Mở cửa các ngày từ Thứ 3 – Chủ Nhật hàng tuần. Buổi sáng từ 7h30 - 12h00. Buổi chiều từ 13h30 - 16h30
Tin tức nổi bật

Hội nghị Sơ kết 05 năm thi hành Luật Thư viện

Ngày 16-11-2024 Lượt xem: 47

   Sáng 15/11, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Sơ kết 05 năm thi hành Luật Thư viện.

   Tham dự Hội nghị có đồng chí Trịnh Thị Thủy – Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), đồng chí Phạm S – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Kiều Thúy Nga – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ VHTTDL, Vụ trưởng Vụ Thư viện; lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, các đơn vị thuộc: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ VHTTDL, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam…; đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh/thành phố, thư viện công cộng cấp tỉnh, thư viện chuyên ngành, thư viện lực lượng vũ trang, thư viện đại học, cơ sở đào tạo ngành thư viện…

Toan Canh

Toàn cảnh Hội nghị

   Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh: Luật Thư viện số 46/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2019 là dấu mốc quan trọng đối với ngành thư viện, mở ra một thời kỳ mới trong phát triển thư viện và văn hóa đọc của đất nước. Cùng với các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, Luật Thư viện đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, điều chỉnh, thúc đẩy sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc phát triển, khẳng định vai trò của thư viện trong truyền bá tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại, góp phần tạo môi trường học tập suốt đời của nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Tuy nhiên, việc thực thi triển khai Luật Thư viện còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế và bất cập cần tháo gỡ. 05 năm qua, hoạt động thư viện tuy có đổi mới và khởi sắc nhưng chưa thực sự có bứt phá để thực hiện đúng vai trò của mình. Thứ trưởng đề nghị các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, người làm công tác thư viện làm rõ một số nội dung về tình hình triển khai và kết quả thực thi Luật Thư viện; các điều kiện bảo đảm và tuân thủ Luật Thư viện; thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ; bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai Luật Thư viện.

Thu Truong

Đồng chí Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu tại Hội nghị

   Tại Hội nghị, đồng chí Kiều Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Thư viện đã trình bày báo cáo sơ kết 05 năm thi hành Luật Thư viện. Theo đó, sau 5 năm triển khai thi hành Luật hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thư viện được Bộ VHTTDL cùng các Bộ, ngành liên quan trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền kịp thời, đầy đủ bảo đảm phù hợp với phân công của Chính phủ và đề nghị của các đơn vị, là cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thư viện áp dụng thực hiện đồng bộ, không bị áp đặt ý chí chủ quan của các bên liên quan trong thi hành Luật. Mạng lưới thư viện tiếp tục được duy trì, củng cố và phối hợp với các thiết chế khác tạo thành môi trường văn hóa tại cơ sở phục vụ trực tiếp người dân. Với nguyên tắc “lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm”, các thư viện đã chủ động đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh các loại hình đưa sách báo, thông tin đến tận nơi cho người dân thông qua các hoạt động luân chuyển, phục vụ lưu động, trực tuyến…; các sản phẩm, dịch vụ thông tin – thư viện ngày càng bám sát, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng… Hoạt động thư viện được chuẩn hóa, hiện đại hóa, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thư viện số và đẩy mạnh liên kết, chia sẻ giữa các thư viện ngày hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu sử dụng của mọi đối tượng trong thời kỳ chuyển đổi số…

   Phát triển văn hóa đọc đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng khích lệ; cộng đồng và xã hội cùng chung tay mở rộng môi trường đọc, phong trào đọc sách và các hoạt động khuyến đọc được tổ chức khắp các thư viện, công sở, trường học, cộng đồng góp phần lan tỏa phong trào đọc sách tới từng gia đình, từng thôn xóm, bản làng… Hành lang pháp lý đã tạo điều kiện để người dân trở thành chủ thể chính trong hoạt động thư viện, được quyền thành lập, hoạt động và sử dụng thư viện; thư viện, phòng đọc ngoài công lập phát triển, hoạt động xã hội hóa lan rộng…

C.nga

Đồng chí Kiều Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Thư viện trình bày Báo cáo Sơ kết tại Hội nghị

   Tuy nhiên, 05 năm qua, với sự bùng nổ của thông tin, sự thay đổi thói quen đọc của người Việt Nam, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, việc thực thi triển khai Luật Thư viện còn khiêm tốn. Nhận thức tại một số bộ, ngành, địa phương về vai trò của thư viện đối với việc xây dựng môi trường văn hóa còn hạn chế, dẫn đến việc chưa quan tâm và đầu tư cho hoạt động thư viện, cũng như công tác phối hợp thực hiện còn chưa được đồng bộ. Hiện nay, nhiều thư viện chưa đáp ứng điều kiện thành lập, đặc biệt một số thư viện cấp tỉnh chưa có hoặc bị thu hẹp trụ sở, kinh phí ít khiến thư viện không đủ năng lực để triển khai hoạt động, không thực hiện được đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình. Các hoạt động liên thông thư viện, công tác xã hội hóa còn chưa bền vững. Tuy có sự gia tăng của phòng đọc cơ sở và không gian đọc cơ sở nhưng thư viện cơ sở lại giảm mạnh (thư viện cấp xã đã giảm 8,6% so với năm 2022); chính sách ưu đãi trong xã hội hóa (chính sách về đất đai, thuế,…) cho hoạt động thư viện chưa được cụ thể hóa trong pháp luật chuyên ngành nên việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho thư viện và phát triển văn hóa đọc còn hạn chế…

   Các tham luận trình bày tại Hội nghị tập trung vào các nội dung: Đánh giá sơ kết tình hình triển khai và kết quả 05 năm thực thi Luật Thư viện; Các điều kiện bảo đảm và tuân thủ Luật Thư viện; Thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ; bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai Luật Thư viện; Đánh giá thực tiễn triển khai các quy định, một số nội dung chính của Luật Thư viện như: quản lý, củng cố và phát triển mạng lưới thư viện; đổi mới hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc gắn với việc xây dựng môi trường văn hóa tại cơ sở, phục vụ người dân tự đọc, tự học suốt đời; thực hiện phân cấp trong quản lý hoạt động thư viện; mô hình thư viện hoạt động hiệu quả; công tác xã hội hóa và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thư viện; Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, xã hội đối với việc phát triển thư viện, văn hóa đọc trong cộng đồng, xây dựng xã hội học tập; giải pháp xây dựng và duy trì thói quen đọc sách; Đề xuất, kiến nghị, giải pháp hoàn thiện thể chế; tăng cường hiệu lực và tổ chức thi hành có hiệu quả Luật Thư viện.

Doan Chu Toa

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị

   Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt, phối hợp của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, biểu dương các Sở VHTTDL, Sở, ban, ngành liên quan, đặc biệt là các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam suốt 05 năm qua đã không ngừng cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn để triển khai hiệu quả Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành góp phần tích cực vào công tác điều hành, quản lý vĩ mô của Chính phủ cũng như tiến trình phát triển kinh tế xã hội ở nước ta giai đoạn vừa qua. Để tiếp tục đổi mới, phát triển toàn diện, nâng cao vị thế của ngành thư viện và triển khai có hiệu quả Luật Thư viện, Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị trong Bộ VHTTDL, các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện thật tốt một số nội dung sau:

   (1) Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác truyền thông, đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của các cấp, các ngành của toàn xã hội về vai trò thư viện và phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số. Hiệu quả của thư viện và phát triển văn hóa đọc đối với mỗi con người, xã hội cần thời gian tương đối dài, vì vậy phải kiên trì và có chiến lược truyền thông hiệu quả, sáng tạo, áp dụng các phương thức hiện đại để nâng cao khả năng tiếp cận, tính hấp dẫn, thu hút người dân.

   (2) Rà soát, hoàn thiện thể chế, tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật Thư viện: Luật Thư viện hiện cần văn bản dưới Luật để tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong tổ chức thi hành, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho các thư viện đổi mới, sáng tạo. Theo đó tập trung: tổng hợp, để kiến nghị Chính phủ bổ sung các chính sách cho thư viện trong các pháp luật chuyên ngành khác; xây dựng các văn bản hướng dẫn chuyên ngành như: phát triển tài nguyên thông tin, dịch vụ thư viện, xây dựng nền tảng thư viện số dùng chung, các chuẩn mang tính nguyên tắc trong liên thông, chia sẻ dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực… Thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách để nhận được sự quan tâm, tạo sự đồng thuận từ khi xây dựng văn bản.

   (3) Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thư viện.

   (4) Đối với các thư viện, chủ thể thi hành Luật Thư viện, đề nghị lãnh đạo các thư viện tích cực, chủ động tham mưu, sáng tạo trong tổ chức đổi mới hoạt động thư viện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện, phát triển thư viện số, tài nguyên số, tài nguyên số dùng chung; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực thư viện và phát triển thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng.

   (5) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thư viện.

   Thứ trưởng tin tưởng sau Hội nghị, những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thư viện sẽ dần được khắc phục; tính đồng bộ, thống nhất trong tổ chức các hoạt động phát triển thư viện, văn hóa đọc sẽ được cụ thể hóa trong chương trình, kế hoạch của các Bộ, ngành, địa phương; tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp giữa các thư viện, chủ thể thi hành Luật Thư viện ngày càng chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, cùng hướng tới mục tiêu vì sự phát triển chung.

Trien Lam

Trien Lam1

Đại biểu tham quan không gian trưng bày, triển lãm hình ảnh triển khai thực thi

Luật Thư viện trong hoạt động phát triển thư viện và văn hóa đọc

Chiều cùng ngày, Hội nghị tiếp tục chương trình thảo luận nhóm, trong đó các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, phân tích và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện công tác triển khai Luật Thư viện, dựa trên những kết quả đạt được cũng như hạn chế, khó khăn, vướng mắc đã được trình bày trong Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện.

Agiang Thao Luan

Tinh Thao Luan

A Nhat Thao Luan

Chương trình thảo luận nhóm tại Hội nghị

Chup Anh Tt

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

Nguồn: Phương Nhung - Vụ Thư viện

Gọi điện: 0203.6500.163
Facebook Youtube
wiget Chat Zalo