Mở cửa các ngày từ Thứ 3 – Chủ Nhật hàng tuần. Buổi sáng từ 7h30 - 12h00. Buổi chiều từ 13h30 - 16h30
Tin tức về Quảng Ninh

Mãi tỏa sáng tinh thần Cách mạng Tháng Tám

Ngày 19-08-2021 Lượt xem: 146

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử, là niềm tự hào của cả dân tộc. Những bài học ý nghĩa, sáng tạo từ cuộc cách mạng để lại vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước hôm nay. Tự hào truyền thống, nhân dân Vùng mỏ Quảng Ninh không ngừng nỗ lực, đoàn kết, đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng quê hương, đất nước vững bước trên mỗi chặng đường phát triển mới.

hân dân Hà Nội tham gia mít tinh ủng hộ Mặt trận Việt Minh tại Nhà Hát lớn Hà Nội, ngày 17/8/1945. (Ảnh tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Sức mạnh từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Cách đây đúng 76 năm, ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm nên cuộc cách mạng vĩ đại, một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta trong thế kỷ XX.

Theo lời hiệu triệu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 25 triệu đồng bào trong cả nước đã nhất tề đứng dậy tiến hành các cuộc biểu tình, mít tinh, vũ trang thị uy chiếm công sở, cơ quan của địch, xóa bỏ hệ thống cai trị của chế độ cũ, khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng. Ngày 19/8/1945, Hà Nội giành chính quyền thắng lợi đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân cả nước khẩn trương tiến hành khởi nghĩa, ngày 23/8 giành chính quyền ở Huế, ngày 25/8 giành chính quyền ở Sài Gòn, cuộc Tổng khởi nghĩa cả nước giành thắng lợi.

Góp phần vào thắng lợi của cả dân tộc trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, quân và dân Vùng mỏ đã đứng lên đấu tranh, Quảng Ninh là địa phương giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Ngày 8/6/1945, tại Đông Triều, lực lượng vũ trang cách mạng đã đồng loạt tấn công đánh chiếm các đồn Đông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch, Chí Linh... giành được chính quyền về tay nhân dân.

Chiều 8/6/1945 một cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở Hổ Lao (Đông Triều), chính thức tuyên bố thành lập “Đệ tứ Chiến khu”, lập Ủy ban Quân sự cách mạng, lập Đội vũ trang tuyên truyền. Ngày 20/7/1945, quân cách mạng Đệ tứ Chiến khu Đông Triều đã đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên, phá bỏ bộ máy chính quyền bù nhìn cấp tỉnh. Đây cũng là cuộc khởi nghĩa từng phần kế tiếp các cuộc khởi nghĩa từng phần trước đây của du kích Chiến khu Đông Triều, chuẩn bị điều kiện tiến lên Tổng khởi nghĩa.

Ủy ban Quân quản vào tiếp quản TX Hòn Gai ngày 25/4/1955. (Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh)

Ngày 19/8/1945, nhân dân Hà Nội giành được chính quyền trọn vẹn. Tin vui này đã thôi thúc nhân dân Quảng Ninh tiếp tục đứng lên. Ngày 24/8/1945, tại TX Quảng Yên, UBND Cách mạng lâm thời của tỉnh đã ra mắt nhân dân. Đêm 25/8, nhận được lệnh, một đơn vị vũ trang của Chiến khu Trần Hưng Đạo đã cấp tốc hành quân về Hòn Gai; chiều 26/8, ta tổ chức cuộc biểu dương lực lượng lớn và sau đó là cuộc mít tinh của hàng nghìn quần chúng cách mạng, tay giương cao cờ đỏ sao vàng, miệng hô vang: “Ủng hộ Việt Minh”, “Ủng hộ cách mạng giải phóng dân tộc”... Ở Cẩm Phả, ngày 27/8, ta tiếp tục lập chính quyền Cách mạng lâm thời ở Cẩm Phả, Cửa Ông và hầu hết các đảo ở Cẩm Phả (trừ 2 đảo Vạn Hoa và Cô Tô). Tiếp sau đó, ở các huyện miền Đông, một số nơi tiến hành khởi nghĩa tự quản, chính quyền cách mạng tại các huyện lần lượt được thành lập. Huyện Hải Chi (nay là huyện Ba Chẽ) là địa phương lập chính quyền cuối cùng vào ngày 4/10/1946.

Với khí thế cách mạng của cả nước, đồng bào, chiến sĩ, nhân dân Vùng mỏ đã vùng lên giành chính quyền, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương tiến hành giành chính quyền sớm nhất cả nước. Từ đó, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cả dân tộc trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Có thể thấy, Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân chống thực dân, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”

Qua 76 năm kể từ mùa thu lịch sử năm 1945, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

g

Một góc TP Hạ Long hôm nay.

Trong hành trình chung của đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, tìm mọi giải pháp để tận dụng thời cơ, khắc phục khó khăn, khai thác hiệu quả tiềm năng và những lợi thế của tỉnh, huy động và phát huy tốt các nguồn lực cho sự phát triển, đạt được nhiều thành quả quan trọng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, đổi mới đất nước.

Những năm gần đây, Quảng Ninh ghi nhiều dấu ấn đặc biệt về một địa phương năng động, sáng tạo, mạnh dạn đổi mới.  Tỉnh đã quyết tâm thực hiện các đột phá về thể chế, tổ chức, bộ máy; quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo cán bộ, xây dựng nguồn lực con người; xây dựng mô hình mới về phương thức đầu tư, quản lý, cải cách hành chính, chính quyền điện tử... Song song với đó, tỉnh tích cực thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5, 6...

Tỉnh Quảng Ninh nhận Cúp quán quân PCI năm 2020.

Tỉnh Quảng Ninh nhận Cúp quán quân PCI năm 2020.

Vận dụng những bài học kinh nghiệm, tinh hoa của Cách mạng Tháng Tám, Quảng Ninh đã thực hiện thành công hai nhiệm vụ trọng tâm chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm gần đây, kinh tế của tỉnh phát triển toàn diện, quy mô và sức cạnh tranh được nâng lên rõ rệt. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ. Thu ngân sách luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước. Quảng Ninh hiện là tỉnh duy nhất cả nước có 4 thành phố. Đặc biệt, về đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, với quan điểm “Giao thông đi trước một bước”, đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh được ưu tiên đẩy nhanh xây dựng, hiện đại hóa. Qua đó, đã thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ, tạo nên những hành lang, không gian phát triển mới. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao hơn trước. Quốc phòng - an ninh được củng cố, giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được tăng cường theo hướng hiệu quả, thiết thực hơn bằng các hình thức hợp tác cụ thể.

Đặc biệt, 2 năm qua trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, tỉnh Quảng Ninh ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch. Trong giai đoạn này, truyền thống cách mạng hào hùng, với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của nhân dân Vùng mỏ tiếp tục được nêu cao. Với tinh thần "Chống dịch như chống giặc", Quảng Ninh chủ động thực hiện thành công phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở; nhanh chóng cô lập, “khóa chặt”, dập tắt ngay các ổ dịch… Một trong những điểm nhấn rõ nét là tỉnh đã tập trung ngăn chặn mọi nguồn lây nhiễm dịch từ bên ngoài vào địa bàn trên cả đường hàng không, đường bộ, đường biển, đường biên giới, đường mòn, lối mở; không để bị động, bất ngờ về mầm bệnh, ca bệnh, ổ dịch; xét nghiệm sàng lọc, tầm soát chủ động trong cộng đồng, trong các KCN, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở y tế; xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc-xin, phương án đảm bảo công tác y tế đối với tình huống khi tỉnh có 1.000 người mắc Covid-19. Để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, Quảng Ninh đã huy động tối đa nguồn nhân lực để triển khai tiêm chủng đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân.

Với cách làm quyết liệt, hiệu quả, đến nay Quảng Ninh vẫn giữ vững được địa bàn “An toàn - Ổn định trong trạng thái bình thường mới”. Đặc biệt, sự tin tưởng, ủng hộ và kỳ vọng của người dân vào các chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch của tỉnh ngày càng được củng cố và tăng lên. Sức sản xuất của các ngành kinh tế chủ lực vẫn được duy trì, đảm bảo mục tiêu kép. 7 tháng năm 2021, chỉ số phát triển công nghiệp IIP của Quảng Ninh tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng khi tăng 34,7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 6,1%; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 11,6%; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước...

Trên con đường phát triển, hào khí từ mùa thu Cách mạng Tháng Tám đã, đang và mãi mãi cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho tỉnh phát huy tối đa nội lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.

             Nguyễn Thanh - Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh

Gọi điện: 0203.6500.163
Facebook Youtube
wiget Chat Zalo