKV thời điểm này.

Để hoàn thành nhiệm vụ tăng sản lượng trong bối cảnh vẫn phải thắt chặt các phòng tuyến phòng chống dịch Covid-19, hơn lúc nào hết, ngành Than cần sự chung sức đồng lòng của những người thợ mỏ, những người chiến sĩ trên mặt trận sản xuất than.

11. Huỳnh Đăng. Truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm"-Trụ cột văn hóa của TKV /Huỳnh Đăng//Quảng Ninh cuối tuần.-2021.- Số 987 (Ngày 14 tháng 3).-Tr.6,7.

Kế thừa và phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” trong xây dựng văn hóa thợ mỏ thời kỳ mới là một nhu cầu tất yếu, có ý nghĩa chính trị sâu sắc trong chiến lược xây dựng Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.

Nội dung của bài viết đưa ra những nhận định của một số tác giả về truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” trong văn hóa của Tập đoàn Than - Kháng sản Việt Nam: Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc, Chủ nhiệm Đề án khoa học “Phát huy truyền thống văn hóa thợ mỏ trong thời kỳ mới” cho rằng truyền thống "Kỷ luật và đồng tâm" là tài sản tinh thần vô giá - văn hóa phi vật thể; Tiến sĩ Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhận định: Kỷ luật và đồng tâm là một trong những truyền thống văn hóa có sức mạnh của ngành Than; PGS. TS Hoàng Thanh Xuân, Trường Đại học Công đoàn, nhận định: Giá trị cốt lõi của kỷ luật và đồng tâm là một trong những nội dung cơ bản cấu thành văn hóa doanh nghiệp của TKV đã có gần 100 năm nay; theo ông Đặng Thanh Hải, phải để cho văn hóa “Kỷ luật và đồng tâm” luôn nằm trong ý thức và cả tiềm thức của mọi cán bộ, công nhân qua các thời kỳ.

Việc gìn giữ và phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của những người thợ mỏ phải gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển SXKD của Tập đoàn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng thực thi nhiệm vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ công nhân mỏ đáp ứng yêu cầu giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

12. Huỳnh Đăng. Những di tích lịch sử về ngày giải phóng khu mỏ/ Huỳnh Đăng// Quảng Ninh cuối tuần .-2021.- Ngày 25 tháng 04.-Tr.6.7.

Cách đây 64 năm, Vùng mỏ rực rỡ cờ hoa, muôn người chung một niềm hân hoan, vỡ òa hạnh phúc! Đó là ngày bộ đội ta tiến về tiếp quản Vùng than, chấm dứt hơn 70 năm thực dân Pháp cai trị.

Bài viết của tác giả Huỳnh Đăng có tựa đề “Những di tích lịch sử về ngày giải phóng khu mỏ” đã giới thiệu đến bạn đọc những di tích lịch sử gắn với giải phóng khu mỏ. Hiện nay, ở Hạ Long và Cẩm Phả còn nhiều di tích liên quan đến sự kiện ta tiếp quản Vùng mỏ năm 1955. Đó là những di sản vật thể vô cùng quý giá, những chứng tích ghi dấu một giai đoạn hào hùng trong lịch sử tỉnh Quảng Ninh. Tại Hạ Long tiêu biểu là một số di tích như cổng vòm kiên cố và trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ; Di tích nhà giam của thực dân Pháp; khu nhà hai tầng của chủ mỏ ngày xưa, hiện nay vẫn là nơi làm việc của cán bộ nhân viên Trung tâm Điều hành sản xuất Than tại Quảng Ninh, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Bến phà Bãi Cháy Trưa ngày 24/4/1955, tên lính Pháp cuối cùng rút xuống tàu ở bến phà Bãi Cháy (phía Hòn Gai), như là dấu chấm hết của 72 năm thực dân Pháp chiếm đóng và khai thác các mỏ than Quảng Ninh. Từ đây, lịch sử của Vùng mỏ mở sang một trang mới.

Tại Cẩm Phả: Khu di tích Vũng Đục ở phường Cẩm Đông thành phố Cẩm Phả tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của những công nhân mỏ ưu tú, đã chịu đựng những đòn tra tấn dã man để bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng; nhà làm việc của Vavasseur - viên quan đại lý người Pháp có chức vụ cao nhất ở Cẩm Phả. Bên cạnh đó, còn nhiều di tích khác như: Núi Bài Thơ và cảng Cửa Ông, nơi cắm cờ Tổ quốc ngày tiếp quản Vùng mỏ. Cầu trục Poóc-tích số 1 Xí nghiệp Bến Cửa Ông là một trong 7 cầu trục do Pháp thiết kế và chế tạo, cầu trục Poóc-tích số 1 với công suất thiết kế ban đầu là 52 tấn/giờ được đưa vào sử dụng từ ngày 1/1/1928. Ngày 25/4, lá cờ Tổ quốc tung bay ở đây đánh dấu sự kiện Vùng mỏ hoàn toàn được làm chủ.

Thời gian dẫu có đi qua, nhưng những di tích lịch sử về ngày giải phóng khu mỏ vẫn vẹn nguyên giá trị, nhắc nhở mỗi người dân Đất mỏ về truyền thống đấu tranh hào hùng của người thợ mỏ.

Phòng Công tác bạn đọc

Gọi điện: 0203.6500.163
Facebook Youtube
wiget Chat Zalo