Mở cửa các ngày từ Thứ 3 – Chủ Nhật hàng tuần. Buổi sáng từ 7h30 - 12h00. Buổi chiều từ 13h30 - 16h30
Tin tức nổi bật

Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào – Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du ( 1765 – 2015)

Ngày 26-11-2015 Lượt xem: 89

Nguyễn Du (1765-1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Cha ông là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm (1708-1776), làm quan đến chức Tham Tụng (Tể tướng) dưới triều Lê, mẹ là bà Trần Thị Tần quê ở Kinh Bắc.
         Năm Tân Mão (1771), Nguyễn Nghiễm thôi giữ chức Tể tướng, Nguyễn Du theo cha về quê, đến năm 13 tuổi thì mồ côi cả cha lẫn mẹ. Sau đó, Nguyễn Du lấy vợ là bà Đoàn Thị Huệ, người làng An Hải, huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam (nay là tỉnh Thái Bình), con gái của tiến sỹ Đoàn Nguyễn Thục.
          Năm Nhâm Tuất (1802), Gia Long lên ngôi, Nguyễn Du được bổ làm Tri huyện Phù Dung (phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam); tháng 11 làm Tri phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (tỉnh Hà Tây). Năm Quý Hợi (1803), được cử cùng phái bộ nghênh tiếp sứ thần nhà Thanh sang sắc phong cho vua Gia Long. Mùa thu năm Giáp Tý (1804), Nguyễn Du cáo bệnh về quê. Năm Ất Sửu (1805), được thăng Đông Các Đại học sĩ, tước Du Đức hầu (hàm ngũ phẩm). Tháng 9 năm Đinh Mão (1807) giữ chức giám khảo thi Hương ở Hải Dương, sau xin về quê. Năm Kỷ Tỵ (1809), ông giữ chức Cai Bạ tỉnh Quảng Bình. Tháng 9 năm Nhâm Tuất (1812), được thăng hàm Cần Chánh điện học sĩ, cử đi sứ Trung Quốc với tư cách là Tuế cống Chánh sứ. Tháng 4 năm Giáp Tuất (1814), Nguyễn Du trở về nước, có tập thơ “Bắc Hành tạp lục” và được vua Gia Long thăng chức Hữu Tham tri bộ Lễ (hàm Tam phẩm). Mùa thu năm Kỷ Mão (1819), được cử làm Đề điệu trường thi Quảng Nam, ông dâng biểu từ chối, được chuẩn y. Ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (6/9/1820), Nguyễn Du bị cảm bệnh và mất tại kinh thành Huế, hưởng thọ 55 tuổi.

               
      Tượng đài Nguyễn Du tại khu di tích Quốc gia đặc biệt, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh
         

           Ông là người thông minh học rộng, thông hiểu cả Nho, Phật, Đạo. Cuộc đời của Nguyễn Du đã trải qua nhiều biến cố lịch sử qua ba triều đại: Lê - Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn với những năm tháng khốn cùng, đói rét, không cơm ăn, áo mặc, anh em ly tán và tận mắt chứng kiến cảnh “bãi bể hóa nương dâu”, cảnh sống xa hoa đồi trụy cũng như sự thống trị tàn bạo của giai cấp phong kiến.
Bằng vốn sống phong phú, sự hiểu biết sâu rộng và một trái tim đầy yêu thương, thông cảm với những đau khổ, lầm than của nhân dân, Nguyễn Du đã để lại một di sản văn chương đồ sộ với những tác phẩm kiệt xuất bằng chữ Nôm và chữ Hán như Thanh Hiên thi tập (78 bài), Nam trung tạp ngâm (40 bài), Bắc hành tạp lục (132 bài), Thác lời trai phường nón, Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu… Trong đó, nổi bật có Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh - 148 câu) và Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh - 3254 câu) được đánh giá là tác phẩm tiêu biểu, sâu sắc nhất, góp công lớn trong việc đưa ngôn ngữ văn học tiếng Việt lên trình độ điêu luyện. Bởi vậy, Nguyễn Du được suy tôn danh hiệu Đại thi hào Dân tộc và Danh nhân văn hóa Thế giới.
         Nhắc đến di sản Nguyễn Du là nhắc đến những tập thơ chữ Hán chứa đầy suy tư, trắc ẩn nhưng tầm vóc vĩ đại của Nguyễn Du trước hết gắn liền với tập thơ chữ Nôm: “Đoạn trường tân thanh” mà chúng ta vẫn quen gọi là Truyện Kiều. Trên cơ sở cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du đã sáng tạo nên một sản phẩm hoàn hảo, có ý nghĩa như một bách khoa thư về đời sống. Nhiều nhân vật của Nguyễn Du, dù chỉ được phác họa trong một vài câu thơ, cũng đã thành những nhân vật điển hình. Nhiều nhân vật bước ra ngoài trang sách, thành biểu trưng cho một loại người, một tính người trong xã hội. Điều này, Thanh Tâm Tài Nhân không làm được và không phải nghệ sĩ lớn nào cũng làm được.

          
                                       Tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du
         

         Sinh thời, Nguyễn Du vì đau đớn bởi sự cô độc giữa thời thế, giữa nhân tình thế thái đã thốt lên: “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Không biết hơn ba trăm năm sau, thiên hạ có ai là người khóc Tố Như). Nhưng hơn hai trăm năm qua ở Việt Nam, di sản vô giá, đặc biệt là Truyện Kiều của Nguyễn Du không ngừng lan tỏa và được khám phá trên nhiều phương diện khác nhau. Có thể nói, ở đâu trên đất nước này, nơi nào có cuộc sống, ở đó có Nguyễn Du. Từ những người trí thức đến người lao động bình thường, không ai không thuộc hoặc không đọc, không nghe một vài câu Kiều của Nguyễn Du. Đối với dân tộc Việt Nam, di sản văn hóa của Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam qua tài năng trác tuyệt của ông và cùng với thời gian, di sản ấy đã trở thành một phần tinh hoa văn hóa nhân loại.
           Với những cống hiến của Đại thi hào Nguyễn Du cho nền văn học nước nhà và sự phát triển văn hóa của nhân loại, tháng 12/1964, tại thành phố Béclin (Đức) Hội đồng Hòa bình thế giới ra quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du (1675-1965) cùng với 8 danh nhân văn hoá trên toàn thế giới. Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã có Chỉ thị số 112-CT/TW ngày 26/10/1965 "Về việc kỷ niệm Nguyễn Du". Đây là cột mốc lớn trong việc nghiên cứu, khẳng định và tôn vinh giá trị văn hóa của Nguyễn Du và Truyện Kiều.
          Ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) họp ở Paris đã chính thức ban hành Quyết định số 37C/15 vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107 danh nhân văn hóa toàn thế giới. Theo đó, hoạt động tôn vinh sẽ được triển khai cấp nhà nước ở Việt Nam và tại các nước trong cộng đồng UNESCO (niên độ 2014 -2015).

           

Quang cảnh Hội thảo quốc tế “Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức (08/08/2015)
          

          Nhân kỷ niệm 250 ngày sinh của ông, cả nước đang náo nức diễn ra hàng loạt những hoạt động nổi bật như Hội thảo quốc tế “Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức; cuộc thi “Tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều”... và nhiều hoạt động tọa đàm, trưng bày triển lãm các tác phẩm có giá trị văn hóa về Nguyễn Du được diễn ra trên khắp cả nước. Theo dự kiến, lễ kỷ niệm cấp quốc gia kỷ niệm 250 năm Ngày sinh và vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du sẽ được tổ chức trọng thể tại thành phố Hà Tĩnh từ ngày 3-12 đến ngày 5-12-2015.
           Hòa chung không khí kỷ niệm 250 ngày sinh Đại thi hào dân tộc – Danh nhân văn hóa Nguyễn Du trên cả nước, tại thư viện tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức trưng bày triển lãm các tài liệu nghiên cứu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du, các tác phẩm sẽ giúp cho bạn đọc có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn tư liệu quý, khai thác những thông tin hữu ích để thêm yêu, thêm hiểu và tự hào về Đại thi hào Nguyễn Du của dân tộc Việt Nam.
Một số hình ảnh tài liệu trưng bày tại Thư viện tỉnh Quảng Ninh:

  

                                                                                                 Nguyễn Quỳnh

Gọi điện: 0203.6500.163
Facebook Youtube
wiget Chat Zalo