Mở cửa các ngày từ Thứ 3 – Chủ Nhật hàng tuần. Buổi sáng từ 7h30 - 12h00. Buổi chiều từ 13h30 - 16h30
Hoạt động thư viện

THƯ VIỆN TỈNH QUẢNG NINH - XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TÀI LIỆU ĐỊA CHÍ

Ngày 28-03-2025 Lượt xem: 87

   Tài liệu địa chí là loại tài liệu quý khắc họa diện mạo và phản ánh đa dạng các yếu tố về tự nhiên, kinh tế, xã hội, phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa của từng địa phương; đồng thời, chiếm một vị trí không thể thiếu trong hoạt động của hệ thống Thư viện công cộng, khẳng định vị trí quan trọng trong các thư viện hiện nay. Chính vì thế, công tác địa chí luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp, đặc biệt trong phong trào phát triển văn hóa đọc tại địa phương.

   Thực trạng công tác địa chí tại Thư viện tỉnh

   Quảng Ninh - mảnh đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc thù về điều kiện vị trí, địa hình, tự nhiên, xã hội, kinh tế, con người Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ người dân Quảng Ninh đã quần tụ trên dải đất địa linh nhân kiệt này tạo ra nền văn hóa giao thoa, hội tụ, ghi đậm dấu ấn lịch sử đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc ta. Những trang sử ấy đã được nhiều tác giả ghi lại xuất bản thành sách tập hợp tại kho tài liệu địa chí của Thư viện tỉnh Quảng Ninh.

   Ngay từ khi được thành lập, Thư viện tỉnh đã chú trọng và quan tâm tạo dựng kho tài liệu địa chí, phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội lâu dài của địa phương. Đồng thời, khai thác có hiệu quả các nguồn tài liệu địa chí phục vụ đông đảo bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Trong đó, có thể kể đến bốn nhóm đối tượng bạn đọc cơ bản: Lãnh đạo, quản lý các cấp; bạn đọc của Thư viện tỉnh; học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh; những người làm công tác tuyên truyền, giáo dục.

   Kho tài liệu địa chí của Thư viện tỉnh được hình thành từ năm 1956 đến nay có trên 2.500 tài liệu, gần 200 cuốn báo Quảng Ninh đóng bìa. Đây là những tài liệu tiêu biểu phản ánh tổng quan về tỉnh Quảng Ninh thông qua các nhóm chính: Chính trị xã hội; kinh tế - khoa học kỹ thuật; văn hóa nghệ thuật; tài liệu khác (Niên giám thống kê, kỷ yếu, tranh ảnh, bản đồ, biểu đồ,…)

        Biểu đồ thể hiện sự phân chia tài liệu địa chí trong các lĩnh vực

   Với hướng đi đúng đắn, đến nay công tác địa chí tại Thư viện tỉnh đã có kết quả đáng ghi nhận: Công tác sưu tầm, bổ sung tài liệu địa chí được chú trọng cả về số lượng và chất lượng; cung cấp nhiều tư liệu quý giá về địa phương phục vụ bạn đọc thực hiện các đề tài nghiên cứu, luận án, luận văn; góp phần vào việc xây dựng, bảo tồn và khai thác các di sản văn hóa địa phương; giáo dục truyền thống địa phương, tình yêu quê hương, đất nước, trách nhiệm nghĩa vụ đối với Tổ quốc cho bạn đọc và nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Một số tài liệu địa chí Quảng Ninh tiêu biểu


   

   Bổ sung tài liệu địa chí được chú trọng cả về số lượng và chất lượng; cung cấp nhiều tư liệu quý giá về địa phương phục vụ bạn đọc thực hiện các đề tài nghiên cứu, luận án, luận văn; góp phần vào việc xây dựng, bảo tồn và khai thác các di sản văn hóa địa phương; giáo dục truyền thống địa phương, tình yêu quê hương, đất nước, trách nhiệm nghĩa vụ đối với Tổ quốc cho bạn đọc và nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Hàng năm, lượt phục vụ tài liệu địa chí liên tục tăng. Bình quân mỗi năm thư viện phục vụ tài liệu địa chí cho khoảng 50-90 đề tài nghiên cứu khoa học, luận án, luận văn của các nghiên cứu viên, học sinh, sinh viên và đáp ứng nhu cầu đọc tin của các đối tượng bạn đọc tìm hiểu về địa danh, danh nhân, văn hóa, du lịch… tỉnh Quảng Ninh.

Bạn đọc sử dụng tài liệu địa chí tại phòng đọc tổng hợp, Thư viện tỉnh (Ảnh tư liệu)

   Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, việc xây dựng, phát triển nguồn tài liệu địa chí số hóa tại Thư viện tỉnh vẫn còn tồn tại một số khó khăn, đặc biệt là bản quyền tác giả, tác phẩm; các tài liệu luận văn, luận án thuộc nguồn tài liệu không công bố khó thu thập, bổ sung,... Trước những khó khăn đó, Thư viện tỉnh xác định điều cần thiết là biến thách thức thành cơ hội hành động, tìm những hướng đi mới phù hợp với tình hình mới.

   Nỗ lực đổi mới, sáng tạo

   Hiện nay, Thư viện tỉnh có trên 200.000 trang tài liệu địa chí số hóa; sưu tầm trên 6.000 trang thần tích, thần sắc; bảng kê văn bia thần tích, thần sắc; hương ước.

   Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên của công nghệ nghe nhìn tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa đọc nói chung và công tác địa chí nói riêng. Điều này tạo nên một nhu cầu thông tin mới, đặt ra cho Thư viện tỉnh nhiệm vụ phải thay đổi phương thức phục vụ, đổi mới tổ chức, quản lý thông tin, để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của các tầng lớp nhân dân, cũng như giải quyết các khó khăn còn tồn tại. Thư viện tỉnh cần có một hệ thống thông tin địa chí đầy đủ, phong phú về nội dung và đa dạng hơn về loại hình, đáp ứng yêu cầu dùng tin với nhiều phương thức khác nhau, đặc biệt là cung cấp thông tin địa chí toàn văn chính xác, kịp thời và hiệu quả.

  Để chủ động trước tình hình đó, Thư viện tỉnh đã bước đầu tạo lập các cơ sở dữ liệu địa chí toàn văn, số hóa các loại hình tài liệu quý, độc bản, đổi mới phương thức phục vụ, tạo điều kiện cho bạn đọc khai thác thông tin nhanh chóng, phù hợp nhu cầu, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, làm tiền đề tiến đến phát triển thư viện số những năm tiếp theo.

   Để bạn đọc định hướng được nguồn tài liệu cần nghiên cứu, Ban Giám  Thư viện tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Tủ sách Văn hiến Quảng Ninh. Trong đó, chú trọng công tác thu thập tài liệu quý hiếm; tài nguyên thông tin về tiếng nói, chữ viết của người dân tộc thiểu số; tài nguyên thông tin của địa phương và viết về địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số về địa phương, góp phần khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng của tỉnh nhà, hướng tới xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền và là tiền để cho việc phát triển kinh tế, xã hội tỉnh.

   Song song với việc xây dựng tủ sách, Thư viện tỉnh còn tổ chức trưng bày, triển lãm tài liệu địa chí dưới nhiều hình thức. Đồng thời, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hướng đến việc triển khai triển lãm trực tuyến, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay và đẩy mạnh công tác phục vụ tài liệu địa chí Quảng Ninh qua phần mềm Thư viện số; tư vấn, hướng dẫn bạn đọc tra cứu những tài liệu địa chí có giá trị về mặt lịch sử, chính trị, văn hóa,... phục vụ cho các cuộc thi lớn trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt là đối tượng bạn đọc thiếu nhi tham gia các cuộc thi tuyên truyền, giới thiệu sách về Quảng Ninh.

Cán bộ thư viện hướng dẫn độc giả tra cứu và sử dụng tài liệu địa chí (Ảnh tư liệu)

   Để nguồn thông tin địa chí được phong phú, đáp ứng đa dạng nhu cầu thông tin của bạn đọc, Thư viện tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ chính: Tiếp tục sưu tầm, bổ sung các tài liệu quý hiếm; Biên soạn thư mục giới thiệu các tài liệu địa chí tiêu biểu; Từng bước thực hiện số hóa Tủ sách Văn hiến Quảng Ninh; Đẩy mạnh công tác phối hợp truyền thông trước hết là thông qua các Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, ban ngành phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu khoa học, làm luận văn, luận án, bài dự thi,... cho mọi đối tượng bạn đọc một cách kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả. Tin tưởng rằng, với những nỗ lực cùng những đổi mới, sáng tạo không ngừng trong các hoạt động của Thư viện tỉnh sẽ mang lại bước tiến mới trong việc nâng cao văn hoá đọc góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển văn hóa – xã hội, kinh tế, chính trị của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và của cả nước nói chung trong thời kỳ phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030./.

Tùng Loan

 

 

 

Gọi điện: 0203.6500.163
Facebook Youtube
wiget Chat Zalo