Ngày 12/11/1936, Cuộc Tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Đặc Khu ủy Hồng Gai - Cẩm Phả, đòi giới chủ mỏ phải chấp nhận những yêu sách của công nhân, đã giành thắng lợi vang dội, đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh về chất của đội ngũ công nhân mỏ. Khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm, chúng ta nhất định thắng” gắn liền với truyền thống của công nhân Vùng than ra đời từ đó. Những người công nhân mỏ tự hào với Ngày truyền thống của mình, mà không phải ngành công nghiệp nào cũng có.
CBCN-LĐ Công ty CP Than Đèo Nai - TKV trao đổi công việc trước ca sản xuất.
Khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm, chúng ta nhất định thắng” như là cương lĩnh của thợ mỏ, đã đi vào lịch sử truyền thống như một sự sáng tạo độc đáo trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam. Bác Hồ đã dạy: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc...”. Nói đến quân đội đánh giặc là nói đến kỷ luật thép. Đặc thù của nghề nghiệp đòi hỏi người công nhân phải có tính kỷ luật và đồng tâm cao, mà cụ thể là ý thức thực hiện nội quy lao động, quy trình kỹ thuật, tác phong công nghiệp, đồng tâm để vượt khó. Vì vậy, “Kỷ luật và Đồng tâm” là nét văn hóa cốt lõi, trung tâm của thợ mỏ Quảng Ninh. Chính truyền thống văn hóa ấy mà bao năm nay, trong một môi trường làm việc khắc nghiệt, nhưng thợ mỏ vẫn vượt qua, xây dựng ngành Than phát triển, sản xuất nhiều vàng đen cho Tổ quốc.
Những phút nghỉ ngơi giữa ca của thợ mỏ Công ty Than Nam Mẫu -TKV.
Trong "cơn bão" Covid-19 gần 2 năm qua, chính từ tinh thần kỷ luật, đồng tâm, thợ mỏ đã cùng nhau chiến thắng đại dịch, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, cùng tỉnh gánh vác một phần trọng trách phát triển kinh tế khi những ngành nghề khác bị ngừng trệ.
Trong trận mưa lũ lịch sử năm 2015, ngành Than gặp nhiều thiệt hại, khó khăn trong sản xuất. Chính tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm" đã giúp CB,CN-LĐ ngành Than sớm khắc phục hậu quả. Những mỏ bị ảnh hưởng nhẹ thì hỗ trợ về người, phương tiện, vật chất cho những mỏ bị ngập nặng hơn. Thợ mỏ sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo” khi mỏ thiệt hại nhẹ hơn đón nhận hàng nghìn lao động của những mỏ bị tê liệt sang làm. Họ cũng sẵn sàng quên mình cứu đồng đội. “Chẳng bao giờ em quên được những ngày đó...” - Nguyễn Văn Trưởng (SN 1989), công nhân cơ điện Phân xưởng Sản xuất số 5 (Công ty Than Hòn Gai -TKV), khi đó đã không quản nguy hiểm cứu sống 10 đồng nghiệp bị mắc kẹt trong vụ bục nước tại lò DV-95V6TC, Phân xưởng Sản xuất số 5.
Những câu chuyện đó đã cho chúng ta thấu hiểu sâu sắc về văn hóa, tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm", tình đồng nghiệp, yêu thương giúp đỡ nhau của thợ mỏ.
Thợ mỏ nêu cao tinh thần quyết tâm kỷ luật trong phòng chống đại dịch Covid-19 (Trong ảnh: Đo thân nhiệt cho thợ mỏ than Hà Lầm trước khi vào ca sản xuất)
Cùng với đó, văn hoá văn nghệ công nhân mỏ thời gian qua cũng trở thành nét đặc trưng chỉ có ở công nhân mỏ, công nhân ngành Than. Nét đặc trưng này thể hiện trong công việc, trong đời sống, trong sinh hoạt của người thợ và là niềm tự hào thợ mỏ ngành Than.
Chính những nét văn hóa đặc trưng của thợ mỏ đã giúp cho ngành Than vượt qua mọi khó khăn trong các thời kỳ, trở thành một Tập đoàn vững mạnh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Vì thế, trong hành trình phát triển, ngành Than luôn quan tâm bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp trong văn hoá thợ mỏ... "Văn hóa thợ mỏ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và ngày càng đặt ra cấp thiết trong giai đoạn hiện nay với TKV trên hành trình phát triển bền vững của mình. Phát huy cao độ truyền thống văn hoá thợ mỏ trong thời kỳ mới sẽ góp phần định vị, củng cố và nâng tầm thương hiệu TKV trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn, khẳng định.
Nguồn: Báo Quảng Ninh