Mở cửa các ngày từ Thứ 3 – Chủ Nhật hàng tuần. Buổi sáng từ 7h30 - 12h00. Buổi chiều từ 13h30 - 16h30
Tin tức về Quảng Ninh

"Tình người ngành Than là cái gốc của văn hoá thợ mỏ…"

Ngày 08-11-2017 Lượt xem: 137

Là người làm kinh tế nhưng ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam lại quan tâm một cách sâu sắc đến văn hoá...

Nhân dịp trở lại Vùng mỏ dự một hội thảo về văn học công nhân, ông Đoàn Văn Kiển đã dành cho phóng viên Báo Quảng Ninh Cuối tuần một cuộc trò chuyện thân tình.

- Thưa ông, tôi được biết, với cương vị là tư lệnh một ngành kinh tế lớn, nhưng ông lại dành rất nhiều tâm sức đi tìm một bức chỉ dụ. Điều gì đã thôi thúc ông vậy?
+ Chúng tôi đi tìm vì đó là bức chỉ dụ khai sinh ra ngành công nghiệp khai thác than. Trước khi tìm được bức chỉ dụ này chúng tôi chỉ biết năm vua Minh Mạng cho khai thác than, chứ chưa biết ngày tháng. Tôi phải mất 2 năm mới tìm kiếm ra được. Lời chỉ dụ đó đã có trong sách sử nhưng chỉ ghi là mùa đông 1839. Tôi phải nhờ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và đích thân vào tận Bảo tàng Huế. Năm 1995, tôi bắt đầu cho anh em đi sưu tầm, đến năm 1997, tôi vào Huế và nhờ ông Phùng Phu, kiến trúc sư lúc đó đang là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Cố đô Huế. Tôi cũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và được các đồng chí rất ủng hộ. Ông Phùng Phu và đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ tỉnh giao, đã dốc sức đi tìm bức chỉ dụ này. Và nhờ bức chỉ dụ tìm thầy đó chúng tôi mới biết rằng ngày khai sinh ra ngành Than là ngày mùng 10 tháng Giêng năm 1840. Chúng tôi cũng tìm ra địa điểm đầu tiên cho khai thác than, nơi mà các cụ tình cờ đốt lửa phát hiện ra ở vùng đất này có loại đá có thể cháy phát sinh ra nhiệt. Thế rồi tìm ra bãi đúc tiền gần miếu Bà Chúa Kẽm. Sau này, tôi tin rằng nếu ngành Văn hoá làm khai quật khảo cổ học chắc chắn sẽ phát hiện ra tiền ở chỗ đó. Ngành Than đã dùng tiền đóng góp của công nhân viên chức để trùng tu Hiển Đức môn như một sự tạ ơn. Ở Mạo Khê, ngành Than cũng đã trùng tu, di tích Miếu mỏ, địa điểm khai thác than đầu tiên ở Việt Nam...

- Thưa ông, ông rất quan tâm đến việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp, văn hoá ngành Than nên đã chủ trương “trí thức hoá” đội ngũ công nhân mỏ. Còn một khía cạnh nữa, theo tôi nghĩ, đó là ngành Than đã “nghệ sĩ hoá” đội ngũ công nhân. Ông có nghĩ vậy không?

+ Tôi không nói nghệ sĩ hoá, nhưng trí thức hoá thì đúng. Mà nghệ sĩ cũng là trí thức chứ. Trí thức hoá chứ không phải tri thức hoá. Biến họ từ những con người mặc vào bộ quần áo bảo hộ rồi đi cuốc xẻng búa đục than thành người vận hành xe hàng trăm tấn, dây chuyền công nghệ hiện đại, băng tải tự động hóa, trăm chống hiện đại. Họ không thể là những người trình độ kiểu “A, B, C”, mà phải là những người được đào tạo, được học hành bài bản được rèn luyện. Bây giờ, ngành Than có cả kỹ sư thợ lò. Nên tôi phản đối chuyện bảo kỹ sư ngành Than làm việc gián tiếp. Họ làm việc trực tiếp tạo ra sản phẩm đấy chứ.

Quay lại chuyện trí thức hoá, nghĩa là đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động, không phải chỉ dạy người ta đào cuốc than mà đào tạo cả những hiểu biết nghề nghiệp trình độ văn hoá dân trí, hiểu biết xã hội. Thợ mỏ bây giờ không như xưa, ai cũng có điện thoại thông minh để vào mạng tìm hiểu thông tin. Xã hội thay đổi thì công nhân mỏ cũng cần được nâng cao trình độ. Do đó, số lượng lao động sẽ bớt đi, năng suất lao động sẽ được nâng lên. Thắng hay thua nằm ở chỗ tăng năng suất lao động.

Cùng với đó, thợ mỏ sinh ra nhiều tài năng. Có người là nghệ sĩ, là nhà văn nghĩa là cái tầm văn hoá được nâng cao. Ngành Than nhìn ra cái quá trình đó và tạo chất xúc tác để cho quá trình đó diễn ra nhanh hơn. Người lãnh đạo ngành Than phải tạo điều kiện cho cấp dưới, cho công nhân của mình, tôn trọng tính cách, công việc của họ, tạo điều kiện để họ phát triển yếu tố trí tuệ, tính cách cá nhân, để họ tự tin phát triển đóng góp cho xã hội. Do đó, nếu họ đam mê, có ý thức sáng tạo thì họ thành nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà điêu khắc. Cái trí thức hoá của công nhân là như vậy. Do đó trí thức hoá là phải hiểu biết nhiều, học nhiều, tự học qua sách vở, qua xã hội chứ không phải học để lấy bằng cấp.
Vì vậy, từ năm 1995, ngành Than đã thành lập Câu lạc bộ văn hoá công nhân chắp cánh cho các cây bút văn xuôi thơ, các văn nghệ sĩ công nhân. Sách công nhân viết ra triển lãm công nhân cũng được tài trợ, người ngoài viết về ngành Than cũng được tài trợ. Đây là sự tạo điều kiện cho đời sống tinh thần của Vùng mỏ của ngành Than thêm phát triển...

- Văn hoá người thợ mỏ có những đặc trưng rất riêng. Theo ông, nó thể hiện như thế nào?

+ Văn hoá thợ mỏ được tôi lý giải ra rằng cái gốc của nó là tình người thợ mỏ, tình người ngành Than. Cái này xuất phát ngay từ bức chỉ dụ của vua Minh Mạng. Tổng đốc Hải An (Hải Dương và Quảng Yên) Tôn Thất Bật đã tâu vua rằng dân chúng khốn khó họ đều tình nguyện làm thuê để lấy tiền nuôi thân. Tổng đốc xin vua được khai thác than. Vua bảo hãy thư thư khoan sức dân vì dân khốn khó. Nhưng quan Tổng đốc lại muốn tạo sinh kế cho dân làm thuê để nuôi thân. Vua đồng thuận nhưng phải làm cho chặt chẽ, làm cẩn thận để an ủi sự ưu huệ của vua với dân. Như thế, có thể thấy rằng, người làm quan ở đất này rất thương dân, xin vua cho dân khai thác than để lấy tiền nuôi thân. Vua cũng là vua sáng. Chúng tôi vẫn coi rằng Tổng đốc Tôn Thất Bật là Tổng Giám đốc đầu tiên của ngành Than. Vua và quan đều thương dân như thế thì tại sao sau này chúng ta lại không thương dân chúng, thương thợ mỏ cần lao.

Mà nói cho cùng thì cuộc đình công năm 1936 cũng vì thợ mỏ thương nhau mà đứng lên đấu tranh. Hàng vạn người đi đình công. Trước đó họ lĩnh lương để mua gạo, mua muối, mua cá khô để chuẩn bị cho cuộc đình công. Ở đâu tôi không biết chứ ở ngành Than tôi thấy khổ mấy có đói ăn đến mấy thì thợ mỏ vẫn hát, vẫn lạc quan tin tưởng vào ngày mai, càng yêu hơn cuộc đời này. Đó là tính cách vượt lên gian khổ của người thợ. Người ngành Than yêu thương nhau, đùm bọc nhau, sướng khổ có nhau, sống chết vì nhau để vượt qua mọi gian khó. Người thợ mỏ cực kỳ thẳng thắn và trung thực. Nói là nói thẳng, ngắn mà đúng, chẳng bao giờ đơn sai. Họ trọng lời hứa không bao giờ mượn rượu để nói chuyện. Thợ lò uống rượu cũng khác. Uống sòng phẳng uống không bài vở. Chỉ cần nhìn cách thợ lò uống xong đặt cốc thôi cũng giống với những người thợ làm công việc khác.

Cái tình người ngành Than còn thể hiện ở chỗ không có đất nước nào chăm lo đời sống cho thợ mỏ từ bữa ăn đến chuyện giặt áo quần như ở Việt Nam.


- Văn hoá thợ mỏ và văn hoá biển có quan hệ khăng khít để tạo thành văn hoá Quảng Ninh. Mối quan hệ đó được ông gọi là “đặc sản văn hoá”. Ông có thể nói rõ hơn điều này?

+ Văn hoá thợ mỏ là bộ phận của văn hoá Quảng Ninh. Tuy nhiên, văn hoá Quảng Ninh lại xuất phát từ văn hoá Hạ Long. Vì thế cho nên hai cái đó song hành và giao thoa với nhau tạo ra văn hoá Quảng Ninh. Tôi gọi đó là “đặc sản văn hoá” Quảng Ninh. Bởi Quảng Ninh là vùng đất tụ hội dân cư nhiều nơi về nên tính cục bộ gần như không có, nếu có cũng không nhiều. Người Quảng Ninh từ đồng bằng sông Hồng, từ Thanh Nghệ Tĩnh ra lập nghiệp, rồi đồng bào dân tộc ở đây từ trước nữa. Ông Sán Dìu chẳng họ hàng gì với ông từ Nghệ An, Hà Tĩnh ra. Vì thế họ sống với nhau rất cởi mở giao thoa tụ hội vùng miền. Văn hoá Quảng Ninh khác ở Thái Bình, Nam Định mặc dù thợ mỏ ở đây trước kia nhiều người đi ra từ đất ấy. Nhưng vùng đất mới đã rèn luyện con người, con người phải hào nhập vào Vùng mỏ này để tạo ra những nét văn hoá mới...

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
                                                                                    Phạm Học (Thực hiện) 

Gọi điện: 0203.6500.163
Facebook Youtube
wiget Chat Zalo